Trần Quốc Việt (Danlambao) - Cô Giang (1909-1930) là người nữ anh hùng, người vợ đồng chí hướng của anh hùng Nguyễn Thái Học. Sau khi chồng và 12 anh hùng đảng viên Quốc dân Đảng bị xử tử ở Yên Bái vào ngày 17 tháng Sáu 1930, Cô Giang tự kết liễu đời mình vào ngày hôm sau ở quê chồng và để lại hai lá thư ngắn và một bài thơ.
Hôm nay nhân 84 năm ngày mất của người nữ anh hùng này, chúng tôi đăng lại hai bức thư ngắn và bài thơ. Chúng tôi cũng dịch một bài báo ngắn về Nguyễn Thị Giang, tức Cô Giang, đăng gần 3 tháng trước ngày những bậc anh hùng Quốc Dân Đảng bị hành hình ở Yên Bái và ngày Cô Giang tuẫn tiết.
"Hai bức thư của chị như sau:
Bức thư thứ nhất:
"Ngày 17 tháng 6,1930
Thưa Thầy, Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: không báo thù được cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy."
Bức thư thứ hai:
"Anh đã là người yêu nước!
Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!"
*
Bài Thơ:
"Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên!
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ!
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru? Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay." (1)
*
Phụ nữ Đông dương phản kháng - Vai trò họ đóng trong các cuộc bạo loạn
Mật thám ở Đông dương đang truy nã khắp nơi người yêu của Nguyễn Thái Học - một cựu giáo viên tiểu học - tên Thị Giang, người được cho là đã đóng một vai trò rất quan trọng nhằm chuẩn bị cơ sở cho cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái và cho các cuộc nổi dậy ở bản xứ.
Nguyễn Thái Học là người cầm đầu những nghĩa quân, và theo các lời khai của một số người dưới quyền của ông hiện nay đang bị bắt giam, người yêu của ông Thị Giang đã phụ trách công tác tuyển mộ những phụ nữ trẻ và thiếu nữ để giúp cho sự nghiệp "cách mạng".
Những thiếu nữ và phụ nữ này thật sự đã thực hiện được nhiều công tác ích lợi nhất cho các nghĩa quân. Họ chuyền tay nhau các danh sách những người đóng góp tiền bạc và đã quyên được khá nhiều tiền; họ còn dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục những người đàn ông trong gia đình họ gia nhập các nghĩa quân và họ được giao phó những công tác tế nhị mà đàn ông không thể nào thực hiện tốt hay an toàn.
Nguồn: The Straits Times - Phụ nữ Đông dương phản kháng - Vai trò họ đóng trong các cuộc bạo loạn.
Bản tiếng Việt:
__________________________________
Chú thích:
(1). Trích từ tác phẩm Nguyễn Thái Học, chương 43 tựa đề Chị Giang của nhà văn Nhượng Tống-một người đồng sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng.