Sunday 16 February 2014

Tiếng kêu từ quá khứ - Truyện ngắn - Phan Hạnh



Sáng hôm ấy, lần đầu tiên cắp tập vở đi học, Trung miễn cưỡng để bà ngoại nắm tay dắt đi. Thỉnh thoảng, cậu bé năm tuổi vùng vằng như muốn phản đối khiến bà ngoại phải bảo:

- “Con đã năm tuổi rồi thì phải đi học đặng năm tới sáu tuổi vô lớp năm trường làng.”

Trung thắc mắc hỏi:

- “Vậy chớ bữa nay đi học trường gì hả Ngoại?”

Bà đáp:

- “Hổng có trường nào hết. Con đi học chùa.”

- “Chùa có thầy chùa mà cũng có thầy giáo nữa hả Ngoại?”

- “Ừa. Thầy chùa dạy học nên cũng là thầy giáo luôn.”

Trung đã tỉnh ngủ hẳn, có thể vì câu nói của bà gợi trong trí óc non nớt của Trung quá nhiều thắc mắc, nhưng cũng có thể vì cơn gió thoảng thổi phớt qua từ cánh đồng lúa bên đường còn phảng phất màn sương. Hai bà cháu ra đến đường cái tráng nhựa là đã thấy quang cảnh có vẻ nhộn nhịp hơn. Một chiếc xe thổ mộ sắp sửa chạy qua, tiếng vó ngựa lóc cóc gõ nhịp trên mặt đường nghe rõ dần. Trung hỏi bà:

- “Mình có đi xe ngựa hôn Ngoại?”

- “Chùa gần xịch đằng kia kìa con. Đi bộ một chút nữa tới hà.”

Gần đến chùa, Trung đã thấy lác đác có vài đứa trẻ khác, mỗi đứa cũng đều có một người lớn đi kèm. Khi mọi người tiến đến gần nhau, bà giục:

- “Khoanh tay thưa bà Sáu đi con. Thưa bác Ba nè. Thưa dì Tư nữa nè.”

Trung làm theo lời bà, mặc dù chẳng phân biệt rõ ai với những ai. Chùa Bình Hạnh nằm phía bên kia con tỉnh lộ, qua một chiếc cầu ván bắc ngang mương dọc bên đường. Mặt trời đã lên tỏa ánh sáng ban mai rực rỡ. Tuy ngôi chùa cũ kỹ xiêu vẹo với những mảng ngói vỡ vụn dọc bên hiên, nhưng trước sân và dọc bên hông chùa có những cây bàng, cây vông, cây điệp với lá hoa nhuộm màu xanh vàng đỏ lẫn lộn khiến cho ngôi chùa mang một vẻ đẹp cổ kính êm đềm.

Bà ngoại dẫn Trung vào chùa đến trước mặt một ông sư trẻ hơn bà ngoại. Ông mặc quần áo nâu, đầu cạo trọc. Bà cúi chào nhà sư và trao đổi với ông vài câu, xong bà bảo Trung:

- “Thôi con ở đây học với thầy nghe. Ngoại còn phải về lo công việc. Xế trưa tan học, má con ra đón con về. Có mấy viên kẹo dừa bỏ túi để tới giờ ra chơi rồi con mới ăn nhen.”

Trung “dạ” rồi nhìn theo bà bước qua cầu, vạt áo dài phe phẩy phất phơ, ngoại ra lộ rồi còn quay nhìn lại. Không có bà bên cạnh, Trung chợt cảm thấy hơi bối rối và lúng túng. Khoảng một chục nhóc tì khác cũng đang lao nhao ngơ ngác. Ông sư vỗ tay ra hiệu bảo:

- “Các trò vào học.”

Lớp học không đâu khác hơn là ngôi chánh điện. Sát gần ngạch cửa ra vào là một cái bàn rộng, bốn bên là bốn băng ghế. Tấm bảng đen chắn giữa như tấm bình phong ngăn chánh điện làm hai phần, lớp học phía ngoài và bàn thờ Phật phía trong. Trên mái ngói và vách bổ kho có nhiều lỗ hổng và khe hở khiến cho tia nắng lọt vào như đèn chiếu. Ông sư lần lượt hỏi tên từng đứa học trò, xong ông viết tên mỗi đứa vào bìa mỗi quyển vở 32 trang và phát ra cho cả đám. Trung nhìn quyển vở có in hình bó đuốc trước bìa. Mặc dù chưa nhận ra mặt chữ và chưa biết đọc, Trung ngẫm đoán hàng chữ viết trên bìa tập là tên mình.

