Wednesday, 11 June 2014

Vì sao cần bàn về tính quốc gia của VNCH. và tính chất pháp lý của việc thống nhất đất nước - Dương Danh Huy và Phạm Thanh Vân

Có chủ quyền, vẫn có thể bị mất

Dù cho một nước đã có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ, nếu sau đó nước này bỏ ngỏ cho nước khác tranh chấp, lại còn không duy trì chủ quyền của mình trong khi nước thứ nhì có động thái để xác lập chủ quyền, thì nước thứ nhất có thể bị mất chủ quyền.

Có thể thấy điều này rất rõ trong phiên Tòa xử tranh chấp cụm đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore năm 2008[1].

Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng ban đầu Malaysia có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Tòa còn cho rằng công hàm 1953 của Johor, nay là một tiểu bang của Malaysia, trả lời Singapore rằng Johor không đòi chủ quyền trên đảo này, không có tính chất pháp lý cơ bản[2], cũng như không có tính ràng buộc đối với Johor[3]. Nhưng Tòa lại dựa vào việc trước và sau đó Johor và Malaysia không khẳng định chủ quyền, và Tòa đã dùng công hàm 1953 của Johor như một trong những chứng cớ quan trọng cho việc Malaysia không đòi chủ quyền, để kết luận rằng tới năm 1980 chủ quyền đã rơi vào tay Singapore[4].
Bài học cho chúng ta là mặc dù cho tới 1954 Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, vẫn có tiềm năng là công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng (CH PVĐ) đã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho yêu sách của Trung Quốc, và nếu Việt Nam đã không khẳng định chủ quyền trước yêu sách đó thì Việt Nam vẫn có thể bị mất chủ quyền.

Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu và phân tích thấu đáo về vấn đề duy trì chủ quyền sau 1954.

Những yếu tố còn hạn chế tranh luận, nghiên cứu

Thế nhưng đây lại là một thiếu sót lớn trong truyền thông Việt Nam. Truyền thông Việt Nam đăng tải nhiều về chứng cứ chủ quyền của Việt Nam thời quân chủ, nhưng ít đăng phân tích sâu về việc duy trì chủ quyền sau 1954. Như vậy giống như xem phim tập đầu mà không xem tập cuối: sẽ không thể biết kết quả ra sao. Tệ hơn, nó có thể làm cho chúng ta chủ quan.

Không khó hiểu lý do cho sự thiếu sót trên.
Nếu phân tích về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975, sẽ không tránh được sự thật là trong giai đoạn đó VNDCCH đã tiêu cực đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù trên diện pháp lý có thể biện luận rằng VNDCCH không có nghĩa vụ hay quyền hạn gì đối với Hoàng Sa, Trường Sa, khó có thể cho rằng VNDCCH không có nghĩa vụ luân lý gì trong việc giúp dân tộc Việt bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo đó cho đến ngày nào đó đất nước thống nhất. Có người có thể sợ rằng điều này sẽ làm mất đi phần nào hào quang của VNDCCH. Dù sao đi nữa, chúng ta cần lưu ý rằng VNDCCH không phải là CHXHCNVN, và nếu VNDCCH có đã tiêu cực về Hoàng Sa, Trường Sa thì điều đó là độc lập với CHXHCNVN có tiêu cực hay không.

Phân tích về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975 còn có những hệ quả lô gíc có thể bị cho là trái lề chính trị. Thí dụ, khi TT Nguyễn Tấn Dũng viện dẫn sự khẳng định chủ quyền của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thì lô gíc dẫn đến những câu hỏi sau.

1. Chính quyền VNCH có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên trường quốc tế không?

2. Để có thẩm quyền trên, chính quyền VNCH phải là đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế. Vậy khi chính quyền VNCH còn tồn tại, chính thể đó có phải là đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế không?

3. Nếu không thì thế nào mà sự khẳng định chủ quyền của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa có giá trị trong luật quốc tế?

4. Nếu sự khẳng định chủ quyền của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa không có giá trị pháp lý thì từ 1954 đến 30/4/1975 có đại diện pháp lý nào của quốc gia Việt nào đã khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này không?

Có thể có người sợ rằng việc đặt vấn đề “có phải đã từng có hai quốc gia” cũng như “có phải chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý của một quốc gia” sẽ dẫn đến một số câu hỏi. Thậm chí còn có thể có những chuyện chụp mũ kiểu "Anh nói là có 2 quốc gia, anh nói chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý, vậy là anh muốn khôi phục VNCH, vậy là anh là phản động, vậy là anh muốn chia đôi đất nước lần nữa". Nhưng đó chỉ là một sự chụp mũ. Nếu cho rằng trước 1976 và 1975 có hai quốc gia, nếu cho rằng trước 30/4/1975 chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý của một quốc gia thì đó chỉ là một nhận định về quá khứ, không có nghĩa muốn chia đôi đất nước đã thống nhất năm 1976, và không có nghĩa muốn khôi phục VNCH hay CHMNVN.

Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng câu hỏi thứ nhì là trong phạm trù luật quốc tế, không phải là một câu hỏi về các vấn đề chính trị, chính nghĩa của các chính thể VNCH, VNDCCH.

Khái niệm "quốc gia" ở đây là một thuật ngữ pháp lý, tiếng Anh là State, tiếng Pháp là État, được định nghĩa trong Công ước Montevideo 1933 là một chủ thể có lãnh thổ, dân cư, chính phủ và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác[5]. Nó phải được quán chiếu trong phạm trù luật quốc tế. Khái niệm "quốc gia" trên phương diện pháp lý khác với khái niệm đất nước và tổ quốc, thậm chí khác với cách hiểu bình dân về từ “quốc gia”.

