(Tặng Nguyễn Thị Hợp)
Tôi và Hợp,
Là hai đứa bạn cùng xóm,
Tuổi trẻ con mới lớn,
Tuổi mười bốn, mười lăm,
Cùng vui chơi nghịch ngợm,
Những buổi chiều rủ nhau đi chơi xa,
Hai đứa thay phiên chở nhau trên chiếc xe đạp cũ,
Tìm chỗ bắt bướm hái hoa.…
Qua chợ Hạnh Thông Tây,
Một bên là trại Tả Ao,
Một bên là chùa Huỳnh Kim,
Qua một ngôi nhà thờ cổ,
Và chùa Thới Hoà,
Hướng về phía Chợ Cầu,
Con đường chạy dài,
Dẫn đến một vườn xoài rộng,
Hai đứa đứng ngoài cổng ,
Nhìn ngôi biệt thự nằm giữa vườn xoài, *
Chẳng mơ được vào trong ngôi biệt thự,
Chỉ mơ được trèo vào hái qủa,
Những qủa xoài xanh non,
Về nhà chấm muối ớt ăn ngon.
Đối diện bên kia đường là một nghĩa trang,
Nghĩa trang quân đội,
Có con đường trải sỏi,
Có những ngôi mộ cũ mới,
Nằm im trong nắng chiều rơi,
Hai đứa cùng nhát gan mà cùng thích “phiêu lưu”,
Đi vào nghĩa trang ,
Thăm những ngôi mộ không quen,
Lướt qua từng hình ảnh tử sĩ,
Đọc những họ tên,
Đọc ngày sinh, ngày tử,
Thương người lính,
Tuổi đời còn trẻ,
Tuổi yêu đời mà đã phải lìa đời..
Đứng trước mộ bia hai đứa thành tâm khấn nguyện đôi lời:
“Hai chúng em không có hoa thơm,
Không có bó nhang,
Nhưng chúng em sẽ cúng lạy mười phương,
Cho vong hồn các anh chiến sĩ,
Ngàn đời yên nghỉ ”
Những lần đến nghĩa trang,
Tôi và Hợp đã chứng kiến những chuyến xe nhà binh,
Chở quan tài phủ lá cờ vàng,
Chầm chậm vào nghĩa trang,
Và người ta cử hành tang lễ..
Người mẹ, người vợ khóc lóc kể lể,
Những vành khăn trắng quấn trên đầu đứa trẻ thơ ngây,
Hai chúng tôi biết buồn từ đây,
Hai chúng tôi thương người lính từ đây.
Cuộc chiến tranh càng ngày càng khốc liệt,
Nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp,
Hàng hàng lớp lớp,
Ngội mộ chưa kịp khô đất,
Ngôi mộ chưa kịp xây cất,
Như nỗi đau của người thân các anh chưa thể nào nguôi.
Tôi và Hợp,
Đã rưng rưng cảm xúc,
Đã khăn tay đưa lên chậm nước mắt,
Khi đứng trước bàn thờ người lính “Vị quốc.vong thân”,
Tất cả các tử sĩ, tất cả các anh,
Tôi và Hợp đều nhận là người thân của mình.
Sau nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây,Gò Vấp, **
Là nghĩa trang quân đội Biên Hòa,
Bao nhiêu người vào cuộc chiến,
Bao nhiêu người đã buông tay rời cuộc chiến,
Để bức tượng “ Thương Tiếc”
Mãi mãi là bức tượng buồn.
Tôi và Hợp,
Thời con gái lớn lên cùng với chiến tranh,
Hai đứa cùng mơ chuyện xa xăm,
Mơ người lính đi ngoài sương gío.
Như ngày xưa còn nhỏ,
Hai đứa có nhiều điểm chung,
Khi đến tuổi lấy chồng,
Cả hai đứa đều là vợ lính.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( August, 28, 2014 )
.* Vườn xoài của luật sư Trịnh Đình Thảo.
** Sau 1965 nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp đã đầy, tiếp nối là nghĩa trang quân đội Biên Hòa.