Cũng lâu lắm rồi tôi đã không nhắc về chuyện chính trường Nhật Bản, vì nhắc làm gì trong khi có cả ngàn chuyện khác hấp dẫn hơn để mà nhắc. Nhưng lần này, xin cho tôi nhắc qua một chút xíu về cái chuyện mà trong suốt cả tháng nay người trong cuộc (người Nhật) cứ “tranh qua cãi lại”, cuối cùng thì đưa đến kết luận mà có người gọi là một chuyển đổi lớn lao của lịch sử sau 69 năm ngày Nhật Bản “tan hàng rã ngũ”. Tôi bắt đầu câu chuyện.
Quyền tự vệ của Nhật Bản
Thủ tướng Nhật duyệt hàng quân
Nói tóm lại thì Nhật có quyền tự vệ cá biệt trong trường hợp bị trực tiếp tấn công, còn quyền tự vệ tập thể thì bó tay vì điều này bị bó buộc vào điều 9 của bản hiến pháp hiện hành.
Điều 9 Hiến pháp của Nhật ghi rõ:
Người dân Nhật Bản thành tâm mưu cầu một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, không đe dọa bằng vũ lực, không hành sử vũ lực như là một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, hải lục và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, hải lục và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
Thế thì phải đổi!
Vốn mang sẵn chủ trương Nhật phải có một lực lượng quân đội hùng mạnh đủ sức tạo ra “lực trấn áp” trước sự hung hăng ngày càng quá độ của hung khùng Trung Cộng và tên Bắc Hàn điếc không sợ súng, mà không cần phải dựa vào Hoa Kỳ nhiều quá, Thủ Tướng Abe ngay từ lúc còn là thủ tướng nhiệm kỳ một (2006) đã mang “tâm nguyện” là phải thực hiện cho bằng được việc sửa đổi điều 9 hiến pháp, nhưng trong thời điểm này coi bộ khó vì cần phải có 2/3 dân biểu 2 viện OK và hơn nửa dân chúng đồng ý trong một cuộc trưng cầu dân ý và nhất là dân chúng cũng chưa chuẩn bị kịp tinh thần để tiếp nhận những quyết định quá mới này sau gần 70 năm sống trong “chăn êm nệm ấm” dưới cái dù ..... lộng gió của Hoa Kỳ, ông Abe và nhóm chủ trương đã quyết định đi đường vòng nhưng vẫn đạt cùng mục đích mà bước đầu là ...đề nghị giải thích lại điều 9 hiến pháp và không đá động đến nội dung.
Cách đây gần 2 tháng, sau khi nhận bản góp ý của một nhóm chuyên viên “luận” về sự cần thiết của quyền tự vệ tập thể, ngày 15/05/2014, Ông Abe đã tổ chức một buổi họp báo để trình bày rõ lý do tại sao cần phải giải thích lại điều 9 Hiến pháp.
Ông Abe “tiếp thu” bản ý kiến của trưởng nhóm chuyên viên
Ông nói: bản Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản được Hoa Kỳ soạn thảo ngay sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt đã hạn chế khả năng của Nhật trong việc thực hiện quyền của mình để tự vệ hay trợ giúp một đồng minh khác khi đồng minh bị tấn công. Đã đến lúc không một quốc gia nào có thể đơn độc bảo vệ hòa bình cho đất nước của mình được cả, phải hợp tác, liên kết với nhiều quốc gia khác. Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố là Hoa Kỳ đã chấm dứt vai trò cảnh sát quốc tế rồi.
Ông đưa ra một vài trường hợp điển hình có thể gặp phải
- hiện nay kiều dân Nhật ở khắp nơi trên thế giới có khoảng 1 triệu rưởi người, và hàng năm có chừng 18 triệu người đi du lịch hay đi làm việc tại các nước, rất nhiều thanh niên trẻ Nhật đã có mặt khắp nơi làm công tác thiện nguyện, nếu những người này bị kẻ lạ tấn công mà lực lượng bảo vệ hòa bình (PKO) của Nhật dù có mặt ngay tại hiện trường nhưng cũng không thể làm gì được để bảo vệ cho công dân của mình.
- Giả thử có một tàu Mỹ cứu kiều dân Nhật mà có thể trong đó có ông bà, anh em, gia đình chúng ta thoát khỏi một vùng phân tranh nào đó, trên đường trở về Nhật, nếu tàu Mỹ đó bị tấn công, theo hiến pháp bây giờ thì tự vệ đội cũng không can thiệp được.
