Thursday, 1 May 2014

Phúc trình thường niên của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới yêu cầu đưa Việt Nam vào danh sách CPC

**************************************************************************************************************************************
Logo IBIBPhòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : 
pttpgqt@gmail.com
Web : http://www.pttpgqt.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
**************************************************************************************************************************************
 
 
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TPARIS NGÀY 1.5.2014
Phúc trình thường niên của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới yêu cầu đưa Việt Nam vào danh sách CPC và nêu trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp



PARIS, ngày 1.5.2014 (PTTPGQT) - Hôm qua, ngày 30.4, Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) đã công bố bản Phúc trình Thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Và đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa 8 nước vào “danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC, Contries of Particular Concern). Đây là bản phúc trình thứ 18 từ khi Ủy hội thành lập năm 1998.

Trong danh sách này có Việt Nam. Những quốc gia nào bị đưa vào danh sách CPC sẽ bị chế tài trên nhiều lĩnh vực, mà tài chính là một. Việt Nam đã bị đưa vào danh sách này năm 2004, nhưng được rút tên ra cuối năm 2006 như món quà tặng trong chuyến Tổng thống Hoa Kỳ đến dự Thượng đỉnh APEC tại Hà Nội tháng 11.2006.

Thời gian bị đặt vào danh sách CPC, Hà Nội đã mở chiến dịch ve vãn và nới tay trên bề mặt đối với Phật giáo, để đánh lừa Hoa Kỳ rằng không hề có việc đàn áp GHPGVNTN. Và để minh chứng, Hà Nội cho phép Hoà thượng Thích Nhất Hạnh với 100 Tăng thân Làng Mai về thăm Việt Nam và được “quyền thuyết pháp” từ Bắc chí Nam. Trong khi ấy Hoà thượng Nhất Hạnh gửi đơn xin Bộ Văn Hoá từ năm 2000 nhưng bị từ chối. Ngày 15.7.2006 cho phép Giáo sư Lê Mạnh Thát và Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ — 2 cựu tù bị xử tử hình năm 1988 — tổ chức cuộc Hội thảo Phật giáo Quốc tế tại Saigon.

Những đãi bôi với Phật giáo như thế là chiêu thức tuyên truyền đối ngoại của Hà Nội, nhưng đối nội, thì vẫn là bình mới rượu cũ.

Người ta đang tự hỏi sự ly khai thành lập Tăng đoàn gọi là “Tăng Đoàn GHPGVNTN” dưới sự lèo lái của các Hoà thượng Chánh Lạc, Thiện Hạnh, Viên Lý, Viên Định, mấy tháng qua, có là âm mưu mới, đưa thêm một số Tăng sĩ đầu hàng về với “Tăng Đoàn Phật giáo Việt Nam” của Nhà nước, hoá trang dưới mỹ từ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” để mong cầu “dứt điểm” Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) dưới quyền lãnh đạo của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ?

Có lẽ vì thế mà Thông điệp Phật Đản năm nay, 2558 – 2014, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ đưa ra “Công án Ấn Độ” hầu nhắc nhở chư Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, về sự việc Nhà nước Cộng sản ở Hà Nội đang gia công “đuổi” Phật giáo ra khỏi lãnh thổ Việt Nam như ở Ấn Độ trước kia, khi Ngài viết :

“Đạo Phật bị đẩy ra khỏi Ấn Độ từ thế kỷ thứ IX cũng vì những thế lực vô minh như thế tàn phá đạo đức và phẩm hạnh con người. Dù chúng ta ý thức tới hiểm nguy của những thế lực ngoại tại để giải quyết. Song cũng phải nhận chân nguy cơ suy tàn thuở ấy đến từ nội bộ Tăng đoàn, mà sự phân hoá trầm trọng các bộ phái là nguyên do, điều mà Đức Phật chẳng bao giờ dạy bảo, khuyến khích. Trái lại, Ngài còn tiên liệu để ngăn ngừa sự loạn động, phân hoá, khi Ngài triệu tập tất cả chư Tăng Ni, Phật tử các giới về Pháp hội Linh Thứu để nghe Ngài giảng Kinh Pháp Hoa”.

Đồng thời Đức Tăng Thống cũng cảnh báo những bài viết đánh phá Phật giáo mấy năm qua nằm trong chiến dịch “dứt đỉểm” GHPGVNTN này :

“Con người Tự do trong đạo Phật chính là chư vị Bồ Tát. Bồ Tát từ bỏ thế giới tham đắm, nô lệ, vô minh, chứ không xa lìa chúng sinh trong thế giới ấy. Đây chính là lý do các thế lực vô minh, tham đắm, vị kỷ, ngày đêm tìm đủ cách báng bổ chư Bồ Tát. Bao lâu Bồ Tát còn hiện hữu, thì các thế lực vô minh kia hết thủ lợi, mất quyền phép biến con người thành giống dân nô lệ, cuồng tín”.

Bản Phúc trình của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đưa ra lời bình luận, phân tích, và nhấn mạnh sự tác động của Danh sách CPC đối với Hà Nội, khi bị đưa vào danh sách này năm 2004 như sau :

“Việc đưa Việt Nam vào Danh sách CPC năm 2004 đưa tới những cải thiện xác thực cho tự do tôn giáo mà chẳng hề cản trở các định hướng trong quan hệ song phương Mỹ - Việt. Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo (Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998, PTTPGQT chú) cho phép, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc thương thảo đưa tới thoả thuận của Việt Nam để từng bước rút Việt Nam ra khỏi Danh sách CPC. Thêm vào đó, những cuộc thương thảo cho phép Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) coi như hậu quả cam kết của Việt Nam. Kết quả đưa tới là gì, chính quyền Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân ; gia tăng pháp luật bảo vệ một số nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận ; bải bỏ chính sách cưỡng bức chối từ tín ngưỡng ; và gia tăng khu vực bao dung cho những cộng đồng tôn giáo được nhà nước công nhận trong vấn đề cúng kiến và tổ chức, đặc biệt tại các thành phố. Trong cùng lúc, nền giao thương song phương Mỹ - Việt, chương trình cứu trợ nhân đạo, và hợp tác an ninh đều được phát triển.

“Năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ căn cứ trên những tiến bộ của chính quyền Việt Nam qua các cam kết thoả thuận, đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC. Nhưng Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới nhận thấy rằng, những cam kết thoả thuận và những bước tiến chẳng thay đổi gì mức tự do tôn giáo trên toàn lãnh thổ, và Ủy hội nhận định rằng việc rút tên khỏi danh sách sách CPC là quá vội vã. Vì vậy mà Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới tiếp tục đề nghị quy chế CPC cho Việt Nam, và ghi Việt Nam vào sổ đen trong việc đàn áp tự do tôn giáo kể từ khi được rút tên ra khỏi danh sách CPC”.

Bản Phúc trình cho thấy toàn cảnh việc đàn áp các tôn giáo và tù nhân tôn giáo, như Đức Tăng Thống GHPGVNTN Thích Quảng Độ bị quản chế vì hoạt động tôn giáo, Cao Đài, Công giáo, Hoà Hảo, Phật giáo Khmer…

Riêng đối với GHPGVNTN, Bản Phúc trình cho biết :


“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo lớn nhất nước, GHPGVNTN từ khước gia nhập Tăng Đoàn Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước, PTTPGQT chú) của Nhà nước. Trong năm qua, một phần vì đối ứng với ban lãnh đạo mới của Giáo hội được bầu lên, công an đã gia tăng áp lực. Tháng giêng năm 2014 công an Huế đã ngăn chặn buổi lễ Hiệp kỵ mà GHPGVNTN dự kiến tổ chức, hành hung một Sư cô, bắt giữ trên 15 Tăng sĩ. Tháng Hai 2014, công an Thừa thiên – Huế bắt giam, thẩm vấn, rồi sau đó quản thúc Huynh trưởng Lê Công Cầu, lãnh đạo tổ chức Gia Đình Phật tử có 500.000 nghìn đoàn sinh. Ông Cầu cũng bị câu lưu ngắn trong tháng Ba 2013 vì đã đưa lên mạng những bài viết ủng hộ quy chế pháp lý của GHPGVNTN. Trong tháng Hai 2014, công an đâm sầm vào xe mô bi lét và đánh đập thầy Thích Chơn Tâm trước công chúng, là vị Hoà thượng mới vừa được bầu vào Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN”.