Theo blog Giai điệu tổ quốc tôi
Dân Luận: Nguy cơ một cuộc biểu tình ôn hòa chuyển thành bạo lực là có thực. Nhưng nó đến từ cả hai phía, chứ không phải chỉ từ những người biểu tình: Nếu những cuộc đấu tranh ôn hòa bị đáp trả bằng bạo lực, bằng đàn áp, bằng những bản án bất công thì sức chịu đựng của con người sẽ bị thử thách, và khi không còn chịu đựng được nữa người ta sẽ đáp trả bằng bạo lực. Đó là ý nghĩa của câu "Những ai ngăn cản sự thay đổi diễn ra một cách hòa bình tức là đang chào đón những thay đổi bạo lực".Những tổ chức xã hội dân sự ra đời là bởi nhu cầu của người dân trước bất công của xã hội, không ai có thể thúc người dân gia nhập những tổ chức đó nếu họ không có nhu cầu. Muốn tránh nguy cơ bạo động, Đảng và nhà nước phải giải quyết thỏa đáng những nhu cầu đó của người dân, chứ không phải bưng bít và trấn áp xã hội dân sự. Làm như thế tức là anh đang bơm cho quả bóng bức xúc mỗi ngày một đầy hơi, để đến khi nó bùng nổ thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.
Khi các nhóm dân chủ đua nhau giương khẩu hiệu “đấu tranh bất bạo động”, phát triển Xã hội dân sự để thay đổi thể chế ôn hòa? Hãy nhìn Ukraina!
Mặc dù trước đó, lý thuyết về Cách mạng “bất bạo động” được rao giảng khắp nơi trên thế giới cho các lãnh tụ phong trào đấu tranh, nhưng thực tế là, không có đám đông nào không bạo lực và tàn phá. Khi mới bắt đầu biểu tình vào ngày 18, đây cũng chỉ là một cuộc biểu tình “bình thường” do người dân vì quá bức xúc với cách điều hành đất nước của chính phủ mà lên tiếng. Nhưng ngay khi bom xăng được ném ra, ta có thể thấy “cuộc tấn công” này đã được chuẩn bị từ trước. Việc chiếm kho vũ khí, cướp 1500 súng ống và 100.000 viên đạn trong thời điểm hỗn loạn và phẫn nộ là sự minh chứng rõ ràng cho mục đích bạo động của những người cầm đầu. Phải thừa nhận rằng, các thủ lĩnh phe đối lập là một người rất hiểu tâm lý đám đông.
Cuộc Cách mạng Cam lần thứ II diễn ra khác rất nhiều so với cuộc Cách mạng Cam lần thứ I ở chỗ: Nếu cuộc Cách mạng Cam lần thứ I có người cầm đầu một cách chính danh thì Cuộc Cách mạng Cam lần II là cuộc Cách mạng “xã hội dân sự”. Những người cầm đầu không ra mặt, họ để những người đấu tranh dân sự và sinh viên đứng ra vận động; những người đi đầu xuống đường là các giáo sĩ, ca sĩ nhạc Pop, các thành phần quá khích (những người có sức triệu tập đám đông) đi trước hô hào. Những người tham gia cuộc biểu tình, ai cũng có sẵn sự phẫn nộ bên trong và khi ở trong đám đông, nó được cộng hưởng đến mức không thể kiểm soát được. Không một nhà đấu tranh “bất bạo động” thực sự nào lại tập trung một đám đông phẫn nộ luôn có nguy cơ bùng phát bạo lực để gây áp lực với chính phủ, còn mình thì đứng đằng sau giấu mặt.
Đây là chiến lược mà những người “đấu tranh bất bạo động” đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng phong trào xã hội dân sự hiện nay do Nguyễn Quang A và một số trí thức (Diễn đàn Xã hội dân sự) và nhóm Đoan Trang – Trịnh Hữu Long – Nguyễn Anh Tuấn (Mạng lưới Blogger 258) với sự đỡ đầu của VOICE- Trịnh Hội, Dân làm báo khởi xướng. Họ, với vai trò là những nhà vận động xã hội, hi vọng rằng có thể tạo ra một đám đông để gây áp lực với chính quyền Việt Nam đương thời. Hiện nay, họ sử dụng những tầng lớp có thể tạo dựng đám đông là các linh mục, những trí thức và những luật sư bảo vệ dân oan; với thông điệp vô thưởng vô phạt như Nhân quyền hay chống Trung Quốc. Họ nói rằng những cuộc biểu tình của họ là “ôn hòa” và “bất bạo động”; nhưng thực tế, những ngôn từ này chỉ thích hợp khi đám đông vẫn còn là số ít và yếu thế. Khi đám đông này mạnh lên, một sự tàn phá là không thể tránh khỏi trong tương lai. Những người cầm đầu giấu mặt chẳng lẽ lại không đủ kiến thức và kinh nghiệm để hiểu thực tế hiển nhiên này? Không có lý chút nào khi kéo một đám đông đến đòi quyền lợi và khi không được đáp ứng lại lặng lẽ giải tán, không khác nào như đi đòi nợ không được trả rồi cứ im lặng ra về và món nợ cũng chìm vào quên lãng. Khi không được đáp ứng, chắc hẳn họ sẽ có các hành vi bạo lực theo kiểu không đòi được thì cướp.
Trong sự kiện ngày 18,19/2/2014 tại Ukraina, đã có 21 người thiệt mạng, trong đó có 7 cảnh sát và 14 dân thường. Các hành vi bạo lực sẽ luôn nhận lấy sự đáp trả bằng bạo lực, và người được lợi tất nhiên không phải là người dân. Cuộc Cách mạng dân sự không mang đến cho người dân quyền lợi dân sự mà chỉ sử dụng sự phẫn nộ để tạo dựng đám đông cho những thủ lĩnh phe đối lập. Tất cả các cuộc biểu tình dân sự lớn ở Ả Rập, Ai Cập, Thái Lan và nay là Ukraina, không trước thì sau, đều dẫn đến một kết luận rằng: “Không có Cách mạng bất bạo động và không bao giờ có đám đông ôn hòa”
Nguyễn Ngọc Bích