Đây quả là những điều hết sức vô lý, vì thế chúng ta cần phải giải thích lại điều 9 này để có thể bảo vệ đất nước và sinh mạng của người dân chứ không phải đem quân ra nước ngoài mở rộng chiến tranh như một số người lầm tưởng hoặc cố tình lầm tưởng.
Ông Abe say sưa giải thích
Ngoại trừ những đảng “cái gì cũng chống” như Cộng Sản, Xã Dân Liên (đảng Xã Hội cũ)…. chủ trương này tuy đã được sự đồng tình của một vài đảng đối lập như Duy Tân Hội, Đảng của người dân…. nhưng lại gặp sự “quá cẩn trọng” của đảng Công Minh thuộc liên minh đảng cầm quyền. Đảng Công Minh diễn giải: không cần phải giải thích lại hiến pháp, những trường hợp thủ tướng Abe đưa ra chúng ta vẫn có thể dùng quyền tự vệ cá biệt, vì người Nhật bị trực tiếp tấn công.
Trong nhà không yên thì làm sao nói với người ngoài, vì thế suốt từ ngày 20 tháng 5 cho đến sáng 1/7, một ủy ban điều chỉnh gồm đại diện cấp Phó Chủ Tịch, Tổng Thư Ký của hai đảng đã gặp nhau tất cả là 11 phiên họp để san bằng những chướng ngại, phân tích từng câu từng chữ chi tiết những trường hợp có xác suất xảy ra. Cuối cùng hai bên đã thành hình một văn bản thỏa thuận. Theo đó thì phải hội đủ 3 điều kiện để Nhật Bản có thể hành xử quyền tự vệ tập thể.
- Điều kiện thứ nhất: nếu Nhật Bản bị đe doạ vì “những nguy cơ thật rõ ràng xâm phạm đến quyền sống, tự do và hạnh phúc của người dân.”, và “các nước có quan hệ mật thiết (với Nhật Bản) đang phải hứng chịu cuộc tấn công vũ trang.” Được biết, trước đây trong bản đề nghị thì đảng Tự Dân dùng cụm từ “nước ngoài” để có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn, nhưng đã phải sửa thành “nước quan hệ mật thiết” dưới sự đòi hỏi của đảng Công Minh.
- Điều kiện thứ hai: không còn cách nào khác ngoài cách hành xử vũ lực (chẳng hạn như đã cố gắng thương thuyết nhưng bất thành) để đánh trả những hành vi xâm lược hầu “đảm bảo sự tồn vong của đất nước và bảo vệ sinh mạng người dân”
- Điều kiện thứ ba: việc hành xử vũ trang phải được giữ ở mức tối thiểu.
Quyết định
5 giờ chiều ngày 1 tháng 7, đại diện hai đảng Tự Dân và Công Minh đã trình Thủ Tướng Abe văn bản thỏa thuận đề nghị làm nghị quyết, và trong một phiên họp đặc biệt, Nội Các đã thông qua nghị quyết này. 6 giờ chiều, Thủ Tướng Nhật Bản đã họp báo trình bày những điểm chính trong nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền tự vệ tập thể. Ông nhấn mạnh nhiều lần là: Nhật Bản sẽ tiếp tục là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và lực lượng tự vệ đội sẽ không tham dự vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài như A Phú Hãn hay Iran……
Dựa trên nghị quyết này, 1 ngày sau, Phó Chánh Văn phòng Nội các Kato Katsunobu cho biết chính phủ đã thành lập một nhóm gồm khoảng 30 người từ các bộ có liên quan, để nghiên cứu những đạo luật mới dành cho lực lượng tự vệ đội, cảnh sát….hầu thi hành khi hữu sự. Những đạo luật mới này sẽ được thảo luận rốt ráo tại các phiên họp lâm thời của quốc hội vào mùa thu năm nay. Nhưng dù đã thành luật, trên nguyên tắc trước khi “động binh”, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản vẫn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội.
Dư luận
Trong lúc ông Abe họp báo thì bên ngoài dinh thủ tướng đã có cả ngàn người biểu tình để chống sự thông qua nghị quyết mà họ cho là quá vội vã. Theo sự thăm dò dư luận thì tỷ lệ người ủng hộ, người phản đối không cách xa bao nhiêu, nhưng số người đứng giữa phân vân vì không hiểu chi tiết cách giải thích các điều kiện trong nghị quyết chẳng hạn như “thế nào là nguy cơ rõ ràng”nên đã trả lời “không hiểu rõ”, số này thì nhiều. Vì thế các tỷ lệ này được giải thích theo quan điểm của từng tờ báo. Tờ chống thì vơ cái phần tỷ lệ “không hiểu rõ” gộp chung với tỷ lệ “phản đối” khiến tỷ lệ chống tăng cao như tờ Asahi chẳng hạn.
