Tin THVNDC 12 tháng 10, 2014: Theo nguồn tin từ Tập Hợp Vì Nền Dân Chủ, cuộc thương thảo hợp tác giữa đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), và đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) để một chương trình của đài VOA được phổ biến hàng ngày qua chương trình của đài VOV đã chấm dứt, không có cơ hội tiếp tục.
Vào ngày 08 tháng 10 vừa qua, một phái đoàn đại diện tổ chức Tập Hợp Vì Nền Dân Chủ có trụ sở tại vùng Thủ Đô Washington đã hội kiến tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với một số giới chức cao cấp tại đây, để thảo luận về một số vấn đề quan trọng liên quan tới tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Ngoài Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân hướng dẫn phái đoàn THVNDC và các thành viên gồm BS Thể Bình và Cô Vân Anh, còn có sự hiện diện của ông Đoàn Hữu Định, Chủ Tịch Cộng Đồng VN vùng Hoa Thịnh Đốn, và ông Võ Thành Nhân, Giám Đốc chương trình SBTN Washington.
Hiện diện về phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gồm có các ông Scott Busby, Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao Động, bà Susan O' Sullivan, Cố vấn thâm niên tại Bộ Ngoại Giao và ông Ryan Fiorisi, đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động tại văn phòng Á Châu và Thái Bình Dương.
Mở đầu cuộc thảo luận, ông Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng đã vui mừng loan báo quyết định chấm dứt cuộc thảo luận về dự án hợp tác giữa đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, và đài Tiếng Nói Việt Nam VOV. Gần đây, một nguồn tin được loan truyền rộng rãi về một dự án hợp tác giữa hai đài VOA và VOV, theo đó, nếu cuộc thương thảo đi tới kết quả, một chương trình của đài VOA mang tên “Chào mừng đến Hoa Kỳ” (Welcome to America) dài 15 phút, sẽ được phát thanh năm ngày một tuần trên làn sóng của đài VOV. Vẫn theo những nguồn tin đã tiết lộ, theo dự thảo, Việt Nam không được kiểm duyệt hay sủa đổi nội dung chương trình của Mỹ, nhưng có quyền từ chối bất cứ chương trình nào họ thấy không phù hợp với chủ trương đường lối của mình.
Dư luận trong cộng đồng người Việt tị nạn đã có phản ứng không thuận lợi về dự án kể trên với lý do, dù không được kiểm duyệt từng phần, nhưng từ chối phát thanh cả chương trình, cũng là một hình thức kiểm duyệt, trái với luật lệ về tự do ngôn luận của Hoa Kỳ. Hơn nữa, nếu Việt Nam bỏ một chương trình trong đó có lời phát biểu của người tị nạn gốc Việt, mà nhà cầm quyền cộng sản VN thấy không có lợi cho họ, tức là quyền phát biểu của mọi thành phần dân tộc tại Hoa Kỳ đã không được tôn trọng đồng đều. Ngoài ra, sau một thời gian hợp tác, nếu Hà Nội đòi “có đi có lại”, để họ cũng được phát thanh một chương trình của họ trên làn sóng của đài VOA, khi đó Hoa Kỳ sẽ tiếp tay cho cộng sản tuyên truyền.
Việc chấm dứt thảo luận về dự án hợp tác trên đây chứng tỏ Hoa Kỳ đã nghe và hiểu được nguyện vọng vủa tập thể người Việt tị nạn.
Ngoài vấn đề nêu trên, phái đòan còn nêu ra một số vi phạm nhân quyền đáng lo ngại tại Việt Nam:
Trước hết là việc nhà cầm quyền cộng sản đang quyết tâm triệt hạ chùa Liên Trì tại Thủ Thiêm. Đây là ngôi chùa đã có từ lâu, từng là nơi phát động nhiều công cuộc từ thiện và hoạt động dân sự. Lấy cớ giải toả để thực hiện dự án phát triển thương mại, nhưng thật ra, nhà cầm quyền cộng sản chỉ muốn xoá sổ một cơ sở tôn giáo không chịu khuất phục trước sự khống chế của họ. Sau khi nghe trình bầy, phía Hoa Kỳ cho biết Bộ Ngoại Giao không có tin tức gì về vụ chùa Liên Trì, và yêu cầu được cung cấp tài liệu để tìm hiểu thêm.
Vấn đề kế tiếp được phái đoàn người Việt nêu ra là những trường hợp nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lạm dụng luật hình sự đề trừng phạt những thành phần chống đối, ví dụ vụ án mới đây của Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, và Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, mỗi người bị phạt từ 2 đến 3 năm tù vì vi phạm điều 245 của Bộ Hình Luật “gây rối trật tự công cộng và vi phạm luật lệ giao thông”. Đây là những tội rất nhẹ, dù những người bị truy tố thực sự vi phạm, cùng lắm chỉ bị phạt tiền, không bị án tù. Phái đòan yêu cầu Bộ Ngọai Giao tiếp tục áp lực để buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải cải tổ Bộ Hình Luật và phải bỏ các điều khỏan vô lý và mơ hồ như điều 79 : " họat động lật đổ chính phủ" , điều 88 : " Tuyên truyền chống phá nhà nước "...mà cho đến nay họ vẫn xử dụng để bắt bớ và giam cầm các nhà bất đồng chính kiến.
Ngoài ra, phái đoàn cũng đề cập tới trường hợp của các cựu tù nhân lương tâm, như BS Nguyễn Đan Quế, LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Đài, Sinh Viên Nguyễn Phương Uyên, nhà báo Phạm Chí Dũng v.v..., tuy đã được ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn bị hạn chế đi lại, quản chế chính thức hoặc không chính thức, và thường bị sách nhiễu hoặc khủng bố dưới nhiều hình thức.
Phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ghi nhận các vấn đề được nêu lên và hứa sẽ dùng làm tài liệu cho chuyến đi Hà Nội vào cuối tháng này của ông Tom Malinowski, Phụ Tá Ngoại Trưởng về Dân Chủ, Nhân quyền và Lao Động. Các vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Vào cuối cuộc thảo luận, khi đề cập tới Thoả Hiệp Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang cố gắng để được gia nhập, phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết vấn đề vẫn còn đang dậm chân tại chỗ, vì trở ngại chính là Việt Nam chưa có công đoàn lao động độc lập thực sự bảo vệ quyền lợi của giới lao động. Ông Phó Phụ Tá Ngọai Trưởng cũng cho biết Quốc Hội vẫn chưa gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Cộng vì vậy cho đến nay chính quyền Mỹ chỉ mới dự định cung cấp cho Việt Nam một số máy bay trinh sát và tầu tuần duyên không trang bị súng để giúp Việt Nam tuần tra vùng duyên hải.
Cuộc thảo luận diễn ra trong vòng thân mật, kéo dài từ 3:00 giờ tới 3:45 chiều.