Saturday 29 March 2014

Một Rưỡi Ðàn Ông - Phan Hạnh


Sau một đêm trằn trọc chập chờn những đoạn chợp mắt ngắn mỗi vài tiếng đồng hồ, lăn qua trở lại liên tục như nướng bánh tráng mè, hắn uể oải thức dậy bởi tiếng chân của vợ trên sàn gỗ. Hắn phải dậy thôi, tuy mắt vẫn còn cay. Giường ngủ chỉ có một chiếc gối, nhắc hắn thân phận bị vợ cho ra rìa và ngủ riêng.
 
Theo lịch trình thường lệ, Thứ Bảy là ngày dọn dẹp nhà cửa, chợ búa. Lẽ ra xe rác của sở vệ sinh đô thành lấy rác mỗi sáng Thứ Sáu, nhưng họ đình công cả tháng nay. Hắn gom rác từ các giỏ nhỏ trong các buồng tắm và nhà bếp để bỏ vào trong túi rác đen lớn. Người ta nói bói ra ma quét nhà ra rác. Cứ có dọn là có rác.
 
Vợ đang luộc khoai lang bí bằng lò vi ba để ăn sáng. Nàng là độc giả và thính giả trung thành của bác sĩ Nguyễn Ý Ðức qua các bài viết và các bài nói chuyện về vấn đề sức khỏe trên radio và tivi. Nàng tuyệt đối noi theo đúng các chỉ dẫn cho cuộc sống lành mạnh: tránh bụi bặm, khói thuốc, nắng trưa có nhiều tia hồng ngoại, ăn mặc thích nghi với nhiệt độ và thời tiết, chọn thực phẩm bổ dưỡng cho sức khoẻ, đi bộ và tập thể dục, vân vân. Thức ăn loại “organic” càng tốt. Cứ cái đà này, có khi vợ hắn sống hơn trăm tuổi. Phần hắn đã sống bừa bãi buông thả thời trai trẻ, giờ chỉ mong sống sót đến tuổi về hưu. Nếu lâu hơn thì đó là phần lời thêm.
 
Kể từ khi hắn bị chủ “mời” ra khỏi xưởng, cương vị của người đàn ông và người chồng của hắn cũng sụt giảm theo đà kinh tế suy thoái. Ôi thời oanh liệt nay còn đâu. Hổ nhớ rừng. Người lính nhớ chiến trận. Một Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam, một Hành Trang Ra Chiến Trận (The Things They Carried) của Tim O’brien, một Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, một Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, cứ nhớ và nhớ mãi. Hắn luôn bị ám ảnh bởi những hồi ức của những ngày ở lính, một thứ hội chứng hậu chấn thương chiến trường, một thứ bệnh tâm thần. Trường hợp của hắn kể ra còn nhẹ, vì hắn ở lính sơ sơ chỉ có năm năm.
 
Tối qua trước khi đi ngủ, hắn gọi điện thoại viễn liên nói chuyện với đứa em trai ở tận làng An Thạnh Thủy tỉnh Tiền Giang. Vẫn là chuyện nhà. Người mẹ già nay yếu mai đau. Một thằng cháu té xe gắn máy gãy tay giập mặt. Một đứa cháu gái làm việc cho công ty ngoại quốc. Vật giá leo thăng vùn vụt. Ngập lụt. Dịch cúm heo. Một người cậu bị đứt gân máu, liệt hết nửa người. Anh em hắn nhắc lại vài kỷ niệm xưa. Chuyện đi lính chết hụt mấy lần; và trải qua bao nhiêu thăng trầm, anh em hắn vẫn sống, nhưng mỗi người một phương trời cách biệt.
 
Hắn xách bịch rác đen nặng trịch bỏ vô cốp xe, xong thò đầu vô nhà nói to giọng:
 
- Anh đi đổ rác rồi đi chợ luôn nha em.
 
Vợ dặn vói theo:
 
- Anh lấy theo cái “list” đi chợ chưa?
 
- Rồi!
 
- Ðổ rác xong nhớ rửa tay nghe!
 
