THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
THẰNG MẤT DẬY KIA GIỞ GIÓI RA
Năm ngoái, một cô giáo tên là Hà Thị Thu Thủy dậy ở trung học Lômônôxốp thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội thì đã cùng sai lầm với học sinh khi học sinh của cô viết trong bài luận văn rằng "canh gà Thọ Xương" trong một bài ca dao rằng "canh gà" là một món ăn mà em rất muốn được cha cho đi ăn thử một lần. Cô giáo Thủy cho em học sinh 8 điểm và không sửa một chữ nào của bài luận văn. Như thế là cô hoàn toàn đồng ý với chi tiết em học sinh viết trong bài luận. Hồ sơ cho biết cô tốt nghiệp khoa văn của trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội và vừa hoàn tất luận văn thạc sĩ với số điểm 10/10. Sau khi bài luận của em học sinh được cô cho điểm cao được đưa lên báo, cô đã xin nghỉ việc và vào một bệnh viện tâm trí để nghỉ ngơi.
Chi tiết đáng nói nhất trong hai vụ này là cô giáo Thủy đã xin nghỉ dậy còn cô Nguyễn thị Tâm tại cuộc thi của đài truyền hình với những câu trả lời về Tự Lực Văn Đoàn chỉ bị loại khỏi cuộc thi.
Ông Tú Vị Xuyên mà còn sống thế nào ông chẳng hét ầm lên rằng "... học trò chúng nói tội gì thế / lỡ để hai cô túm được đầu..."
Hai cô giáo dậy văn mà kiến thức về văn học Việt Nam như thế thì dốt thật. Nói câu này thế nào chẳng có người trách rằng lại đem trình độ của các nhà giáo thời Việt Nam Cộng Hòa ra để chê các nhà giáo của cái nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc ngày nay.
Nhưng không nói như thế không được, vì những thứ nhà giáo ngu dốt như vậy thì không hề thiếu ở Việt Nam ngày nay. Dẫu có khiêm tốn cách mấy đi chăng nữa thì cũng phải nói ngay rằng chúng tôi hồi còn đi học ở trung học không thể dốt tàn dốt tệ như thế được. Trong giờ kim văn lớp đầu tiên của bậc trung học, lớp đệ thất, chúng tôi đã đọc Anh Phải Sống của Khái Hưng, núi Văn Dú của Thế Lữ, mấy đoạn trích trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, một hai bài viết trong Bùn Lầy Nước Đọng, Con Đường Sáng của Hoàng Đạo, và Cô Hàng Xén, Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam nên nếu bị hỏi về Tự Lực Văn Đoàn, chúng tôi ... giỏi hơn cô Nguyễn Thị Tâm đang dậy ở Đại Học Sư Phạm rất nhiều nhiều.
Mới đây ở Việt Nam người ta đã nói về những thay đổi cần có cho chương trình giáo dục Việt Nam. Tôi không biết những đổi thay đó sẽ như thế nào nhưng biết là trong đó có những thay đổi trong lãnh vực sách giáo khoa.
Những thay đổi, sửa sang đó sẽ như thế nào? Thí dụ trong lãnh vực văn học như kim văn và cổ văn ? Thay đổi ra sao để cải tiến trình độ của các nhà giáo để tránh xẩy ra những chuyện ngu dốt như người ta đã thấy?
Câu hỏi này làm nhiều người nhớ tới một cuốn sách nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin in năm 2012. Cuốn sách được nói là của Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư không rõ trong lãnh vực gì. Một người giới thiệu cho biết ông kỹ sư này đã nghiên cứu rất kỹ Truyện Kiều và các tài liệu liên quan đến tác phẩm của Nguyễn Du để đưa ra khoảng một ngàn sửa chữa, dẹp bỏ hẳn những từ ngữ khó hiểu lấy từ chữ Hán và thay thế bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều.
Đỗ Minh Xuân cho rằng những thay đổi của ông sẽ giúp cho Truyện Kiều của Nguyễn Du hay hơn, dễ hiểu hơn. Để làm được việc đó, Đỗ Minh Xuân đã sửa và thay thế hơn một ngàn chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng những chữ mà ông cho là dễ hiểu hơn, thuần Việt hơn là nguyên tác của Nguyễn Du.