“Quốc gia” khác với “đất nước” hay “nước”, vốn là một khái niệm địa lý, bao gồm một vùng lãnh thổ với dân cư, và cũng khác với “tổ quốc”, vốn là một khái niệm dựa trên lịch sử.

“Quốc gia” cũng khác với “nhà nước”. Nhà nước là tổ chức chính trị để đại diện, lãnh đạo và cai quản quốc gia, chứ không phải là quốc gia. Một nhà nước cộng hòa thường có ba hệ thống: lập pháp (thí dụ như quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (hệ thống tòa án)[6].

“Quốc gia” cũng khác với “chính phủ”: chính phủ là cơ quan hành pháp của nhà nước. Khi CP VNDCCH không công nhận rằng CP VNCH là đại diện hợp pháp phía nam vĩ tuyến 17 thì điều đó không có nghĩa là CP VNDCCH không công nhận rằng có một quốc gia phía nam vĩ tuyến 17. Hơn nữa, theo Công ước Montevideo 1933, sự hiện hữu của một quốc gia không dựa vào sự công nhận của các quốc gia khác[7].

Tương tự, “đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế” là một vấn đề trong phạm trù luật quốc tế độc lập với các vấn đề chính trị, chính nghĩa của các chính quyền VNCH, chính quyền VNDCCH và chính quyền CHMNVN.

Chúng ta nên giữ câu hỏi thứ nhì trong phạm trù luật quốc tế của nó, và tuyệt đối không nên chụp mũ, để có một môi trường tốt hơn cho việc thảo luận và nghiên cứu về về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975.

Trên thực tế, quan điểm chính thức của VNDCCH và CHMNCH là trước khi VNDCCH và CHMNVN thống nhất lại thành CHXHCNVN trong quá trình từ 25/4/1976 đến 2/7/1976 thì hai chính thể đó là hai quốc gia[8].

Ngày 30/4/1975 CPCMLT CHMNVN tuyên bố

“Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt-nam hiện nay thực hiện chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của mình trên toàn bộ miền Nam Việt Nam, là người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt-Nam, có đầy đủ quyền hành giải quyết những vấn đề quốc tế của miền Nam Việt-nam.”[9]

Với một tuyên bố về lãnh thổ, dân cư và quan hệ quốc tế như vậy, rõ ràng là CPCMLT CHMNVN khẳng định rằng miền Nam là một quốc gia như được định nghĩa trong Công Ước Montevideo, và VNDCCH cũng đã không phản đối sự khẳng định đó.

Nhưng nếu từ 30/4/1975 đến 2/7/1976 có hai quốc gia thì dĩ nhiên là đã có hai quốc gia từ trước 30/4/1975, vì sẽ hoàn toàn vô lý nếu cho rằng trước 30/4/1975 chỉ có một quốc gia nhưng sau 30/4/1975 thì thành hai quốc gia. Không lẽ ngày 30/4/1975 lại là ngày đất nước chia đôi từ một quốc gia thành hai quốc gia? Vì vậy, quan điểm cho rằng trước 1976 và 1975 có hai quốc gia không có gì là phản động hay đáng ngạc nhiên - nó là quan điểm chính thức của VNDCCH, CHMNVN và CHXHCNVN mà ngày nay bị nhiều người lãng quên, và có người vì lãng quên cho nên tiêu cực về nó.

Ngoài khó khăn chính trị liên quan đến câu hỏi thứ nhì, còn có khía cạnh con người. Những cựu chiến binh VNDCCH của cuộc chiến 1954-1975 và gia đình của những người đã hy sinh trong cuộc chiến đó sẽ nghĩ gì về câu hỏi “Khi chính quyền VNCH còn tồn tại, nó có phải là đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế không?”, và nếu trả lời cho câu hỏi đó là “Có” thì họ sẽ nghĩ gì?

Nhưng nếu chúng ta cho rằng khi chính quyền VNCH còn tồn tại, nó không phải là đại diện cho một quốc gia nào trong luật quốc tế, thì làm sao có thể khẳng định rằng sự khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền đó là có giá trị pháp lý?

Chúng ta có thể đánh giá lịch sử, cụ thể là đánh giá VNDCCH, một cách khoa học, khách quan và tự do hay chưa? Chúng ta có thể nhìn nhận rằng VNDCCH có thể đã làm những điều đúng, những điều sai, những điều phù hợp với luật quốc tế, những điều không phù hợp, hay không? Ở đây cần nhấn mạnh rằng nhìn nhận đó không phủ nhận giá trị của việc thống nhất đất nước. Hay là chúng ta vẫn phải một bên thì bảo vệ hình ảnh thần tượng hóa của VNDCCH, và bên kia thì quỷ sứ hóa chính thể đó?
Một kịch bản trước Tòa
Để minh họa tại sao lại phải phân tích về giai đoạn sau 1954, tại sao cần phải nghiên cứu về có phải VNCH và VNDCCH đã từng là hai quốc gia không, tại sao cần phải nghiên cứu về tính pháp lý của việc thống nhất đất nước, chúng tôi sẽ trình bày kịch bản giả định sau:

● Việt Nam và Trung Quốc ra Tòa về Hoàng Sa.

● Tòa bác bỏ những chứng cứ hoang đường, mơ hồ trong cổ sử của Trung Quốc.