Buổi học đầu tiên trong đời học sinh của Trung chỉ gồm có ba chữ o, ô, ơ mà ông sư viết trên bảng thật lớn. Đám nhóc ê a đọc cả giờ để nhớ mặt chữ. Thấy như vậy đã tạm đủ, thầy hô:

- “Thầy cho các em ra chơi.”

Đám nhóc vẫn ngồi ì ra đó, đứa nào cũng khòm lưng tì khuỷu tay lên bàn. Chúng ngồi ì vì chẳng hiểu ra chơi là gì; khòm lưng vì cả giờ ngồi bàn thấp mà ghế không có chỗ dựa không quen nên đã mỏi. Đến khi thầy nhắc lại “Đi ra sân chơi đi” thì bọn nhóc mới chợt hiểu và phóng nhanh ra khỏi chùa, tha hồ chạy nhảy tung tăng, lượm trái bàng, bứt bông điệp, lá vông, cỏ cú. Trung lôi mấy cục kẹo chuối ra ăn. Kẹo chuối dẻo nhẹo dính răng khó chịu, Trung khát nước mà không dám hỏi.

Đến trưa, khi thấp thoáng thấy bóng mẹ đứng dưới tàng cây điệp chờ tan lớp, Trung cũng đã nghe bụng cồn cào đòi cơm. Cậu bé mừng rỡ đưa quyển tập ra khoe, chỉ cho mẹ hàng chữ ngoài bìa và hỏi:

- “Má ơi, có phải ông thầy chùa ổng viết tên con hôn hả Má?”

Mẹ Trung đáp “Phải”, xong dặn con:

- “Mà con đừng kêu ổng là “ông thầy chùa” nữa nhen.

- “Ông thầy ở trong chùa thì là ông thầy chùa không phải sao Má?”

- “Ờ… ừ… nhưng Má nghe nó kỳ kỳ làm sao á… Mà thôi, chắc con đói bụng rồi phải không? Về lẹ đi rồi Má dọn cơm cho ăn. Có tép rang và có canh chua bạc hà ngon lắm đó.”

Trung hí hửng nắm tay mẹ bước mau vừa bi bô hai câu mới học:

O tròn như quả trứng gà

Ô thì đội nón, ơ thì có râu.

Trên quốc lộ nối liền Mỹ Tho và Gò Công, hai chiếc xe nhà binh chạy vút qua làm cát bụi tung lên che khuất hai mẹ con Trung vừa rẽ vào con đường quê rợp mát bóng dừa để về nhà.


Thầy Bửu Tâm đứng nhìn lớp học trống không, thử tập trung ý tưởng hình dung lại từng khuôn mặt thơ ngây của đám học trò mới và nghe lòng dậy lên một niềm an ủi và mãn nguyện đối với công việc mà thầy ưa thích. Thầy bước ra sau tấm bảng đen tiến đến trước bàn thờ Phật, chắp tay cúi đầu và lâm râm tụng niệm. Bỗng có tiếng xe nhà binh chạy ngang qua vừa bóp kèn inh ỏi.

Năm ấy là năm 1949, tính ra thầy đã trụ trì ở đây được bốn năm. Tông tích thầy Bửu Tâm như thế nào dường như ít ai trong làng được rõ. Người ta chỉ biết thầy là người có học, nói giỏi tiếng Pháp vì nhiều lần thầy đã giúp dân làng làm giấy tờ kiện tụng ở quận đường. Người ta chứng kiến thầy đối đáp với quan hai người Pháp lưu loát. Mấy năm nay, thầy mở lớp học vỡ lòng tại chùa để giúp trẻ em trong làng chuẩn bị chính thức theo học trường làng năm kế tiếp.

Sinh hoạt hàng ngày của thầy đầy ắp bận rộn từ sáng sớm tới nửa khuya, từ tụng kinh niệm Phật tới trồng trọt rau cà rồi xoay qua dạy vỡ lòng cho đám trẻ. Một ít tương chao hoa quả do dân làng dâng tặng nữa là thầy có đủ hai bữa ăn qua ngày.

