Thursday, 17 July 2014

PORTLAND VÀ NGƯỜI THẦY TUYỆT VỜI - kim thanh

     1. Ðại tá Nguyễn Quốc Quỳnh. Người thầy cao cả của tôi, của chúng tôi. Vị chỉ huy trưởng cuối cùng, đức độ, tài ba của trường Ðại Học CTCT Ðà Lạt  –nơi mà tôi được may mắn và hãnh diện phục vụ gần ba năm cho đến lúc sẩy đàn tan nghé. Người đã đưa đại đơn vị di tản, bằng đường bộ và đường biển, an toàn về đến Sài Gòn, đã lo cho sinh mạng thuộc cấp còn hơn cho sự yên ổn của bản thân và gia đình mình. Người đã ở lại chiến đấu, sáng 30 tháng 4, 1975, cùng với các SVSQ và sĩ quan trường cho đến phút tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, mặc dù có đủ phương tiện để trốn đi như nhiều tướng tá khác. Người mà, sau đó, đã trải qua mười bốn năm tù nhọc nhằn, đày ải, từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam, chịu bao cơ cực, mà không hề buông một lời than van, vẫn giữ trọn tiết tháo của một anh hùng sa cơ trong tay quỹ dữ. Người đã chia sớt cho tôi, những lần hiếm hoi được gặp nhau tại trại giam Vĩnh Phú, những mẩu sắn, cục đường, viên thuốc, và lời khuyên nhủ “bền chí”, “gắng giữ gìn sức khoẻ để có sức chịu đựng” ân cần phát ra như tự đáy lòng cha, anh, và đã nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi đến từng anh em cũ, thuộc đại gia đình Nguyễn Trãi. Người, một phượng hoàng gãy cánh, đã từ cõi cao chói sáng rơi xuống mấy tầng địa ngục tăm tối, mà vẫn thản nhiên như không, bước đi trên cuộc đời nhẹ tênh như trên những mảnh chiêm bao vụn vỡ. Người mà, qua hiện thân cao vời và bao năm sao dời vật đổi, đã cho tôi hiểu trọn nghĩa của vinh quang và tủi nhục, yêu thương và thù hận, thiên thu và phù vân, dũng cảm và khiếp nhược.
      Ðại tá Nguyễn Quốc Quỳnh. Người thầy cao cả của chúng tôi, của tôi. Tám mươi lăm tuổi. Bệnh hoạn, đi đứng khó khăn. Mà vẫn không suy suyển lòng tin và hãnh diện về bốn chữ “Trí, Nhân, Dũng, Thành”, rực rỡ gắn lên trên trách nhiệm, lý tưởng, và tâm khảm của một sĩ quan VNCH nói chung, và sĩ quan ngành CTCT nói riêng  –hun đúc từ hơn năm thế kỷ qua Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi, vị đại anh hùng dân tộc, thi nhân lỗi lạc của núi Côn Sơn:             
Trọn hay:  
Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
      Người mà, sau gần ba mươi năm cách xa biền biệt và lần cuối nhìn thấy nhau tại trại tù Vĩnh Phú giữa năm 1980, đã từ miền nắng ấm Florida đến thành

image001
   
Ngồi từ trái: cựu Trung tá Văn Hóa Vụ trưởng ĐH/CTCT Hoàng Minh Hòa, thầy Quỳnh với nụ cười rạng rỡ, diễn giả Lý Đại Nguyên. Hàng đứng từ trái: chủ nhân Châu Auto Body Nguyễn Văn Châu và chủ nhiệm Oregon Thời Báo Nguyễn Quang Trung, hai đồng hương Quảng Trị, Diễn giả Huỳnh Quốc Bình, cựu chủ tịch Cộng Đồng VN Oregon.
phố gió mưa tơi tả Portland, để thăm gặp chúng tôi, những đệ tử cựu sĩ quan và SVSQ trường Ðại Học CTCT, và tham dự buổi hội thảo chống Nghị quyết 36 của Cộng đảng Việt Nam do Ủy Ban Yểm Trợ Pháp Lý cho Oregon Thời Báo và Người Lính Già Oregon tổ chức.
