Wednesday, 30 July 2014

'Vượt Qua Gian Khó' và sự cống hiến - Ðặng Phú Phong

Từ một bác sĩ quân y, theo vận nước, trở thành một người tù lao động khổ sai, rồi làm y tá trong trại giam, rồi vượt biển, trở thành bác sĩ dạy tại một đại học khá nổi tiếng, Ðại Học Cornell của Hoa Kỳ, Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ đã sống rất âm thầm, âm thầm phục vụ mục đích cao cả của một người y sĩ, nguyện trung thành với lời thề Hippocrates. Sau nhiều sự khuyến khích, khuyến khích đến thúc giục của một số bạn bè quý mến ông, cuốn hồi ký “Vượt Qua Gian Khổ” của ông, do nhà xuất bản Nam Việt vừa in xong, sẽ được ra mắt ngày Thứ Bảy, 5 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt VNCR, 14861 Moran St., Westminster, CA 92683.


Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ trong thời gian phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ với cấp bậc thiếu tá. (Hình: Bác Sĩ Trứ cung cấp)

Sự sụp đổ của miền Nam đưa tới sự tang thương chết chóc, cửa nhà tan nát, hàng triệu con người bị tù đày, biết bao con người chôn thân nơi biển cả. Một nửa đất nước chìm đắm trong nỗi đau buồn, tăm tối, thất vọng, hoài nghi, lo sợ...
Trong cả triệu người bị tù lao động khổ sai ấy, may có những người còn sống sót trở về , may hơn nữa đến được bến bờ tự do giống như hạt gạo trên sàng. Bác Sĩ Trứ là một trong những người này, nhưng hạt gạo Nguyễn Công Trứ không phải còn nằm trên sàng chỉ đơn giản là to hơn cái ô vuông ấy. Cao hơn thế nữa, xa hơn thế nữa, hạt gạo Nguyễn Công Trứ thật nhân cách, thật tròn trịa, thật mịn màng, sáng lóng lánh như một hạt kim cương nằm trộn lẫn với những hạt gạo trên sàng ấy. Hạt kim cương đó đã, đang và sẽ mãi mãi tỏa sáng bằng tấm lòng cống hiến cho tha nhân, mà tôi, kẻ viết bài này, cũng đã từng nhận lãnh.

Trong một bài viết về ông, cũng đăng trên nhật báo Người Việt ngày 11 Tháng Giêng, 2011, tôi đã viết về lòng từ tâm và độ lượng của ông trên cương vị của một người thầy thuốc trong trại tập trung “cải tạo” không hề phân biệt bệnh nhân là ai. Ngay cả một cô công an cộng sản đã nhiều phen đánh đập ông thật dã man, bắt ông đứng trần truồng giữa đất trời mà không vì lý do nào hết, ngoài lý do làm trò đùa cho cô ả!

Trong bài này tôi không nhắc lại những nghĩa cử cao đẹp ấy nữa, chỉ xin được giới thiệu khái quát về cuốn hồi ký “Vượt Qua Gian Khổ” của ông, còn việc tìm hiểu nhiều hơn thì mời quý vị, nhất là những cựu tù ở Kim Sơn (Bình Ðịnh) hãy tìm đọc cuốn hồi ký này.

Trong khoảng 200 trang sách gồm một số bài viết được hệ thống lại, kể cho chúng ta nghe cuộc đời của ông từ lúc mới lớn, thời học sinh, sinh viên, thời làm bác sĩ, rồi tù đày, rồi vượt biên, thời gian sống trên đất Mỹ... cho đến hiện nay, Bác Sĩ Trứ đã hết sức chân thành viết xuống (ban đầu bằng tiếng Anh) những suy tư, những đau đớn ê chề trước biết bao gian lao đầy thử thách tử sinh. Bàng bạc khắp cuốn hồi ký này là lòng yêu thương, lòng tự trọng và đòi hỏi sư công bằng cho mọi người, tất cả đều thể hiện bằng lối văn bình thản, thành thật không có tính khoe khoang khiến cho người đọc càng có nhiều thiện cảm với tác giả.



