Monday, 21 April 2014

Những viên sỏi nhỏ trên con đường lớn - Nguyễn Ngọc Duy Hân


Quay đi quay lại mà đã hơn 30 năm lưu lạc xứ người. Thời gian trôi đi mau quá, nhìn lại tôi thấy mình mệt mỏi, già cỗi hẳn từ tâm hồn đến thể xác. Cuộc sống và thời gian đã làm tôi thay đổi khá nhiều. Ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thấm thía thời gian dù dằng dặc nhưng vẫn chưa dài bằng nỗi đau, nỗi nhớ. Hơn 50 năm tuổi đời trôi qua, mình đã làm được gì và sẽ phải làm gì?

Tôi vẫn nhớ về những ngày tháng bom đạn chiến tranh, chui rúc dưới hầm trú ẩn để tránh pháo kích. Trong xóm thỉnh thoảng có tiếng khóc nỉ non của gia đình người lính tử trận. Rồi tới những ngày tháng nhục nhằn sau tháng Tư năm 1975, dù bất mãn chế độ nhưng vẫn phải đóng kịch sống qua ngày. Ngày ấy tôi may mắn được tiếp tục đi học, tuy không làm cháu ngoan Bác Hồ, nhưng vẫn phải họp hành, đi thủy lợi, tham dự lao động Xã hội Chủ nghĩa thường xuyên. Sau mấy lần đổi tiền gia đình tôi trắng tay, lại phải dành dụm để thăm nuôi hai người anh trong trại “Cải tạo” thật khó khăn. Chúng tôi phải kiên nhẫn sắp hàng cả ngày để mong mua được vài ký bo bo, vài ổ bánh mì chai cứng. Chị Hai ở Bến Tre bị đuổi về vùng Kinh Tế Mới, căn nhà “tội ác của Mỹ Ngụy” do anh chị dành dụm bị lấy đi để làm Văn phòng Ủy ban Quân quản Thành phố. Chúng tôi học chữ thì ít, học chính trị lao động thì nhiều, chán nản vô cùng.
Từ từ, phong trào “Đi” được phát triển rầm rộ. Nay hay tin gia đình này đã vượt biên, mai hay tin bạn thân đã vùi mình trên biển cả, hoặc bị bắt vào tù. Xã hội nhiễu nhương đói rách, chúng tôi giao động bất an, chứng kiến nhiều câu chuyện thương tâm, gia đình tan tác. Nhà thơ Bùi Giáng đã diễu cợt chỉ tấm bảng “Tổ hợp may mặc”mà đọc là “Tổ hợp vá mặc”, vì người dân đâu còn tấm vải lành nào mà may, chỉ ráng vá víu để che thân.

Tôi nhớ cảnh thăm nuôi trong trại Cải tạo, những chết chóc đói khát trên đường vượt biển. Để có được hai chữ Tự Do, biết bao sinh mạng và khổ nhục đã được đánh đổi. Rồi cuối cùng tôi cũng may mắn vượt biên được đến xứ Tự do, cũng như những người Tị nạn khác, chúng tôi phải chiến đấu với hoàn cảnh mới, sinh ngữ mới, lại thêm nhớ gia đình, quê hương…. nhiều khi buồn muốn đứt ruột.
Ngày đặt chân đến trại tị nạn Galang, tôi đã thấy những áp bức, bất công của người Indonesia đàn áp dân Việt trong trại. Tôi đã thấy người mình xu thời, cõng rắn cắn gà nhà, những bạn gái vì hoàn cảnh, chút lợi nhuận mà phải cam lòng làm những chuyện không muốn. Tôi đã thấy những người đàn ông phải ra đi một mình, vì yếu lòng với nỗi cô đơn nên đành gán ghép với chút duyên hờ, để rồi sau này bị rơi vào cảnh gia đình lở dở khó xử.... Tôi thương cảm và xót xa, nhưng chẳng làm được gì.

