Friday 28 February 2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 28-2-2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 24 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Tuần qua, thành ủy Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội nghị để thảo luận việc tái tạo nét thanh lịch cho thành phố này, cái nét thanh lịch mà nhiều người cho rằng đang mất đi, và nếu không tìm cách xây dựng lại, những nét đẹp của Hà Nội sẽ vĩnh viễn biến mất.
Không thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An
Hai câu này từ nhiều năm nay vẫn được người Hà Nội dùng để nói lên sự tự hào về con người và nét thanh lịch, tử tế, văn hóa, văn minh của người dân thủ đô mặc dù Trường An không phải là Hà Nội. Trường An là Hoa Lư cũ được vua Lý Thái Tổ đặt tên lại. Và trong dân gian, từ rất nhiều năm, người Hà Nội khi nói về nét đẹp của Hà Nội, đã coi Trường An là Hà Nội luôn.
Hà Nội thực ra cũng đã có một thời đẹp như thế. Hai câu lục bát mà người Hà Nội hay dùng để ngợi ca nét sang trọng, thanh lịch của người dân thủ đô dường như là của Nguyễn Công Trứ. Nhưng cho dù hai câu lục bát ấy là của ai chăng nữa thì vẫn là một khẳng định về nét thanh lịch của con người và của thành phố Hà Nội.
Nhưng cái đẹp của Hà Nội đã bị làm cho xấu đi rất nhiều. Từ lời ăn tiếng nói, đến tư cách con người, cách sống, lối "ứng xử" trong đời sống đang mỗi ngày mỗi suy thoái một cách đáng sợ. Bí thư thành ủy Hà Nội đã nói thẳng như thế tại cuộc hội nghị khi nói rằng cái xấu đang lấn cái đẹp, cái hay của Hà Nội. Một người khác thì nói Hà Nội phải tìm cách đẩy lùi những cái xấu đi, và việc xây dựng lại con người Hà Nội thanh lịch văn minh vẫn chưa được coi trọng và chưa thật sự lan tỏa rộng rãi.
Như vậy, chính những người Hà Nội đã phải nói lên những điều đó chứ chẳng phải là qua lời của những kẻ xấu chỉ toàn phóng đại những điều tiêu cực về Hà Nội.
Thực ra, chuyện Hà Nội càng ngày càng xấu đi người ta đã thấy từ lâu. Vaclav Havel, tổng thống Tiệp Khắc sau khi quốc gia này từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản có nói rằng những người Cộng Sản có một cái biệt tài là biến tất cả những cái đẹp thành những cái xấu. Hà Nội đã trở thành một đô thị rất xấu và người dân Hà Nội đã mất hết những nét thanh lịch văn minh từ lâu vẫn đi liền với con người Hà Nội.
Tiến trình biến Hà Nội và người dân Hà Nội trở thành xấu xa đã khởi sự ngay sau ngày Việt Nam bị chia đôi với đợt di cư của hơn một triệu người dân miền Bắc mà trong đó, một số khá đông đảo là những người dân Hà Nội. Những người ở lại Hà Nội sau đó cũng phải bỏ thành phố này vì bị buộc phải làm như thế sau những chiến dịch đánh tư sản mà người dân Sài Gòn cũng phải gánh chịu sau năm 1975.
Một con số đông đảo những thành phần không phải là người Hà Nội được đưa vào thủ đô, mang theo những nét không phải là của Hà Nội vào thành phố. Và từ đó, Hà Nội không còn là Hà Nội cũ nữa. Tiếng nói là thứ thay đổi trước nhất. Cùng với tiếng nói, là tính tình, cách cư xử trong đời sống hàng ngày, là con người Hà Nội.
"Dáng kiều thơm" trong giấc mơ của Quang Dũng (Tây Tiến) nhường chỗ cho những người gốc gác ở những thành phố khác kéo nhau vào sống ở Hà Nội. Hà Nội, tức là "em" trong Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành cũng không còn nữa. Hà Nội "dáng chiều ủ bóng tiên nga, mắt huyền ngây ngất đê mê, tóc thề thả gió lê thê" của Hoàng Dương chỉ sau mấy năm cũng biến mất.