- Okay...
 
Tiếng “okay” của hắn kéo dài ra và chấm dứt ngắt gọn bằng một cái gằn mạnh. Hắn không khỏi cảm thấy hơi bực mình khó chịu trước sự dặn dò kỹ càng của vợ. Hắn tự hỏi nàng chăm sóc quan tâm đến chồng hay nàng làm bổn phận của một người quản gia. Hay nàng nhập cả hai vào làm một. Không, lời dặn dò của vợ từ bấy lâu nay vẫn vậy, không nhiều hơn và không bớt đi, hắn tự trấn an. Sự căn dặn cũng như tình yêu của nàng dành cho chồng, trước sau như một, có khác chăng là cách thể hiện tình yêu đó.
 
Dường như chất nữ tính trong người nàng đã giảm bớt đi nhiều rồi. Nàng không còn đến ngồi sát gần vào hắn, tựa đầu lên vai hắn, đút cho hắn ăn thử một món ăn ngon vừa miệng mà nàng vừa mới nấu. Có còn chăng là những lúc trước mặt bạn bè, trước sự dàn cảnh của người chụp hình, nàng chịu nép vào người hắn, để cho hắn choàng tay qua eo nàng như muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng đây vẫn còn là một cặp vợ chồng nồng thắm hạnh phúc. Hắn tiếc nhớ sự nũng nịu của một con mèo. Hắn thèm một giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng kèm một chút e thẹn và mềm mại để cho hắn dang tay che chở và bảo vệ.
 
Ngủ riêng, chăn đơn và gối chiếc, hắn nằm chèo queo, lắm khi hắn mong vợ từ phòng bên ôm gối trở về. Nhưng chuyện ấy không xảy ra trong thực tế, họa may chỉ có trong chiêm bao. Hắn biết, vợ hắn là một người kiên định lập trường. Sông có cạn, núi có mòn, nhưng cho dù tận thế, vợ hắn không bao giờ bò về nằm chung giường với hắn. Phòng ngủ của hắn luôn để cửa mở như vòng tay của hắn, vậy mà có vợ cũng bằng không. Hắn đâm bực giận. Chẳng lẽ ai cũng quay mặt với hắn sao. Hắn thì thất nghiệp, bị chủ cho về nằm nhà chờ chừng nào có việc sẽ kêu lại. Lỡ thằng chủ không kêu lại thì sao? Tình hình kinh tế suy thoái bắt đầu từ tháng Mười năm ngoái, đã chín tháng qua rồi chưa thấy dấu hiệu phục hồi. Hắn không dám nghĩ tiếp. Với trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, lợi tức của hắn chỉ còn một nửa. Nhưng hắn không thể giảm bớt tiền gởi về giúp thân nhân.
 
Vậy mà ba chục ngàn người thuộc hai nghiệp đoàn công nhân viên thành phố, gồm sáu ngàn người làm việc ngoài trời và hai mươi bốn ngàn người làm việc bên trong; họ đang đình công đòi tăng lương và thêm quyền lợi, phần chính là đòi được để dành mười tám ngày bịnh không dùng đến mỗi năm, chừng nào nghỉ hưu sẽ qui ra thành tiền. Ðã hơn một tháng trời, thành phố không có những dịch vụ đổ rác, nhà giữ trẻ công cộng, thư viện nhỏ trong các trung tâm cộng đồng, phà qua đảo, thanh tra vệ sinh nhà hàng ăn, dịch vụ lễ lạc quần chúng và cưới hỏi nơi các công viên và công trường, trung tâm giải trí, sân cù. Cứ lâu lâu họ đem bổn cũ soạn lại: đình công, lần trước cách nay bảy năm.
 
