1.- NỮ VĂN SĨ THỤY AN
Bà
Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến, sinh ngày 24 tháng 8 năm bính thìn (21-9-1916),
con gái đầu của ông Lưu Tiến Ích và bà Phùng Thị Tôn, người làng Hòa Xá, huyện Ứng
Hòa, Hà Đông. Bà từ trần tại Sài Gòn ngày
7 tháng 5 năm kỷ tỵ (10-6-1989), thọ 74 tuổi (tuổi ta), pháp danh Nguyên Quy.
(Theo tộc phả Bùi tộc Châu Cầu, Phủ Lý, Hà Nam.)
Năm
1934, lúc 18 tuổi, bà kết hôn với ông Bùi Nhung (1907-1987). Bùi Nhung là con cụ Bùi Thức (tiến sĩ Nho học),
người Châu Cầu, Phủ Lý, Hà Nam, và là em ông Bùi Kỷ (phó bảng Nho học), và cũng
là em bà Bùi Thị Tuất tức bà Trần Trọng Kim.
Hai ông bà Bùi Nhung-Thụy An có sáu người con là Bùi An Dương, Bùi Thụy
Băng, Bùi Thu Linh (nữ), Bùi Dương Chi, Bùi Ngọc Trinh (nữ) và Bùi Châu
Công.
Sau
khi sinh người con út, Thụy An sống ly thân với Bùi Nhung, nhưng không ly dị. Lý do vì lúc đó, Bùi Nhung liên hệ tình cảm với
bà Lưu Thị Trạch, tên thường gọi là Việt.
Bà Trạch hay Việt là em ruột bà Thụy An, nên Thụy An im lặng rút lui, nhường
chồng cho em.
Bùi Nhung là nhà văn, nhà giáo, bút hiệu Băng Dương, đã từng làm giám đốc Đài phát thanh Hà Nội năm 1948-1949 và sau đó 1951-1954. Bùi Nhung còn làm giám đốc đài phát thanh Hải Phòng năm 1954, trong thời gian 300 ngày trước khi Hải Phòng bị Việt Minh tiếp thu. (Việt Minh tiếp thu Hải Phòng ngày 13-5-1955.) Trong thời gian nầy, xảy ra vụ án mạng Đỗ Đình Đạo ngày 29-7-1954. Bà Thụy An bị nghi ngờ và bị bắt giữ ở nhà ga xe hỏa gần Hải Phòng. Bùi Nhung biết được, đã đến thăm bà Thụy An.
Bà
Thụy An là nữ tiểu thuyết gia duy nhất có tên trong bộ sách Nhà văn hiện đại do Vũ Ngọc Phan biên soạn. Bộ sách nầy gồm 4 quyển, do Tủ sách Tao Đàn,
Nxb. Tân Dân ấn hành tại Hà Nội từ năm 1942 đến năm 1945, đánh số trang liên tục,
trong đó quyển tư viết về các tiểu thuyết gia.
Bộ sách nầy về sau được tái bản nhiều lần. Vũ Ngọc Phan cho rằng tiểu thuyết Một linh hồn (xuất bản 1943) của bà Thụy
An là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam trước năm 1945.
Ngoài
tài làm thơ và viết tiểu thuyết, bà Thụy An còn làm báo, viết phóng sư. Sau khi kết hôn, Thụy An cùng chồng vào Sài
Gòn lập ra tuần báo Đàn Bà Mới. Bùi Nhung làm giám đốc chính trị (directeur
politique), còn Thụy An làm giám đốc kiêm chủ bút (directrice et rédactrice-en-chef).
