Sunday 4 May 2014

Ba Thành Phố Canada: Phát Động Chiến Dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam

Mạch Sống, ngày 1 tháng 5, 2014
Nhân dịp 30 tháng 4, nhiều nhà hảo tâm trong cộng đồng Việt ở 3 thành phố Canada hưởng ứng lời kêu gọi của BPSOS và nhận kết nghĩa với khoảng một chục tù nhân lương tâm.
Đây là thành quả trực tiếp của các buổi nói chuyện của Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, và Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS, tại ba thành phố Montréal, Calgary và Edmonton nhân dịp cộng đồng ở các nơi đây tổ chức Ngày Quốc Hận 30/4.
Qua lời tự thuật thống thiết của một người mẹ đi khắp chân trời góc biển để kêu cứu cho người con gái út, Bà Ngọc Minh đã tạo được xúc cảm và lòng quý mến nơi cử toạ.
Ở Montréal, số người ghi danh tham dự đã vượt quá số chỗ ngồi nên ban tổ chức đã phải thực hiện thêm buổi nói chuyện với đồng hương vào ngày hôm sau. Cũng vậy, số người tham dự chật hội trường của trụ sở cộng đồng Việt ở Calgary, còn ở Edmonton thì nhiều quan khách phải đứng.
Trong số người tham dự, nhiều người đã từng xem trực tuyến buổi điều trần của Bà Ngọc Minh ở Quốc Hội Hoa Kỳ và theo dõi tin tức về những chuyến đi vận động của bà ở nhiều thành phố ở Hoa Kỳ và Đức sau đó.

Lm. Trần Công Hùng trao quà kỷ niệm cho Bà Ngọc Minh, Edmonton, Canada, ngày 27/04/2014 (ảnh Phan Nguyên Ngọc)




Bà Ngọc Minh không chỉ nói về cô con gái út Đỗ Thị Minh Hạnh đang ở trong lao tù mà kêu gọi cộng đồng Việt ở hải ngoại hãy cứu giúp cho tất cả tù nhân lương tâm một cách đồng đều, công bằng và có kế hoạch.
Ts. Thắng giải thích: “Kế hoạch này, phát động ngày 24 tháng 7 năm 2013, gồm 3 phần mà mục đích tối hậu là đòi tự do cho tất cả tù nhân.”
Nhóm phụ nữ ở Calgary hỏi han Bà Ngọc Minh, 26/04/2104
Trước hết, BPSOS kêu gọi những cá nhân hay nhóm ở hải ngoại kết nghĩa với tù nhân lương tâm, nghĩa là liên lạc đều đặn với gia đình của họ để cổ động tinh thần, trợ giúp vật thể nếu được, và báo động cho BPSOS can thiệp khi có sự khác thường. BPSOS phối hợp việc kết nghĩa này để tránh sự trùng lập và bảo đảm sự quan tâm đồng đều đố với mọi tù nhân lương tâm.
Phần 2 là gây Quỹ Tù Nhân Lương Tâm. Đây là quỹ chung để can thiệp đặc biệt khi có sự khác thường, như khi tù nhân lương tâm bị đánh đập, tra tấn, biệt giam, bị chuyển trại hay bị trọng bệnh nhưng không được chữa trị. 
Phần 3 là tạo áp lực quốc tế để ép chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho mọi tù nhân lương tâm. Trong phần này, BPSOS đã khởi xướng cuộc vận động các dân biểu Hoa Kỳ đỡ đầu cho tù nhân lương tâm Việt Nam. Cuộc điều trần của Bà Ngọc Minh ở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 16 tháng 1 vừa qua cũng nằm trong phần quốc tế vận này.
Sự phối hợp chặt chẽ của 3 hoạt động kết nghĩa, can thiệp đặc biệt, và quốc tế vận tạo phản tác dụng cho chính sách giam giữ tù nhân lương tâm: thay vì hàng ngũ các nhà tranh đấu giảm đi thì nó lai tăng lên gấp bội khi mà thân nhân của họ nhập cuộc;  thay vì bị bịt miệng, qua thân nhân của họ, tiếng nói của tù nhân lương tâm lan đi khắp Việt Nam và thế giới; đồng thời, nhất nhất hành động đàn áp, ngược đãi tù nhân lương tâm đều bị phanh phui và lên án bởi quốc tế.
Sự hiện diện của Bà Ngọc Minh là một minh hoạ cụ thể và hùng hồn cho kế hoạch này.
“Đến một lúc chế độ sẽ nhận thức ra rằng càng giam giữ tù nhân lương tâm thì càng bất lợi cho họ”, Ts. Thắng giải thích. “Khi ấy trả tự do cho tù nhân lương tâm là biện pháp để giảm thiệt hại.” 
Khi hiểu rằng mỗi người hay nhóm kết nghĩa chỉ cần bỏ ra 15, 20 phút mỗi tháng để liên lạc với gia đình tù nhân lương tâm và việc giúp đỡ vật thể hoàn toàn tuỳ hỉ và tuỳ khả năng, nhiều người đã tình nguyện kết nghĩa.
Đồng thời, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp cho quỹ tù nhân lương tâm dành cho những trường hợp cần can thiệp đặc biệt. BPSOS cho biết sẽ công bố các đóng góp này sau khi tổng kết.
Sau buổi nói chuyện ở Montréal, Bà Ngọc Minh đã đến Ottawa để tiếp xúc với TNS Ngô Thanh Hải. Bà Ngọc Minh hiện ở Toronto và sẽ lên đường đi Úc vào tuần tới.
Ts. Thắng cho biết Ông sẽ trở lại Canada và dự định đi Âu Châu và Úc Châu trong thời gian tới đây.  

Ts. Nguyễn Đình Thắng, TNS Ngô Thanh Hải, Ls. Lâm Chấn Thọ và Ông Ngô Anh Võ, Montréal, ngày 19/04/2014