Lâu rồi tôi mới tham dự một buổi họp mặt trang nghiêm giữa những người tuy xa lạ, nhưng trong không khí gia đình như vậy. Đó là buổi thuyết trình của một người Mẹ – Trần Thị Ngọc Minh – Mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh trước cộng đồng người Việt ở Berlin bởi sự tổ chức của VETO.
Xin kể ngắn về trường hợp người tù lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh – người đã được dân biểu chính phủ Hoa Kỳ nhận đỡ đầu – cũng chẳng quá là trường hợp của cô Hạnh nếu ở xứ tự do, sẽ được tuyên dương vì hành động dũng cảm bênh vực quyền lợi giới công nhân thợ thuyền – cái giới mà chính đảng Cộng Sản đã một thời lợi dụng, làm bình phong để gây phong trào cách mạng…, chứ không phải bị tống vào ngục tối với cái án 7 năm tù như hiện tại:
„ Đỗ Thị Minh Hạnh từ nhỏ là một người con hiếu thảo, một người bạn được mọi người quý mến , một học sinh giỏi. Từ năm 18 tuổi, cô đã biểu lộ tâm huyết đấu tranh chống lại bất công xã hội, nhiều lần giúp đỡ dân oan bị cướp đất cướp nhà.
Bình luận về vụ này, Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế HRW nói trong một thông cáo năm 2011: “Tất cả những gì mà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam trong việc được tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc .”
***
Tôi thử đặt mình vào vị trí một người ngoại quốc có mặt vào buổi thuyết trình, thì có lẽ người ấy sẽ đặt những câu hỏi rất „ ngu ngơ „ nhưng rất hợp tình:
- Ơ… Tại sao một người trẻ có tâm huyết dám đứng lên bênh vực quyền lợi giới công nhân – tầng lớp nòng cốt của Đảng CS lại bị tù đày ?
- Ơ… Tại sao một đất nước oai hùng tự hào bốn ngàn năm văn hiến, tự hào đẩy lùi biết bao cuộc xâm lăng, với rừng vàng biển bạc, với tuyên ngôn „ độc lập tự do hạnh phúc „ trong bất kì văn bản nào lại có một người Mẹ vất vả bôn ba khắp thế giới để đòi công bằng cho đứa con của mình nhỉ ?
- Ơ. Có lẽ nào một quốc gia vừa gia nhập thành viên tổ chức nhân quyền thế giới lại có người đi đòi nhân quyền khắp chốn ?
Trong câu hỏi cũng có câu trả lời.
May thay cho cô Hạnh. Bên cạnh cô còn có một người Mẹ hiểu rõ sự vô tội của con mình và thật dũng cảm, dám đương đầu mọi bất trắc có thể xảy đến để lên đường ra hải ngoại tìm công lý cho con… Nếu quý vị tận mắt thấy mái đầu chớm bạc của người Mẹ rưng rưng nước mắt giải bày công lý cho mái đầu xanh con mình trong ngục tối, có lẽ trong quý vị khó ai có thể cầm được nước mắt.
Trong lời tâm tình của bà Mẹ Ngọc Minh – Mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh có nhắc đến một điều mà mình thấy rất tâm đắc, đó là “ còn có rất nhiều người tù nhân lương tâm đang bị đày đọa trong lao tù CS, nhưng họ được biết đến quá ít hoặc gần như vô danh “. Người Mẹ của cô Đỗ thị Minh Hạnh đã không chỉ kêu gọi mọi người quan tâm đến con mình, mà còn mong mỏi mọi người không quên những người tù nhân lương tâm khác.
Một ý kiến rất hay của bà Ngọc Minh mà tôi xin ghi lại, là cộng đồng hải ngoại hay những người dân Việt Nam quan tâm đến Nhân Quyền, có thể lập ra từng nhóm đỡ đầu cho một trong những vô số tù nhân lương tâm ở VN. Nhóm này gồm bạn bè thân hữu với nhau sẽ hỗ trợ cho một tù nhân lương tâm nào đó bằng cách truyền bá thông tin về người ấy để gây áp lực với chính quyền CS; giúp đỡ vật chất khi cần trong khả năng nhóm… từ lúc bắt đầu chọn làm đỡ đầu cho đến khi người ấy ra tù.
***
Chúng ta hằng ngày nghe thấy bao cảnh đau thương của những đứa bé mồ côi hay trong gia đình nghèo khổ, của biết bao cảnh đời mang bệnh hiểm nghèo đôi khi đành chịu chết vì không đủ tiền để trả viện phí… Vì lòng nhân ái trước cảnh khổ của đồng bào mà không ít những người trong số chúng ta đã quyên góp ít nhiều “ lá lành đùm lá rách “.
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã dũng cảm đứng lên bênh vực cho bao đồng bào – công nhân nghèo khổ trước bất công , và rồi nhận lấy bản án tù 7 năm trời bất công, bị đày đọa mang bệnh tật trong lao tù dù ở tuổi thanh xuân. Vậy thì những người Việt có lương tâm chúng ta có thể nào ngoảnh mặt làm ngơ ?!
Tôi hy vọng rằng nước mắt của người Mẹ sẽ đánh động đến lương tâm của tất cả người Việt chúng ta, và chan hòa cho tất cả những tù nhân lương tâm vô danh khác.
” Giữa quê người còn một bài thơ
Viết cho em bằng những dòng hy vọng
Đừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn.
- Thay một bó hoa cho ngày sinh nhật trong tù của Hạnh”
Berlin, ngày 14.04.2014
Huỳnh Minh Tú
* Mời xem thêm: