Monday 14 July 2014

Tẩy chay bánh Trung Thu! - Huy Phương

6116428300_f621710981_o

Nếu thực sự bài này đến tay bạn đọc trước lễ Trung Thu thì chúng tôi sẽ bị lên án là xoá bỏ niềm vui của trẻ thơ, phá hoại văn hoá cổ truyền, nói chuyện tào lao khiến người ta ăn bánh hết ngon và không chừng bị các nhà sản xuất bánh Trung thu kiện ra toà nữa cũng chưa biết chừng.

Người ta thường gọi Tết Trung Thu là Tết của Nhi Đồng, nhưng theo  nguồn gốc Tết Trung Thu bên Tàu thì không thấy chuyện nhi đồng ở đâu cả. Số là ông Vua Đường Minh Hoàng bên Tàu vào một đêm trăng rằm tháng tám thanh bình, tiết trời thật đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây, ngự chơi ngoài thành gặp một vị Tiên giáng thế, đầu tóc trắng như tuyết. Ông Tiên hỏi Vua Đường Minh Hoàng là có muốn lên thăm cung Quảng không. Ông Tiên hoá phép ra một chiếc cầu vồng từ mặt đất lên đến cung Trăng và mời nhà Vua bước lên cầu vồng, đi đến cung Trăng.

Ở đây có phong cảnh tráng lệ hữu tình, có những nàng tiên nữ nhan sắc với những bộ xiêm y cực kỳ lộng lẫy, nhảy múa theo những nhịp điệu Nghê Thường vô cùng uyển chuyển. Nhà Vua ngơ ngẩn trước cảnh đẹp tuyệt vời của thiên giới nên khi trở về lại hạ giới rồi nhà Vua Đường Minh Hoàng đem lòng lưu luyến cảnh Cung Hằng, và để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện đó, nhà Vua đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày Tết này người ta uống rượu thưởng ngắm trăng và vì vậy Tết này còn gọi là Tết trông Trăng. Nhưng con buôn bên Tàu biết làm văn hoá, biết sáng chế là một loại bánh gọi là bánh Trung Thu và tạo ra cho người ta một loại văn hoá biết mua bánh và đi biếu bánh Trung Thu, trở thành một tục lệ lâu đời khó dứt ra được.

Từ “một nghìn năm nô lệ giặc Tàu” đương nhiên chúng ta phải mang nét văn hoá của Trung Hoa, nên hồi nhỏ tôi cũng đã thuộc làu bài hát” “Tết Trung Thu thắp đèn đi chơi..” và còn nhớ cái kỷ niệm Tết Trung Thu năm 1948 khi còn học lớp nhì (lớp 4), tôi được xếp hàng rồng rắn trước Phú Văn Lâu suốt một buổi sáng để chờ lãnh một cái bánh nhỏ bằng ba ngón tay, nói là của “Đức Nam Phương Hoàng Hậu ban cho” mà lấy làm sung sướng hãnh diện lắm! Mấy năm về sau khi lớn lên, tôi không nhớ rõ là có lần nào được “thắp đèn đi chơi” không, và hình như chưa bao giờ sở hữu được một cái bánh nướng Trung Thu, thường thấy bán ở các cửa hiệu trong phố Tàu của tỉnh lẻ dành cho các quan chức hay lớp nhà giàu. Lớn lên, tôi thấy đêm Trung Thu có trẻ con ra đường chơi thật, cũng có lễ phát bánh kẹo ở các cơ quan công quyền, nhưng chỉ đành cho những học sinh giỏi và áo quần bảnh  bao, còn bọn trẻ ở xóm nhà nghèo chỉ biết thắp đèn trong ống tre và lon sữa bò bị vứt bỏ, móp méo. Không nghe nói gì đến chuyện bánh kẹo Trung Thu.

Lớn lên nữa, lúc trưởng thành, tôi nghiệm ra phần lớn trẻ con chẳng biết Trung Thu là gì và đây chỉ là một dịp cho lớp công chức, quan lại trao đổi ơn nghĩa, mua bán, biếu xén, đền ơn đáp nghiã. Ở nhiều trường học, trẻ em được phát kẹo hay một cái bánh bột như tôi thời tuổi nhỏ, nhưng nhà các cấp chỉ huy từ tỉnh trưởng, xuống đến quận trưởng, trưởng phòng thì những chồng hộp bánh nướng, bánh dẻo Trung Thu không có chỗ để. Loại bánh này là loại quà quy ước giao dịch, nó không phảỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng, mọi người đều thích và để lâu được. Sau Trung Thu bánh lại được ban phát xuống cho nhân viên, thân cận, lính tráng trong tư dinh, còn trong các trại gia binh, thì đèn đóm hắt hiu, ông Trăng không buồn chiếu sáng đến trên những mái nhà tôn ám khói.

Mỗi mùa Trung Thu đến, các hiệu bánh treo đèn kết băng đỏ, treo tranh vẽ các nàng tiên nga múa hát khúc Nghê Thường, những hộp bánh để trong những tủ kính đèn đuốc sáng choang, trông rất hấp dẫn, nhiều khi khách hàng phải nối đuôi nhau để chờ mua. Những người này mua bánh đem biếu người khác, người này lại đem biếu người kia, xoay quanh như loại đèn cù kéo quân. Có lần một vị tỉnh trưởng biếu lại tôi một hộp bánh khá đắt tiền, ông nói nửa đùa nửa thật: “Về nhà cắt ra thấy vàng thì trả lại cho “moi” nghe!”