● Tòa công nhận rằng các hành động chủ quyền của Việt Nam trong thời quân chủ đã làm cho chủ quyền đối với Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

● Tòa cho rằng Pháp đã duy trì chủ quyền Việt Nam, và cho tới 1954 thì Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam.

● Trung Quốc vin vào CH PVĐ và các hành vi của VNDCCH để tiếp tục tranh cãi về giai đoạn từ năm 1954 trở đi. Trong luật quốc tế, có ba nguyên tắc có thể làm cho Việt Nam mất chủ quyền: recognition (công nhận chủ quyền của nước khác), estoppel (bị ngăn cản không được dùng dẫn chứng cho chủ quyền của mình) và acquiescence (từ bỏ chủ quyền của mình)[10], và Trung Quốc vận dụng những nguyên tắc này.

1. Trung Quốc: Việt Nam đã công nhận chủ quyền Trung Quốc (recognition). Dẫn chứng là CH PVĐ, các phát ngôn và tài liệu của VNDCCH.

2. Việt Nam: Các dẫn chứng đó không có giá trị pháp lý như một sự công nhận (recognition).

[Trên thực tế, báo Nhân Dân, các NXB sách vở, bản đồ, v.v., và ông Ung Văn Khiêm đều không có thẩm quyền để đại diện cho quốc gia về lãnh thổ. Trong những tác giả của các dẫn chứng mà Trung Quốc dùng, theo luật quốc tế thì chỉ có ông Phạm Văn Đồng là có thẩm quyền, nhưng theo luật quốc tế thì CH PVĐ không phải là sự công nhận. GS luật quốc tế Monique Chemiller-Gendreau cũng cho rằng CH PVĐ không phải là sự công nhận[11].]

3. Trung Quốc: CH PVĐ và các tài liệu/phát ngôn của VNDCCH có tính ràng buộc pháp lý và cũng đã tạo ra một estoppel ngăn cản không cho Việt Nam đòi Hoàng Sa.

4. Việt Nam: CH PVĐ và các tài liệu/phát ngôn đó không có tíng ràng buộc pháp lý, và cũng không hội tụ được nhiều điều kiện của estoppel, eg, CH PVĐ không nói cụ thể về Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc đã không dựa trên CH PVĐ để có hành động có thiệt hại cho mình (detrimental reliance).

[Theo luật quốc tế, có khi tuyên bố đơn phương có tính ràng buộc cho bên tuyên bố, có tuyên bố đơn phương không có tính ràng buộc[12], có khi gây ra estoppel, có khi không. Chúng tôi cho rằng CH PVĐ không hội tụ đủ các điều kiện để có tính ràng buộc hay gây ra estoppel cho Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa[13].

Thí dụ như trong phiên Tòa xử tranh chấp cụm đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge, Tòa án Công lý Quốc tế đã không công nhận rằng công hàm của Johor nói Johor không đòi chủ quyền đối với đảo Pedra Branca có tính ràng buộc, cũng như không công nhận quan điểm của Singapore cho rằng công hàm đó đã gây ra estoppel.

TS Từ Đặng Minh Thu cũng có phân tích cho rằng CH PVĐ không hội tụ đủ các điều kiện của Estoppel[14].]

5. Trung Quốc: Đó là từ bỏ chủ quyền (acquiescence). Dẫn chứng là Việt Nam đã im lặng, và tới giữa thập niên 70 mới lên tiếng. Bất kể ban đầu Việt Nam có chủ quyền hay không, trong khi chúng tôi đòi chủ quyền và chiếm giữ mà Việt Nam im lặng bấy lâu thì sau đó Việt Nam cũng không có.

[Trong phán quyết năm 2008 về tranh chấp cụm đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore, mặc dù Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng ban đầu Malaysia có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Nhưng sau đó chủ quyền này đã mất vào tay Singapore do phía Malaysia đã không làm đủ để duy trì chủ quyền khi Singapore có những động thái nhằm xác lập chủ quyền trong giai đoạn sau này.

Sự im lặng của Thái Lan đối với các động thái ngoại giao của Campuchia nhằm khẳng định chủ quyền đối với đền Preah Vihear trong một thời gian dài cũng là yếu tố để Tòa quyết định rằng chủ quyền của đền thuộc về Campuchia[15].

Việt Nam không chối cãi được rằng VNDCCH đã không hề khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. CPCMLT CHMNVN thì năm 1969 mới ra đời, và cũng không khẳng định chủ quyền một cách cụ thể, trong khi Trung Quốc đã liên tục có các động thái để khẳng định yêu sách chủ quyền hai quần đảo, ví dụ như chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa năm 1956, đưa ra tuyên bố lãnh hải 1958. Khi Trung Quốc chiếm hết quần đảo Hoàng Sa năm 1974 thì CPCMLT CHMNVN cũng chỉ tuyên bố chung chung rằng các nước láng giềng thường có tranh chấp lãnh thổ, và các nước liên quan cần giả quyết một cách bình đẳng, hữu nghị, v.v., bằng thương lượng.

Khó phản biện luận điểm này của Trung Quốc (vận dụng nguyên tắc acquiescence) hơn luận điểm 1 (vận dụng nguyên tắc recognition) và 3 (vận dụng nguyên tắc estoppel).

Việt Nam không có cách nào khác ngoài viện dẫn các lời khẳng định chủ quyền và hành động chủ quyền của VNCH, và đó là điều mà Việt Nam đã làm.]