Hình bìa cuốn hồi ký “Vượt Qua Gian Khổ.” (Hình: Ðặng Phú Phong cung cấp)

“Về đến doanh trại, tôi nghĩ cuộc đời tôi đã trọn vẹn, tôi đã làm tròn bổn phận và công việc của một người chiến sĩ phục vụ cho đồng bào, và tổ quốc, cho sự tự do và sinh tồn của đất nước. Tôi đã hứa với các anh em trong nấm mộ tập thể chờ tôi, và cho tôi một chỗ đứng trong anh em. Tối hôm đó, tôi tự tay truyền thuốc mê cho tôi để ngưng thở, và uống một lần 50 viên Chloroquine. Nhưng cuộc đời tôi đâu có dễ dàng buông xuôi được...”Trong đoạn ông nói về những ngày cuối cùng của quân y viện Quy Nhơn, nơi mà chỉ còn một mình ông là bác sĩ cùng với vài y tá ở lại để phục vụ cho thương bệnh binh, sau khi chôn Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông đã tự sát và 47 chiến sĩ của Sư Ðoàn 22 trong một nấm mồ ngay trước kỳ đài của quân y viện, rồi ông cũng tự sát như sau:

Sau đó, ông được cứu sống, để tiếp tục chịu cảnh đọa đày. Muốn sống không được, muốn chết cũng không xong!

Một lần bộ đội gác cổng trại xét trong người ông, thấy có cây thánh giá của một vị linh mục từ trần trước mắt ông tặng lại, ông viết “...( họ) bắt tôi cởi áo và bỏ nón xuống, đứng thế nghiêm phơi nắng... nửa ngày trời dưới nắng hè gay gắt. Sau đó bộ đội gác cổng đem treo tôi trên cái cột cao của bót gác. Họ nguyền rủa tôi đến bây giờ mà vẫn còn tin tưởng vào Chúa với Phật (!)...”

Cuộc sống tù ngục dưới chế độ cộng sản đã đày đọa ông nhưng đã không khuất phục ý chí, lòng tự trọng, yêu sự công bằng và tự do của ông. May mắn đã ôm lấy người bác sĩ từ tâm này đem đến bờ biển Indonesia. Tại đây, ông đã cương quyết chối từ lên đất liền vì hải quân của Indonesia chỉ chịu đưa người còn sống vào bờ còn người chết thì vứt xuống biển. Cuối cùng, họ phải đồng ý đưa người chết trên tàu vô đảo để ông sẽ lên bờ. “Tôi nói với người thủy thủ nếu họ ném người chết này xuống biển tôi sẽ nhảy theo.”

Ôi một câu nói thật hùng hồn đầy tình thương và dũng cảm.

Nếu những ngày ở Việt Nam là những chặng đường lao khổ cho thể xác, thì những ngày định cư tại Mỹ là những thử thách khổ nhục cho tinh thần của ông. Với di chứng của bệnh Stress Syndrome (tuy đã chữa khỏi ở đảo), vốn tiếng Anh chưa khá, tiền bạc không có, ông đã đem toàn lực ra để tranh đấu. Cuối cùng, ông đã thắng sự cực khổ, sự kỳ thị, với cả gia đình và điều quan trọng nhất là ông đã thắng chính bản thân mình, để trở thành một bác sĩ giảng dạy về quang tuyến (clinical assistant professor in the Department of Radiology).

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ đã cất lời tuyên thệ, lời thề Hippocrates, và chúng tôi tin rằng ông thực hành lời thề ấy đã trọn vẹn. Và cũng tin chắc rằng ông đươc hưởng sự quý trọng của mọi người như phần cuối của lời thề:

“Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.”

 
Đọc biết nhiều về đời tư của anh chỉ biết mang máng là anh học trên tôi 3-4 năm gì đó. Anh là Nội Trú giỏi chuyên ngành OB-GYN. Hình như anh ở lại nội trú vài năm sau khi ra trường với hy vọng về trường Y-khoa làm Phụ Giảng Viên nhưng không thành. Anh phải nhập ngũ và được thuyên chuyển về Quân y viện Qui Nhơn vào  MÙA HÈ ĐỎ LỬA năm 1972.

Bọn chúng tôi khoảng 10 người cùng gia nhập quân đội được biệt phái về quận An Túc, Qui Nhơn, phải dừng quân ở Thị xã Qui Nhơn trong ngày Tết 1973. Trong lúc bơ vơ xứ người tình cờ gặp lại anh tại đây trong một thời gian thật ngắn. 

Anh thật vui khi thấy đàn em đến với anh trong lúc anh cô đơn trong xứ Bình Định này. Anh không hòa đồng với bạn bè cùng lớp nhận nhiệm sở trước anh vì anh không hợp “jeu” với họ. Họ có lối sống phong nhã của Y sỹ ở BV. Khám ngoại chuẩn, làm phòng mạch, giải trí mạc chược, đánh phé.

Những xôi động chiến trường đã mang  thương  binh về BV càng ngày càng đông. Anh bù đầu lo cứu sống nhiều người chừng nào hay chừng đó. Anh làm việc vì công tâm với tấm lòng thương người. Anh đùa có khi ông phải mổ sọ não để cầm máu cho  thương binh? Hỏi anh tại sao anh không làm như bạn anh? Anh nói là anh chưa thích ứng và vì tinh thần hướng đạo anh có một đường hướng khác. 

Một buổi sáng, chúng tôi nhàn cư vì không phải là toán trực. Trần Chánh Khương hướng dẫn Anh đến ngay chổ đóng quân của chúng tôi ở Ghềnh Ráng xin phép cho khoảng 7- 8 SVSQ thuộc nhóm cựu SVYK 67-74 trong đó có Hoàng Lộc, Lại Văn Tiến, Trần Quấc Hùng và vài người bạn nữa. Anh chưa cho biết là sẽ đi về đâu. Chúng tôi theo anh xuôi về hướng nam khoảng vài cây số, qua một ngọn đèo nhỏ, vào một con đường độc đạo ngoằn ngoèo đầy bóng râm của một khu rừng thông nho nhỏ, soai soải trên đường đèo thỉnh thoảng vài nấm mồ hoang, rồi hiện lên một ngôi mộ khá cao xây rất tươm tất sơn trắng thì phải. Anh cho tôi biết đó là ngôi mộ của thi sỉ Hàn Mặc Tử. Lúc này Anh tiết lộ là mình đang vào trại cùi Qui Hòa, nơi Hàn Mặc Tử gữi thân vỉnh viễn. Câu hỏi là hết chổ đi chơi sao mà anh dẫn tôi vào chốn này? Tôi rất mến thi sỉ Hàn Mặc Tử nhưng không có tâm tư để nghĩ đến người và thăm trại cùi mà người gửi thân tàn. Chúng tôi có biết đâu đây là một hân hạnh độc nhất một đời người chưa có được. Chợt khi chiếc xe lăn bánh qua khỏi rừng phi lao thì một cảnh thần tiên hạ giới bày ra trước mắt. Tôi không nghĩ là ở VN có một bãi biển nào đẹp như vậy. 