Chính vì thế mà bây giờ cứ vài hôm hắn phải xách rác đi vứt. Bực người ngoài nên quạu với vợ. Giận cá chém thớt. Hắn mong vợ không nghe, không để ý, hoặc không phát hiện ra sự bực bội đó. Bực mà chẳng biết phải phản ứng ra sao. Nằm sâu lắng dưới đáy lương tri hắn, bản chất hèn của một Tô Hải đang mai phục chờ một ngày đẹp trời sẽ biến thành động lực mãnh liệt để viết hồi ký, nếu đến lúc đó hắn còn sống hay còn sức. Ðối kháng. Vùng lên đấu tranh đòi quyền sống. Làm cách mạng. Gần chết rồi, không hèn nữa.
 
Hắn nổ máy xe, chẳng cần chờ mười giây cho máy nóng, de xe ra khỏi driveway rồi đạp mạnh ga dọt đi. Một người hàng xóm đi bộ trên lề đường vụt thoáng vẫy tay chào, hắn chẳng nhận ra là ai, cũng đưa tay phải lên vẫy đại cho phải phép lịch sự. Hắn cố gắng hành xử theo xã hội văn minh, dù đang bực mình.
 
Chín giờ sáng ngày Thứ Bảy thế mà xe cộ vẫn chạy đầy đường. Hắn rủa thầm, “Ði đâu mà lắm thế! Chẳng lẽ đi cày “overtime”, cày hai “job”?” Hắn suy bụng ta ra bụng người, vì thật ra chính bản thân hắn đã từng háo hức và hăng hái đi làm cả ngày Thứ Bảy trong nhiều năm dài. “Sướng nhé! Ông ganh tị với chúng mày đấy!”, hắn lầu bầu.
 
Ðến đầu lối vào công viên là nơi nhận rác, hắn bị một trong hai phận sự viên khoác áo khỉ màu cam có dấu tréo chữ “X” trắng đưa tay chận xe hắn lại. Hắn hạ kính xe xuống nói ngay:
 
- Tôi có một bịch rác compost đi đổ.
 
Phận sự viên mang kính râm như cớm xịa nói:
 
- Xin vui lòng mở cốp xe.
 
Hắn thò tay trái xuống gầm ghế kéo nút tác động mở cốp xe. Anh ta dở cao, nhìn vào, sập lại, đến ngang cửa xe, khẽ mỉm cười và khoác tay ra hiệu cho hắn đi tiếp. Hắn cảm thấy khoái trá vì vừa rồi hắn đã chứng tỏ cho một thành viên của loài người văn minh thấy rằng thằng di dân gốc da vàng mũi tẹt này cũng có tư cách văn minh. Nó không bao giờ khai báo láo. Chắc là tay phận sự viên này đã bắt gặp nhiều đứa mép lẻo ăn gian nói dối, đổ cả rác loại tái chế biến.
 
Hắn lái xe vào bãi chứa rác tạm thời có rào phía trong công viên. Hắn dừng xe lại, lanh lẹ xuống lấy bịch rác vứt lên đống bao rác khắm mùi hôi một cách vội vã rồi phóng xe đi. Mùi hôi ở đấy khó chịu thế mà có một phận sự viên khác đang thu dọn mà chẳng có mang miếng bịt gì cả. Gớm! Nhưng hắn nghĩ nếu biết người ta mướn thêm nhân viên trông rác và trả lương chừng mười mấy đồng một giờ bằng với tiền lương gần đây nhất của mình, hắn sẽ  nhận làm ngay. Chừng đó, biết đâu hắn sẽ không còn cho là rác hôi thối nữa. Dọn rác lãnh lương. Tiền lương thơm tho. Vậy rác thơm. Tam đoạn luận.
 
Thất nghiệp nằm nhà cả hai tháng nay đã làm cho hắn nản chí lắm rồi. Hắn tự nghiệm ra rằng càng ở Canada lâu chừng nào, ý chí vươn lên của hắn càng tiêu hao, có lẽ không còn đủ thời gian nữa. Hắn chỉ mong vẫn còn sức đi làm ra tiền để sống tự lập và giúp đỡ thân nhân ở quê nhà. Hầu như không ai là không than bịnh tật hoặc gặp tai nạn. Hầu như không ai là không cần giúp đỡ.
 
