Monday, 24 February 2014

Anh Ba Hoanh - Trần Mộng Lâm

Một truyện ngắn của nhà văn Vũ Thư Hiên mà tôi đọc được mới đây, do một người bạn gửi tới, làm tôi suy nghĩ mung lung. Câu truyện kể về cuộc tìmh duyên của 2 đưá trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Chúng yêu nhau và muốn nên vợ, nên chồng. Một câu truyện tầm thường, như trăm ngàn truyện tình khác. Câu truyện chỉ trở nên éo le khi hai ông bố gặp nhau và phát giác về dĩ vãng của nhau . Ông bố của người con trai nhận ra được ông bố của cô gái chính là người công an việt cộng ngày trước đã ác ôn  hành hạ mình khi còn ở Việt Nam, và ông công an cũng nhận ra được người cựu tù nhân của mình. Dĩ nhiên là họ không thể chấp nhận nhau nhưng tình cảm của 2 đứa trẻ quá lớn, nên phe nhà trai đành phải chọn giải pháp là cho ông bố vắng mặt, để cho ông Vũ Thư Hiên, trong ngôi thứ nhất trong truyện, thay mặt phụ thân của tân lang, đứng ra cử hành hôn lễ cho hai trẻ. Sau khi chúng đã nên vợ, nên chồng, 2 ông bố vẫn không chịu nhìn nhau. Một năm trôi qua, rồi ba năm, bốn năm, họ gan lỳ trong quyết định của mình. Rồi một cậu bé ra đời, lớn lên trên quê hương mới, tổ quốc mới. Tác giả cho câu truyện chấm dứt ở chỗ một ngày kia, đứa nhỏ chập chững biết đi, trên một vỉa hè nước Đức. Hai bên có 2 ông già nắm tay. Hai ông già này chính là ông nội và ông ngoại của câu bé, hai oan gia của một thời dĩ vãng xa xôi.

Đoạn kết của câu truyện làm tôi nhớ tới đoạn kết của phim Bác Sỹ Jivago, thực hiện dựa theo cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Nga Boris Pasternak. Trong bộ phim nổi tiếng đã đoạt giải Oscar này, khi Yevgraf, anh hay em của Jivago, đi tìm cô cháu, con của Jivago và Lara, đã thất lạc và không biết cha mẹ ruột của mình là ai. Cô bé ngày nay đã mang tên Tonya Komarov. Khi gặp cô, Yevgraf cũng còn hoài nghi không biết mình có tìm đúng người hay không. Sự hoài nghi của ông ta biến mất khi ông nhìn thấy Tonya khoác trên vai cây đàn Bolalanka, cây đàn mà Jivago say mê. Niềm say mê của ông được tiếp diễn bởi đứa con Tonya. Cuộc đời sau bao sóng gió vẫn tiếp tục, và bao nhiêu oan nghiệt của cả một thế hệ đã tan biến với thời gian. Phải chăng đó là thông điệp mà Boris Pasternak ngày trước, và Vũ Thư Hiên sau này muốn gửi gấm qua các tác phẩm của mình?

Cuộc chiến tranh xâm lấn Miền Nam Việt Nam chấm dứt năm 1975. Cuộc chiến này đã đem lại cho chúng ta biết bao oan khiên. Thời gian qua đi, nhưng chúng có thể xoá mờ những vết lở loét trong lòng những nạn nhân như chúng ta dễ dàng như sóng biển xóa nhòa trên cát trắng những vết chân hay không?? Tôi suy nghĩ miên man, và tôi nghĩ tới một nhân vật , anh Ba Hoanh…
   