Truyện Kiều có 3.524 câu thì Đỗ Minh Xuân lôi hơn một ngàn câu ra sửa. Như vậy, người đàn ông này đã can thiệp vào 1/3 tác phẩm của Nguyễn Du.
Về giá trị của Truyện Kiều thì không cần phải nói ở đây. Những người không ưa Nguyễn Du đả kích ông về thái độ hàng thần lơ láo của ông khi ra làm việc với nhà Nguyễn, nhưng không thấy có một ai chê Truyện Kiều. Cốt truyện có thể là thường thôi. Nhưng khía cạnh văn chương mới là viên ngọc quí của văn học Việt Nam. Văn chương của Truyện Kiều đã được coi là lý do tồn tại của tiếng Việt và nước Việt như một câu nói của Phạm Quỳnh.
Văn chương như thế mà nay bị một người chê là thua chữ nghĩa của ông ta, rồi lại được một người cũng có vai, có vế ở Việt Nam hết lòng xưng tụng, coi cuốn sách của Đỗ Minh Xuân là "một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều". Ông này còn nói rằng Đỗ Minh Xuân có "một tinh thần khoa học nghiêm túc", rồi "hoan nghênh công phu nghiên cứu" của ông ta.
Tôi muốn nói thêm một điều ở đây rằng đây là lần cuối cùng tôi nhắc đến người đàn ông tên là Đỗ Minh Xuân bằng chữ "ông" vì sau lần này, cách đề cập tới Đỗ Minh Xuân sẽ không bao giờ được dùng với chữ "ông" nữa.
Nó hoàn toàn không xứng đáng. Nó chỉ là một thằng dốt, ngu xuẩn, hỗn hào và mất dậy.
Nó tự coi nó là đứa tài giỏi hơn Nguyễn Du, chữ nghĩa hơn nhà thơ Tiên Điền, vượt lên trên mọi nỗ lực, mọi việc làm của người đi săn núi Hồng Lĩnh. Nên nó mới đòi sửa lại hơn một ngàn câu trong Truyện Kiều.
Để coi nói sửa như thế nào mà nó dám nói rằng nó sửa để làm cho Truyện Kiều hay hơn.
Ở ngay những đoạn đầu của Truyện Kiều nó đã thay thế hẳn câu "Lạ gì bỉ sắc tư phong", câu tóm gọn được ý chính của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều để đẩy vào câu "Mỗi người thứ có thứ không" rồi kéo câu kế tiếp lên để thành:
Mỗi người thứ có, thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Lập tức ý niệm tài mệnh tương đố, con Tạo đánh ghen với má hồng biến mất không sao tìm lại được nữa.
Ở câu "Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung" thì đại danh từ "nghỉ" được thay bằng đại danh từ "ông" cho dễ hiểu và mới hơn, hay hơn Nguyễn Du!
Hai chữ "mạch tương" mà Nguyễn Du dùng để đưa một điển cũ vào hoàn cảnh của Kiều thì bị bỏ hẳn
Vâng lời khuyên nhủ thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương,
để trở thành:
Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương
nghĩa là đang suy nghĩ thì trời đã... sáng. Không còn thấy nước mắt của Kiều đâu nữa.
Đoạn mô tả nấm mồ của Đạm Tiên nguyên là "sè sè nắm đất bên đường" với hai chữ "sè sè" được dùng để tả ngôi mộ thấp, không được đắp cao lên, nói lên cảnh đìu hiu, không ai chăm sóc của ngôi mộ vô chủ thì bị đổi thành"se se" và giải thích đó là nấm mồ mới đắp, đất hơi se se, chưa hồi phục hẳn.
Trong khi đó, Đạm Tiên chết đã lâu như lời dẫn của Vương Quan: "Đạm Tiên nàng ấy XƯA là ca nhi". Nấm mồ ấy đã "trải bao thỏ lặn ác tà" thì mộ mới đắp lúc nào? Kiều làm thơ tặng Đạm Tiên thì bị Thúy Vân chê là "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa".
