Tuesday, 2 September 2014

Tâm sự của một... "nguyên" cháu ngoan bác Hồ nhân ngày 2.9













Em Bụi (Danlambao) - Trước hết, Em Bụi gửi lời cảm ơn tất cả cô bác, anh chị em còm sĩ đã dành cho Bụi một tình cảm, một sự ưu ái đặc biệt trong bài "Tôi là một Thành viên Dân Làm Báo". Bởi trước đó, sau khi viết xong bài, Bụi đã đắn đo mất gần một ngày chỉ để đưa ra quyết định "gửi bài" hay "không gửi bài" tới BBT. Bụi sợ khi đọc bài, mọi người sẽ cho là sến, là ngốc xít, hơn nữa Bụi lại mới ngoài 20, đang sống giữa mảnh đất Hà Thành, kinh nghiệm không có nhiều, mọi suy nghĩ, hiểu biết còn nông cạn, để viết một bài và phân tích sâu sắc như những tác giả trên Dân Làm Báo thì... thực sự quá khó đối với Bụi. Nhưng đọc những comment của mọi người, Bụi có một cảm giác ấm áp trong lòng và được khích lệ rằng "cứ viết tiếp đi, hãy viết những gì mình nghĩ, mình cho là đúng, đừng xuyên tạc láo khoét như các trang báo của đảng và nhà nước... là được". Hay như lời khích lệ của một người anh sau khi đọc bài của Bụi "you see, just write it down!!!"....

Bài viết này ra đời sau cuộc nói chuyện trao đổi về "cụ Hồ" với một người em mới tốt nghiệp trường Luật, Bụi hay gọi "hắn" là "Luật sư thối" - một người luôn ủng hộ mọi quyết định của Bụi, tuy nhiên nhiều lần khuyên Bụi đừng tham gia các hoạt động này nữa, bởi em sợ sẽ mất Bụi, sợ Bụi phải "ngồi tù"...

Bụi: Em, nếu bây giờ chị nói với em về con người thực của cụ Hồ, nói không tốt về cụ... em có giận, ghét hay nghỉ chơi với chị không?

Luật sư thối: e không ghét chị, mỗi người đều có một tư tưởng riêng.

Bụi: Nhưng em nghĩ thế nào? điều đó đúng hay sai?

Luật sư thối: Đối với em thì em tin, em tin Bác.

Bụi: Ừm, có khi nào em tìm hiểu và đọc một tài liệu ngoài luồng không?

Luật sư thối: em có, sau những gì chị chia sẻ, em có tìm và đọc hết, nhiều khi em nghĩ...

Bụi: Em nghĩ gì? Chị chưa bao giờ chia sẻ với em quan điểm của chị về "bác".

Luật sư thối: Nếu thật sự có một bên thứ 3... Thôi em không nói chuyện đó với chị, em sẽ không bao giờ nói chuyện đó, và không bao giờ có chuyện đó.

Bụi: Why not? Chị muốn nghe tâm sự của một luật sư.

Luật sư thối: Em biết chị có tư tưởng của riêng mình, đó là quyền tự do dân chủ của mỗi người, em yêu chị vì chị là chị của em. Ngoài ra những thứ khác không quan trọng.

Bụi: Thế bây giờ chị thử viết một cái gì đó, đại loại về "cụ"... được không hén?

Luật sư thối: Chị viết đi... em sẽ đọc.

...

*

Và Bụi đã viết sau đó. Viết về hành trình "đến và đi" của mình đối với một người mà từ khi Bụi sinh ra và trưởng thành đã bị gắn sâu vào trong tâm hồn ngờ nghệch của mình một mỹ từ: "cha già dân tộc".

Thời trẻ trâu và hình tượng cụ Hồ

Cái thời mặc quần luôn có 2 cái "ti vi" (mảnh vá) ở mông, Bụi giống như bao đứa trẻ khác trong làng, lúc nào cũng phấn đấu có được thật nhiều điểm 10 để "dâng bác", ráng học thật giỏi thật ngoan để mang trên mình danh hiệu cháu ngoan "Bác Hồ". Nhưng cuối kỳ có một điều lạ, cái thèng cùng bàn chuyên gia chôm cục tẩy và bắt nạt Bụi cũng như các nữ trong lớp... cũng có danh hiệu "cháu ngoan Bác Hồ". Thiệt là bất công. Nhưng không sao, chắc ai đi học cũng có danh hiệu 'cháu ngoan Bác Hồ'.

