Saturday, 7 June 2014

Bầu Ở Rừng - tùy bút lão hư

bau_1

Từ ngày sinh ra cho tới bây giờ, thủy chung tôi và núi rừng vẫn là bè bạn. Thuở còn có nhau, ban ngày chúng tôi vẫn thường gặp nhau, đi lại thăm hỏi nhau, gối tay, gác chân lên bụng nhau. Ban đêm tôi ngủ, núi rừng thì muôn đời thức trắng.

Thập niên 1940, buổi sáng mở cửa ra thấy rừng, thấy núi vẫn còn nguyên sơ. Hoang dã mà hiền hòa, xa xôi mà gần gũi. Thuở ấy cho tới lớn lên sau này, rừng núi đã dạy và ban cho tôi nhiều điều. Từ đời xưa người Thượng đã có văn hóa. Mà văn hóa theo tự điển Pháp Việt tôi học hồi nhỏ có nghĩa là vun trồng (nay chỉ còn nhớ độc một chữ culture để làm mắm).Tiếng Latin nghĩa gốc của chữ văn hóa là sự trồng trọt, chăn nuôi, cầy cấy. Nói rõ ra từ xưa một cụm thiên nhiên hoang dã của đại ngàn đã được con người thuần hóa mà biến thành văn hóa. Điều đó chứng tỏ văn hóa không phải tự nhiên mà có, mà có từ cộng đồng làng qua bao thế hệ đã vun trồng nên. Ngày nay văn hóa bao quát hơn gồm cả văn học, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, đời sống v.v... Nói đến văn hóa Cao Nguyên miền Thượng là nói đến cồng, chiêng, trống, khèn, khố, yêng, đua voi, lễ hội, dân ca, các điệu múa dân tộc, cả sử thi, trường ca Đam San, Đam Noi, Khinh Dú, Xing Nhã, Dông Dư... là những thiên anh hùng ca, một loại văn hóa được thiết lập trên cơ bản triết lý sáng tạo bởi một nhóm người dầy công qua từng đời sống mà thành - thật giản di, mộc mạc, thật kỳ lạ nhưng hào hùng. Ngoài ra, rừng núi còn cho tôi thịt và cây ăn trái. Rừng cho tôi cái nai, cái hoẵng. Núi cho cào cào, châu chấu, dế. Và đất cho tôi bầu.

Bầu là một loại thực vật có nhiều hình dáng khác nhau. Bầu dài hoặc tròn hoặc bầu thắt eo, còn gọi là bầu nậm, bầu hồ lô. Người Kinh trồng bầu để ăn chớ không dùng bầu nậm để đựng nước như người Thượng. Hồi nhỏ theo ba má vô buôn làng thấy người Thượng uống nước đựng trong những trái bầu thắt eo, vỏ lên nước đen xì làm con mắt trẻ con như tôi vừa ngạc nhiên, vừa tò mò thích thú. Về sau mới biết: đợi bầu già, thắt eo mới hái xuống cắt bỏ cuốn và một phần đầu rồi đem phơi nắng cho khô lớp thịt bên trong, xong móc hết ruột ra cho thật sạch, đem hơ lửa, lăn đều cho đến khi vỏ bầu đen kịn là ta có thể dùng đựng nước, đựng rượu. Nắp bầu thì lấy lá chuối khô cuốn tròn thật chặt, thật gọn, cắm vào miệng trái bầu, đố hạt bụi nào chui lọt vô. Đó là một trong hàng trăm thứ "gia dụng" thô sơ của núi rừng. Có lẽ vì nhà quê không hiểu biết nhiều về dân ca miền Thượng, nên tôi không nghe họ hoặc người nào hát về bầu bí ngoài ca dao tục ngữ của ông bà ta truyền tụng:

- Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

- Ở bầu thì tròn. Ở ống thì dài  

Tôi sinh ra ở núi ở rừng, lớn lên dưới hình thù một người lính, tôi đi vào chiến trường cũng ở rừng ở núi. Tôi nhớ hoài có lần sau trận đánh vào mùa khô, tất cả những bình toong của các đồng đội còn sống sót đều cạn nước, trừ trái bầu nậm nhỏ xíu của anh khinh binh Êđê còn sót lại vài ngụm. Định bụng mỗi người... liếm một chút nước trên nắp bầu cho đỡ khát để lấy sức vượt tới điểm hẹn cho kịp giờ thì trời mưa. Sự trung thực của Núi và lòng từ bi của Rừng in đậm nét ở những giọt mưa lúc chúng tôi gần như kiệt quệ.

Vậy đó. Vậy mà sau ngày mất nước tôi đi tù, vượt ngục, rồi vượt biên. Đến nay đã quá nửa đời người tôi vẫn chưa lần nào trở lại quê nhà, hỏi ai mà không nhớ! Nghe nói rừng bây giờ đã bị tàn phá đến từng tấc đất và bị bauxite hóa đến thảm thương. Tất cả từ nhà sàn cho đến đời sống của các dân tộc thiểu số đã hoàn toàn bị Kinh hóa. Đàn ông Thượng không còn mặc khố. Đàn bà Thượng không còn mặc yêng (váy). Hãy nghe Amai B'Lan trong cuốn bút ký Nước Mắt Của Rừng than van đến hết sức chua chát: Người ta đã thay nhà sàn bằng nhà xây, vật dụng trong nhà cũng là của người Kinh. Giới trẻ thay cái váy truyền thống bằng quần jeans bó sát. Ở một góc của buôn, đàn ông tụ tập gầy sòng bạc, uống rượu và chửi tục. Người trong buôn nói: “Người Jrai bây giờ đã biết học theo người Kinh rồi. Con gái Jrai đã biết làm đĩ còn con trai đã biết ăn cắp rồi.”.Trước nền tảng đạo đức lâu đời đã làm băng hoại con người miền núi đến như thế hỏi ai còn ưu thời mẫn thế mà không "cau mặt với tang thương". Nhưng còn những trái bầu thắt eo của tôi bây giờ mọc ở đâu? Mặc dù lâu rồi tôi không còn nghe ai nói tới, nhưng hình dáng những trái bầu nậm eo vẫn thắt, đít vẫn tròn trịa, lông tơ vẫn mịn màng, tươi tốt, vẫn lủng lẳng treo trong hồn tôi.

                                                              * * *

Rồi một buổi trưa hè nắng đẹp nơi quê người, bạn hiền Sơn Đặng (tức Sơn Ròm) réo vợ chồng tôi ghé nhà ăn nhậu. "Nhớ đi cửa hông ra phía sau nhà nghe, bạn già". Sơn Ròm dặn rồi thòng thêm: "Mấy ông bạn lính ngày xưa muốn gặp lại anh đó". Nhà bạn hiền nằm thoai thoải trên một con dốc dẫn xuống rừng cây khá thơ mộng. Vừa lui cui bước lên mấy bực tam cấp sau hè, nhìn lên chưa kịp bắt tay "các bạn lính ngày xưa" tôi đã sửng sốt: giàn bầu! Dưới giàn bầu um tùm xanh lá gần trăm trái bầu hồ lô to có, nhỏ có, đang kỳ con gái thắt eo, no tròn, mập ú treo lủng lẳng trên giàn đến là sướng mắt! Giàn được dựng bằng những thanh gỗ chắc nịch, bắt góc, dọc, ngang rất công phu bài bản.

TQ-bau

Lần khác. Trong một buổi họp mặt nhóm văn nghệ sĩ Tiếng Quê Toronto, cũng tại nhà Sơn Ròm, gia chủ bất ngờ mang lại sự ngạc nhiên, thích thú cho mọi người. Thưa, đó là đại gia Sơn Ròm nhà ta lại có... Bầu! Một chục 12 trái bầu khô kích cỡ tầm tầm như nhau, được bạn hiền ra công sơn son thếp vàng rất bắt mắt, đặt trên kệ bếp. Vừa nghe gia chủ tuyên bố về bầu: "quà tặng ra mắt nhóm Tiếng Quê Toronto" thì mọi người đều rộn lên niềm vui. Tôi liếc thấy nỗi niềm hạnh phúc long lanh nhất lại hiển lộ trên ánh mắt bạn hữu hướng về toàn thể trái bầu, tuy giản dị, đơn sơ mà sáng lòa, rực rỡ. Có thể nói những cái vui buồn, những cái đẹp ở nơi đời của chúng ta đã chịu ảnh hưởng đáng kể trước những tình cảnh chung quanh. Chuyện "bầu bì" của Sơn Ròm, đi từ trái chín cây đến trái khô queo để trở thành một tác phẩm nghệ thuật cũng có thể gọi là một loại văn hóa bầu. Có điều lạ là dòm những "tác phẩm bầu", rồi dòm cái tướng của bạn hiền, "bí danh" Sơn Ròm, Sơn Râu, Sơn Nhậu hay Sơn gì đi chăng nữa, trước sau tôi vẫn thấy bạn tôi chẳng có chút chi thuộc về... "con người của nghệ thuật" cả, cũng chẳng có một thoáng tâm hồn nghệ sĩ nào trùm lên cái thể tướng lều khều, ốm nhom ốm nhách của bạn hết. 

Người ta nói càng về chiều nỗi nhớ quá khứ càng mặn nồng hơn bao giờ. Tôi cũng không thoát khỏi tâm trạng này, cho nên hay lẩn thẩn thả hồn lội về thời quá vãng mù xa. Trong giây phút trầm tư đó, tôi cảm thấy lòng ngập nhớ nhung và khao khát được trở về; hồn nhiên, thơ thới, thong dong mà trở về như thể đất nước vẫn còn đó, núi rừng và bầu bí của tôi vẫn còn đó.  

lão hư