Gần đây, quân du kích kháng chiến Việt Minh gia tăng hoạt động quấy rối ở các miệt Giồng Lớn, Ông Văn, Hòa Đồng lân cận. Đại đội Bảo An thuộc Tiểu Đoàn 306 đóng dưới Bến Đò thường thường phải đi tăng viện cho các đồn Dân Vệ khi họ bị tấn công. Hầu hết trai tráng trong làng đều vắng bóng và chỉ còn lại phụ nữ trẻ em và đàn ông lớn tuổi hay tật nguyền. Ba của Trung, sau nhiều lần bị cả hai phe Việt Minh và quân chính phủ thay phiên nhau bắt vì tình nghi, đã phải lên thủ đô Sài Gòn tìm kế sinh nhai, tạm thời gởi gấm vợ con cho cha mẹ vợ.

Phần thầy Bửu Tâm, tuy đã qui y cửa Phật nhưng cũng không thoát khỏi vòng hệ lụy. Một mặt quan quận mến trọng tài đức của thầy nên hay cho xe đón thầy tới quận đường để tham khảo ý kiến. Mặt khác Việt Minh cũng cho người tiếp xúc mời thầy cộng tác. Cán bộ cấp cao của Việt Minh từ tận Bến Tre qua vời thầy, nhưng thầy một mực từ chối.

Phiền não bủa vây, hôm nay cũng như nhiều lần khác, tiếng xe nhà binh chạy rầm rập không khỏi khiến cho thầy một thoáng suy tư lo nghĩ. Thầy bèn mượn câu kinh tiếng kệ để giải tỏa nỗi ưu tư. Trong giây lát, tiếng chuông mõ giúp cho thầy an định tinh thần trở lại.


Trung theo học ở chùa Bình Hạnh đã được ba tháng. Giờ đây Trung đã quen viết được bằng tay mặt nhờ sự kiên nhẫn của thầy Bửu Tâm. Trung cũng nhớ hết tất cả các chữ cái cùng với một số rất nhiều bài học thuộc lòng. Ngôi chùa đã trở thành nơi Trung ham thích đến mỗi ngày và có thể đi cùng với mấy đứa bạn trong xóm mà không cần bà ngoại hay mẹ đưa đón nữa. Có cả những buổi xế chiều ngoài giờ học, sau khi đã tan học và đã về nhà dùng bữa ăn trưa, Trung cùng vài đứa bạn hẹn nhau trở lại chùa để vui đùa. Vui đùa chán rồi, đám nhóc xin thầy cho việc lặt vặt để phụ: nhổ cỏ, tưới rau. Thầy dặn bọn Trung nếu thấy sâu trong đám rau cải thì đừng có bắt, cứ để cho chúng ăn tự nhiên. Ba tháng học ở chùa Trung có biết bao là kỷ niệm khó quên. Nơi đó Trung đã bắt chước làm người rừng Tạc Giăng đu rễ cây bàng và bị té lọi khuỷu tay phải bó thuốc bắc. Nơi đó Trung đi chân đất đạp miễn sành chảy máu. Nơi đó một lần Trung lén đu xe ngựa bị té đập đầu xuống lộ.

Một lần nọ Trung chơi nghịch lấy miễn ngói chọi con cắc kè trên cột kèo mái chùa. Thầy bắt gặp tại trận và ôn tồn hỏi:

- “Trung nè. Tại sao con chọi nó vậy?”

Trung đáp:

- “Thưa thầy. Tại nó cứ kêu cắc kè cắc kè nghe bực mình quá.”

- “Tại sao mấy năm nay thầy nghe nó kêu thầy không bực mình mà con bực mình?”

- “Tại nó làm tàng đã bị con chọi mà cứ kêu hoài.”

- “Nếu con chọi nó chết rồi từ nay về sau con không còn nghe nó kêu nữa, con có nhớ tiếng kêu đó không?”

Trung đứng tần ngần nghĩ ngợi một lúc lâu xong thành thật đáp:

- “Dạ thưa thầy con có nhớ.”

- “Vậy bây giờ con có còn muốn chọi cho nó chết không?”

- “Dạ thưa thầy không.”

Thầy xoa đầu Trung mỉm cười hiền từ:

- “Con giỏi lắm. Thôi đi chơi đi.”



Một hôm, vào lúc buổi trưa nắng gắt, lớp học đang sắp sửa tới giờ tan, một chiếc xe Jeep nhà binh bỗng bị bể bánh và ngừng lại ngay bên đường trước chùa. Có tiếng người nói lao xao rồi một người mặc thường phục chỉnh tề có hai người lính cầm súng tiểu liên và quàng dây đạn trên vai đi vào chùa. Thầy Bửu Tâm bước ra thềm mời khách vào. Không đợi bảo, tất cả học trò đều đứng dậy cúi đầu chào khách. Vị khách lịch sự nói:

- “Thầy cho chúng tôi ngồi tạm đây tránh nắng là đủ. Xin thầy cứ tự nhiên.”

