Sunday 20 July 2014

Những Kỷ Niệm Vụn -Nguyễn Toàn

Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Nguyễn Thụy Long đã là một nhà văn nổi tiếng. Tác phẩm Loan Mắt Nhung đã được dựng thành phim.

Tôi gọi anh là anh vì anh Long là bạn thân của anh Huân tôi. Ngoài ra tôi và em ruột anh Long còn là bạn học cùng lớp.

Theo anh Huân tôi kể lại, anh có mấy người bạn thân cùng làm báo với nhau, đó là các anh Hoàng Trúc Tâm, Nguyễn Thụy Long, và Phạm Hồ. Chỉ khác một điều các anh kia vừa làm báo, vừa viết văn, riêng anh Huân tôi chỉ thuần làm báo, còn gọi là làm tin hay làm trang nhất. Vậy mà họ lại rất thân với nhau, đi đâu, làm báo nào, cũng đều rủ nhau làm chung.

Một hôm vui chuyện, anh Huân kể:

- Ðã có lần thằng Long tính “đục” thằng Tâm trước  khi chúng thành bạn thân đấy.

Thực tình tôi rất ngạc nhiên, khi nghe anh tôi nói thế. Tôi hỏi:

- Lại có chuyện đó cơ à. Ðầu đuôi ra sao.

Anh Huân:

- Lúc đó, tờ nhật báo thằng Tâm đang làm bị bộ thông tin ra lệnh đình bản. Một người bạn của Tâm, anh Hải, đã nhờ Tâm đến “ngồi đồng” tại tòa soạn một tuần báo sắp phát hành, để anh ta “chạy” thêm bài. Tâm nhận giúp bạn. Vì ngoài mấy nơi “viết chầu” hắn đang rảnh.

Tôi ngắt lời anh Huân:

- Ngồi đồng là ngồi... gì. Còn viết chầu là viết thế nào hả anh.

Anh Huân :

- Ngồi đồng là ngồi chịu trận tại tòa soạn, là thay Hải giải quyết mọi chuyện như tiếp khách, sửa bài...v.v..  Còn viết chầu là không có bài thường xuyên, không phải người trong ban biên tập.

Một hôm, đến làm việc trễ, thằng Tâm vội  thu xếp công việc, nhất là lo sửa bài để báo kịp lên khuôn. Trong khi đang vội như thế, nó đã phải vừa làm việc vừa trả lời một người đến tìm Hải. Người khách ấy đã không hài lòng, nên hậm hực bỏ đi. Khi Hải trở về, thằng Tâm cho bạn biết có người đang chờ tại quán cà phê gần bên. Sau đó, Hải đã nói lại cho Tâm biết, người bạn, người khách đến tìm Hải, định đánh Tâm, vì hắn ta cho là Tâm đã khi dễ hắn, không chịu tiếp hắn đàng hoàng. Hải phải nói mãi, hắn ta mới thôi. Người khách đó là Nguyễn Thụy Long đấy.

Tôi cười:

- Hèn gì ổng có biệt danh là Trâu Nước và Long Bù Loong.  Vậy mà về sau mấy ổng thân nhau cũng hay thật.

Anh Huân :

- Thằng Tâm kể lại khi ông Chu Tử làm tờ Tiến cũng đã gọi hai tên ấy đến làm. Do bận phải giúp Hải, gần một tuần sau Tâm mới đến gặp ông Chu Tử được. Bước vào tòa soạn Tiến, thằng Tâm thấy Long đang ngồi hút thuốc trước sân tòa soạn.

Long hỏi thằng Tâm :

- Sao mày đến trễ thế. Ông Chu Tử tưởng mày chê không thèm làm.

Lúc mới gặp Long, thằng Tâm hơi ngại, chỉ sợ hắn ta lại kiếm chuyện. Nhưng thấy thái độ của Long như vậy, nó yên bụng, cũng thản nhiên trả lời :

- Thằng Hải đang lo bù đầu. Tao không tiện bỏ đi ngay.

Sau khi gặp ông Chu Tử, nhận việc xong  trở ra, thấy Nguyễn Thụy Long như có vẻ đợi mình, Tâm lại bên làm thân:

- Chưa về hả.

- Tao đợi mày. Có tiền không, đi uống cà phê.

Thế là hai đứa nó trở nên thân nhau từ đấy. Sau, thằng Tâm làm thư ký toà soạn cho tờ Thứ Tư Tuần San của Nguyễn Ðức Nhuận, thằng Long và Phạm Hồ đã là những trụ cột của báo ấy. Ðể giời thiệu truyện mới của Long, thằng Tâm đã quảng cáo trên Thứ Tư Tuần San: Ðộc giả Thư Tư Tuần San đón đọc Dấu Chân Gió Chạy, một tiểu thuyết thuộc loại dao búa của nhà văn du đãng Nguyễn Thụy Long.

- Ông Long có giận vì ông Tâm đã quảng cáo như vậy không.

Anh Huân cười:

- Không những không giận, mà thằng Long còn khoái lối quảng cáo đó nữa. Nhưng truyện chưa đăng, thằng Long đã bị du đãng thứ thiệt, loại du đãng bến xe, hỏi thăm.