Tại
Sài Gòn, lúc đầu báo quán Đàn Bà Mới
nằm trên đường Leman. (Đường Leman về
sau là đường Cao Bá Nhạ, quận 1.) Sau đó,
báo quán đổi qua số 43 đường Galliéni. (Đường Galliéni về sau đổi thành đường
Trần Hưng Đạo.) Báo Đàn Bà Mới xuất bản hàng tuần vào ngày Thứ Bảy, ra số đầu tiên (số
1) ngày Thứ Bảy 1-12-1934. Khi đổi trụ sở
qua đường Galliéni, Đàn Bà Mới cũng đổi
ngày ra là Thứ Hai hằng tuần. Số cuối
cùng (số 95) ra ngày Thứ Sáu 4-6-1937.
Năm
1938, bà Thụy An ra Hà Nội, xuất bản tuần báo Đàn Bà, phát hành vào ngày Thứ Sáu hàng tuần, số đầu ra ngày
16-2-1938 và số cuối vào tháng 4-1939.
Tòa soạn tuần báo Đàn Bà đặt
trên đường Wiélé. (Đường nầy về sau đổi thành đường Tô Hiến Thành.)
Theo
bà Bùi Ngọc Trinh, con gái của bà Thụy An, thì Thụy An từng làm Giám đốc
Vietnam Press, nhưng theo người cháu của bà Thụy An thì ông biết chắc chắn Thụy
An có làm việc cho Vietnam Press, nhưng không rõ chức vụ. (Nói chuyện với ông Q.
tại San Jose ngày 8-7-2014.)
Cũng
theo nguồn tin trong gia đình, thì vào năm 1951, Thụy An đưa bốn trong sáu người
con, vào sinh sống ở Sài Gòn. Đó là An Dương,
Thu Linh, Ngọc Trinh và Châu Công. Hai
người còn lại là Thụy Băng và Dương Chi sống với ông Bùi Nhung và bà vợ sau của
ông Nhung.
Không
được biết do tình trạng gia đình, hay do công việc, Thụy An lúc nầy hay ra vào Sài
Gòn - Hà Nội. Theo lời kể của Bùi Thụy
Băng, con trai bà Thụy An, thì khoảng nửa tháng trước khi Việt Minh tiếp thu Hà
Nội, Thụy An từ Sài Gòn ra Hà Nội. (Thụy Khuê, Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Virginia: Nxb. Tiếng
Quê Hương, 2012, tr. 179.) Tuy nhiên, Việt
Minh tiếp thu Hà Nội ngày 10-10-1954. Nếu
nửa tháng trước ngày Việt Minh tiếp thu Hà Nội tức khoảng cuối tháng 9. Trong khi đó, Đỗ Đình Đạo chết ngày
29-7-1954. Lúc đó, Thụy An đã có mặt tại
Hà Nội. Vậy Thụy An phải ra Hà Nội trước
ngày nầy. Nếu trước nửa tháng thì có thể
trước ngày ký kết hiệp định Genève 20-7-1954. Đây là chuyến đi cuối cùng của Thụy An vì sau
đó bà mắc nạn và ở lại đất Bắc.
Văn
nghiệp bà Thụy An khá phong phú. Bà có
thơ đăng trên tạp chí Nam Phong năm
13 tuổi (1929). Bà làm nhiều thơ nhưng
không in thành tập. Về tiểu thuyết,
ngoài truyện dài Một linh hồn, bà xuất
bản hai tập truyện ngắn là Vợ chồng
(25 câu chuyện về hạnh phúc gia đình) và
Bốn mớ tóc. Bìa sau của tập truyện
ngắn Bốn mớ tóc có in dòng quảng cáo:
Đón đọc Nhà lãnh tụ, là sách bà Thụy
An dự tính sẽ viết về Đỗ Đình Đạo.
Thụy
An còn nhiều tác phẩm viết sau năm 1954 ở Bắc Việt Nam và cả trong thời gian ở
tù vì vụ Nhân văn Giai phẩm, chưa được
ấn hành. Dầu bị xáo trộn trong gia đình,
Thụy An vẫn tiếp tục hoạt động báo chí, sáng tác văn thơ, nhưng bất ngờ bà bị mắc
nạn vào nghi án về cái chết của người bạn gia đình là Đỗ Đình Đạo.