Tuy nhiên, một cán bộ của đảng cầm quyền đã thú thật: Công tâm mà nói thì số người chưa hiểu rõ quyền tự vệ tập thể sẽ được hành xử như thế nào khi “hữu sự” thì còn khá nhiều, nên chính phủ phải có chương trình giải thích thật chi tiết cho người dân hiểu rõ và an tâm hơn với quyết định của nội các.
Biểu tình phản đối
Cả hai phía “tán thành” hay “phản đối” đều đưa ra những lý lẽ ….. có lý cả. Phía tán thành thì “muốn đề phòng những hung hăng bất chợt đến từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính chúng ta phải chủ động không cần phải dựa vào ai cả”. Phía phản đối thì “tại sao chúng ta phải đem xương máu của con cháu chúng ta ra đổ xuống một chiến trường lạ hoắc với những lý do không thuyết phục” v.v….
Các đảng đối lập thì chống đối cách làm của cuộc diễn giải này, nghĩa là phải thảo luận rốt ráo tại quốc hội để đạt sự đồng thuận trước xong mới đến việc nội các thi hành, nhưng đảng cầm quyền thì làm ngược lại.. Tuy nhiên, những điều họ chống cũng không có…. cơ sở, cho dù quốc hội định trước, nội các thi hành sau thì cũng thế thôi, vì quốc hội bây giờ đa số là do 2 đảng cầm quyền nắm. Đây chỉ là một hình thức câu giờ và làm khó nhau thôi.
Hôm 29 tháng 6 tại thành phố Shinjuku trước mặt đông đảo người qua lại, có một người đàn ông (60 tuổi) tự tẩm xăng tự thiêu để phản đối nghị quyết này, nhưng được phát giác và đem đi cứu chữa. Sự việc này đã không được giới truyền thông chú ý nhiều và chỉ loan báo bằng một tin rất bình thường, sở dĩ như thế vì đại đa số cho rằng việc tự thiêu để phản đối này không cần thiết và không hiệu quả, có nhiều cách phản đối hiệu quả và… an toàn hơn ngay trên xứ dân chủ như Nhật Bản.
Trước lúc tự thiêu
Có một câu hỏi được đặt ra là đã có điều gì khiến ông Abe phải quyết định “làm sớm nghỉ sớm” như thế khác với tuyên bố của ông vài tháng trước là sẽ bàn vấn đề này đến nơi đến chốn bất kể thời gian? Thật ra nó có một lý do chính là Nhật Bản và Mỹ dự định sẽ sửa đổi văn kiện định hướng hợp tác quốc phòng song phương vào cuối năm nay, sự diễn giải này sẽ giúp Nhật thoải mái hơn, rộng tay hơn mà không bị gò bó và ngay chính Mỹ cũng muốn như thế.
Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Úc, Phi, Luật Tân, Tân Tây Lan.... đều tỏ vẻ hoan nghênh trước sự việc này, nhưng cũng có một vài diễn giải mang tính “tưởng tượng” về cụm từ “nước quan hệ mật thiết với Nhật Bản” sẽ bao gồm cả Việt Nam, Phi Luật Tân của mấy ông “bàn loạn gia”, dù hiện tại Nhật và Việt Nam, Phi đang có cùng một “kẻ thù chung” là hung khùng Trung Cộng. Nên nhớ là Nhật chỉ “động binh” khi an ninh của quốc gia và cuộc sống của chính người dân họ bị đe dọa thôi.
Hung khùng Trung Cộng và anh bạn láng giềng khó tính Hàn Quốc thì khỏi nói: chống ngay lập tức với những lý lẽ xưa như trái đất: bọn quân phiệt Nhật đã bắt đầu lộ diện.
Riêng hung khùng còn chơi trò mất dạy khi tờ “Trùng Khánh Thanh Niên Báo” đã đăng bài bình luận có tựa đề "Chúng ta có quá thân thiện với Nhật Bản không?", "Trong 40 năm qua (củaTrung Quốc) chính sách đối với Nhật Bản đã quá khoan dung” và đăng hình bản đồ của Nhật Bản nhưng chỉ ghi tên 3 địa danh Tokyo, Nagasaki, Hiroshima. Tại 2 địa điểm Nagasaki và Hiroshima (nơi bị 2 quả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945) có vẽ thêm hình 2 nấm lửa với lời chú thích: Nhật Bản lại muốn gây chiến. Bộ trưởng ngoại giao Nhật Kishida đã mạnh mẽ phản kháng hành động trẻ con này và cho là bức hình chỉ làm khơi lại niềm đau của người dân 2 tỉnh này.