Sau ngày Sài Gòn đổi chủ, những người Hà Nội vào Sài Gòn được mô tả ngay là "áo phin quần trắng, dáng điệu con sen là người Hà Nội". Những người từ Hà Nội vào Sài Gòn bầy ngay ra những nét "đẹp" xã hội chủ nghĩa qua chuyện học sinh chửi thề tục tĩu, vô lễ ở trường, người lớn thì phét lác chỉ lo chôm chỉa gian ác.
Những chi tiết ấy chẳng hề là sản phẩm của thái độ thù ghét của người miền Nam dành cho người Hà Nội. Những điều đó được tường thuật lại ngay trên những trang báo của nhà nước từ những năm cuối của thập niên 70: các nữ giáo sinh sư phạm cũng mỏ miệng ra là chửi thề hết sức tục tĩu.
Giữa Hà Nội, một ngôi trường đã phải dựng một tấm bảng ở giữa sân trường nói rõ lệnh cấm các học sinh nam nữ ôm hôn nhau, tụt quần trong sân trường.
Ở trường học mà đạo đức văn minh, lịch sự đã xuống cấp tới mức độ đó rồi sao?
Những tấm bia tiến sĩ trong Quốc Tử Giám thì bị học sinh leo lên ngồi để ... "tạo dáng". Chuyện ăn uống thì Hà Nội nổi tiếng với các món phở chửi, bún mắng, cháo quát. Tờ Dân Trí mới đây cho biết những hiện tượng thiếu văn minh và phản văn hóa đang càng ngày càng phổ biến hơn ở Hà Nội khiến thành phố này đang mất đi những nét văn hóa của miền đất nghìn năm văn hiến. Nhân viên phục vụ, chủ nhà hàng đều thi nhau ăn nói mất dậy, vô giáo dục trong khi khách vẫn nườm nượp kéo nhau đến vục mặt vào những tô phở, tô cháo để ăn trong khi bên tai thì tiếng quát mắng, chửi bới vẫn oang oang rền rĩ. Như thế, nét văn minh và văn hóa thiếu vắng hoàn toàn ở cả hai phía, phía chửi mắng và phía chấp nhận ngồi ăn và nghe chửi. Thái độ vô giáo dục, vô phép, hỗn láo đó mới đây đang được nói lên khá nhiều trên các báo trong nước. Trong mấy ngày trước Tết khi người dân đi mua bánh trái về cúng Tết thì cảnh hỗn láo tại những tiệm bán bánh mứt cũng được nói đến rất nhiều. Rồi chuyện một người vào công tác ở Sài Gòn phải viết lên báo khoe là ở Sài Gòn đã được một cô gái cám ơn khi ông chỉ làm giúp cô một việc rất nhỏ trên đường phố. Hay một người Hà Nội khác thì kinh ngạc khi thấy một cặp nam nữ cẩn thận bỏ ly cà phê giấy vào thùng rác sau khi uống hết cà phê. Kinh ngạc đến nỗi ông không tin đó là hai người trẻ ở Hà Nội.
Vì đâu Hà Nội lại xuống cấp như thế? Một số ý kiến cho rằng con người Hà Nội bây giờ không phải là những người dân Hà Nội đích thực. Một số khá đông từ các vùng khác chuyển vào Hà Nội và mang theo những cách sống thiếu văn minh và thiếu giáo dục của họ. Họ cũng mang theo những cái giọng không phải là giọng Hà Nội để làm biến dạng cái giọng nói của người Hà Nội. Hiện tượng này sẽ còn gia tăng trầm trọng thêm nữa khi các gia đình trẻ bận kiếm tiền, không có thì giờ dậy dỗ con cái phải thuê những người từ những nơi ngoài Hà Nội vào làm công việc giữ trẻ. Hiện nay, Hà Nội đã phải có một bộ luật quy định việc lựa chọn những thành phần được cho vào sống ở Hà Nội thí dụ phải có bao nhiêu năm công tác, có việc làm hay nhà cửa chưa... Nhưng ngay cả những thứ luật lệ đó cũng không thể xoay ngược lại tiến trình làm bẩn thành phố Hà Nội đi.
Hà Nội đã được dậy cho toàn những cách sống xấu xa từ trên xuống dưới thì làm thế nào từ nay đến năm 2015 thành phố này, như dự đoán của một đại biểu quốc hội, sẽ có được những đổi thay trong nề nếp sống cũng như văn hóa "ứng xử" của người dân Hà Nội.
Nhớ lại vài ba người Hà Nội mà tôi có dịp quen biết như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Đình Chương, Mai Thảo, Thái Thanh, Kiều Chinh, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng ... mới thấy đó mới chính là những người Hà Nội đích thực. Bao giờ cũng nhẹ nhàng, tinh tế, khéo léo, thân thiện, lễ phép. Những người như thế nay đã người còn người mất. Rồi họ cũng sẽ như những con khủng long tuyệt chủng, biến mất hoàn toàn trên mặt đất này. Hà Nội cũ đẹp chỉ còn trong trí nhớ. Hà Nội thanh lịch sẽ không bao giờ còn nữa.
Phá hỏng đi thì quá dễ. Xây dựng lại, tái tạo sẽ rất khó. Trường hợp Hà Nội thì chắc sẽ không thể làm được.

Ngày 25 tháng 2 năm 2014
Bạn ta.
Bây giờ thì đã thực sự hết Tết: còn "mồng" thì còn Tết, ngày tháng đã ra ngoài "mồng" thì hết Tết. Thế nên có nói vài ba chuyện liên quan đến chuyện chúc Tết thì cũng không sợ động chạm hay kiêng cữ gì.
Chuyện chúc nhau ngày Tết thì ông Tú Xương đã chán ngán từ cách đây hơn một thế kỷ. Nhưng từ đó đến nay, ngày Tết, người Việt vẫn chúc nhau hệt như thời ông Tú còn sống. Không phải chỉ chúc nhau ngày Tết, mà nhân bất cứ một dịp nào, hễ có thể chúc nhau được một cái thì chúng ta liền ... chúc nhau ngay.
Gặp người đi buôn thì chúc mua may bán đắt. Gặp người ốm đau hệnh hoạn thì chúc mau lành bệnh. Gặp người đi thi thì chúc bảng hổ đề danh. Gặp người sắp đi xa thì chúc đi bình an... Cứ thế gặp đâu chúc đó.
Nhưng chuyện chúc nhau như thế có đem lại gì cho người nhận được lời chúc không? Tôi không nghĩ như vậy. Nhà buôn không phải lúc nào cũng phát tài, nhất bản vạn lợi. Người ốm nặng thường khó qua khỏi. Cuộc đời có sinh tất có bệnh, có già, có chết... Không tin chiều nay ghé thăm nghĩa địa là biết ngay. Đi thi vẫn có thể vỏ chuối đều đều. Lúc ấy lại đổ cho là học tài thi phận. Như vậy, được chúc thi đậu vẫn có thể trượt như thường. Đi xa có khi xe lửa trật đường rầy, tầu bay gặp khủng bố, đang bay trục trặc máy, hết xăng đáp không kịp. Nếu chúc gì được nấy thì những chuyện như trên đã chẳng bao giờ xẩy ra. Thế giới yên bình, người người hạnh phúc.
Còn người chúc thì sao? Có thật lòng chúc nhau không đây? Đọc bài thơ Chúc Tết của ông Tú Vị Xuyên là biết ngay:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giầu
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước, đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người trong nước
Sao được cho ra cái giống người.
Rõ ràng là ông không tin vào chuyện chúc nhau những thứ tốt đẹp như thế.
Vậy thì chúc nhau làm gì?