Hiểu bố lếu bố láo như thế rồi sửa thơ của Tiên Điền.
Câu 280 hai chữ "Lãm Thúy" rất đẹp bị đổi thành "kiểu dáng". Điển Lam Kiều trong câu 266 bị bỏ hẳn không nhắc tới và thay bằng "đánh liều" nên từ nguyên bản "Xăm xăm tìm nẻo Lam Kiều lần sang " thành "xăm xăm tìm nẻo đánh liều lần sang".
Hai chữ Hợp Phố trong điển châu về Hợp Phố bị bỏ và thay bằng "chủ cũ".
Câu "Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này" bị sửa thành "Xưa nay hiếm thấy tài đâu thế này".
Câu "Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi, Trương" là để nhắc tới Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy thì bị đổi thành "Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang". Nét bác học điển cố của câu thơ bị loại hẳn.
Câu "Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh" bị đổi thành "Ấy là trong mộng hay là thực sinh". Thực sinh là sinh cái gì đây?
Điển "trên Bộc trong dâu" bị đổi thành "trên cỏ dưới dâu".
Câu "nước non luống những lắng tai Chung Kỳ" trở thành "nuớc non luống những lắng tai ngưỡng vì". Bá Nha và Tử Kỳ bị đuổi khỏi đoạn dạo khúc cho tiếng đàn rất đẹp của Kiều.
Câu "Thời trân thức thức sẵn bầy" bị sửa thành "Quả ngon thức thức xách tay" để thành món ... "to go" cho tiện...
Hai câu :"Trộm nghe thơm nức hương lân / Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều" bị sửa cho dễ hiểu (?) hơn để thành "Buồng đào nơi tạm khóa xuân hai Kiều" cho hai Kiều ngủ bót công an chơi.
Mấy chữ rất đắt của Nguyễn Du cũng bị mang ra dung tục hóa đi rất nhiều như trong câu "Người về chiếc bóng năm canh" bị đổi thành "Người về đơn bóng năm canh". Rồi hễ cứ chỗ nào có chữ "chiếc" để nói về sự đơn lẻ, cô quạnh là nó thay ngay chữ "chiếc" bằng một chữ khác ngay.
Câu "Trải qua một cuộc bể dâu" là một tóm gọn cả cuộc đời lưu lạc bất hạnh của Kiều thì bị sửa thành "Trải qua MỖI cuộc bể dâu" vì nó lý luận rằng có nhiều cuộc bể dâu nên nói "một" là không đúng. Phải sửa như nó, Đỗ Minh Xuân, mới hay và đúng.
Thế nên, có mới hơn, có hay hơn, có dễ hiểu hơn thì người ta có thể thấy ngay khi đọc những chữ mà Đỗ Minh Xuân đã dùng để thay cho những chữ trong nguyên bản của Nguyễn Du.
Khốn khổ là một thằng dốt dám hỗn hào sửa chữ của nhà thơ lớn nhất của văn học Việt Nam rồi lại được một đứa dốt và ngu không kém lôi ra hít hà, khen lấy khen để.
Chuyện học hành của thế hệ học sinh sắp tới sẽ như thế nào với cuốn sách đươc coi là đóng góp "đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều".
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh là thế.
Bố khỉ! Đúng như Nguyễn Khuyến đã viết trong một bài thơ vịnh Kiều:
Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già...
Chỉ khác thằng bán tơ là một thằng ranh con dốt nát và mất dậy. Cụ Viên thì là nhà thơ Tiên Điền mà thôi.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
THE + SUPERLATIVE + PRESENT PERFECT
IDIOMS WITH THE VERB TO STAND
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách.
Thưa anh, tuần này chương trình nhận được thư của một khán giả, cụ ông Trần Quang Thái ở Florida muốn anh nói về một structure dùng so sánh hơn nhất (SUPERLATIVE COMPARISON) cộng với thì Present Perfect. Quỳnh Anh đọc câu hỏi của cụ mà cũng không hiểu cụ muốn hỏi gì. Cái structure này (cách đặt câu này) là cái gì, thưa anh.