Nhìn qua lớp học với đám học trò im lặng ngoan ngoãn, vị khách buộc miệng khen:

- “Học trò của thầy có kỷ luật và lễ phép quá, thật đáng khen.”

Bấy giờ thầy Bửu Tâm mới nói:

- “Cám ơn quan quận. Quan quận có cần gì thì cứ dạy bảo.”

Vị khách vội đáp:

- “Dạ không dám. Chẳng may xe tôi chạy tới đây bị bể bánh. Trong lúc chờ tài xế thay bánh xe khác, chúng tôi vào đây trước là để tránh nắng, nhân tiện có dịp quan sát cảnh chùa và lớp học của thầy mà chúng tôi có nghe tiếng.”

Khi chiếc xe được thay bánh xong thì lớp học cũng tới giờ tan. Ông quận và mấy người lính lên xe phóng đi, bọn nhóc vẫy tay nhìn theo xe chạy khuất rồi mới lục tục ra về. Trên đám ruộng bên đường gần đó, một đám thợ đội nón lá đang gặt lúa. Trong đám dân chân lấm tay bùn, một cặp mắt cú vọ của Việt Minh đã theo dõi mọi diễn tiến của sự việc vừa xảy ra.

Đêm ấy, giữa lúc Trung đang ngủ, mẹ lay Trung dậy rồi bò xuống gầm giường. Trung nghe có tiếng chân người chạy thình thịch ngoài đường đất, đồng thời có tiếng mõ bằng gáo dừa vang dậy cùng với tiếng chó sủa văng vẳng đâu đó. Thế rồi có tiếng súng nổ xa xa. Trung nghĩ đến hai người lính cận vệ của ông quận trưởng mang súng tiểu liên lúc trưa ở chùa. Trung thơ ngây nghĩ chắc những tiếng súng nổ đó là do hai người lính đó bắn. Lạ lùng là Trung nghe tiếng súng không sợ bằng tiếng gõ mõ dừa trăng ăn. Đó là những trái dừa còn xanh nhưng đã bị sóc hay chuột khoét thủng lỗ rỗng ruột rụng xuống đất. Người ta dùng một khúc gỗ gõ trái dừa như gõ mõ. Tiếng mõ dừa có âm điệu cao thấp khác nhau, lúc chậm đều, lúc dồn dập gấp rút nghe ghê rợn như tiếng ma quỷ réo gọi mạng người. Tiếng chân người nện mạnh trên nền đất rồi tiếng một người trong bọn họ hô vang thật lớn, Trung nghe thật gần như sát bên hè: “Đả đảo Bảo Đại! Ủng hộ Hồ Chí Minh!”, tức thì ngay sau đó, cả đám người đồng loạt hô theo.

Xen lẫn giữa mớ âm thanh hỗn độn đó, Trung tưởng chừng như nghe cả tiếng tim đập của chính mình và của mẹ vì hai tay bà đang ôm chặt Trung vào lòng. Hai mẹ con truyền cho nhau nỗi sợ hãi và sự che chở. Dưới căn hầm cạn tù túng ngột ngạt mà hai mẹ con run rẫy như lên cơn sốt nóng lạnh. Trung hồi hộp muốn nghẹt thở. Ngoài kia thỉnh thoảng lại vang lên một tiếng nổ ầm lớn của súng cối hay đại bác bắn vu vơ dọa nạt. Sau đó Trung nghe tiếng xe bọc thép chạy ngoài lộ. Tiếng mõ dừa dứt hẳn. Tiếng hô khẩu hiệu tuyên truyền nín bặt. Và tiếng chân người chạy nhanh hơn, dồn dập hơn. Cả tiếng súng máy cũng ngưng, chỉ còn lại tiếng súng cá nhân nổ lẻ tẻ cùng với tiếng động cơ xe bọc thép chạy rầm rì. Bấy giờ Trung mới nghe tiếng mẹ nghẹn ngào: “Thiệt khổ quá con ơi…” Tiếng than thở của mẹ phát ra như thể đã chất chứa dồn nén quá nhiều chịu đựng từ lâu, thế nhưng nó chỉ phát ra một cách yếu ớt như có một sức nặng vô hình nào đè mạnh lên trên đến không thể vang lớn hơn được nữa. Phải chăng đó là nỗi sợ hãi của người cô thế trước sự tàn ác.

