Sau một tháng tranh tài, World Cup 2014 tổ chức ở Ba-Tây cuối cùng chấm dứt. FIFA -Fédération Internationale de Football Association, Hiệp Hội Túc Cầu Thế Giới- phát giải thưởng 35 triệu dollars cho đội bóng vô địch. Đội về nhì được 25 triệu dollars, thứ ba 22 triệu, thứ tư 20 triệu. Mỗi đội vào vòng tứ kết được 16 triệu, vòng 16 được 9 triệu, vòng 32 được 8 triệu. Cả 32 đội trước khi tranh tài được FIFA phát cho mỗi đội một triệu rưỡi, nâng tổng số tiền giải thưởng FIFA trao cho 32 đội tranh giải World Cup 2014 là 406 triệu dollars.
406 triệu dollars! Có lẽ bạn nghĩ đây là một số tiền khổng lồ FIFA quá nhân từ phát cho các quốc gia tham dự giải World Cup? Không, FIFA không nhân từ đến thế đâu. Sự thật là trái lại. 406 triệu dollars chỉ là một con số nhỏ so với tổng số tiền FIFA thu vào năm nay từ tiền bản quyền chiếu TV (1.7 tỷ dollars), tiền các công ty quảng cáo (1.4 tỷ dollars), các tiền lặt vặt, và một phần tiền bán vé vào cửa (900 triệu dollars)..., tổng cộng là $4 tỷ dollars.
FIFA ước lượng kể cả tiền phát giải thưởng, FIFA sẽ tiêu 2 tỷ dollars. Thu vào 4 tỷ, chi ra 2 tỷ, tiền FIFA sẽ lãnh sau khi World Cup 2014 chấm dứt vào khoảng 2 tỷ dollars.
Nếu hai người vốn bằng nhau mở một công ty, tiền thu vào thay vì chia đồng đều 50/50, một dollar chia hai mỗi người lãnh 50 cents, mà tỷ số tiền chia lại là 5/1 (2 tỷ/ 406 triệu), một dollar một người thu vào 83 cents, người kia lãnh 17 cents, thì tôi chắn chắn ai nhìn vào cũng nói người lãnh 83 cents bóc lột người lãnh 17 cents, một giao kèo business không đồng đều, vô lý.
Cái khổ nỗi ở đây là cứ bốn năm một lần, tất cả các đội đá banh quốc gia hăm hở tham dự tranh tài để được vào chung kết 32 đội World Cup, thành phố hay quốc gia tranh nhau xin được tổ chức World Cup, và quan trọng hơn nữa, các khán thính giả trên thế giới say mê theo dõi World Cup. Không một ai, không một quốc gia thấy điều này là vô lý mà lại còn hăng say tích cực tham gia, tạo cơ hội cho FIFA kiếm tiền (trường hợp Thế Vận Hội Olympics cũng tương tự như thế).
FIFA là hiệp hội theo dõi và tổ chức đá banh quốc tế, mướn 310 nhân viên, và có 209 quốc gia là hội viên. Chủ Tịch đương thời của FIFA bây giờ là Sepp Blatter, người Thụy Sĩ. Blatter giữ chức vụ Chủ Tịch 4 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1998, tính đến nay là 14 năm. Năm 2015 tới đây, Blatter dự định sẽ lại tái ứng cử nhiệm kỳ 4 năm nữa. Trước Blatter, Joao Havelange người Ba Tây giữ chức Chủ Tịch sáu nhiệm kỳ trong 24 năm trời. Trước Havelange, Chủ Tịch FIFA là Stanley Rous, người Anh, giữ chức vụ trong 13 năm. Khác với Tổng Thống Mỹ giới hạn chỉ được làm hai nhiệm kỳ mỗi nhiệm kỳ bốn năm, nhiệm kỳ của Chủ Tịch FIFA không giới hạn, có thể giữ chức Chủ Tịch vĩnh viễn cho đến chết. Trừ khi là một hãng tư nhân, Giám Đốc -người chủ hãng- muốn làm Chủ Tịch cho đến khi hui nhị tỳ thì chẳng ai nói, đằng này là một tổ chức công cộng mà không giới hạn nhiệm kỳ của Chủ Tịch thì chỉ khuyến khích một tổ chức độc tài và không có sáng kiến mới mẻ.
