Ngày hôm qua, Thứ Sáu, 7 Tháng Ba, 2014, công ty Siêu Nhật Thái Dương ở Thượng Hải đã thú nhận không thể trả đủ số tiền lãi gần 90 triệu được Nguyên (14.6 triệu đô la Mỹ) cho các trái khoán mới phát hành hai năm trước. Ngày Thứ Ba, công ty này đã loan báo họ không thể đi vay nợ thêm để trả tiền lãi, sau khi cố gắng kiếm được khoảng 4 triệu đồng Nguyên.
Siêu Nhật Thái Dương thành lập năm 2003, chuyên bán các bản kính biến năng lượng mặt trời thành điện bán ra khắp thế giới, thuộc một ngành đã phát triển rất nhanh trong mươi năm gần đây. Ðây là công ty đầu tiên khai vỡ nợ trong thị trường nội địa Trung Quốc mà không được chính quyền ra tay cứu. Trước đó, có những công ty Trung Quốc đã khai vỡ nợ trên các trái khoán vay bằng đô la Mỹ, ở nước ngoài; như công ty Trại Duy Thái Dương ghi danh ở Cayman Islands, và công ty Suntech Power Holdings Co khai phá sản tại tòa án ở Mỹ.
Siêu Nhật Thái Dương phá sản, cho thấy Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang làm đúng lời hứa hẹn gần đây, là để cho thị trường đóng vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế, ít nhất đối với một công ty nhỏ và một món nợ nhỏ. Cho đến Tháng Giêng vừa qua, một quỹ đầu tư lớn là Trung Thành Tín Thác đã được nhà nước bỏ tiền ra cứu sau khi không có tiền trả nợ cho các trái chủ. Lý do khiến đảng Cộng sản phải cứu các trái phiếu này, không để cho vỡ nợ là vì những trái chủ mua nhiều phiếu nhất chính là các ngân hàng lớn do nhà nước làm chủ. Nếu để cho công ty phát hành khai phá sản thì cả hệ thống ngân hàng đều lâm nạn!
Các xí nghiệp nhà nước ở Trung Quốc thường vay nợ của các ngân hàng, vì bên cho vay và bên đi vay đều thuộc quyền đảng cộng sản; nếu không trả được nợ cũng xí xóa! Thị trường trái phiếu mới phát triển gần đây, khác với giao dịch ngân hàng, cho phép các xí nghiệp phát hành “giấy nợ” (trái phiếu), cho công chúng. Thị trường này đã lớn lên rất nhanh, hiện nay tổng số nợ đã có trị giá trên giấy tờ khoảng 4,200 tỷ đô la Mỹ; tương đương với số ngoại tệ dự trữ tại ngân hàng trung ương. Vụ vỡ nợ của Chaori Solar còn rất nhỏ, nhưng cho thấy thị trường trái phiếu trong nước Tầu đang bị đe dọa với nhiều vụ phá sản khác. Các công ty sản xuất khí cụ biến ánh sáng mặt trời thành điện đua nhau ra đời nhờ nhu cầu lớn trên thế giới, kỹ thuật dễ bắt chước các nước tiên tiến và tiền lương công nhân tương đối vẫn thấp.
Nhưng số xí nghiệp bước vào ngành này nhiều quá, vay tiền để phát triển khả năng sản xuất rất nhanh trong khi nhu cầu trên thế giới bắt đầu giảm dần. Chaori Solar là công ty đầu tiên bị vỡ nợ vì không bán được hàng, nhưng chắc không phải là công ty chót phá sản. Trong năm 2014 này sẽ có nhiều công ty cùng ngành điện mặt trời phải trả đến tiền vốn đã vay, tổng số vốn phải trả cho các trái phiếu đáo hạn lên tới gần 8 tỷ đô la.
Ngành điện mặt trời cũng tương đối nhỏ. Các món nợ, vay qua ngân hàng hoặc vay bằng trái phiếu, của các ngành khác cũng đang lo ngại khó trả được, thuộc công nghiệp luyện thép, nhôm, làm tàu thủy, và khai thác than. Tất cả đều do cùng một nguyên nhân là vay nợ để phát triển khả năng sản xuất trong khi nhu cầu trong nước và trên thế giới không tăng mà lại giảm.
Nợ đang là một mối lo lớn của nền kinh tế Trung Quốc. Nó có thể bùng nổ khi các công ty không thể trả được nợ cho các ngân hàng hay trái chủ, và các ngân hàng chứa quá nhiều “nợ xấu” không thể tiếp tục cho vay, cả nền kinh tế vì thế sẽ đình trệ, giống như cơn khủng hoảng bắt đầu năm 2007 ở Mỹ, khi quá nhiều người vay tiền mua nhà rồi không trả được nợ. Ngày Thứ Tư vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Trường đọc báo cáo trước 2,900 đại biểu quốc Hội đã tuyên bố chính phủ ông hứa sẽ “tháo gỡ quả bom nợ” không cho nó bùng nổ!
Công ty nghiên cứu Thomson thuộc hãng Reuters cho biết tổng số nợ của 945 công ty ghi danh trên các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng từ 1,820 tỷ được Nguyên năm 2008 lên tới 4,740 tỷ trong năm 2013, tức là tăng hơn hai lần trong năm năm. Trong năm năm vừa qua, tổng số nợ đã gia tăng, từ 120% Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) lên tới 215% GDP. Hầu hết các món nợ chồng chất và sẽ thiếu khả năng trả tiền vốn và lãi cho các ngân hàng chính là các doanh nghiệp nhà nước lớn và các chính quyền địa phương. Năm 2007, thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp trị giá tổng công an 800 tỷ đồng nguyên, năm 2013 đã tăng hơn 10 lần, thành 8,700 tỷ. Tỷ số nợ trên tài sản của các xí nghiệp Trung Quốc đã lên tới 93%, trong khi ở các nước Châu Á khác trong mười năm qua chỉ lên tới tỷ số trung bình là 70%.
