Saturday 11 October 2014

Những lời trối trăng của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (01) - Nhà Văn Phạm Quang Trình

Anh Em Nhớ Đến Tôi….
Mấy ngày trước đây – sau khi bọn quá khích phản loạn oanh tạc Dinh Độc Lập, - có một số anh em ngoại quốc cũng như trong nước đến thăm và chúc mầng cho tôi. Tôi có trả lời rằng: “Cái việc sống, việc chết của chúng tôi là ở trong tay Đấng Chí Tôn. Người để tôi sống hay là tôi chết, thì tôi cũng xin anh em nhớ sáu điều mà tôi đã đóng góp vào chế độ này.
Trong sáu điều đó:
Điều thứ nhất là: Lý Thuyết Nhân Vị
         thứ hai là: Hiến Pháp (đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp
                          bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội).
         thứ ba là: Chánh sách Phát triển cộng đồng.
         thứ bốn là: Thanh Niên, Thanh Nữ Cộng Hòa
         thứ năm là: lối Biệt Kích, Biệt Cách
         thứ sáu là: Ấp Chiến Lược
Dầu tôi sống hay là tôi chết, anh em nhớ đến tôi, thì nhớ tiếp tục sáu điều đó. Tôi tưởng những điều vừa kể là những điểm phù hợp (với hiện trạng Việt Nam) - những giải pháp quân dân chính- để giải quyết vấn đề chậm tiến.”
                                        Lời ông Ngô Đình Nhu
(trích bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 trong Tập San Chính Nghĩa số 1 ngày 03 tháng 01 năm 1983 do ông Đỗ La Lam chủ trương)

Đó là lời trối trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu cho các Chiến hữu sau khi Dinh Độc Lập bị oanh tạc vào tháng 2/1962. Dù sống sót, nhưng ông Ngô Đình Nhu đã cho thấy ít nhiều những đe dọa đến chế độ và tính mạng cá nhân khi dấn thân phục vụ Dân Tộc. Cũng chính năm đó (1962), Mỹ đang đẩy mạnh chủ trương trung lập hóa Lào qua Hội Nghị Quốc Tế tại Genève. Nhận thấy tình hình Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm nếu như Lào bị “trung lập hóa” để mặc cho Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng đưa quân xâm nhập đánh chiếm Miền Nam bằng ngả Lào, ông Ngô Đình Nhu đã đích thân bay qua Genève, Thụy Sĩ gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Averell Harrimann. Tưởng rằng đôi bên chỉ nói chuyện trong vòng 40 phút như dự định. Nào ngờ buổi nói chuyện tay đôi đã kéo dài trên 3 giờ đồng hồ liền. Khi hai nhân vật từ giã nhau ra về thì mặt người nào cũng đỏ bừng, chứng tỏ cuộc trao đổi đã diễn ra rất gay go vì những bất đồng.  Chính cuộc trao đổi gay go đó với hai lập trường khác biệt (Mỹ muốn trung lập hóa để rút khỏi Lào trong khi Việt Nam Cộng Hòa kịch liệt chống vì biết chắc chắn Cộng Sản Bắc Việt sẽ thừa cơ đem quân xâm nhập Miền Nam) khởi sự cho âm mưu lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lúc đó, chương trình xây dựng Ấp Chiến Lược đã được Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa biểu quyết nâng lên hàng Quốc Sách (1961) vừa thực thi được một năm đang trên đà thắng lợi. 
Trong những lời  trối trăng của ông Ngô Đình Nhu, người viết muốn trình bày hai điểm về Chủ Nghĩa Nhân Vị  và Quốc Sách Ấp Chiến Lược (thứ 1 và thứ 6) đã ảnh hưởng lớn lao đến nền Đệ Nhất Cộng Hòa cũng như tình hình Miền Nam như thế nào. Thật ra 6 điều trối trăng đó có thể tóm lược và chia ra làm hai phần:
Phần 1: về Chủ Nghĩa Nhân Vị gồm 3 điều 1, 2, 3.
Phần 2: về Quốc Sách Ấp Chiến Lược gồm 3 điều 4, 5, 6.
Về Chủ Nghĩa Nhân Vị và nền Đệ Nhất Cộng Hòa
Qua những tài liệu mà người viết được đọc trước đây thì mấy tiếng “Chủ Nghĩa Nhân Vị” đã được đề cập đến khoảng đầu thập niên 40, nhưng cụm từ này được nhiều người nhắc đến thì mới có từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà (1954-1963). Đây là Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông, khác với Chủ Nghĩa Nhân Vị Tây Phương. Vì vào thời gian đó, có một số người thắc mắc (trong đó có mấy anh ký giả Tây phương thủ ghét chế độ) đã cho rằng Ông Ngô Đình Nhu đã lấy học thuyết Nhân vị Tây phương của Emmanuel Mounier đem ra áp dụng.
Trong cuộc họp báo taị Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn vào tháng 5 năm 1963, khi trả lời phóng viên ngoại quốc, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã nói: “Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông khác với Chủ Nghĩa Nhân Vị Tây Phương vì nó chủ trương rằng Tự do không phải là món quà người ta tự dưng mang lại, nhưng là phải tranh đấu.”. Tư tưởng của ông Ngô Đình Nhu về hai chữ “Tự do” xem ra không khác với tư tưởng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh: “Tự do không thể van xin mà có được. Tự do phải dành lấy mới có.”
Câu hỏi cần đặt ra là: lý do nào quý vị Lãnh Đạo thời ấy lại muốn đưa Chủ Nghĩa Nhân Vị ra làm nền tảng cho chế độ Việt Nam Cộng Hoà? Theo thiển ý, là như thế này:
Nước mình bị giặc phương Bắc đô hộ cả một ngàn năm (từ 111 trước TC đến 939 sau TC). Sau khi tổ tiên ta thâu hồi độc lập được gần một ngàn năm thời đến năm 1858, giặc Tây lại đem quân xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Thử hỏi nếu tổ tiên và cha ông ta không vùng lên đấu tranh thì làm gì đất nước có độc lập - tự do? Lợi dung thời cơ kết thúc Thế Chiến thứ 2, nhân dân ta một lần nữa đã vùng lên đánh đuổi giặc Pháp để giành lại độc lập cho dân tộc. Tiếc rằng cuộc đấu tranh ấy đã bị tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh lợi dụng để nhuộm đỏ đất nước. Bởi đó, thay vì được hưởng một nền hòa bình, độc lập thật sự thì đất nước Việt Nam lại rơi vào cuộc chiến tranh ý thức hệ do Cộng sản gây nên. Với chủ trương đấu tranh giai cấp mà điển hình là Cuộc Cải Cách Ruộng Đất, tập đoàn Cộng sản Hồ Chí Minh đã hiện nguyên hình là thứ giặc ngoại xâm trá hình. Thứ giặc ngoại xâm này không phải đến từ bên ngoài nhưng chính là kẻ nội thù từ bên trong đội lốt chiêu bài giải phóng dân tộc mà thực chất là rước chủ nghĩa Mác Lê vào thống trị, tự nguyện làm tay sai cho Đệ Tam Quốc Tế. Cái chủ nghĩa ngoại lai với chủ trương tam vô (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) và đấu tranh giai cấp làm phương châm đã đưa dân nước đến chỗ làm nô lệ cho Đế Quốc Cộng sản do trùm Đỏ Staline lãnh đạo. Chính trong mưu đồ nhuộm đỏ Đông Dương, Việt gian Cộng sản đã cấu kết với Thực Dân Pháp chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới cho hai miền Nam - Bắc qua Hiệp Định Genève 1954. Miền Bắc Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Miền Nam Quốc Gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, nhưng đã ủy nhiệm cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm toàn quyền điều hành. Lúc đó, vua Bảo Đại đã rời Việt Nam sang cư ngụ ở miền Nam nước Pháp.