Anh ta là cán bộ quản giáo của tôi, khi tôi bị Việt Cộng bắt đi cải tạo, những năm sau 1975. Viết về những cán bộ Việt Cộng trong trại học tập, những năm tù tội của tôi, tôi cũng muốn viết cường độ một chút, mô tả họ như các hung thần, ác ôn, hành hạ chúng tôi, nhưng rất tiếc, tôi không thể viết như vậy được, chỉ vì một lý do, tôi không thể viết sai sự thực. Đây chỉ là một trường hợp cá biệt, của riêng tôi. Xin đừng ai suy rộng ra để kết luận này nọ, gán cho tôi những điều này, ý kia, mà tôi không hề có, xin làm ơn. Lòng tự trọng và sự lương thiện mà cha mẹ đã dậy cho tôi từ nhỏ khiến cho tôi chỉ có thể có sao viết vậy mà thôi. Những năm tháng đó, quả có khó khăn cho tôi, ăn uống thiếu thốn, lại hoảng sợ vì không biết tương lai sẽ ra sao, khi nào được thả, và rồi đây sẽ làm gì để sinh sống, toàn là những câu hỏi làm mình mất ngủ, nhưng bị đánh đập, hành hạ, thì không. Có lẽ cũng vì lũ chúng tôi có may mắn, là được quân đội, chứ không phải bọn công an,  quản trị, lại ở miền Tây, nơi chiến trường tương đối nhẹ những năm cuối cuộc chiến, nên dễ thở một chút

Tôi còn nhớ, khi đó, bọn chúng tôi được chia ra thành từng nhóm . Mỗi nhóm khoảng 100 người, chia thành 10 tiểu đội, mỗi tiểu đội là 10 người. Mỗi nhóm như vậy gọi theo Việt Cộng là một C. Mỗi sỹ quan Việt Cộng, hình như cấp bậc thiếu úy, phụ trách một C.

Ba Hoanh là sỹ quan chính trị viên, cho 5C, nghĩa là cho 500 tù nhân, quân số tương đương cho 1 tiểu đoàn, nếu tôi nhớ không lầm. Khi đó, chúng tôi được tập trung về Trà Nóc, doanh trại cũ của hậu cứ tiểu đoàn 33 bộ binh quân đoàn 4 trước khi được đưa đi lao động tại rừng U Minh sau này. Việc ăn uống dĩ nhiên là thiếu thốn, chỉ có cơm trắng và một chút cá ôi thối, nên nhiều người trong chúng tôi sau vài tháng, trở thành gầy, xanh, như thiếu máu trầm trọng. Cũng may, nhiều người được gia đình, ở Cần Thơ, thăm nuôi, gửi đồ ăn vào, đường, bánh tét, dưa mắm…v.v, nên sau mỗi kỳ thăm nuôi, không khí nhộn nhịp hẳn lên. Những khi đó, ba Hoanh hay lê la xuống các tổ, chuyện gẫu với chúng tôi.

Về ngoại hình, thì cũng như những cán bộ Việt Công khác, ba Hoanh chẳng ra dáng sỹ quan tí nào. Anh ta người gầy gò, mặt mũi nghêu ngao, lại mặc bộ quân phục nhầu nát của việt cộng, chân lê đôi dép râu, có thể nói là bệ rạc, tuy không đến nỗi như người ta nói, 3 thằng đeo một cọng đu đủ không rớt.  Sau một vài lần tiếp xúc, cả C biết được là thị giác của ba Hoanh rất kém, và thính lực cũng suy giảm nhiều. Anh ta nói đó là hậu quả của những lần ăn bom của B 52, trên đường xâm nhập Miền Nam, qua đường mòn HCM. Tuy vậy, khi nói chuyện với chúng tôi, anh ta không tỏ ra dữ dằn gì, có lẽ anh ta bản tính hiền lành, và anh ta cũng biết là chẳng bao lâu nữa, sau công tác này , anh sẽ bị phục viên, trở thành thường dân thôi.

Khi đó chúng tôi vào tù đã được gầm một năm. Tại hậu cứ trung đoàn 33, chúng tôi chẳng có việc gì làm, suốt ngày lỏng nhỏng, ra tắm ở hồ sen, tìm các miếng nhôm còn sót lại trong doanh trại, làm thành các chiếc lược, gửi về cho vợ, người yêu.Các bạn tôi khéo tay lắm. Sản phẩm của họ tạo ra rất đẹp, lại trạm trổ công phu, trông rất bắt mắt Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được như vậy, những người tay chân vụng về như tôi, chĩ biết nhìn ngắm các tác phẩm của các bạn, hay cùng lắm là đi theo các người không có thân nhân thăm nuôi, lục lạo các xó xỉnh, tìm bắt tất cả những gì «nhúc nhích» được, là bắt để ăn cho đỡ cái thèm thịt, thèm chất béo.