Quả bom nợ tại Trung Quốc đã đe dọa bùng nổ từ ba bốn năm qua, nhưng được trì hoãn vì chính quyền trung ương vừa bỏ tiền ra cứu, vừa ra lệnh giảm bớt việc cho vay. Trong nền kinh tế nửa thị trường, nửa chỉ huy, đảng Cộng sản vừa đóng vai chủ nợ, qua các ngân hàng của nhà nước, vừa đóng vai con nợ, qua các công ty quốc doanh và cơ quan chính quyền địa phương.
Giống như tay phải rút tiền từ trong túi ra cho tay trái vay vậy. Khi số nợ xấu gia tăng đến mức đe dọa, đảng cộng sản có thể ra lệnh cho tay phải giảm bớt, không cho tay trái vay nữa. Họ đã từng tăng lãi suất, tăng số dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, để ban lệnh ngưng bớt việc gia tăng tín dựng. Khi số nợ xấu của các ngân hàng lên quá cao, nhà nước bèn bỏ tiền ra, lập ra một cơ quan đứng mua các món nợ xấu đó. Số nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng thương mại giảm ngay lập tức, vì đảng cộng sản lấy công quỹ “mua” các món nợ xấu đó; tức là lấy tiền của dân chúng bù lỗ cho việc làm ăn thất bại của cả hệ thống, từ các doanh nghiệp nhà nước đến các chính quyền địa phương, và các ngân hàng.Tất nhiên, tình trạng đó gây ra một tâm lý “ỷ y” của tất cả các cán bộ trong hệ thống, trong ngôn ngữ kinh tế học gọi là “moral hazard” (mối rủi ro vì tinh thần ỷ lại). Nếu biết mình không bao giờ lo vỡ nợ, có thất bại cũng không lo mất chức, thì ai còn thấy cần phải cố gắng làm việc có hiệu quả hơn?
Cho nên trước đây hai tháng, Trung Ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố trong thời gian tới sẽ để cho thị trường đóng vai quyết định, thay vì để cho nhà nước quyết định tất cả. Muốn vậy, phải ra lệnh cho các ngân hàng giảm bớt số tín dụng, không được cho vay nhiều như trước nữa. Nhưng tuyên bố thì dễ, thực hiện mới khó.
Cũng trong ngày Thứ Tư vừa qua, ông Lý Khắc Cường đã nói trước quốc hội rằng sẽ đặt mục tiêu phát triển kinh tế trong năm nay là 7.5%. Con số này khiến nhiều người nghi ngờ khả năng kiềm chế tín dụng của chính quyền Bắc Kinh. Bởi vì muốn kinh tế phát triển ở mức 7.5%, kinh tế Trung Quốc không thể dựa vào người tiêu thụ tiêu tiền, như ở các nước tiên tiến. Thúc đẩy người dân tiêu thụ khó hơn, vì cơ cấu kinh tế vẫn không nâng đỡ người tiêu thụ. Dễ dàng hơn cả, là chính quyền Trung Quốc cứ tiếp tục đổ tiền cho các doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương, cho họ đầu tư mở mang thêm những nhà máy sản xuất ra rồi không bán được hàng, và xây dựng thêm những xa lộ, phi cảng không cần thiết, và dựng những khu gia cư xây lên không ai mua ở.
Quả bom nợ vẫn tiếp tục đe dọa nặng nề trong năm nay. Số tiền nợ các ngân hàng không đáng lo bằng số tiền mà các quỹ tín thác (trust) cho vay. Ðây là một hệ thống “ngân hàng nửa sáng nửa tối,” vì họ có thể gây vốn, cho vay, nhưng không phải tuân theo luật lệ ngân hàng bình thường. Những quỹ tín thác là một phương tiện làm tiền của các đại gia, trong đó có cả các người quản lý các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng nhà nước lớn. Họ có thể vay tiền của chính xí nghiệp hay ngân hàng của họ, đem góp vốn, rồi cho vay với lãi suất cao hơn, kiếm lời dễ dàng. Ðại đa số các xí nghiệp tư nhân không thể đi vay ngân hàng, đều đến vay các quỹ tín thác. Tổng số nợ mà các quỹ tín thác cho vay năm nay đã lên tới 4,600 tỷ đồng nguyên, tương đương với 750 tỷ đô la Mỹ. Trong năm 2014, một phần ba số nợ đó đáo hạn, mà rất nhiều công ty đứng vay nợ đang gặp khó khăn.
Số nợ của các chính quyền địa phương đã tăng 67% từ năm 2010, lên tới 17,900 tỷ đồng nguyên, khoảng 300 tỷ đô la trong năm 2013, theo số thống kê của nhà nước cộng sản. Trong năm nay, một nửa số nợ đó cũng đáo hạn. Theo ước tính của chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered thì một nửa số nợ đó sẽ không trả được.
Theo cuộc nghiên cứu khác của ngân hàng JP Morgan thì tổng số nợ của các quỹ tín thác đã tăng gấp đôi trong ba năm, 2010 đến 2012, lên tới gần 6,000 tỷ Mỹ kim, lớn bằng 70% tổng sản lượng nội địa Trung Quốc. Trong năm 2013, tổng số đó đả tăng thêm 46% nữa. Ðiều nguy hiểm là hệ thống “ngân hàng nửa sáng nửa tối” này nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Trung Quốc đang ngồi trên một quả bom nợ. Không biết bao giờ thì bom sẽ nổ.