Wednesday, 6 August 2014

Những cảm nghĩ về Cám Ơn Anh kỳ 8 - Nguyễn Thị Thêm


Hôm nay ngày 3 tháng 8 Đại Nhạc Hội Cám ơn anh Kỳ 8 đã diễn ra tại Orange County.
Tôi không đi được. Đương nhiên rồi, tôi không thể đem chàng của tôi theo để bắt chàng ngồi suốt buổi mà không biết họ đang làm gì? Mà chàng có chịu ngồi yên không đó là điều đáng nói. Rồi vấn đề vệ sinh…Ôi thôi ! ở nhà coi TV   khỏe cho tôi cũng như khỏe cho chàng, mặc dù chàng của tui cũng là lính.

Trời hôm nay thật đẹp, không nóng rực lửa như mọi ngày. Khí hậu dịu dàng, mát mẻ  dễ thương tưởng chừng như mùa thu đang chuẩn bị bước về. Phải nói là ông trời cũng thương những người yêu lính, hay hồn thiêng sông núi về chứng  giám những tấm lòng vàng của người dân Việt lưu vong.
Ôi! Hai chữ lưu vong sao mà tội nghiệp và nghe buồn thấu tim thấu ruột. Một người không nhà lạc lõng trên đường. Một đứa bé mồ côi không nơi nương tựa. Một đoàn người, một dân tộc bỏ nước lưu vong nghe có thảm không trời.
Ta đã đến định cư nơi này, đã ở 20, 30 hoặc đã 40 năm . Đã mọc rễ, đã có cháu nội, cháu ngoại, có con dâu, con rễ  người Mỹ, Đại Hàn, Pakistan, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức…vì đây là nước người. Ta cũng hòa vào nồi soup đa dân tộc, đa văn hóa để lần hồi xóa dần hai chữ lưu vong. Nhưng khi nói về mình, về cội nguồn hai chữ lưu vong và tị nạn nó như nằm ngoài cửa miệng để bật ra kèm theo một nổi buồn sâu lắng.
Tôi đang nói về buổi gây quỷ cho Thương Phế Binh VNCH. Một buổi gây quỷ nhiều người ủng hộ nhất, nhiều ca sĩ nhất và là một buổi hát không phân biệt trung tâm, không tị hiềm hay dở. Tất cả đều hát bằng tất cả tấm lòng trân trọng và tri ân.

Cháu tôi đọc mấy chữ Việt trên tấm màn nơi sân khấu và hỏi mẹ

- Thế nào là Thương Phế Binh hả mẹ?.

-Là những người lính bị thương trong trận chiến. Con gái tôi trả lời:

Thế cậu Tư, Cậu Năm đi lính nếu bị thương có phải cần xin đóng góp không Mẹ?

-Không? Các cậu có quy chế riêng trong quân đội Mỹ.

- Vậy sao mấy thương phế binh này không có hả mẹ? Bộ VN không có quy chế hay sao?
Những câu hỏi ngây thơ của cháu tôi rất dễ trả lời nhưng lại gieo trong đầu nhạy cảm của bà ngoại già này nhiều suy tư và thương cảm.

Người lính đã bỏ lại chân, tay ngoài chiến trường. Họ đã đổ máu xương vì bổn phận và trách nhiệm.  Họ bị đuổi ra khỏi Tổng Y viện Cộng Hòa trong nổi đau xé da xé thịt và tan nát con tim. Ngơ ngác trước một thành phố tan tác trong giông bão. Họ là những người con thương tật của tổ quốc bị vất ra khỏi lề cuộc sống. Người khỏe mạnh còn không có bo bo để ăn thì với tấm thân tàn phế họ thảm thương biết ngần nào. Gần 40 năm lăn lóc tấm thân tàn họ nuốt nước mắt vào lòng để sống. Để chờ đợi, để chịu đựng và để nhìn đời. Để thấy chính nghĩa thuộc về ai. Để trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn họ hảnh diện về màu cờ, sắc phục. Họ đau thương nhưng họ hảnh diện về lý tưởng của mình.
Đúng là sau cơn bão đỏ mọi người miền Nam đều bị tang thương. Nhưng tang thương bi hận nhất chính là những anh thương phế binh. Không có một cuộc cứu xét nhân đạo  nào cho họ dù họ mới thật là những người chống Cộng. Họ mới là những người lính đúng nghĩa bảo vệ cho hai chữ tự do.
Hôm nay chúng ta tổ chức ngày Đại Hội Cám Ơn Anh là một chút lòng nghĩ về họ, cho họ một chút quà bằng tấm lòng thương mến. Cho nụ cười họ thật sự nở ra trong sung sướng vì bạn bè vẫn không quên họ dù đã bao nhiêu năm qua.
Tôi có một người bạn thương phế binh thật dễ thương. Mỗi khi nghĩ tới em tôi vừa xúc động vừa mến phục.. Em ấy vào lính khi tuổi đời còn rất trẻ. Đúng là “ Xếp bút nghiên theo việc đao binh”. Em sinh năm 1953 nghĩa là  30/4/75 em mới vừa 22 tuổi. Em chưa lập gia đình và có một tương lai đầy tươi sáng. Tôi không biết em nhập ngũ ngày nào nhưng tôi biết em ở Tiểu đoàn 1 Sư đoàn 18 bộ binh. Ngày 01 tháng 6 năm 1974 ( nghĩa là mới 21 tuổi) em bị thương nặng và là một thương phế binh với cấp độ tàn phế loại 3,  một trái thận bên tay phải đã bị cắt bỏ. Em đã bị bán thân bất toại, liệt hai chân 100%


Bão đời hất tung em ra vĩa hè thành phố và người chị đáng kính đã đem em về chăm sóc từ đó tới giờ. Vết thương càng ngày càng nhức nhối do đạn trong thân thể vẫn còn. Và quả thận còn lại bên trái  bây giờ đã suy rất nặng. Thỉnh thoảng phải đi lọc máu và uống thuốc trường kỳ.

40 năm nằm một chỗ. Hai chân teo lại thảm thương. Những đêm dài mất ngủ triền miên. Vết thương như như một con quỷ dữ tàn phá cơ thể em ,gây cho em đau đớn hàng ngày, hàng giờ. Em bây giờ không còn là một người còn trẻ. Em đã trên 60 nhưng nghị lực chịu đựng phi thường để được sống còn.

Thương em lắm. Em chỉ nhìn cuộc đời qua cửa sổ và liên lạc bên ngoài qua màn hình của chiếc laptop. Thế nhưng em luôn nhìn thế giới bằng con mắt lạc quan. Em tìm hiểu sưu tầm trên net và gửi cho bạn bè những bài văn hay, những châm ngôn thật quí giá, những lời giảng, lời dạy của đức Phật. Nhất là em làm thơ, làm video thật tuyệt vời.

Nếu bạn có vào youtube. Hãy bấm vào hai chữ Bùi Phương, bạn sẽ thấy youtube em làm ra thật tuyệt vời. Vừa hay, vừa đẹp vừa lãng mạn và đầy tình người.
Em là vậy. Người thương phế binh VNCH kiên cường như vậy. Như bao nhiêu anh em thương phế binh mình đã thấy trên những diễn đàn. Họ đói, họ khổ, họ tàn tật nhưng họ bất khuất. Họ luôn luôn nghĩ đến đồng đội để an ủi và giúp đở lẫn nhau, kể cả những tử sỉ trong nghĩa trang cũng được họ thăm viếng mỗi khi lễ, Tết.

Bùi Phương từng gửi cho chúng tôi xem hình những anh em thương phế binh đến thăm em. Nhìn họ tôi vô cùng cảm phục. Các anh đi được dù một phần thân thể bị thương hay tàn tật, nhưng không quên người em nằm một chỗ không thể xê dịch. Vài phút thăm viếng cũng làm ấm lòng và cho Phương thấy bầu trời vẫn còn xanh qua khung cửa sổ nhỏ hẹp, nghèo nàn.

Đại nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 8 đã khép lại. Những Nghệ sĩ đã đem tiếng hát mình phục vụ đồng bào và cũng ôm thùng tiền xuống tận khán giả để xin tiền. Những cú phone liên tiếp gọi vào ủng hộ. Những mạnh thường quân đã đấu giá cao để mua những món  giá trị  (tôi nghe  tranh của họa sĩ Nguyễn ngọc Hạnh đã được đấu giá về cho hội đến 25.000$ ). Tôi nghe anh Nam Lộc tuyên bố lúc 7 giờ chiều cùng ngày là số tiền vào lúc đó tổng cộng 509.627$.

Sau đó tôi bận lo cho ông xã không biết cuối cùng được bao nhiêu.

Cám ơn những người đã tổ chức buổi Đại nhạc hội Cám Ơn Anh. Cám ơn các ca sĩ và những mạnh thường quân. Cám ơn những người đã đóng góp công sức cho ngày Đại hội thành công. Cám ơn bà Hạnh Nhơn một người ân nhân của lính, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn một lòng lo cho những thương phế binh tại quê nhà

Mùa Vu Lan ta thường lên chùa lễ Phật, cầu nguyện cho hai đấng sinh thành. Tại sao ta không thêm một lời nguyện.

Nguyện cho tất cả các anh thương phế binh được giảm mọi sự đau đớn, bệnh tật và có một cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nguyễn thị Thêm.

TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH - Thơ BP - Tô Quốc Thắng Phổ nhạc &Trình bày