Sunday, 6 April 2014

Tin Việt Nam : "Đà Nẵng dẹp biển hiệu tiếng Trung"

Việc Làm Đáng Đề Cao và Nên Áp Dụng Trên Toàn Cõi Việt Nam.
Từ ngày 3.4, TP.Đà Nẵng triển khai tổng rà soát khu vực 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn trước nguy cơ biển hiệu Trung Quốc đang dần biến phố biển thành "phố Tàu".
Đà Nẵng dẹp biển hiệu tiếng Trung
Nhà hàng Hưng Phát buộc phải tháo dỡ biển hiệu toàn tiếng Trung Quốc - Ảnh: Nguyễn Tú 
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 15 (mở rộng) chiều 2.4, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan ngại khi khu vực du lịch biển dọc các đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa kéo dài từ Q.Sơn Trà đến Q.Ngũ Hành Sơn thời gian gần đây mọc đầy nhà hàng, quán ăn, khách sạn với biển hiệu tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Trung Quốc.
Ngày 3.4, Thanh tra Sở VH-TT-DL cùng Phòng VH-TT Q.Sơn Trà và Q.Ngũ Hành Sơn, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra biển hiệu ở 35 cơ sở kinh doanh, dịch vụ khu vực du lịch biển thuộc 2 quận này, qua đó phát hiện 13 đơn vị viết, đặt biển hiệu, quảng cáo sai quy định, vi phạm chủ yếu là biển hiệu chỉ có chữ Trung Quốc hoặc có chữ Việt nhưng nằm dưới và nhỏ hơn chữ Trung Quốc.
 
Theo luật Quảng cáo, chữ viết trên biển hiệu phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Nếu vi phạm các quy định về đặt, viết biển hiệu thì phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng.
Thanh tra Sở VH-TT-DL đã buộc tháo dỡ các biển hiệu vi phạm nghiêm trọng tại nhà hàng Hưng Phát (Công ty CP Vạn Xuân) trên đường Nguyễn Văn Thoại, tháo ngay băng rôn quảng cáo toàn tiếng Trung Quốc nổi bật tại tiền sảnh khách sạn Mường Thanh, đường Ngô Quyền, đồng thời tiếp tục làm việc với chủ doanh nghiệp để xử lý theo pháp luật.
Phó chánh thanh tra Sở VH-TT-DL Lê Tấn Hùng cho biết cuối tháng 12.2013, đơn vị này đã xử lý 17 cơ sở kinh doanh, dịch vụ có biển hiệu chữ Trung Quốc vi phạm, xử phạt 4 đơn vị; cảnh cáo, buộc khắc phục đối với các đơn vị còn lại. Trong các cơ sở trên chỉ có cơ sở massage Mr.Bean (đường Hồ Xuân Hương) tái phạm trong đợt kiểm tra ngày 3.4.
“Điều đáng nói là nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng, doanh nghiệp lớn nhưng ý thức chấp hành luật pháp Việt Nam về quảng cáo, biển hiệu lại rất thấp”, ông Hùng nói. Đoàn đã phát hiện nhiều cơ sở mới dùng biển hiệu sai phạm bằng tiếng Trung Quốc, điển hình như Công ty TNHH Trung Dũng chuyên kinh doanh nhang, trầm hương (đường Võ Nguyên Giáp) có nhiều biển hiệu chỉ có chữ Trung Quốc to tướng. Hay như nhà hàng - bar Danabeach (Công ty CP Quê Việt) trên đường Hoàng Sa không chỉ biển hiệu tiếng Trung Quốc lớn ngang chữ tiếng Việt mà trong thực đơn, khu chọn hải sản cũng đầy chữ Trung Quốc.
Đối với các cơ sở vắng chủ hoặc chưa mở cửa, đoàn kiểm tra đã ghi lại hình ảnh làm bằng chứng và mời chủ kinh doanh đến làm việc, xử lý sau.
Thời gian qua, thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng tăng rất mạnh. Năm 2013, thành phố đón 105.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 13% so với 2012 và chiếm 14% du khách quốc tế, nhiều nhất trong lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán vừa qua trung bình mỗi ngày Đà Nẵng đón 4.000 khách Trung Quốc. Do nhu cầu giải trí và mức tiêu thụ về mua sắm, ăn uống của khách Trung Quốc khá cao dẫn đến các cơ sở kinh doanh đặt biển hiệu tiếng Trung Quốc phổ biến để hút khách. Đó là mặt trái của việc tăng trưởng du lịch.
Chiều cùng ngày, Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng đã có báo cáo Thành ủy Đà Nẵng, đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguyễn Tú

Dẹp bảng hiệu Trung Quốc mọc trên phố Ðà Nẵng 

ÐÀ NẴNG (NV) Sáng ngày 3 tháng 4, 2014, ít nhất 35 cơ sở thương mại, dịch vụ, quán ăn trương bảng hiệu viết bằng chữ Hoa giữa phố Ðà Nẵng đã bị chính quyền địa phương “hỏi thăm sức khỏe.”