Không giống mậy tên Quân Y chúng tôi, các cựu sĩ quan các binh chủng khác rất tháo vát, giỏi xoay sở. Chẳng bao lâu thì một anh bạn, trước là đại úy Công Binh, tên là Lý, trở thành người thân tín của ba Hoanh. Anh Lý có gia đình vợ ở Cần Thơ, là người buôn bán giỏi. Sau mỗi lần thăm nuôi, Lý nhận được rất nhiều quà, và nhửng lần như vậy, khi ba Hoanh xuống thăm, là có cà phê, kẹo, bánh đầy đủ.
Một hôm, không biết vì lý do gì, Lý kêu tôi ra một góc, nói nhỏ :

Tôi biết anh còn một cái xe Honda, hiện để tại nhà anh, do thằng nhỏ ở của anh giữ, tại lộ 20.

Thật tài tình, không hiểu tại sao anh ta biết rõ đến như vậy. Tôi quả có mua được một cái nhà tại cuối lộ 20. Độc thân, gia đình ở Sài Gòn, tôi nuôi một đứa nhỏ, là con một người y tá cũ, chết vì bệnh sưng màng óc, khi bị kêu lính, tập trung về Trung Tâm 4 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, để lại đứa con côi cút. Thương tình, tôi đem đứa nhỏ về nuôi Khi tôi đi trình diện học tập, bị bắt nhốt luôn, không cho về nhà,  thằng nhỏ ở lại giữ nhà, và quản thủ luôn của cải của tôi còn sót lại, trong đó có tiền bạc và chiếc xe honda đàn bà, 50 phân khối tôi mới mua năm 1974. Lý nói với tôi :

- Anh làm giấy cho anh Ba Hoanh chiếc xe này đi, sẽ được về sớm .

Tôi nghĩ là Lý đang tìm cách lường gạt tôi. Trong đầu óc của tôi, lúc ấy, là Lý chỉ nói ba xạo. Ba Hoanh tài cán gì mà làm cho tôi được về sớm. Chính sách phải ở các cấp cao hơn quyết định, vả lại, người lính CS,chiến đấu vì lý tưởng, chắc họ đâu có tham nhũng.

Tôi từ chối. Lý nhìn tôi một cách lạ lùng :

            - Việc đó tùy anh, anh không tin tôi thì thôi.

Những sự việc diễn ra sau đó khiến tôi nhận ra được là mình đã sai lầm trầm trọng khi nghĩ rằng người bộ đội CS chiến đấu vì lý tưởng. Không hiểi ngoài Bắc ra sao, chứ ở Miền Tây, vào thời điểm đó, chạy chọt bằng hối lộ rất có hiệu quả. Có rất nhiều ông lớn mang đến lon trung tá, đại tá, đơn vị trưởng các cơ quan lớn, nhờ vàng bạc đút lót, được cấp cho một giấy gọi là «cơ sở của Cách Mạng», được miễn học tập, không ở tù ngày nào. Dĩ nhiên số vàng họ nhả ra phải rất lớn.

Chỉ ít lâu sau, độ vài tháng, bọn chúng tôi được tin là một số các cải tạo viên học tập tốt sẽ được đưa đi lao động. Lý và những người thân cận của anh ta có tên trong danh sách. Sau này, tôi được biết là bọn họ được đưa xuống Năm Căn, lao động vài tháng rồi được thả về với gia đình tại Cần Thơ. Tôi không có tên trong danh sách kỳ đó, trong khi nhiều người bạn, là sỹ quan hiện dịch, lại được đi. Thành ra, điều tôi tưỡng, là người sỹ quan bị động viên,  nhẹ hơn sỹ quan tình nguyện, và ở đơn vị không chiến đấu, nhẹ hơn người cầm súng, là trật lất.

Sau cuộc đưa một số người đi lao động đó, bọn chúng tôi còn lại tại trại giam Trà Nóc ít đi phân nủa. Các cán bộ quản giáo ít việc hơn nên họ được đi phép về Bắc thăm quê nhà. Ba Hoanh ở trong số đó. Anh ta vui ra mặt vì bị đưa vào Nam quá lâu. Anh ta vẫn lê la xuống nói chuyện với chúng tôi. Khi đó tôi lo việc y tế cho C của chúng tôi, giữ tủ thuốc. Một hôm Ba Hoanh nói với tôi : Tôi về thăm quê nhà kỳ này, không có quà gì, anh xem xem có thứ thuốc nào tốt, chia cho tôi một ít. Gia đình tôi có tiếp tế cho tôi mấy chục viên trụ sinh, tôi đưa hết cho Ba Hoanh, vì kinh nghiệm cho tôi biết, là trong hoàn cảnh này, phải lấy của che thân.