Thì chúc nhau nghe cho vui như ông Bùi Giáng "vui quá giả bộ buồn" vậy mà. Thế nên chúc là chúc, nhưng có thật sự mong lời chúc của mình trở thành sự thật không? Chắc nhiều phần là không. Ông lang thì đời nào chúc mọi người sức khỏe dẻo dai, sống lâu trăm tuổi, không ốm đau sầu não, chúc sống lâu, sống khỏe, sống bất tận như một lời rao dốt và ngớ ngẩn nào. Mọi người khỏe mạnh thì lấy ai đi kiếm thầy thuốc đây?
Chúc thi đâu đỗ đấy, có võng, có lọng làm quan lớn tối rượu sâm banh, sáng sữa bò thì làm gì có ông Tú Xương cho văn học Việt Nam nữa. Ông Tú thấy chúc nhau cho đã, rồi ... khổ tiếp nên ông mới chán đời làm những câu trên bây giờ đọc lên vẫn còn thấm thía.
Hình như nhiều người cũng thấy như thế. Tết nhất thì cũng phải vài ba câu, lí nhí cho xong chuyện chứ có mấy ai thực tình mong tất cả những chuyện tốt đẹp trong lời chúc trở thành sự thực cho người được chúc.
Chúc một người bệnh đang thập tử nhất sinh mà cầu cho người ấy tai qua nạn khỏi, vươn vai đứng dậy như Phù Đổng Thiên Vương thì đúng là chúc ... xạo. Chúc chủ nhân một cơ sở thương mại hàng xóm phát tài làm ăn bốc như phi đạn thì đã không phải rình coi có khách của nó đậu xe lấn sang bãi đậu phía mình không để còn gọi xe tow đi cho bõ ghét. Chúc con cái chúng nó toàn bằng nọ bằng kia trong khi con cái mình cứ nhuộm tóc xanh đỏ đi nhẩy múa cho vài ba trung tâm băng nhạc thì bộ điên hay sao.
Như vậy thì sao mà hết lòng thành khẩn trong mấy câu chúc cho được. Trong một cuốn tiểu thuyết nọ, một nhân vật thắp hương khấn truớc bàn thờ xin Trời Phật làm sao cho cái thằng đáng ghét nọ chết đường chết chợ cho rồi. Nhưng Trời Phật bao giờ lại làm vậy. Tuy nhiên, chúc ác thì vẫn chúc ác như thường.
Vậy thì làm gì bây giờ? Thôi thì quay lại chúc mình vậy. Chúc mình thì có thể lòng thành hơn. Chắc mấy thứ trái cây bầy lên bàn thờ không nỡ phụ tấm lòng thành đó: quả mãng cầu, quả dừa, quả đu đủ cùng với trái soài vậy.
Lời chúc không quá đáng, cũng chẳng hướng sự độc ác về phiá ai. Cúng xong, hạ xuống ăn càng đã đời chứ sao!

Ngày 27 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Thỉnh thoảng mấy cậu Việt Cộng cũng nói được một câu nghe được.
Tại một phiên họp diễn ra trong ngày 25 tháng 2 vừa qua của Hội Đồng Quốc Gia về giáo dục và phát triển nhân lực, Phạm Vũ Luận bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo đã nói rằng những thứ bằng giả không thể tìm được việc trong các cơ sở doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài.
Như vậy, người ta công nhận là ở Việt Nam có rất nhiều bằng giả, nhưng những thứ bằng ấy chỉ có thể được nhà nước tuyển dụng. Mang thứ bằng giả ấy đi xin việc ở những chỗ khác thì không thể len chân vào được.
Câu này nghe được, vì ít ra, một giới chức nhà nước đã phải nhận là Việt Nam có nhiều bằng giả. Các thứ bằng giả đó chỉ kiếm được việc làm với nhà nước. Các cơ sở tư nhân thì không chấp nhận thứ bằng láo toét đó. Thay vì đưa ra những biện pháp để dẹp bỏ dịch vụ bán bằng cấp giả, trừng phạt những thứ đầu nậu bán và làm bằng giả thì người cầm đầu ngành giáo dục và đào tạo nhìn nhận nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho bọn xài bằng giả.