Hồi đó, Bụi với đám bạn đâu biết bác Hồ là ai, chỉ biết ảnh, tượng bác được dán khắp nơi, tới trường có, về nhà cũng có (nhà Bụi thì đặc biệt hơn, vì là người Công Giáo nên chỉ thờ phượng một Đấng duy nhất là Thiên Chúa)... rùi đứa nào cũng phải thuộc làu làu 5 điều bác Hồ dạy; người lớn, cô giáo thì chỉ "bác là chủ tịch Hồ Chí Minh là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, các con phải yêu kính bác..." Nhiều hôm mấy đứa chơi trò gia đình, lấy đất nặn nặn bóp bóp, cuối cùng cũng ra 1 hình 'qoái qoái' và gọi là tượng "bác Hồ", chúng nó kêu đặt "trong nhà" cho đầy đủ tiện nghi.

Lớn lên một chút, Bụi luôn phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh gương mẫu, rồi bất chợt cũng nhận ra rằng "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim" (Từ ấy - Tố Hữu)... Trời ơi, lúc ấy đoàn, đảng, lý tưởng của bác đẹp vô cùng tận, biết ai đã được kết nạp vô đảng là mắt sáng long lanh đầy lòng ngưỡng mộ...

Rồi những ngày cấp 3 đi trọ xa nhà, đêm nào cũng nằm nghe radio, tự nhiên có kênh nào đó nói về công hàm 1958 (lúc ấy không biết nó là cái gì), điều làm Bụi chú ý là họ dùng cách xưng hô rất lạ, nào là ông Hồ, ông Đồng, ông Giáp... Ủa, ông Hồ... ông Hồ là ai ta? Phải chăng là bác Hồ? ừ đúng rùi, vì họ có nhắc tới Hồ Chí Minh, nhưng tại sao họ lại gọi là ông Hồ? Tại sao họ gọi Hồ Chí Minh mà không phải chủ tịch Hồ Chí Minh? hay đó là cách gọi 'thân mật'?...

Ngày hôm sau, trong giờ lịch sử, lóc cóc lên hỏi thầy, "ủa thầy, sao người ta không gọi bác Hồ, hay chủ tịch Hồ Chí Minh mà chỉ gọi ông Hồ, hay Hồ Chí Minh thầy?". "Em nghe ở đâu vậy? Đó là những tư tưởng phản động, không được nghe những tư tưởng đó nữa". Phản động?! tự nhiên Bụi thấy rùng mình, và hơi sợ (ngày đó, trong suy nghĩ non nớt, Bụi tin phản động là những con người thật sự ghê sợ, và là những thành phần khủng bố cần phải tránh xa). Bụi stop, không bao giờ nghe lại nữa. BBC, VOA, RFA... đang sống Bụi cho chúng chuyển sang từ trần. Hình ảnh bác vẫn đẹp trong em. Bác đang từ trần nhưng vẫn sống mãi trong em!

Lên đại học, những chương trình thiện nguyện của CLB luôn chất chứa hình ảnh bác ở trong đó, viết thư ngỏ xin tài trợ cũng dẫn 2 câu "yêu thích":

"Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan"...

Nhiều em từ miền núi xuống, Bụi liền dẫn tới thăm lăng Bác; tết Trung thu, tết Thiếu nhi là lên ngay kế hoạch dẫn những em khuyết tật, em có hoàn cảnh khó khăn trong nội thành Hà Nội tới thăm lăng bác Hồ...

Như vậy đó, hình ảnh Hồ Chí Minh luôn sống cùng chúng cháu mọi lúc mọi nơi mọi hành động... Những bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...", "Ai yêu bác Hồ Chí Minh...", "Bác Hồ người cho em tất cả"... là chúng em thuộc làu làu, thuộc tới tới mức hay ví von, dù có bị đập đầu vào tường vẫn có thể ngóc đầu dậy hát hết bài mới chết được. Hay cứ đến rằm tháng 8, là nghĩ ngay tới câu thơ...

'Trung thu Trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".

Yêu nước là yêu đảng hở bác?

Hồi mới tham gia vào bước đi trên con đường phản động, Bụi cứ phơi phới như gái nhà quê mới lên tỉnh, thấy được những điều lạ lẫm là mang ngay về làm quà cho những người 365 ngày chỉ biết tiếp cận thông tin từ màn hình tivi hay trên radio. Đi đâu cũng kể về những hoạt động của mình, kể về người bạn, người anh mới quen, kể về cảm xúc khi xuống đường biểu tình hay kể về những vụ án oan, những phiên tòa "bỏ túi" mà Bụi trực tiếp tham gia...

Có nhiều người lắc đầu nói "việc đó đã có đảng và nhà nước lo", "con bé này được bố mẹ cho ăn học 4 năm trời rồi về làm phản động, thật không tin nổi". Bố con bạn thân nhất thì góp ý: "cháu làm gì thì làm chú không ngăn cản, nhưng tuyệt đối không được nói xấu bác Hồ - vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc". Và không riêng gì chú ấy, rất rất nhiều người đều phán "có thể nói xấu các vị lãnh đạo, nói xấu đảng và nhà nước nhưng tuyệt đối không được nói xấu bác Hồ". (Từ lúc sinh ra, hầu như tất cả trẻ con trong làng ngoài việc được tuyên truyền bởi trường lớp, báo đài thì bố mẹ cũng là người trực tiếp truyền đạt cho văn hóa "yêu bác hồ".)

Lúc đó thì Bụi chưa hề biết sự thật về ông, nên cứ dạ dạ vâng vâng và nhe răng cười, nhưng đến một hôm vô tình xem được một video phơi bày sự thật của Hồ Chí Minh (trái ngược với những gì mình được nghe được kể), Bụi đã bị... sốc nặng. Phản ứng ban đầu của Bụi (có lẽ giống như bao nhiêu người khác từng yêu quý bác) là nổi giận, tức tối, ngột ngạt, cảm giác như chính bản thân mình bị xúc phạm vậy... Nhưng càng đọc, đọc thêm, đọc thêm nữa, và từ những dẫn chứng, hình ảnh, tài liệu (bằng tiếng Anh, tiếng Việt) cụ thể đã chinh phục được Bụi. Và Bụi tin, tin một cách có khoa học, cơ sở, lý luận, dựa vào bằng chứng chứ không mù quáng, tin Hồ Chí Minh là kẻ buôn dân bán nước, tất cả những gì ghi trong sách vở về ông tại Việt Nam là một sự bịa đặt, giả dối, nó chỉ nhằm mục đích xây dựng ông như một vị thánh đã chết nhưng sống mãi trong lòng dân tộc.

Yêu nước không thể yêu "bác". Yêu "bác" đồng nghĩa với yêu những tội ác "bác" đã làm. Và điều mà Bụi làm được lúc đó là share những video, những bài mình đọc được lên FB, tuy nhiên chỉ nhận lại được một cái nhìn "hình viên đạn", mọi người nhảy vào chửi bới, dọa nạt như thể Bụi là tác giả của của những bài viết kia vậy. Thấy một chút gì đó tủi thân và thương cảm, thương cảm cho những người chỉ mù quáng tin vào một sự thật nhưng không phải là sự thật, thương cho những người đọc nó nhưng lại hất hủi và không một lần đặt ra câu hỏi "có phải đây mới là sự thật?".

Quay lại những gì chúng ta được biết trong sách lịch sử (cấp 2, cấp 3), mọi người có thấy điều gì đó kỳ lạ không? Mọi người đã bao giờ đặt ra câu hỏi trong cuộc CCRĐ (1953-1957), tại sao bác lại "để 200.000 người dân già, trẻ, gái trai phải chết một cách oan uổng đau đớn, nhiều người thân nhân không được phép chôn cất, xác bị để phơi mưa phơi nắng..."

Bác vĩ đại, vậy tại sao lại làm một việc thất đức tới không tưởng. Hổ dữ cũng không ăn thịt con, mà ở đây những 200.000 con của đất Việt. Đặc biệt sau khi kết thúc cuộc CCRĐ ông còn lớn tiếng khẳng định rằng, CCRĐ là "một thắng lợi vô cùng to lớn" và "có thắng lợi này là nhờ đảng và chính Phủ ta có chính sách đúng đắn" (Trích trong một lá thư, đề ngày 18/08/1956, gởi đến "đồng bào nông thôn" nhân dịp CCRĐ căn bản đã hoàn thành). Vậy theo mọi người, thắng lợi đó là việc giết chết người dân một cách oan uổng, thắng lợi là việc đưa cả bố mẹ mình ra để đấu tố (Trường Chinh Đặng Xuân Khu), hay thắng lợi trong việc xử bắn một người phụ nữ (Bà Nguyễn Thị Năm ở Đại Từ - Thái Nguyên) đã từng che giấu, nuôi dưỡng các lãnh đạo cấp cao trong quá trình hoạt động bí mật như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản...

Bác vĩ đại thế sao?...

Hay trong cuộc cách mạng văn hóa chống Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP - nơi quy tụ những người trí thức can đảm nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ 1957-1960), hàng ngàn Trí thức, Nhà Văn, Nhà báo có tư tưởng dân chủ bị vào tù, nhiều người bị chết trong ngục tối khi họ chỉ muốn hướng tới một quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật thực sự và mục đích của họ là giúp cho sự tự do suy nghĩ, tự do trong sáng tác của các văn nghệ sĩ... Điều họ làm là sai?

Đó chỉ là 2 tội ác điển hình và ghê tởm nhất do ông Hồ Chí Minh đứng đằng sau chỉ đạo, chưa kể tới những sự thật như, ông là ai? ông đã bán đứng cụ Phan Bội Châu như thế nào? Trong chiến dịch "chống xét lại" (từ năm 1963) ông đã bức hại bao nhiêu đảng viên, đồng chí của ông? ông đã chỉ thị Phạm Văn Đồng ký công hàm 1958 bán nước ra sao? Hay trong chiến dịch tết Mậu Thân (1968) ông đã có trách nhiệm tàn sát bao nhiêu người dân thường tại Thành Phố Huế?... Còn nhiều lắm, nhiều lắm, nhưng chúng ta có bao giờ được biết trọn vẹn sự thật?...

Tất cả những việc ác của ông đã làm băng hoại toàn bộ giá trị văn hóa và đạo đức dân tộc, "tái bản'"một loạt những con người có "tư tưởng đạo đức" giống ông và hệ quả thì kéo dài cho mãi tới ngày hôm nay.

Để tiếp nhận những thông tin này và tin vào điều đó thực sự là rất khó, nhưng tin Bụi đi, hãy một lần đọc và suy ngẫm, hãy một lần đưa lịch sử trong sách ra mổ xẻ, hãy một một lần đi tìm kiếm sự thật... bạn sẽ được rất nhiều...

Hãy nghĩ đến những người như Bụi trước đây

Đến đây thì Bụi là nhớ đến con nhỏ bạn luật sư thối. Nó là một người rất tốt, giàu tình cảm, thương người. Bụi cũng nhớ đến nhiều đứa bạn khác nữa bi chừ vẫn mê bác như bác mê các cháu nhi đồng. Bụi nhớ lại Bụi của mới mấy năm về trước, nhớ lại những cảm xúc giận dữ khi đọc những điều thô tục xúc phạm đến "bác của mình". Nhớ hết để muốn thưa với các bác, các cô, các chú và các anh chị một điều rất thành thật:

Nếu muốn xóa bỏ "thần tượng" thì nên nghĩ đối tượng nhắm đến là những người như Bụi hôm qua, như con nhỏ luật sư thối ngày hôm nay, những người xem "bác" như là "thần tượng". Viết làm sao, trình bày như thế nào, thái độ lọc lựa ra sao để cho những nhỏ bạn của Bụi có thể tò mò đọc tiếp và tìm hiểu xem người ta nói về "thần tượng" của mình ra sao, thay vì khó chịu quay đi. Đối tượng của các cô chú không phải là những người đã biết rõ Hồ Chí Minh là tội đồ dân tộc, để rồi nói, viết cho họ đọc, hay chửi Hồ Chí Minh cho nhau nghe mà thôi. Cách đó sẽ làm cho con luật sư thối nó bám cứng vào ông "Bác" của nó mà thôi.



Theo thiển ý, "ca tụng Hồ", "thần tượng Hồ" là một thứ nặng hơn ma túy cho mọi giới, lứa tuổi tại VN (nhất là miền Bắc và một số tỉnh miền Tuung) như thuốc phiện, hay cần sa, nhẹ nhất là thuốc lá.

Biết nó là độc mới là bước đầu. (Qua sự thật, không có tính cách tuyên truyền, phản tuyên truyền hay theo đuôi, hoặc ba phải)
Nhìn nhận mình đã nghiện là bước hai.
Ý thức rằng không bỏ là chẳng những chết mình mà cả gia đình, con cháu, đất nước là bước thứ ba.
Dám can đảm nhìn nhận là chính "mình" đã vô tình hay cố ý nằm trong mạng lưới buôn ma túy là bước thứ tư.
Tình nguyện cai nghiện là bước thứ năm.
Thành công trong vệc cai nghiện là bước thứ sáu.
Không bị bọn "bạn cũ" tẩy chay là bước thứ bẩy.
Không bị lũ bán buôn ma túy gộc trừ khử là bước thứ tám
Có can đảm hội những người cai nghiện lại là bước thứ chín
Phát động phong trào chống cai nghiện là bước thứ 10.

0o0

Tính ra cái bệnh "ghiền thần tượng bak Hồ" còn ghê hơn ma túy một bực.

Nó thoả mãn sự ngu dốt, tự ti, háo thắng, hèn, ác, đạo đức giả, trên đội dưới đạp, mê tín một cách "tân tiến", "lý tưởng cách mạng không tưởng", "quốc túy" hạn hẹp, tự vinh thăng, tự xếp hạng nhất cho mình ... 

Chỉ có người nghiện mới tự cai nghiện được. 

0o0

Sự cai nghiện có thể đưa đến cái chết của con bệnh.

0o0

Cái giá của sự trưởng thành rất lớn.
Cái giá của sự tự do rất lớn.

Đạt được sự trưởng thành và tự do hay nô lệ và ấu trĩ là thử thách đương nhiên mà ai cũng phải trải qua. 

0o0

Còn loại "ca tụng bak Hồ" từ ngoài hệ thống thì chỉ là xài ma túy cho dzui thôi. Chẳng cần cai làm gì.


Đinh Thế Dũng