Sang đến Mỹ tôi đi học, đi làm thêm, mỗi ngày ngủ rất ít, ráng kiếm tiền và học xong để có thể giúp đỡ gia đình bên Việt Nam. Do không cân bằng trong việc dùng sức, nghỉ ngơi, tôi rất yếu. Tiền chưa kiếm được bao nhiêu thì bố mẹ già ở Việt Nam qua đời, tôi kiểm nghiệm được rõ hơn cái bất lực của mình, hiểu ra rằng mình thật sự nhỏ nhoi, yếu đuối.

Cũng may từ từ rồi cuộc sống cũng ổn định, tôi lập gia đình, sanh con, nhưng niềm khắc khoải cho những đồng bào còn ở lại vẫn luôn canh cánh trong lòng.
Họ phải sống trong cùm kẹp nghèo khổ, sự thật bị bưng bít. Sau hơn 30 năm, dân tôi càng nghèo càng khổ. Ai nói Việt Nam bây giờ đã được đổi mới, giàu có sung sướng? Có chăng chỉ là một thiểu số con ông cháu cha của nhà cầm quyền. Tôi thấy các em bé ốm o, bệnh tật lang thang ăn xin hoặc bán vé số, bán hàng rong dọc đường. Tại sao các em không được cắp sách tới trường, vui đùa cùng chúng bạn trong thời thơ ấu? Tôi thấy những người đàn ông gầy còm, nét ưu phiền nặng trĩu, đổ mồ hôi kể cả roi đòn để đổi lấy chén cơm. Tôi thấy những cha mẹ già không được yên thân, trời lạnh như cắt vẫn phải mò cua bắt ốc kiếm sống, nước mắt khô cạn vì đã bao lần khóc tử biệt sinh ly.

Một người bạn của tôi vừa đi Việt Nam về, chị thấy ở bãi biển người dân cầm rổ đãi cát tìm vàng. Không phải đất Vũng Tàu có vàng như trong phim Cao-bồi ngày xưa, mà người ta chỉ mong mò tìm được nữ trang, vàng bạc của Việt Kiều làm rơi dưới biển. Sóng nước mênh mông, cơ hội nhặt được vàng bạc là bao nhiêu? Thế nhưng đói quá, không có vốn, không có công việc gì để làm, chẳng lẽ ngồi không chờ chết? Sang thế kỷ 21, người dân tôi vẫn còn phải bới rác, nhặt bao ny-lông về bán lại, thế nhưng cũng phải lén lút, vì chỉ người làm việc trong khu vực đó mới được quyền ưu tiên lượm rác. Biết bao nhiêu người cùng đường phải đi ngoại quốc bán sức lao động rồi bị lừa gạt, hà hiếp. Biết bao phụ nữ phải đứng đường bán thân nuôi miệng, hoặc vì chữ hiếu phải cam chịu làm cô dâu Đài Loan, Đại Hàn, một mình lận đận nơi xứ người. Không những phải hầu hạ, làm việc vất vả cả ngày mà có khi còn là công cụ mua vui ban đêm cho nhà chủ. Trẻ em cũng bị bán đi lao động, đi làm con nuôi cho những người ngoại quốc hiếm muộn, thậm chí bị bán vào động mải dâm. Có bao giờ dân Việt mình cực nhục như vậy chưa? Có xã hội nào thấp kém như vậy chưa? Cộng Sản tiếp tục chà đạp nhân quyền, cướp đất hại dân đàn áp tôn giáo, biết bao sự kiện vẫn còn nóng bỏng, làm sao quên được?

