Friday, 18 July 2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 18-7-2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

KHÔNG BÁN NƯỚC


Bức ảnh không biết được chụp ở đâu vì background  không rõ lắm. Chỉ là những chấm sáng xanh đỏ của đèn đêm. Trong hình có hai phụ nữ tóc đen, rõ ràng là người Á châu. Một người ở gros plan có cầm trong tay một tấm bìa trắng  có những chữ viết bằng  bút đỏ. Kiểu chữ cho thấy người viết phải là người Việt vì dấu được đánh rõ ràng, đúng  chỗ, không phải là người không biết chữ Việt chỉ cố gắng … vẽ lại những chữ đó một cách vụng về.

Hàng chữ nguyên văn như thế này: “Bán trôn không bán nước”.

Trôn là tiếng ngày nay thấy ít có người dùng nhưng ý nghĩa thì mọi người đều hiểu. Ít người dùng có thể một phần  là vì ý nghĩa của nó không  thanh tao lắm. Ngay khi dùng nó, người ta cũng dùng để tránh khỏi phải dùng cái tên chỉ bộ phận kia, thô tục hơn nhiều. Trôn là bộ phận  dưới cùng của cơ thể con người dùng trong việc bài tiết. Người ta dùng trôn để không phải gọi bộ phận kia bằng đích danh của nó. Cũng có thể để đối với “miệng”, người ta dùng “trôn” chăng?

Câu tục ngữ xuất hiện trong các từ điển tiếng Việt đều ghi rõ là “bán trôn nuôi miệng”.

Nhưng dù gì chăng nữa thì “bán trôn nuôi miệng” cũng là việc làm không tử tế và danh giá bao giờ. Nói thẳng ra,  “bán trôn nuôi miệng” là làm đĩ.

Bán cái bộ phận ấy để nuôi thân thì vừa thảm vừa nhục nhã. Nhục nhã vì phải dùng cái bộ phận ấy ở phía dưới, không  sạch sẽ  để nuôi cái bộ phận ở trên cao, nơi dùng để ăn, để ăn uống nuôi cơ thể, lại còn là nơi phát ra tiếng nói, là “tú khẩu cẩm tâm”, là lời vàng tiếng ngọc. Đem bán cái ở dưới để nuôi cái ở trên thì còn gì thảm hơn, nhục nhã hơn?

Những người  phải làm công việc ấy không bao giờ được dành cho những sự đối xử tử tế, nếu không nói thẳng ra là bị khinh bỉ, ghê tởm nhất trong xã hội.

Người phụ nữ trong bức ảnh không biết có làm cái nghề bán cái bộ phận ấy hay không. Trông cô có vẻ hiền lành hơn là hình ảnh chúng ta có sẵn trong đầu. Cô có nét mặt không vui. Một tay cầm tấm bìa, tay trái  chỉ vào hàng chữ trên tấm bìa. Hàng chữ khẳng định cô có thể bán cái ấy của cô nhưng cô không bán nước.

Chao ôi, cô sẵn sàng nhận cô làm đĩ. Cô nói thẳng ra như vậy. Cô không dấu giếm chuyện làm đĩ của cô. Nghề của cô không vinh dự và cao quí gì nhưng cô vẫn sẵn sàng  nhận là cô làm việc đó. Cô đem bán cái của cô. Cô không đem bán những thứ không phải của cô, những thứ của dân tộc, của tổ tiên lịch sử để lại. Những thứ ấy thì cô không bán. Cô không bán cả mấy ngàn cây số vuông  ở gần biên giới miền bắc, không tự động dâng hết đất lại đến biển, nhường quyền khai thác các tài nguyên, quặng mỏ cho nước ngoài, không  cho người ngoài ngang nhiên vào sinh sống xây nhà cửa thành phố như những vùng đất hoang vô chủ.

Nhìn cô người ta không thể không nghĩ tới bài thơ của Đỗ Mục, bài Tần Hoài Dạ Bạc. Đỗ Mục  có vẻ buồn trong bài thơ ông viết trong đêm neo thuyền ở  bến sông Tần Hoài:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

Đời sau, nhiều người cho là Đỗ Mục quá khe khắt với người thương nữ . Đâu phải người thương nữ nào cũng thản nhiên vô tình với cảnh mất nước nhà tan. Mà cũng đâu phải những người không phải là thương nữ cũng đều biết đau niềm đau mất nước.

Người thương nữ trong bức ảnh  cầm tấm bìa nhận là cô có làm đĩ thật nhưng  việc cô chỉ bán cái trôn của cô. Cô bị đẩy tới việc phải theo nghề làm đĩ vì cái đất nước nằm trong tay cai trị của một bọn chó má tệ lậu hèn với giặc, ác với dân đem  biển đảo ngoài khơi, đất đai tiền nhân để lại đem bán hết cho giặc rồi nhâng nhâng nháo nháo khoe giữ nước, với lại dựng nước.


Để cô đứng cạnh những thứ như thế thì cô vẫn là người đáng quí trọng hơn nhiều. Trông cô bình thản không mắc cở gì về cách kiếm sống của cô chút nào.

Bùi Bảo Trúc