6. Việt Nam: Việt Nam có đòi chủ quyền. Dẫn chứng là (1) Trước 1956 thì CP Việt Nam Quốc Gia đòi chủ quyền, (2) Từ 1956 đến 1975 thì CP VNCH đòi.
[Trung Quốc sẽ phản biện như sau.]
7. Trung Quốc: Trong luật quốc tế thì việc khẳng định chủ quyền chỉ có giá trị pháp lý nếu việc đó là từ đại diện pháp lý của một quốc gia. Chính quyền Sài Gòn là một ngụy quyền, không phải là đại diện pháp lý của 1 quốc gia.

[VN làm gì đây? Bên “A” thì nói "Thấy chưa? CP VNCH là đại diện pháp lý của VN, chính quyền Hà Nội là bất hợp pháp, là hay nhất"? Bên “B” thì nói "Đồ phản động! CP VNDCCH mới là đại diện pháp lý của Việt Nam"?]

9. Trung Quốc: Mỉm cười nụ cười “thiên triều”.

[Đó là lý do tại sao cần vận dụng quan điểm của một số nhà luật học nổi tiếng nhất thế giới: trước 1976 đất nước Việt Nam là 2 quốc gia[16]. Trong quyển “The creation of States in international law”, luật sư luật quốc tế James Crawford viết như sau.

Trang 474:

“what in fact occurred in the period after 1954 is clear - the provisional demarcation line between the two zones became a boundary between two States, north and south Vietnam.”

Trang 475:

“Each entity was a unit for the purposes of the use of force, self-determination, foreign and internal affairs; and another name for such as unit is a State.”

Trang 476:

“But the subsequent establishment of two separate zones in Vietnam must be taken to mark the establishment of two separate States, neither of which, in law or in fact, ever extended over the whole territories of Vietnam.”

Với quan điểm đó, có thể hiểu rằng CP VNDCCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía bắc, CP VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía nam cho đến 1975, trong thời gian 1975-1976 thì CPCMLT CHMNVN là đại diện pháp lý của quốc gia phía nam.

Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng “đại diện pháp lý của quốc gia” là một vấn đề luật quốc tế, một vấn đề giữa các quốc gia, nó không nói gì về chính nghĩa trong tranh chấp chính trị giữa người Việt với nhau.

Nếu cho rằng trước 1976 và 1975 có 2 quốc gia, Việt Nam có thể nói như sau.]

10. Việt Nam: Theo luật quốc tế thì từ 1956 đến 1975 thì có 2 quốc gia, và CP VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía nam vĩ tuyến 17.

[Trên thực tế, trước 30/4/1975 phần lớn các nước trên thế giới công nhận CP VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía Nam. Trong một số bài viết khác, chúng tôi đã phân tích về khi VNCH còn tồn tại thì chính thể đó có phải là một quốc gia hay không, và quan điểm của chúng tôi là “Có”[17]. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thường thì lập luận nào cũng có rủi ro trước Tòa.

Khúc mắc hiện nay là khúc mắc có tính lịch sử và chính trị. Hệ quả lô gíc của quan điểm "trước 1976 và 1975 có 2 quốc gia" là khi quân đội của VNDCCH chiến đấu ở phía nam vĩ tuyến 17 trước khi CP VNCH sụp đổ thì đó là can thiệp quân sự vào xung đột nội bộ (tức là xung đột giữa CP VNCH và MTGPMN/CPLT CHMNCN trong quốc gia phía nam vĩ tuyến 17) của một quốc gia khác (mặc dù cả hai quốc gia đó đều là những phần của tổ quốc Việt Nam), tức là đã làm một điều không phù hợp với luật quốc tế. Chắc chắn là có người khó có thể chấp nhận rằng sự tham chiến của VNDCCH phía nam vĩ tuyến 17 là không phù hợp với luật quốc tế, và do đó họ khó có thể chấp nhận quan điểm "trước 1976 và 1975 có 2 quốc gia".

Nhưng nếu có ai không chấp nhận (có thể là trên phương diện chính trị hay phương diện pháp lý) quan điểm “đã từng hiện hữu 2 quốc gia” thì hãy thử đặt vấn đề ngược lại như sau.

Nếu từ 1956 đến 1975, CP VNCH không phải là đại diện pháp lý của một quốc gia, để cho những tuyên bố và hành động của CP đó về Hoàng Sa có giá trị pháp lý, thì trong thời gian đó có đại diện pháp lý của quốc gia nào đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa? Nếu từ 1956 đến 1975 đại diện pháp lý của toàn bộ Việt Nam không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, còn chính thể khẳng định thì lại là ngụy, không phải là đại diện pháp lý cho một quốc gia, do đó việc khẳng định không có giá trị pháp lý, thì Tòa sẽ kết luận thế nào?


Có vẻ như ở đây có hai điều trên bàn cân: một bên là lập luận dựa trên luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, bên kia là quan điểm về chính trị và lịch sử lo ngại rằng nếu công nhận rằng VNDCCH và VNCH đã từng là hai quốc gia thì sẽ là một sự công nhận nào đó về “bên kia”, và có thể cả lo ngại rằng sự công nhận đó sẽ đặt nghi vấn về sự tham chiến của VNDCCH phía nam vĩ tuyến 17.]

11. Trung Quốc: Nếu VNDCCH và VNCH là 2 quốc gia thì VNDCCH đã thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác (VNCH) bằng bạo lực, do đó không thể thừa kế chủ quyền lãnh thổ từ quốc gia đó, bao gồm cả chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

[Vấn đề ở đây là nếu cho rằng CHXHCNVN là quốc gia phía Bắc vĩ tuyến 17 thụ đắc lãnh thổ của quốc gia phía Nam bằng bạo lực thì, với Nghị quyết 2734 (XXV) của LHQ cấm thụ đắc lãnh thổ của quốc gia khác bằng bạo lực, CHXHCNVN sẽ không có chủ quyền pháp lý với bất cứ vùng lãnh thổ nào phía Nam vĩ tuyến 17, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa.

Phản biện của Việt Nam sẽ dựa trên sự hiện hữu của CPCMLTCHMNVN. Dựa trên hình thức trên, Việt Nam có thể phản biện như sau.]

12. Việt Nam: CHXHCNVN được thành lập từ 2 quốc gia, VNDCCH và CHMNVN, thống nhất lại với nhau một cách hợp pháp ngày 2/7/1976. Chính Trung Quốc đã công nhận CPLT CHMNCN là đại diện pháp lý của quốc gia phía nam vĩ tuyến 17, và Trung Quốc đã công nhận sự thành lập của CHXHCNVN. Vì vậy, Trung Quốc không thể cho rằng CHXHCNVN là VNDCCH thôn tính VNCH một cách bất hợp pháp. Như vậy, CHXHCNVN đã thừa kế từ VNCH.

[Theo hình thức pháp lý thì:

1. Trước 30/4/1975 có hai quốc gia: VNDCCH và VNCH.

2. Cuộc xung đột trong quốc gia phía nam vĩ tuyến 17 là giữa CP VNCH và CPCMLT CHMNVN.

3. Ngày 30/4 CPCMLT CHMNVN lật đổ CP VNCH, lên cầm quyền, đổi tên quốc gia thành CHMNVN.

4. CHMNVN không phải là một quốc gia mới, mà là quốc gia có từ trước 30/4/1975, nhưng với một tên mới. Vì chỉ là một việc đổi tên và đổi chế độ của một quốc gia, không phải là sự thành lập một quốc gia mới, cho nên vùng lãnh thổ nào là đã thuộc chủ quyền VNCH mặc nhiên vẫn là của CHMNVN[18]. Tức là nếu trên diện pháp lý trước 30/4/1975 Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền VNCH, thì sau 30/4/1975 hai quần đảo này sẽ mặc nhiên thuộc chủ quyền CHMNVN.

5. Sau 30/4/1975, vẫn có hai quốc gia: VNDCCH và CHMNVN.

6. Từ 25/4/1976 đến 2/7/1976, hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN thống nhất lại thành một, CHXHCNVN, và sự thống nhất đó không bị nước nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc, phản đối là xâm lăng bằng bạo lực. Với định nghĩa của quốc gia là lãnh thổ, dân cư và nhà nước, định nghĩa của sự thống nhất quốc gia tất nhiên là thống nhất lãnh thổ, dân cư và nhà nước của một số quốc gia thành một. Khi hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN thống nhất thành một, CHXHCNVN, thì dĩ nhiên là chủ quyền lãnh thổ của CHXHCNVN bao gồm chủ quyền lãnh thổ của VNDCCH và CHMNVN trước thống nhất. Như vậy, nếu trên diện pháp lý trước 2/7/1976 Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền CHMNVN, thì sau 2/7/1976 hai quần đảo này sẽ mặc nhiên thuộc chủ quyền CHXHCNVN. Trừ khi CHXHCNVN tuyên bố rằng mình đã không thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, không có lý do hợp lý để cho rằng khi CHXHCNVN được thành lập năm 1976 trên diện pháp lý chủ quyền của quốc gia đó đã không bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

(Có thể có quan điểm sai lầm rằng từ 1976 cho đến nay CHXHCNVN vẫn chưa thừa kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Tệ hơn nữa, có thể cho rằng ngày nay cần làm thủ tục thì mới thừa kế. Quan điểm này là sai lầm vì những lý do sau:

1. Như đã trình bày trên, ngày 30/4/1975, khi CP VNCH bị sụp đổ và CPCMLT CHMNVN lên thay thế thì đó chỉ là một sự thay đổi chế độ và thay đổi tên của một quốc gia. Do đó, lãnh thổ của VNCH mặc nhiên là lãnh thổ của CHMNVN. Kế tiếp, như đã trình bày trên, năm 1976 hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN đã làm thủ tục để thống nhất thành một quốc gia, CHXHCNVN, và thống nhất quốc gia tất nhiên bao gồm cả thống nhất lãnh thổ. Do đó, thủ tục để CHXHCNVN thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa từ CHMNVN (quốc gia trước đó có tên “VNCH”) chính là thủ tục thống nhất mà CHMNVN và VNDCCH đã làm từ 25/4/1976 đến 2/7/1976.

2. Thứ nhì, trên thực tế, không có nước nào trên thế giới cho rằng CHXHCNVN đã không thừa kế chủ quyền lãnh thổ của VNCH, cho nên không có lý do hợp lý để người Việt lại cho rằng CHXHCNVN đã không thừa kế.

3. Thứ ba, sau khi CHXHCNVN ra đời thì hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN/VNCH không còn tồn tại nữa. Nếu khi đó CHXHCNVN đã không thừa kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa thì chủ quyền đó đã rơi vào tay một trong những nước đã đòi chủ quyền từ trước. Nếu từ 1976 cho tới nay CHXHCNVN vẫn chưa thừa kế thì dù bây giờ có làm thủ tục gì đi nữa, có tuyên bố gì đi nữa, cũng sẽ không còn gì để thừa kế, vì chủ quyền đó đã rơi vào tay nước khác rồi. Bất cứ thủ tục, tuyên bố nào ngày nay cũng chỉ có thể xác nhận một sự thừa kế đã diễn ra năm 1976, không thể nào thay đổi từ “chưa thừa kế” thành “thừa kế”.