Theo Hiệp Định Genève 1954, cả hai bên có thời hạn 300 ngày để di chuyển cơ sở và nhân sự của mình về miền đã được quy định. Dó đó, những người quốc gia không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản đã di chuyển vào Miền Nam cùng với gần một triệu người di cư từ miền Bắc. Trong khi đó, thay vì phải rút hết ra miền Bắc, tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh đã để lại miền Nam nhiều cơ sở và cán bộ nằm vùng cùng các đơn vị võ trang. Chúng đã chôn giấu vũ khí để chờ thời cơ nổi dây. Bởi đó, Miền Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã phát động Phong Trào Tố Cộng nhằm tiêu diệt các cơ sở nằm vùng của chúng, đồng thời tuyên bố tẩy chay Tổng Tuyển Cử vào năm 1956 vì Việt Cộng vi phạm Hiệp Định Genève, không tôn trọng quyền Tự Do của nhân dân Việt Nam.  
Miền Nam lúc đó dưới danh nghĩa Quốc Gia Việt Nam đứng đầu là Quốc Trưởng Bảo Đại vẫn còn nằm trong Khối Liên Hiệp Pháp cùng với Miên và Lào. Tình hình lại rất là phức tạp, vì ngoài Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, còn có ba Giáo Phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên với Quân Đội riêng, không chịu sự chỉ huy của Chính Phủ. Vả lại, mỗi Giáo Phái hùng cứ một phương. Cao Đài lấy Tây Ninh làm thủ phủ. Bình Xuyên với Bẩy Viễn trấn đóng ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Bà Rịa, Vũng Tàu, nắm Công An và chỉ huy Sòng Bài Kim Chung Đại Thế Giới và Bình Khang. Giáo phái Hòa Hảo với Lê Quang Vinh tự Ba Cụt trấn ở Miền Tây (Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ). Thử hỏi: với tình hình như thế thì làm sao phe Quốc Gia có thể đối phó hữu hiệu với sự xâm lăng phá hoại của Cộng Sản? Trách nhiệm của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và tân chánh phủ chấp chánh ngày 07-07-1954 quả thật là nặng nề. Nhiều người đã tỏ ra bi quan, thầm nghĩ rằng chính phủ này khó lòng tồn tại được 6 tháng. Vậy mà chính phủ Ngô Đình Diệm đã vượt qua được cơn thử thách tưởng chừng như một phép lạ. Chính Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, trong Bản Tuyên Cáo ngày 26-10-1955 thành lập chế độ Cộng Hòa đã viết: “Một năm trước đây, giữa lúc nhân tâm xao xuyến lo âu, nào ai trong chúng ta có thể đinh ninh rằng một ngày không xa, chúng ta ra khỏi được một tình trạng khốn đốn hầu như tuyệt vọng. Nhưng trong những giờ đen tối nhất của lịch sử, dân tộc ta đã luôn luôn vùng dậy, muôn người như một, phá vòng vây khốn, để mở lấy con đường độc lập và tự do”. Vậy Chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm những gì?
Trước hết, chính phủ Ngô Định Diệm lo việc ổn định tình hình, thống nhất lực lượng bằng việc  kêu gọi các Giáo Phái về hợp tác với chính phủ để xây dựng một Quân Đội Quốc Gia thống nhất. Phần lớn các Giáo phái đã về hợp tác. Một số thành phần tử ngoan cố như Bảy Viển, Lê Quang Vinh tự Ba Cụt đã bị quân chính phủ dẹp tan qua các chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu, vân vân.
Tiếp đến, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng gồm nhiều đoàn thể chính trị quốc gia thấy rằng Vua Bảo Đại trên danh nghĩa là Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam lại chạy qua nằm lì ở Pháp, không chịu về nước lo chu toàn trách nhiệm. Trong khi đó, ông lại nghe lời xúi bẩy của thực dân và nhóm tay sai Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Hinh ra lệnh triệu hồi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm qua Pháp, thực chất là để truất quyền, cho nên Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã phát động Phong Trao Truất Phế Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên vai trò Quốc Trưởng, thực hiện Trưng Cầu Dân Ý để Quốc Dân  quyết định chọn lựa giữa Bảo Đại và TT Ngô Đình Diệm. Kết quả, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được đa số dân chúng tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo quốc gia. Từ biến cố quan trọng này, để tạo một hình ảnh đẹp trong việc đối phó với âm mưu xâm lược và tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, Quốc Gia Việt Nam đã mạnh dạn thành lập chế độ Cộng Hòa qua Bản Hiến Ước Tạm Thời số 1 ngày 26 tháng 10 năm 1955, tiến hành tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến qua dụ số 8 ngày 23 tháng Giêng năm 1956, soạn thảo và ban hành Hiến Pháp ngày 26 tháng 10 năm 1956. Từ đây, nền Cộng Hòa Việt Nam với Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ổn định được tình hình, xây dựng Miền Nam thành một quốc gia trù phú, gây ảnh hưởng lớn lao trên trường quốc tế, lấn át cả bộ mặt lem luốc của Hồ Chí Minh và đồng bọn ở Miền Bắc vừa bị dư luận lên án nặng nề về cuộc Cải Cách Ruộng Đất và Đấu Tố Địa Chủ gây biết bao tang tóc cho dân tộc.
Nói tóm lại, trong hai năm trời (1954-1956), Miền Nam Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã làm được những việc phi thường: đưa được gần một triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, giúp đỡ cho có nơi ăn chốn ở, tạo công ăn việc làm, dẹp tan các giáo phái, thống nhất lực lượng quốc gia, thành lập chế độ Cộng Hòa, đẩy mạnh Phong Trào Tố Cộng, khởi sự xây dựng các Khu Trù Mật và Dinh Điền làm cho đời sống nhân dân Miền Nam vững mạnh và sung túc.
Người viết đã dài dòng lược thuật lại tình hình Miền Nam thời đó để độc giả và nhất là giới trẻ có thể dễ dàng nhận ra chủ trương, đường lối của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nguyên nhân vì sao tình hình lại diễn tiến như thế? Và vì sao lại có khẩu hiệu “Bài Phong, Đả Thực, Diệt Cộng”.  Bài phong là bài trừ phong kiến tức là xóa bỏ chế độ quân chủ với ông vua ăn chơi chẳng làm việc gì cho đất nước. Đả thực là đuổi thực dân Pháp ra khỏi lãnh thổ vì lúc đó thực dân Pháp và đoàn quân viễn chinh vẫn còn tại Đông Dương. Cho nên, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Thực dân Pháp rút về nước, giải tán Liên Bang Đông Dương, trả lại chủ quyền kinh tế, tài chánh, ngoại giao cho ba nước Việt Miên Lào. Khó khăn nhất là công cuộc Tố Cộng vì lúc đó Cộng Sản Bắc Việt được quan thày Nga Hoa và Khối Cộng Sản Quốc Tế yểm trợ hết mình trong mưu đổ nhuộm đỏ Đông Dương và vùng Đông Nam Á. Vì như đã nói trên, khi rút về Miền Bắc theo Hiệp Định Genève 1954, chúng đã để lại miền Nam hàng chục ngàn cán bộ và cơ sở nằm vùng cùng nhiều đơn vị võ trang. Đây có lẽ là cao điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Đông và Tây (tạm thời gọi Đông là Cộng Sản do Nga Sô lãnh đạo và Tây là Thế Giới Tự Do do Hoa Kỳ lãnh đạo). Miền Nam lúc đó với danh nghĩa là Việt Nam Cộng Hòa trở thành tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do tại Vùng Đông Nam Á. Nhìn lại thực trạng Miền Nam vừa thu hồi Độc Lập, còn rơi rót nhiều di hại do các thế lực Thực Dân, Phong Kiến và Cộng Sản để lại như cuộc sống nhân dân còn cách biệt giữa giàu, nghèo; giáo dục chưa được mở mang; hạ tầng cơ sở còn non kém; nạn khủng bố ám sát do Cộng Sản và tay sai gây ra, vân vân. Cho nên chính phủ quốc gia phải đưa ra chủ trương đường lối nào hay, đẹp, đáp ứng được tình hình và nguyện vọng nhân dân. Chính trong bối cảnh đó, vai trò của chiến lược gia kế hoạch xuất hiện. Nhân vật đó không ai khác hơn là ông Ngô Đình Nhu.
Nói tới ông Ngô Đình Nhu, người ta thường liên tưởng đến Đảng Cần Lao và Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Phải nói thật rằng: ông là bộ óc của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, một Khổng Minh tân thời thì đúng hơn. Thuở nhỏ ông đi tu Chủng Viên. Sau ra ngoài, được gia đình cho du học bên Pháp. Ông học và tốt nghiệp trường École des Chartes, gọi là Trưởng Khảo Cổ, về nước làm Giám Đốc Thư Viện ở Trung Việt. Học rộng, biết nhiều, nghiên cứu sâu sắc, lại có lòng với đất nước nên ông đã quy tụ anh em đồng chí, lập nhóm Nghiên Cứu Xã Hội, huấn luyện cán bộ, thành lập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Khi ông Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại mời về chấp chánh thì ông theo sát Thủ Tướng Ngô Đình Diệm để làm công việc tham mưu chiến lược bên trong. Cái chức Cố Vấn người ta tự đặt cho chớ chẳng có văn kiện nào của TT Ngô Đình Diệm ký. Nhưng ông đã làm được nhiều việc đáng kể.  Người ta nói ông là Kiến Trúc Sư của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Ông đóng vai trò tham mưu đứng đàng sau Lãnh tụ thì hợp hơn vì tính ông trầm lặng, suy tư, nói năng nhỏ nhẹ không có gì là hấp dẫn. Chính cái suy tư trầm lặng và nhiều mưu kế đó, mà ông làm được việc và được nhiều người kiêng nể, kế cả kẻ thù Cộng Sản. Người ta ví Tổng Thống Ngô Đình Diệm như Lưu Bị, và ông Ngô Đình Nhu như Khổng Minh có lẽ cũng không sai. Hai người phải đi với nhau, không thể thiếu nhau được. Mỗi người một vẻ bổ túc cho nhau, chớ không thể thay thế nhau được. Tuy là Cố Vấn nhưng hầu như mọi việc của chính quyền từ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục đều được ông để mắt tới.
Đóng góp đầu tiên của ông Cố Vấn là đặt nền móng cho chế độ Cộng Hoà với Chủ Nghĩa Nhân Vị đối đầu với Cộng Sản và chủ thuyết Mác Lê. Tuy trong lời trối của ông nói về “Lý Thuyết Nhân Vị.  Đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội. Chánh sách Phát triển cộng đồng.” vào thời điểm tháng 02 năm 1962, nhưng thực tế cho thấy trong Lời Mở Đầu của bản Hiến Pháp 26-10-1956 đã đề cập đến chủ trương Nhân Vị Duy Linh rồi. Sau đây là nguyên văn lời Mở Đầu của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1956
   Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân Tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của Tổ Tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo;
   Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam, căn cứ trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;
   Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mụch đích của mọi hoạt động Quốc Gia;
Chúng tôi, Dân biểu Quốc Hội Lập Hiến:
   Ý thức rằng Hiến Pháp phải thể hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mau dến Ải Nam Quan.
Nguyện vọng ấy là:
Củng cố Độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị;
Bảo vệ Tự do cho mỗi người và cho Dân Tộc;
Xây dựng Dân Chủ về chánh trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị;
   Ý thức rằng quyền hưởng tự do chỉ đưọc bảo toàn khi năng lực phục tùng lý trí và đạo đức, khi nền an ninh tập thể được bảo vệ và những quyền chính đáng của con người đưọc tôn trọng;
   Ý thức rằng nước ta trên con đường giao thông và di chuyển Quốc Tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa và trước Nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản, bảo vệ và phát triển con người toàn diện.
 Sau khi thảo luận, chấp thuận bản Hiến Pháp sau đây”

Với nội dung nêu trên thì ta thấy Chủ Nghĩa Nhân Vị Duy Linh đã được đưa vào Hiến Pháp rồi. Vả lại trong các Thông Điệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như các tài liệu của chế độ đã thường xuyên nói đến Chủ Nghĩa Nhân Vị như Quốc Sách Ấp Chiến Lược, Phát Triển Cộng Đồng. Điều ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nhấn mạnh là giải thích chủ nghĩa trong phạm vi áp dụng. Vì Chủ Nghĩa là cái đích ta nhắm tới. Còn lý thuyết là để giải thích chủ nghĩa, tức giải thích cái con đường dẫn tới cái đích. Thực tế, từ lý thuyết đến hành động bao giờ cũng có khoảng thời gian chuẩn bị để áp dụng, mức độ nhanh hay chậm là do lãnh đạo và cán bộ thi hành.
Lời Mở Đầu trong bản Hiến Pháp cho thấy Chủ Nghĩa Nhân Vị đã được trình bày khái quát làm nền tảng của chế độ, bởi đó, người ta hay dùng cụm từ chế độ Cộng Hòa Nhân Vị là vì vậy. Chủ nghĩa Nhân Vị nhằm bảo vể quyền lợi và nhân phẩm con người, phát triển con người toàn diện, chống lại chủ nghĩa Cộng sản duy vật - thứ chủ nghĩa coi con người là sản phẩm của lao động, là công cụ của tập thể, của Đảng Cộng sản, chủ trương đấu tranh giai cấp, hủy diệt tôn giáo và niềm tin vào thực tại thiêng liêng. Nhân vị là con người, là vị trí con người, đầu đội trời, chân đạp đất, là mục tiêu phục vụ, dùng sức cần lao để phục vụ và phát triển con người toàn diện. Trong khi đó Cá nhân trong chủ nghĩa Mác coi con người là công cụ, là phương tiện của tập thể. Khi so sánh Chủ nghĩa Nhân Vị và chủ nghĩa Mác, ta thấy hai bên đối nghịch nhau rõ rệt. Một đàng là duy linh, một đàng là duy vật. Một đàng là Cộng Đồng, một đàng là Tập Thể. Một đàng coi con người là mục tiêu phục vụ, một đàng coi con người là công cụ.
Trong lời Chúc Tết và hiệu triệu Quốc dân nhân dịp Tết Ất Mùi (1955), Thủ Tướng Ngô Đình Diệm nói: “Độc lập ngày nay đã thành một sự thực hiển nhiên. Nhưng đồng thời với cố gắng tranh đấu 1à để giải phóng đất nước, chúng ta phải thực hiện công cuộc giải phóng con người trong Xã Hội Việt Nam, nếu không, độc lập sẽ mất hết ý nghĩa.
Trong thế giới ngày nay, chủ nghĩa duy vật đang hoàng hành, phá hoại di sản tinh thần của các quốc gia, đe dọa nền văn minh tự do của nhân loại.
Trái lại, với chế độ Cộng sản phủ nhận giá trị con người – coi con người chỉ là một phương tiện trong guồng máy sinh hoạt của đoàn thể, trong khi chính con người  phải là cứu cánh, chúng ta quyết tâm xây dựng Quốc Gia Việt Nam trên những nền tảng mới, lấy nhân bản làm cương vị, lấy tự do dân chủ làm phương châm, lấy công lý làm xã hội làm tiêu chuẩn.
Một chế độ dân chủ thực sự phải được thực hiện hoàn toàn trong phẩm giá và quyền tự do chính đáng của mỗi người và của mọi người, triệt để đả phá mọi hình thức cưỡng bách, áp bức mọi chính sách chỉ huy và nô lệ hóa nhân dân.
Một dự án thành lập Quốc Hội lâm thời hiện đã được nghiên cứu kỹ càng để mọi tầng lớp nhân dân tham gia việc nước. Đó là bước đầu để tiến tới công cuộc dân chủ hóa các guồng máy quốc gia.
Đồng thời, một chương trình kinh tế, xã hội sâu rộng phải đưọc áp dụng với một quan niệm mới về quyền tư hữu để xác nhận địa vị ưu tiên của sức cần lao, thực hiện cuộc tiến bộ nhịp nhàng và toàn diện của quốc dân trên mọi địa hạt, vật chất cũng như tinh thần. Nguyên tắc nói trên phải được triệt để thi hành trong mọi ngành hoạt động…”
Nhân thể, xin nói thêm về Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Đó là Đảng quy tụ những con người quyết tâm theo đuổi lý tưởng lấy sức Cần Lao tức là dùng sức lao động (làm việc cần mẫn) để phục vụ con người tức Nhân Vị trong Cộng Đồng Dân Tộc. Lý tưởng đó cao đẹp biết bao. Vậy mà sau đảo chánh 1.11.1963, tên bồi bút Chu Bằng Lĩnh (nghe nói là có tật ghiền thuốc phiện, từng làm việc dưới quyền TT Nguyễn Văn Châu, Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng) đã nhận tiền của bọn phá hoại để viết cuốn Đảng Cần Lao với bao điều bịa đặt láo khóet.
Đây là một cuốn tiểu thuyết hư cấu và ngụy tạo các sự kiện rồi đặt vào miệng các nhân vật của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm và một vài nhân vật thời Đệ nhất Cộng Hòa mà không hề dựa vào các tài liệu lịch sử nào cả. Đã vậy, tại hải ngoại, tên Cửu Long Lê Trọng Văn lại là người viết Lời Nói Đầu và xuất bản thì đủ biết phẩm chất và nguồn gốc nó từ đâu mà ra. Cho nên một người bình thường chỉ cần đọc vài đoạn là biết đó là thứ ngụy tạo, bịa đặt hết sức ngu xuẩn của tên bồi bút ghiền thuốc phiện.
Thực tế, Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc thành lập nền Cộng Hòa Việt Nam cũng như công cuộc diệt trừ Cộng sản, từ lý thuyết đến hành động. Tất nhiên CLNVCMĐ cũng có khuyết điểm như bất cứ tổ chức chính trị nào khác. Điều đáng tiếc là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Tổng Bí Thư Đảng vì quá đa đoan trong quốc sự có lẽ đã không còn thì giờ quan tâm nhiều đến Đảng. Cho nên, thực tế cho thấy tổ chức và sinh hoạt của Đảng chỉ khá mấy năm đầu, còn về sau thì quá rời rạc, nhất là sau khi ông Ngô Đình Nhu ra lệnh giải tán Liên Kỳ Bộ Nam – Băc thì kể như không còn hoạt động. Việc kết nạp Đảng viên thiếu thận trọng. Những nhân vật được coi là trụ cột của Đảng cũng thiếu Đảng tính, thiếu phẩm chất. Một số phần tử vào Đảng chỉ để kiếm chức vụ mà không lo làm cách mạng, cho nên khi tình thế thay đổi, trước những miếng mồi ngon do ngoại bang đem ra nhử đã vội vàng quay lưng phản Đảng, phản lãnh tụ. Kết quả, như đã thấy, sau 1-11-1963, những kẻ phản bội đó đã không làm nên trò trống gì mà những Đảng viên trung thành thì không đủ tầm vóc và đảng tính để tiếp tục con đường của lãnh tụ đề ra.
Trở lại đề tài của bài viết, khi ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nói ba lời trối (1, 2, 3) là ông có ý nhắn nhủ cán bộ và chiến hữu đưa lý thuyết Nhân Vị vào thực tế. Các nhà Lập Hiến đã trình bầy tư tưởng Nhân vị qua các điều ghi trong Hiến Pháp về Nhân quyền và Nhân phẩm con người. Nhưng sang đến phạm vi áp dụng trong đời sống của Nhân dân qua các chương trình Phát Triển Cộng Đồng thì cán bộ phải phục vụ xứng đáng đồng thời vận dụng nhân dân góp phần của họ vào công việc chung. Tất nhiên, Hiến Pháp 1956 cũng đã ghi rõ những hoạt động nào vi phạm đến con người, trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản đều bị cấm chỉ. Trong sinh hoạt quần chúng, khi cán bộ trình bày về đường lối phục vụ Nhân Vị xem ra đơn giản và dễ dàng được tiếp nhận. Người viết có dịp tiếp xúc với một số cán bộ kháng chiến Việt Minh đã trở về với chính nghĩa Quốc Gia. Họ xác nhận lý do trở về vì nhận chân được đường lối của chính phủ VNCH dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Họ đã không tiếc lời khen Chủ Nghĩa Nhân Vị là hay, nhất định đánh bại được chủ nghĩa Mác. Một số Cán Bộ Cộng Sản khác bị bắt cũng xác nhận: “Cái đáng sợ là Chủ Nghĩa Nhân Vị và Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Đó là một nguy cơ cho Cộng sản Việt Nam”. Sau ngày 1.11.1963, người ta không nhắc đến Chủ Nghĩa Nhân Vị hay Quốc Sách Ấp Chiến Lược nữa vì mặc cảm, nhưng thực tế cho thấy Hiến Pháp VNCH 1967 có khác gì Hiến Pháp 1956? Từ Lời Mở Đầu, điều khoản căn bản và những điều khoản về Nhân Quyền, vân vân. Rõ ràng là họ đã sao chép lại nguyên văn nhiều điều cơ bản, hoặc sửa vài từ ngữ, hoặc đặt ngược câu văn cho khác một chút, nhưng kỳ thực giống nhau về nội dung. Thế nghĩa là gì? Theo thiển ý thì Chủ Nghĩa Nhân Vị đã được trình bày lại mà không đề rõ tên. Thật ra thì tất cả các tư trào từ Cách Mạng 1776 của Hoa Kỳ, Cách Mạng 1789 của Pháp, Cách Mạng Tân Hợi 1911 của Trung Hoa, cho đến Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc cũng đều hướng về Nhân quyền, về Con Người, về Nhân Vị hay Nhân Bản mà thôi.  
Vậy mà có những kẻ cố tình xuyên tạc cho rằng Chủ Nghĩa Nhân Vị áp dụng ở Việt Nam là do ông Ngô Đình Nhu muợn từ thuyết Nhân Vị (Le Personnalisme) của triết gia Pháp Emmanuel Mounier và rằng Chủ Nghĩa Nhân Vị ấy  không thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Đầu sỏ là bọn nhà báo bất lương ngoại quốc khi được lệnh của quan thày Tư Bản trong âm mưu mua chuộc bọn tướng lãnh phản bội đã tung ra luận điệu ấy. Ngoài ra, một số kẻ thù ghét chính phủ Ngô Đình Diệm phải chăng vì đã không được chia ghế cho nên tìm cách a dua với ngoại nhân đánh phá xuyên tạc? Bọn nhà báo bất lương này đã không chịu đọc Hiến Pháp 1956 hay tìm hiểu Vắn hóa Đông Phương đã nói khá rõ về Nhân Vị và Nhân Bản. Ngay lời Mở Đầu của Hiến Pháp 1956 đã ghi rõ: “Ý thức rằng nước ta trên con đường giao thông và di chuyển Quốc Tế, dân tộc ta  sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa và trước Nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản, bảo vệ và phát triển con người toàn diện.” Vậy thì cụm từ “nền văn minh nhân bản” là gì vậy?  Nhân Bản là một cái nhìn về Con Người của Phương Đông.  
Chắc chắn là ông Ngô Đình Nhu đã đọc tác phẩm Le Personnalisme của E. Mounier và đã tiếp thu ít nhiều. Nhưng ông đi xa hơn bằng việc nghiên cứu và tổng hợp với Tư Tưỏng Nhân Bản của Đông Phương để hình thành Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông. Vả lại, ngay trong nền Văn Hóa Việt Nam cũng tiềm tảng tư tưởng về Con Người, về Nhân Vị mà sau này khi thi hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược, chính phủ Ngô Đình Diệm đã không ngần ngại khai triển tinh thần Dân Tộc qua bản Hương Ước. Tinh thần của bản Hương Ước đã bao hàm tư tưởng Văn Hóa Việt Nam và Con Người Việt Nam tức là Nhân Vị. Cái khác theo đà tiến bộ của Văn Minh là thực hiện Dân Chủ Pháp Trị tức là dân chủ hóa hạ tầng cơ sở Xã Thôn để người dân làm quen với nếp sống dân chủ qua việc bầu cử và tích cực tham gia vào việc chung của Cộng Đồng. Mình tức người Dân làm chủ, chớ không ai khác. Không phải Đảng, không phải Chính quyền, nhưng cũng không đứng biệt lập sau lũy tre xanh mà phải dấn bước đi vào đời sống Cộng Đồng.
Việc tiếp thu tinh hoa của Nhân Loaị là chuyện thường tình, nơi nào, thời nào cũng có. Không ai thắc mắc các nhà soạn thảo Tuyên Ngôn Dân Quyền của Cách Mạng Pháp 1789 đã mượn nguồn tư tưởng Tuyên Ngôn Độc Lập của Cách Mạng Hoa Kỳ 1776. Cũng không ai thắc mắc Tôn Dật Tiên đã tiếp thu tư tưởng Tây Phương để hình thành Tam Dân Chủ Nghĩa. Vậy thì tại sao có kẻ lại lên án, xuyên tạc Đệ Nhất Cộng Hoà và Chủ Nghĩa Nhân Vị để làm gì? Phải chăng để trả thù? Phá hoại? Hay cố tình làm tay sai cho ngoại bang và giặc Cộng?
Trong số những kẻ thâm thù Đệ Nhất Cộng Hoà thì có nhà văn Vũ Bằng, một điệp viên của Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt dưới quyền Đại Tá Trần Văn Hội. Trong Tuyển Tập Vũ Bằng Tập I, trang 10 do Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 2000 ghi rõ Trần Quốc Hương, Ủy Viên Trung Ương Đảng Cộng Sản, chỉ huy mạng lưới tình báo xác nhận Vũ Bằng là điệp viên, hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ 1952. Bởi thế Vũ Băng được Hội Nhà Văn của Việt Cộng công nhận và cho ấn hành Tuyển Tập Vũ Bằng gồm 3 tập tỗng cộng trên 3000 trang.
Về tư tưởng Nhân Vị, Vũ Bằng đã viết một đoạn trong cuốn “Nói Có Sách” trang 102 như sau:
Chủ Nghĩa Nhân Vị có khác Chủ Nghĩa Nhân Bản?
Trước đây, dưới chế độ Ngô Đình Diệm có đề xướng chủ nghĩa nhân vị và có giải thích nhiều về chủ nghĩa ấy.
Trong một bản giải thích có nói: “Chủ nghĩa nhân vị không phải là chủ nghĩa nhân bản, vì nhân bản chỉ lấy con người làm gốc mà chưa nêu được rõ giá trị tinh thần của con người. Chủ nghĩa nhân vị lấy duy linh làm triết lý căn bản, nên nhân vị cao siêu hơn nhân bản”.
Tất nhiên người ta có quyền đặt thêm nội dung cho một lý thuyết sẵn có, do sự kết hợp và sang tạo của nhận thức. Điều đó hay hay dở, ta không nên phê phán.
Song cứ theo quan niệm của Nho giáo, nhân bản hay nhân vị là một. Nhân bản hay nhân vị là chữ tắt của “nhân loại bản vị thuyết”.
Nhân loại bản vị thuyết là chủ nghĩa lây nhân loại làm bản vị, làm trung tâm vũ trụ. Tất cả mọi hoạt động đều phải tập trung vào việc nâng cao phẩm giá và mức sống của con người. Mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người phải được bảo đảm. Trong đối xử, quan hệ xã hội lấy thuyết ôn tồn (chính, trung, hòa) mà đối xử với nhau.
Nói về giá trị của con người, sách “Trung Dung” có viết: “Chính thị thiên hạ chi đại đạo, hòa thị thiên hạ chi đại bổn, chính, trung, hòa thiên địa vị nhân yên, vạn vât dục yên”.
Vì thế, nội dung của chủ nghĩa nhân vị, thực chất là nhân đạo. Nó là một thứ chủ nghĩa mà bất cứ ai, kể từ thời đại phong kiến trở lại đây, mỗi khi phải đề cập tới việc mượn lợi ích cho con người, đều nói đến. Nó là nội dung đạo đức của Nghiêu, Thuấn, là triết lý của Khổng Tử, là mẹ đẻ của các tuyên ngôn nhân quyền của Pháp (năm 1789) và của Mỹ về sau này v.v…
Do đó, ta thấy nhân bản hay nhân vị chẳng phải là một triết lý mói lạ. Có lạ chăng là ở chỗ người ta dám lợi dụng danh từ “nhân vị” hay “nhân bản” để làm những điều phản lại những nguyên tắc tối thiểu của nhân vị, nhân bản.
Than ôi! Chẳng phải riêng gì nhân vị, nhân bản bị lợi dụng, mà còn biết bao nhiêu danh từ như cách mạng, dân chủ, tự do, vì dân, do dân v.v… cũng bị xuyên tạc một cách nhục nhã hơn nữa.”
Vũ Bằng nói đúng: “nhân bản hay nhân vị chẳng phải là một triết lý mới lạ…”
Nhưng cái lạ là Vũ Bằng cùng biết bao nhiêu kẻ đã nhận ra cái hay của Nhân Vị, Nhân Bản mà lại không theo, lại đi theo chủ nghĩa Mác Xít phi nhân và phi dân tộc, làm công cụ cho Việt gian Cộng sản tay sai bán nước!
Những điều trích dẫn trên đây cho thấy kể cả kẻ thù cũng gián tiếp xác nhận Chủ Nghĩa Nhân Vị được đem áp dụng vào Việt Nam đã là cái gì thuộc về Đông Phương, rất đáng trân trọng. Nói rõ hơn, mình xử dụng cái của mình, thuộc về mình. Mình xây dựng căn nhà Việt Nam trên nền tảng tinh thần Người Việt Nam tức là đất của mình. Việc áp dụng đó, quả là hữu ích và tiến bộ. Không có gì đơn giản và dể hiểu, dễ tiếp thu bằng tư tưởng tôn trọng và bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của con người đầu đội trời, chân đạp đất. Đó là vũ khí tư tưởng vô cùng lợi hại đối đầu với chủ nghĩa Mác của ngụy quyền Cộng Sản Hà Nội. 
Về Quốc Sách Ấp Chiến Lược
Như đã nói trên, tại Hội Nghị Genève 1954, thực dân Pháp và Cộng Sản đã cấu kết với nhau chia đôi đất nước thành hai miền Nam - Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Cũng theo bản Hiệp Định này thì một cuộc Tổng Tuyển Cử thống nhất đất nước sẽ được tổ chức vào năm 1956. Nhưng lúc đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Điệm đã phản đối và tẩy chay Tổng Tuyển Cử vì Cộng sản Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định bằng cách để lại các cơ sở và cán bộ nằm vùng dưới nam vĩ tuyến 17, cấm cản dân chúng Miền Bắc di cư vào Nam, không tôn trọng quyền Tự Do của Nhân dân. Ngay tại bờ phía nam sông Bến Hải, Chính phủ Quốc Gia đã viết một tấm bảng lớn yêu cầu nhà đương cuộc Hà Nội hãy thực thi 6 điểm nếu muốn có Tổng Tuyển Cử, trong đó có điểm hãy tôn trọng tự do của nhân dân hai Miền và hãy để cho 300 trăm ngàn gia đình người dân miền Bắc được tư do di cư vào miền Nam.  Hà Nội lúc ấy tỏ ra rất cay cú vì ngót một triệu người di cư vào Nam như một cái tát vào mặt Hồ Chí Minh và đồng bọn phải bẽ mặt với thế giới, trong khi đó các cơ sở nằm vùng của chúng tại Miền Nam đã bị Phong Trào Tố Cộng tiêu diệt. Tại Miền Bắc, nền kinh tế nông nghiệp Hợp Tác Xã gặp thất bại nặng nề sau cái gọi là cuộc Cải Cách Ruộng Đất - Đấu Tố Địa Chủ. Miền Nam lúc đó, sau khi Chính phủ Quốc gia ổn định được tình hình, thống nhất quân đội, bầu cử Quốc Hội, ban hành Hiến Pháp, xây dựng các cơ sở kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, cuộc sống của nhân dân trở nên trù phú. Gần một triệu người dân di cư từ Miền Bắc vào Nam đã có nơi ăn, chốn ở, ruộng đất canh tác bao la với các khu Dinh Điền Cái Sắn ở Miền Nam đến các Khu Dinh Điền trên Cao Nguyên và Miền Đông. Tiểu Công Nghệ được chấn hưng và kỹ nghệ bắt đầu được hình thành.  Hạ tầng cơ sở, đường xá giao thông và giáo dục được mở mang, cải tiến. Ngoại giao tăng uy tín và lớn mạnh. Cứ cái đà này thì một ngày không xa, Miền Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sẽ lướt thắng Miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh. Bởi đó, theo lệnh quan thày Nga - Hoa, Cộng Sản Bắc Việt tiến hành xâm lăng Miền Nam bằng giải pháp quân sự với chiêu bài Đồng Khởi rồi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Đó là lối thoát cho chúng vừa để gỡ thế bí kinh tế thất bại tại Miền Bắc, vừa để vực dậy và cứu sống số cơ sở nằm vùng còn sót lại ở Miền Nam. Thật đúng như lời dạy của Mao Trạch Đông với đàn em: “Thà để chúng chết ở chiến trường còn hơn để chúng chết đói ở nhà” Một cuộc hô hào giải phóng Miền Nam của tập đoàn Cộng Sản Hà Nội bắt đầu từ đó.
Nhưng nếu muốn dùng giải pháp quân sự thì phải có phương pháp thực hiện. Vậy phương pháp đó là gì? Với tình hình Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời chiến tranh lạnh lúc đó, thì tập đoàn Hà Nội phải áp dụng Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao Trạch Đông, kẻ đã thắng Tưởng Giới Thạch tại Hoa Lục gần 10 năm trước đó (1949).  Với chiến thắng của Mao, các Đảng Cộng sản đàn em tại các nước Á Phi và Châu Mỹ La Tinh đua nhau khai triển và áp dụng Chiến pháp này, một thứ Chiến Tranh Nhân Dân, lấy nhân dân làm đối tượng tuyên truyền,  tranh thủ để thâu đạt thắng lợi.
Chiến Pháp của Mao Trạch Đông là một công trình nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn của Đảng Cộng Sản Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Đảng Cộng Sản Trung Hoa được thành lập năm 1920 tại Thượng Hải (do chính quyền Sô Viết tại Mạc Tư Khoa phái Gregory Voitinsky sang tổ chức). Lãnh tụ Đảng đầu tiên là Trần Độc Tú, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa ở Bắc Kinh làm Tổng Bí Thư (1920- 1930). Sau 10 năm đấu tranh không kết quả khả quan, Trần Độc Tú xuống và Lý Lập Tam lên thay 1930. Nhưng Lý Lập Tam cũng thất bại trong việc vận động công nhân nổi dậy (vì bị Tưởng Giới Thạch dẹp tan) nên Lý bị triệu hồi về Mạc Tư Khoa. Lợi dụng cơ hội này, Mao Trạch Đông, lúc đó đang lãnh đạo cơ sở Đảng tại Hồ Nam, nhẩy ra nắm vai trò lãnh đạo. Là một đảng viên xuất sắc, xuất thân từ nông dân giàu có ở Hồ Nam, được học hành, rồi gia nhập Đảng Cộng Sản khi Trần Độc Tú làm Tổng Bí Thư (1920), đã từng làm việc tại Thư Viện Đại Học Bắc Kinh, nên Mao có nhiều kinh nghiệm đấu tranh vận dụng nông dân. Trước nguy cơ tấn công tiêu diệt của Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng, Mao và đồng đảng như Bành Đức Hoài, Chu Đức, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình quyết định thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934-1935) từ Quảng Đông, Quảng Tây kéo về Diên An, Thiểm Tây, để lập căn cứ địa. Theo nhận định của Mao, hoàn cảnh của Trung Hoa lúc đó phải lấy Nông dân làm lực lượng chính thay vì Công nhân. Khởi điểm từ đó, Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao ra đời. Trong phạm vi giới hạn, người viết chỉ trình bày khái quát những điểm chính mà thôi.
Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao Trạch Đông bắt đầu từ hai luận đề:
Luận đề 1: Phân biệt Chiến Tranh Cách Mạng và Chiến Tranh phản Cách Mạng
Luận đề 2: Quan niệm Mác Xít về Chiến Tranh và Chính Trị.
Sau khi phân biệt chiến tranh cách mạng và Chiến trang phản cách mạng, Mao nhấn mạnh về tương quan giữa Chiến tranh và Chính trị. Mao chịu ảnh hưởng rõ rệt quan điểm của Clausewitz (chiến Pháp gia Đức) qua câu nói: “Chiến tranh là sự kế tục của Chính trị” nhưng Mao đi xa hơn Clausewitz theo quan điểm Mác xít về đấu tranh thường trực qua câu nói nổi danh: “Chiến tranh là Chính trị đổ máu và Chính trị là Chiến tranh không đổ máu”.
Từ hai luận đề nói trên, Mao khai triển vào thực tế, (tất nhiên không ngoài Binh Pháp của Tôn Tử và 10 nguyên lý chiến tranh). Theo Mao, Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng bao gồm 3 giai đoạn chiến lược:
- Gia đoạn (1): Phòng Ngự
- Giai đoạn (2): Cầm Cự
- Giai đoạn (3): Tổng Phản Công.
Khởi đầu là Giai đoạn Phòng Ngự phải áp dụng Du Kích Chiến. Du Kích là đơn vị võ trang lấy nông thôn hoặc rừng núi làm cứ điểm. Muốn tồn tại, phải bám lấy dân. Cho nên Mao đề ra phương châm 3 bám: (1) Chi bộ bám du kích, (2) Du kích bám dân, (3) Dân bám đất, trong đó “Quân Dân như Cá với Nước”. Về mặt trận địa thì Căn cứ địa phải ở Vùng rừng núi giáp biên giới nước khác để dễ ẩn núp và dễ đào thoát khi bị truy kích. Đó là nói về Du Kích chiến theo Chiến Lược (vì Du Kích Chiến là một giai đoạn chiến lược của Chiến Tranh Cách Mạng). Còn về chiến thuật thì Lâm Bưu đã khai triển thêm qua phương châm “Tứ khoái, nhất mãn” (Bốn nhanh, một chậm. Bốn nhanh là: tiến quân nhanh, tấn công nhanh, giải quyết chiến trường nhanh, rút lui nhanh. Còn một chậm là: chuẩn bị chậm).
Mao có làm bài thơ về lối đánh của du kích như sau :
Khi địch tiến, ta lui
Khi địch đánh, ta né
Khi địch ngừng, ta quấy
Khi địch lui, ta đuổi
Lối đánh du kích là lối đánh của kẻ yếu đánh kẻ mạnh mà vẫn thắng, dùng đơn vị nhỏ của Ta đánh đơn vị lớn của Địch, bám dai như đỉa đói nhưng rất lợi hai. Khởi sự đấu tranh khi lực lượng quân sự còn nhỏ thì phải áp dụng lối đánh này. Từ nhỏ đi tới lớn. Từ Du kích chiến (giai đoạn Phòng Ngự) sẽ tiến dần lên Vận động chiến, Cường tập chiến, Bôn tập chiến, Công kiên chiến (giai đoạn Cầm Cự) và cuối cùng là Trận địa chiến (giai đoạn Tổng Phản Công). Giai đoạn Du kích chiến phải khởi sự từ Nông thôn và Rừng núi là nơi có địa thế hiểm trở dễ làm chỗ ẩn núp an toàn cho du kích và lấy Nông dân làm lực lượng chính. Nông dân sống ở đồng ruộng, rừng núi, quen biết địa thế. Họ vừa làm Du kích, vừa làm nông dân lao động, che chở cho Du kích. Vì Du Kích là lực lượng Quân sự nên Chi bộ là Đảng phải bám vào (chỉ huy) Du kích. Du kích phải bám Dân và Dân bám Đất. Nói như thế thì vai trò của Chi bộ Đảng rất quan trọng. Ở đây cần nhắc đến quan niệm của Lênin về Cách Mạng: “Không có lý luận cách mạng thì không có Đảng cách mạng. Không có Đảng cách mạng thì không có Cách mạng”. Trong giai đoạn đầu, phải lập căn cứ địa ở vùng rừng núi để “Lấy rừng núi kiếm chế nông thôn và lấy nông thôn bao vây thành thị”.
Khi Mao Trạch Đông và phe Đảng thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh từ Hoa Nam kéo về Diên An chính là lúc Đảng Cộng Sản Trung Hoa bắt đầu đổi Chiến Lược dưới sự lãnh đạo của Mao. Thực hiện Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao thâu đạt thắng lợi cho phe Cộng Sản tại Trung Hoa bắt đầu từ đó. Cũng từ thắng lợi này, các Đảng Cộng Sản trong các nước chậm tiến Á Phi và Châu Mỹ La tinh noi gương, học hỏi Mao và Hồng Quân, cố gắng du nhập và thực hiện Chiến pháp Chiến tranh Cách mạng cho vùng của mình nhằm phát động đấu tranh nhuộm đỏ thế giới.
Việt Nam sát biên giới phía bắc với Trung Hoa. Cộng sản Việt Nam lập An Toàn Khu ở Thái Nguyên, nhờ Trung Cộng viện trợ, huấn luyện, chỉ đạo nên đã chiến thắng thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Sau hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia đôi và nhất là Miền Nam đã thực hiện cuộc Cách Mạng Nhân Vị, thành lập chế độ Cộng Hòa thì tình hình đã thay đổi. Âm mưu và tham vọng của Cộng sản Quốc tế cũng như Việt Cộng vẫn là phải thống nhất VN dưới chế độ Mác xít. Tiếp tục bài bản của đàn anh Trung Cộng và nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của quan thày Nga- Hoa, Cộng Sản Việt Nam sau khi yêu cầu hiệp thương và tổng tuyển cử bị thất bại đã mau mắn tiến hành Chiến tranh giải phóng theo lời dạy của Mao dưới chiêu bài Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tháng 12 năm 1960. Trước đó, Việt Cộng đã cố gắng phục hoạt lại các cơ sở nằm vùng, khởi động bằng khủng bố, ám sát các viên chức xã ấp, giáo chức, công chức của Miền Nam, kiềm chế, đe dọa sinh mạng và tài sản của nhân dân trong những vùng xa xôi hẻo ánh, lén lút đưa quân xâm nhập từ Miền Bắc vào Miến Nam qua ngả Lào và Cao Miên trên cái gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, lập các Mật Khu (căn cứ địa) tại vùng biên giới, rừng núi hiểm trở cạnh dãy Trường Sơn ngoài Miền Trung hay các chiến khu D, Châu Pha, Hát Dịch, U Minh… tại Miền Nam. Khi đưa ra chiêu bài Mặt Trận Giải Phóng, Việt Cộng đồng thời cũng đưa ra Phương Châm Chiến Lược Ba Mũi Giáp Công, đó là sự kết hợp ba mũi dùi Chính Trị, Quân Sự và Binh Vận để thực hiện chiêu bài đó
Đời sống của nhân dân Miền Nam dưới chính thể Cộng Hòa đang được an vui bỗng trở nên xáo trộn vì bọn Việt Cộng nằm vùng nổi lên bằng khủng bố, bắt cóc, ám sát. Chiến tranh du kích bắt đầu và mỗi ngày một gia tăng. Trước tình thế đó, các vị lãnh đạo quốc gia nhận thấy rằng không thể thực hiện một vài Chiến Dịch hành quân như khi đối phó với các giáo phái là xong mà phải có một sách lược quy mô nhằm đối phó với một âm mưu xâm lược của Việt Cộng có hậu thuẫn mạnh mẽ của Cộng sản Quốc Tế. Dó đó, Quốc Sách Ấp Chiến Lược được nghiên cứu và ra đời.