Tôi vẫn hướng lòng về dân mình, nguyện cầu cho Hòa bình và Dân chủ thật sự có được trên quê hương. Mỗi năm dịp 30 tháng 4, gia đình tôi vẫn ra City Hall tham dự lễ Chào Cờ với nỗi niềm thương cảm. Trong khi hát bài quốc ca, tôi thường ứa nước mắt nhớ về những ngày còn thơ ở quê nhà, dù nghèo khổ nhưng đầy đủ mẹ cha ông bà, tự do trên đất nước của mình. Tôi nhớ những gói xôi, những mẩu khoai mì luộc nước dừa thơm phức được ăn mỗi sáng, nhớ những đứa bạn ngây thơ, những thầy cô đáng kính... Đôi khi tôi giận mình vì có một trí nhớ khá tốt - nhớ cả những gì đáng lẽ phải quên đi.
Có người hỏi tôi đi Chào Cờ để được cái gì. Tôi nghĩ ngược lại, mỗi năm đến ngày ô nhục mất nước, ngày giỗ của cả dân tộc mà vẫn không dành ra được một khoảnh khắc để hướng lòng về quê hương, thì còn mong làm được cái gì!!? Hơn nữa, hợp quần trong ngày 30 tháng 4 còn biểu lộ được tinh thần đoàn kết, cho người ngoại quốc thấy được sức mạnh của Cộng đồng Người Việt. Hãy nhìn những cộng đồng bạn Ấn Độ, Đại Hàn, Hồi Giáo… xem họ to lớn như thế nào. Trong một lần đại diện giới trẻ phát biểu trước lễ Chào Cờ, cháu Nam con trai chúng tôi đã chia sẻ "Năm nay con 23 tuổi, đã đi chào cờ ngày 30 tháng 4 tại Toronto này 24 lần, một lần khi còn ở trong bụng mẹ". Tôi cũng biết một người bạn, con gái anh chào đời vào đúng ngày 30 tháng 4, hôm đó anh vào bệnh viện an tâm thấy mẹ tròn con vuông, xong anh chạy ngay ra City Hall để tham dự lễ Chào Cờ. Tôi rất cảm kích những tâm tình này.

Cũng có người hỏi tôi đi biểu tình Trường Sa - Hoàng Sa mà chi, sức mấy mà bọn Trung Cộng chịu trả đất. Tôi biết điều này chứ, tôi chỉ là một phụ nữ yếu đuối nhỏ nhoi không thích chuyện chính trị nên suy nghĩ thật đơn giản. Nếu ăn cướp tới nhà, tôi không la làng để nó muốn lấy gì thì lấy, thì nay nó sẽ cướp thứ này, mai nó sẽ giật thêm thứ khác. Nếu tôi cúi đầu khiếp nhược, tôi sẽ tiếp tục bị ăn hiếp, đè bẹp. Cộng Sản có thể sẽ cắt thêm đất dâng cho Trung Cộng nếu không có áp lực phản đối từ dân chúng. Nếu mọi người từ quốc nội đến hải ngoại không đồng lòng lên tiếng qua các sự kiện Thái Hà, Phương Uyên …. liệu người dân có tạm thời yên ổn như hôm nay?

Tôi vốn ngại đụng chạm, muốn được yên thân, không muốn tranh giành quyền lợi. Khi có người đối xử bất công với tôi, tôi thường bỏ qua, nhưng tôi cũng học được kinh nghiệm đau thương để có thái độ với Cộng Sản, để làm một chút gì - dù bé nhỏ - để tỏ lòng quan tâm đến đất nước, đến người dân tôi. Nhớ hôm thắp nến cầu cho Nhân Quyền và Thái Hà ở Hamilton, tôi gặp một anh bạn không thân lắm. Vừa thấy tôi từ xa, anh xúc động với cặp mắt long lanh, chạy tới hỏi tôi: Chị hay cái gì chưa? Nó đánh dân mình đây nè! Vừa nói anh vừa đưa cho tôi xem hình ảnh mới nhất trên internet của những giáo dân bị hành hung. Tôi quý mến anh hơn từ hôm đó, vì anh dùng hai tiếng "dân mình", và đã đồng cảm trước đau khổ của "dân mình". Tháng Tư Đen, một số người đề ra chiến dịch tẩy chay, không gởi tiền, không về thăm Việt Nam, mục đích cho nhà nước biết được sức mạnh kinh tế của người Việt hải ngoại. Tôi hiểu đây là điều ít nhất mình có thể làm được trong lúc này. Bao nhiêu anh linh, bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho quê hương, mình là cháu con nỡ lòng nào thờ ơ? Tôi mong có người lãnh đạo tốt, tôi mong có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đồng bào tôi bớt khổ, cho đất nước Việt Nam có ngày vinh sáng.