4. Nếu ngày nào trong tương lai Việt Nam làm gì đó gọi là “làm thủ tục” để thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa thì Trung Quốc sẽ dùng hành động vớ vẩn đó để nói rằng chính Việt Nam đã công nhận rằng từ 1976 cho đến ngày đó đã chưa thừa kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thì Việt Nam sẽ khó có thể cãi rằng trong khoảng thời gian đó chủ quyền chưa rơi vào tay nước khác.)

Tuy nhiên, luận điểm 12 này cũng không phải không có rủi ro trước Tòa. Trên thực tế, những sư đoàn chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam (quân đội của CPCMLT CHMNVN) là những sư đoàn Quân đội Nhân dân của VNDCH. Chiến dịch Hồ Chí Minh được chỉ đạo bởi VNDCCH. Các lữ đoàn xe tăng tiến vào dinh Độc lập này 30/4/75 treo cờ CHMNVN, nhưng là các đơn vị của VNDCCH. Nếu ra Tòa, vấn đề đó có sẽ có ảnh hưởng gì đến tính pháp lý của việc thống nhất và kế thừa không?

Ngoài khía cạnh pháp lý trên, có điều trớ trêu là trong khi Điểm 10 có khúc mắc chính trị-lịch sử cho những người khó chấp nhận rằng khi VNCH còn tồn tại thì nó đã từng là một quốc gia, thì điểm 12 lại có khúc mắc chính trị-lịch sử cho một số người có chính kiến khác với nhóm thứ nhất. Nhóm thứ nhì này khó chấp nhận quan điểm cho rằng hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN đã thống nhất một cách tự nguyện và pháp lý thành CHXHCNVN. Họ cho rằng sự thống nhất đó là VNDCCH xâm lược VNCH, và CPCMLTCHMNVN chỉ là bù nhìn của VNDCCH.

Nhưng nếu cho rằng VNDCCH đã xâm lược VNCH, và cho rằng CPCMLT CHMNVN chỉ là bù nhìn của VNDCCH, thì làm sao để lập luận cho rằng CHXHCNVN đã thừa kế chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa năm 1976? Nếu cho rằng CHXHCNVN chưa thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa thì như phân tích án lệ ở trên, rất có thể Tòa sẽ cho rằng Việt Nam đã mất chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1976 vào tay Trung Quốc hoặc Philippines, là những quốc gia đã liên tục có yêu sách chủ quyền từ trước 1975.

Dường như Hoàng Sa, Trường Sa lại bị đặt lên bàn cân: một một bên là lập luận pháp lý để bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, bên kia là quan điểm chính trị và lịch sử của những người cho rằng sự thống nhất của Việt Nam lại thành một quốc gia, CHXHCNVN, là không hợp pháp.]

Một số lập luận khác

Trong trường hợp không chứng minh được là đã từng có hai quốc gia, có lẽ Việt Nam có hai lập luận khác.

Thứ nhất, nếu kể ra cho đầy đủ thì Việt Nam có thể tìm cách biện luận rằng trong giai đoạn 1956-1975 CP VNCH là chính phủ pháp lý của quốc gia Việt duy nhất. Trên thực tế, Việt Nam ngày nay sẽ khó chấp nhận quan điểm đó, chưa nói tới Tòa có sẽ chấp nhận hay không. Vì thế, quan điểm này có vẻ có ít tính thực tế.

Thứ nhì, Việt Nam có thể tìm cách biện luận rằng trong giai đoạn 1954-1975 chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong tình trạng đóng băng, và không thể thay đổi. Thí dụ, Việt Nam có thể cố gắng dùng một số trong những lập luận sau.

1. Cả chính quyền Hà Nội và chính quyền Sài Gòn đều không có đủ thẩm quyền để thay đổi gì về chủ quyền lãnh thổ. Nhưng có vẻ như có ít cơ sở pháp lý cho lập luận này.

2. Mỗi bên không có thẩm quyền để thay đổi gì về chủ quyền của những vùng lãnh thổ bên kia quản lý. Nhưng không biết trong luật quốc tế có nguyên tắc nào có nghĩa “mỗi bên không có thẩm quyền để thay đổi gì về chủ quyền của những vùng lãnh thổ bên kia quản lý” nếu hai bên đó không phải là hai quốc gia?

3. Cuộc chiến khốc liệt đã tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, phải được đóng băng để bảo đảm sự công bằng. Trên thực tế, nguyên tắc utis possidetis có được áp dụng trong chiến tranh, khi nước này chiếm đóng lãnh thổ của nước kia trong cuộc chiến, và cũng được áp dụng cho quá trình giành độc lập của các nước thuộc địa. Nhưng không rõ có thể áp dụng nguyên tắc đó cuộc chiến 1954-1975 không?

Tuy nhiên, chúng tôi chưa nghiên cứu đủ để tìm thấy cơ sở pháp lý của những lập luận trên và thật sự đánh giá chúng.
Lời kết