Trời trong xanh với những lọn mây trắng bàng bạc. Bãi cát trắng tinh màu trắng của trang giấy học trò, sạch sẽ không một miếng rác. Dọc trên khoảng đất dài là những bụi cây bông giấy màu đỏ rực trồng trong bồn gạch đuợc cắt xén tươm tất. Lối trình bày nhiều bụi cây xanh ngăn nắp như khu vườn ở Anh hay Pháp rất đẹp và gọn gàng. không khí trong lành, yên tỉnh, gió biển mát, hơi nước mằn mặn hòa lẫn với tiếng sóng biển nhịp nhàng. Cảm giác thoải mái ngây ngất trước một bãi biển kiểu phương tây, một kiểu thiên đàng hạ giới. Sau này tôi mới biết đây là nơi nghỉ mát kín đáo của hàng giáo phẩm VN. Nhìn sâu vào phía trong gần vách núi là những dải nhà gạch khang trang sơn xanh mái ngói lẩn khuất trong hàng dừa duyên hải, lá dừa phất phơ trước gió tạo những âm thanh rào rạt vui tại. Nơi này là nơi cư ngụ của bịnh nhân phong cùi… 

Trại Qui Hòa được quản trị bởi một dòng có mẹ bề trên là người Pháp. 

Chúng tôi được đưa vào đại sảnh được trang trí thanh lịch kế bên đó là một bàn tiệc trình bày theo kiểu tây do bàn tay khéo léo của các Mère, các soeur. Buổi tiệc kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với 5 lần ăn thức ăn chánh (main disc) có rượu vang, chưa kể món kem tráng miệng tuyệt hảo. Trên đời tôi cho đến lúc này, chưa có một buổi ăn nào ngon như vậy. Trong khi ăn tôi tò mò hỏi một vị soeur người Việt, mới được soeur cho hay là đã bao năm rồi trại cùi nầy không có bác sĩ. Các soeur có ra ngoài thành phố năn nỉ một số BS vào giúp trại thì không có ai có thì giờ cho trại cùi vì các anh biết là chăm sóc người cùi khi lở lói phải dùng phẩu thuật rất mất thì giờ mà đất Qui Nhơn từ khi người Mỹ đến thì thì giờ của các bác sĩ là tiền bạc. Chúng tôi vô cùng thất vọng, thì một hôm gặp BS Trứ. Ông bất ngờ vui vẽ nhận lời. Và ông đến chăm sóc các người bệnh cùi kỹ lưỡng hơn những vị tu sĩ chúng tôi.

Lòng nhân ái cao hơn chúng tôi vì việc làm tôi có định hướng còn BS TRỨ không có dự tính. Ông làm việc tận tâm chu đáo, làm dịu hẵn nổi đau thương gặm nhấm thân thể người cùi và ông không hề lấy thù lao. Bữa tiệc ngày hôm nay BS TRỨ không hề hay biết và  không ngờ chúng tôi chuẩn bị thịnh soạn để gọi là biểu lộ một tấm lòng biết ơn của chúng tôi khi nghe BS TRỨ hướng dẫn một số đàn em đến thăm viếng. 

Hai hôm sau anh đến với chúng tôi một nửa. Lần này anh vừa lãnh lương và nhất định đãi chúng tôi một món đặc sản ở Qui Nhơn là món chim mía, là chim sẻ người ta bắt được khi bủa lưới một ruộng mía. Chim được rang dòn và ăn rất ngon gọi là tiễn chân chúng tôi rời thị xã Qui Nhơn, vượt đèo An Khê đến quận An Túc. 

Quê lạ xứ người được một đàn anh chí tình như anh thì không gì ấm lòng bằng.

Đã qua gần 40 năm với ký ức nhạt nhòa ít nhiều  hi vọng bài viết này về anh Trứ một phần là ghi lại một kỷ niệm về một cơ duyên được quen biết anh và một phần là đề tỏ tình ngưỡng mộ một đàn anh đáng kính: 
BÁC SĨ NGUYỄN CÔNG TRỨ!
Lê Minh Đức
 
SVYK Nguyễn Công Trứ (Hình chụp Noel 1965 do Đỗ Mỹ Anh gởi)


Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ, tấm lòng nhân ái
Tuesday, January 11, 2011 

(Nhân đọc bài “Thêm một mộ tập thể 47 tử sĩ VNCH những ngày cuối cuộc chiến,” của Huy Phương)
Ðặng Phú Phong

Tôi tình cờ đọc bài báo của tác giả Huy Phương, viết về lòng dũng cảm và tinh thần thương mến binh sĩ của Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, đăng trên báo Người Việt ngày 31 tháng 12, 2010.

Trong bài viết, tác giả Huy Phương có nhắc đến một vị bác sĩ, tên là Nguyễn Công Trứ. Ðọc xong bài báo, tôi vừa mừng rỡ, vừa xúc cảm.

Xúc cảm, vì thương cho cái chết bi phẫn và hào hùng của một đại tá QLVNCH. Mừng rỡ vì biết được tin tức một người bác ái, nhân từ, từng cứu giúp cho anh em tù nhân trại tù K18, Kim Sơn, Bình Ðịnh, trong đó có tôi.

Vị bác sĩ này, tôi đã dò tìm tin tức 30 năm nay mà không ra. Người ấy là Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ.

Trung Úy Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ làm việc tại bệnh viện Quân Y Qui Nhơn cho đến ngày cuối cùng khi tỉnh Bình Ðịnh lọt vào tay cộng sản, khi mà gần như tất cả các bác sĩ, nhân viên của quân y viện Qui Nhơn đã di tản, bỏ lại ông là bác sĩ duy nhất với la liệt thương binh. Với tinh thần nhân ái, ông hết mình tận tình cứu chữa. Rồi Việt Cộng xuất hiện, ném ông vào trại cải tạo.

K18 Kim Sơn là trại tù nằm trong thung lũng của vùng rừng núi thuộc quận An Lão, Tây Bắc tỉnh Bình Ðịnh, ma thiêng và nước độc. Bác Sĩ Trứ và Bác Sĩ Khải cùng khoảng 2, 3 y tá (lấy từ anh em tù) được đưa vào công tác y tế dưới quyền của một nữ thượng úy công an tên Luận. Một thời gian sau, Bác Sĩ Khải được phóng thích, chỉ còn ông Trứ là bác sĩ duy nhất lo cho anh em trong trại.

Mỗi buổi sáng, tù nhân sắp hàng theo từng phòng để cán bộ trực trại phân phối đi lao động. Bác Sĩ Trứ có nhiệm vụ khám những ai xin khai bệnh. Tiêu chuẩn mỗi phòng (khoảng 50 người) được 1 hay 2 người nghỉ là tối đa. Gặp mùa sốt rét, dịch tả, kiết lỵ, anh em tù nhân khai bệnh đông đảo hơn.

Mặc dù đã hết sức dằn lòng, Bác Sĩ Trứ không thể không cho những người bệnh nặng ở nhà. Vì thế, con số nghỉ bệnh của mỗi phòng thường lên đến 3, 4 hay 5 người. Thượng Úy Luận nhiều lần công khai mắng chửi thậm tệ Bác Sĩ Trứ trước hàng ngàn tù nhân. Ông chỉ biết khóc, nước mắt đọng mờ cặp mắt kính cận thị của một tấm lòng đầy vị tha.

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ người gầy ốm, dong dỏng cao, trông càng cao trong bộ đồ tù màu xám, thùng thình, xốc xếch, ống thấp ống cao. Bước chân ông khá dài và nhanh nên lúc nào cũng thấy ông như bận rộn. Ðôi mắt có vẻ ngơ ngác sau cặp kính cận thị dày cộm, cái mắt kính mà suýt có lần gãy vụn vì đi ra vào cổng phải đứng nghiêm, quên lấy kính xuống để báo cáo cán bộ. (Nhiều tù nhân từng bị đập mắt kính, có khi ăn đòn, vì “tội” mang kính cận trước mặt cán bộ).