Dù gì đi nữa tôi luôn nhủ lòng - Mình phải chiến đấu với hoàn cảnh, vươn lên chu toàn bổn phận với bản thân, gia đình và góp phần xây dựng một cộng đồng Việt Nam bé nhỏ nhưng đoàn kết yêu thương, nhưng cuối cùng xét lại, trong tôi chỉ còn một chút lòng thành - và chỉ có thế. Dù tôi thiết tha muốn nói, dù tôi thiết tha muốn làm - dù là những công việc bé nhỏ, dù là những dòng chữ ngại ngùng để nhìn lại chính mình. Những gì sẽ đến và những gì đã qua đi, thái độ và trách nhiệm mình phải như thế nào? Làm sao để không thấy rằng quá khứ là một dấu chấm than, và tương lai không là một dấu chấm hỏi to tướng? Tôi ước mong mình là viên sỏi nhỏ mong manh, nằm khiêm nhu nhưng không thể thiếu trên con đường vạn dặm.

Khi con cái đi học bắt đầu khôn hơn, chúng tôi có thêm chút giờ để tham gia vài sinh hoạt trong Cộng đồng và nhà thờ, nhưng sự nhiệt thành và thiện chí không hẳn là yếu tố đem lại ích lợi, niềm vui trong công việc. Vợ chồng tôi đã nóng nảy cãi cọ nhau vì bất đồng ý kiến và mệt mỏi. Đối với anh em, có lẽ vì muốn đạt đến mục đích tốt nhất cho việc chung, nên đã có hiểu lầm, giận hờn vì cách làm việc và cái nhìn khác nhau. Tệ hơn, tôi cũng đã thấy được một vài cá nhân thiếu thiện ý, vì chút tự ái cá nhân mà gây chia rẽ nội bộ, trở ngại cho Đoàn thể, công việc chung. Tôi đã chán nản và thất vọng. Tôi cũng từng nhủ lòng sẽ bỏ mặc mọi sự, chỉ lo cho mình và gia đình mình là đủ. Rồi lại khi ấy, chính tôi cũng thấy những gương hy sinh chịu đựng, kiên trì của người khác và được họ nâng đỡ, lôi kéo vào những sinh hoạt chung trở lại.

Tôi nhớ cũng lâu lắm rồi, trong một lần Hội chợ Tết của Cộng đồng, gia đình tôi có tham gia trong gian hàng cứu lụt của một Hội đoàn. Mọi chuyện tương đối tốt đẹp, gian hàng có vẻ thu hút thì một chuyện không hay xảy ra. Có hai trẻ em Việt Nam vào khoảng 15, 16 tuổi đã cầm dao đâm nhau trong Hội Chợ, và cảnh sát địa phương đã cấm không cho gian hàng tiếp tục hoạt động, vì dù sao cách gây quỹ của chúng tôi cũng dính líu tới trò chơi có đặt tiền. Những con em trong Hội đi bán hoa hồng gây quỹ cũng bị xua đuổi, cấm bán hoa bên Hội trường Văn nghệ vì Ban Tổ chức không muốn khán giả đem hoa lên tặng các ca sĩ, gây trở ngại trên sân khấu. Tôi thật sự mệt và chán, thiện chí tiêu tan, quyết định năm tới sẽ không tham gia gian hàng Hội chợ nữa. Năm nào Việt Nam cũng bị thiên tai bão lụt, lòng nhân ái cũng phải tiêu hao, hơn nữa đồng tiền kiếm được ngày càng khó khăn, đứng ra xin hoài cũng thấy áy náy.

Nhưng tối về, nghe đứa con trai út cầu nguyện trước bữa ăn mà tôi suy nghĩ. Cháu cảm ơn Chúa đã cho ngày qua làm được việc tốt, và xin cho năm sau đi bán hoa đừng bị người ta đuổi nữa để bán được nhiều bông. Tôi ngạc nhiên hỏi con chưa mệt, chưa chán sao mà còn tính chuyện năm tới tham dự gian hàng. Nó hăng hái nói mình phải ráng lại lần nữa chứ mẹ. Năm tới mình có kinh nghiệm sẽ tổ chức khéo léo hơn để tránh những khó khăn như năm nay. Tôi cảm kích lòng nhiệt thành của cháu. Tôi xúc động nhìn đôi bàn tay non trẻ trầy trụa vì bị gai đâm. Chúng đã mua hoa giá sĩ chưa cắt gai, tự gói lấy để giá được rẻ. Tôi nhớ cảm giác thất vọng của mình ban chiều khi thấy hai trẻ cầm dao đâm nhau rồi bị bắt đem đi. Tôi biết chuyện này hôm sau sẽ được báo chí khai thác, người đọc sẽ thấy chán nản vì tuổi trẻ Việt Nam Hải ngoại đã làm chuyện xấu. Tôi đã quên rằng ngoài hai em nhỏ nóng nảy làm chuyện đáng tiếc, vẫn còn có rất nhiều thiếu niên khác đang làm những việc thiện nguyện đầy ý nghĩa. Ít nhất cũng có mười mấy em trong Hội đi bán hoa, đi trực gian hàng, cố gắng góp phần vào việc xoa dịu nỗi đau khổ của những đồng bào kém may mắn. Còn biết bao em Hướng đạo, Sinh viên, Thanh niên Phật giáo, Công giáo .... đang đóng góp cho cộng đồng, sinh hoạt xã hội. Bên gian hàng đồ ăn, cũng có những người con, người em hăng hái phụ giúp cha mẹ buôn bán, kiếm tiền cho gia đình.... Tôi cũng biết một số bạn bè, nhất là những người trẻ đã không quản ngại khó khăn tốn kém, luôn góp công sức trong việc chung mà không hề so đo, đòi hỏi một chút danh lợi, bù đắp. Tôi có quen những bác lớn tuổi nhịn hút thuốc, uống bia để giúp người nghèo khổ và luôn luôn hoài cổ, yêu tổ quốc trên hết. Riêng tại Toronto những năm gần đây đã có Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu luôn cố gắng sinh hoạt, học hỏi để góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Việt, mong ước đóng góp cụ thể cho Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.
Những việc này có lẽ sẽ không được tờ báo địa phương nào đặc biệt nhắc tới. Nó như những viên sỏi nhỏ trắng tinh lót trên con đường thiên lý, nếu tôi có cơ hội nhặt những hòn sỏi này lên ngắm nghía, sẽ thấy chúng tròn trịa xinh đẹp dường bao. Tôi biết mình nên vững tin vào thế hệ mới, vào tuổi trẻ với những tinh hoa hấp thụ được của cả Đông và Tây. Tôi đã hiểu được phần nào những cá tính, cách sắp xếp công việc, hoàn cảnh sống khác nhau không là trở ngại trong việc chung. Miễn là mình biết hòa đồng với mọi người, đặt lợi ích chung lên trên thì kết quả sẽ tương đối tối đẹp. Tôi không còn mong sự tuyệt đối, không bắt mọi người phải giống mình, tôi bắt đầu thực hành bài học nhẫn nại, kiên trì và lạc quan trong cuộc sống. Tôi cố gắng bắt đầu - dù là một bắt đầu đã muộn - để thay đổi trong suy nghĩ, việc làm. Hãy là một chiến sỹ chiến đấu với chính những yếu điểm của mình.