Trên đây chúng tôi đưa ra một kịch bản giả tưởng có thể xảy ra tại Tòa. Nhưng cho dù Tòa chưa thể phân xử tranh chấp, những nguyên tắc trong kịch bản này vẫn áp dụng cho hiện tại. Lý do là trong hiện tại, trong cuộc tranh biện về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông trên trường quốc tế, Trung Quốc đã luôn viện dẫn CH PVĐ để chứng minh Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[19]. Một số học giả quốc tế cũng coi đây là điểm yếu trong yêu sách chủ quyền của Việt Nam[20]. Bởi vậy, tuy là một kịch bản tại Tòa, và vẫn còn chưa biết tới ngày nào Trung Quốc sẽ đồng ý ra Tòa, nhưng ngay từ lúc này Việt Nam cần phải nghiên cứu, mổ xẻ vấn đề này để có thể chuẩn bị lý lẽ cho cuộc tranh biện trên truyền thông và trong giới học giả. Việt Nam coi trận hải chiến Hoàng Sa là hành động dùng vũ lực của Trung Quốc để cưỡng chiếm Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc có thể nói rằng đây là cuộc chiến chính đáng để thu hồi đất bị chiếm. Cũng có hai quan điểm đối kháng tương tự cho Trường Sa. Dư luận thế giới sẽ tin bên nào, có ủng hộ Việt Nam hay ngó lơ cho Trung Quốc, có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào lập luận pháp lý của mỗi bên và phụ thuộc vào sự tích cực của Việt Nam trong việc tranh thủ dư luận quốc tế.

Thế nhưng, vẫn còn những khúc mắc trong các quan điểm khác nhau về chính trị và lịch sử, vẫn còn những vết thương chưa lành từ cuộc chiến, thậm chí có thể có cả những sự chụp mũ, và những điều này vẫn còn gây ra những hạn chế cho môi trường phân tích pháp lý. Hai bàn cân được đề cập đến trong Điểm 10 và 12 trong kịch bản có, hay có sẽ, nghiêng về ưu tiên cho Hoàng Sa và Trường Sa hay không?
D.D.H. & P.T.V.


[1] Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore), Judgment, I.C.J. Reports 2008: http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14492.pdf

[2] Xem tr. 73, đ. 227:

[2] Regarding the first submission, the Court does not consider the Johor reply as having a constitutive character in the sense that it had a conclusive legal effect on Johor. Rather it is a response to an enquiry seeking information. It will be seen that, in the circumstances, this submission is closely related to the third.

[3] Xem tr. 73, đ. 228:

[3]Regarding the second submission, the Court points out that a party relying on an estoppel must show, among other things, that it has taken distinct acts in reliance on the other party’s statement (North Sea Continental Shelf, Judgment, I.C.J. Reports 1969, p. 26, para. 30). The Court observes that Singapore did not point to any such acts. To the contrary, it acknowledges in its Reply that, after receiving the letter, it had no reason to change its behaviour; the actions after 1953 to which it refers were a continuation and development of the actions it had taken over the previous century. While some of the conduct in the 1970s, which the Court next reviews, has a different character, Singapore does not contend that those actions were taken in reliance on the Johor response given in its letter of 1953. The Court accordingly need not consider whether other requirements of estoppel are met.

[3]Xem tr. 82, đ. 229:

[3]Finally, on the third submission about the Johor reply amounting to a binding unilateral undertaking, the Court recalls that when it is claimed that “States make statements by which their freedom of action is to be limited, a restrictive interpretation is called for” (Nuclear Tests (Australia v. France), Judgment, I.C.J. Reports 1974, p. 267, para. 44; Nuclear Tests (New Zealand v. France), Judgment, I.C.J. Reports 1974, p. 473, para. 47). The Court also observes that the statement was not made in response to a claim made by Singapore or in the context of a dispute between them, as was the case in the authorities on which Singapore relies. To return to the discussion of the first submission, Johor was simply asked for information. Its denial of ownership was made in that context. That denial cannot be interpreted as a binding undertaking.

[4] Xem tr. 96, đ. 275:

[4]Further, the Johor authorities and their successors took no action at all on Pedra Branca/Pulau Batu Puteh from June 1850 for the whole of the following century or more. And, when official visits (in the 1970s for instance) đwere made, they were subject to express Singapore permission. Malaysia’s official maps of the 1960s and 1970s also indicate an appreciation by it that Singapore had sovereignty. Those maps, like the conduct of both Parties which the Court has briefly recalled, are fully consistent with the final matter the Court recalls. It is the clearly stated position of the Acting Secretary of the State of Johor in 1953 that Johor did not claim ownership of Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. That statement has major significance.

[4]Xem tr. 96, đ. 276:

[4]The Court is of the opinion that the relevant facts, including the conduct of the Parties, previously reviewed and summarized in the two preceding paragraphs, reflect a convergent evolution of the positions of the Parties regarding title to Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. The Court concludes, especially by reference to the conduct of Singapore and its predecessors à titre de souverain, taken together with the conduct of Malaysia and its predecessors including their failure to respond to the conduct of Singapore and its predecessors, that by 1980 sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh had passed to Singapore.

[5] Công ước Montevideo 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia: http://www.cfr.org/sovereignty/montevideo-convention-rights-duties-states/p15897

[5]ARTICLE 1

[5]The state as a person of international law should possess the following qualifications: a ) a permanent population; b ) a defined territory; c ) government; and d) capacity to enter into relations with the other states.

[5]

[6] Có “State” và “État” được thành “Nhà nước”, nhưng dịch như thế là không chính xác. Thí dụ như UNCLOS đề cập đến “coastal State” và “user State”, nếu dịch thành “quốc gia ven biển” và “quốc gia sử dụng biển” thì sẽ chính xác hơn dịch thành “Nhà nước ven biển” và “Nhà nước sử dụng biển”.

[7] Công ước Montevideo, Điều 3:

[7]The political existence of the state is independent of recognition by the other states. Even before recognition the state has the right to defend its integrity and independence, to provide for its conservation and prosperity, and consequently to organize itself as it sees fit, to legislate upon its interests, administer its services, and to define the jurisdiction and competence of its courts.

[7]The exercise of these rights has no other limitation than the exercise of the rights of other states according to international law.