Cuộc bố ráp khu phố Tàu mới mọc tại các con đường Hoàng Sa, Hồ Xuân Hương, Võ Nguyên Giáp... thuộc hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn diễn ra vào ngày nói trên, sau chỉ thị của người đứng đầu thành phố Ðà Nẵng, yêu cầu “dẹp hết các bảng hiệu Trung Quốc.”

Báo Dân Trí cho biết, phần lớn các cơ sở thương mại, dịch vụ nói trên là quán ăn, cửa tiệm đã bị đòi phải xuất trình giấy phép hoạt động. Trong số này, có 13 cơ sở bị lập biên bản vì trương bảng hiệu, bảng quảng cáo sai qui định, viết chữ Hoa lớn gấp nhiều lần so với chữ Việt, hoặc toàn bằng chữ Hoa mà không có chú thích tiếng Việt. Chủ các cơ sở này đã được yêu cầu phải tháo gỡ các bảng hiệu sai qui định nói trên.

Trong đợt tổng bố ráp này, chính quyền địa phương đã lập biên bản một khách sạn treo một biểu ngữ viết toàn chữ Hoa ngay tại sảnh. Khách sạn được yêu cầu phải gỡ bỏ biểu ngữ ngay lập tức.

Cũng theo báo Dân Trí, tại một cuộc họp trước đó, ông giám đốc đài phát thanh và truyền hình Ðà Nẵng đã lên tiếng báo động về tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, cơ sở thương mại ở ven biển sử dụng tràn lan tiếng Trung Quốc. Ông này nói rằng, điều đó gây ảnh hưởng bất an trong tâm lý người dân địa phương.

Cũng tại cuộc họp, Bí Thư Thành Ủy Ðà Nẵng Trần Thọ xác nhận có đến 90% du khách đến Ðà Nẵng hiện nay là người Trung Quốc. Bất chấp điều mà nhà kinh doanh cho rằng việc trương bảng hiệu tiếng Hoa là để thu hút du khách Trung Quốc, ông này chỉ thị dẹp hết các bảng hiệu Trung Quốc. Ông Trần Thọ nói với thuộc cấp rằng, “Nói là làm, chứ không để nó nguội, lại càng không thể để Ðà Nẵng biến thành khu phố Tàu.” (PL)

