Friday, 18 July 2014

GIỚI THIỆU SÁCH “BẢO ĐẠI (1913-1997)

Nhà xuất bản Non Nước Toronto vừa phát hành sách Bảo Đại (1913-1997) do tác giả Trần Gia Phụng biên soạn.  Sách dày khoảng 400 trang, khổ giấy sách thường, gồm có 22 chương sau đây:  Thời thơ ấu, Hiệp định Monguillot (6-11-1925), Ngày trở về, Năm cụ khi không rớt cái ình, Hoàng hậu Nam Phương, Trai năm thê bảy thiếp, Chuyện dân tình thời vua Bảo Đại, Nhật lật Pháp (9-3-1945), Chính phủ Trần Trọng Kim, Điềm chẳng lành tại điện Thái Hòa, ”Mắc lừa bọn du côn”, Họa phúc vô thường, Khi cựu hoàng đi vắng, Thắng cảnh Hạ Long, Cựu hoàng thành quốc trưởng, Các chính phủ thời quốc trưởng Bảo Đại, Thế cờ mới, Tái ngộ người xưa, Trưng cầu dân ý, Hậu trưng cầu dân ý, Phần đời còn lại, Nhìn lại.  Ngoài các chương trên, còn có ba chương không đề số là phụ lục, danh mục và sách tham khảo. 


Theo Lời nói đầu của tác giả, sách Bảo Đại (1913-1997) không phải là một quyển thông sử, cũng không phải là quyển dã sử hay tiểu thuyết lịch sử.  Sách nầy kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bảo Đại, có thể xem như quyển tiểu sử hay một một thứ truyện đời của Bảo Đại. 

Bảo Đại là một nhân vật có mặt khá lâu trong lịch sử Việt Nam từ 1926 đến 1955, tức 30 năm.  Ông giữ hai vai trò khác nhau, lúc đầu là vua Việt Nam, sau là quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam.  Sau khi bị truất phế năm 1955, ông lưu vong ở Pháp cho đến cuối đời.  Bảo Đại là ông vua tân học đầu tiên và lại là ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn.  Ông lên cao rồi xuống thấp, mà nói nôm na theo kiểu bình dân là ông lên voi xuống chó hai lần.  Lại có nhiều việc tranh cãi bao quanh đời ông.  Vì vậy cuộc đời ông có nhiều chuyện thú vị để kể lại. 

Cuộc sống tình cảm của Bảo Đại cũng thú vị, vì có điều lạ là khi ở ngôi vua, Bảo Đại không có cung phi mỹ nữ như các vua trước đó của nhà Nguyễn, nhưng khi rớt đài, không còn ở ngôi báu, ông lại lăng nhăng nhiều vợ giống như một số người đàn ông bình thường khác của thời kỳ mà xã hội Việt Nam còn cho phép đa thê.  Qua Pháp lưu vong, ông cũng có một đời sống tình cảm phóng túng.  Ông lại say mê săn bắn rất lạ lùng.

Tác giả Trần Gia Phụng là người chuyên viết về thông sử, nay qua viết sách tiểu sử, một thể loại cũng thuộc về lịch sử nhưng cách kết cấu bộ sách ít gò bó và có phần tự do hơn.  Tuy không bị gò bó và thay đổi về bố cục, nhưng Trần Gia Phụng vẫn giữ văn phong và cách viết thông thường khá trong sáng của ông từ trước đến nay.

Vì không phải là một bộ thông sử, nên tác giả không soạn theo phương pháp giáo khoa cổ điển, không có dàn bài rõ ràng, cân đối và không chú thích theo cách phổ thông như bộ Việt sử đại cương của ông.  Ông chia sách thành nhiều chương, chỉ đơn giản theo thứ tự thời gian trong cuộc đời của Bảo Đại.  Ông chọn tiểu đề cho mỗi chương theo thời cuộc hoặc theo sự việc một cách tự nhiên, giản dị chứ không gò bó.  Ví dụ “Thời thơ ấu”, hoặc “Ngày trở về”, “Phần đời còn lại”... 

Có nhiều chương sách đọc qua hơi lạ tai như “Năm cụ khi không rớt cái ình”, kể chuyện triều đình Huế cải tổ năm 1933, hoặc “Mắc lừa bọn du côn”  là câu chuyện vua Bảo Đại thoái vị vì Bảo Đại nghe lời tuyên truyền của Việt Minh.  Sau đó, biết mình bị Việt Minh lừa phỉnh, Bảo Đại đã thốt ra với Trần Trọng Kim khi hai người gặp lại nhau ở Hồng Kông là: “Chúng mình một già một trẻ mắc lừa bọn du côn”.  Nếu viết thông sử thì chắc chắn không có những tiểu đề lạ lùng như thế nầy.