Bánh mang đi biếu phải là loại đắt tiền, mua loại rẻ tiền đi biếu là thiếu tôn trọng, khinh người, không chừng bị xem là coi thường cấp trên.

Một hộp bánh Trung Thu, tính vật liệu, công cán, giá không đáng một, bán ra thành mười. Rút cuộc, mỗi mùa Trung Thu, dân chúng người Việt làm giàu cho một số con buôn người Tàu, làm một mùa ăn suốt một năm. Người Việt không có nghề gia truyền làm bánh Trung Thu ngon, mà nếu có làm được, thương hiệu mang tên Việt Nam cũng chẳng ai thèm mua.

Hộp bánh phải mang chữ Tàu và có màu sắc Trung Hoa. Bánh này là loại bánh nguồn gốc từ Tàu, do người Tàu sản xuất, nhập cảng sang xứ mình cùng với văn hoá Tàu, không nhiễm văn hoá Tàu thì ai mua bánh Trung Thu làm gì. Tôi chưa đi Tàu nên không biết Trung Thu bên Tàu người ta có ăn Tết Trung Thu lớn như dân Việt Nam ở Saigon và cả ở Mỹ không?

Chắc chắn là không. Văn hoá đằng ngọn bao giờ cũng nở rộ, phát triển hơn văn hoá đằng gốc, bằng chứng là lễ Valentine và cả Giáng Sinh ở Saigon coi bộ còn nhộn nhịp ồn ào, tiêu pha nhiều hơn cả ở Mỹ và Âu Châu nữa.

Trước năm 1975 tại miền Nam, cứ sắp đến Trung Thu là dân chúng không có đường ăn, vì bao nhiêu đường các nhà sản xuất bánh Trung Thu Chợ Lớn đã đầu cơ tích trữ hết, Bộ Kinh Tế cũng bị gian thương thao túng. Tháng 6-1974, Saigon khan hiếm đường trầm trọng, bản thân tôi, một người lính có đơn vị ở Saigon cũng không mua được một gói đường nhỏ để uống cà phê, nói gì dân chúng ở thôn quê. Chạy ra tiệm “chạp pô” người Tàu mua 100gr đường trắng về, quậy vào ly cà phê đen thì ly cà phê thành cà phê sữa, vì gói đường đã bị pha bột mì, trong lúc đó Saigon có cả một công ty đường đồ sộ và đường vẫn được nhập cảng từ ngoại quốc về.

Bánh Trung Thu bán đầy trong các khu phố lớn, hình như chỉ đành cho lớp người giàu có trong xã hội, con nhà nghèo không thấy bánh Trung Thu, ngoài loại bánh “hậu Trung Thu” phơi bụi đầy ở các bến xe, là loại bánh kém phẩm chất, rẻ tiền.

Mỗi mùa Trung Thu đến, trong gia đình không thấy ai lo gì cho con trẻ, mà người lớn chỉ tính toán cần mua mấy cân bánh đi biếu ai trong dịp Trung Thu này và chính gia đình cũng nhận đuợc bánh Trung Thu bà con mang đến biếu. Không có bánh mang đi biếu cấp trên và cả lo cho nhân viên cấp dưới thì lòng không yên, vì đã lỡ ảnh hưởng loại văn hoá Tàu rồi. Số tiền bỏ ra để mua một hộp bánh Trung Thu quá cao so với chất và lượng của một hộp bánh, từ món “thập cẩm” có lạp xưởng, hạt dưa, hạt điều, vi cá, jambon, xá xíu, gà quay, hải sâm, tôm càng…rất “tạp pỉ lù”, đến hạng xoàng là đậu xanh một hoặc hai hột vịt. Nhất là từ khi chúng tôi lớn lên, chưa nghe ai phát minh ra được cái máy bóc hột dưa, mà chỉ nghe “các chú” có tài “phun hột dưa”, nghe cũng đã thấy kinh hoàng. Loại bánh Trung Thu này chắc hiện nay tại hải ngoại chúng ta cũng không để cho các con của chúng ta ăn, vì  ngẫm lại có bổ béo, quý giá gì đâu!

Vậy thì văn hoá Trung Thu còn lại dành cho ai, người lớn hay trẻ em. Đồng ý các cơ sở thương mãi thường làm ăn phát đạt theo những mùa lễ lược, nhưng liệu người Việt chúng ta chi phí cho ngày Lễ Mẹ, Lễ Cha hay Lễ Tạ Ơn có bằng số tiền bỏ ra để theo cơn sốt mua bánh Trung thu mỗi năm để phục vụ chuyện biếu xén cho người khác hay không? Đó là lễ Nhi Đồng hay cho các ông các bà?

Ở Việt Nam cũng như từ ngày sang Mỹ, tôi chưa bao giờ tôi chịu xếp hàng mua bánh nướng cho ai, không phải vì thói vô ơn, mà cảm thấy đó là chuyện vô ích, làm giàu cho con buôn… văn hoá Trung Quốc.