Trong bóng tối dầy đặc, tiếng của bà ngoại từ một góc nào đó gọi nhỏ: “Má con thằng Trung đâu? Chắc đã yên rồi. Thôi lên giường ngủ đi.”

Trung leo lên giường nằm co; mẹ Trung tấn mí mùng lại kỹ càng, nằm xuống choàng tay qua vai con. Một lúc sau Trung đã nằm yên ngủ say.

Sáng hôm sau, khi vừa ra đến đầu lộ để đi học, Trung đã thấy nhiều người đi lại hơn mọi ngày. Trung ôm chiếc cặp đệm dưới nách rảo bước. Khi gần đến chùa, Trung thấy hai chiếc xe nhà binh đậu ở đó. Một đám đông vừa dân vừa lính đứng trước sân chùa. Trung đến gần hơn, một người đặt tay lên vai Trung và nói: “Thầy Bửu Tâm chết rồi.” Trong lúc Trung vẫn còn đang bàng hoàng, một người khác nói lớn: “Mấy em học trò đâu? Mau gom lại đây.”

Trung bước về hướng người đó đang đứng ở một khoảng trống trước sân. Trung gặp thằng Ngọ, bạn học thân nhưng lớn hơn Trung một tuổi. Ngọ mếu máo: “Thầy mình chết rồi kia kìa.” Nhìn theo tay Ngọ chỉ, Trung thấy một cái thây nằm ngửa trên đám cỏ cú bên cạnh cây điệp già. Trung vụt chạy đến đó để nhìn kỹ hơn. Chiếc áo nâu bê bết vết máu khô. Một tờ giấy cứng có viết mấy chữ để trên ngực của cái thây, Trung không biết chữ gì nên đứng đó chờ để nghe lóm người lớn nói chuyện. Một người đọc: “Việt gian đền tội.” Một người lính nói: “Quan Quận không để yên vụ này đâu. Vài bữa nữa điều tra xong thì coi ai đền tội cho biết.”

Viên chức của làng lúc nãy bảo học trò họp lại, một lần nữa lên tiếng: “Các trò nghe đây. Đêm hôm qua thầy Bửu Tâm đã bị Việt Minh giết chết. Vậy các trò hãy lo về nhà rồi sáng mai có mặt tại đây để làm lễ chôn cất thầy. Nhớ ăn mặc cho sạch sẽ. Bận áo trắng thì càng tốt.”

Trung nấn ná cùng Ngọ ở lại và vào xem lớp học. Tất cả bàn ghế đã bị đập phá và đốt cháy, than gỗ nằm ngổn ngang cùng với đám ngói bể. Trần nhà cũng bị cháy, kèo cột nám đen. Tấm bảng đen đã ngã sập, bàn thờ và tượng Phật dường như chỉ bị nám khói.

Trung hỏi Ngọ:

- “Tại sao họ giết thầy?”

Ngọ đáp:

- “Hồi sáng nầy tao nghe ông nội tao nói với bà nội tao là Việt Minh xử tử thầy vì họ đổ tội thầy làm việc với giặc.”

Trung ngây thơ hỏi:

- “Giặc nào?”

- “Thì Việt Minh kêu quân chính phủ là giặc đó,” Ngọ giải thích.

Có tiếng của viên chức làng: “Mấy trò đi về nhà đi. Tránh chỗ cho người lớn làm việc.”

Trung cũng nôn nao muốn về nhà để hỏi mẹ và bà ngoại cho kỹ nên chào từ giã Ngọ rồi lủi thủi bước. Vậy là Trung không còn được đi học và phải chờ tới mùa tựu trường năm tới. Trung đi một đoạn trên quốc lộ, xong rẽ vào bờ ruộng đi lối tắt băng ngang qua vườn ông cả Thới hàng xóm của ngoại để về nhà cho lẹ. Trung đạp trúng một miễn sành, may mà không bị đứt chân. Trung lượm miễn sành để quăng vô bụi tre cho ai đi lần sau khỏi đạp nữa. Bỗng Trung nhớ tới con cắc kè, nhớ tới chỗ nó làm ổ trên kèo nhà dưới mái hiên chùa. Nơi đó đã bị cháy sập, biết con cắc kè còn sống hay đã chết theo thầy.

Trung lại nhớ lời thầy hỏi “từ nay về sau con không còn nghe nó kêu nữa, con có nhớ tiếng kêu đó không?” Trung nhớ rõ lắm, cho tới bây giờ 65 năm sau vẫn nhớ.

Phan Hạnh