[7]

[8] Thí dụ như “Báo cáo của ông Trường Chinh, Trưởng Đoàn đại biểu miền Bắc tại Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 15-11-1975”, http://www.na.gov.vn/Sach_QH/VKQHtoantapIV/Vankienkhac/vkk_4.htm, ghi

[8]Về mặt Nhà nước, Việt Nam là một nước, nhưng về danh nghĩa vẫn chia làm hai Nhà nước: miền Bắc có Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, miền Nam có Nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Miền Bắc có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

[8]Quan điểm của CHMNVN cũng là VNDCCH và CHMNVN vẫn còn là hai Nhà nước khác biệt. Thí dụ như “DIỄN VĂN CỦA ÔNG PHẠM HÙNG, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU MIỀN NAM TẠI HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ THỐNG NHẤT TỔ QUỐC, NGÀY 15-11-1975”, http://www.na.gov.vn/Sach_QH/VKQHtoantapIV/Vankienkhac/vkk_5.htm, ghi

[8]Vừa qua, ở miền Nam đã họp Hội nghị liên tịch mở rộng giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Trung ương Liên minh Các lực lượng Dân tộc dân chủ và hòa bình, Chính phủ Cách mạng lâm thời, Hội đồng Cố vấn Chính phủ, nhiều đại biểu trí thức, nhân sĩ yêu nước và dân chủ, để thảo luận việc sớm thực hiện thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước. Hội nghị đã hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải sớm thống nhất Nhà nước và thống nhất trên cơ sở chủ nghĩa xã hội.

[9] Hà Nội Mới, Số 2246, 2/5/1975

[10] "Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement", Nuno Sergio Marques Antunes, 2000, International Boundaries Research Unit, Durham University.

[11] Monique Chemillier-Gendreau, “Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands”: p. 129

[12]

[12] Xem “Legal effects of unilateral declarations”, http://www.iilj.org/courses/documents/AILUnit4oldLegalEffectsUnilateralDeclarations.pdf

[12]và

[12]"Guiding Principles applicable to unilateral declarations of States capable of creating legal obligations", The International Law Commission,http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/draft%20articles/9_9_2006.pdf

[12]

[13] “A legal analysis in support of Viet Nam’s position regarding the Paracel & Spratly Islands”, Nguyen Thai Linh and Duong Danh Huy, 2012, South China Seas Studies, Học viện Ngoại giao, http://southchinaseastudies.org/en/publications/vietnamese-publications/698-a-legal-analysis-in-support-of-viet-nams-position-regarding-the-paracel-a-spratly-islands

[14] “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, Từ Đặng Minh Thu, 2007, Thời Đại Mới, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm

[15] Case concerning the temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand). I.C.J. summary 1962:

[15]http://www.icj-cij.org/docket/files/45/4873.pdf

[16] “The creation of States in international law”, Crawford, 2006, Oxford University Press.

[17] “Tính pháp lý của việc thừa kế hai quần đảo”, Phạm Thanh Vân và Dương Danh Huy, 2012, BBC,http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/07/120707_legal_scs_comment.shtml

[17]và

[17]“Công nhận VNCH vì biển đảo ngày nay?”, Dương Danh Huy, Phạm Thanh Vân và Nguyễn Thái Linh, 2013, BBC,http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/04/130411_hoangsa_truongsa_vn_vnch.shtml

[17]

[18] Thí dụ như khi phe nổi loạn ở Zaire lật đổ chế độ Mobutu và đổi tên nước thành Democratic Republic of the Congo thì đó chỉ là sự thay đổi chế độ và thay tên của một quốc gia, không phải là sự thành lập một quốc gia mới, cho nên những vùng lãnh thổ nào là của Zaire mặc nhiên vẫn là của Democratic Republic of the Congo. Cũng như khi Lol Nol lật đổ Sihanouk và đổi tên nước thành Cộng Hòa Khmer, Khmer Đỏ lật Lol Nol và đổi tên nước thành Campuchia Dân Chủ, thì những vùng lãnh thổ nào là của Campuchia vẫn là của Campuchia.

[19] Tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông do Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa phối hợp tổ chức với trường ĐH Lý Quang Diệu tháng 3 năm 2013, với sự tham gia của nhiều học giả và quan chức từ Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc và Singapore, khi được chất vấn về hành động "thay đổi hiện trạng" của Trung Quốc vào các năm 1974 và 1988, học giả Trung Quốc đã viện dẫn CH PVĐ để chứng minh rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: http://asiasociety.org//video/policy/us-and-china-south-china-sea-complete?utm_source=asiasociety.org&utm_medium=jwplayer&utm_campaign=video (xem từ phút thứ 59)

[19]Hay: Trong cuốn sách mới xuất bản năm 2013 với tựa đề "Solving Disputes for Regional Cooperation and Development in the South China Sea: A Chinese Perspective", Wu Shicun, chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia TQ về Biển Đông do chính phủ TQ tài trợ, viết “VNDCCH công khai ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Nguyên văn tiếng Anh: “DRV openly supported China's sovereignty over the Xisha and Nansha Islands")

[20] Stein Tonnesson, "The History of the Dispute," in Timo Kivimaki (ed.): p. 16

[20]Clarence J. Bouchat, “Dangerous Ground: The Spratly islands and U.S. interests and approaches”, United States Army War College Press (2013): p. 25

[20]Trefor Moss, “History Wars: A Long View of Asia's Territorial Disputes”, The Diplomat (2013): http://thediplomat.com/2013/09/history-wars-a-long-view-of-asias-territorial-disputes/

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông