Thursday, 2 October 2014

NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (2)

Kiều Phong

01-10-2014
4) Trong phần “Tại sao chúng tôi trở nên bất đồng” cháu khoe đã mở cuộc điều tra về tình cảnh đồng bào sống dưới chế độ Cộng Sản, và kết luận: không thấy chuyện gì chứng tỏ chủ nghĩa Cộng sản ảnh hưởng cực xấu vào văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.
Nào, để xem thám tử Thu Tứ đi truy tầm “cái ảnh hưởng cực xấu” ra sao.
Cháu kể: Chúng tôi về nước rất nhiều lần, mỗi lần rất lâu, thăm thân rất ít, coi như toàn bộ thời gian ở trong nước dành cho việc đi tham quan, chủ yếu miền Bắc. Chúng tôi không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô, có lần mua xe đạp đạp dạo quanh vùng ngoại ô Hà Nội kia thường xuyên đến nỗi có người ngồi chợ tưởng nhầm là dân buôn! (Chúng tôi vẫn có lối du lịch “bụi” như vậy từ trước chứ không phải đến khi về nước mới thế.)

“Không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô v.v…” kể lể hơi dài dòng, cứ nói gọn: du lịch kiểu Tây Ba Lô, bà con hiểu liền. Cháu còn hơn Tây Ba Lô một bậc, biết mua xe đạp, đạp vòng vòng, khiến giữa nơi chợ búa đông đúc như thế mà có tới một đứa mắt mũi kèm nhèm tưởng nhầm là dân buôn. Ngụy trang khéo léo kín đáo cỡ đó là nhất rồi, James Bond Thu Tứ tha hồ điều tra sâu rộng mà không lộ tung tích.
Sau khi mở cuộc điều tra ở miền Bắc thì “thấy người Việt Nam ngoài Bắc vui vẻ, bình thản, vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”, mọi người bình đẳng, cũng rất hay.”
Cháu không nói đã gặp mấy chục, mấy trăm người Bắc?
Mà tại sao lại “mọi người bình đẳng, cũng rất hay?”. Văn quá bí hiểm, ý tứ không rõ. Dân bình đẳng với dân là chuyện thường, có gì đáng nói? Dân đen mà được bình đẳng với ông công an phường mới quý hóa, mới rất hay chứ?
Điều tra sâu rộng chỉ ở miền Bắc, quan sát tính tình, sinh hoạt của tối đa là vài trăm người dân xong, Thu Tứ lập tức dõng dạc kết luận: “Đâu là cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa Cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam!…”
Dựa vào sự quan sát một vùng đất, một nhóm người, để đưa ra kết luận về toàn thể gần một trăm triệu dân, một đất nước trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu… cháu có thấy mình quá vội vàng không?
Sự vội vàng ấy, chính cháu đã lên án gay gắt ở một đoạn khác. Cháu chỉ trích tất cả những người chống Cộng là dựa vào một số hiện tượng tiêu cực để chê Cộng Sản xấu, ngụ ý họ bất công, xuyên tạc vì thiên kiến, nhìn cục bộ suy ra đại thể. (Cháu cũng lớn tiếng dậy dỗ thân phụ: “thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước…”. Quên rồi sao!)
Thế những đứa không nhìn khắp cả nước, chỉ dựa vào vài ba chuyện tích cực ở mấy địa phương nhỏ để hít hà, tâng bốc rằng chủ nghĩa Cộng sản trên toàn quốc hay lắm, đẹp lắm thì sao?
Câu này mới ngộ nghĩnh: “Bấy giờ miền Bắc cũng như cả nước, đang có một số hiện tượng xã hội tiêu cực do kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhìn chung người tuy nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện.”
Ấy, chỗ này phải từ từ, không nói liến thoắng để lấp liếm được. Cho chú ngắt lời cháu, nêu tí thắc mắc: Đứa nào làm cho kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn? Lúc đó là 1991, 16 năm sau “thống nhất đất nước” rồi, tàn dư Mỹ Ngụy không thể sống dai đến thế.