Hắn sống ở xứ này vừa ngót hai mươi năm, một khoảng thời gian dài đủ để thay đổi quan niệm sống của một anh chàng nửa thầy nửa thợ bất đắc chí như hắn. Hắn nghĩ mình biết phải làm gì ở cái tuổi 55 lưng chừng trời này. Hai mươi năm đi cày có khi sáu mươi tiếng một tuần, bây giờ hắn đã thấy oải cả phần hồn lẫn phần xác. Sự rệu rã của thân xác hắn cứ âm ỉ, món nào cũng một tí khiến cho các bậc lương y chẳng biết đường nào mà chẩn bệnh. Bao nhiêu thử nghiệm y khoa tiến bộ chỉ đưa đến kết quả không rõ rệt. Bác sĩ gia đình phán, “Ðừng lo nghĩ nhiều quá! Sống vui lên! Ði du lịch cho thư thái đầu óc.”
 
Hắn chỉ đi du lịch những nơi gần gần trong tầm khoảng cách có thể lái xe được quanh quẩn các thành phố Bắc Mỹ. Như vậy không có hiệu quả chăng, hắn tự hỏi. Hỏi bác sĩ đi du lịch ở đâu thì toàn nghe kể những chuyến vừa dài lâu cả tháng vừa xa xôi như Hawai, Trung Hoa, Âu châu, Úc châu; ngắn và gần hơn có Cuba, Cancun, Acapulco, mỗi năm đều dắt vợ con đi vài chuyến. Hắn cám ơn lời khuyên vàng ngọc của ông.
 
Ðó là lý do hắn không thích đi gặp bác sĩ. Nhiêu khê lắm, mất cả giờ để nghe chỉ một lời khuyên huề vốn. Ngồi ngáp hơn nửa tiếng ở phòng chờ bên ngoài, bị nghe tiếng trẻ con khóc nhè, tiếng ho, tiếng bịnh nhân nào đó nói ong óng qua điện thoại cầm tay, quên thực tại là một nơi công cộng, chêm đệm bằng những tràng cười dung tục, hắn cảm thấy nếu ai chưa bệnh thì sẽ bệnh, ai mệt ít sẽ mệt nhiều. Ðược kêu tên vào phòng khám, xin đừng tưởng bở, ngồi chờ thêm mười, mười lăm phút nữa là thường.
 
Hắn thắc mắc sao chẳng bao giờ hắn thấy bác sĩ bịnh cả, và nếu bịnh họ có tự khám cho họ không. Ông nào cũng phây phây, nhanh nhẹn nói cười, khám bệnh như chớp. Mở hồ sơ bệnh nhân ra, liếc nhanh một cái, dùng que gỗ đè lưỡi bệnh nhân bảo phát âm mẫu tự “R” xem hạch trong miệng có bị nhiễm trùng không, rọi đèn xem tai có bao nhiêu rái, đo huyết áp, phán, “Hơi cao đấy!” Hắn bực trong bụng thầm nghĩ, “Không cao sao được. Ngồi chờ cả buổi làm cho máu đủ sôi lên rồi!”
 
Hắn cũng muốn vui với cuộc sống lắm nhưng dường như cái cục bướu buồn nó đã được cấy trong hình hài hắn kể từ lúc hết được làm lính và bị Việt Cộng đì. Thật ra, theo như mẹ kể thì những năm đầu đời hắn là một đứa bé èo uột khó nuôi, yếu đuối đầy bệnh vặt và hay khóc nhè. Ðó là theo lời mẹ kể. Riêng phần hắn, kể từ tuổi trí nhớ đã phát triển, hắn nhớ mình rất gầy còm, lòng khòng, khẳng khiu và dễ té ngã, hai đầu gối lúc nào cũng đầy thẹo. Từ bấy đến giờ, hắn vẫn tiếp tục nhiều phen té ngã trên đường lộ cũng như trên đường đời.
 