Thôi thì thế nào cũng được, tán thành hay phản đối thì cũng là …. lòng dân. Đi ngược lại lòng dân thì chính quyền này sẽ đi xuống thay bằng chính quyền khác và một quốc hội khác trong một cuộc bầu cử dân chủ. Lúc đó dù đạo luật có thành hình thì cũng chẳng làm được gì vì nguyên tắc “trước khi “động binh”, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản vẫn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội” vốn bất di bất dịch. Đúng là tinh thần dân chủ, thấy mà ngán ngẩm cho “phe ta” quá.
Viết đến đây tưởng xong chỉ đợi bấm nút “send” gửi đi đây đó, nhưng cái TV bên cạnh nó cứ rỉ rả về cái tin “cậu Ủn Kim Chính Ân ngoan ngoãn giữ đúng lời hứa với ông Abe” nên cũng đành bỏ ra một chút thì giờ để tường trình cho xong chuyện.
Cậu Ủn giữ lời?
Sau khi thẳng tay thanh trừng người cậu Trương Thành Trạch, một nhân vật được coi là thân với hung khùng Trung Cộng vào tháng 12 năm ngoái thì Cậu Ủn Kim Chính Ân đã gặp sự lạnh nhạt từ chú Ba Tập Cận Bình. Theo tin tức của một đài truyền hình Nhật cho biết thì điều này đã khiến cậu buồn bã ăn nhiều, uống nhiều và cái cằm cứ mỗi ngày mỗi chảy ra cứ trông thấy là muốn…. “đục”, lẽ dĩ nhiên đời sống của người dân Bắc Hàn đã rách lại càng thêm nát, cứ để như thế thì có ngày dân sẽ nổi loạn nên cậu Ủn phải tìm đường thoát, cậu ra lệnh bằng mọi giá kể cả cách cúi đầu để xin Nhật Bản cứu đói. Cơ hội bằng vàng đã đến, phía Nhật Bản đã bắt phía cậu Ủn thi hành nhiều điều nếu mà như lúc trước thì… còn lâu, cậu sẽ đáp trả ngay bằng 2 hay 3 quả hỏa tiễn khơi khơi bay qua đầu cho…. mày sợ. Cậu ra lệnh thế nào mà gớm thế?
Trước hết, qua nhiều trung gian, cậu đã đánh tiếng là sẵn sàng mở lại những cuộc đàm phán với phía Nhật, hành động đầu tiên lấy lòng Nhật Bản là tháng 3 năm nay, cậu đã cho phép ông bà Yokota Shigeru (bố mẹ của cô Megumi bị bắt cóc từ năm 1977 và Bắc Hàn đã thông báo là cô đã tự sát vì trầm cảm, nhưng xương cốt được phía Bắc Triểu Tiên trao trả lại là xương của một người đàn ông) gặp gỡ cháu ngoại Kim Un Yong (con gái của cô Megumi và một người Nam Hàn bị bắt cóc) tại Mông Cổ.
Cháu ngoại Kim Un Gyong – ông bà Yokota Shigeru – cô Yokota Megumi
Sau đó, cũng qua sắp xếp của ai đó, hai phái đoàn Nhật Bản-Bắc Triều Tiên cấp cục trưởng đã gặp nhau vài lần và lần cuối cùng là tại Stockholm Thụy Điển vào cuối tháng 5 để giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc, tình nghi bắt cóc…..
”Hiệp 1” kết thúc với sự đồng ý của 2 bên về cách giải quyết vấn đề gai góc mà đã bao đời thủ tướng Nhật cố làm mà không được.