Lãnh đạo bất tài, làm kinh tế trì trệ, chủ nghĩa Cộng Sản tạo ảnh hưởng vào bát cơm, manh áo, cuộc sống của người dân, làm nẩy sinh thứ văn minh, văn hóa mánh mung, vật lộn, tranh sống khốc liệt, hiện ra lù lù trên nét mặt lo âu, trong sinh hoạt ngược xuôi, tất tả hàng ngày của những con người Việt Nam đói khổ, cùng quẫn… Thế là “cực xấu” hay chỉ hơi hơi xấu thôi?
Lại còn: “nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện”.
Những món văn hóa tinh thần (?) nào mà hay ho thế? Sao không kể ra cho độc giả nhờ. Một câu văn với những từ ngữ hoa hòe hoa sói nhưng mơ hồ không thực chất, không cơ sở, làm bà con nghĩ bể đầu chả hiểu tác giả định ngợi ca, tâng bốc cái gì! Lần sau, nên theo cách nói giản dị của tiền nhân, thí dụ như: “nghèo đói mà sạch sẽ, rách rưới mà thơm tho.” Đã có chữ là có nghĩa, ai cũng hiểu liền. Khỏi bị ngờ là bí quá, không biết khen cái gì cụ thể, đành “văn hóa tinh thần” một phát, cho nó kêu boong boong. Nó rỗng tuếch mặc xác nó!
Viết một đoạn văn ca tụng tài cai trị dân của Đảng loe ngoe có mấy dòng mà chỗ thì vô tình tố cáo Đảng bất tài,bất lực, chỗ thì ấp úng như âm thanh không thoát ra được từ cái miệng đầy bột của một con chó vừa ăn vụng. Thê thảm!
Đừng buồn, lỗi không phải ở cháu. Cháu rất thông minh, nghệ thuật nâng bi cũng khá rồi đấy, nhưng thất bại vì lỗi ở… mấy hòn bi.
Chúng nó nặng quá, khó nâng quá!
Nâng bi Cộng sản bây giờ là một công tác cực kỳ khó khăn, gian khổ, một loại mission impossible. Đội ngũ bồi bút của Đảng, tài nghệ siêu quần bạt chúng, kinh nghiệm đầy mình, cả đời nỗ lực nâng đến nỗi lưng còng xuống, rồi gẫy gập, khiến việc di chuyển khó khăn, phải dùng thêm cả hai tay… mà giờ này cũng ê càng hết rồi. Cháu đừng dại dột tranh nghề của họ.
“Người Việt Nam ngoài Bắc … bình thản” Lại mơ hồ, bình thản theo kiểu gì, trong hoàn cảnh nào? Bình tĩnh trước nghịch cảnh? Thản nhiên trước những đau thương của đồng loại? Hay chỉ là bình thản khi gặp một Việt Kiều?
Nếu cái “bình thản” thứ ba đúng thì chú đồng ý hoàn toàn. Năm 1991 phong trào du lịch Việt Nam chưa rầm rộ, đồng bào chưa biết vồn vã, tưng bừng chào mừng du khách. Bây giờ khác rồi, nhiều đồng bào ta gặp du khách mừng như bắt được đô la.
Muốn tìm lại những nét mặt bình thản thân thương thủa nào, cháu chỉ có cách tiếp tục làm Tây Ba lô vừa nghèo, vừa kẹo. Bớt tưng bừng tíu tít ngay, bình thản ra rít, có khi còn tiu nghỉu nữa.
“vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”.
Câu khen người Bắc này khiến chú cảm động, và hãnh diện, vì mình dân Bắc kỳ. Mặc dầu là Bắc kỳ Chín nút (54= 5 + 4 = Chín nút – theo cách nói hiện nay của đồng bào miền Nam), nghe ai khen Bắc kỳ Hai nút (75= 7 + 5 = Hai nút ) cũng phổng mũi. Nhất là được khen có “phong cách Cách mạng”, vừa đẹp vừa hùng.
Đó là nhóm từ ngữ cao quý dành cho những con người bất khuất, sẵn sàng vùng lên chống lại cường quyền, dẹp bất công xã hội, thay đổi thế giới, làm nó đẹp hơn. Dân Bắc kỳ không di cư, ai cũng có cái phong cách, cái tinh thần cao quý ấy, Thu Tứ đã nức nở khen như thế.
Vừa cảm động vừa hãnh diện, chú nghĩ tới những bà mẹ liệt sĩ, những người xứng đáng nhất với lời ca ngợi của cháu.
Các bà mẹ Gio Linh, mang nặng đẻ đau sinh ra những chiến sĩ can trường, tất nhiên trong tim đã luân lưu dòng máu anh hùng, những mầm “phong cách cách mạng.” Khi con thành liệt sĩ, để lại cho mẹ lũ cháu mồ côi, tất nhiên mẹ lại tất tả ngược xuôi bán buôn nuôi lũ cháu, đã cách mạng lại còn rất kiên cường.
Các bà thường có những gánh quà rong, thơm ngào ngạt những món quốc hồn quốc túy. Những món quà do mẹ nấu đã từng đi vào văn học sử. Đám du khách nặng lòng với quê hương như cháu đã từng viết hàng trăm, hàng ngàn bài tùy bút ngợi ca từng cọng rau, sợi bún, miếng cá, con cua v.v…
Thế mà cái vỉa hè thơm lừng, tràn ngập hương vị quê hương, thắm đượm tình tự dân tộc ấy thỉnh thoảng, trong chớp mắt, bị náo loạn, teng beng vì bóng của một chú Công an.
Tin lời ngợi ca của cháu, độc giả sẽ hình dung một cảnh tượng hào hùng: bà mẹ liệt sĩ, đúng phong cách cách mạng truyền thống, hiên ngang đứng lên, giơ cao đòn gánh, sẵn sàng nghênh chiến, đánh đuổi thằng phá thối. Và khách hàng của mẹ, cũng phong cách Cách mạng cùng mình, chắc chắn có người lập tức xăn tay áo trợ chiến, bênh vực mẹ chống kẻ ác!
Nhưng “ôi chỉ là giấc mơ thôi”, giống hệt những người nghèo khổ bán quà rong, bà mẹ liệt sĩ cũng đành vắt giò lên cổ chạy tóe khói. Nhiều khi cuống quýt gánh gồng xiêu đổ, bát đĩa rơi vỡ, guốc dép và phong cách cách mạng văng hết ra đường, mỗi cái mỗi nơi! Tội nghiệp vô cùng!
Quen thói đùa cợt, mô tả thảm cảnh của các bà mẹ liệt sĩ bằng văn chương chữ nghĩa thiếu nghiêm trang , khiến có độc giả tuy ứa lệ mà vẫn phì cười, chú thấy mình thật cũng không phải.
Nhưng so với những đứa vừa phát bằng khen cho mẹ, vừa sai công an tịch thu cơ nghiệp, nguồn sống của cả bà lẫn cháu, hay những đứa về thăm quê hương, có mắt như mù, trút lên đầu mẹ những danh từ hào nhoáng, đao to búa lớn, xát muối vào vết thương trong tim mẹ, làm mẹ thêm đau đớn, nhục nhã, tủi thân… thì tội của chú chẳng có kí lô nào.
Độc ác, tàn nhẫn do cố tình, hay vì ngu dốt, ngớ ngẩn, tội ấy mới to. Kết quả như nhau, cùng dẫn tới những hành vi bất nhân, bất nghĩa.
Với đồng bào, với đồng loại.
Kiều Phong
—–