2.- ĐỖ ĐÌNH ĐẠO BỊ ĐỘT TỬ
Đỗ
Đình Đạo sinh ngày 17-7-1911 tại Hà Nội, là con của cụ Đỗ Đình Tiến (bị Việt
Minh giết) và cháu nội của Đô thống Đỗ Đình Thuật. Ông gia nhập Đại Việt Dân Chính Đảng do Nguyễn
Tường Tam thành lập năm 1938, rồi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Năm
1952, thủ tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam là NguyễnVăn Tâm giao cho Đỗ Đình Đạo
chỉ huy Đoàn Quân Thứ Lưu Động (Groupe Administratif Mobile en Opération viết tắt
là GAMO) ở Bắc Việt. Trước hiệp định Genève, Việt Nam chưa bị chia hai, Ngô
Đình Diệm thành lập chính phủ ngày 7-7-1954.
Hai ngày sau (7-7-1954), ông Diệm bổ nhiệm Hoàng Cơ Bình làm đại biểu
chính phủ tại Bắc Việt kiêm chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Bắc Việt. Uỷ ban nầy còn có Trần Trung Dung làm uỷ viên
dân sự và thiếu tướng Nguyễn Văn Vận làm uỷ viên quân sự, chính thức hoạt động
ngày 12-7-1954. Hoàng Cơ Bình mời Đỗ
Đình Đạo vào Uỷ ban Bảo vệ Bắc Việt, có thể vì ông Đạo đang chỉ huy binh đoàn GAMO,
nắm trong tay lực lượng quân sự.
Những người lúc đó ở Hà Nội cũng như ở Hải Phòng, chuẩn
bị di cư vào Nam, cho biết là đã được tin Đỗ Đình Đạo bị ám hại vào cuối tháng
7-1954. Trong sách Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Hoàng Văn Đào xác định Đỗ Đình Đạo
đột ngột từ trần tại nhà số 1 đường Tuyên Quang, Hà Nội tối 29-7-1954. (Hoàng
Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, tái
bản kỳ II, Sài Gòn: 1970, tr. 489.)
Đường
Tuyên Quang về sau đổi thành đường Cao Bá Quát.
Ngôi nhà nầy là nhà của bà Thụy An.
Lúc đó, Hà Nội vẫn còn thuộc chính quyền Quốc Gia Việt Nam. Nhà đương cuộc tìm thấy Đỗ Đình Đạo bị đột tử
một mình trong nhà bà Thụy An, nên truy tìm bà để mở cuộc điều tra và chận bắt
bà tại ga xe lửa nhỏ gần Hải Dương.
Được
tin nầy, báo chí Hà Nội liền chạy những bài phóng sự về cái chết của Đỗ Đình Đạo,
có tựa đề nóng bỏng, giật gân, nhằm hấp dẫn độc giả: Vụ án vì TÌNH, TIỀN HAY
CHÍNH TRỊ? Báo chí còn cho biết bản khám
nghiệm pháp y tử thi Đỗ Đình Đạo do bác sĩ Phán ký tên, kết luận rằng ông Đạo bị
chết vì chất độc cyanure de mercure. (Theo lời người con ông Đạo.)
Khi
Đỗ Đình Đạo bất ngờ từ trần, bà Đỗ Đình Đạo cùng 12 người con đang sinh sống ở Sài
Gòn. Được hung tin, bà Đạo ngất xỉu, đau
yếu. Chị của ông Đạo cùng người con gái
đầu của ông Đạo, lúc đó 22 tuổi, từ Sài Gòn ra Hà Nội, lo việc tang ma cho nạn
nhân.
Dựa
vào những bài phóng sự trên báo chí, nhiều câu chuyện chung quanh cái chết của
Đỗ Đình Đạo được bàn tán, nhất là mối liên hệ giữa Đỗ Đình Đạo với người chủ
nhà là Thụy An.
3.- LIÊN HỆ GIỮA THỤY AN VÀ ĐỖ ĐÌNH ĐẠO
Để
thấy rõ mối liên hệ giữa Thụy
An và Đỗ Đình Đạo, trước hết cần chú ý là Đỗ Đình Đạo không phải chỉ là bạn của
Thụy An, mà còn là bạn với cả Bùi Nhung, chồng bà Thụy An.
Về
phía Thụy An, tuy sống ly thân với Bùi Nhung, nhưng bà không ly dị chồng. Thụy An đã im lặng hy sinh hạnh phúc của mình
cho em ruột mình, và vẫn còn thương yêu chồng con nên không đoạn tuyệt chồng mà
bà chỉ tự ý sống ly thân, chứ không phải bà ly thân vì phán quyết của tòa án. Đây là sự hy sinh mà ít phụ nữ có thể chịu đựng
được.
Về
phía Đỗ Đình Đạo, ông là một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, chỉ huy một binh
đoàn lớn. Ông giao thiệp rộng, và ông
cũng là bạn của Bùi Nhung. Ông không thể
tự mình làm hại đến tình bạn và cũng là tình đồng chí với Bùi Nhung. Chắc chắn Đỗ Đình Đạo không dại gì có mối
liên hệ bất chính với Thụy An để bị mang tai tiếng, mất bạn bè, mất đồng chí,
còn bị giới chính trị, dân chúng và ngay cả binh đoàn GAMO, chê cười, khinh dễ
mình, làm suy giảm niềm tin của mọi người.
Đỗ
Đình Đạo có vợ và 12 người con. Người
con đầu sinh năm 1932 và người con út sinh năm 1954, ngay trước khi Đỗ Đình Đạo
qua đời. Đỗ Đình Đạo chăm sóc gia đình,
vợ con rất chu đáo. Gia đình ông hạnh
phúc. Các con ông Đạo xác nhận ông Đạo
là chỗ thân tình với hai ông bà Bùi Nhung và Thụy An, chứ ông không phải là
tình nhân của Thụy An.
Trong
gia đình Bùi Nhung, người cháu của Bùi Nhung cho biết rằng Thụy An và Bùi Nhung
đều là bạn của Đỗ Đình Đạo. Vảo đầu năm
1954, người cháu nầy sống trong nhà của Bùi Nhung ở Ngõ Nhà Đo (Hà Nội). Người nầy thấy Đỗ Đình Đạo thỉnh thoảng đến
nhà Bùi Nhung, nhưng để theo dõi tin tức thời sự hơn là chuyện tình cảm. Người nầy khá kính trọng Đỗ Đình Đạo, cũng đã
từng gặp gỡ riêng tư và có một lần đi xem hát giải trí ở Hà Nội với Đỗ Đình Đạo.
Như
thế, trong thực tế, không hề có liên hệ tình cảm nam nữ giữa Thụy An và Đỗ Đình
Đạo. Cũng trong thực tế, những hoạt động
cá nhân của hai bên cho thấy đây là mối liên hệ bạn bè và nhất là chính trị lúc
bấy giờ. Các con cháu trong gia đình của
cả hai bên, lúc đó đã khôn lớn, có người học lớp Đệ tứ (lúc đó học lớp đệ tứ tức
lớp 9 là khá lớn tuổi), có người học năm cuối bậc trung học (chuẩn bị thi tú
tài), biết quan sát, cũng chẳng thấy có dấu hiệu tình cảm gì giữa hai bên. (Người
viết hỏi chuyện riêng biệt con cháu hai bên.)
Ngang
đây vấn đề liên hệ bạn bè giữa Thụy An và Đỗ Đình Đạo đã khá rõ ràng, hoàn toàn
không có chuyện “quan hệ vợ chồng”(?) như Việt Minh cộng sản tuyên tuyền khi kết
án Thụy An và một số sách báo sau nầy viết lại.
4.- NGHI ÁN VỤ ĐỖ ĐÌNH ĐẠO BỊ ĐỘT TỬ?
Có một câu hỏi mà chắc chắn nhiều
người đặt ra là tại sao Đỗ Đình Đạo bị đột tử tối 29-7-1954 tại nhà Thụy
An? Lúc đó, Thụy An vừa từ Sài Gòn ra Hà
Nội vì mục đích là để kiếm cách cứu Bùi Việt Quốc là con của Bùi Nhung với người
vợ sau là Lưu Thị Trạch, em gái bà Thụy
An. Bùi Nhung đang làm giám đốc Đài phát
Hà Nội. Bùi Việt Quốc bị Việt Minh bắt
cóc để áp lực Bùi Nhung không được di chuyển đài Phát thanh Hà Nội xuống Hải
Phòng để tiếp tục tiếng nói của chính phủ Quốc Gia Việt Nam trước khi cộng sản
tiếp thu Hải Phòng (13-5-1955), rồi mang vào Nam Việt Nam. Ngoài ra, Thụy An còn ra Hà Nội nhằm thông báo
cho Đỗ Đình Đạo một số tin tức và diễn tiến chính trị ở Sài Gòn.
Khi
Đỗ Đình Đạo bị đột tử trong nhà bà Thụy An, thì thủ tục đầu tiên chính quyền Hà
Nội, thuộc chính phủ Quốc Gia Việt Nam, phải tìm chủ nhà để mở cuộc điều tra. Chủ nhà chính là bà Thụy An. Vụ án mới chỉ bắt đầu tiến hành, cuộc điều
tra chưa kết thúc, chưa đưa ra xét xử trước tòa án. Đây mới chỉ là nghi án, chưa có kết luận gì cả,
nhưng do đề tài báo chí TÌNH, TIỀN HAY CHÍNH TRỊ, nên nhiều dư luận đồn đoán
lan truyền.
Một
trong những lời đồn đoán quan trọng là
người ta nghi ngờ phải chăng Thụy An làm việc cho Việt Minh cộng sản, nên nhận
lệnh giết Đỗ Đình Đạo là một lãnh tụ quốc gia?
Tuy nhiên, nếu Thụy An theo lệnh của Việt Minh giết Đỗ Đình Đạo, thì sau
khi hành động, Thụy An phải tìm đường trốn vào mật khu của Việt Minh để được an
toàn. Lúc đó Việt Minh đang bao vây Hà Nội
và chờ đợi ngày tiếp thu. Đàng nầy, không
có chuyện Thụy An trốn theo Việt Minh.
Ngoài
ra, cuộc sống của Thụy An trước cũng như sau khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội
(10-10-1954), cho thấy rằng trước sau Thụy An chẳng liên lạc gì với Việt Minh, cũng
không cộng tác với Việt Minh. Chẳng những
thế, Việt Minh còn trù dập và vu cáo Thụy An làm gián điệp cho Pháp trong vụ án
Nhân văn Giai phẩm năm 1960.
Sau
nầy, chính Thụy An cũng thổ lộ là bà không biết ai giết Đỗ Đình Đạo? Cần chú ý thêm là khi xuất bản tập truyện ngắn
Bốn mớ tóc, Thụy An cho in trên bìa
sau sách nầy dòng quảng cáo: Đón đọc Nhà
lãnh tụ, là sách bà Thụy An dự tính sẽ viết để ca tụng Đỗ Đình Đạo. Như thế, xét cho cùng, nếu không giúp đỡ Đỗ
Đình Đạo, người bạn của gia đình, thì Thụy An chẳng có lý do gì để đầu độc Đỗ
Đình Đạo. Bà giết ông Đạo để làm
gì? Chẳng vì tình, cũng chẳng vì tiền, mà
cũng chẳng vì tranh chấp chính trị?
