Thursday, 17 July 2014

Chương trình "Nhịp Cầu Hoàng Sa" - Thanh Trúc, phóng viên RFA



huyngocchenh-200.jpg

Nhịp Cầu Hoàng Sa là chương trình bắt đầu hoạt động đầu năm 2014 này, nhằm mục đích bắt một nhịp cầu để người Việt trong và ngoài nước để bày tỏ lòng tri ân trước anh linh những chiến sĩ ngã xuống vì Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh hành động yểm trợ thiết thực cho gia đình vợ con những người  đã hy sinh để bảo vệ biển đảo.
Hội trưởng của Nhịp Cầu Hoàng Sa, ông Đỗ Thái Bình, cho biết:
Đây là một nhịp cầu để người Việt hiểu nhau, tức là tạo sự hòa hợp tại vì có rất nhiều người cũng chưa biết đến Hoàng Sa, cũng chưa biết đến cuộc chiến đấu trên biển, người miền Bắc cũng chưa biết đến những sự kiện xảy ra ở phía Nam trước đây. Cho nên ý nghĩa của chương trình, như là các nhà báo tham gia chương trình này như anh Huy Đức, chi Thế Thanh vân vân… cũng đã nêu rõ đây là một chương trình có mục đích để người Việt thương yêu người Việt là vì trong trận Hoàng Sa đấy là một trận chiến duy nhất mà người Việt không chĩa súng vào nhau mà chĩa thẳng vào kẻ xâm lược từ phương Bắc. Từ ý nghĩa đó chương trình mong bà con hiểu nhau hơn và tạo ra một sự yêu thương hòa hợp để xây dựng một đất nước vững mạnh.
Một trong những nghĩa cử thực tế mới đây nhất, mà chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa loan báo từ lâu, là ngôi nhà tình nghĩa dành cho bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh, vợ trung tá hải quân Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo (HQ-10), người đã hy sinh theo tàu cùng 73 người lính Việt Nam Cộng Hòa khác trong trận hải chiến chống quân Trung Quốc ngày 19 tháng Giêng 1974.
Tiêu chí của chúng tôi là cố gắng mua cho bà Thà một căn nhà, sau đó mới tới anh em tử trận rồi tới mấy anh em còn khó khăn ở Việt Nam.
- Ông Lữ Công Bảy
Đó là căn nhà ở đường Nguyễn Kim, phường 7, quận 10, nơi bà quả phụ Ngụy Văn Thà ao ước được ở lại đó để gần gia đình anh chị em của bà. Chia sẻ với đài Á Châu Tự Do, bà Ngụy Văn Thà xác nhận:
Đây là ao ước của tôi từ lâu thành ra tôi  thấy mình rất là vui. Nhận hôm bữa 11 tháng Bảy, căn hộ đó thuộc cao ốc B, có hai phòng, hai nhà vệ sinh, một phòng bếp với lại phòng khách.
Hồi xưa, nhà tôi bị giải tỏa cũng ở gần khu đó, nhưng mà bây giờ lại được căn nhà gần ở đó nữa với lại gần gia đình tôi.
Được biết căn hộ mà bà quả phụ Ngụy Văn Thà mới nhận từ Nhịp Cầu Hoàng Sa có trị giá 1 tỷ 344 triệu đồng  tính luôn cả thuế gia tăng và chi phí tu sửa:
Tôi phải bù vô 229 triệu 505 ngàn vì căn hộ của tôi bị giải tỏa thì bây giờ người ta đền bù lại cho tôi số tiền như vậy thành ra  tôi cũng đắp vô cho Hoàng Sa hết để nhận căn nhà nàyvà để ủng hộ những người khác. Tại tôi suy nghĩ ra còn có nhiều người còn khó khăn hơn tôi. Khi nào tôi được nhận lại số tiền đó tôi sẽ ủng hộ Hoàng Sa.
Không chỉ một mình bà quả phụ của hạm trưởng Ngụy Văn Thà, bà Nguyễn Thành Trí là vợ của hạm phó Nguyễn Thành Trí, chết trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, cũng được hứa  một ngôi nhà tình nghĩa. Vẫn lời bà Ngụy Văn Thà:
Bà Nguyễn Thành Trí giờ cũng đang ở chung cư giống tôi nhưng mà nhà của bà chưa có giải tỏa. Bà nói bà sẽ bán căn nhà đó và xin Hoàng Sa hỗ trợ thêm để mua căn hộ mới rộng hơn.
Năm 1974, khi trận hải chiến chống  Trung Quốc nổ ra ở Hoàng Sa thì ông Lữ Công Bảy là thượng sĩ giám lộ đi trên chiến hạm Khánh Dư cùng ra Trường Sa chống lại hải quân Trung Quốc:
Hiện tại, là thành viên của Nhịp Cầu Hoàng Sa, ông  Lữ Công Bảy nói về những công việc mà ông thấy chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã  thực hiện được không riêng cho Hoàng Sa mà cả cho Trường Sa nữa:
Tiêu chí của chúng tôi là cố gắng mua cho bà Thà một căn nhà, sau đó mới tới anh em tử trận rồi tới mấy anh em còn khó khăn ở Việt Nam. Có một số người còn khó khăn lắm, thế nhưng mà anh em Hoàng sa đã vượt qua khó khăn rồi, bây giờ tương đối cuộc sống của họ cũng đỡ hơn là số anh em ở Trường Sa tức ở Gạc Ma đó. Số anh em Gạc Ma tại vì nhiều người là dân quê nên người ta khổ ghê lắm, họ không có nhà mà làm thuê làm mướn không thôi, phải cố gắng lo cho anh em. Gạc Ma nhà nước cũng có lo nhưng mà mức độ nào đó thôi.
Hôm Tết người ta có tặng cho anh và anh Roa một số tiền nhưng anh nói bây giờ còn nhiều người khổ quá thôi để cái phần đó cho số anh em khó khăn còn tụi tui không nhận phần đó đâu, chứ thực ra Nhịp Cầu Hoàng Sa của anh Bình cũng tính gởi cho mỗi thành viên năm triệu hôm Tết đấy. Mấy anh nói mình nghe cảm động lắm, nói dù thế nào cũng là người Việt Nam, đừng nói chuyện chế độ trước hay chế độ sau gì hết, bảo vệ Hoàng sa tức là bảo vệ cho tổ quốc Việt Nam, mình trân trọng họ thì phải làm sao tuyên dương công lao bảo vệ đất nước của mấy ổng, thì mình thấy cũng có nhiều người rất tốt.
Ngay từ những ngày đầu chương trình Nhịp Cầu Hoàng sa đã thăm hỏi và giúp đỡ các chiến sĩ ở Gạc Ma. Vẫn lời ông Đỗ Thái Bình :
Chương trình đã giúp cho bà Hồ Thị Đức là mẹ của thiếu úy Trần Văn Phương, người đã giương ngọn cờ giữ đảo Gạc Ma. Chương trình đã gởi 20 triệu để giúp cho mẹ của thiếu úy Trần Văn Phương đã hy sinh ở Gạc Ma, đồng thời gởi 300 triệu cho anh Lê Hữu Thảo, người sống sót trong trận Gạc Ma, để  xây nhà. Bao giờ xây xong thì chúng tôi tổ chức một buổi để cho anh mừng nhà mới tại quê hương của mình. Đấy là chiến sĩ.
Trong thời gian qua, chương  trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã nhận được sự đóng góp, mà ông Đỗ Thái Bình cho là rất chân tình, của bà con gần xa:
...chương trình đã kết nối được mọi người trong và ngoài nước, trong đó có những vị trước đây từng giữ vị trí cao trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
- Ông Đỗ Thái Bình
Cách đây mới hai ba ngày thì cũng nhiều bà con từ các nơi gởi và cũng nhắn tiền này để cho bà Hồ Thị Đức là người sinh ra thiếu úy Trần Văn Phương. Như vậy chương trình đạt được mong muốn là từ Nhịp Cầu Hoàng Sa tiến tới với Trường Sa, đến với những người đã hy sinh ở Gạc Ma.
Tôi là người lập cái bảng đóng góp để đưa lên Internet hàng ngày cho nên tôi cũng biết khá tường tận về việc đóng góp của bà con. Có những người đóng góp rất nhiều nhưng đề nghị ghi ẩn danh. Trong khi đó số đóng góp ở ngoài nước cũng rất nhiều, đặc biệt từ Bắc Mỹ. Cách đây có ba ngày có một gia đình ở Mỹ, ghi rõ là gởi về để giúp cho mẹ Hồ Thị Đức mẹ của thiếu úy Trần Văn Phương. Bên nước ngoài thí dụ như Hội Đại Tín thì đóng góp hai lần và số tiền cũng khá lớn. Như vậy muốn nói rằng chương trình đã kết nối được mọi người trong và ngoài nước, trong đó có những vị trước đây từng giữ vị trí cao trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
Theo ông Đỗ Thái Bình và những thành viên khác trong chương trình, Nhịp Cầu Hoàng Sa giống như một forum, một diễn đàn, nối kết và qui tụ  mọi giới trong cũng như ngoài nước, qua đó  cùng tìm hiểu về những vấn đề của Hoàng Sa Trường Sa để cùng hiểu biết yêu thương nhau hơn.