Ba Hoanh hồ hởi ra Bắc thăm quê độ một thánh thì về, nhưng vẻ vui tươi ngày trước, không hiểu vì sao, tan biến. Chỉ thấy anh ta mặt mày bí xị. Không ai dám hỏi vì sao.

Sáu tháng sau, đến lượt cả trại còn lại được đưa vào U Minh lao động.  Chúng tôi phải sửa soạn bằng cách mỗi người tự làm cho mình một tấm phản, có thể đặt trên mặt đất, làm chỗ nằm trong rừng U Minh.

Ngày khởi hành sau cùng cũng đến, và không hiểu vì lý do nào, các người vợ của các người cải tạo cũng có được tin. Chúng tôi được đưa xuống, như một bầy heo, vào một chiếc tầu cũ kỹ, bẫn thỉu, chạy trên sông từ Cần Thơ xuống Cà Mau. Không thể tả nổi kỹ niệm về chuyến di chuyển này, khi bọn tù phóng uế trên con tầu, trong một chuyến hải hành kéo dài vất vả.

Vào tới U Minh, chúng tôi lại tiếp tục kiếp tù.

Ba Hoanh, sỹ quan chính trị  viên, và các sỹ quan trưởng mỗi C, đóng tại một khu riêng, dành cho các quản giáo. Khu này là mật khu của Việt Công ngày trước (Kim Quy, Hòn Đá Bạc), dân chúng theo Việt Công 100%, nên họ không lo tù trốn trại. Bẩy Xuân là người sỹ quan lo về C3 của tôi, trong khi Ba Hoanh là sỹ quan chính trị viên .

Một hôm, Ba Hoanh gọi tôi lên căn nhà lá dành riêng cho anh ta. Bọn sỹ quan VC quản giáo ở mỗi người trong một căn nhà, không dính liền nhau, nên có thể nói chuyện riêng, không sợ người khác nghe được. Anh ta lấy lý do là muốn nhờ tôi châm cứu cho việc anh ta đau lưng gì đó, vì khi đó, tôi có nhờ gia đình gửi vào một bộ kim, và đang học hành châm cứu cho qua ngày, với bộ sách của Thượng tọa Tâm Ấn.

Việc ngạc nhiên là khi tôi vào gặp Ba Hoanh, chẳng thấy anh ta nói chuyện bệnh tật, hay chuyện chính trị, tuyên truyền chủ thuyết CS gì hết. Sau khi rót cho tôi một ly nước trà nguội, anh ta nói với tôi, không do tôi hỏi, mà hình như anh cần người tâm sự :

            - Về Bắc thăm nhà kỳ rồi, tôi buồn quá.

Tôi hỏi, cho có chuyện :

            - Chắc anh có gặp chị nhà.

Ba Hoanh như bị gãi trúng chỗ ngứa, nói một hơi :

            - Vợ chồng gì đâu, người yêu cũ thôi.

Rồi anh ta mơ màng, như nhớ về một dĩ vãng xa xôi :

          - Ngày ấy, khi tôi vào Nam, nàng đã ra tiễn tôi tại nơi xuất phát. Tôi còn nhớ hình ảnh của nàng, xinh đẹp. dịu dàng trong chiếc áo nâu. Khi xe chuyển bánh, tôi còn thấy nàng đứng bên cái xe đạp, đưa tay vẫy vẫy

            - Khi anh về thăm làng, có gặp lại chị không ?

            - Không, nàng lánh mặt.

            - Tại sao vậy.

            - Trong chiến tranh này, có nhiều mất mát. Những năm ấy, bọn trao trẻ chúng tôi đi rồi, trong làng chỉ còn những người già. Chiến tranh kéo dài, đời người ngắn, và những đòi hỏi về vật chất cũng rất bức bách. Nàng xa vào tay tên chủ nhiện Hợp Tác Xã làng tôi, tên này đã có vợ, và đáng tuổi cha, tuổi chú nàng. Khi tôi về, thì nàng đã có 2 con với tên này….!!