Thực
tế, dư luận chung lúc đó cho rằng chính Việt Minh đã ám sát Đỗ Đình Đạo. Việt Minh vốn chủ trương giết tiềm lực, tiêu
diệt tất cả những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc, có khả năng đối kháng với
Việt Minh. Từ năm 1945, nhiều lãnh tụ quốc
gia bị Việt Minh thanh toán mà không vết tích như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc
Sơn, Trương Tử Anh, Nguyễn Hữu Thanh (Lý Đông A), Nhượng Tống…
5.- THỤY AN BỎ TRỐN
Theo lời bà Thụy An sau nầy kể lại
cho người cháu của ông Bùi Nhung, thì ngày 29-7-1954, Đỗ Đình Đạo mượn nhà Thụy
An để tổ chức hội họp. Tin trong gia
đình bà Thụy An cho biết hôm đó là một cuộc họp chính trị, có người không muốn
dùng công sở của chính phủ, cũng không muốn thuê các nhà hàng hay khách sạn vì
sợ lộ bí mật, nên ông Đạo mới mượn nhà bà Thụy An để tổ chức hội nghị, tức địa điểm
trung lập. (Nói chuyện với ông Q., cháu Bùi Nhung ngày 8-7-2014.)
Cũng
tin trong gia đình, Đỗ Đình Đạo bị đột tử tối 29-7-1954, thì sáng ngày hôm sau,
Thụy An về nhà. Bà thấy Đỗ Đình Đạo đã
chết, nằm ngay ngắn, trên bàn có một bát (tô) miến, mà về sau nhà đương cuộc Hà
Nội nói là có chất độc. Bà Thụy An không
biết ai đã giết Đỗ Đình Đạo, hay Đỗ Đình Đạo tự sát, nhưng trước tình trạng nầy,
bà hoảng sợ bỏ trốn.
Trên
chuyến tàu hỏa từ Hà Nội đi Hải Phòng, Thụy An bị bắt tại một nhà ga nhỏ cuối
cùng trước khi đến Hải Phòng, và bị tạm giữ ngay tại đó, trong một căn phòng,
bên ngoài do một người da đen, bận thường phục canh gác. Vì vậy Thụy An không biết cơ quan nào đã bắt
mình: Phòng nhì Pháp, hay sở Liêm phóng
(Công an), hoặc Cảnh sát?
Được
tin vợ bị bắt, Bùi Nhung liền tìm đến thăm.
Ông Nhung nói với vợ đại ý rằng ông không đủ thế lực và khả năng để bảo
lãnh Thụy An ra khỏi tù. Bà hãy đợi xem
thình hình, rồi sẽ liệu định sau. Thụy
An liền nhờ Bùi Nhung mua giúp cho bà một chai rượu Tây (Pháp), để bà tặng cho
người canh gác, nhằm nhờ ông ta giúp đỡ khi có việc cần. Bùi Nhung làm theo lời vợ yêu cầu. Bà Thụy An tặng chai rượu cho người canh
gác. Tối hôm đó, người da đen canh gác uống
rượu say. Bà Thụy An lợi dụng cơ hội bỏ
trốn. (Toàn bộ câu chuyện về cái chết ông Đạo và bà Thụy An bị bắt, bỏ trốn
theo lời bà Thụy An kể lại cho người cháu tên là Q. năm 1988. Ông Q. nói chuyện với người viết tại San Jose
ngày 8-7-2014.)
Thụy
An kể rằng khi người tây đen đang say sưa , bà xin đi nhà vệ sinh (cầu tiêu), rồi
chui xuống lổ hầm nhà vệ sinh và bỏ trốn ra ngoài. Bà đến nhà một người bạn gần đó tắm rửa và
thay áo quần, rồi theo xe hỏa trở ngược về Hà Nội.