       Ðại tá Nguyễn Quốc Quỳnh. Người đã đến, ngồi xe lăn, miệng cười tươi, còn nguyên phong thái lịch sự cố hữu của một thời huy hoàng –tham mưu trưởng trường Võ Bị Đà Lạt, tỉnh trưởng Quảng Trị, tùy viên quân sự tại Hòa đàm Paris, trưởng Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, chỉ huy trưởng ÐH/CTCT–  hay của những ngày lưu đày bất hạnh xa xưa. Thầy tâm sự với các anh em chào đón tại phi trường, rằng gần ngày lên đường, “tôi bị trặc chân, các con ngần ngại, nhưng tôi cương quyết, bảo rằng, dù có lết, tôi cũng phải đến, và trở về, sẽ hẹn gặp bác sĩ sau.” Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua là thế đấy. Ôi, tấm lòng tuyệt diệu của một vị thầy. Một bậc trượng phu đúng nghĩa, giữa thời đại đảo điên, bát nháo chi khươn mà danh từ “trung lập, hài hòa” được dùng thay cho “hèn nhát, đồng lõa”, và “hòa giải”, thay cho “đầu hàng”.   
      Thời gian ở Portland, lúc đầu thầy Nguyễn Quốc Quỳnh đã lưu ngụ tại nhà tôi. Rồi NT2 Nguyễn Thế Thăng, Thiếu tá Lực Lượng Vệ Binh Hoa Kỳ, Hội trưởng Hội Cựu SVSQ/ÐH/CTCT Oregon, đến rước thầy về nghỉ ở nông trại khang trang, đầy đủ tiện nghi của anh. Tại đây, thầy được các cựu sĩ quan và SVSQ Trường CTCT đến thăm viếng ân cần.
image003
                 
Thầy Quỳnh và các cựu SVSQ/ĐH/CTCT các khóa tụ họp tại nông trại của NT2 Nguyễn Thế Thăng (áo xanh, hàng đầu)
      Riêng anh Paul Kính Dương, NT 2, cựu điều hợp viên chương trình tỵ nạn thành phố Portland, đã tình nguyện làm tài xế full time đưa đón thầy. Có tôi tháp tùng khi thầy thăm viếng thánh đường La Vang, Núi Ðức Mẹ Grotto, và vài cảnh trí hữu tình Portland. Sau đó, vì bận việc, tôi không theo thầy và Kính đến thăm một cựu tướng lãnh, khóa 5 đàn em của thầy tại Võ Bị Quốc Gia, đầu thập niên 50. Nghe Kính kể, gặp nhau tại cửa nhà, vị tướng đã giơ tay nghiêm chào thầy, kiểu nhà binh: “Thưa niên trưởng”, và thầy chào lại: “Thưa trung tướng”, và suốt buổi nói chuyện, thầy lúc nào cũng một “trung tướng”, hai “trung tướng”, đúng theo lễ nghi quân cách và kỷ luật nhà binh mà thầy đã thấm nhuần và dạy lại các sĩ quan và SVSQ. Tôi thấy cảm động, vô cùng thán phục về nhân cách cao thượng của hai vị đối với nhau.