Năm lên 18 tuổi, rớt hai kỳ thi tú tài, hắn tình nguyện đăng lính Sư Ðoàn 7 Bộ Binh mang phù hiệu có số 7 hình đầu con ó. Mặc dù với thân hình còm nhom nặng 43 kí, vậy mà hắn “đậu” vớt phần khám sức khoẻ tổng quát. Phải chi Bộ Giáo Dục cũng có tấm lòng rộng lượng như Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ cho hắn nhờ! Ðó là năm 1970. Thật nghịch lý, đời sống quân ngũ gian khổ lại làm cho hắn lên kí. Sau năm năm ôm cây M-16 lặn lội hành quân qua các vùng Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo, hắn trở nên có da có thịt, lại là thịt thăn không mỡ, cánh tay có bắp chuột nổi vồng lên đủ để giựt le với con nít. Bảy Lăm tan hàng, hắn tiếc cuộc sống vẫy vùng đầy ý nghĩa bên cạnh các đồng đội sống chết có nhau.
 
Trong cuộc đời tị nạn trên xứ người, hắn đi làm qua mấy hãng xưởng khác nhau, bạn đồng nghiệp tây ta gì đều có, nhưng trong sự thân tình luôn có cả sự gườm ghè dòm ngó, cạnh tranh, tị hiềm làm nhiều làm ít, tâu hót kiếm điểm với quản lý cấp trên. Hắn làm việc giỏi giang, chăm chỉ siêng năng quá cũng có kẻ ganh ghét. Tất cả chỉ vì ai cũng không muốn bị mất việc, mất đồng lương. Hắn đi làm có tiền mà đôi khi vẫn cảm thấy nhục là vì thế.
 
Hắn chiêm nghiệm một điều luôn là chân lý đối với hắn. Ðó là hắn xem năm năm đi lính là khoảng thời gian đẹp nhất và đáng sống nhất trong đời, mặc dù hắn không thể giải thích lý do tại sao. Ðơn giản hắn chỉ nghĩ là Việt Cộng phá xóm làng giết hại dân, hắn đi lính để giữ gìn an ninh và đời sống của dân. Ngược lại, mười một năm sống dưới chế độ Việt Cộng của hắn thật tồi tệ kinh hoàng. Con người bị ngược đãi, đời sống cùng cực vất vả mà không đủ ăn về vật chất trong khi tinh thần luôn bị khủng bố. Bản thân hắn bị tù tội và hành hạ, xỉ vả chửi mắng về cái tội đã đi lính trinh sát Sư Ðoàn 7 từng gây khiếp đảm cho Việt Cộng.
 
Hai mươi năm sống đời tị nạn ngoài quê hương tuy tự do sung túc nhưng tuyệt nhiên không mang một lý tưởng cao đẹp nào. Sống đời quân ngũ, hắn không hề quan tâm đến sự thiếu thốn về tiền bạc vật chất và nhất là hắn không hề có ý niệm giàu nghèo. Hắn chỉ thấy vui trong gian khổ. Còn bây giờ, chẳng hiểu sao, lúc nào cũng phải nghĩ đến đi làm kiếm tiền, con người được nhìn và đánh giá qua khả năng kiếm ra tiền nhiều hay ít. Ðua chen bận rộn với cuộc sống, chạy đua với nó bằng tốc độ chóng mặt, tất bật suốt ngày suốt tháng suốt năm, đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, tầm thường lắm.
 
Nếu không có vợ nhắc nhở khuyên lơn, đôi khi kềm giữ nữa, thì không biết hắn sẽ ra sao. Có thể hắn đã theo chủ nghĩa MacKenoism, là mặc kệ nó! Kể cũng may, vợ hắn có nhiều bản lĩnh. Nàng giỏi hơn hắn hầu như trên mọi mặt. Nàng học cao hơn, trình độ Anh ngữ khá hơn, giao tiếp bén nhại hơn. Nàng là đàn bà nhưng không phải là phái yếu vì dường như nàng đang “quản lý” đời hắn, “từ” này nghe rất là “ấn tượng”, hắn chế giễu tiếng Việt Cộng. Hắn mới yếu, rưng rưng nước mắt mỗi khi nghe tuồng cải lương Lan và Ðiệp. Yếu nhất là khi đụng đến sự nói tiếng Anh.
 
Không bao giờ hắn làm chủ được Anh ngữ vì mải năm 34 tuổi khi đặt chân đến xứ nầy, hắn mới bắt đầu làm quen với nó qua một lớp i-ếch-eo Anh ngữ dành cho người lớn. Cái lưỡi của hắn đã cứng đơ do đã ăn quá nhiều mắm ba khía. Hắn nhớ mãi một lần ngồi trước Tòa Ðô Chính chờ vợ vào trong làm giấy tờ. Một ông Mỹ trắng ngồi cùng băng ghế với hắn xoay qua hắn nói câu gì nghe như “Ni hu ma”. Thấy hắn không đáp, ông lập lại một lần nữa, “Ni hu ma.” Hắn cũng cứ đực mặt ra. Ông ta bèn hỏi:
 
“You are not Chinese?”  Hắn đáp “Yes” một cách tự tin. Ông kia lại hỏi:
 
“So, you are Chinese?”
 
Hắn vội chối lia lịa, “No, no, I am not Chinese!”
 
“You are not Chinese?”, ông Mỹ này chậm tiêu hay sao mà cứ hỏi lòng vòng mãi.
 
Hắn gật đầu mạnh dạn đáp “Yes” với ý muốn khẳng định dứt khoát với ông ta rằng hắn không phải là người Tàu. Nhưng ông Mỹ lại có vẻ ngạc nhiên và hoang mang lắm. Ông ta ngây người ra một lúc và nhìn hắn một cách chăm chú. Hắn cảm thấy bối rối. Ông ta chậm rãi hỏi:
 
“Are you Vietnamese?”
 
Hắn mừng rỡ đáp nhanh:
 
“Yes, yes. I am Vietnamese!”
 
Ông Mỹ cười hài lòng gục gật đầu và ngửa cổ “Ah...”, xong ông ta nói “bye-bye.”
 
Khi vợ làm giấy tờ xong đi ra, Hắn kể lại. Vợ cười thú vị bảo, “Ráng học đi rồi anh sẽ hiểu vì sao.”
 
Xong lớp E.S.L. sáu tháng, hắn kiếm tạm đủ mớ tiếng Mỹ và khởi sự lao đầu vào làm hãng xưởng. Nhưng ngọng vẫn hoàn ngọng, đối với hắn tiếng Anh đúng là một thứ khó nuốt chẳng khác nào món hamburger trét hầm bà lằng vừa mayonaise trắng, ketchup đỏ, mustard vàng cứ chèm nhẹp trông đã phát ớn nuốt vô lại còn muốn trợn trắng luôn. Hắn nhớ mấy câu thơ của một thằng bạn khùng khùng trong nhóm nhậu hay đọc, nghe riết rồi hắn thuộc lòng luôn:
 
Ai đưa ta tới xứ này
Bơ gơ hót đót đi cày thấy cha
Tiếng Mỹ ú ớ không ra
Trở nên ít nói là ta đây nè!
 
Nghe nói ở Little Saigon bên Cali không cần biết một chữ tiếng Mỹ vẫn sống được, hắn ước gì được qua bên đó sống cho khỏe, ngặt vì hắn chẳng có bà con nào bên đó, và tất cả họ hàng bên vợ đều sống ở đây, thành phố mà lâu lâu các nghiệp đoàn công nhân viên chính phủ thay phiên nhau đình công: bưu điện phát thư, tài xế xe buýt, nhân viên đổ rác, có khi thầy cô giáo, nhân viên nhà thương, cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát cũng làm reo luôn nữa.
 
Nhớ lời vợ dặn, hắn lấy lọ thuốc tẩy trùng luôn để sẵn trong xe, xoa lên hai tay trước khi vào chợ. Hắn móc túi lấy cái “list” đi chợ ra xem. Cũng chẳng có chi nhiều, chừng mươi món. Nhà chỉ có hai vợ chồng hắn, chuyện ăn uống cũng đơn giản thôi. Dạ dày của hắn thuộc loại mỏng cơm, khó dung nạp các loại thức ăn nhiều vị, thật là một thiệt thòi lớn cho hắn, vì hắn là người phàm tục thích ăn ngon nhiều gia vị, nhứt là các món nhậu. Hắn thèm rất nhiều món mà phải nhịn, theo lời khuyên của bác sĩ thì ít mà do lời dặn của vợ thì nhiều. Ðúng là hắn không có số hưởng.
 