Thời
bấy giờ, loại cầu tiêu phổ thông là cầu tiêu đổ thùng. Cầu tiêu xây cao, phía dưới là một hầm cầu,
xây kín 3 phía, còn chừa một phía làm cửa.
Trong hầm cầu đặt một cái thùng để đựng chất uế thải. Mỗi tối hay sáng sớm, một người phu đổ thùng
đến mở cửa, thay thùng cũ, đặt một thùng khác thế vào. Vì không dội nước, nên cái lỗ cầu thường rộng
để khỏi bị dính khi đi cầu. Nhờ vậy, Thụy
An mới chui xuống được hầm cầu để bỏ trốn.
Khi
chính quyền Quốc Gia Việt Nam di chuyển vào Nam sau hiệp định Genève, hồ sơ vụ việc Đỗ Đình Đạo và Thụy
An được Tòa thượng thẩm Hà Nội chuyển vào Tòa thượng thẩm Huế. Trong hồ sơ nầy, đến đoạn Thụy An bỏ trốn,
thì người ta ghi rằng bà Thụy An trổ nóc cầu tiêu để thoát thân. (Theo lời kể của
ông M. Đ.N.
tức giáo sư Nguyễn Hữu Thứ, chánh án Tòa thượng thẩm Huế. Giáo sư Thứ kể cho người viết là ông đã tận mắt
đọc lại hồ sơ nầy.)
Như
thế là hai nguồn tin riêng biệt (tòa án và Thụy An) đều cho biết rằng Thụy An bỏ
trốn sau khi vào cầu tiêu. Chỉ khác nhau
là phía tòa án cho rằng Thụy An trổ nóc nhà cầu mà ra, còn Thụy An tự kể là đã
chui xuống hầm cầu trốn đi. Thực ra sức
vóc phụ nữ thì khó có thể trổ nóc để thoát thân và trước viễn cảnh bị giam cầm,
Thụy An phải chấp nhận chui hầm cầu dầu thiếu vệ sinh và hôi hám để bỏ trốn.
Do
bị chính quyền Quốc Gia Việt Nam truy nã, Thụy An lo ngại, không dám di cư vào
Nam Việt Nam mà đành phải ở lại Bắc Việt Nam, trong khi Bùi Nhung và con cái đều
vào Nam. Sau đó, tại Bắc Việt Nam, Thụy
An lại bị liên hệ vào một vụ án khác.(Vào Nam Việt Nam, Bùi Nhung xuất bản năm
1965 tập hồi ký Thối nát, về giai đoạn
1945-1954.)
6.- THỤY AN VÀ VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM
Sau
năm 1954, tại Bắc Việt Nam nhà văn lão thành Phan Khôi chia giới văn nghệ sĩ Hà
Nội thành hai thành phần rõ rệt: 1) Nhóm
“lãnh đạo văn nghệ” hay những “ông quan văn nghệ”, viết văn theo lệnh của đảng
Lao Động (LĐ tức đảng Cộng Sản), được đảng LĐ tin cậy, giao nhiệm vụ chỉ huy, đứng
đầu là Tố Hữu. 2) Nhóm “quần chúng văn
nghệ” là những thành phần còn lại, yêu tự do dân chủ, không muốn gò bó trong
giáo điều và sự quản lý của “lãnh đạo văn nghệ.” Nhóm thứ hai đông đảo hơn, vận động cởi trói
văn nghệ. Cao điểm của cuộc vận động là
các báo Giai Phẩm và Nhân Văn xuất hiện năm 1956.