Dẹp biển hiệu tiếng Trung sai quy định

05-04-2014 07:58
TT - Tại nhiều nơi có công nhân và khách du lịch Trung Quốc đến ở lại đông, nhiều hàng quán mọc lên với những biển hiệu ghi tiếng Trung Quốc sai quy định.
Chiều 3-4, chủ quán Hoàng Điểm ở đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) đã che lại dòng chữ tiếng Trung trên biển hiệu sai quy định - Ảnh: Hữu Khá
Để đáp ứng hàng nghìn người Trung Quốc đang làm thuê ở siêu dự án Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hàng loạt nhà hàng, quán ăn treo biển bằng tiếng Trung Quốc mọc lên không đúng quy định. Mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nhưng tình trạng này vẫn đang bất cập.
Hà Tĩnh: khó quản lý hết
Khi đến xã Kỳ Long và Kỳ Liên, số biển hiệu có chữ Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn. Đi từ xã Kỳ Long đến xã Kỳ Liên, chúng tôi nhẩm tính hai bên đường có hơn 40 biển hiệu lớn, nhỏ có chữ Trung Quốc. Do dư luận lên tiếng, những biển hiệu toàn chữ Trung Quốc đã bị tháo dỡ, nhưng vẫn còn rất nhiều biển có chữ Trung Quốc sai phạm, toàn chữ Trung Quốc hoặc chữ Trung Quốc lớn bằng chữ Việt.
Nhìn lên biển hiệu nhà hàng Tứ Xuyên ở xã Kỳ Long, nhiều người chỉ biết đây là nhà hàng bán cho người Trung Quốc khi giới thiệu các món ăn trên biển hiệu bằng chữ Trung Quốc mà không có lấy một chữ Việt. Hay gần đó nhà hàng Min Chi treo ba biển hiệu, có hai biển viết chữ Trung Quốc to tướng lấn át hết chữ Việt. Vào một số quán ăn có treo biển hiệu chữ Trung Quốc, chúng tôi mới biết những ông chủ, bà chủ là người Việt, không nói được tiếng Trung. Treo biển hiệu có chữ Trung Quốc, họ đều nói vì có người Trung Quốc sang đây làm thuê.
Ông Nguyễn Lộc Hằng, trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện Kỳ Anh, nói: “Hiện nay chúng tôi mới xử lý được những biển hiệu quảng cáo viết toàn chữ Trung Quốc. Những biển hiệu viết chữ Trung Quốc đứng đầu và lớn hơn chữ Việt là sai phạm nghiêm trọng. Để thực hiện nghiêm túc việc viết, đặt biển hiệu quảng cáo trên địa bàn toàn huyện, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát thường xuyên. Nhưng do các quán ăn, nhà hàng ở vùng ảnh hưởng Formosa mọc lên như nấm nên rất khó quản lý hết”.
“Phố Tàu” - khu mua bán, ăn uống của người Trung Quốc - đã lan đến những nơi hẻo lánh có công nhân Trung Quốc trú ngụ ở thôn Nhân Thắng, Kỳ Phương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - Ảnh: V.Định
Hải Phòng: mạnh tay xử lý
Tại phố Văn Cao (quận Hải An) và phố Quang Trung (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), nhức mắt nhất là một số cửa hiệu matxa chân sử dụng chữ Trung Quốc với kích cỡ lớn kèm theo chữ Hàn Quốc, chữ Nhật Bản, chữ tiếng Anh nhưng không sử dụng một chữ tiếng Việt nào. Tại phố Văn Cao hiện có gần chục cửa hiệu sử dụng chữ Trung Quốc sai quy định trên biển quảng cáo. Một số nhà hàng trưng biển lớn chạy dọc từ lầu hai lên lầu ba, dòng chữ tiếng Trung được đặt vào chính giữa chạy dọc theo biển. Có nhà hàng còn treo đèn lồng dán chữ tiếng Trung ở trước cửa.
Hai khu vực có nhiều người Trung Quốc làm việc và sinh sống là xã Ngũ Lão (huyện Thủy Nguyên) và phố Văn Cao. Trước đây ở hai khu vực này dày đặc nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh trưng biển chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau thời gian các ngành chức năng xử lý các trường hợp vi phạm thì hiện tại ở xã Ngũ Lão không còn nhiều cửa hàng sử dụng biển quảng cáo tiếng Trung sai quy định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Luân, chánh thanh tra Sở VH-TT&DL Hải Phòng, cho biết từ cuối năm 2013 thanh tra sở đã kiểm tra, xử lý và buộc tháo dỡ biển hiệu chỉ sử dụng tiếng Trung Quốc sai quy định ở khu vực xã Ngũ Lão. Sau một thời gian, các nhà hàng ở đây đã tháo biển hiệu sai quy định, thay đổi nội dung đúng quy định. Từ đầu năm 2014, thanh tra sở tiếp tục kiểm tra một số khu vực trên địa bàn thành phố. Sau đợt kiểm tra có hơn chục nhà hàng chấp hành thay đổi nội dung biển hiệu bằng tiếng Việt. Một số cơ sở kinh doanh thì sử dụng tiếng Việt bên trên cùng của biển hiệu, tiếng Trung bên dưới và nhỏ hơn. Tuy nhiên có một số cơ sở vẫn không chấp hành đổi biển hiệu cho đúng quy định.
Ông Luân cho biết thêm trong tuần đã làm việc với một số chủ cửa hiệu có biển quảng cáo sai quy định trên phố Văn Cao. Các nhà hàng đã hứa sẽ tháo dỡ bảng biển vi phạm. “Mức phạt của hình thức vi phạm này rất nặng, đối với cá nhân thì xử phạt cao nhất là 10 triệu đồng, đối với tổ chức, doanh nghiệp thì ở mức gấp đôi là 20 triệu đồng. Mình tạo điều kiện cho họ kinh doanh thì họ cũng phải tôn trọng văn hóa, luật pháp của mình” - ông Luân nói.
● Tại khu du lịch Bãi Cháy (Hạ Long) - nơi được coi là “phố Tàu” ở Quảng Ninh - hiện không còn những nhà hàng, cửa hiệu trưng biển bằng chữ Trung Quốc sai phạm như trước đây. Ông Đào Lê Trung, chánh thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết từ tháng 7-2013 tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện rà soát, xử lý nghiêm việc đặt biển quảng cáo tiếng Trung Quốc không đúng quy định. Thanh tra sở đã xử lý, buộc tháo dỡ biển vi phạm của hơn 20 cơ sở kinh doanh. “Nhiều nhà hàng khác đã tự tháo dỡ biển khi chúng tôi kiểm tra, xử lý vi phạm. Không thể khẳng định 100% nhưng hiện tại gần như cơ bản các nhà hàng, cửa hiệu đều đã tháo biển vi phạm” - ông Trung nói.
● Số lượng lao động Trung Quốc ào ạt đổ về xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để thi công công trình Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trong những năm gần đây đã biến nơi này thành một khu vực mang dáng dấp “phố Tàu”. Các quán xá nhỏ mọc lên ghi bảng hiệu tiếng Trung Quốc để phục vụ những khách hàng Trung Quốc lưu trú tại Vĩnh Tân. Ông Ngô Minh Chính, giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận, cho biết khi có thông tin phản ảnh các biển quảng cáo tại khu vực Mũi Né (TP Phan Thiết) có ghi tiếng Nga và tại Vĩnh Tân có ghi tiếng Trung Quốc, cơ quan này đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đi chấn chỉnh. “Tại Vĩnh Tân có vài bảng hiệu của các quán nhỏ ghi tiếng Trung Quốc và các cơ quan chức năng đã tiến hành tháo gỡ” - ông Ngô Minh Chính khẳng định.
VĂN ĐỊNH - THÂN HOÀNG - NG.NAM - ĐỨC HIẾU