Sunday 1 June 2014

Biểu tình tưởng niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, Hồng Kông, 01/05/2014.

Hồng Kông tưởng niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn

REUTERS/Bobby Yip
Tú Anh        
Chính quyền Trung Quốc xóa ký ức người dân Hoa Lục, nhưng không cấm được Hồng Kông tưởng niệm phong trào dân chủ bị đàn áp đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Bắc Kinh, cách nay một phần tư thế kỷ. Từ 2000 đến 3000 người đã tham gia tuần hành vào chiều hôm nay 01/06/2014 .
Theo ban tổ chức, hơn 3000 người Hồng Kông đã tham gia ngày tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, được tổ chức sớm vài hôm trước buổi lễ thắp nến đúng vào đêm 04/06.
Theo AFP, đoàn tuần hành căng biểu ngữ “Dân chủ ngay bây giờ”, “Chấm dứt chế độ độc đảng” và “Trả tự do cho Cao Du (Gao Yu)” một nhà báo nổi tiếng bị Trung Quốc bỏ tù vì tìm hiểu và tiết lộ thông tin có liên quan đến vụ đàn áp làm từ 1000 đến 2000 người chết mà đại đa số là sinh viên.
Những lời kêu gọi cải cách bị chính quyền Trung Quốc giả điếc, nhưng tại Hồng Kông, vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc nhưng được hưởng quy chế riêng, vẫn sử dụng được các quyền tự do để phát biểu. Hồng Kông còn mở một Viện bảo tàng dành cho vụ thảm sát Thiên An Môn.
Hiệp Hội ủng hộ các phong trào dân chủ tại Hoa lục nhận định là dân Hồng Kông có trách nhiệm yểm trợ cuộc tranh đấu cho dân chủ ở Hoa Lục vì Hồng Kông được tự do.
Trong vòng 25 năm qua, Trung Quốc đã thi hành nhiều biện pháp kiểm duyệt thô bạo để không một thanh niên nào biết có sự xuất hiện của phong trào Dân chủ Thiên An Môn. Trong vòng những tháng qua, hơn 50 nhà tranh đấu, nhà báo, luật sư, blogger đã bị bắt vì tham gia các cuộc hội thảo về Thiên An Môn.

Cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn: Washington đã làm ngơ!
Sài Linh, một trong những lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn. Ảnh chụp năm 2010 tại Oslo, Na Uy.
Sài Linh, một trong những lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn. Ảnh chụp năm 2010 tại Oslo, Na Uy.
RFI./Chine

Thụy My        
Sài Linh (Chai Ling), cựu lãnh tụ sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 hôm 29/05/2014 trước Quốc hội Hoa Kỳ khẳng định, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vào thời đó đã thổ lộ là Washington không hề ngó ngàng đến phong trào.
Sài Linh, lãnh tụ các sinh viên xuống đường đòi dân chủ, cho biết cô đã từng hy vọng Hoa Kỳ sẽ can thiệp, trong vụ đàn áp đẫm máu của Bắc Kinh đêm 3 rạng 4 tháng Sáu năm 1989 làm cho hàng trăm thậm chí hàng ngàn người chết.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát, cô Sài Linh nói: “Chúng tôi đã ở lại trên quảng trường Thiên An Môn cho đến sáu giờ sáng. Đã hy vọng rằng người Mỹ sẽ đến giúp đỡ, nhưng người Mỹ chẳng bao giờ đến”.
Sài Linh - đã trốn khỏi Trung Quốc đến Hồng Kông trong một container, sau đó tới Pháp rồi đến Mỹ - kể tiếp, cô đã nói chuyện với đại sứ Hoa Kỳ thời đó là James Lilley sau khi ông này rời Bắc Kinh. “Tôi hỏi ông ấy: Thưa ông, tại sao? Tại sao người Mỹ lại không đến?” Và ông đã nói riêng với tôi: ‘Họ chẳng thèm quan tâm’. Tôi cảm thấy rụng rời, nhưng buồn thay, đó lại là sự thật!”
Cô cho biết cũng đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle, ông ngỏ lời xin lỗi vì sự án binh bất động của nước mình.
Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush, cựu đại sứ tại Bắc Kinh, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt giới hạn đối với Trung Quốc vì vụ đàn áp Thiên An Môn, trong khi vẫn bí mật gởi các viên chức Mỹ đến trấn an lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình.
Đại sứ Lilley, qua đời năm 2009, trong hồi ký đã viết rằng ông lấy làm tiếc về việc sử dụng vũ lực ở Thiên An Môn, tuy nhiên điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là duy trì quan hệ với Trung Quốc và cổ vũ chế độ Bắc Kinh mở cửa với thế giới bên ngoài.

Biểu tình tưởng niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, Hồng Kông, 01/05/2014.