Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Crimea, ngay cả trước khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo lệnh trừng phạt mới hôm 20-3, và công ty của các doanh nhân có thế lực nhất nước Nga đã bị tổn thất hàng trăm triệu USD sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định sáp nhập Crimea.
Thị trường chứng khoán Nga đã giảm 10% trong tháng 3 này, mất hàng tỉ USD; đồng thời các nhà kinh tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Nga trong năm nay từ 2% xuống còn 0 và các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các ngân hàng Nga.
Đơn cử, cổ phiếu của công ty thép lớn nhất Nga Severstal, của ông trùm Alexei Mordashov, đã giảm 13% trong tháng 3, khiến ông mất khoảng 900 triệu USD. Trong khi đó, chứng khoán của Công ty sản xuất ống dẫn TMK của ông trùm Dmitry Pumpyansky giảm 19%, mất hơn 500 triệu USD.
Thủ lĩnh Nghiệp đoàn các nhà công nghiệp và các chủ doanh nghiệp Nga, ông Alexander Shokhin (trái), và Tổng thống Vladimir Putin tại đại hội của nghiệp đoàn ở Moscow ngày 20-3. Ảnh: AP
Ngay thời điểm xảy ra khủng hoảng ở Crimea, kinh tế Nga đã suy yếu, với mức tăng trưởng năm 2013 chỉ đạt 1,3% trong khi cố vấn kinh tế Alexei Kudrin của Tổng thống Putin dự báo năm 2014 kinh tế Nga sẽ không tăng trưởng.
Giá trị đồng rúp đã giảm 9% so với USD trong vòng chưa đến 3 tháng qua. Với nỗ lực củng cố tiền tệ, tuần qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất từ 5,5% lên 7%.
Trong khi đó, trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, các nhà đầu tư đã rút 35 tỉ USD ra khỏi Nga, bằng khoảng một nửa so với cả năm trước. Ông Kudrin cảnh báo lượng tiền “chảy” ra khỏi nước Nga trong quý I/2014 có thể lên đến 50 tỉ USD nếu như phương Tây thắt chặt lệnh trừng phạt hơn nữa.
Nga sẽ đối mặt với mối nguy cơ lớn nếu như Mỹ và châu Âu mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các mối quan hệ thương mại. Tuy nhiên, đó sẽ là sự lựa chọn cuối cùng ít nhất là đối với châu Âu bởi vì bản thân châu lục này cũng bị thiệt hại nhiều khi họ nhập khẩu từ Nga 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu có những mối quan hệ thương mại vững chắc ở Nga.
Phải công nhận là, thậm chí trong trường hợp lệnh cấm vận thương mại không được ban hành, sự rủi ro nằm trong các biện pháp trừng phạt cũng gây thiệt hại cho châu Âu. Các công ty EU đã xuất khẩu sang Nga lượng hàng trị giá 123 tỉ USD trong năm 2012 nên nếu như họ cắt giảm hoặc ngừng xuất khẩu sang Nga, chắc chắn họ sẽ gánh chịu thiệt hại khổng lồ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế độc lập nhận định thực ra, Nga thiệt hại nhiều hơn về kinh tế từ chiến dịch trừng phạt ăn miếng trả miếng của phương Tây chủ yếu bởi vì các công ty châu Âu và Mỹ có mối quan hệ vững chắc với các khu vực khác nữa, như châu Á và Mỹ Latinh.
Thế nhưng, hiện vẫn chưa thể hình dung rằng liệu Nga có bị “đo ván” bởi các đòn trừng phạt như Triều Tiên hoặc Iran hay không vì nền kinh tế Nga liên kết với phương Tây nhiều hơn nhiều so với 2 nước trên.
Bà Nataliya Orlova, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Alfa Bank ở Moscow, thừa nhận: “Khó có thể đánh giá tác động của lệnh trừng phạt ngay lúc này”.
Nga có ưu thế là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới hiện nay, chiếm đến 1/3 lượng tiêu thụ của châu Âu. Thêm vào đó, Nga còn là nhà xuất khẩu kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, hàng hóa nhập khẩu từ các công ty Nga như Severstal có một tầm quan trọng đối với các nhà sản xuất toàn cầu dù họ chế tạo máy bay hay ô tô.
(Theo AP)