Bên cạnh những tài liệu mới mà ít ai biết đến trước đây, Trần Gia Phụng còn đưa ra nhiều chi tiết lạ mà có lẽ ông nghe được ở Huế trước năm 1975, có thật ngoài đời, khá thú vị, vui trí tò mò, ví dụ  như chuyện thâm cung của vua Khải Định, chuyện bà Nam Phương chạy trốn khỏi cộng sản sau năm 1945, chuyện các bà vợ của Bảo Đại, hoặc chuyện những điềm xấu ở điện Thái Hòa trong kinh thành Huế báo hiệu việc Bảo Đại sắp phải thoái vị.  Những chi tiết nầy có thật, được soạn giả viết lại qua lời kể của những người đã chứng kiến. 

Kèm theo những chương như trên, tác giả còn phụ chú nhiều câu thơ hay câu ca dao rất có ý nghĩa, phù hợp với bài viết khiến cho người đọc cảm thấy thấm thía.  Câu tôi thích thú nhất là hai câu thơ Kiều mà tác giả Trần Gia Phụng chú thích dưói hai tấm hình của Bảo Đại: một hình vua Bảo Đại bận triều phục bệ vệ trên ngai vàng và một hình quốc trưởng Bảo Đại bị quăng xuống sân trước Tòa đô chánh Sài Gòn: Đó là hai câu trong Truyện Kiếu: “Khi sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.  Hay câu tục ngữ ông dùng để diễn tả việc bà Nam Phương trung trinh một chồng trong khi Bảo Đại trăng hoa nhiều vợ: “Trai năm thê bảy thiếp, Gái chính chuyên một chồng"...

Tuy nhiên, vì đây là những câu chuyện có thật của một nhân vật lịch sử, có thêm những câu chuyện bên lề lịch sử, trên nền tảng bối cảnh xã hội xảy ra câu chuyện, nên tác giả vẫn không quên chú thích nguồn tin, nhưng ông ghi những nguồn tin nầy ngay tại chỗ trong phần bài viết, có phần tự nhiên hơn là ghi theo thứ tự chú thích ở phía dưới bài viết mà độc giả phải tốn công tìm đọc. Làm thế nầy có vẻ nhẹ nhàng hơn, giống như đọc báo.  Những chú thích sẽ giúp thuyết phục người đọc về điều soạn giả viết ra, đồng thời giúp người đọc có thể tự mình tìm hiểu thêm nếu thấy cần.

Sách nầy còn nhiều tài liệu bất ngờ, như chuyện Bảo Đại bị cộng sản rình mò ám sát mà không được khi Bảo Đại về nước năm 1932.  Đây là lần đầu tiên người viết bài nầy mới nghe nói đến.  Hoặc nhiều người thường cho rằng khi đến Hồng Kông, Bảo Đại nhận tiền của Pháp để tiêu xài, nhưng theo tác giả, những lá thư mới phát hiện của bà Agnès, chị của hoàng hậu Nam Phương, thì mới vỡ lẽ ra là khi Bảo Đại đến Hồng Kông, ông liền liên lạc với bà Charles, mẹ đỡ đầu của Bảo Đại ở Pháp, nên bà Charles nói chuyện ngay với ngân hàng Đông Dương, trụ sở chính ở Pháp, để ngân hàng Đông Dương ở Hồng Kông giao dịch và chu cấp cho Bảo Đại.  Ngân hàng Đông Dương là ngân hành chính tại Việt Nam trước 1945; chắc chắn gia đình Bảo Đại và cả phía bên bà Nam Phương đều gởi tiền ở đó.  Có thể nhờ vậy mà Bảo Đại có điều kiện sinh sống ở Hồng Kông ngay khi mới đến. 

Ngoài ra, có những tài liệu cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử giai đoạn nầy ví dụ tài liệu văn bản về Hoàng Sa vì vua Bảo Đại là người sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên.  Đây là văn bản đầu tiên chính thức của Việt Nam về việc thiết lập đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa ngày 30-3-1938 được đăng trên Nam Triều Quốc Ngữ Công Báo. (Có hình chụp lại dụ nầy).  Hoặc các bích chương về sự thống nhất đất nước, các con tem “Đế quốc Việt Nam”, và phụ lục...

