Wednesday, 6 August 2014

Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh “Hãy là người Quang Trung”

Chủ nhật vừa qua, ngày 3/8/14 tại Happy reception, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh (KHG DNA) đã có buổi thuyết trình với đề tài “Tuổi trẻ với thăng tiến nghề nghiệp và tương lai của dân tộc”. Rất đông đồng bào đã đến rất sớm để có chổ ngồi. Chưa đến giờ khai mạc mà hội trường đã chật kín, số người đến sau đành phải tìm chổ đứng và điều đáng nói là mọi người đã ở lại cho đến cuối buổi thuyết trình.

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Úc-Việt và phút mặc niệm, cô Nguyễn Phượng Vỹ -Phó Chủ Tịch Nội Vụ đã thay mặt cho BCH/CĐNVTD-Vic để chào đón nữ KHG DNA và nói lên cảm nghĩ của mình về sự thành công vượt trội song song với việc chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ của DNA.
Mặc dù ai trong chúng ta cũng đều nghe và biết ít nhiều về nữ KHG DNA, nhưng chắc hẳn sẽ không thể biết chính xác những thành quả và các chức vụ quan trọng mà DNA đã vươn tới và đạt được. Qua bài tóm lược tiểu sử của KHG DNA, đồng bào đã được nghe về gương sáng hiếu học, sự phấn đấu đáng nể và những trọng trách cũng như chức vụ quan trọng mà DNA đã được tin tưởng giao phó.

Trước khi bước vào phần thuyết trình, Ban hợp ca Viễn Xứ đã gửi tặng KHG DNA cùng phu quân 2 bài hát Vọng Nam Quan (tác giả: Xuân Điềm) và Bài hát chống xâm lăng (tác giả: ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh). Sau khi 2 bài hợp ca chấm dứt, nữ KHG DNA bắt đầu phần thuyết trình trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của hơn 600 đồng bào có mặt trong khán phòng. Cô đã trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trong phần tiếng Việt, cô gửi gấm lời kêu gọi tha thiết đến các bậc phụ huynh, các học giả, các sử gia, các nhà văn hóa cần phải chung sức để làm sao khôi phục và phát huy tinh thần dân tộc trong con em chúng ta. Cô nói: ”Nếu chúng ta còn đất còn biển mà tự đánh mất đi cái hồn dân tộc thì cũng như đã mất đất mất biển rồi! Chúng ta phải làm sao giữ được quê hương ở bên trong chúng ta thì mới có thể giữ được quê hương bên ngoài”.

Trong phần tiếng Anh, cô chia sẻ nhiều hơn và chi tiết hơn với giới trẻ về sự phấn đấu, thăng tiến và kỹ năng lãnh đạo qua kinh nghiệm của bản thân cô, đồng thời cũng khuyến khích giới trẻ cần tìm hiểu thêm về di sản văn hóa, về lịch sử kiêu hùng của dân tộc VN với các bậc anh hùng, anh thư đã có công dựng nước và giữ nước. Ngoài ra cô cũng đã phân tích về sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động giữa giới trẻ và các thế hệ đi trước. Cô đã kết thúc cả 2 phần tiếng Anh và tiếng Việt bằng tựa đề một quyển sách của nhà văn Duyên Anh “Mơ thành người Quang Trung”, và kêu gọi các bạn trẻ HÃY LÀ NGƯỜI QUANG TRUNG để gìn giữ non sông gấm vóc.

Sau phần thuyết trình là phần hội luận, đồng bào và giới trẻ đã thay phiên nhau đặt câu hỏi với KHG DNA xoay quanh những vấn đề quan tâm, đặc biệt là diễn giả và cả khán phòng đã thật bất ngờ khi có một khán giả rất nhỏ tuổi – Vũ Thiên Huy, khi em đặt câu hỏi là em có thể làm gì khi nhà cầm quyền CSVN vẫn còn đàn áp và giết hại những tù nhân lương tâm. Riêng về câu hỏi liên quan đến chiêu bài “giao lưu văn hóa” của CSVN, DNA trả lời rằng đã gọi là giao lưu thì phải có hai chiều vì nếu chỉ có một chiều thì đó là tuyên truyền chứ không phải giao lưu; ngày nào mà CS chấp nhận cho những sách, băng hình của VNCH được lưu hành tự do trong nước thì chúng ta sẽ chấp nhận cho họ đưa văn nghệ văn hóa của họ vào cộng đồng người Việt hải ngoại.

Trước khi kết thúc buổi thuyết trình, cô Phương Vỹ đã đúc kết những gì cô đã học được từ KHG DNA, và sau đó cô mời ông Nguyễn văn Bon – Chủ Tịch CĐNVTD-Vic lên nói lời cám ơn và tặng quà lưu niệm cho diễn giả KHG DNA.

Buổi thuyết trình đã diễn ra thật thành công và điều đáng trân trọng là đồng bào đã đến từ rất sớm và ngồi lại cho đến cuối giờ trong sự trật tự tuyệt đối. Hy vọng là bài thuyết trình của KHG DNA sẽ rất hữu ích cho không riêng gì giới trẻ trong việc thăng tiến nghề nghiệp và hướng về tương lai dân tộc, mà còn cho cả các thế hệ trong việc khôi phục và duy trì tinh thần dân tộc trong con em chúng ta.
Tóm lược tiểu sử của nữ KHG Dương Nguyệt Ánh
Cô Dương Nguyệt Ánh (DNA) đã đào thoát khỏi Việt Nam năm 1975 cùng với gia đình bằng trực thăng, trong làn sóng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đâu tiên, vừa lúc quân Cộng Sản vào chiếm thành phố Sài Gòn/ Nam Việt Nam và đến Phi Luật Tân. Gia đình cô được chuyển vào một trại tạm cư do Hoa Kỳ thiết lập ở đó, rồi được chính thức công nhận cho tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

Nơi đầu tiên mà gia đình cô đặt chân đến Hoa Kỳ là một trại tị nạn ở Pennsylvania, về sau thì được một Nhà Thờ Tin Lành ở Hoa Thịnh Đốn bảo trợ cho xuất trại và họ đã giúp đỡ gia đình cô trong những bước đầu. Lúc bấy giờ Dương Nguyệt Ánh được 15 tuổi, mới học lớp 9 trường Lê Quý Đôn, Sàigòn. Cũng như rất nhiều người tị nạn thời đó, vốn liếng tiếng Anh của cô không có nhiều, nhưng tự ái dân tộc thì phải nói là quá lớn nên cô đã chăm chỉ, miệt mài học ngày học đêm. cô quan niệm rằng mình phải cố gắng làm thế nào để qua mặt các bạn Hoa Kỳ cùng lớp. Lúc đó cô mơ ước khi lớn lên thì phải thành công, ít ra là cũng ngang với họ để người bản xứ không thể khinh miệt người Việt Nam là dân tỵ nạn ăn bám.

Cũng với ý chí và vì lòng tự ái dân tộc vô cùng mạnh mẽ đó mà cô đã tốt nghiệp Trung Học và tốt nghiệp hai ngành tại Đại học Maryland, một về kỹ sư hoá học và một về kỹ su điện toán, tất cả đều với hạng danh dự. Ngoài ra cô còn tốt nghiệp Cao Học Quốc Gia Hành Chánh tại American University cũng với hạng danh dự. Chính nhờ vậy nên sau khi hoàn tất bậc Đại Học, cô đã được tuyển vào làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu của Hải Quân Maryland.
Đây là gương sáng hiếu học của cô Dương Nguyệt Ánh (DNA), rất đáng trân trọng để cho giới trẻ Việt Nam lấy đó noi theo!

Năm 1983, cô DNA bắt đầu làm việc với ngành đã tốt nghiệp là kỹ sư hóa học. Công việc đầu tiên của cô là chuyên viên bào chế công thức về thuốc phóng đại bác cho Trung Tâm Vũ Khí Diện Địa của Hải Quân Hoa Kỳ tại Indian Head.

Năm 1986, Dương Nguyệt Ánh trở thành nhà bào chế nhiên liệu cho các loại hoả tiễn không không và địa không.

Năm 1991: cô trở thành một chuyên gia chất nổ và hai năm sau (1993) quản lý toàn bộ chương trình nghiên cứu, thăm dò và phát triển chất nổ của Hải quân Hoa Ky, do đó trở thành điểm tập trung của Hải quân Mỹ cho vật liệu nổ và chuyển đổi chất nổ của Hải quân vào các hệ thống vũ khí, cung cấp tư vấn cho chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh.

Tháng 8 năm 2001 khi đang nghiên cứu về một loại chất nổ có khả năng diệt trừ các địa đạo thì vụ 9/11 xảy ra, cô Dương Nguyệt Ánh được tin tưởng và đề nghị là nên “thử thời vận” trong việc nghiên cứu về kỹ thuật chất nổ Áp Nhiệt (thermobaric) và biến nó thành vũ khí Áp Nhiệt ngay lập tức để hỗ trợ cho chiến dịch OEF (Operation Enduring Freedom). KHG_Dương Nguyệt Ánh đã dẫn đầu một nhóm chuyên gia gồm khoảng 100 khoa học gia, kỹ sư, và cán sự – chỉ trong khoảng thời gian kỷ lục chưa từng có là 67 ngày – đã đi từ ý niệm sơ khởi đến việc chế tạo ra 11 trái bom Áp Nhiệt đầu tiên cho chiến trường A Phú Hãn.

Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh thành công vượt bực, đã phát triển và chuyển tiếp tổng cộng 10 công thức chất nổ cho 18 loại vũ khí khác nhau trong vòng 12 năm cho Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Đó là một kỷ lục chưa từng có.

Năm 2002, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí Hải Quân ở Maryland. Ở chức vụ này, cô là người định hướng và điều khiển tất cả các chương trình nghiên cứu trên mọi lãnh vực khoa học và kỹ thuật của Trung Tâm Indian Head với mục đích áp dụng vào việc chế tạo những vũ khí tương lai cho Hoa Kỳ.

Từ tháng 11 năm 2006, KHG Dương Nguyệt Ánh được mời về làm việc tại Ngũ Giác Đài và đảm nhận chức vụ Cố Vấn Khoa Học Kỹ Thuật cho Phó Đô Đốc John Morgan, Tư Lệnh Phó Hải Quân, Đặc Trách về Kế Hoạch và Chiến Lược, và cho Tổng Giám Đốc Thomas Betro, Chỉ Huy Trưởng Cơ Quan Điều Tra Tội Phạm và Phản Gián của Hải Quân (Naval Criminal Investigative Service) Với chức vụ này cô Nguyệt Ánh hoàn toàn chú tâm vào chiến tranh chống khủng bố, kể cả việc áp dụng khoa học kỹ thuật của tình báo, phản gián và điều tra tội phạm vào công tác chiến trường và các sứ mạng chống khủng bố toàn cầu. Truyền hình “NCIS” đã dựa vào cơ quan có thật này để thực hiện chương trình của họ.

Sau chức vụ ở Ngũ Giác Đài đã đề cập ở trên, cô DNA hiện đang làm việc tại Bộ Nội An với chức vụ Tổng Giám Đốc Khoa Học Kỹ Thuật An Ninh Biên Giới, Lãnh và Hàng Hải cho Bộ Nội An Hoa Kỳ. Với chức vụ này cô DNA làm việc trực tiếp dưới quyền của Thứ Trưởng Nội An về khoa học kỹ thuật.

Tóm lại, cho đến nay, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh đã đóng góp 31 năm cho Hoa Kỳ trên hai lãnh vực Khoa Học và Kỹ Thuật.

Bằng khen thưởng / Huy chương

Cô Dương Nguyệt Ánh từng lãnh đạo toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo chất nổ của Hải Quân, và đã đem lại 10 chất nổ mới cho 18 loại vũ khí đang được trang bị cho Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Với thành tích kỷ lục này, KHG Dương Nguyệt Ánh được Hải Quân trao Giải thưởng cao quý Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement vào năm 2000.

Cô cũng từng là đại biểu của Hoa Kỳ ở Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (Tiểu Ban Chất Nổ), đồng thời cũng là tác giả nhiều bài viết nghiên cứu về chất nổ và đã từng thuyết trình ở rất nhiều hội nghị chuyên môn quốc tế và quốc nội (Hoa Kỳ).
Năm 2001, cô đã được trao huy chương dân sự ưu tú cho khả năng lãnh đạo xuất sắc, chuyên môn kỹ thuật và đóng góp đáng kể cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong lĩnh vực chất nổ với năng suất cao.
Năm 2004, cô được vinh danh với giải thưởng Award of Excellence for Public Service bởi U.S. Pan Asian American Chamber of Commerce.

Năm 2007, Dương Nguyệt Ánh đã được trao huy chương toàn quốc Service to America Medal for National Security (Huy Chương Phục Vụ Quốc Gia về An Ninh) và đã đươc vinh danh trong một buổi lễ ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng 9-2007. Tại buổi Lễ trao huy chương, cô DNA đã khiến cho toàn thể quan khách đứng dậy vỗ tay khi cô phát biểu: “Xin dành phần thưởng cao quý này cho 58.000 quân nhân Hoa Kỳ da hy sinh tai VN, và hơn 300.000 chiến sĩ VNCH chết trong trận chiến VN.”

Năm 2008 cô được Phó Bộ Trưởng Nội An vinh danh là Công Dân Hoa Kỳ Ngoại Hạng.

Năm 2010 cô được Quốc Hội Hoa Kỳ nêu danh là một công chức xuất sắc.

Ngoài kiến thức khoa học chế tạo bom, KHG Dương Nguyệt Ánh còn đựơc biết đến rất nhiều qua khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ quốc gia. Cô đã xuất hiện trong rất nhiều bài phỏng vấn và bình luận của những tờ báo lớn như Newsweek, Wall Street Journal, Washington Post, và loạt phóng sự truyền hình về vũ khí tương lai. cô cũng là một trong những nhân vật trong cuốn sách về những người nữ kỹ sư đã làm thay đổi thế giới, Changing Our World: True Stories of Women Engineers, xuất bản bởi The American Civil Engineers Association.