Tôi hỏi :

- Mắc mớ gì mà tụi nó hỏi thăm ổng vậy.

- Thế mới có chuyện. Phạm Hồ kể với mọi người trong tòa soạn Thư Tư là hôm hai đứa đang ngồi nhậu tại một quán nhậu gần bến xe Nguyễn Cư Trinh, th có mấy tên mặt mũi cô hồn ngồi tại bàn bên đến vây lấy hai đứa.

Một tên hất hàm hỏi Long:

- Ê, mày là du đãng hả.

Hai thằng Long và Phạm Hồ, lặng thinh. Tên đó gằn giọng:

- Tao hỏi, sao không trả lời. Bọn bay khi dễ tao hả. Long:

- Tao tưởng mày hỏi đứa nào kia, nên không trả lời.

- Tao hỏi mày đấy.

Long cười nhạt:

- Phải thì sao. Mà không phải thì sao.

Trong khi vừa trả lời, thằng Long vừa thản nhiên cầm điếu thuốc đang hút dí đầu điếu thuốc đang cháy đỏ, chà đi xát lại lên cổ tay trái, phía trên đồng hồ. Thằng du đãng tính làm dữ, thấy thể khựng lại. Cùng lúc đó có tiếng hét lớn:

- Bộ tụi mày chán sống rồi hay sao mà đụng đến ông anh tao thế hả.

Người lên tiếng dựng xe Honda bước vào quán. Mấy tên đang gây với Long vội bỏ về chỗ ngồi. Người vừa vào quán, nói với Long:

- Tụi nó không biết anh. Anh đừng chấp.

Long cười cười:

- Ðâu có sao. Không biết là không có lỗi. Chú đừng bận tâm.

- Dạ, em cám ơn anh.

Long:

- Ngồi làm vài chai đi.

Từ sau lần bị du đãng thứ thiệt gây sự, không biết bọn chúng nói gì với nhau, mà về sau hễ cứ gặp mặt, thằng Long được bọn chúng chào hỏi rất cung kính lễ phép như với đại ca thứ thiệt của chúng vậy. Ðược cái thằng Long là đứa điệu nghệ, nên khi nào mới lãnh lương hay có tiền bản quyền bán sách cũng mua một hai két la de, cho tụi chúng. Nên càng được tụi du đãng nể vì.

Sẵn thấy ông anh đang vui, tôi hỏi tới:

- Em nghe mấy ổng kể ông Long không phải du đãng, nhưng tại sao lại có tên là Long Bù Loong.

- Thằng Long rất hiền, nhưng cục tính. Trước khi trở thành nhà văn, nó là lính không quân, ở bộ phận sửa chữa. Vì không có chuyên môn, lại là lính trơn, nên phải làm lính thiên lôi, xếp chỉ đâu đánh đấy, hay còn gọi là tạp dịch. Một hôm nó bị xếp sai xiết mấy con bù loong. Trời thì nóng như đổ lửa, nó phải chui xuống dưới gầm máy bay đánh vật với mấy con ốc. Ðã vậy, tên thượng sĩ xếp của nó luôn mồm hò hét, chửi thề. Chú biết mà, câu cửa miệng của mấy cha ấy là “đù mẹ”. Thằng Long bị chửi hoài, nhịn không nổi, thế là nó cầm luôn cái mỏ lết xiết bù loong, phang thẳng cánh vào mặt xếp. Dĩ nhiên nó bị nhốt, và bị lột lon binh nhất, sau khi mới được thăng cấp đúng một tuần lễ. Nó có tên Long Bù Loong từ đó. Rồi nó còn bị thêm một tội là theo “phản loạn” khi mấy ổng tính lật ông Diệm, năm 1960.

- Ủa, em tưởng sau vụ bù loong, ổng bị giải ngũ rồi.

- Không. Vụ đánh xếp hắn chỉ tù ít lâu, bị lột lon, nhưng vẫn còn được ở trong quân đội,  sau bị thuyên chuyển đi nơi khác. Nhờ biết đánh máy, hắn được đưa qua làm việc văn phòng. Khi mấy ông định lật ông Diệm, ông bù loong liền ôm mớ sơ đồ máy bay trực thăng, lúc đó là loại mới đươc viện trợ, đưa cho “nhóm đảo chính”. Chừng nhóm đảo chánh bị dẹp, chạy hết, bù loong và những người ở lại lãnh đủ. Lần này bù loong nhà ta mới bị đuổi ra khỏi quân đội, với giấy tờ giải ngũ vĩnh viễn vì lý do kỷ luật. Sau khi Loan Mắt Nhung thành phim nó được mọi nơi, mọi nhà xuất bản mời viết, đòi mua bản quyền.

Tôi hỏi anh Huân:

- Em nghe nói ổng viết nhanh lắm phải không anh.

- Ừ. Sợ luôn. Một ngày, đúng hơn một đêm, nó có thể kéo sáu bảy chục trang chữ nhỏ như chơi, bản thảo ít sửa đi chữa lại. Viết nhiều, nhưng nó có tật là không bao giờ để ý đến chấm phết là gì. Đã nhiều lần thằng Tâm kêu trời vì nó. Vì đọc bản thảo, trước khi đưa xắp chữ thằng Tâm lại phải đánh vật với những trang giấy viết thẳng tuột của nó. Mà có được yên đâu, có khi thằng Long đọc lại bản thảo, chửi thằng Tâm, “chấm, phết” không đúng ý nó. Thế là hai đứa lại cãi nhau ỏm tỏi. Đến nỗi có lần Phạm Hồ phải bảo thằng Long:

- Ê, theo tao, mày khỏi viết tốn công. Mày cứ chấm phết lên giấy, rồi đưa cho thằng Tâm điền chữ là xong. Chúng mày khỏi cãi nhau.

Anh Huân kể tiếp:

- Nhà Nguyễn Thụy Long ở trong khu Ấp Đông Ba, Gia Định, trước bóp Hàng Keo. Khi Tú Kếu còn độc thân, ở với gia đình Long.

Bà cụ mẹ Long, rất quý các bạn của con, nên thỉnh thoảng có bạn của Long đến ở một thời gian, rồi đi là chuyện thường. Trong số các người bạn đó phần lớn về sau đều là những người thành danh trong làng báo, làng văn ở Sài Gòn. Chỉ duy Tú Kếu là ở lâu nhất. Nên Long và Tú Kếu thân nhau như bà con, anh em, và cùng chung tật ghiền thuốc lào. Sáng sớm bảnh mắt, từ trên giường đặt chân xuống đất là dành nhau cái điếu kéo một hơi rồi muốn làm gì mới làm.

Tú Kếu kể thằng Long nuôi một con mèo, Kếu gọi nó là “con mèo đi tu”, vì không bao giờ nó ăn vụng.

Đến bữa, mâm cơm được dọn ra không cần đậy, con mèo nhảy lên ngồi cạnh mâm cơm, mà không hề đụng đến một miếng thức ăn. Nó chỉ ăn khi được cho ăn mà thôi, nên cả nhà rất quý con mèo, nhất là thằng Long.

Một hôm Long đang ngủ, chợt thức giấc vì thấy con mèo cào vào mùng rất mạnh. Mở mắt nhìn thằng Long thấy con mèo ngậm cái nhau nó vừa đẻ con xong đặt gần chỗ nằm cho mình. Thằng Long nhận cái nhau còn ướt, lấy giấy mềm bọc lại bỏ vào trong bóp. Nó cho là mình gặp may, nhưng Tú kếu và mấy người bạn lớn tuổi, khuyên Long không nên giữ cái nhau đó, vì người nhận nhau mèo, lúc đầu tuy được gặp may mắn, nhưng sau sẽ có hại. Long bắt những người can ngăn giải thích. Họ bảo theo chỗ họ biết người nhận nhau mèo đẻ sẽ gặp cảnh “đại phát, đại phá”. Như vậy, có lợi lúc đầu, nhưng di hại về sau, trắng tay tàn mạt. Nhưng thằng Long nhất định không nghe theo lời khuyên. Không những thế, nó còn chửi mọi người tin  nhảm, tin tào lao thiên tạc. Gặp thằng Tâm, Tú Kếu bảo thằng Tâm khuyên can  nó,  nhưng cũng không được.

Tôi hỏi anh Huân:

- Rồi sau ra sao.

Huân:

- Từ khi được nhau mèo, tiền bạc vào ào ào, sách chưa viết xong đã được các nơi dành nhau in, cứ có chữ là có tiền. Có khi một quyển, hai nhà xuất bản cùng in một lúc, thằng Long rất khoái. Càng tin nó đúng…. Nhưng rồi đúng như mấy người lớn tuổi lo. Qua thời “đại phát” đến thời “đại phá”.  Đại phá đến độ không còn gì, phải ra vỉa hè ngồi vá xe kiếm từng đồng.

Nhưng nó  “còn may”, về già, hình như lúc đó nó đã gần sáu mươi, hay sáu mươi hơn, nó mới được mụn con trai, như nó hằng cầu mong. Rồi còn được trao giải thưởng văn học, do một số nhà văn hải ngoại chọn và trao.

Tôi hỏi anh Huân:

- Tại sao anh lại nói là hình như về già anh Long mới có con trai. Các ông thân nhau như vậy, ổng có con trai mà anh không biết hay sao.

Anh Huân:

- Ừ, khi ấy anh đã ở Mỹ rồi mới được tin.  Hình như Long có tất cả năm người con. Anh nói hình như vì anh chỉ biết chắc hắn có bốn cô con gái, và một cậu con trai, nên cưng cậu ấm hết biết. Trong số bốn cô con gái, thì hai cô lớn hiện ở Mỹ. Một cô là bác sĩ quân y.

Tôi cười:

- Như vậy chuyện ổng được mèo cho nhau, đâu phải là đại phát, đại phá đâu.

Anh Huân cười:

- Thì tại mấy ông tin dị đoan, bói toán mới nói như vậy.
  

Nguyễn  Toàn