BBT
Đây là một cách đặt câu rất hữu ích, chúng ta có thể dùng ngay trong khá nhiều trường hợp. Chắc hai cô thế nào chẳng đã có lần nói rằng đó là cuốn phim hay nhất, bài hát hay nhất mình đã được xem, đã được nghe, hay chuyện gì đó đáng nhớ nhất mà mình đã sống qua phải không? Chúng ta sẽ nói về cách đặt những câu như thế trong tiếng Anh.
Câu này có hai phần. Trong nửa đầu, chúng ta luôn luôn dùng hình thức so sánh nhất, tức là SUPERLATIVE COMPARISON của các tĩnh từ. Khi các tĩnh từ này là tĩnh từ ngắn (SHORT ADJECTIVES), tức là có HAI ÂM, chúng ta chỉ cần thêm cái đuôi EST vào cuối là có so sánh nhất. Nhân đây, chúng ta cũng sẽ nói về cách so sánh hơn tức là COMPARATIVE và so sánh hơn nhất, SUPERLATIVE COMPARISON của các tĩnh từ. Để có hình thức so sánh hơn, chúng ta thêm ER và hơn nhất, chúng ta thêm EST và cuối các tĩnh từ ngắn (SHORT ADJECTIVES). Thí dụ NICE, PRETTY, LOUD, NOISY, SOFT, STRONG… là những tĩnh từ ngắn. NOISY và PRETTY có HAI ÂM nên cũng được coi là tĩnh từ ngắn. Trên hai âm là tĩnh từ dài như BEAUTIFUL, INTERESTING, ATTRACTIVE... Thúy cho biết thể so sánh hơn và hơn nhất của NICE (tốt), PRETTY (xinh đẹp) và LOUD (ầm ỹ) là gì nào.
LÃM THÚY
NICE so sánh hơn là NICER và hơn nhất là NICEST; PRETTY là PRETTIER và PRETTIEST; LOUD là LOUDER và LOUDEST.
QUỲNH ANH
NOISY (ồn ào) so sánh hơn là NOISIER và so sánh nhất là NOISIEST; SOFT (là mềm, nhỏ nhẹ) là SOFTER và SOFTEST ; STRONG (mạnh) là STRONGER và STRONGEST.
LÃM THÚY
Thưa anh, có bữa Thúy nghe con của Thúy dùng chữ BADDEST hình như không đúng thì phải.
BBT
Cám ơn cô Thúy. Cô nhắc tôi một chuyện rất quan trọng. BADDEST là sai, là không đúng xét về văn phạm. Nhưng tuổi trẻ như các con của cô thì nhiều khi chúng nói năng không lý gì tới văn phạm cả. Vì thế mới có chữ BADDEST. Nhưng đây là lối nói của tuổi trẻ. Mà ngay chữ BAD, bây giờ chúng cũng dùng với nghĩa hoàn toàn khác. BAD có thể có nghĩa là hay, tốt, đẹp tức là hoàn toàn khác với nghĩa của chữ BAD mà chúng ta đã biết là xấu, là dở. Thí dụ IT IS A REALLY BAD CAR nghĩa là cái xe rất hay, rất tốt, không phải là cái xe dở, xấu.
So sánh hơn nhất của BAD, đúng ra, theo đúng văn phạm, không phải là BADDEST mà là WORST.
QUỲNH ANH
Như vậy là ngoại lệ phải không anh? Tiếng Anh có nhiều ngoại lệ như thế không?
BBT
Trong tiếng Anh có một số tĩnh từ ngắn nhưng không theo qui luật chúng ta nói ở trên, chúng ta không thêm ER cho so sánh hơn và không thêm EST ở cuối cho so sánh nhất. Đó là các tĩnh từ GOOD, WELL, BAD, OLD và FAR. Đó là những ngoại lệ.
GOOD so sánh hơn là BETTER và hơn nhất là BEST.
WELL là tĩnh từ nghĩa là khỏe mạnh, phân biệt với WELL trạng từ ADVERB nghĩa là giỏi. Tĩnh từ WELL so sánh hơn là BETTER và so sánh nhất là BEST.