Nghe lời tâm sự của Ba Hoanh, tôi không biết nói sao. Im lặng một lát, Ba Hoanh nói tiếp :

            - Tôi sẽ không bao giờ trở lại Miền Bắc, tôi sẽ ở lại đây, sẽ lấy vợ ở đây.

            - Thế anh Ba đã tìm ra ai ưng ý chưa.

            - Tìm được rồi, nhưng còn phải cố gắng. Tôi gọi anh lên đây chính vì việc này. Cô ta người ở đây, không đẹp, nhưng hiền. Mẹ cô ta đang đau nặng, tôi nói tôi có thể nhờ người đến khám bịnh cho bà. Ngày mai anh theo tôi đến nhà cô ta. Tôi nghe nói các anh giỏi trị bệnh. Anh ráng giúp tôi, nếu bà ta khỏi bệnh, người ta sẽ có cảm tình với tôi.

Sáng hôm sau, Ba Hoanh đến kiếm tôi. Bẩy Xuân, có lẽ là bạn thân của Ba Hoanh, và cũng có lẽ hiểu chuyện, nói với tôi :

            - Anh theo anh Ba đi công tác.

Ba Hoanh dẫn tôi đi trên một con đê, Anh ta quoàng quanh cổ một chiếc khan rằn, và ăn mặc tươm tất, khác hẳn ngày thường. Trên đường đi, anh ta tâm sự tiếp với tôi :

            - Tôi dành dụm cũng được một chút tiềm. Tôi hiện đang có được ba chỉ vàng, mua được một chiếc xe đạp. một cái đồng hồ, và một cái đài nghe khá tốt. Các anh rồi sẽ dời đi chỗ khác, nhưng tôi sẽ ở lại đây nếu cô ta chịu. Sau khi các anh đi, tôi sẽ phục viên, sẽ phải tìm cách để sống thôi.

Điều tôi ngạc nhiên, là sau bao nhiêu lần nói chuyện với tôi, Ba Hoanh không bao giờ nói tới chuyện Chính Trị, tới lý tưởng CS gì hết. Anh ta cũng không nói gì về chiến tranh, trừ một lần anh ta nói về B52 :
            - Anh không thể hiểu nỗi khi B52 nó «trải thảm», kinh khiếp đến thế nào đâu. Máu nó chào ra khỏi lỗ tai. Tôi điếc là vì vậy đó.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện., chẳng bao lâu chúng tôi đến nhà cô Tư. Đây là một gia đình người Nam điển hình của miền quê. Không giầu có gì nhưng cũng không đến nỗi xơ xác. Cô Tư bán nước đá ở chợ. Hôm đó cô ta nghỉ bán vì mẹ đau. Bà ta bị sung phổi, ho và khó thở, khọt khẹt. Không cần là bác sỹ giỏi, tôi cũng biết mình phải làm gì. Tôi hỏi Ba Hoanh :

            - Số thuốc trụ sinh tôi đưa cho anh trước khi về Bắc, anh còn giữ không ?

Rất may Ba Hoanh vẫn còn giữ được. Anh chỉ định đem về tặng người yêu cũ, nay không còn ai để tặng nên lại đem về miền Nam. Hồi đó, kiếm được trụ sinh khó lắm.

Tôi nói với cô Tư :

            - Bác bệnh, nhưng anh Ba có thuốc, sẽ đem đến cho bác sau, cô đừng lo.

Tôi thấy cô Tư, một cô gái tròn trĩnh, hơi mập, nhưng không đẹp, cũng không xấu, nhìn ba Hoanh với ánh mắt long lanh, cảm ơn, pha lẫn một chút kiêu hãnh với mấy bà dì đến thăm. Không hiểu họ có tình ý gì với nhau trước hay không.

Ra khỏi nhà cô Tư, tôi còn nghe mấy bà dì nói với nhau, giọng oang oang, không biết vô tình hay cố ý:
            - Thời buổi gì kỳ quá, ngày xưa thời Thiệu Kỳ, mua gì cũng có, nay mua đinh, cũng phải xin phép !!!

Ba Hoanh chắc phải nghe rõ, cũng như tôi, vì chúng tôi đi bên nhau, nhưng tôi không thấy anh có phản ứng gì.

Xin đừng ai nghĩ là tôi đang viết để tuyên truyền hay đả kích ai. Tôi chỉ ghi lại ở đây cău chuyện thực, của ngày hôm đó, tuy rằng nghe ra như có vẻ hoang đường, bịa đặt.

