Mấy câu hát hay nhất là mấy câu mà người ta nghe xong rồi không thể quên, nó tiềm ẩn trong con người, sóng thời gian, chỗ không gian không làm mờ phai được. Chúng hay có lẽ vì trình độ nghệ thuật cao, làm rung động những góc cạnh xâu sa nhất của lòng người, hoặc chúng hay vì đã nói lên đúng nỗi lòng của người nghe, mở cái khóa của một sự thực, một niềm tin.
Tôi yêu mấy câu ca cải lương nghe từ thưở còn chạy tắm mưa ở Sàigòn, vọng ra từ những cái máy phát thanh của một nhà nào đó:
"Ai nức nở qùy bên chính điện
Khi chuông chùa vừa vẳng tiếng canh thâu
Nhưng tín nữ ơi, đi tu làm sao cho thành chánh quả
Bởi vì làn phấn son còn in trên đôi má dạn phong ớ ơ ơ trần"
Cải lương thiệt tình, nhưng không cải lương thì không thể tới được, nghe mùi quá thể, nghe đã như uống một ly cà phê đá giữa trời nắng Sàigòn.
Lúc còn chưa yêu đương, chưa nếm mùi tục lụy, tôi đã thấy tội nghiệp nàng mỹ nhân đang muốn xuống tóc đi tu, nhưng lòng trần còn đầy ái, nộ, hỷ, lạc, mặt còn tô làn phấn, bờ môi còn mọng đỏ nét son làm đẹp, làm sao mà thành chánh quả được, khẳng quyết là không, vậy thì nàng đi tu làm gì, vô ích!
Lớn lên rồi mới thấy rằng mấy câu ca đó có thể ứng dụng vào cả mấy bực tu hành của những tôn giáo lớn trên đời.
Có những đức cha, những Tổng Giám Mục mà lòng muốn nổi, muốn danh, muốn có một chỗ trên thiên đàng, nên nhảy chồm hỗm vào sự đời, tự biến thành một công cụ chính trị, gây bao điều hệ lụy.
Cũng có nhiều vị thượng tọa, đại đức, cứ muốn "phùng ma sát", hết đem bàn thờ xuống đường phản đối, lại đến họp báo, họp biếc, giảng về chính trị, chẳng muốn đáo bỉ ngạn trong lời thiền, ý đạo, cứ lanh quanh với quyền bính của con người, làm như không có mấy ngài thì tận thế đến nơi. "Bạch thày, bạch thượng tọa, bẩm vô thượng sư" nghe cứ mê tơi cả lên.
Tôn giáo lẫn vào chính trị, là hỏng, nhất định hỏng! Và mấy người tu hành loại này không thể thành chính quả được, thà là hoàn tục còn hơn.
Lịch sử mấy vụ thánh chiến, tôn giáo chiến, quốc giáo chiến đem những tai hại thê thảm, tàn khốc cho nhân loại từ Âu sang Á. Cũng vì những niềm tin mù quáng, lẫn lộn giữa sự đời và đời sống tâm linh.
Chính trị bạo ngược là chính trị muốn giết mất niềm tin tôn giáo, chính trị tồi bại là chính trị muốn lợi dụng niềm tin tôn giáo.
Nhưng nguyên do chính đều là con người cả, con người xử dụng những ảnh hưởng tôn giáo để phục vụ những ước muốn chính trị của mình. Và những giáo dân, tín nam, tín nữ cuồng tín là những kẻ đã phục vụ cho những nhà lãnh đạo tinh thần. Chứ nếu họ có ý thức cao, sức mấy mà bị lợi dụng được.
Ðạo Phật ở Nhật đừng có hòng mà xuống đường, và cũng chẳng cần xuống đường, dân chúng Nhật có ý thức và sự phán quyết tối cùng nằm nơi họ. Ðạo Thiên chúa ở các quốc gia Bắc Âu bây giờ cũng vậy. Nhưng ở một vài miền khác như ở Ấn Ðộ hay ở Trung Ðông, hay Bosnia lại là chuyện khác.
Con người đời có thể sống song hành trong lòng tin không? chắc chắn được, nhưng phải biết phân biệt rõ ràng ranh giới giữa hai điều này. Ðừng có mà mang ảo vọng giết một trong hai thứ, sáng làm chiến sĩ, chiều về tịnh tâm là điều khả thi, nhưng không thể mang võ khí vào lòng tin hoặc giết lòng tin.
Ở Việt Nam, có một giai đoạn Thiên Chúa Giáo đã bị mang tiếng là đã theo bước chân thực dân Pháp vào xâm lăng Việt Nam, nhưng có lập luận bênh vực là vì các vua triều Nguyễn, và các vị anh hùng kháng chiến đã cấm đạo, giết người theo đạo Thiên Chúa. Theo thiển ý tôi, nguyên nhân chính là vì sự yếu ớt của dân nước ta bị hai áp lực phong kiến, thực dân ép hai đầu mà ra.
Khi dân trí dần cao hơn, có biết bao những anh hùng vừa bảo vệ được đất nước, vừa giữ được lòng tin Thiên chúa. Hai bài thơ nổi tiếng là bài "Tha La xóm Ðạo" và "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" là hai tác phẩm để lại trong văn học sử để nhắc nhở những đóng góp này.
Về phần Phật giáo cũng không kém những kẻ mượn áo nâu sòng để "múa gậy vườn hoang", nhưng phần đông những Phật tử cũng không dại gì mà bị lợi dụng. Trên bình diện dân tộc, Phật giáo đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi hằng ngàn năm trước, tham gia chính sự từ thời Lý Thái Tổ (1010-1028). Dưới chế độ phong kiến, ảnh hưởng của những cao tăng đã có những đóng góp to tát cho lịch sử Việt Nam, nhưng cũng chỉ là những cố vấn, quốc sư, không có những tham vọng quyền hành. Sau này, trong những biến động lớn của đất nước, nhiều khi cửa Phật đã là nơi dung thân cho những con người cách mạng như Chiêu Lỳ Phạm Thái, Sư Trạch của vụ cách mạng Yên Bái, ngay cả Hồ Chí Minh đã có thời giả làm sư để hoạt động ở Ðông nam Á. Từ đó chùa chiền mới bị náo động. Ðến khi chính quyền Ngô Ðình Diệm, dưới áp lực của cha Ngô đình Thục, có những xung đột với Phật Giáo, sự tranh chấp ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo đã trở nên ngòi nổ cho những hục hặc đến giờ chưa hết. Một đằng muốn dùng Thiên Chúa Giáo như bức tường thành củng cố địa vị, và chống Cộng, một đằng nhiều vị Thượng Tọa đã thừa thắng xông lên, muốn gây những ảnh hưởng cá nhân. Tôn giáo đã để bàn tay quá sâu vào đời sống chính trị, và đó là điều rất buồn. Ngựơc lại, chính trị đã ăn quá sâu vào tôn giáo, đó cũng là điều tối tai hại.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam ý thức được sự quan trọng của hai tôn giáo lớn này nên đã đặt những cán bộ nằm vùng trong cả hai hàng ngũ lãnh đạo Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, đây là xảo thuật chính trị có những hậu quả tai hại khôn lường cho chính họ, và cho đất nước.
Một xã hội lành mạnh phải là một xã hội đủ sức tách biệt phần hồn đạo ra khỏi chuyện sự đời. Mỗi một cá nhân phải đủ ý chí và sáng suốt để nói lên điều mình nghĩ, và bảo vệ được quan niệm của mình, không cần phải để các vị tu hành phải vướng bận. Sự trưởng thành trong ý thức và trách nhiệm cá nhân sẽ là căn bản để dựng xây một xã hội như vậy.
Những bài báo gần đây, trong cũng như ngoài nước, đang đề cập tới vấn đề tôn giáo, tờ Văn Nghệ Tiền Phong ở Mỹ số 456 vừa cho đăng lại một bài nẩy lửa lên án một số những thượng tọa với nhan đề "Tội ác của bọn tiếm ngụy danh nghĩa Phật giáo" của ký giả Lê Triết, mặt khác, những bài viết của ông Chúc Trọng Ngân trên diễn đàn SCV đã không ngừng công kích những sai lầm của Thiên Chúa Giáo trong quá khứ. Phản ứng của rất đông những người theo dõi cả hai phía là thận trọng và đặt vấn đề suy nghĩ.
Phải chăng đó đã là những nét trưởng thành của một xã hội Việt Nam không còn dễ bị đốt ngòi vì những vọng động có tính tôn giáo.
Có được như vậy hay không là tùy thuộc ở mỗi chúng ta. Không! nhất định không để cho những xung đột tôn giáo tạo thành những cuộc thánh chiến ngu xuẩn và độc hại trong cộng đồng người Việt hải ngoại, và tại Việt Nam. Hãy đặt những lời kinh, tiếng thánh vào đúng vị trí của chúng, một cách trầm tĩnh nhưng cương quyết.
Phạm thế Ðịnh