Những lúc rảnh việc trong trạm xá, Bác Sĩ Trứ xin phép ra ngoài trại, mon men đâu đó, hái một ôm cải trời, mò mẫm vài vũng nước, bắt một vài con cá, con cua, đem về “cải thiện.” Có điều, ông không cải thiện cho ông, mà cho các bệnh nhân đang nằm trong trạm xá. Có khi thì ông dành những tặng vật ấy cho những đứa trẻ mồ côi, bụi đời lâu lâu gặp “chiến dịch,” bị công an hốt quăng vô trại. Vậy mà cũng nhiều phen, khi vào cổng, gặp công an hách dịch bắt ném đi, ông không mang được nắm rau, con ốc ấy vô trại.

Mỗi lần được thăm nuôi, ông chỉ ăn một bữa, dành lại vài thứ chí thiết (nhưng để rồi cho, khi có người cần, như thuốc tây chẳng hạn). Còn bao nhiêu ông đem hết ra, chia cho bệnh nhân “con bà sơ, bà phước” và trẻ bụi đời bên trại thiếu nhi. Thế là xong, ông trở lại cơm tiêu chuẩn của trại. Buổi sáng: Một chén khoai mì khô với nước muối. Trưa, chiều: một chén cơm hẩm mục, một chén khoai mì, một chút mắm và một chén canh “đại dương.”

Vậy mà Bác Sĩ Trứ, rất nhiều khi, chỉ ăn chén mì lát, nhường chén cơm cho một bệnh nhân vừa mới lành bệnh cần ăn nhiều hơn để lấy sức, hoặc cho một đứa trẻ đói ăn trong như bộ xương khô biết cử động.

Ông cho, nhường những thứ quí hơn vàng như vậy với một lý do thật đơn giản: “Tôi không đi lao động, ăn thiếu, không đến nỗi nào.” Ôi! tấm lòng bao dung của biển.

Tháng 10, 1979, ông được phóng thích. Cán bộ mang lệnh tha xuống trạm xá, đưa ông ra khỏi trại một cách lặng lẽ. Cũng có một vài tù nhân tình cờ biết. Họ khóc, vẫy tay chào ông. Họ gọi ông là “người cha trẻ của tù nhân K18.” Ông đã cứu chữa tận tâm cho không biết bao nhiêu tù nhân, và cũng lắm lúc không cầm lòng được, hai tay ôm lấy xác của tù nhân, ông để cho những giọt lệ từ tâm tuôn trào.

Tôi tìm được số điện thoại của Bác Sĩ Trứ thông qua tác giả bài báo, nhà văn Huy Phương. Gọi mãi mấy lần, mấy số mới gặp được Bác Sĩ Trứ.

Thì ra, ông làm việc, bận rộn mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Vẫn giọng nói đầy tình cảm, hiền hòa như ngày nào, ông rành rọt một thôi, kể cho tôi nghe những gì trải qua sau ngày được thả. Vượt biên tháng 10, 1980. Sống ở Indonesia 10 tháng. Ði định cư ở Buffalo, New York. Ðến California, ở nhờ một ông bác sĩ mù người Pháp. Làm tài xế, nấu ăn giúp cho ông này được một năm thì vào Airforce của Hoa Kỳ, trở lại học Y khoa. Hiện là bác sĩ về quang tuyến tại Ðại Học Cornell và một bệnh viện tại New York.

Bác Sĩ Trứ ngưng kể về mình bằng một câu: “Nhớ hồi đó tôi nấu một chảo lớn thuốc nam, thêm vào chỉ 1 viên Kí Ninh đô để chữa sốt rét cho cả trại, mà kinh.”

Như vậy đó, cái tấm lòng “Từ Mẫu” của một vị lương y lúc nào cũng tiềm tàng trong ông. Lúc nào ông cũng lo lắng cho bệnh nhân, có lẽ cả ngay trong giấc ngủ.

Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ cũng cho biết, mùa Hè này, ông về thăm California. Ông vẫn thường về California vào mùa Hè.