BAD nghĩa là xấu, tồi, tệ. So sánh hơn là WORSE và so sánh nhất là WORST.
OLD so sánh hơn là OLDER và cũng là ELDER. So sánh nhất là OLDEST và cũng là ELDEST. So sánh hơn của FAR là FARTHER và cũng là FURTHER. So sánh hơn nhất là FARTHEST và FURTHEST.
QUỲNH ANH
Thưa anh, ELDER, ELDEST có khác OLDER và OLDEST không?
BBT
Có. OLD là già, là cũ. OLDER là già hơn, cũ hơn. OLDEST là già nhất, cũ nhất. Còn ELDER và ELDEST thì cũng có nghĩa là già, nhưng chỉ dùng cho người, không dùng cho thú vật hay đồ vật. ELDER và ELDEST được dùng cho người, nhưng chỉ được dùng với những người trong nhà, trong cùng một gia đình như BROTHER, SISTER, AUNT, UNCLE... Thí dụ MY ELDER BROTHER, MY ELDEST UNCLE. Chúng ta không dùng ELDER và ELDEST với những người lạ, không thuộc gia đình của chúng ta. Vì thế, chúng ta nói MY OLDER CO-WORKER, hay MY OLDEST CLASSMATE.
LÃM THÚY
Thế còn FARTHER và FARTHEST có khác với FURTHER, với FURTHEST không thưa anh?
BBT
Khi nói về những chiều dài, những khoảng cách vật lý có thể đo được bằng miles, bằng kilometers thì chúng ta dùng FAR, FARTHER, FARTHEST. Khi đó là những khoảng cách KHÔNG đo được bằng kilometers, bằng miles, chúng ta dùng FURTHER và FURTHEST.
QUỲNH ANH
Xin anh cho nghe thí dụ với FURTHER và FARTHER vì Quỳnh Anh vẫn chưa hiểu.
BBT
Tôi hỏi cô là nếu nói đường từ Los Angeles đi San Jose XA hơn từ Los Angeles đi San Diego thì những đoạn đường này có đo được bằng MILES không?
QUỲNH ANH
Đo được. Vậy thì Quỳnh Anh nói THE DISTANCE FROM LOS ANGELES TO SAN JOSE IS FARTHER THAN FROM LOS ANGELES TO SAN DIEGO (khoảng cách từ Los Angeles đi San Jose thì dài hơn từ Los Angeles đi San Diego) có đúng không?
BBT
Đúng rồi. Nhưng khi nói anh ấy định học cao hơn sau khi có bằng B.A. thì chuyện (học) cao hơn đó có đo được bằng miles hay kilometers không Thúy?
LÃM THÚY
Thưa không. Vì thế, Thúy sẽ phải dùng FURTHER chứ KHÔNG dùng FARTHER và nói là AFTER GETTING HIS BACHELOR DEGREE, HE WENT TO HARVARD FOR FURTHER STUDIES (sau khi có bằng cử nhân, anh ấy đi học ở đại học Harvard để học cao hơn).
BBT
Đó là trường hợp so sánh hơn và so sánh nhất của các tĩnh từ ngắn. Khi gặp các tĩnh từ dài, tức là từ BA âm trở lên thì chúng ta dùng MORE để so sánh hơn và MOST để so sánh nhất. Thí dụ BEAUTIFUL (đẹp), INTERESTING (lý thú), EXCITING (kỳ diệu), WONDERFUL (tuyệt vời), TEMPERATE (ôn hòa), COMPLICATED (phức tạp) , INTELLIGENT (thông minh)là các tĩnh từ dài. Quỳnh Anh cho biết so sánh hơn và so sánh nhất của BEAUTIFUL, INTERESTING, EXCITING coi.
QUỲNH ANH
MORE BEAUTIFUL, MOST BEAUTIFUL; MORE INTERESTING, MOST INTERESTING; MORE EXCITING và MOST EXCITING.
BBT
Thế còn Thúy?
LÃM THÚY
MORE TEMPERATE, MOST TEMPERATE; MORE COMPLICATED, MOST COMPLICATED; MORE INTELLIGENT và MOST INTELLIGENT.