Mỗi bốn năm đến mùa World Cup là FIFA nổi tiếng vì FIFA tổ chức World Cup. World Cup làm cho FIFA là một trong những doanh thương lợi tức nhiều nhất thế giới. Có một phỏng đoán là 87% quỹ FIFA là từ World Cup. Bốn năm trước, World Cup 2010 ở South Africa mang cho FIFA 3.5 tỷ dollars. World Cup 2014 ở Brazil sẽ mang về cho FIFA 4 tỷ dollars.
FIFA đặt trụ sở chính ở Thụy Sĩ trong danh nghĩa hội đoàn bất vụ lợi, lý do để miễn trả thuế. Bao nhiêu tỷ dollars thu vào nhờ World Cup không phải trả thuế vẫn chưa đủ, FIFA đòi hỏi quốc gia tổ chức World Cup điều kiện tiên quyết là quốc gia đó phải cho FIFA và tất cả tổ chức liên hệ với FIFA trong việc tổ chức World Cup không phải trả bất cứ một thứ thuế nào mà quốc gia hay thành phố đó có, từ thuế công ty đến thuế lợi tức, thuế tiêu thụ, thuế hàng hóa, thuế địa phương.... Cơ quan Thuế Vụ Ba-Tây ước lượng là lần tổ chức World Cup 2014 này, FIFA được hưởng miễn trả cho chính phủ Ba-Tây 248.7 triệu dollars tiền thuế.
Tại sao các quốc gia hay thành phố trên thế giới tranh giành nhau xin được tổ chức World Cup? Ngoài danh tiếng được thế giới biết đến, FIFA và những người ủng hộ cho rằng khi tổ chức World Cup, kinh tế quốc gia đó trở nên phồn thịnh nhờ tiền thuế lợi tức đánh trên tiền giải thưởng, tiền bán vé, tiền thu vào từ những doanh thương có liên hệ đến kỹ nghệ du lịch như máy bay, khách sạn, nhà hàng, khu giải trí....
Tin FIFA và những người ủng hộ tổ chức World Cup như tin các anh chàng trong thời kỳ yêu đương hứa hươu hứa vượn với bồ nhưng một khi ván đã đóng thuyền thì lời hứa trở nên hão huyền. Hầu hết các thành phố hay quốc gia tổ chức World Cup đều bị lỗ (Olympics cũng thế, còn tệ hơn nữa. Xin click vào đây xem mặt thật của những thành phố tổ chức Olympics giờ chỉ là nơi bỏ hoang: 30 Haunting Images of Abandoned Olympic Venues).
Quốc gia cuối cùng vào năm 2010 tiêu bốn tỷ dollars tổ chức World Cup, Nam Phi - South Africa- cho đến nay chỉ lấy lại được có một tỷ dollar.
Ba-Tây tiêu phá kỷ lục 14 tỷ dollars để chuẩn bị cho World Cup 2014 (thế mà còn nhiều sân vận động, phi trường, đường xe lửa, khách sạn...vẫn không được hoàn thành). So sánh số tiền này với quỹ dịch vụ xã hội thì nó là một số tiền cực kỳ khổng lồ: nó bằng 61% quỹ Ba-Tây ứng ra lo về giáo dục, 30% quỹ Ba-Tây tiêu về sức khỏe y tế cho toàn quốc. Chỉ có một số nhỏ các công ty tư nhân về xây dựng và dịch vụ là được hưởng lợi tối đa. Chẳng những chỉ có giáo dục và y tế, các lãnh vực khác như nhà cửa, giao thông, an ninh cũng bị cắt giảm để dọn đường cho World Cup. Nhiều khu nhà nghèo bị san bằng để lấy đất làm sân vận động, chỗ đậu xe. Các hội đoàn chống đối chính phủ tiết lộ là 1/4 triệu người nghèo bị đuổi khỏi nơi ở để lấy đường cho World Cup. Vì lý do này mà cả triệu người Ba-Tây xuống đường biểu tình, xung đột với cảnh sát. Hơn chục người bị giết, trăm người bị thương. Chính phủ bổ túc luật, phân loại biểu tình chống FIFA thuộc vào loại "khủng bố", tăng án tù lên từ 12 đến 30 năm!