Phụ lục gồm danh sách các tổng bộ trưởng trong tất cả các chính phủ vào giai đoạn mà quyển sách đề cập đến, từ chính phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh cho đến chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1954.  Nếu độc giả nào có thân nhân đã từng hoạt động chính trị và tham gia một trong những chính phủ trước đây, thì có thể tìm tên thân nhân của mình trong bảng phụ lục nầy.  Bên cạnh đó, bảng danh mục trong sách là một phần khá đặc biệt trong tất cả các sách của Trần Gia Phụng, giúp cho những ai muốn tìm hiểu nhân vật nào trong sách, thì chỉ cần mở danh mục, tìm số trang là tìm ra ngay nhân vật đó.

Có lẽ phần làm cho người đọc sẽ thích thú nhất là hình ảnh trong sách.  Sách dày 400 trang mà có trên một trăm tấm ảnh về các nhân vật lịch sử đi kèm theo các bài viết làm cho người đọc cảm thấy vui mắt, vì chuyện gì thì có ảnh đó.  Việc sưu tầm những hình ảnh thật là khá công phu.  Chỉ tiếc là đôi khi hình ảnh không được rõ và đẹp, có thể  do sao lại nên in không được rõ.  Dù sao các tấm ảnh nầy giúp người đọc hình dung được một cách cụ thể các nhân vật hay các địa danh được kể lại trong sách.

Theo các sách trước đây, Bảo Đại là một nhân vật lịch sử bị nhiều gièm pha và bị nhiều tai tiếng.  Theo tác giả Trần Gia Phụng, những việc nầy đến từ nhiều phía.  Từ triều đình Huế vì những tin tức giật gân về xuất xứ của Bảo Đại, nào là Bảo Đại con ông quan nầy, hoặc con ông hoàng, kia bắt nguồn từ sự tranh chấp ngôi báu hoặc ngôi hoàng thái hậu của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, từ trong triều đình mà ra...  Từ thực dân Pháp vì Bảo Đại không chịu nghe lời quan chức bảo hộ Pháp mà luôn luôn đòi hỏi nới rộng chủ quyền của Việt Nam, rồi đòi độc lập, thống nhất đất nước, lại tuyên bố độc lập năm 1945.  Từ Việt Minh cộng sản vì lúc đầu Bảo Đại nhận làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, nhưng rồi ông tự tách ra, thương thuyết với Pháp, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam chống cộng sản nên cộng sản rất ghét Bảo Đại; và từ phía chính phủ Ngô Đình Diệm vì chính phủ Diệm tổ chức Trưng cầu dân ý truất phế quốc trưởng Bảo Đại nên tung ra những khẩu hiệu tuyên truyền nhằm chống lại Bảo Đại  

Tác giả Trần Gia Phụng đã đưa ra tất cả những dư luận trên đây chung quanh Bảo Đại, rồi làm sáng tỏ từng dư luận một, trả lại sự thật cho Bảo Đại.  Trong sách, tác giả có kể câu chuyện về Trần Trọng Kim cũng thật đáng suy nghĩ. 

Trần Trọng Kim là một giáo sư, một học giả, đã soạn nhiều tác phẩm rất giá trị, nhất là bộ Việt Nam sử lược.  Ông cũng là một nhà mô phạm rất khả kính.  Lúc đầu Trần Trọng Kim chê Bảo Đại là một tay ăn chơi, xem thường vua Bảo Đại và không muốn gặp vua Bảo Đại dầu Trần Trọng Kim đã được Nhật đưa về Huế.  Tuy nhiên, do lời khuyên của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Trần Trọng Kim triều yết nhà vua ngày 7-4-1945.  Sau cuộc nói chuyện, Trần Trọng Kim quay qua nễ phục Bảo Đại và nhận làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ theo hình thức kiểu tây phương dưới quyền vua Bảo Đại.  Tại sao Trần Trọng Kim là một học giả uyên bác, đạo đức mà chịu phục Bảo Đại và nhất là trung thành với Bảo Đại cho đến cuối đời là một hiện tượng đáng chú ý và đáng suy nghĩ về những lời các địch thủ chính trị của Bảo Đại đã gièm pha ông?