“Hiệp 2” bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 tại tòa đại sứ của 2 nước Nhật-Bắc Hàn tại Bắc Kinh, lần này phía cậu Ủn đã thông báo cho phía Nhật về sự thành hình của “Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt”. Ủy Ban này gồm khoảng 30 người, đứng đầu là Phó Bộ Trưởng của hai cơ quan: “Bộ Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia” (cơ quan cảnh sát bí mật) và “Bộ An Ninh Nhân Dân” là hai tổ chức trực thuộc “Ủy Ban Quốc Phòng” nhận chỉ thị trực tiếp từ cậu Ủn, riêng “Bộ Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia” thì chưa bao giờ được Bắc Triều Tiên công khai “tên tuổi” như thế. Ủy Ban có 4 nhóm với chức năng thật rõ ràng:
- Tìm kiếm những người Nhật mà chính phủ Nhật xác định là bị bắt cóc (12 người)
- Tìm kiếm những người bị tình nghi là bắt cóc (khoảng 860 người)
- Tìm kiếm những người Nhật còn sống tại Bắc Triều Tiên sau thế chiến thứ hai (khoảng 1800 người) và những người vợ Nhật đã theo chồng về Bắc Triều Tiên vào năm 1959 (khoảng 1400 người).
- Tìm kiếm những ngôi mộ, xương cốt của người Nhật đã chết tại Bắc Triều Tiên.
Sau khi được báo cáo, chính phủ Nhật đã “vặn hỏi” về cách vận hành của Ủy Ban, cách tìm kiếm rất kibishi (nghiêm khắc), mọi câu hỏi đều được trả lời tạm coi là thỏa đáng. Cuối cùng phía Nhật nhận định: Khác với các Ủy Ban bá vơ trước vào những năm 2004, Ủy Ban này có vẻ có thực lực và quyền hạn điều tra nên bắt đầu từ ngày 4 tháng 7 chính phủ Abe sẽ gỡ bỏ một phần chế tài đối với Bắc Triều Tiên là:
- Tạo sự đi lại dễ dàng cho những người mang quốc tịch Bắc Triều Tiên vào Nhật.
- Không hạn chế số tiền gửi hoặc mang vào Bắc Triều Tiên
- Trong tinh thần nhân đạo, chấp thuận cho các tàu bè Bắc Triều Tiên nhập bến ngoại trừ….. con tàu “gián điệp” Man Gyong Bon 92.
Cả 2 bên đều hứa với nhau là sẽ hoàn tất việc này trong vòng 1 năm kể từ ngày Ủy Ban hoạt động (4 tháng 7/2014).
Theo ông Suga, chánh văn phòng nội các cho biết thì một đường dây nóng sẽ được thiết lập để Bắc Triều Tiên thông báo “tin mừng” ngay khi tìm được tung tích ai đó.
“Hiệp 3” sẽ bắt đầu bằng những tin báo đầu tiên từ Bắc Triều Tiên bay đến… Nhật vào cuối hạ hay chậm nhất là đầu thu năm nay.
Bên cạnh đó cũng có tin hành lang đăng trên tờ Nikkei là phía Bắc Triều Tiên đã “nhá” cho Nhật Bản xem một danh sách gồm vài chục người vừa tìm được, nhưng ông Suga đã phủ nhận tin này.
Sau khi có quyết định chính thức gỡ bỏ chế tài của chính phủ Nhật, 1 ngày sau đó (5 tháng 7), Bắc Triều Tiên cũng thông báo tin tức về việc lập Ủy Ban và việc gỡ bỏ chế tài trên các đài truyền hình và báo chí nhà nước bằng 5 thứ tiếng: Hàn, Anh, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Ngoài ra, cậu Ủn còn “chơi đẹp” bằng cách gửi quà chúc mừng sinh nhật 100 tuổi cho một bà cụ người Nhật đang sống ở Bắc Triều Tiên, bà cụ này lập gia đình với người Bắc Triều Tiên nên theo chồng về nước vào khoảng năm 1959. Qua những điều này, cậu Ủn như muốn chứng tỏ với dư luận Nhật là “kỳ này thì tụi tôi làm thiệt, chứ không lèo như trước”.
Phản ứng của những gia đình có nạn nhân bị bắt cóc cũng khá phức tạp, vừa vui mừng vì có thể gặp được người thân trước khi về…. cõi ấy, vừa lo là Bắc Triều Tiên sẽ chỉ “lòi ra” một phần, phần còn lại thì “để dành” đợi dịp khác mè nheo tiếp, và như thế sẽ có người vui mừng vì con em mình nằm trong danh sách “lòi ra” nhưng lại có người sầu não vì người thân nằm trong danh sách “để dành”.
Thôi chúng ta chỉ biết chờ chứ chẳng còn cách nào hơn vì Cộng Sản là thế đấy. Có ghét ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến mấy chăng nữa thì cũng phải nhớ hoài câu nói lịch sử này của ông vì nó đúng trong mọi trường hợp.
“đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”.
Thôi đến đây đủ rồi, xin hẹn kỳ sau.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê