Thursday 1 May 2014

Bài Viết của con gái về Tháng Tư Đen

Kính tặng bố Phạm Gia Đại yêu dấu!

Đã mấy mươi mùa tháng Tư trôi qua, những hình ảnh hỗn loạn của ngày ấy vẫn còn thấp thoáng ẩn, hiện trong tôi. Chúng ẩn dật khi tôi bận bịu với đời sống nhưng lại hiện thân khi ai đó chạm nhẹ vào nơi chúng đang trú ẩn.  Thế là chúng ùa ra như những kẻ phản loạn trên đường phố.  Tôi nuôi dưỡng chúng vì chúng vô tội.  Nếu không nương náu bên tôi thì chúng cũng sẽ bay đi như những cánh chim biển,  lạc loài cô đơn.

Ngày ấy, tôi chưa đầy năm tuổi.  Căn nhà nhỏ, nằm gọn một góc sau chùa của Ngoại là nơi mà gia đình tôi đã tạo dựng một mái tranh bình yên, đơn điệu, có chiếc xích đu dưới bóng râm của cây mận, cây xoài được bao quanh bởi chiếc hàng rào gỗ trắng xinh xắn.  Mỗi buổi chiều, hai chị em tôi được mẹ tắm rửa sạch sẽ, tóc chải láng mướt ngồi trên xích đu đong đưa chờ bố đi làm về.... ngày ấy còn đâu.

Bắt đầu vào những đêm tôi bị giật mình tỉnh giấc khi bố tôi nghe đạn pháo kích, e ngại đem hai đứa nhét xuống gầm giường, tưởng chừng là nơi trú ẩn an toàn vào lúc ấy. Trong bóng  đêm, nằm úp dưới sàn gach bông mát ruợi, tôi lại vui mừng ngủ tiếp mặc pháo nổ, đạn bay, ai nào hay.  

Một buổi sáng, tôi bị xốc lên xe với em trai, bố mẹ trông thật vội vã và lo âu.  Xe chợm được vài bước thì tiếng khóc của dì Út vang lên từ phía sau.  "Anh chị cho em đi với", dì Út lúc ấy hình như mười sáu trăng tròn. Ông bà ngoại thì cố thủ giữ chùa, dì Út lên xe cùng tôi nhưng định mệnh dì, cháu phải sau bao mươi năm sau mới đoạn tụ lại nhau.

Chuyến xe ra đi nhưng cuối cùng cũng trở về lai căn nhà nhỏ bên góc chùa. Dì Út sau đó vài năm đã ra đi trót lọt trên một con tàu nhỏ.  Bố tôi thì “vinh hạnh” hơn, có “quan” đến thăm, “xe lính” hẳn hoi, mời trình giấy tờ tại nhà trông oai lắm. Tôi nhớ bố bảo mẹ và tôi là đi ba hôm rồi về. Tôi không có khái niệm gì cả. Đứa trẻ chưa lên năm như tôi làm sao hiểu được ba hôm là gì. Trời ơi! ba hôm là một quãng đời người. Năm đó! bố tôi là một thanh niên đầy nhựa sống của tuổi ba mươi.  Me tôi trẻ hơn hai tuổi, ôm con ở lại với những cạm bẫy xung quanh.  

Tôi bắt đầu hiểu dần thiếu cha, không bố là như thế nào.  Xung quanh tôi, trong ngôi chùa gia đình chỉ có ông ngoại là đàn ông. Tất cả đàn ông trong họ chắc cũng giống bố tôi thôi, biệt tăm đâu mất. Tôi bắt đầu biết cách cảnh giác khi đêm xuống. Tôi không thích những người đến hỏi han mẹ tôi về lý lịch bố tôi. Chúng nhìn ngổ ngáo và không đàng hoàng. Tại sao có một tờ lý lịch mà hỏi mãi thế.  ại sao lại phải lập đi lập lại, tôi nhớ đến thuộc lòng.  

Những ngày còn lại là tình bố con qua trang thư tay hay dấu bưu điện nhòe nhoẹt và những chuyến thăm nuôi Nam xuyên Bắc. Tôi nhìn thấy ông ngoại khóc khi ăn cơm nhắc đến bố tôi cùng những người con trai của ông. Tôi thương bà nội cặm cụi giã ruốc cho mẹ và tụi tôi đi thăm nưôi bố. Tôi nhớ chuyến xe lửa đầu tiên ra Bắc, tôi bị mất chiếc dép trên xe ga cũng vì tên bán bánh xỏ chân mang vào, trong lúc tôi ngồi co ro trên ghế.  Mất dép thì nhằm nhò gì, có những cái mất mà không gì đánh đổi lại được.    

Những năm tiểu học, trung học là những năm tháng tôi sống trong lý lịch u tối. Tôi được xếp trong thành phần "cao nhất" lớp-hạng 4- ngang hàng với trộm, cắp vì cả trường chỉ còn bố tôi là “học mãi không thôi mà chưa chịu về”.

Chuyến đi thăm nuôi bố tôi rút ngắn lại từ Bắc về Nam.  Đó là những năm tôi đang dự bị ở trường Tổng Hợp. Thư nào Bố gởi về, tôi cũng nhận được lời giáo huấn, "thờ cha không chồng".  Ông chỉ sợ tôi vớ phải "lá còn xanh như anh đang còn trẻ" thì quả thật ba họ "được nhờ". Tôi cũng yêu đương nhăng nhít nhưng tờ gia phả nặng nề quá, nên chỉ dám qua cầu gió bay.

Ngày ấy cũng đến, mười bảy năm sau, chàng thanh niên ba mươi tuổi trở về với bao nhiêu đổ nát của tuổi thanh xuân.  Tôi chớm qua hai mươi, đón bố không biết nên khóc hay cười.  Mười bảy năm, thử hỏi nửa đời người. Hơn một năm sau, gia đình tôi định cư tại Cali, Hoa Kỳ. Ngày ra đi, Bố tôi chỉ mong vào phòng cách ly thật sớm.  Mẹ, tôi và em tôi thì ray rứt, bịn rịn "đủ thứ chuyện".   Bố tôi không ngừng quan sát chỉ sợ phút chốc có anh chàng nào "áo còn xanh nhưng anh không còn trẻ" kéo tôi ở lại thì hởi ôi " Công cha như núi Thái Sơn" còn đâu.

Cánh cửa máy bay khép lại, những hình ảnh người thân, bạn bè mang theo tôi cao vút cho đến khi không còn thấy nữa. Bao nhiêu năm trôi qua tôi cũng như cánh cửa máy bay, khép lại những gì đã qua. Như đứa trẻ lên năm thưở ấy, tôi khóc một lần rồi thôi nhưng sao tôi vẫn không quên được Ngày Ấy.  Có người bảo tôi nhớ dai là kẻ thù dai, con trai không thích. Ấy thế mà tôi lại thích các đấng mày râu, đàn ông làm nên lịch sử. 


Con Gái,
Phạm Đỗ Quỳnh Trâm

Ghi Chú:
Cháu Trâm hiện rất bận rộn với công việc của một RN trên San Jose, chồng cháu là một engineer làm cho hãng Intel và bây giờ Tesla và hai con trai 10 và 4 tuổi. Her hands are full nhưng đã viết được bài này làm cho tôi rất ngạc nhiên và cảm động. Xin chia sẻ với quý anh chị về các con cháu của các H.O đã phải chịu bao cảnh kỳ thị dưới chế độ Cộng Sản sau khi Bố Mẹ của các cháu phải vào tù "tập trung"- Sau ngày Saigon sụp đổ .
PGĐ