Số du khách dự đoán đến Ba Tây xem World Cup thấp hơn dự định, ảnh hưởng dây chuyền đến bao nhiêu lãnh vực khác như vé bán, khách sạn, tiệm ăn....Ngay cả các cô làm nghề chị em ta cũng than phiền là chẳng thấy khách sộp mà chỉ thấy khách vùng châu Mỹ Latin với giá trị tiền xứ họ thấp hơn cả Ba-Tây. Đã thế mà các anh chàng này còn nài nỉ mặc cả! Khách sộp trả 100 dollar cho một giờ làm tình, thế mà trong thời gian tranh tài World Cup, khách hàng của các cô phần đông là các ông bản xứ, trả trung bình 9 dollars cho 10 phút ái ân.
Tiền làm mờ con mắt. Vì World Cup mang đến cho FIFA quá nhiều tiền nên có người buộc tội FIFA là tham nhũng. Mới đây nhất là vụ Qatar, quốc gia đã được FIFA biểu quyết cho tổ chức World Cup 2022 (World Cup 2018 sẽ tổ chức ở Nga).
Khi FIFA chọn Qatar là nơi tổ chức World Cup 2022, rất nhiều người đã bán tính bán nghi là phải có tham nhũng đút lót cho hội viên FIFA ảnh hưởng số phiếu. Họ nghi ngờ vì Qatar không có lịch sử về đá banh giỏi, đội tuyển Qatar không bao giờ vào được vòng 32, và nhiệt độ vào tháng 6, tháng 7 ở Qatar nóng khủng khiếp, từ 100F (38C) đến 120F (49C). Cầu thủ không thể nào đá banh trong sức nóng như thế. Mối tình nghi của họ biến thành sự thật khi vào tháng 5 - 2011, Phó Chủ Tịch FIFA Jack Warner (người xứ Trinidad and Tobago) tiết lộ là có một email của cô Phaedra Almajid cáo buộc là Mohamed bin Hammam, người Qatar, chủ tịch Asian Football Confederation, đút lót vài nhân viên túc cầu xứ Phi Châu 1.5 triệu dollars.
Tuy rằng sau này cô rút lại lời cáo buộc đó, báo Sunday Times vào ngày June 1 - 2014 công bố là tìm được email, thư, và hồ sơ chuyển tiền ngân hàng năm triệu dollars Bin Hammam trả cho nhân viên túc cầu để mua phiếu ủng hộ Qatar nơi tổ chức World Cup 2022. Bin Hammam và những người bị nghi ngờ quả quyết lời cáo buộc đó là không đúng sự thật. (Chính phủ Úc Đại Lợi hiện thời đang tính thưa FIFA để lấy lại 38 triệu dollars, tiền đã bỏ ra để tham dự xin tổ chức World Cup 2022, với lý do là nhân viên FIFA đã nhận tiền đút lót bỏ phiếu thuận cho Qatar thay vì Úc-Đại-Lợi).
Vào tháng 3 năm 2014, sau khi Jack Warner bị bắt buộc phải từ chức Phó Chủ Tịch FIFA vì tình nghi tham nhũng, người ta lại khám phá ra là gia đình của ông ta được một công ty có liên hệ đến quốc gia Qatar trả hai triệu dollars. Hiện thời FBI của Hoa Kỳ đang điều tra việc này.
