Cuộc biểu tình của dân chúng và sinh viên học sinh Hong Kong đang diễn ra đã được báo chí Việt Nam đưa tin một cách toàn diện ở những góc nhìn khác nhau. Hiện tượng này đã đặt ra nhiều dấu hỏi liệu có sự thay đổi nào đó trong nội bộ các tờ báo hay còn một tín hiệu nào khác trong đảng Cộng sản Việt Nam nhất là từ Ban Tuyên giáo trung ương?
Hong Kong là một trong các nước gần gũi với Việt Nam từ nhiều chục năm nay. Từ trước năm 1975, Hong Kong được người dân Việt Nam biết đến như một thể chế dân chủ mặc dù sống dưới sự bảo hộ của Anh quốc. Cho tới năm 1997, khi Anh trao trả đảo quốc này về cho Trung Quốc trở thành một đặc khu hành chính của Bắc Kinh thế giới lo ngại một cuộc chuyển đổi thể chế chính trị từ dân chủ sang độc tài sẽ khiến Hong Kong trở thành rối loạn và làn sóng di dân sẽ xô người dân Hong Kong vào những chuyến đi bất định.
“Một quốc gia hai chế độ” bảo đảm cho dân chúng Hong Kong tiếp tục chọn lựa hệ thống chính trị cho mình, tức là mọi thứ quyền mà một quốc gia dân chủ có được trong đó có quyền bầu và ứng cử.
Bắc Kinh chấp nhận sự nhân nhượng này vì mục đích kinh tế, muốn nắm giữ ưu thế tài chánh mà Hong Kong có được vì là một trong ba thủ đô tài chính của thế giới lúc đó. Sau London và New York, trung tâm tài chính Hang Seng của Hong Kong đã làm bước đệm không thể thiếu cho tài chánh Trung Quốc. Thời cơ lợi dụng có thể đã đủ khiến Bắc Kinh có quyết định cứng rắn hơn với Hong Kong khi tuyên bố cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2017 Hong Kong sẽ phải theo khuôn khổ “Bắc Kinh cử còn dân Hong Kong đi bầu”, một kịch bản mà tất cả các nước cộng sản đều áp dụng.
Người dân Hong Kong không chấp nhận sống hoàn toàn trong thế giới cộng sản căn cứ vào văn bản ký kết giữa Anh quốc và Trung Quốc trước đây. Họ cảm thấy bị bội ước khi quyền tự do ứng cử và bầu cử của họ bị xâm phạm. Sinh viên, học sinh trung học cấp ba và cuối cùng là dân chúng cùng nhau xuống đường phản đối đã đẩy Hong Kong ra trước truyền thông toàn thế giới, trong đó có báo chí Việt Nam.
Nguyên nhân cuộc xuống đường vĩ đại nhất của dân chúng Hong Kong trong hơn hai chục năm qua được tờ Thanh Niên nhắc lại trong các bài viết của mình. Tiểu sử của chàng thanh niên Joshua Wong, người hai lần lãnh đạo thanh niên Hong Kong chống Bắc Kinh được tờ Thanh Niên trân trọng đưa lên và lượt người đọc chiếm con số kỷ lục. Các tờ báo khác như Dân Trí, Người Lao động, Giáo Dục, VNEspress hay VNEconomy, Vietnamnet đều có bài vở hình ảnh của cuộc cách mạng mang tên “cây dù” của Hong Kong.
Báo chí lên tiếng, truyền thông im lặng
Tuy nhiên khác với báo chí, các cơ quan truyền thông chính thống của Đảng vẫn giữ im lặng trước cuộc cách mạng này. Nhà báo Phạm Đình Trọng cho biết nhận xét của ông về sự liên quan này:
Tình hình Hong Kong nó giống như Việt Nam, cũng đảng cử dân bầu nhưng dân Hong Kong họ phản đối quyết liệt điều này, tức là cho bầu ai thì bầu người ấy thành ra nó rất giống Việt Nam, rất giống hoàn cảnh Việt Nam đã diễn ra mấy chục năm nay rồi tuy nhiên dân Hong Kong mới diễn ra thì họ đã không chấp nhận.
Các báo lớn của nhà nước hay đài truyền hình, thông tấn xã hay báo Nhân Dân…họ im lặng có đưa đâu? Bởi vì nếu họ đưa thì nó sẽ là cái tin hướng dẫn, tin làm gương cho người dân Việt Nam nó sẽ kích thích và liên tưởng đến Việt Nam rất rõ.
Sự im lặng này cũng bình thường như đã từng xảy ra trong các cuộc cách mạng trước đây ngoại trừ chưa có bài xã luận nào của báo chí trung ương phê phán gay gắt cuộc biểu tình như quan điểm của Nga và Trung Quốc. Nhà báo Lê Phú Khải, nguyên phóng viên đài Truyền hình Trung ương cho rằng việc này cũng có thể do xu thế của người làm báo nắm thời cơ và loan tin khi chưa bị cấm cản:
Theo tôi xu thế của anh em làm báo nói chung, bất kỳ những ai có máu làm báo thì đều muốn đưa những thông tin nóng hổi thu hút người xem đó là quy luật chung. Nếu bây giờ hiện tượng xảy ra ở Hong Kong như thế thì tôi nghĩ rằng ai có máu làm báo thì đều phải đưa. Đến khi nào nhà nước người ta thấy không có lợi thì người ta ngăn cấm thì đó là chuyện khác. Quy luật chung không ai muốn tờ báo của mình chả ai đọc cả.
Tôi nghĩ vấn đề này nó xa xôi đối với Việt Nam nó không sát nách, không sát sườn người ta nghĩ rằng không có gì phải làm cho nó căng thẳng lên để rồi lại mang tiếng là mình bưng bít thông tin. Ngày xưa ông Võ Văn Kiệt có nói một câu mà tôi còn nhớ đó là “nếu như trận địa mình bỏ trống thì lập tức sẽ có người đứng vào chỗ đó, người ta sẽ chiếm lĩnh trận địa đó”. Thế thì nếu bây giờ một hiện tượng như thế anh không nói thì báo chí toàn cầu nó nói, tất cả mọi người đều nói. Tôi nghĩ rằng nếu tôi là người điều hành thì tôi cũng để cho nói chứ không có gì phải lo cả, đây là xu thế của thời đại rồi.
Khi được hỏi liệu thông tin về tự do bầu cử của Hong Kong có làm cho dân chúng Việt Nam so sánh và nảy sinh cảm giác bị áp đặt hay không, nhà báo Lê Phú Khải cho biết:
Đặc biệt là số đông giới trí thức có học thôi. Tình trạng chung của nước mình mưu sinh nó còn chiếm tất cả mọi suy nghĩ, tình cảm của họ cho nên sự suy diễn đó nó chỉ xảy ra trong một tỷ lệ dân số không lớn, người ta nghĩ như thế nên người ta lờ đi. Khi nào nó sát sườn với Việt Nam, những người có ý thức chính trị thì nhà cầm quyền người ta mới can thiệp thôi.
Tuy nhiên không phải tờ báo nào cũng tường thuật mọi góc cạnh của cuộc cách mạng này. Báo Tuổi Trẻ, nơi từng nổi tiếng khi loan các tin tức nhạy cảm trước đây đã tỏ ra thụt lùi trước các tờ báo bạn. So với Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã bỏ lỡ cơ hội lớn trong việc đưa tin về biến cố quan trọng này. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người làm việc cho tờ Thanh Niên hơn 15 năm nay đã về hưu cho biết:
Tờ báo Thanh Niên từ đó tới giờ vẫn là tờ báo tiến bộ, vẫn tìm mọi cách để phản biện trong khuôn khổ cho phép cũng giống như một số cán bộ nhà nước mình hiện nay, thấy Đảng của mình sai lầm mà nói thì không dám nói nhưng nếu có cách thì vẫn cứ nói. Thanh Niên trong dạng này báo Tuổi Trẻ cũng vậy, nói được cái gì mà không cấm thì cố gắng thể hiện. Trong vụ Hong Kong có lẽ báo Thanh Niên muốn đưa thông điệp nào đó đến với bạn đọc.
Vì báo Thanh Niên là báo của trung ương còn báo Tuổi Trẻ là của Thành đoàn do Thành ủy kiểm soát có khi một ông thành ủy nào đó hăm he cho nên báo Tuổi Trẻ người ta sợ. Báo Thanh Niên thuộc Trung ương đàon mà trung ương chưa hăm he nên người ta làm được.
Cuộc cách mạng của Hong Kong tuy chưa lớn và đủ mạnh để thay đổi một thể chế nhưng cũng cho thấy phản ứng của người dân Hong Kong trước quyền thực hành dân chủ là quan trọng như thế nào. Liệu sau khi đọc các bài báo trung thực trên những tờ lề phải có khiến người dân Việt bừng tỉnh hay không, và nếu họ bừng tỉnh trong một ý nghĩa nào đó thì việc xét lại các bài báo có bị Đảng triệt để áp dụng?