Sunday 20 July 2014

Năm Năm Cứ Đến… - Hoàng Hải Thủy

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng nhớ Nước Xưa.
Hạc vàng, Tuổi Trẻ không trở lại.
Sài Gòn ơi...! Thương đến bao giờ!
 
Hai mươi năm sống ở Kỳ Hoa, tôi đã viết khoảng 10 bài về Ngày Ba Mươi Tháng Tư. Tôi gọi đó là Ngày Oan Trái. Đã hơn một lần tôi viết:

“Đây là bài Ba Mươi Tháng Tư cuối cùng của tôi. Sang năm, Ngày Ba Mươi Tháng Tư đến, tôi sẽ không viết gì về Ngày Ba Mươi Tháng Tư 1975  nữa..”

Nhưng những oan khiên, những uất hận cứ canh cánh trong tim. Năm nay – 2014 – Ngày Ba Mươi Tháng Tư trở lại, tôi lại viết về Ngày Ba Mươi Tháng Tư 1975.

Đêm tha hương, tôi than với ông bạn:
“Tôi viết toàn những chuyện ngày xưa.”

Ông bạn:
“Trong lòng mình có chuyện gì, mình viết ra chuyện đó.”

Đêm nay, một đêm giữa Tháng Tư 2014 – Trời Mỹ Quốc vào Xuân, mát. Không gian không một tiếng động, tôi viết những dòng chữ này.

Trên Web, có bài viết về Ngày Ba Mươi Tháng Tư của một người sống trong nước.
 
Xin Lỗi Tháng Tư! Người viết Bình Ngọc

Thời trai trẻ, gác bút nghiên, gác mọi ước mơ… lên đường “đánh Mỹ!”
Cây súng trên vai, máu đỏ trong tim!
Mụ lí trí! Hùng hục vượt Trường Sơn.
Đêm nghỉ, ngày đi, giày vẹt gót, áo sờn vai thấm lạnh!
Mẹ còng lưng vắt kiệt sức, mỏi mòn, thao thức đợi con về!
“Ba Mươi Tháng Tư”: Bên Thắng cuộc, hả hê!!!
Con trở thành “kiêu binh!” trong đoàn “quân Giải phóng!”
Nhưng! Ba mươi tám năm qua con thất vọng!
Không hiểu mình đi Giải phóng cho ai???
Chễm trệ trên cao, một lũ bất tài!
Đáy xã hội, nhiều “dân oan!” mất đất.
Những nghịch lý, tai ương… chồng chất!
Khoảng cách “sang, hèn” cứ rộng mãi ra.
Người ở “quê” không còn tha thiết với “ao nhà”.
Đã từ lâu, tôi có điều muốn nói
Với Miền Nam, miền đất mới thân quen
Một lời cảm ơn tha thiết chân tình
Của Miền Bắc, xứ ngàn năm văn vật.
Tôi còn nhớ sau cái ngày “Bắc Nam Thống Nhất”
Tôi đã được vào một xứ sở thần tiên
Nếp sống văn minh, dân trí dịu hiền
Cơm áo no lành, con người hạnh phúc.
Tôi đã ngạc nhiên với lòng thán phục
Mở mắt to nhìn nửa nước anh em
Mà Đảng bảo là bị lũ nguỵ quyền
Áp bức, đoạ đày, đói ăn, khát uống.
Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động
Đất nước con người dân chủ tự do
Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ đô
Giận Đảng, giận Đoàn bao năm phỉnh gạt.
Sinh ra lớn lên sau bức màn sắt
Tôi chẳng biết gì ngoài Bác, Đảng “kính yêu”
Xã hội sơ khai, tẩy não, một chiều
Con người nói năng như là chim vẹt.
Mở miệng ra là: “Nhờ ơn Bác, Đảng
Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh
Đuốc soi đường Chủ nghĩa Mác Lê nin
Tiến nhanh, tiến mạnh lên thiên đường vô sản.”
Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng
Xã hội thụt lùi, người kéo cầy thay trâu
Cuộc sống xuống thang tính bằng tem phiếu
Nhân phẩm con người chẳng khác bèo dâu.
Cảm tạ Miền Nam phá màn u tối
Để tôi được nhìn ánh sáng văn minh
Biết được nhân quyền, tự do dân chủ
Mà Đảng từ lâu bưng bít dân mình.
Cảm tạ Miền Nam mở đường, chỉ lối
Đưa tôi trở về Tổ Quốc thiêng liêng
Của Hùng Vương, Quốc Tổ giống Rồng Tiên
Chớ không là Các Mác và Lê nin ngoại tộc.
Cảm tạ Miền Nam mở lòng khai sáng
Đưa tôi hội nhập cùng thế giới năm châu
Mà trước đây tôi có biết gì đâu
Ngoài Trung Quốc và Liên Xô đại vĩ
Cảm tạ Miền Nam đã một thời làm chiến sĩ
Chống lại Cộng nô cuồng vọng xâm lăng
Hầu giúp cả nước thoát bầy ác quỷ
Dù không thành Công cũng đã thành Nhân.
 
Hết bài Thơ Xin Lỗi Tháng Tư.
 
CTHĐ: Tháng Tư 2014, người Việt miền Bắc xin lỗi, cám ơn Miền Nam và Người Việt Nam Cộng Hoà.

Ngay từ những tháng cuối năm 1975 có những người miền Nam – viết rõ hơn: những người Sài Gòn, những công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà  – ca tụng cái gọi là chiến công của bọn cướp nước. 

Đây là một bài:

Quí vị chắc đã biết — ít hay nhiều, hay quá nhiều, nhiều quá và tởm quá, quá tởm — về nhân vật Chánh Tổng Ðặng Tiến nên tôi miễn kể về cái gọi là “cuộc đời ái tình và sự nghiệp” của họ Ðặng. Tôi chỉ kể một chuyên nhỏ về Ðặng Cắc Ké thôi. Ðó là chuyện ông Ðặng Tiến, ở Paris, Chuyên Gia Nâng Bi Cộng Việt, Nâng Bi Chân Chính, Nâng Bi ngay từ ngày đầu, tức ngay từ Tháng Tư năm 1975, Cắc Ké Nâng Bi Cộng Việt dzài dzài từ đó đến nay — gần 40 năm cuộc đời Cắc Ké — nhưng vẫn bị bọn Cộng Việt khinh bỉ, đội cho cái mũ rách “Chánh Tổng Văn Nghệ.” Bọn Văn Nơ bị Rọ Mõm Cộng Hà Nội gọi ông Đặng Tiến là “Chánh Tổng Văn Nghệ.”

Khi đặt tên cho bài Sao Y Bổn Chánh này tôi xếp Chánh Tổng Ðặng Tiến vào loại Kỳ Nhông Văn Nghệ. Nhưng rồi tôi thấy việc xếp loại ấy không đúng, Chánh Tổng Ðặng Tiến không bao giờ là Kỳ Nhông Văn Nghệ. Ðặng Tiến “đỏ đầu, đỏ đít” ngay từ Tháng Tư 1975. Nên tôi xếp đương sự vào loại Cắc Ké. Tuy bị bọn Cộng sản khinh bỉ, Cắc Ké Ðặng Tiến vẫn cứ trơ tráo nâng bi Cộng sản.

Mời quí vị đọc bài của Người viết Vương Thế Lan, nhan đề:

ÐẶNG TIẾN VÀ NỖI BĂN KHOĂN: LÀM SAO CHO KHỎI BỊ ÐÀO THẢI

Gần đây, trong cuộc tranh luận chung quanh vấn đề biên tập và kiểm duyệt trong việc xuất bản cuốn “Thơ đến từ đâu” (gồm loạt bài phỏng vấn một số nhà thơ trong và ngoài nước do Nguyễn Ðức Tùng thực hiện), có một độc giả nêu lên câu hỏi “Tại sao sách của ôngÐặng Tiến, nhà phê bình văn học, Việt kiều ở Pháp, vừa được xuất bản trong năm nay tại Việt Nam, mà không gặp vấn đề gì về kiểm duyệt?”

Câu hỏi này rất dễ trả lời. Nếu trong sách của ông Ðặng Tiến không có một chữ nào phê phán chế độ chính trị ở Việt Nam, thì lẽ dĩ nhiên là cán bộ kiểm duyệt đâu có phải xăn tay áo lên! Ðiều này không liên hệ gì đến chất lượng văn chương hay học thuật của cuốn sách. Mỗi năm ở Việt Nam các nhà xuất bản tung ra hàng đống sách rất nhếch nhác về văn chương và học thuật, mà chẳng hề bị kiểm duyệt, chỉ vì những cuốn đó không đụng đến chính trị. Ðặng Tiến đem cuốn “Thơ – Thi pháp và chân dung,” là một cuốn sách phê bình Thơ, về nước giao cho Nhà Xuất bản Phụ Nữ, thì họ in ngon ơ 1000 bản. Ngon ơ, vì trong cuốn đó không có một chữ nào làm Ðảng và Nhà nước phải nhíu mày! Tôi dám đánh cược như vậy, dù tôi chưa đọc cuốn đó.

Vì sao tôi dám quả quyết như vậy? Vì tôi đã đọc ông Ðặng Tiến ngay từ những năm sau 30.4.1975 cho đến nay. Từ hồi ông còn ở Paris chưa về thăm Việt Nam, cho đến bây giờ ông đã ra vô Việt Nam nhiều lần, tôi thấy ông lúc nào cũng rất ngoan, rất khéo, rất “phải đạo.” Hôm nay, lục lại đống báo cũ, tôi lượm ra được một số bài của ông hồi xưa đó.

Trên báo Ðoàn Kết ở Paris, số 188, ngày 30.4.1976, kỷ niệm 1 năm giải phóng miền Nam, Ðặng Tiến có bài thơ “Nói với con Nhất Lập”. Báo Thể thao & Văn hóa VC ngày 4.4.2009 viết về bài thơ “tên cô con gái đầu lòng Nhất Lập, thể hiện rõ ông chờ đợi đất nước thống nhất và độc lập.”

Ðây là nguyên văn bài thơ:
 
Nói với con Nhất Lập
Con hình thành
Khi cô bác vùng lên giành lại núi sông
Năm mươi lăm ngày đêm đất chuyển trời rung
Con có nghe
Trong bụng mẹ sóng gào biển lớn?
Cha muốn nói với con
Những lời nói nửa đời chưa nói trọn
Ðộc lập, Thống nhất, Tự do
Vì hôm nay lịch sử hẹn hò
Trên năm ngón tay cha sờ bụng mẹ
Như ngọn gió Lào lay Trường Sơn nhủ khẽ
Trận cuối cùng dứt điểm hôm nay
Con có nghe trong chín tháng mười ngày
Năm nghìn năm rung chuyển?
*
Từ nguồn đến sông, từ sông về biển
Con chào đời thao láo mắt bình minh
Cha đã muốn nói với con trăm ngàn chuyện quê mình
Chuyện lưỡi cày cắm sâu vào sỏi cát
Chuyện giọt mồ hôi trên đồi trưa bỏng rát
Thành củ khoai tròn trịa tựa tim người
Chuyện bàn tay hơ bếp lửa sắn vui
Thắp tiếng cười lung linh mái lá
Chuyện mối tình đêm trăng đầu hạ
Trên đường làng mùi rạ ấm phân trâu
Cha muốn hôn con trong cái hôn đầu
Bằng ngọn gió nồm
Thổi qua chùm hoa khế
*
Còn lắm chuyện con không cần cha kể
Ðã khắc sâu trong lịch sử loài người
Những nét lửa bay dài thế kỷ hai mươi
Chuyện các cô tay mò cua bắt ốc
Súng trên vai, đôi mắt đựng trời xanh
Cao tay roi này các chị các anh
Vừa chăn trâu vừa đuổi giặc
Hiền như đất kia con chào các bác
Giữa đô thành ôm súng nhớ rừng sâu
Nhớ từng chiếc lá xanh mấy lớp đã thay màu
Trên mái tóc đang nhòa trong sương muối.
*
Với bè bạn năm châu sau này con sẽ nói Việt Nam
Con thấy chúng nghiêng mình
Con có quyền hãnh diện
Việt Nam Việt Nam
Miễn con đừng quên ơn cô dì chú bác
Miễn suốt đời con biết
Không có gì quý bằng ngọn cỏ quê hương

ÐẶNG TIẾN
Orléans, 12-1975
(Nhân ngày sinh con gái đầu lòng)
 
Năm 1979, Ðặng Tiến về thăm Việt Nam lần đầu và ở chơi hai tháng hè. Trở lại Paris, Ðặng Tiến viết bài “Nhân một chuyến về thăm quê hương”, đăng trên báo Ðoàn Kết ngày 17.11.1979, song song với bài thơ “Paris và Hà Nội.” Cả hai bài đều ký tên Nam Chi.
Trong bài “Nhân một chuyến về thăm quê hương” có những đoạn đáng lưu ý, Ðăng Tiến viết:

“Về đến Việt Nam, những ưu tư bỗng nhiên lắng xuống. Quả có nghèo thật, có khó thật, nhưng không khốn khổ. Guồng máy chính quyền có nặng nề thật, nhưng không bức bách. Còn có bất công, nhưng không có áp chế.” (…)

“Không còn những khuôn mặt phì nộn, nhưng cũng không có khuôn mặt nào hốc hác. Không ai ăn mặc sang trọng, nhưng không ai rách rưới.” (…)

“Có thể là ăn không ngon, nhưng ăn no. Về sau, tôi có dịp đi khắp đất nước, thăm mọi giai tầng xã hội, và kiểm chứng điều này: toàn quốc không còn người đói.” (…)

“Một vài ngày sau, tôi đã gặp lại rất nhiều bà con, bạn bè, nhất là các anh em trong giới trí thức, văn nghệ. Cái mừng thứ nhất là ai nấy đều rắn rỏi, khoẻ mạnh, tuy nói chuyện lâu cũng có người ngỏ ý xin thuốc phòng thân, vì thuốc men rất khan hiếm. Cái mừng thứ hai là ai nấy đều có công ăn việc làm, kể cả những anh em đi học tập mới về. (…) Có người không chịu đi làm vì chê lương ít, việc làm vất vả, phải đi xa; nếu thật sự muốn đi làm thì không ai bị từ chối.” (…)

“Chỉ có một khó khăn: đồng lương không đủ sống. Nhưng anh em vẫn làm, vì ngoài những quyền lợi vật chất ra, sự lao động khôi phục cho họ tư cách công dân và thành viên của một xã hội mới. Một xã hội đang vật vã tiến lên nhưng nhất định phải tiến lên. Vì định mệnh của năm mươi triệu người đều gắn liền với xã hội đó: anh là đảng viên, cán bộ, hay là tư nhân, đều phải no đói có nhau; xã hội sản xuất nhiều hay ít thì người dân hưởng nhiều hay ít. Con người trách nhiệm về bát cơm mình ăn, manh áo mình mặc. Trên cơ sở lý luận đó, thành tố chính trị trong xã hội Việt Nam ngày nay còn nhẹ nhàng lắm. Ðó là điều làm tôi thoải mái nhất, và hy vọng nhất, trong hai tháng mùa hè tại quê nhà.”

Ðặng Tiến viết những lời đó vào năm 1979. Tôi — ( Vương Thế Lan. CTHÐ ghi )- không cần phải phân tích rườm rà, chỉ xin nói một điều đơn giản mà chắc là hầu hết mọi người đều còn nhớ: Năm 1979, cái năm Ðặng Tiến từ Paris về thăm Việt Nam lần đầu, là một trong những năm người dân Việt đói khổ khốn cùng nhất sau 1975. Ðó là năm cực điểm của chế độ bao cấp dưới sự cai trị của Lê Duẩn. Ðó là thời điểm mà hàng trăm ngàn người Việt đang bị giam cầm trong các trại “cải tạo”. Ðó là thời điểm mà hàng triệu người Việt bị chiếm mất nhà cửa, bị xua lên các vùng “kinh tế mới”. Ðó là thời điểm mà làn sóng người Việt vượt biên, vượt biển tỵ nạn lên đến tột độ. Hàng triệu người Việt liều chết để ra đi. Hàng trăm ngàn người Việt bỏ mạng trong lòng biển và trong rừng núi.