Cũng như bao nhiêu trẻ con trong xóm, khi còn bé tôi mê đá banh. Tôi cũng chơi đánh đũa với con gái, "kẹp nách", "quét nhà", "tầm loòng", nhưng nhất định đá banh hào hứng và hăng tiết vịt hơn (tôi không biết có nhớ đúng chữ hay không, chẳng hiểu nghĩa chữ "tầm loòng" là gì. Tôi nhớ là tay trái cầm đũa , thọt qua dưới tam giác của chân trái rồi chuyền đũa).
Vào Trung học thì lại càng mê bóng đá. Thưở ấy làm gì có tiền mua banh da, chỉ có banh plastic nhẹ hìu, rỗng tuếch. Sau này cả bọn góp tiền mua banh tân tiến hơn. Nó cũng là plastic nhưng bên trong có ruột bơm căng phồng, thích hơn vì banh nặng đá có cảm tưởng như banh da.
Đá banh thì làm gì có chỗ sân cỏ rộng khắp nơi như bên Mỹ này. Lúc thì đá trên một sân đất trống, nhỏ của nhà trường đầy sỏi đá, lúc thì đá trên mảnh đất chạy dọc dài theo đường rầy xe lửa trên đường Hùng Vương, lúc thì đá ở đầu xóm nơi tôi ở. Thế giới của tôi vào năm lớp 6, lớp 7 chỉ là đi học và đá banh.
Tôi còn quá trẻ lúc bấy giờ để nghĩ đến những cần thiết căn bản trong đời sống của mọi người: nhà cửa cần có nước máy, có điện nước, có toilette (xóm Bàn Cờ của tôi có nhà không có cả ba thứ). Đến khi học lớp 10, lớp 11 có bồ thì tôi lại quá mơ mộng ngày đêm nên không có thì giờ nghĩ đến dịch vụ xã hội: giáo dục cần được miễn phí, trường học cần khang trang cho học sinh có tinh thần học hỏi, đường xá phải thiết lập khắp nơi để giao thông được lưu loát, hệ thống y tế cần thiết lập tân kỳ để chữa bệnh cho dân chúng....
Thưở ấy tôi còn trẻ, còn ngu đần nên tôi còn có thể dùng tuổi trẻ là "excuse" không suy nghĩ đến môi trường chung quanh tôi. Một khi một người đã lăn lộn trong cuộc sống thì không thể viện dẫn "excuse" gì được nếu chính mình có cơ hội nhưng không dùng nó để giúp ích xã hội mà lại tiêu xài hoang phí. Đó là trường hợp của Ba-Tây, của Nam Phi, của Hy-Lạp, của các nước tranh nhau xin tổ chức World Cup hay Olympics mà không đặt ưu tiên cho sự phúc lợi căn bản đời sống của dân mình là trên hết.
Tệ hơn nữa, số tiền khổng lồ tiêu xài hoang phí đó làm giầu cho một tổ chức với một số ít nhân viên, không ưu tư đến hậu quả tai hại sẽ xẩy ra cho quốc gia
Phụ chú:
Các quốc gia muốn tổ chức World Cup thường bày tỏ ý định nước mình cả chục năm trước năm tranh tài. World Cup 2030 hiện thời có ba nhóm hay quốc gia muốn đứng ra tổ chức:
- Một: Argentina và Uruguay cùng nhau tổ chức.
- Hai: Xứ Chile.
- Ba : Một nhóm mười quốc gia ở Đông Nam Á: Thái Lan, Mã Lai, Phi-Luật-Tân, Singapore, Nam Dương, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Brunei, và Việt Nam.
Australia Contemplate Suing FIFA Due To Alleged Corrupt ...
The Australian government are weighing up possible legal action to reclaim more than $38 million (USD) spent on the country’s unsuccessful bid to host the 2022 FIFA...
| |||||||
Preview by Yahoo
| |||||||