Đảng
LĐ liền trấn áp, tổ chức học tập, bắt bớ, tù đày những văn nghệ sĩ phản
kháng. Thế nhưng vẫn chưa đủ. Thụy An không tham gia và không viết bài cho
cả hai báo Giai Phẩm và Nhân Văn, vẫn bị bắt giam tại ngục thất Hỏa
lò Hà Nội vì bị cộng sản cho rằng bà tác động mạnh đến hai nhóm nầy. Khi viên công an cộng sản hỏi cung, y nói với
bà Thụy An rằng: "Chị có mù đâu mà
không thấy chế độ tốt đẹp ra sao, lại không giác ngộ và mất tin tưởng ở chế độ,
trong đầu chứa chấp toàn ý tưởng phản động.” Trở về lại phòng giam, Thụy An tự chọc mù một
mắt. Cán bộ trai giam hỏi Thụy An lý do
vì sao tự chọc mù một mắt, bà trả lời: "Chế độ của các anh nhìn một mắt
cũng đã thấy quá nhiều cái xấu xa chịu không nổi rồi, để cả hai mắt
chắc tôi không sống nổi." (Thụy An kể chuyện cho người cháu là ông Q.) Đúng là đàn bà dễ có mấy tay!
Ngày
21-1-1960, Thụy An bị Tòa án cộng sản kết tội 15 năm tù giam, vì bị tố cáo là
tiếp tay cho cả hai nhóm Giai phẩm và
Nhân văn, và làm gián điệp cho Pháp. Tuy nhiên, theo Thụy An, vụ án nầy chỉ là sự
trả thù cá nhân của Tố Hữu mà thôi. Thụy
An kể rằng trong một lần gặp nhau ở Hội nhà văn Hà Nội, Tố Hữu nói với Thụy
An: "Tôi thấy chị làm thơ cũng khá, sao không đưa cho báo đăng?"
Thụy An liền trả lời: “Thơ thì chỉ có một cái chiếu mà anh ngồi hết
cả chỗ thì còn đâu ra chỗ mà ngồi. Tôi không thích ngồi ở mép chiếu." Từ đó Tố Hữu để tâm thù ghét và kiếm cơ hội ám
hại Thụy An. Đó là nguyên nhân chính đưa
đến việc Thụy An bị bộ máy tuyên truyền cộng sản dưới quyền Tố Hữu vu cáo và bà
bị truy tố ra tòa án, để cuối cùng lãnh 15 năm tù giam.(Bà Thụy An kể cho ông
Q.)
KẾT
LUẬN
Trước
đây, đã có nhiều sách báo viết về vụ án mạng Đỗ Đình Đạo, nhưng thiếu ý kiến của
những người trong cuộc hoặc con cháu của người trong cuộc kể lại. Ngoài các tài liệu cũ, bài viết nầy chẳng những
dựa vào những cuộc nói chuyện với con cháu của cả hai bên ông Đỗ Đình Đạo và bà
Thụy An, mà còn kiểm chứng thêm với một số thân hữu lớn tuổi đã từng trải qua
giai đoạn chuyển tiếp ở Hà Nội và Hải Phòng năm 1954, trước khi di cư vào Nam,
đã từng đọc báo hay nghe thuật lại diễn tiến vụ án. Hy vọng bài báo nầy có thể góp thêm vài thông
tin mới, ví dụ mối quan hệ giữa Đỗ Đình Đạo và Thụy An là tình bạn trong sáng giữa
hai người và hai gia đình, chứ hai người không phải là tình nhân như một số tài
liệu trước đây.
Tuy
nhiên, cuối cùng vấn đề quan trọng là ai đã sát hại Đỗ Đình Đạo tối 29-7-1954 tại
nhà số 1 đường Tuyên Quang, tức đường Cao Bá Quát, thì vẫn chưa có câu trả lời
cụ thể, ngoài sự hoài nghi là cái chết của Đỗ Đình Đạo nằm trong kế hoạch giết
tiềm lực của Việt Minh cộng sản, thủ tiêu tất cả những ai có khả năng chống lại
cộng sản. Như thế, nếu cộng sản còn cầm
quyền, thì có thể nghi án nầy sẽ chìm dần theo thời gian mà chẳng bao giờ có phần
kết luận.
TRẦN
GIA PHỤNG
(Toronto,
16-7-2015)