BBT
Bây giờ chúng ta trở về phần đầu của câu. Bao giờ chúng ta cũng dùng so sánh nhất trong phần đầu này. Thí dụ nói đó là cuốn phim hay nhất thì chúng ta nói IT WAS THE BEST FILM. Thúy cho nghe ba thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON.
SHE IS THE NICEST GIRL.
THEY ARE THE MOST INTERESTING PEOPLE.
QUỲNH ANH
Thưa anh, tại sao lại phải dùng THE, mạo tự xác định, DEFINITE ARTICLE ở trước?
BBT
Khi so sánh nhất, khi nói đó là cô gái tử tế nhất, tốt nhất thì chúng ta đã xác định cô ấy là ai rồi, là người tốt nhất, tử tế nhất, nhất trong số những người chúng ta quen. Vậy thì người ấy đã được xác định, không còn bất định nữa, nói đến là biết đó là ai rồi, không phải là bất cứ cô gái nào, mà là chính cô ấy, do đó, chúng ta phải dùng THE, mạo từ xác định ở trước.
QUỲNH ANH
Cám ơn anh. Quỳnh Anh xin đưa ba thí dụ với so sánh nhất sau đây:
THAT WAS THE MOST EXCITING MOVIE.
HE DRIVES THE MOST EXPENSIVE CAR.
SHE SPEAKS THE BEST ENGLISH.
BBT
Bây giờ qua phần thứ hai của câu. Phần đầu chúng ta nói đó là cuốn phim lý thú nhất. Nói vậy nghe vẫn chưa đủ. Chúng ta cần một số chi tiết khác cho rõ và đầy đủ điều chúng ta muốn nói. Thúy thấy cần phải thêm gì nữa?
LÃM THÚY
Đó là cuốn phim lý thú nhất mà chúng tôi đã xem.
BBT
Mà chúng tôi đã xem được thì tiếng Anh nói là THAT WE HAVE SEEN. Thúy nói nguyên cả câu coi.
LÃM THÚY
THAT WAS THE MOST EXCITING MOVE THAT WE HAVE SEEN (đó là cuốn phim hay nhất mà chúng tôi đã xem).
BBT
Cám ơn Thúy. Bây giờ hai cô cho nghe mấy thí dụ khác coi.
QUỲNH ANH
Nhưng trước hết, Quỳnh Anh muốn hỏi là KHÔNG dùng PRESENT PERFECT có được không?
BBT
Chúng ta dùng PRESENT PERFECT để nói là cho đến nay, UP TO NOW, đến bây giờ, nên chúng ta phải dùng PRESENT PERFECT, không thể dùng PRESENT hay PAST được. Lý do là vì PRESENT PERFECT được dùng để nói về một sự kiện chưa chấm dứt hoàn toàn, vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay. Thí dụ nói ông ấy lái một chiếc xe đắt tiền nhất mà (cho đến nay) tôi đã được thấy. QA nói thử bằng tiếng Anh câu trên coi.
QUỲNH ANH
HE DRIVES THE MOST EXPENSIVE CAR THAT I HAVE SEEN (ông ấy lái cái xe đắt tiền nhất mà tôi đã thấy).
SHE SPEAKS THE BEST ENGLISH THAT WE HAVE HEARD nghĩa là cô ấy nói thứ tiếng Anh hay nhất mà chúng tôi đã được nghe (tính từ trước đây cho đến nay).
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON THAT WE HAVE MET (anh ấy là người thông minh nhất mà chúng tôi đã được gặp).
SHE IS THE NICEST GIRL THAT HE HAS KNOWN (cô ấy là người tử tế nhất mà anh ấy đã được quen).
THEY ARE THE MOST INTERESTING PEOPLE THAT WE HAVE TALKED TO (họ là những người lý thú nhất mà chúng tôi đã có dịp nói chuyện).
