Saturday 12 July 2014

Phế thải con người - Nguyễn đạt Thịnh



David Trương
 
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nữ luật sư Monique Trương Miller - cư dân California - nói người em trai của bà -thạc sĩ kinh tế David Trương- rất hiểu số phận con người là để bị phế thải. Ông David Trương vừa từ trần hôm 26 tháng Sáu 2014 tại Penang, Mã Lai, hưởng thọ 68 tuổi; ông chết vì bệnh ung thư.

Nguyên văn câu nói của bà Monique là, "Em tôi coi cuộc đời của nó là một vụ án chính trị, và nó chỉ là một con chốt bé nhỏ trên bàn cờ mà các lãnh tụ cường quốc so tài với nhau để hoàn thành mục đích chính trị của họ."

Ý bà Monique có thể là, em bà, một người đàn ông Việt Nam sinh ra trong thời chiến, đất nước đắm chìm trong tang tóc điêu linh, số phận của người Việt, của nước Việt lại không do người Việt, mà do những lãnh tụ quốc tế định đoạt.

Câu nói thê lương này có thể đúng cho nhiều người đàn ông Việt Nam khác, nhưng không đúng cho trường hợp của ông David Trương, em bà.

Tên khai sinh của ông David là Trương Đình Hùng, con trai của ông Trương Đình Dzu, một chính khách chống chiến tranh; và một luật sư hành nghề tại Sài Gòn.

Ông là chủ tịch một tổ chức luật sư trong đó có nhiều luật sư không hành nghề luật sư, như ông Nguyễn Hữu Thọ và ông Trần Văn Khiêm; ông Thọ làm chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và ông Khiêm là em của bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu.

Cuộc đời ông David không bị các lãnh tụ cường quốc và cũng không bị cuộc chiến tranh Việt Nam định đoạt, mà do chính tay bố ông David -ông Dzu- xếp đặt. Ông Dzu đem con trai ông thoát ra ngoài số phận của những người trang lứa với cậu; 20 tuổi, David không vào quân trường, không trở thành một người lính như mọi thanh niên 20 tuổi khác -David đi Mỹ du học.

Lo cho con được yên thân, nhưng ông Dzu không an phận; ông tham gia vào chính trường, với chủ trương chống lại cuộc chiến đấu của người Nam Việt, lúc đó đang cầm súng đối phó với cuộc xâm lược của phe Cộng Sản.

Ông chủ trương hòa bình với bất cứ giá nào, ông đòi Hoa Kỳ chấm dứt không được oanh tạc Bắc Việt nữa, và đòi Nam Việt ngồi vào bàn thương thuyết với MTGPMN. Năm 1967 ông ra ứng cử tổng thống với phù hiệu con bồ câu hòa bình, và thất cử; người thắng cử là ông Nguyễn Văn Thiệu.

Sau cuộc bầu cử, ông bị ông Thiệu bắt giam, và chỉ được tổng thống Trần Văn Hương phóng thích ngày ông Thiệu bỏ đất nước, bỏ nhân dân, chạy theo Mỹ. Nhưng ông Dzu thù ghét ông Thiệu ít hơn thù ghét Việt Cộng, vì Việt Cộng không cần biết là ông thân cộng, cứ bắt giam ông thêm 9 năm nữa, từ 1978 đến 1987. Sau ngày được phóng thích, ông Dzu khắc khoải sống thêm được 4 năm rồi nhắm mắt lìa đời trong uất hận.

Quê ở Bình Định, ông ra Hà Nội học Lycée Albert Sarraut rồi vào Đại học Đông Dương học luật. Tốt nghiệp ông được bổ làm tri huyện, nhưng sau vài năm lại về Cần Thơ hành nghề luật sư. Năm 1945 Trương Đình Dzu dọn lên Sài Gòn nhận làm chánh văn phòng cho Ủy Viên Cộng Hòa của Pháp là Jean Cédille khi người Pháp đổ bộ tái chiếm Nam Kỳ. Ông từng là hội trưởng của hội Rotary Club rồi thống đốc Rotary Club Đông nam Á.

Cũng như David -con ông- ông Dzu không phải là nạn nhân trong cuộc cờ thế giới: ông tự tạo ra cuộc đấu tranh thân Cộng của ông và lãnh hậu quả của cuộc đấu tranh này.

David cũng khổ vì thân cộng, mặc dù cái dại của David không liên hệ, mà cũng không giống cái dại của ông Dzu.
David chuyển hai công hàm mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho Việt Cộng; ông nhận hai tài liệu này từ tay ông Donald Humphrey, một viên chức làm trong Bộ Ngoại Giao, và là một cựu sĩ quan Mỹ tham chiến tại Việt Nam, có vợ, con còn đang sống tại Việt Nam vào năm đó. Humphrey hy vọng đem hai tài liệu này đánh đổi việc Việt Cộng cho vợ con ông xuất ngoại sang Hoa Kỳ đoàn tụ với ông.

Cả hai ông David và Humphrey cùng bị bắt và cùng bị truy tố; Humphrey nhìn nhận có đánh cắp hai tài liệu này, David nhìn nhận có chuyển những tài liệu đó cho Việt Cộng; tuy nhiên cả hai cùng phủ nhận họ không phải là điệp viên, không ăn lương của Việt Cộng hay của bất cứ ai khác, và không chủ tâm gây nguy hại cho Hoa Kỳ.
Cả hai cùng lãnh 15 năm tù, và đại sứ Đinh Bá Thi (đại diện Việt Nam Cộng Sản tại Liên Hiệp Quốc) cũng bị chính quyền Mỹ trục xuất với tư cách "một đồng lõa không bị truy tố."

Việc ông Thi bị trục xuất đưa đến một hậu quả bất ngờ là Hà Nội nghi David là người của CIA Mỹ, tạo ra scandale để Mỹ có cớ trục xuất ông Thi. Tại Việt Nam, họ bắt vợ chồng ông Dzu và cậu con trai út đi quản chế.

Tại Mỹ, Trương Đình Hùng thọ hình được 7 năm 4 tháng, thì được trả tự do trước kỳ hạn, với điều kiện là phải ra khỏi nước Mỹ. Ông Hùng cùng bà Carolyn Gates -vợ ông- rời Hoa Kỳ sang sống tại Hòa Lan, với công việc làm cố vấn phát triển kinh tế cho Liên Âu; cũng với tư cách viên chức Liên Âu, vợ chồng ông còn làm việc tại Hà Nội một thời gian, rồi qua Mã Lai.

Với truyền thống bênh vực tự do cá nhân, truyền thông Hoa Kỳ chỉ trích FBI nghe lén điện thoại của David, đặt máy ghi âm và camera trong phòng làm việc của Humphrey để tìm bằng chứng buộc tội hai ông này. Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ vào thời điểm đó -ông Griffin B. Bell- biện minh việc ông cho phép FBI nghe lén điện thoại của ông David, và đặt máy trong văn phòng ông Humphrey là những miễn trừ do yếu tố an ninh quốc gia cho phép hành pháp vi phạm tu chính án số 4.

Truyền thông còn chỉ trích tòa án theo lập trường của hành pháp, bác đơn kháng án của luật sư bênh vực hai bị can, căn cứ trên việc công tố viện đã thu thập bất hợp pháp những bằng cớ buộc tội. Nghị sĩ Edward M. Kennedy, cũng góp ý là "vụ án Humphrey và Trương chứng minh nhu cầu phải có một đạo luật kiểm soát tình báo."

Năm 2003, ông Michael E. Tigar -luật sư biện hộ cho Trương đình Hùng- xuất bản quyển "Fighting Injustice" (Chiến Đấu Chống Bất Công), kể lại vụ án, rồi kết luận, "đã không chịu học hỏi những sai lầm tại Việt Nam, chính phủ Mỹ còn quay lại trừng phạt những người chống chính sách Việt Nam của họ. Cũng không buồn thảo luận về những vấn đề an ninh quốc gia, chính phủ chỉ ban hành luật lệ khe khắt để giữ kín mọi việc."

Ông Tigar chủ quan nên nhận xét thiên lệch vụ án Trương Đình Hùng- Donald Humphrey; việc ông Humphrey thương nhớ vợ con, tìm cách cứu vợ con ra khỏi biển khổ Việt Nam là hành động đẹp, tạo thiện cảm cho nhiều người, nhưng không ai bênh vực việc ông đánh cắp tài liệu mật của Bộ Ngoại Giao trao cho Việt Cộng để đánh đổi lấy tờ giấy xuất cảnh của vợ, con ông.

Việc David Trương, một công dân Hoa Kỳ tiếp xúc với đại sứ Đinh Bá Thi để chuyển tài liệu mật do Humphrey đánh cắp được lại càng sai hơn nữa.

Trở lại với góc nhìn bi quan của bà Monique Trương qua câu bà nói,"Em tôi coi cuộc đời của nó là một vụ án chính trị, và nó chỉ là một con chốt bé nhỏ trên bàn cờ mà các lãnh tụ cường quốc so tài với nhau để hoàn thành mục đích chính trị của họ;" để thấy góc nhìn này cũng hoàn toàn sai.

Ông Hùng bị bắt, bị tù, bị "mời" ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ không do quyết định của một lãnh tụ chính trị nào cả; ông ta tự tạo ra tất cả những điều đó, bằng cách tự tay và tự ý cầm tài liệu mật của Hoa Kỳ trao cho Việt Cộng.

Những con chốt bé nhỏ không có khả năng tự quyết định phải là những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, bị Mỹ cúp đạn, bị Trung Cộng tăng cường viện trợ cho Việt Cộng, tạo ra thất thế cho miền Nam, khiến người lính anh hùng Việt Nam bị địch giết trong thất thế, và phải là những người đàn bà Việt Nam chân yếu, tay mềm bị hải tặc hiếp dâm trên Biển Đông trong lúc họ mưu tìm tự do.

Cuộc dâu, biển đổi đời đó mới chính là hậu quả của một nước cờ trên bàn cờ quốc tế; những người lính hết đạn bị địch giết, bị địch sinh cầm, vợ con họ bị hải tặc cưỡng hiếp trên mặt biển mới chính là những con người bị phế thải.

Nhưng phép lạ là những con người bị phế thải đó đang đứng dạy, rồi tạo thành một sức mạnh xây dựng mà những thế lực toan đào thải họ 39 năm trước cũng phải kinh ngạc, nể nang. (nđt)