Chuyện bằng giả, không học vẫn có bằng này bằng nọ là chuyện sờ sờ trưóc mặt không ai là không thấy. Thằng cu Ba Ếch chẳng hạn. Cái mặt vẫn nhâng nhâng nháo nháo tự xưng là có bằng cử nhân luật. Thử hỏi nó học ở đâu, trường nào, tốt nghiệp năm nào mà khi không đang là y tá chích đít trong rừng bỗng nhiên nhận là có cái bằng cử nhân luật để khoe chơi. Bố bảo cả lò thằng này cũng không thể trưng ra được cái bằng cử nhân luật cho mọi người coi. Thử hỏi nó học luật vào thời gian nào mà có cái bằng ấy lận lưng để làm thủ tướng tham nhũng chơi. Nói phét cũng phải có bài có bản tử tế. Không thể tự xưng là có bằng rồi bọn đàn em nhắm mắt nhắm mũi tin ngay. Đấy, bằng giả là chui ngay vào được chính phủ là như thế.
Ngày nay, chuyện bằng giả được thấy ở khắp nơi. Nhỏ thì bằng tốt nghiệp phổ thông, cao một chút thì bằng đại học, cử nhân các ngành, không đi học thì có người học hộ, thi hộ. Muốn có bằng của đại học ngoại quốc cũng có liền. Như một anh cóc nhái nào đó ở Phú Thọ, một chữ tiếng Anh không biết nói chi đến xuất ngoại du học mà vẫn có bằng MBA của một đại học ở Mỹ cầm chơi.
Mà không phải chỉ có Ba Ếch , mà các tai to mặt lớn khác trong bộ chính trị cũng toàn bằng cấp đại học. Ngày xưa bé không học, lớn làm cách mạng. Ngày nay phải nói là bé không học, lớn xài bằng giả.
Bởi thế mới có cảnh cử nhân đi nuôi lươn, làm phụ thợ hồ, sản xuất mắm nêm, đi bán xổ số... Làm sao kiếm được việc đúng ngành học của mình trong khi bằng giả đã vồ hết những công việc tử tế.
Thỉnh thoảng một giới chức nhà nước mới nói được một câu nghe tạm. Nhưng lại là một câu ngu dốt vô cùng. Nó bầy ra thực tế là vì sao nhà nước lại vô tích sự như thế.
Là vì chỉ toàn một bọn bằng cấp giả làm ăn với nhau thì khá thế nào được.
Chủ tịch xã dùng hai ba bằng giả. Rồi cán bộ sở giáo dục như một con mụ Lê Thị Phương ở tỉnh Đắc Nông cũng dùng bằng giả cao đẳng sư phạm chuyên ngành từ năm 2004 đến nay mới bị phát giác.
Độc lập tự do hạnh phúc là thế đó. Dùng bằng giả "vô tư" là thế.

Ngày 28 tháng 2 năm 2014
Bạn ta,
Nước Úc đặc biệt bị một người đàn bà Việt Nam (được cho tị nạn, và sau đó trở thành công dân Úc) ghét không để đâu cho hết ghét được nữa.
Người phụ nữ gốc Việt này tên là H.M.H.P., 50 tuổi, định cư ở Sydney mới đây đã về Việt Nam ăn Tết và hôm 25 tháng 2, bà sửa soạn lên đường trở lại Sydney thì thình lình qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Báo chí cho biết bà đã nhiều lần về Việt Nam, quốc gia mà bà đã bỏ trốn vì không chịu nổi đời sống ở đó, nhưng sau vài năm, bà lại quay về Việt Nam chơi cho vui. Bà trở thành người ghét cay ghét đắng cái xứ Down Under ấy đến nỗi bà đã tìm cách để đầu độc cho bọn Kangaroo chết bớt đi cho bõ ghét. Người ta tin là những lần về thăm Việt Nam trở lại Úc bà đều mang về Úc một thứ bột trắng mà một số người Úc hay hít vào mũi cho đã đời. Nhưng đã đời xong thì chúng nó thành thân tàn ma dại hết, sống cũng như chết, thành những cái xác biết đi vì cái bột trắng độc địa dó
Nói cho ngay, bà không phải là người Việt duy nhất làm công việc đầu độc bọn Kangaroo. Trước bà, và có thể vào lúc này, cũng đã và vẫn còn có một số công dân Úc gốc Việt trả ơn nước Úc bằng cách đó.