BBT
Muốn cho ý nghĩa những câu trên mạnh hơn chúng ta thêm EVER vào ngay sau động từ TO HAVE. Thí dụ HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON THAT WE HAVE EVER MET… THAT HE HAS EVER KNOWN…THAT WE HAVE EVER TALKED TO…
Muốn mạnh hơn nữa thì thêm IN THE ENTIRE WIDE WORLD nghĩa là trên khắp thế giới.
Hay cũng có thể thêm IN MY WHOLE LIFE nghĩa là trong đời tôi. Thí dụ hai cô thế nào mà đã chẳng được nghe câu này từ mấy đứa con: MOM, YOU ARE THE BEST MOM THAT I HAVE EVER HAD IN MY WHOLE LIFE IN THIS ENTIRE WIDE WORLD. Đúng không?
QUỲNH ANH
Dạ đúng. Thưa anh, hôm nay, Quỳnh Anh muốn anh cho nghe một số idioms thường hay gặp nhất của động từ TO STAND.
BBT
Idioms với TO STAND thì nhiều lắm, nói ra không hết đâu mà các cô cũng sẽ không nhớ được tất cả. Chúng ta sẽ chỉ cần biết một số idioms mà chúng ta thường gặp thôi. TO STAND là đứng. Cho thêm một PREPOSITION (giới từ) ở phía sau, ý nghĩa của nó đổi khác ngay. Thúy hiểu STAND FOR trong câu này là gì nào: THE LETTERS U.S. STAND FOR UNITED STATES.
LÃM THÚY
STAND FOR nghĩa là thay thế cho, tượng trưng cho phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. THEY SAY THERE IS NO SEAT ON THE PLANE SO WE MUST STAND BY. QA hiểu câu này ra sao?
QUỲNH ANH
Quỳnh Anh nghĩ STAND BY là đợi, đợi đến lượt mình, đợi để lên tầu bay.
BBT
Thế còn I CANNOT STAND HIS TALKING Thúy hiểu là gì?
LÃM THÚY
TO STAND còn có nghĩa là chịu, chịu đựng. Thúy cũng còn nghe câu này: IF YOU CANNOT STAND THE HEAT, GET OUT OF THE KITCHEN có phải là "có cứng mới đứng đầu gió" không thưa anh?
BBT
Cũng gần như thế. Nếu không chịu được nóng thì đừng đứng trong bếp nữa. Câu này có nghĩa là nếu không chịu được chuyện gì, không chịu nổi ai đó thì tránh ra đừng đến gần. Nhớ là idiom này thường được dùng ở thể NEGATIVE, rất ít khi được dùng trong thể AFFIRMATIVE. Đừng nói I CAN STAND HER COOKING. Dùng BEAR nghĩa là chịu đựng thì hơn: I CAN BEAR HER COOKING là tôi chịu được tài bếp nước của cô ấy.
Hai cô cẩn thận khi nói TO STAND FOR OFFICE thì cũng hệt như là TO RUN FOR OFFICE. Cả hai câu STAND FOR và RUN FOR đều có cùng nghĩa tức là ra tranh cử vào một chức vụ nào đó. Cô Quỳnh Anh thử làm một câu dùng STAND FOR hay RUN FOR coi.
QA
Mrs Clinton may STAND FOR OFFICE in 2016. Hay cũng có thể nói SHE IS RUNNING FOR OFFICE.
BBT
Thúy hiểu TO STAND IN trong câu này như thế nào: HE IS STANDING IN FOR WILLIAM BECAUSE WILLIAM IS SICK TODAY.
LÃM THÚY
STAND IN trong câu này nghĩa là thay thế, thế chỗ tạm cho ai đó. Thưa anh, thế còn "đứng dưới" người nào đó thì nghĩa là gì?
BBT
À câu này thì tôi không hiểu. I DO NOT UNDERSTAND YOU AT ALL.
LÃM THÚY
Như vậy là thầy hiểu em định chơi chữ, diễu thầy rồi còn gì. YOU UNDERSTAND ME rồi đó thôi.
BBT
NOW I UNDERSTAND YOU. BUT I DON’T STAND UNDER YOU. YOU MADE MY HAIR STAND ON END. Cô làm tóc tôi dựng ngược hết lên thấy chưa? THANK YOU !
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.