Một lần hắn đau dạ dày quá phải nằm nhà thương. Kể cũng lạ, đi lính đụng trận hắn không sợ mà hắn lại sợ nằm nhà thương, mặc dù tất cả nhân viên trong bệnh viện từ bác sĩ đến y tá đến lao công đều đối xử rất tử tế. Hắn nhớ một buổi sáng còn nằm trên giường bệnh, y tá trực vào ân cần chào hỏi, trong đó có câu, “Did you move your bowels last night?”, hắn chẳng hiểu cô ta muốn nói cái gì.

 Ảnh minh họa

Hắn ngỡ cô ấy hỏi mình đêm qua có táy máy tay chân dời món gì gì đó không. Hắn cố nhớ lại là hắn chẳng có dời món gì trong phòng cả. Khổ nỗi, với đầu óc chẳng lấy gì làm thông minh, hắn không hiểu bowels là cái món gì. Thay vì hỏi “What are bowels?”, lính quýnh làm sao không biết, hắn lại hỏi “What bowels?” Towels thì hắn hiểu là khăn lau, còn bowels thì hắn chưa nghe bao giờ. Thấy vẻ ngơ ngác của hắn, cô y tá vui tính và tự nhiên phải chỉ vào cái bụng của hắn rồi giả bộ khom mông và nhăn mặt “rặn” vừa nói “poo-poo”, chừng đó hắn mới hiểu ra. Hắn ngượng đỏ mặt vì cảm thấy mình quá cù lần. Dại hơn nữa, hắn kể lại chuyện đó cho vợ nghe khi nàng vào thăm, cho nên về sau, lâu lâu vợ lại trêu hắn, “Did you move your bowels last night?” Hắn không ưa tiếng Anh là vì thế.
 
Trong hai năm qua, hai đứa con của vợ chồng hắn, một đứa 29 và một đứa 26, lần lượt dọn ra riêng sau khi chúng đã lập gia đình với người khác chủng tộc. Càng tốt cho hắn, đỡ phải ú ớ khi tiếp chuyện với dâu với rể. Vợ chồng hắn coi như làm xong bổn phận cha mẹ, trở lại tình trạng không con cái, có điều tình vợ chồng không còn đằm thắm như thời còn trẻ. Qua tuổi tắt kinh, vợ hắn đòi ngủ riêng, viện lý do hắn ngáy to quá. Thật oan cho hắn, vì theo hắn biết thì hắn đâu có ngáy, chỉ thở phì phò khi ngủ say thôi. Mà chuyện ngủ say thở mạnh phì phò thì có trừ ai bao giờ, vợ hắn cũng y chang, ngay cả con chó Fifi trong nhà cũng vậy. Vậy mà chỉ có hắn bị đổ thừa. Oan ôi ông địa. Vợ bảo kiểu ngáy của hắn chẳng giống ai, hai môi cứ rung lên bần bật như trẻ con làm trời mưa. Hắn bảo “không thấy thì không tin”. Vợ dọa, “được rồi, hôm nào tui chụp hình”. Hắn biết khôn, khi nào nghe vợ xưng tui thì hắn nên câm họng béng đi chỗ khác.
 