Lần này, trong ngày cuối của chuyền về Việt Nam ăn Tết, người ta thấy bà H.M.H.P. nằm bất tỉnh trong khách sạn. Đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu thì qua ngày hôm sau, bà qua đời. Các y sĩ nói là hình chụp siêu âm cho thấy bà có ba bọc chứa một thứ bột trắng được giữ trong trực tràng và âm đạo. Mỗi bọc có chiều dài khoảng 14cm và đường kính khoảng 5cm.
Ấn được ba cái bọc ấy vào trong người quả là một kỳ công. Làm sao chúng chui vào được trực tràng và âm đạo của bà khi chúng có kích thước đáng sợ như thế. Nhưng chi tiết đó cũng lại cho thấy bà là một người rất độc địa. Những thứ bột mà người sử dụng chúng, những người Úc, những người dân của cái quốc gia đã cưu mang bà, và có thể cả gia đình của bà , giúp đỡ gia đình bà trong những lúc khốn khó nhất, sử dụng bằng cách hòa lỏng, chích vào mạch máu, hay hít vào mũi, đã được giữ kỹ tại hai khu vực không tử tế lắm.
Bà giữ mấy cái bọc này ở trực tràng và ở âm đạo. Trực tràng là đoạn cuối của ruột già, khúc ở ngay hậu môn tiến vào. Âm đạo là bộ phận sinh dục của bà. Bà cất giấu những bọc bột trắng đó ở hai khu vực không sạch sẽ và ... xinh đẹp lắm, những khu vực mà khi phải nói ra, chúng ta ai cũng thấy ngần ngại, không nói thẳng ra, vì không muốn dùng những danh từ thông tục, thiếu văn học nghệ thuật cho lắm.
Bà ấn bằng ấy thứ vào hai khu vực rất kín như thế để khi trở lại Úc, bà sẽ lôi chúng ra, rồi đem bán cho bọn Kangaroo chích vào người hay hít vào mũi.
Chao ôi, sao mà bà ghét bọn Kangaroo đến là như thế. Đã đầu độc chúng, bà còn khinh bỉ, thù ghét chúng đến độ đem bỏ những bọc chứa thuốc độc ấy vào những chỗ không thanh tao chút nào để cho chúng nó lôi ra hít ... vào mũi thì còn ai ghét bọn Úc bằng bà.
Lần này, bà không trở lại nước Úc được nữa. Mấy bọc bột trắng không được tung ra bán ở Úc chắc chắn đã tạo khá nhiều thiệt hại về tài chính cho bà và gia đình của bà. Đáng lẽ, nếu trót lọt, về đến nhà an toàn, móc chúng ra, bà sẽ kiếm được một số tiền khá dễ dàng để nuôi chồng, con, gia đình, lại còn rủng rỉnh tiền bạc để về Việt Nam vài ba chuyến khác, trước mua vui, sau là đầu độc bọn Kangaroo cho bõ ghét.
Đọc bản tin về cái chết của bà, tôi không biết phải nói gì. Chia buồn với gia đình bà chăng? Không thể làm việc đó. Chia vui với nước Úc chăng? Chắc phải làm thế, vì bà ra đi là quốc gia rất tử tế này bớt đi được một người thù ghét nước Úc.

Tội nghiệp cho cái nước từng cưu mang chúng tôi, các sinh viên được học bổng Colombo được sống những năm đầy hạnh phúc mà đến chết chúng tôi cũng không thể quên cái ơn đó để nay bị những người như bà H.M.H.P. ghét bỏ và thù nghịch đến là như vậy.