Nhưng họ không phủ nhận được việc họ cung cấp quả phi đạn Buk M1 bắn rơi chiếc phi cơ dân sự, vì ngoài Nga, không nước nào sản xuất hoặc sử dụng loại phi đạn này. Phi vụ MH17 lại bị bắn rơi trên không phận của phần đất mà quân ly khai đang chiếm đóng.
Biện lý là người luật sư bênh vực quyền lợi của công chúng, nhân danh công chúng đứng ra buộc tội những phạm nhân có hành động tạo bất ổn cho xã hội. Trong vai trò biện lý bảo vệ nền ổn định toàn cầu, ông Obama tỏ ra thận trọng không buộc Nga vào tội bắn rơi chuyến bay dân sự MH17 của Mã Lai, giết 298 hành khách và nhân viên phi hành; ông chỉ buộc Nga vào tội cung cấp phi đạn Buk M1 cho quân ly khai Ukraine, việc mà chính những người Ukrainians ly khai, đang chiếm lãnh vùng Đông Bộ Ukraine cũng không phủ nhận.
Chữ Buk của Nga có nghĩa là beech (cây sồi), và Buk M1 là tên một loạt phi đạn phòng không điều khiển bằng radar do Nga chế tạo để chống phi đạn, chống bom bay, và phi cơ có hoặc không người lái.
Obama không lên án Nga bắn hạ phi vụ MH17 của Mã Lai, vì lên án như vậy là giúp Nga dễ dàng chạy tội; Nga chỉ cần phản biện nói là họ không bắn rơi chuyến bay hàng không dân sự đó, là thế giới không có cách nào chứng minh được việc họ phạm tội.
Nhưng họ không phủ nhận được việc họ cung cấp quả phi đạn Buk M1 bắn rơi chiếc phi cơ dân sự, vì ngoài Nga, không nước nào sản xuất hoặc sử dụng loại phi đạn này. Phi vụ MH17 lại bị bắn rơi trên không phận của phần đất mà quân ly khai đang chiếm đóng.
Một bằng cớ buộc tội khác là trước ngày bắn rơi chiếc máy bay của Mã Lai, quân ly khai cũng đã bắn rơi hai phi cơ vận tải quân sự và một chiếc trực thăng của quân đội Ukraine.
Obama nói việc tàn sát gần 300 người trong chuyến bay MH17 "tàn nhẫn đến độ quái đản, không lời lẽ nào đủ để diễn tả." Ông lên án nặng nề như vậy trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu 18 tháng Bảy tại Bạch Cung.
Tổ chức OSCE (The Organization for Security and Co-operation in Europe - Cơ Quan Bảo Vệ An Ninh và Hợp Tác Âu Châu) gửi một đoàn gồm 25 quan sát viên tới nhận định tại chỗ để đánh giá sự việc; một phát ngôn viên của phái đoàn này cho biết họ bị loạn quân thân Nga ngăn cản, một người võ trang bịt mặt bắn chỉ thiên để thị oai.
Phi vụ MH17 sử dụng chiếc phi cơ Boeing 777 bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, và bị bắn rơi trên không phận từ Krasni Luch tới Shakhtarsk trong vùng Donetsk.
Dàn chở Buk M1 trên đường trở về Nga
Tại Kiev -thủ đô Ukraine- giám đốc phản tình báo Ukraine, ông Vitaly Nayda trình bày nhiều tấm ảnh chụp cảnh di chuyển 3 dàn hỏa tiễn trở về lãnh thổ Nga 10 tiếng đồng hồ sau khi chiếc MH17 bị bắn rơi. Những dàn hỏa tiễn này được đặt trên xe bọc sắt; 2 trong 3 chiếc xe này rời lãnh thổ Đông Bộ Ukraine trở về Nga vào lúc 2 giờ khuya thứ Sáu 7/18; chiếc thứ 3 vào lúc 4 giờ sáng.
Ngày hôm sau, thứ Bảy 7/19, Thủ Tướng Anh David Cameron tuyên bố với truyền thông, "Nếu việc bắn rơi máy bay dân sự được chứng minh là do loạn quân thân Nga gây ra thì Nga phải chịu trách nhiệm đã võ trang loạn quân nhằm khuynh đảo quyền lực của một quốc gia có chủ quyền."
Ông gằn mạnh trên thái độ thiếu quyết liệt của một vài quốc gia Liên Âu trong việc đối phó với hành động sai trái của Nga. "Từ lâu, chúng ta không trực diện đối phó với Kremlin," Cameron nói, "nhưng lần này chúng ta phải làm Nga nể sợ sức mạnh nguồn tài nguyên phong phú và ảnh hưởng rộng lớn của chúng ta; đừng để Nga nghĩ là chúng ta cần Nga hơn là Nga cần chúng ta."
Tuyên bố như vậy là ông Cameron có ý đề cập đến tương quan kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới, nước này cần đến nước khác trong thị trường toàn cầu -sức mạnh mà Obama từng sử dụng làm vũ khí chống Nga và đánh gục ý chí sản xuất vũ khí nguyên tử của Iran.
Tiếp lời thủ tướng Cameron, tổng trưởng quốc phòng Anh, ông Michael Fallon, cũng lớn tiếng chỉ trích Nga là cầm trịch, bao che khủng bố, và đòi Vladimir Putin "lập tức cuốn xéo ra khỏi Đông Bộ Ukraine". Fallon còn nói, "Chúng ta phải sẵn sàng hành động, mặc dù vụ MH17 không phải là diễn biến làm bùng nổ thế chiến thứ 3."
Ngay sau vụ bắn rơi máy bay dân sự xảy ra, Nghị Sĩ John McCain, thành viên tiểu ban Quân Sự, và tiểu bang Đối Ngoại của Thượng Viện nói với phóng viên Andrea Mitchell thuộc hệ thống truyền thông MSNBC, "Nếu đó là việc làm của Nga hay của loạn quân thân Nga thì hậu quả sẽ vô cùng khiếp đảm, và phải làm cho Nga gánh chịu hậu quả đó."
Thủ Tướng Mã Lai Najib Razak nhấn mạnh việc phi công của chiếc máy bay lâm nạn không kịp gọi cấp cứu, để chứng minh tình trạng phi hành đoàn và hành khách đều yên tâm, vô ưu trên một hành lang được IATA (International Civil Aviation Organisation and International Air Transport Association - Hiệp Hội Quốc Tế Hàng Không Dân Sự Quốc Tế) xác định là tự do không lưu. Ông đòi hỏi kẻ tội phạm phải đền tội.
Thủ Tướng Úc Tony Abbott nói trước Quốc Hội, "Hôm nay là ngày thế giới để tang cho gần 300 nạn nhân khủng bố; Úc có 27 hành khách trên chuyến bay đau thương đó."
Trả lời dư luận buộc tội, tổng thống Nga Putin quy trách cho chính phủ Ukraine; ông nói, "Nếu Ukraine không gây nội chiến, thì biến cố này đã không xảy ra." Hiểu rộng hơn chút nữa, thì đây là một lời nhận tội. Putin nhận có võ trang cho loạn quân thân Nga loại hỏa tiễn phòng không Buk M1, và giải thích là ông phải làm như vậy vì chính phủ Ukraine tấn công, đánh dẹp loạn quân thân Nga.
Nếu Obama là biện lý trước tòa án dư luận, thì John Kerry đóng vai phó biện lý với trọng trách thắt chặt hơn những nút trói buộc Nga vào tội tòng phạm giết 298 nạn nhân vô tội. Hôm Chủ Nhật 7/20, hãng tin Reuters loan báo việc Tòa Đại Sứ Mỹ tại Kiev post lên thông cáo nói là, "Trong tháng trước chúng tôi ghi nhận được mức độ tăng viện ồ ạt của Nga cho loạn quân Ukraine. Chỉ riêng cuối tuần trước Nga đã gửi một công voa 150 xe, gồm xe tăng, xe thiết quân vận, pháo binh và nhiều dàn hỏa tiễn vượt biên giới tăng viện cho phiến quân Ukraine thân Nga. Trong những tháng gần đây, phiến quân đã dùng hỏa tiễn bắn rơi hai phi cơ quân sự của Ukraine; và đúng vào lúc phi vụ MH17 bị bắn rơi, chúng tôi ghi nhận một phi đạn địa không được bắn lên."
Sau khi biện lý Obama buộc tội, nhiều quốc gia trên thế giới đã đóng vai bồi thẩm lên án Nga tối thiểu cũng phạm tội cung cấp vũ khí giết 298 hành khách trên phi vụ MH17. Obama sắp trở lại với vai trò lãnh đạo thế giới tự do, để công bố những biện pháp trừng phạt kinh tế gay gắt hơn.
Việc ông đi sau dư luận thế giới thường bị chỉ trích là ông làm mất vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Thật ra cái dư luận đang đồng loạt chỉ trích Nga cũng do Obama tạo dựng lên.
Obama chỉ phạm cái lỗi không dùng ngôn từ dao to, búa lớn, không thích vai trò xen đầm quốc tế, không nhanh tay gửi lính Hoa Kỳ vào mọi điểm nóng trên thế giới, và không thích cảnh phi cơ vận tải của không quân Hoa Kỳ chở hàng trăm chiếc quan tài phủ cờ hồi hương.
Mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ đều có phong cách lãnh đạo của riêng mình; style lãnh đạo của Obama nặng tính tế nhị; ông không bảo thế giới là "nước nào không theo Hoa Kỳ là chống Hoa Kỳ." (nđt)
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
~