Một anh bạn hiểu nhiều học rộng của hắn bảo khi người đàn bà tắt kinh thì đã trở thành đàn ông một nửa. Hèn gì hắn thấy có nhiều bà hàng xóm tuổi xồn xồn người Ý, lông măng mọc trên mép như một cậu thiếu niên mới trổ mã bắt đầu mọc râu, đôi khi có cả lông chân nữa. “Đôi khi trộm nhìn em... Xem dung nhan đó bây giờ ra sao... Em có còn đôi má đào như ngày nào...”, hắn chợt nhớ đến  bản nhạc Trộm Nhìn Nhau của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
 
Người bạn thông thái của hắn còn phân tích rằng khi phụ nữ qua giai đoạn đó rồi thường hay có triệu chứng “tính khí bất thường”, mới dễ chịu đó đã đổi qua khó chịu, từ mèo con thành sư tử trong một giây thôi. Bạn bảo đó là “mood swing”, bảo thủ với cực đoan, cực hữu với cực tả, lề trái với lề phải, Dân Chủ với Cộng Hòa, cứ đổi thay xoèn xoẹt như chong chóng đổi chiều một cách bất ngờ khiến cho ông chồng chẳng biết đường đâu mà đối phó. Lại còn “hot splashes” nữa chứ. Cái món này người bạn hàn lâm của hắn gọi là “lên cơn” hay “bốc hỏa”. Trong con người phụ nữ từ khi mới ra đời đã có mầm mống muốn làm đàn ông mai phục, lâu lâu lên cơn bốc hỏa nổi nóng, đến tuổi tắt kinh mới nhảy xổ ra để chơi tay đôi với ông chồng. Người bạn thông minh thấu trời cỡ nhà bác học Einstein của hắn nói vậy thì hắn nghe vậy chớ hắn chưa tin điều đó lắm.
 
Thế rồi thình lình một chuyện xảy ra như để chứng minh cho hắn thấy nhận định của thằng bạn thông thái của hắn là đúng. Khi hắn trên đường từ chợ về nhà, một chiếc xe lách từ lane bên trong chạy vọt lên định cúp vào trước đầu xe hắn. Hắn không thèm nhường, cứ giữ vững tốc độ. Chiếc xe đó đành bị kẹt đàng sau một chiếc xe đang đậu. Một khoảnh khắc sau, chiếc xe kia vọt lên chạy song song với hắn. Một con mẹ da đen tóc nhuộm vàng như bờm sư tử đực mặt hầm hầm vừa ném cho hắn một cái nhìn như muốn ăn thua đủ và chìa cho hắn xem... ngón tay giữa.
 
 Ảnh minh họa
 
Hắn bừng bừng nổi giận. Dường như tất cả những nỗi bực dọc bị dồn nén từ bấy lâu nay trong lòng hắn giờ đây có dịp bùng dậy. Con người văn minh của hắn biến đâu mất. Con giun xéo lắm cũng quằn, mấy người bạn Bắc kỳ của hắn hay bảo thế, hắn đáp lễ bằng cách cũng chìa ra khoe ngón tay giữa cong cong của hắn như muốn dí vào cái bản mặt đáng ghét của con mẹ đó vừa hét, “You wish you had one, bonehead!” Bấy giờ hắn mới nghiệm thấy rằng trên đường phố có nhiều mụ chạy xe cao bồi lắm, như thể họ muốn chứng tỏ ta đây cũng chẳng thua kém phe đàn ông. Xổ xong câu nói đó, hắn ngạc nhiên hết sức. Hắn chẳng biết tại sao khi cần ứng xử đối đáp chuyện quan trọng thì hắn ngọng, trong khi tuôn ra câu chửi thì hắn nhanh như chớp. Vợ hắn bảo hắn khôn không đúng lúc.
 
Một lúc sau hơi nguôi giận, hắn lấy làm ăn năn hối lỗi. Xưa nay, có bao giờ hắn làm cái cử chỉ kém văn minh đó với ai đâu. Thử xem lại một lần nữa, hắn thấy quả thật ngón tay giữa cong cong của hắn chẳng đẹp tí nào. Hắn giật mình tự hỏi, hay là hắn cũng đang trải qua cơn khủng hoảng giữa đời, “the midlife crisis”, cũng tính khí thay đổi bất thường và lên cơn bốc hỏa?
 
Về đến nhà, trong lúc phụ vợ cất thức ăn vào tủ lạnh, hắn liếc nhìn mặt vợ, xem có sợi râu nào không. Hú viá!
 
PH - N.T.Hoàng