      2. Ba giờ chiều, thứ bảy 15/12/2007. Trời mùa đông Portland buốt giá, không mưa không nắng, chỉ hiu hiu gió cho cơn lạnh vừa đầy và miên man thêm nỗi sầu viễn xứ. Ðồng hương Oregon lần lượt tiến vào hội trường Legin, nói cười, tay bắt mặt mừng, chào hỏi nhau, rộn rã. Tiếng nhạc xập xình, mời gọi. Những bản hùng ca, những “cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu”, những “Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng… của nòi giống Tiên Rồng”, đã im lắng từ lâu, từ


image005
          
buổi nước mất nhà tan, bỗng vang dồn, giục giã, gợi nhắc một mùa chinh chiến bi hùng cũ. Ánh sáng mờ ảo làm quên thực tại ưu phiền thường nhật, bủa vây cuộc sống. Khung cảnh trang nghiêm, nhưng thân tình. Một chút nô nức, trong lòng các thân hữu và chiến hữu của hai nhà báo và Người Lính Già Oregon. Một chút xót xa cảm thương đối với những “nạn nhân” trong vụ kiện. Một chút tò mò muốn biết Người Lính Già là ai. Và rất nhiều quyết tâm trong ánh mắt của các tham dự viên –không bao giờ muốn thấy Việt Cộng và bè lũ tay sai nằm vùng bén mảng tới Oregon, thi hành nghị quyết 36. Ðến với nhau, bởi đại nghĩa chung, những người quốc gia chân chính, chiều ấy, đã để lại ngoài cửa những bất đồng cá nhân, đố kỵ và giận hờn, nếu có. Một việc làm, đầy ý nghĩa, nếu không nói là nhiệm vụ tự giao phó, của những người tỵ nạn, chống Cộng, không đặt điều kiện này nọ để đến tham dự, không câu nệ về tiểu tiết lặt vặt (như phải nhận được sớm giấy mời, hoặc phải được giới thiệu và phát biểu, hoặc tránh mặt người mình không ưa v.v...).
        Sau phần phát biểu của bình luận gia nổi tiếng và xuất sắc Lý Ðại Nguyên, một cộng tác viên của Oregon Thời Báo, về hiểm họa của Nghị quyết 36, Ðại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, diễn giả thứ hai, ngồi giữa hội trường, trong xe lăn, phía dưới sân khấu, mở đầu ngay, một cách rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo, trái với dự đoán của mọi người:
      - Từ Florida tôi đến đây, là vì một người anh em của tôi trong đại gia đình Nguyễn Trãi đang lâm nạn. Đó là Đại úy Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, tức Người  
             image007
Lính Già Oregon, tức nhà văn Kim Thanh, giáo sư ưu tú của quân trường chúng tôi, bị kiện vì đã viết một bài chống Cộng, kéo theo hai nhà báo bị kiện luôn. Tôi đến đây, để ủng hộ Ðại úy Quý, trong tinh thần một con ngựa đau cả tàu khơng ăn cỏ, và hai nhà báo Oregon Thời Báo. Tôi đau xót lắm. Tôi có ghé thăm nhà Ðại úy Quý, và thấy mặc dù là giáo sư, anh vẫn là con nhà nghèo, là hàn sĩ, thì lấy đâu ra tiền để theo đuổi vụ kiện? Tôi đã gom góp tất cả tiền dành dụm do các con cho gửi đến để yểm trợ anh...
      Ðại tá Quỳnh nói đến đây thì nước mắt tôi đã dâng đầy, không kềm được. Còn nghe văng vẳng bên tai, một con ngựa đau... hàn sĩ…nhà nghèo… máu chảy ruột mềm. Bóng thầy lung linh, sáng ngời dưới ánh đèn, in lên bức màn sân khấu, vĩ đại như tấm chân tình của thầy phút chốc trở nên cao ngất, lồng lộng, mà không cánh tay trần gian nhỏ hẹp nào có thể với nắm được. Bao nhiêu kỷ niệm của những ngày xưa cũ có thầy bỗng hiện về, nhạt nhòa, run rẩy. Ðà Lạt. Bình Tuy. Sài Gòn. Hoàng Liên Sơn. Vĩnh Phú. Orlando. Portland. Những tên gọi, như trong tiểu thuyết của Marcel Proust, không còn là địa danh nữa, mà đã biến thành những chặng đời buồn vui, những khoảnh khắc thời gian thân thương, ít nhiều gắn bó. Nhìn quanh, thấy nhiều người mắt cũng đỏ hoe. Dù chai đá cách mấy, không ai không thấy cảm động trước tấm lòng bao la mà một vị cựu chỉ huy trưởng già yếu, bệnh tật, lặn lội đến từ xa, đã dàn trải cho một sĩ quan dưới quyền.
      Tiếp theo, thầy tâm tình về việc chống Cộng. Phải đánh đổ huyền thoại Hồ Chí Minh, huyền thoại đã và đang nuôi dưỡng chế độ vô luân, bạo tàn, hà hơi tiếp sức cho lũ cán bộ hung hãn, ngu dốt. Thầy nói, thầy quyết chống Cộng “không chỉ đến chiều, mà cho đến sau hơi thở cuối cùng”. Tiếng vỗ tay vang dội. Tôi nghĩ thêm: chống Cộng và chống tay sai nằm vùng đang thi hành Nghị quyết 36 không chỉ là một bổn phận mà còn là một nhu cầu khẩn thiết, như hơi thở, để sống còn, của những người quốc gia tỵ nạn. Những kẻ mưu toan hòa hợp, hòa giải với Việt Cộng là đang tự thắt dây thòng lọng vào cổ mình. Kinh nghiệm máu xương cho thấy, đối với bọn chúng và tay sai, không thể nào có chuyện hai bên ngồi lại hòa giải, và chiêu bài hòa giải, nằm trong Nghị quyết 36, chỉ là cái bẫy để chụp đầu những con mồi ngây thơ, nếu không muốn nói mê muội.          
      Diễn giả cuối cùng là ông Huỳnh Quốc Bình, cựu chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Oregon, về đề tài “Nhận diện Nghị quyết 36 và những tên đang thi hành nghị quyết 36”. Nếu Ðại tá Quỳnh ăn nói nhỏ nhẹ, vẻ nho nhã, thì ngược lại, ông Bình phát biểu lưu loát, giọng điệu hùng hồn, đanh thép, xứng danh một bình luận gia truyền thanh, khiến cử tọa chăm chú theo dõi và vỗ tay sau mỗi câu. 
      3. Buổi họp mặt thành công ngoài mong đợi. Hai trăm năm mươi người tham dự, con số không nhỏ so với tổng số đồng hương tỵ nạn Việt Nam tại Oregon, và cho một chiều cuối tuần đầy mục riêng tư. Nhà báo, chủ tịch Hội Cựu Chiến Hữu Oregon Ðoàn Kim Bảng, một trong ba người bị kiện, đã hoàn thành tuyệt hảo nhiệm vụ xướng ngôn viên và MC, dẫn đưa cử tọa từ mục này đến mục khác một cách tự nhiên và điêu luyện. Nhiều người đã đóng góp biết bao công sức. Trước hết, Ủy Ban Yểm Trợ Pháp Lý với một Vương Thế Hạnh, chủ tịch, đã lo liệu kỹ lưỡng mọi việc, không sót một chi tiết nhỏ. Một Trịnh Đình Bội đã tổ chức tiếp đón thầy tại phi trường Portland một cách trang trọng. Một Vũ Văn Thảo đã vận động in xong, và miễn phí, vé vào cửa trong thời gian kỷ lục. Một Nguyễn Văn Tấn, thủ quỹ, cần cù, cẩn thận, lúc nào cũng bận bịu với các con số chi thu và ôm kè kè chiếc cặp đựng tiền và ngân phiếu. Một Nguyễn Văn Nhớ, họa sĩ, lãnh nhiệm vụ hoàn thành một banderole chào mừng đại hội và nhã ý họa bức chân dung của Ðại tá Quỳnh để tặng thầy làm kỷ niệm. Một Bùi Phan, phụ trách âm thanh, ban nhạc và ca sĩ. Một Nguyễn Quang Trung, chủ nhiệm Oregon Thời Báo, người bị “kiện oan” trong vụ Chi Jones, tình nguyện lo liên lạc với nhà hàng Legin và mời các diễn giả. Một Nguyễn Thế Thăng, tích cực, hăng say, như bao giờ. Một Nguyễn Hà Tịnh, một Dương Dân Sĩ nói ít làm nhiều. Một Huỳnh Quốc Bình, luôn khuyến khích, cổ võ, và gieo nguồn lạc quan cho Ban Tổ Chức.
                   image009 
                               NT2 Nguyễn Thế Thăng (trái) và Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ
      Trong số quan khách phương xa có các vị chức sắc ở cộng đồng bạn, như Salem, Vancouver, Seatlle. Có cựu Trung úy Nguyễn Kim Trọng, giáo sư Anh ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang và Võ Bị Ðà Lạt, từ Stockton đến để hỗ trợ bào huynh là Người Lính Già Oregon.
                    image011     
     NT4 Nguyễn Gia Hưng từ Yukon, Canada, và thầy, tại nhà cựu  Đại úy Nguyễn Kim Quý
      Người ta không quên sự hiện diện của Giáo sư Trần Long, thuộc Viện Đại Học Đà Lạt và trường ĐH/CTCT, của năm mươi cựu SVSQ/ÐH/CTCT và gia đình, thuộc Hội CTCT Oregon, đến từ Portland, Beaverton, và vùng phụ cận. Hội CTCT Washington có mười lăm anh em, khởi hành từ Seattle lúc 6:30 sáng thứ bảy, gồm các anh chị Hội trưởng Lê Tấn Dương, Phạm Thanh Xuân, Ðặng Phú Thiệt, Nguyễn Ban, Nguyễn Ðức Lai, Ngô Văn Tươi, và nhiều người khác tôi không biết hay nhớ hết tên. Ðặc biệt, có Nguyễn Gia Hưng, SVSQ khóa 4, người đã cùng tôi đến thăm Ðại tá Quỳnh tại tư gia một ngày sau khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng Phỉ, đương kim Tổng Hội Phó Ngoại Vụ Tổng Hội ÐH/CTCT, bay từ Yukon, Canada, đến Portland vừa kịp giờ khai mạc đại hội, để “biểu lộ tình thân và yểm trợ anh em”. Riêng anh Phạm Thanh Xuân còn dẫn theo ban hợp ca CTCT gồm ca sĩ nam nữ “cây nhà lá vườn” đã lên sân khấu trình bày những bài hùng tráng làm nức lòng chiến sĩ và cử tọa. Tất cả đã đến vì thầy Nguyễn Quốc Quỳnh, vì một người anh em bị lâm nạn, và nhất là vì tình nghĩa keo sơn giữa những thành viên thuộc đại gia đình Nguyễn Trãi
             image013                                                   
           Đứng sau tác giả là NT2 Lê Tấn Dương, Hội trưởng cựu SVSQ/ĐH/CTCT, đến từ WA
            4. Tại phi trường Portland, ngày trở về Florida, Ðại tá Quỳnh nắm tay tôi, dặn dò: “Nếu bên kiện đề nghị hòa giải, em cứ ngồi lại, cho xong, để thì giờ làm việc khác.” Tôi hỏi lại: “Nhưng nếu họ không chịu bãi nạỉ?”    
      Thầy nhìn ra phía trước, nét ưu phiền thoáng vương trên cặp mắt đượm vẻ mệt mỏi. Thầy đáp, không lưỡng lự:
- Thì đành phải tiếp tục theo đuổi. Và anh sẽ trở lại Portland.
      Khi tôi viết những dòng này thì thầy đã trở về Orlando bình an và chưa biết vụ kiện sẽ kết thúc ra sao. Cám ơn tất cả đồng hương Oregon đã vì lý tưởng chung đến tham dự cuộc họp mặt. Cám ơn các thành viên trong đại gia đình Nguyễn Trãi, những ân nhân, bằng hữu, chiến hữu, từ khắp nơi, đã không bao giờ bỏ bạn bè bị nạn bên đường.
      Chân thành cảm tạ Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, người thầy cao cả của toàn thể chúng tôi.


Portland, 2 tháng 1, 2008
Kim Thanh