Thời gian cứ trôi đi, tôi được thả về Cần Thơ sớm nhất trong bọn những người tù của thời đó, sau khi tốn mất 2 chỉ vàng và một chiếc đồng hồ Seiko. Ngày được trả tự do, tôi tiến cử với Ba Hoanh người bạn của tôi lên thế tôi lo về Y Tế. Người đó là anh Hoàng Cơ B, hiện nay đang ở Caroline du Sud. Một hôm, nhận được tin, tôi gọi anh hỏi :

           - Anh được thả cho về sau tôi có lâu không.

           - Tôi được thả ngay  đợt sau. Đó là nhờ anh đã cho biết về Ba Hoanh. Một hôm vắng vẻ, tôi vờ nắm lấy tay hắn nói: Anh Ba để tôi xem mạch xem có bệnh gì không. Thế là tôi để nhẹ một cái nhẫn trong tay hắn, hắn cũng nhẹ nhàng nắm tay lại, tỉnh bơ.

Bọn chúng tôi cười xặc với nhau trong điện thoại. Nếu CS không tham nhũng, thì chúng ta còn nhiều khổ đau. Tôi còn nhớ bác sỹ Lê Văn Thuấn, em ông Lê Văn Hoạch, ngày nào khuyên chúng tôi tại Cần Thơ tháng 5 năm 1975 : Hãy theo thời mà sống, hãy trôi theo dòng đời !!!

Trôi theo dòng đời là điều tôi đã học được của đàn anh. Nay chắc BS Thuấn không còn nữa, nhưng xin ghi lại ở đây lời khuyên quý báu đó.

Rất nhiều bạn tù của tôi hiện nay đang sống tại Mỷ, trong số đó có anh Nhơn. người gốc gác Cà Mau. Anh Nhơn mới đây cho tôi biết anh có về thăm Cà Mau. Anh nói với tôi :

            - Tôi có gặp tại chợ Cà Mau một cố nhân, anh có biết là ai không ?

            - Làm sao biết được cha nội. Ai đó, nói đi.

            - Đó là Ba Hoanh, vợ đang bán nước đá ở chợ Cà Mau.

            - Sao kỳ vậy, tôi tưởng anh ta ở lại Kim Qui, hòn Đá Bạc mà.

           - Thế mới nói, gia đình vợ hắn trước kia theo CS, giúp đỡ CS hết mức mà cũng không giữ nổi căn nhà, bị quy hoạch hóa cho một công trình du lịch gì đó. Họ phải dọn ra chợ Cà Mau.Bà mẹ vợ của hắn ra đến tận Hà Nội khiếu oan, nhưng cũng chẳng đi đến đâu

Lời của bạn khiến tôi nhớ lại hình ảnh một ngày nào, trên một con đê, một anh CS XHCH với chiếc khăn rằn, đi bên một anh tù cựu đại Úy quân y quân đội VNCH. Họ đi để tìm cách trị liệu cho một bà mẹ Việt Nam đau yếu.

Bà mẹ Việt Nam khi ấy thoát được một cơn sưng phổi, nhưng cuộc đời của bà sau đó cũng không khá gì, khi trở thành dân oan, một trong hàng ngàn, hàng vạn dân oan:

Tôi không phải là văn sỹ, tôi chỉ là một người đã có một chút kinh nghiệm sống dưới thời Công Sản. Tôi không thể viết được như ông Vũ Thư Hiên, càng thua xa lắc lơ ông Pasternak nên không thể dùng văn chương để ẩn dụ một điều gì. Tôi chỉ muốn nói rằng, với những người như Ba Hoanh, tôi không thấy một khó khăn nào khi phải bắt tay anh ta, nếu có thể gặp lại nhau thêm một lần trong đời. Với cuộc chiến vừa qua, có lẽ anh ta cũng như tôi, chỉ là những nạn nhân. Anh ta đã mất mối tình đầu, đã hao mòn thân xác, còn tôi, mất cả quê hương. Nhưng mà cái nguyên ủy của thảm trạng Việt Nam ngày nay, hình như không phải do những cá nhân như chúng tôi, tuy cả hai chúng tôi, mỗi người một con đường, một lối đi khác biệt. Giải pháp cho quê hương, xin đành trao cho các thế hệ mai sau.

Trần Mộng Lâm