Trong phần kết luận của tập sách, Trần Gia Phụng cho rằng Bảo Đại có những đam mê như cờ bạc, phụ nữ, nhất là săn bắn, nhưng ông chỉ ăn chơi trong những lúc nhàn vi hoặc thất sủng, lao vào những thú vui trên đây để quên thời sự, chẳng có hại gì đến quốc sự và chẳng thâm lạm công quỹ.  Tác giả cũng xác nhận rằng Bảo Đại không có những hành động cách mạng, anh hùng mạnh mẽ, nhưng theo tác giả, trong lúc cầm quyền, Bảo Đại là một người hoạt động ôn hòa, vận động cho quyền lợi đất nước một cách thầm lặng. 

Tác giả tóm lược lại những thành tích của Bảo Đại là Bảo Đại đã vận động ký kết với Pháp hiệp định giải kết hiệp ước Pháp xâm lăng năm 1884, rồi lại đòi Pháp trả thuộc địa Nam Kỳ về cho Việt Nam theo đúng quy định của hiến pháp nước Pháp.  Bảo Đại thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam chống lại Việt Minh cộng sản, và là tiền thân của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.  Bảo Đại thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam là tiền thân Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và quan trọng nhất là những vận động của Bảo Đại góp phần làm chậm lại đà phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và ở Đông Nám Á.

Từ đó, tác giả Trần Gia Phụng cho rằng Bảo Đại là người góp phần không nhỏ trong công cuộc kiến thiết quốc gia và tất cả những đóng góp trên đây của Bảo Đại chứng tỏ ông là một người yêu nước thầm lặng, thiết tha với đất nước và dân tộc.  Theo tác giả Trần Gia Phụng, những đóng góp nầy làm nổi bật vai trò cũng như vị trí của Bảo Đại trong lịch sử Việt Nam cận đại

Bạn đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với nhận định của tác giả Trần Gia Phụng.  Tuy nhiên, nếu ngày xưa học giả Trần Trọng Kim đã từng có tiền kiến chê bai Bảo Đại, nhưng khi gặp và nói chuyện với Bảo Đại thì Trần Trọng Kim tâm phục cho đến cuối đời, thì để thẩm định sự nghiệp Bảo Đại, trước hết xin mời quý vị độc giả hãy tìm đọc sách Bảo Đại (1913-1997) do Nx. Non Nước mới ấn hành với nhiều tài liệu phong phú, để tìm hiểu về Bảo Đại và giai đoạn lịch sử nầy, nhằm đánh giá một cách công bình về nhân vật Bảo Đại.  Sách giá 25 Mỹ kim, đã có bán ở các hiệu sách hoặc liên lạc với tác giả: trangiaphung@gmail.com.

NGUYỄN HÀ CHÂU
(California tháng 7-2014)


TÁC PHẢM TRẦN GIA PHỤNG

Kỳ dân biến 1908 (Toronto, 1996)  
Những câu chuyện Việt sử  (Toronto, 1997)     
Những cuộc đảo chánh cung đình Việt Nam (Toronto, 1998)
Những câu chuyện Việt sử tập 2 (Toronto, 1999) 
Những kỳ án trong Việt sử (Toronto, 2000)        
Quảng Nam trong lịch sử (Toronto, 2000)
Án tích cộng sản Việt Nam (Toronto, 2001)   
Giải nhất Giải Văn học năm 2002 của Hội Quốc Tế Y Sĩ  Việt Nam Tự Do.
Ải Nam Quan (Toronto, 2002)    
Những câu chuyện Việt sử tập 3 (Toronto, 2002)
Exposing the Myth of Ho Chi Minh (Toronto, 2003)
Quảng Nam trong lịch sử tập 2 (Toronto, 2003)
Việt sử đại cương tập I (Toronto, 2004)
Nhà Tây Sơn (Toronto, 2005)
Những câu chuyện Việt sử tập 4 (California, 2005)
Exposing the Myth of Ho Chi Minh (tái bản, hiệu đính và bổ sung) (Toronto, 2006)
Việt sử đại cương tập II (Toronto, 2006)
Việt sử đại cương tập III (Toronto, 2007)
Trung Kỳ dân biến (tái bản, hiệu đính và bổ sung) (Toronto, 2008)
Việt sử đại cương tập IV (Toronto, 2008)
Việt sử đại cương tập V  (Toronto, 2009)
Việt sử đại cương tập VI (Toronto, 2012)
Việt sử đại cương tập VII (Toronto 2013)
Bảo Đại  (Toronto 2014)