Tôi thật lòng cảm kích những bác lớn tuổi không quản ngại đường xa, sức khỏe yếu kém, luôn có mặt và đóng góp cho việc chung. Tôi ngưỡng mộ những anh chị đấu tranh không mệt mỏi để ủng hộ cho các phong trào Dân chủ tại Việt Nam. Tôi trân trọng những bài viết, những sáng tác nhạc đã góp phần nâng cao tinh thần tranh đấu, ca ngợi tình thương nhân loại. Tôi biết mình cần phải có một tấm lòng, từng chút từng chút một để làm đẹp cuộc sống. Một ngọn gió mong manh không làm lung lay nổi cành cây gai góc to lớn, nhưng nhiều ngọn gió góp sức, có thể lay động làm gãy từng cành, từng nhánh rồi có ngày đạt được mục đích tốt đẹp. Tôi biết mình cần phải tích cực học hỏi, có hành động cụ thể thay vì ngồi im chờ đợi hoặc lên tiếng trách cứ, kết tội người khác. Vẫn có những tên "công an mạng", những người xấu viết lời chửi bới làm nản lòng mọi người trên các diễn đàn, nhưng nói chung tinh thần đoàn kết, sắt son với quê hương dân tộc vẫn luôn triển nở.

Gần đây một số người bạn chúng tôi bên Boston, USA mừng 30 thành lập Hội Diên Hồng, ngày ấy Lịch sử đã vang rền câu nói Quyết chiến tại Hội Nghị Diên Hồng, dù nước yếu vẫn không sờn lòng chống ngoại xâm. Ngày nay bọn Tàu Cộng cũng đang xâm lăng Việt Nam theo lối mới, trong khi nhà cầm quyền Cộng Sản lại bán đất cầu vinh, đàn áp người yêu nước, câu nói Quyết chiến lại càng cần hơn nữa để bảo vệ đất nước. Thành lập và duy trì Hội trong chặng đường 30 năm không phải dễ, tôi tin chắc họ cũng trải qua bao khó khăn, mệt mỏi, nhưng cuối cùng Hội vẫn còn, tinh thần đấu tranh và bảo tồn Văn hóa mãi tiếp tục. Tôi xin chúc mừng và cầu mong tinh thần Diên Hồng luôn còn mãi. Mai này khi đất nước thật sự Tự Do Dân Chủ, thanh bình no ấm, chúng ta vẫn cần tinh thần Diên Hồng để “quyết chiến” với những thói quen xấu, tinh thần tiêu cực của chính mình, để chúng ta chiến thắng trong tinh thần, trong văn hóa và tình người.

Tôi thương người dân Việt Nam cùng khổ, tôi quý màu Cờ Vàng đất nước. Ước gì mọi người cùng đoàn kết, cùng góp một bàn tay để làm một chút gì cho quê hương, cho thế giới. Chúng ta cùng nắm tay, cùng nhìn lại để vươn lên, có sức mạnh nào bằng sức mạnh của sự yêu thương và đoàn kết.....

Nguyễn Ngọc Duy Hân


Xin gởi các anh chị bài viết, hình ảnh & ca nhạc để tưởng niệm ngày Quốc Hận 30 tháng 4:

1 -    Bài Hồn Tử Sĩ, tiếng hát Thái Thanh. Trong lễ Chào Cờ, mình thường chỉ nghe một đoạn ngắn, xin mời nghe toàn bài:


            2 - Hình ảnh một buổi Lễ Chào Cờ dịp 30 tháng 4 tại Toronto, Canada. Xem lại             hình ảnh cờ Vàng tung bay lòng thật bồi hồi.


             3 - Bài vọng cổ Đồng Bào ơi, Hãy đứng lên do Thiên Nhai Khách sáng tác và trình bày: