Lịch sử Việt Nam ghi chép công đức của nhiều vị minh quân, trong số đó có một vị minh quân rất giỏi về kinh tế, chính trị và quân sự. Không những thế, Ngài còn là nhà thơ nổi tiếng, một nhà phê bình văn học và là người dẫn đầu phong trào mới về tư tưởng triết học. Trong thời trị vì Đại Việt, Ngài đã đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài và đặc biệt quan tâm đến các chính sách nhằm phát triển kinh tế như: sửa đổi luật thuế khóa, luật điền địa, phát triển nông nghiệp và phân chia ruộng đất cho dân chúng. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Minh quân Lê Thánh Tôn" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược, Cụ Trần Trọng Kim nhận định về vua Lê Thánh Tôn như sau: "Thánh Tôn là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, đối đãi bề tôi với lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang nhiều việc chính trị, mở mang việc học hành, chỉnh đốn võ bị, đánh dẹp quân Chiêm Thành, quân Ai Lao, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam... bấy giờ được văn minh thêm và lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy".
Vua Lê Thánh Tôn tên thật là Lê Tư Thành, hiệu Thiên Nam Động Chủ, là con thứ tư của vua Lê Thái Tôn và bà Ngô Thị Ngọc Dao, con gái của Thái bảo Ngô Từ. Ngài ra đời vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) tại chùa Huy Văn (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).
Vua Lê Thánh Tôn nổi tiếng là một vị minh quân, là người đã đưa đất nước Đại Việt lên thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Với chủ trương "lấy dân làm gốc", Ngài đã thực hiện nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục và luật pháp.
Việc đầu tiên khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tôn ra lệnh chỉnh đốn lại quân đội, tăng cường khả năng chiến đấu và kỷ luật của 5 đạo vệ quân, và cho chế tạo vũ khí có tầm sát thương lớn. Kế tiếp, Ngài ra lệnh tích trữ lương thực ở các vùng biên giới để làm quân lương và bắt đầu xây dựng nền hành chánh vững chắc cho Đại Việt. Ngài cũng bãi bỏ luật cha truyền con nối để kế thừa tước vị của các công thần, thay vào đó là triều đình tổ chức các khoa thi cử để chọn hiền tài chăm lo việc nước.
Ngài cũng quan tâm và tích cực yểm trợ trong lãnh vực nông nghiệp, vì vậy mà nền kinh tế Đại Việt phát triển rất mạnh. Ngoài ra, Ngài khởi xướng việc lập bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để vinh danh các bậc hiền tài của đất nước. Về luật pháp, Ngài hoàn tất và ban hành bộ Luật Hồng Đức, một bộ hình luật ra đời rất sớm trên thế giới và giao cho Ngô Sỹ Liên phụ trách soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Năm 1470, Chiêm Thành đưa quân đánh úp biên giới phía Nam, vua Lê Thánh Tôn quyết định chinh phạt Chiêm Thành. Ngài thông báo cho dân chúng trong nước biết về lý do xuất quân và đích thân chỉ huy 200 ngàn quân tiến vào đất Chiêm Thành. Tháng 3 năm 1471, kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành thất thủ, hơn 30 ngàn quân Chiêm bị bắt, 40 ngàn lính Chiêm Thành tử trận.
Sau chiến thắng, vua Lê Thánh Tôn thực hiện chính sách Việt hóa người Chiêm Thành và sáp nhập lãnh thổ Chiêm Thành, từ đèo Hải Vân tới Phú Yên ngày nay, vào nước Đại Việt.
Năm 1479, Ai Lao điều binh quấy nhiễu vùng biên giới phía Tây nước Việt. Vua Lê Thánh Tôn cử Thái úy Lê Thọ Vực cùng các tướng Trịnh Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu chia quân làm 5 đạo, xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa, đánh đuổi và toàn thắng quân Ai Lao.
Năm 1497, vua Thánh Tông lâm bệnh và băng hà ở điện Bảo Quang, hưởng dương 56 tuổi và được quốc táng ở Chiêu Lăng. Khi vua Lê Thánh Tôn mất, Thái tử Lê Tranh lên thay, tức là vua Lê Hiến Tôn.Vua Lê Hiến Tôn truy tôn thụy hiệu cho Lê Thánh Tôn là Sùng thiên Quảng vận Cao minh Quang chính Chí đức Đại công, Thánh văn Thần vũ, Đạt Hiếu Thuần hoàng đế.
* * *
Lê Thánh Tôn được xem là vị minh quân sáng chói nhất của triều Hậu Lê, chỉ sau Thái Tổ - Lê Lợi, người khai sáng ra triều đại này. Trên văn đàn VN, Ngài là người đứng đầu thi đoàn Nhị Thập Bát Tú, gồm 28 thi sĩ xuất sắc nhất vào thời đó, với nhiều bài thơ nổi tiếng được truyền tụng cho đến ngày nay.
Ngoài ra, Ngài còn nổi tiếng là một vị vua có tấm lòng nhân từ, mà nổi tiếng nhất là việc ra lệnh cấp phát thêm quần áo ấm cho tù nhân để họ chống chọi với cái lạnh giá rét mùa đông. Sử sách ghi rằng, khi ra lệnh trên, Ngài đã than thở là "ta đang sống trong cung điện ấm áp mà còn cảm thấy rét lạnh thì các tù nhân phải chịu khổ sở đến độ nào?".
Đất nước Đại Việt quả là may mắn khi có được một minh quân như Lê Thánh Tôn, một vị vua luôn "lấy dân làm gốc" và để lại những thành tựu sáng chói từ kinh tế, quân sự cho đến việc cải cách ruộng đất và hệ thống pháp luật, nhằm mang lại đời sống ấm no và công bằng cho toàn dân. Trước năm 1975, bộ luật Hồng Đức của Ngài là một môn học được giảng dạy tại các trường Luật khoa, và được thế giới ca tụng là một bộ luật xuất sắc trong thời kỳ phong kiến ở Á châu, thậm chí là Âu châu cũng khó có được.
Đáng nói hơn nữa, chính vua Lê Thánh Tôn là người đã giúp cho nước Đại Việt mở mang bờ cõi đến tận miền Trung, tạo nền tảng cho các chúa Nguyễn sau này tiến xuống miền Nam, khiến giang sơn Đại Việt có hình chữ S.
Điều đáng buồn là gần 40 năm sau khi đảng cộng sản áp đặt ách cai trị trên toàn đất nước, rất nhiều con cháu Đại Việt không hề biết đến vua Lê Thánh Tôn, một bậc minh quân mà tài ba và đức độ của Ngài xứng đáng được học hỏi gấp trăm ngàn lần cái gọi là "tác phong và đạo đức của Hồ Chí Minh", người tự xưng là đồ đệ của Stalin và Mao Trạch Đông, đã mang chủ thuyết ngoại lai về tàn hại đất nước!
Việt Thái