Friday, 2 May 2014

Trần Nhật Kim: Hệ lụy của chính sách “Trăm năm trồng người” của HCM


Giáo dục VN. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Dân Trí
Giáo dục VN. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Dân Trí
Khi ông Hồ Chí Minh đọc được học thuyết Mác-Lênin đã cho rằng đây là con đường đưa tới giải phóng dân tộc, mặc dù ông chưa thấu đáo về nội dung của chủ thuyết này.  Ông gia nhập đảng cộng sản Pháp, sau đó được giới thiệu với đảng cộng sản Nga.  Ông trở thành một cán bộ có lãnh lương của Quốc tế cộng sản, vì họ cần một cán bộ hoạt động tại vùng Đông Nam Á Châu.  Khi về nước, ông Hồ thành lập nhóm Việt Minh tại hang Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng, miền Bắc Việt Nam.  Ông Hồ nhắm tới thế hệ trẻ và đề ra chính sách: “Mười năm trồng Cây, Trăm năm trồng Người.”
Chính sách: “Trăm Năm Trồng Người”
Về chính sách “Trăm năm trồng người”, ông Hồ có nhận định: “Đầu óc của những người trẻ tuổi trong sạch như một tấm lụa trắng.  Nhuộm xanh thì nó ra xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ.  Vì vậy, sự học tập của nhà trường ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà.”
Trong các buổi sinh hoạt với tập thể cán bộ, ông Hồ luôn nhắc nhở mọi người phải học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.  Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân dân.  Đặc biệt, ông coi việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thanh niên, thiếu niên nhi đồng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược to lớn và lâu dài.” Ông Hồ coi “thanh niên là lực lượng có ý chí và nghị lực vượt mọi khó khăn.  Luôn xung phong đi đầu trong sự nghiệp chiến đấu và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.”
Ông Hồ cũng không quên nhắc nhở các cán bộ phụ trách hướng dẫn: “Dân rất thông minh, quần chúng kinh nghiệm sáng suốt rất nhiều, chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi.”
Vì được giao phó thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á Châu, ông Hồ đặt trọng tâm vào việc cải tạo con người cũ trở thành con người mới tiến lên chủ nghĩa xà hội.  Ông Hồ cho rằng “đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục tri thức khoa học và lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa.  Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”.  “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”
Chính sách giáo dục phản dân tộc
Trong những năm gần đây, môn Sử đã trở thành mối quan tâm của ngành giáo dục Việt Nam.  Việc học sinh không mấy tha thiết với môn sử ngày càng phổ biến, nhất là khi Bộ giáo dục đào tạo đưa môn này vào danh sách các môn tự chọn (nhiệm ý) trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.  Do đó, số thí sinh chọn môn sử không đạt tới 10% tại các trường trung học.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam, nhận định: với cách dậy hiện nay, với chương trình sách giáo khoa nặng về hình thức, sự kiện hiện nay, việc các em chán môn sử là điều tất yếu.
Trong khi đó theo Thông Tư số11/2012/TT-BGDĐT ngày7-3-2012 của Bộ Giáo Dục và Đào tạo cho hệ tuyển học sinh tốt nghiệp trung học Phổ thông và Cơ sở về môn học chính trị.  Mục tiêu của môn học để đào tạo học sinh có khả năng:
- Trình bầy được nội dung Chủ nghĩa Mác-Lênin.
- Trình bầy được nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh
- Trình bầy được nội dung đường lối của đảng CSVN qua các thời kỳ: từ 1986 đến
hiện tại. (Với kiến thức chung cho hai hề tuyển gồm: nhập môn Giáo dục chính trị (2
tiết), Chủ nghĩa Mác-Lênin (20 tiết), Tư tưởng Hồ Chí Minh (10 tiết), đường lối
của đảng CSVN (38 tiết)…
Chương trình học về môn chính trị còn nhấn mạnh tới thái độ: “củng cố niềm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng CSVN và con đường XHCN mà đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn…”
Nhìn chung, môn “Chính trị” đối với các em đã trở lên nhàm chán, phải “nhai lại” chủ thuyết Mác-Lê lỗi thời mà cả thế giới, kể cả quê hương đã sinh ra nó, đã vất bỏ vào xọt rác lịch sử, vì đó là một chủ thuyết hoang tưởng, không thích ứng với bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia kém mở mang nhất.
Với “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà đảng CSVN thúc dục người dân trong nước phải học tập trong nhiều thập niên đã trở thành vô ích.  Với sự hiểu biết của các em cũng nhận ra, ông Hồ đấu tranh không vì Dân tộc, mà vì Quốc tế cộng sản để nhuộm đỏ Đông Nam Á Châu.  Hơn thế nữa, ông Hồ là một tội đồ diệt chủng, đã gây ra cái chết oan uổng của 1.667.000  nạn nhân vô tội trong chiến tranh Việt Nam.  Ông Hồ cũng trở thành kẻ phản bội Tổ quốc, khi ra lệnh cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Công hàm ngày 14-9-1958, dâng hải đảo Hoàng sa và Trường sa cho Trung cộng.  Tư tưởng của ông Hồ cũng không có gì phải học tập, vì chỉ là những mảnh vụn sao chép nguyên văn của Mao Trạch Đông.  Ông cũng tự thú:”Ông không có tư tưởng nào, mọi điều đã có Bác Mao suy nghĩ.”
Với thành tích của đảng CSVN qua các thời kỳ, nhất là từ ngày đổi mới tới nay, cũng cần phải nhấn mạnh, người dân Việt đã thoát khỏi nghèo đói nhờ đi theo “Kinh tế thị trường”, nhưng vì cái đuôi “Định hướng XHCN” khiến đất nước không thể phát triển, ngày càng tụt hậu.  Dưới chính sách “Độc quyền lãnh đạo” của đảng đã sản sinh nhiều tệ nạn xã hội như xuất khẩu phụ nữ, trộm cướp, cán bộ đảng “hành dân là chính” và nạn tham nhũng từ thượng tầng tổ chức đã trở thành quốc nạn.
Theo như tinh thần của Thông tư, môn học “Chinh trị” đã trở lên quan trọng đối với kỳ thi tuyển THPT và THCS.  Trong khi môn “Lịch sử của Dân tộc” chỉ là môn tự chọn (nhiệm ý).  Giải thích việc có ít học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp môn Lịch sử, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định cho hay: “Trước khi các em đăng ký, nhà trường đã tư vấn các em nên chọn môn thi nào mà mình cảm thấy khả năng giành lại được điểm cao nhất, chính vì vậy đa số các em học sinh đã chọn Anh ngữ và thêm môn Vật lý hay Hoá học.  Riêng với môn Lịch sử các em ít chọn, không phải vì không thích nhưng phải chọn môn có điểm cao trong kỳ thi tuyển.”
Dư luận trong nước cũng quan tâm đến việc giáo dục lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ.  Và đưa ra câu hỏi: “Tại sao học sinh lại “lạnh nhạt” với môn lịch sử, trong khi đây là một trong những môn khoa học xã hội căn bản cho chương trình giáo dục phổ thông.
Do đặt nặng môn học chính trị và xem nhẹ môn học lịch sử dân tộc tại chương trình trung học phổ thông của đảng CSVN, đã gây ra nhiều chuyện đáng tiếc, như trường hợp của Đỗ Ngọc Bích, trong luận án Tiến sĩ: “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”, nói về thành phần tuổi trẻ trong nước biểu tình chống lại sự xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung cộng, đã đưa ra nhận định :”…Họ không nhận ra rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hoá và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân Huệ từ Trung quốc trong suốt 20 năm chiến tranh.”
“Tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích nhận xét đúng khi cho rằng đảng CSVN đã nhận được nhiều sự trợ giúp, cả người lẫn của, của Trung công.  Chắc TS. Ngọc Bích cũng biết tới chuyện ông Lê Duẩn tới bên giường bệnh của Mao Trạch Đông để cám ơn Mao và đảng CSTQ đã giúp phương tiện để đảng CSVN chiếm được miền Nam Việt Nam.  Cũng vì yếu kém trong môn học lịch sử, TS. Bích đã quên công lao dựng nước của Tổ tiên, mặc dù trong 1000 năm độ hộ bởi Trung quốc, đã giữ vững được giang sơn tổ quốc.
Dù TS. Đỗ Ngọc Bích không thuộc thành phần tuổi trẻ đang dấn thân, bất kể tù đầy đàn áp của đảng CSVN, trước nạn xâm lăng của Trung cộng, nhưng TS. Ngọc Bích đã thành công trong việc giúp đảng CSVN chạy tội bán nước của họ.  Khi làm luận án, chắc tiến sĩ Đỗ Ngọc Bích chưa biết tới tấm bản đồ Trung quốc in năm 1735, mà Thủ tướng Đức, Bà Angela Merkel, đưa biếu ông Tập Cận Bình trong chuyến ông viếng thăm nước Đức. (Tấm bản đồ cổ của Trung quốc, do nhà bản đồ học người Pháp, Jean- Baptiste Bourguignon d’Anville, vẽ vào thế kỷ 18 và được nhà xuất bản Đức in năm 1735).  Tấm bản đồ ghi rõ khu trung tâm Trung quốc chủ yếu là người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ hay Mãn Châu cũng như hải đảo Hoàng Sa và Trường sa. Hy vọng TS. Đỗ Ngọc Bích có thêm dữ kiện để hoàn chỉnh nhận thức của mình về quê Cha đất Tổ.
Nạn nhân của chính sách “trăm năm trồng người”
Vào ngày 26-3-2014, hai tờ Sankei Shimbun và Yomiuri Shimbun của Nhật đồng loạt đăng tin nữ tiếp viên Vietnam Airlines Nguyễn Bích Ngọc bị nghi ngờ liên hệ với các món hàng lấy cắp từ các siêu thị tại Nhật vận chuyển về Việt Nam.  Vì không đủ yếu tố buộc tội, nên cô Ngọc được giới hữu trách Nhật trả tự do ngày 15-4-2014, sau một tháng tạm giam.
Ngoài ra, cô Kiều Trinh, sinh năm 1975, con gái của ông Vũ Văn Hiến, Uỷ viên Trung ương đảng, Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam VTV, đã bị bắt giam ngày 16-2-2001, khi lấy cắp mỹ phẩm tại Orebro, Haimar, Thuỵ Điển.  Cô được tha khi có giấy chứng nhận mang bệnh tâm thần.
Năm 2006, khi đi công tác tại Anh, cô Kiều Trinh cũng ăn cắp máy hình trong siêu thị.  Một lần nữa cô được thoát nạn khi có giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần.  Mặc dù mắc bệnh ăn cắp và bệnh tâm thần, cô được đề bạt giữ chức vụ Trưởng phòng Văn hoá Dân tộc của đài Truyền hình VN.  Một hình ảnh không đẹp đối với khán giả và làm “bộ mặt” của đảng càng tệ hại hơn.
Bệnh “cầm nhầm” của một số du khách XHCN tại các siêu thị ngoại quốc được nói tới trong thời gian gần đây, khiến người Việt trong và ngoài nước cảm thấy “mất mặt” mỗi khi xuất ngoại.  Mặc dầu đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.  Có cùng tâm trạng “mất mặt”, Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã phải lên tiếng khi họp với Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 20-9-2008: “Chúng tôi đi ra ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ.”
Một câu hỏi “dễ mất lòng” của nhân viên kiểm soát, khi phái đoàn người Việt tới phi trường Bangkok sau ngày 30-4-1975:
- Ông/Bà là người Việt Nam?
- Vâng.
- Hà Nội hay Saigon?
Mà không lâu trước đây, du khách người Việt đã kiêu hãnh trả lời: “Tôi là người Việt Nam”, khi cầm hộ chiếu không do CHXHCNVN cấp.  Cũng giống trường hợp khi tới Ba Lan vào thập niên 2000, hộ chiếu của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu được vui vẻ đón nhận khi qua các trạm kiểm soát tại các nước thuộc Đông Âu.  Một câu hỏi được đặt ra.  Tại sao có sự thay đổi “Cách nhìn”, vì thành kiến xã hội hay lý do nào khác?
Kết luận
Chính sách “trăm năm trồng người” của ông Hồ đã lừa gạt lòng yêu nước của nhiều thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, đã sản sinh ra những nhân vật không giống ai, nhưng đám hậu duệ của ông Hồ đã theo kịp ông trên đường bán nước.  Một nhận xét chung của người Việt trong và ngoài nước: Ngày nào đất nước Việt Nam còn đảng cộng sản, dân tộc Việt Nam sẽ còn điêu đứng, lầm than.  Dẹp bỏ đảng CSVN là điều cần thiết trước mắt mà nhân dân Việt Nam phải làm.
© Đàn Chim Việt