Trên báo Ðoàn Kết ngày 31.5.1980 có bài “Ðọc thư nhà” của Ðặng Tiến, cũng ký tên Nam Chi. Trong bài có những đoạn đáng lưu ý như sau:

“Xa nước mười mấy năm qua, kỳ hè vừa qua tôi mới có dịp về thăm quê hương trong hai tháng. Lúc về Pháp, mãi cho đến bây giờ, con người tôi nó cứ ngẩn ngơ như kẻ ốm tương tư. Chạm đến da thịt của đất nước, mình bỗng thấy đời sống ở nước ngoài, dù được ưu đãi đến đâu, vẫn phù phiếm.” (…)

“Ðọc những dòng thư đậm đạp như thế, tôi vừa phấn khởi, vừa băn khoăn. Phấn khởi vì quê nhà cái mưa, cái nắng vẫn bình thường. Ngọn lúa vẫn trổ bông. Người bạn dạy học vẫn dạy học và tìm cách giới thiệu cái hay, cái lạ. Người nhạc sĩ vẫn hát, và hát nhiều, hát lành mạnh. Người bạn họa sĩ vẫn vẽ, vẽ đẹp và vẽ lớn. Và người làm thơ thì vẫn làm thơ.

“Tôi lại cũng băn khoăn vì thấy đời sống của mình ở xứ người, chắp vá, đắp đổi, là một cái gì không bình thường. Và không bình thường trong cơ bản. Ngược lại, quê hương như một dòng sông đang chảy về phía đồng bằng, mỗi ngày một điều hòa. Và cũng như mọi dòng sông, nó có tiếp thu, có gạn lọc, và cũng có đào thải.

“Cái băn khoăn của tôi là: làm sao cho khỏi bị đào thải đây?”

Vương Thế Lan viết tiếp:

Về những lời Ðặng Tiến phát biểu trong bài “Ðọc thư nhà”, tôi vừa đọc vừa liên tưởng đến lời của ông giáo sư Việt kiều Trần Thanh Vân. Năm 2009, ông Vân nói: “Sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài.” Năm 1980, ông Ðặng Tiến nói: “Chạm đến da thịt của đất nước, mình bỗng thấy đời sống ở nước ngoài, dù được ưu đãi đến đâu, vẫn phù phiếm…” Vì Ðặng Tiến là nhà văn nên phát biểu văn hoa hơn, nhưng lời của Ðặng Tiến và lời của Trần Thanh Vân cũng cùng một ý, và hai người này giống nhau ở việc cả hai đều không chịu về sống luôn ở Việt Nam cho sướng, mà cứ ở mãi bên Pháp để phải chịu cuộc sống “khổ sở và phù phiếm vô nghĩa!” Chỉ thỉnh thoảng họ mới về hưởng chút ít cái họ cho là “rất sướng” ở Việt Nam.

Về nỗi băn khoăn của Ðặng Tiến: “Làm sao cho khỏi bị đào thải đây?”, thì hiển nhiên ông đã biết cách làm cho mình không bị đào thải, bằng cây bút của ông. Tôi còn nhớ, năm 1980 hay 1981, Ðặng Tiến đã ký tên thật của mình (chứ không dùng bút danh) dưới một bài viết trên báo Ðoàn Kết với mục đích chào đón ông Tố Hữu sang Pháp. Tôi đã đọc bài báo đó và thấy Ðặng Tiến thật là giỏi. Số báo ấy đang nằm lẫn lộn đâu đó giữa đống giấy tờ và báo cũ trong garage nhà tôi mà tôi tìm chưa thấy. Hôm nào tìm ra tôi sẽ chụp lại rõ ràng để bạn đọc có dịp thưởng thức nguyên văn.

Năm nay, 30 năm sau cái ngày Ðặng Tiến băn khoăn “làm sao cho khỏi bị đào thải đây?” quyển “Thơ – Thi pháp và chân dung” của ông đã được chính thức in 1000 bản ở Hà Nội, mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào về kiểm duyệt. Bây giờ thì ông đang hồ hởi chuẩn bị cho in cuốn sách tiếp theo. Vậy là ông đã không bị đào thải bởi chế độ. Ông đã được chế độ đón nhận. Ông giỏi thật. Xin chúc mừng ông.

Vương Thế Lan

CTHÐ Sao Y Bổn Chánh.

 
CT Hà Ðông bàn loạn:

Nghe nói ở Hà Nội Ðen có loan truyền mấy câu Thơ Nhất Lập cũng của Nhà Thơ Sờ Bụng Vợ Chửa Cắc Ké Ðặng Tiến nhưng khác với mấy câu trong bài quí vị vừa đọc. Mấy câu khác ấy là:
 
Cha muốn nói với con
Những lời nói nửa nôn, nửa oẹ
Dưới năm ngón tay cha sờ bụng mẹ
Con có nghe
Bác Hồ muôn kính, ngàn yêu đang ngọ ngoẹ?”

Nhắc lại và nhấn mạnh: Chính tác giả Nhà Thơ Chánh Tổng sửa sai mấy câu trên. Nhà Thơ viết trong Di Chúc Cắc Ké:

“Trên năm ngón tay cha sờ bụng mẹ” là sai. Bọn “phản động” chúng nó sửa Thơ của tôi. Phải là “Dưới năm ngón tay...” vì lúc ấy không có lý vợ tôi chổng mông và tôi nằm dưới. Dù “dưới năm ngón tay...” tôi vẫn không hài lòng lắm, vì sờ là sờ bằng lòng bàn tay, nào ai lại sờ bụng vợ bằng năm ngón tay bao giờ. 

Cù buồn thì cù bằng ngĩn tay; sờ thì sờ bằng lịng bàn tay. Còn chi tiết lịch sử lúc tôi sờ như thế thì “Bác Hồ muôn kính, ngàn yêu ngọ ngo” là đúng.”

Lại nghe nói ở xứ Bắc Kỳ có mấy cô mò cua, bắt ốc, cảm khái cách gì vì lời thơ Chánh Tổng Việt Paris ca tụng việc các cô vừa lom khom mò cua, bắt ốc, nước ruộng lim rim lên đến bẹn, rêu theo nước bám dzô, vừa ngứa vừa gãi, vừa dzùng súng Mút-cơ-tông Tây quăng từ năm Min Nớp Săng Cát Toóc bắn Máy Bay 52 Mỹ rơi ngay cửa mình — cửa nhà mình, tức cửa nhà của mấy cô — nên mần mấy câu Thơ hoạ lại:

Ai ơi đừng nói lêu têu
Về nước bắt ốc cho rêu lấm bồn. *
Sống chui luồn ở nước Pháp Bơ Sữa làm chi cho nhục Kiếp Chồn.
Chồn mà Yêu Cộng thì Chồn về đây.
Chồn đừng dzở dzọng Chồn Lây!

 * Ca Dzao Bắc Kỳ:

Cơm ngày hai bữa nửa niêu
Tội gì bắt ốc cho rêu lấm bòn!
Cơm ngày hai bữa nửa lon
Tội gì ở Pháp cho bòn dzính lô!
 
Nhiều người Sài Gòn khinh ghét kẻ tên là Trịnh Công Sơn. Có người Sài Gòn nào sống ở Mỹ thương mến, quí trọng Trịnh Công Sơn, ca tụng họ Trịnh không? Mời quí vị đọc mấy bài thơ:
 
Mười năm rồi, Sơn ơi.
Mười năm như chiêm bao
mười năm như chớp mắt
bạn xa trời về đất
tôi trên đất buồn tênh
nói như Phạm công Thiện
đi cho hết một đêm
hoang vu trên mặt đất
Mười năm rồi Sơn ơi
mười năm về đâu đó
như tranh Gauguin hỏi
chúng ta từ đâu tới
ta là ai đi đâu…
về nơi xa cuối trời
rằm rồi trăng sáng tỏ
tháng Chạp rồi Sơn ơi
nhớ không đêm cuối năm
ngồi Ba Miền với Tịnh
bộ bàn xưa ghế chạm
đôi đũa ngà mun đen
tôi về đây nhớ bạn
ngụm rượu nghẹn không lời
Mười năm rồi Sơn ơi
mười năm bao tàn phai …
Đinh Cường
- – - – -
Nhớ Trương Thìn
Có những buổi chiều về Bao Vinh
đi vô đường kiệt sâu
sân nhà có những vại lớn làm nước mắm
mệ thương Trương Thìn vô cùng
khi nào mệ cũng nói chờ
ở lại ăn cơm
Thìn khám bệnh xong
lấy đàn guitare ra hát
không thấy ai say sưa hát bằng bạn
cả những năm sau này vô Sài Gòn
khi qua Nhà Bè, căn nhà giữa cánh đồng rộng
bên chị Hà, chị Hà học Marie Curie
chị Hà bác sĩ làm việc ở Phú Nhuận
chị Hà bên Trương Thìn khi tôi gọi điện thoại về thăm
ở Cư Xá Bắc Hải
có lúc nhà ở Bàn Cờ
nơi nào cũng ghé thăm bạn
cả khu vườn đầy tượng và căn lầu đầy tranh
Viện Y Dược Học Dân Tộc đường lên sân bay
bạn vẫn say sưa hát, say sưa vẽ
như rũ bỏ hết, thật hạnh phúc .
bạn còn nhớ cuộc rong chơi năm nào
Maryland  -Pennsylvania –New York
trang đầu báo lớn địa phuơng đã ngợi ca
những đường kim châm cứu của bạn …
sáng thức dậy thật sớm bên dòng sông Hudson
bạn lại say sưa đàn say sưa hát
Kiều ca rồi Bùi Giáng ca.
Chiều nay nhìn thấy bìa thơ nhạc họa Thong Dong Ca
và ảnh đội mũ của người tìm thuốc trong nghệ thuật
trên mạng văn chương việt… mà nhớ cả chiều Bao Vinh
Nhớ cả chiều sương khói Huế.
Đinh Cường
Virginia, Feb .21.2011
chụp hình hai lần trưa và chiều dưới bảng tên đường trịnh công sơn ở huế
đứng dưới tên đường bạn
trưa bờ sông gió im
ngổn ngang là quán nhậu
bến vắng những con đò
phượng vàng như áo lụa
mùa tựu truờng guốc vông
nhớ chi nghiêng vành nón
như xưa đâu mà mong
như sơn hay đứng ngóng
diễm đi về trong mưa
dạ lý hương huyền thoại
để muôn đời diễm xưa
đứng dưới tên đường bạn
bụi đã bám nhiều chưa
gió sông chiều mát thổi
sơn ơi về rong chơi …
 huế , 22. 8. 2011
Ðinh Cường
Nhớ Bửu Chỉ mất 14 tháng 12 năm 2002
Ðinh Cường
Tháng Chạp lại về Bửu Chỉ ơi
Chỉ đi đâu mà bỏ bạn bè
Tôi vừa qua Pháp xem tranh bạn
Cây guitare bị gãy làm đôi
Là vì bạn hát không ngừng nghỉ
Ðặng Tiến bực mình ném xuống vườn
Bây giờ kể lại cùng rơi lệ
Hai đứa chiều ra sông Loiret
Sông Loiret, Sơn ví như An Cựu
Sơn đến đây chiều lạnh cuối năm
Và tôi đến đây lá vàng trước ngõ
Orléans, nhớ Thái Tuấn vô cùng
Tháng Chạp, Paris đầy tuyết trắng
Nơi này cây cối đã trơ xương
Chỉ ơi nhớ bạn, cà phê sáng
Mà đi, đi biệt chín năm luôn …
 Virginia 14.12.2010
 Mười năm, nhớ người làm mộ Trịnh công Sơn
Ðinh Cường
Ngôi mộ mười năm ôi Sơn ơi
có ai còn nhớ nhánh hoa tươi
của người con gái nào xa lạ
đứng khuất sau phiến đá đen ngời
Ðá hoa cương đen ai còn nhớ
ai người khắc tượng Trịnh công Sơn
lối đi như có hồn Côn Ðảo
xẻ đá mài xem thí nghiệm thôi
Cung tần: ý niệm theo phong thuỷ
ngôi mộ như nhà công chúng xây
cây xanh suốt mấy mùa che bóng
hoa vẫn theo người đến thắp nhang
Ngôi mộ mười năm trên Gò Dưa
có ai còn nhớ đến năm xưa
gia đình truyền thống vùng Non Nước
làm tặng. ôi Sơn hạnh phúc chưa.
 
o O o
 
CTHĐ: Lời nói, đọi máu. Tôi đau vì những người sống trong Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, sống nhờ xương máu của chiến sĩ VNCH, sống và thấy những giọt nước mắt của những bà vợ tử sĩ, nước mắt của những em nhỏ con tử sĩ, sống và thấy cuộc sống khốn khổ của nhân dân Quốc Gia VNCH sau khi bọn Bắc Cộng bê ảnh Già Hồ vào Sài Gòn, sống nhờ ở nước Pháp, nước Mỹ mà mở mồm ca tụng bọn Bắc Cộng.

Nên Ngày Ba Mươi Tháng Tư 2014, tôi viết bài này.

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái

Ta thắp hương lòng khóc Nước Xưa..!