Hiệp định Genève 1954
chia đôi đất nước thành 2 miền Nam Bắc với vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Lúc bấy
giờ, chính phủ miền Nam do Ông Ngô đình Diệm được trưng cầu dân ý để bầu làm Tổng
Thống VNCH và thành lập một chính phủ hợp pháp và hợp hiến theo một thể chế tự
do dân chủ và có nền lập pháp và tư pháp hẳn hòi.
Về mặt văn hoá và giáo
dục phải kể đến là Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định được lập nên sau
khi Tổng Thống Ngô đình Diệm lên chấp chánh. Người Pháp đã ra đi, để lại cho miền
nam VN lúc bấy giờ một cơ sở giáo dục chuyên môn giá trị là Trường Mỹ Nghệ Biên
Hoà, Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Gia định (sau này là trường Quốc gia Trang trí Mỹ
Thuật- Gia Định) cũng do người Pháp lập nên.
Như đã nói ở trên, những
sinh viên miền Nam đi ra Bắc du học trước năm 1954, sau khi tốt nghiệp có kẻ ở
lại miền Bắc, có người theo đoàn tàu xuôi về quê hương miền Nam để phục vụ với chính phủ VNCH. Trong ngành mỹ
thuật phải nói và kể đến là Điêu khắc gia Lê văn Mậu, người đã tốt nghiệp trường
Cao đẵng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sẵn viết đến đây, tôi xin được nói đến
một người thầy khả kính mà tôi hân hạnh được thọ giáo trong những năm tôi còn
ngồi dưới mái trường thân yêu với nhiều kỹ niệm.. trước khi tôi rời quê hương
ra đi cho đến nay.
Thầy Lê văn Mậu quê
quán ở Vĩnh Long, sinh sống và làm việc tại thành phố Biên Hòa, từng làm hiệu
trưởng Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà trong nhiều năm và ông là một giáo chức gương mẫu
dưới thời đệ nhất Cộng Hoà miền Nam VN. Ông cũng đảm nhiêm nhiều chức vụ khác
như làm giám khảo cho bộ môn điêu khắc giải văn học nghê thuật toàn quốc thời đệ
nhị Việt Nam Cộng Hòa, làm giám khảo cho nhiều kỳ thi tốt nghiệp và các kỳ thi
tuyển vào các trường như Mỹ Nghệ Biên Hoà, Bình Dương và trường Mỹ Thuật Gia Định.
Có thể nói thầy Lê văn Mậu gắn bó nhất là trường Mỹ Nghệ Biên Hoà mà không một
ai thời bấy giờ không nghe danh thầy Lê văn Mậu vì nơi đây đã đào tạo biết bao
nghệ nhân nổi tiếng qua ngành gốm mỹ nghệ Biên Hoà- Đồng Nai rất phát triển cho
khắp cả miền Nam và Đông Nam Á.
Hôm nay ngồi xưống đây
tôi viết lại những dòng này để tưởng nhớ đến một vị thầy khả kính mà cá nhân
tôi đã được học hỏi rất nhiểu những chỉ giáo của thầy trong lãnh vực chuyên môn
cũng như chia sẻ vốn sống trên đường đời làm nghệ thuật mà thầy đã trải qua và
nhiều lần nhắc đến..
Thầy giáo Lê văn Mậu
lúc nào cũng đạo mạo nghiêm trang qua bộ âu phục chỉnh tề với sơ mi trắng quần tây trong dây thắt
lưng và luôn có cặp táp trong tay mỗi lấn đến lớp (studio) của từng lớp học. Đặc
biệt thầy giảng dạy về người mẫu rất kỹ lưỡng. Thầy nói huyên thuyên trong lúc
hướng dẫn có thể như muốn truyền đạt lại tất cả mọi sự hiểu biết của mình đến từng
sinh viên.
Tôi có dịp nghe thầy kể
về miền Bắc VN lúc thầy du học tại Hà Nội vào trước năm 1954 mà tôi chưa có lần
đến đó bao gìờ.. duy chỉ được nghe và đọc qua sách vở...
Tôi đã có dịp đến thăm
thầy tại nhà riêng ở thành phố Biên Hoà.
Tôi còn nhớ nhà thầy ở cách không xa trường Mỹ Nghệ Biên Hoà cho lắm. Lúc bấy
gìờ dân cư còn thưa thớt xe cộ qua lại cũng không đông đảo. Sống trong hoàn cảnh
đất nước khó khăn nên chuyện đi lại rất là hạn chế. Đó là những năm 1976-1977.
Tôi có dịp gặp và được
thầy giới thiệu người hiền thê của thầy với đầy hãnh diện và cũng không quên
đem ra một chân dung nhỏ được thầy cảm hứng cho ra đời, đúc bằng đồng trông rất
đẹp yêu kiều của một người phụ nữ miền Nam mà tôi đoán ra là chân dung của..
Tôi chưa kịp hỏi thì Thầy Mậu đã nói ngay “Đây là hoàng hậu Nam Phương của thầy”.
Tôi chăm chú nhìn xem và rất làm thú vị và thán phục...
Nhà thầy nằm ngay mặt
tiền trên đường chánh, phía trước có lối đi cho người qua lại trên vỉa hè, bước
vào bên trái là một tủ kính lớn dùng để trưng bày các sáng tác của thầy, đây là
một số mô hình (maquette) có những tượng thầy đã làm từ xưa mà tôi chưa hề thấy
như tượng vua Quang Trung cưỡi ngựa dựa theo bản vẽ trong sách sử của nhà Mãn
Thanh, tượng Vua Lê Lợi cưỡi ngựa tay vung kiếm dưới dạng mô hình cỡ nhỏ được
đúc bằng đồng, không biết bây giờ những tượng ấy lưu lạc phương nào.
Bên phải là phòng lớn
có một bàn giấy để tiếp khách. Phía sau 2 bên vách tường thầy trưng bày một số
tượng, bản chánh bằng thạch cao được sơn màu giả đồng nâu sẫm, kích thước bằng
người thật, đã được nhiều người biết đến như tượng Phan đình Phùng đã đúc đồng
dựng tại trước Bưu Điên Chợ Lớn, tượng Nguyễn Trung Trực trước chợ Rạch Giá, tượng
Trương Công Định ở Gò Công,
Tôi được thầy nói về
lai lịch, thời gian ra đời qua những tác phẩm vừa kể, lòng tôi dâng lên một niềm
cảm xúc và ngưỡng mộ. Thầy kể chuyện rất nhiều về những sinh hoạt ngày xưa mà
thầy còn cất rất kỹ trong bộ album. Thầy lật mở từng trang có hình ảnh của những
bức tượng chân dung cho tôi xem khiến tôi như thấy ngay trước mắt. Đó là những
nhân vật rất nổi tiếng tại thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ...
Thầy nói chuyện rất
nhiều và kể cho tôi nghe như nỗi niềm tâm sự riêng. Thầy có nói và nhắc đến một
số hình kỷ niệm qua hình ảnh chụp tại Hà Nội trong lúc thầy còn đi học vào những
năm trước 1954. Thầy mang ra cho tôi xem toàn bộ các bản vẽ sơ đồ kiến trúc của
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà VNCH mà thầy còn cất giữ, một công trình to tác
nhưng đã bỏ dở vì lịch sử đã sang trang..
Lòng tôi tò mò và như
muốn học hỏi nơi thầy Mậu là “Thầy làm thế nào để có những tượng đúc đồng và ở
đâu?”... “Cũng tại đây, Biên Hoà mình
đây”, thầy đáp nhanh cho tôi như vậy.. Liền theo đó thầy kể thêm tên một số nghệ
nhân xuất xứ từ Cù Lao Phố, sinh sống trong khu gần đền Cụ Nguyễn Hữu Cảnh. Đó
là một số nghệ nhân đã có biết kỹ thuật đúc đồng theo phương pháp cổ truyền từ
xa xưa..
Trong khoảnh khắc nào
đó tôi bâng khuâng nhớ về người thầy cũ lòng dâng tràn lên bao cảm xúc nhớ về
quá khứ một thời, như một dòng nước chảy qua đi..!
Phạm thế Trung, Canada