Nghe nói tới Ấp Chiến Lược, người ta chỉ nghĩ hoặc hình dung đó là việc gom dân lập ấp. Cộng sản và những phần tử tay sai hoặc bất mãn thì cố tình xuyên tạc, tuyên truyền thổi phồng lên là những trại tập trung dân chúng như trại tù. Tất nhiên, luận điệu đó chỉ có tác dụng đối với số nhỏ. Phần lớn dân chúng đều hiểu biết về chủ trương đường lối của Chính Phủ Quốc Gia. Vậy Quốc Sách Ấp Chiến Lược là gì? Thưa đó là Sách Lược diệt Cộng cứu nước của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Sách Lược đó bao gồm ba điểm chính sau đây:
- Thứ nhất là Chiến Lược “Tát nước bắt cá” tức là gom dân lập ấp để bảo vệ an ninh cho dân chúng chống lại âm mưu xâm nhập của Cộng sản với chủ trương “Dân quân như cá với nước”.
- Thứ hai là Chủ nghĩa Nhân Vị Cộng Đồng - Đồng Tiến Xã Hội chống lại Chủ nghĩa Cộng sản.
- Thứ ba là phục hưng và phát huy Truyền thống xã thôn Việt Nam.
Gọi là ba điểm chính nổi bật cho dễ hiểu chớ thực ra Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một Cuộc Cách Mạng bao gồm nhiều lãnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội nhằm diệt ba thứ giặc: Chia rẽ, Chậm tiến và Cộng sản. Ba thứ giặc này luôn cấu kết với nhau đưa dân nước đi xuống. Giặc chia rẽ làm cho dân không đoàn kết, không tập trung được sức mạnh để mở mang, phát triển khiến nước mình chậm tiến. Giặc chậm tiến làm mồi cho vi trùng Cộng sản. Và khi Cộng sản đã len lỏi vào phá hoại thì chúng sẽ gây chia rẽ. Và cứ như vậy, nước mình sẽ đi vào cái vòng luẩn quẩn không sao ngóc đầu lên được.  Trong phạm vi hạn hẹp, người viết chỉ xin trình bày 3 điểm chính nêu trên.
Điểm 1: Gom dân lập ấp hay “tát nước bắt cá”. 
Gom dân lập ấp chỉ là một trong những công tác chính yếu của chiến lược “tát nước bắtcá”. Chiến lược này đã được trình bày trong các tài liệu, và đưọc cụ thể hóa qua Nghị định ngày 12-03-1963 của Tổng Thống VNCH về việc tổ chức Ấp Chiến Lược. Chiến lược gồm hai phần: (1) Thứ nhất nói về việc gom dân lập ấp. (2) Thứ hai là nói về việc đoàn ngũ hóa và vũ trang nhân dân. Lồng vào đó là tinh thần Dân Chủ Pháp Trị từ Chủ Nghĩa Nhân Vị.
Ấp có hai loại: Ấp Chiến Lược và Ấp Chiến Đấu. Hầu hết là Ấp Chiến Lược. Ấp Chiến Lược được võ trang thì gọi là Ấp Chiến Đấu.  Ấp, Xã thì ở nông thôn; còn Khóm, Phường thì ở thành thị.
Trong khi thực hiện công tác Ấp Chiến Lược, chính phủ đã cố gắng rút kinh nghiệm công cuộc chống Cộng tại Mã Lai và Phi Luật Tân vì cùng là những quốc gia chậm tiến tại Á Châu bị Cộng sản phá hoại. Mã Lai là thuộc địa của Đế Quốc Anh, được trả độc lập và chính quyền Anh đã hết mình giúp Mã Lai tiêu diệt Cộng sản với chương trình huấn luyện Cảnh Sát. Người chịu trách nhiệm là Sr. Robert Thomspon, chuyên gia chiến lược du kích, sau đã qua giúp Việt Nam với vai trò Cố Vấn về Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Công cuộc chống Cộng tại Phillippine dưới thời Tổng Thống Ramon Magsaysay dẹp tan Cộng sản Huk cũng được chính phủ để tâm nghiên cứu. Hy Lạp là quốc gia Tây phương duy nhất đã thành công trong việc diệt Cộng thay vì bị Staline cho quân tràn qua chiếm giữ như các quốc gia Đông Âu.
Mỗi quốc gia có một vị trí địa lý và sắc thái văn hóa, chính trị riêng. Vị trí địa lý rất quan trọng. Mã Lai như một bán đảo. Phi luật tân là một đảo quốc gồm hàng trăm  hòn đảo ở Thái Bình Dương trong vùng Đông Nam Á. Hy lạp thì thuộc phía Nam Âu Châu trong vùng Balkan. Riêng Việt Nam thuộc Đông Dương giáp Lào, Miên, Trung Hoa và từ thời xa xưa, luôn là miếng mồi ngon cho kẻ thù phương Bắc nhòm ngó. Đã bao lần nước ta bị thôn tính, nhưng cha ông ta đã vùng lên đánh đuổi giặc phương Bắc để giành lại độc lập. Chỉ vì sự ngu muội, bảo thủ mà triều Nguyễn đã không có chánh sách ngoại giao khôn ngoan, không biết lo canh tân xứ sở để đủ sức chống chọi, kết cục cả nước bị đưa vào vòng thuộc địa. Rồi từ đó, vi trùng Cộng sản có cơ hoạt nổi lên nắm chính quyền gây tang tóc cho dân tộc
Kinh nghiệm lớn nhất có lẽ là chế độ Làng Tề ở Miền Bắc trước năm 1954 (từ chiến dịch Navarre về đồng bằng). Thời đó, công cuộc chống Cộng đã có những nỗ lực đáng kể tại Khu Tự Trị Bùi Chu - Phát Diệm. Những khu khác do Quân Đội Quốc Gia Việt Nam kiểm soát thì các làng theo chế độ “hội tề” trong chương trình bình định, được vận động tham gia chống Việt Minh Cộng sản. Người viết đã có dịp chứng kiến tại một số làng tại huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Dân chúng trong làng (chủ lực là thanh niên) được vũ trang (nhận súng đạn), đào hào đắp lũy quanh làng để tự vệ. Việc lập các làng tề như thế trong chiến dịch bình định chính là để mở rộng vòng đai an ninh cho Quân Đội Quốc Gia. Còn dân chúng thì tự họ có thể giữ an ninh cho mình bằng cách loại trừ và ngăn ngừa địch xâm nhập phá hoại hoặc tấn công. Thực tế cho thấy, những làng Tề đã chiến đấu rất kiên cường và có kết quả rất lớn. Trong làng, phần tử nào ngầm hoạt động cho giặc dễ dàng bị dân chúng phát hiện. Bất cứ kẻ lạ mặt nào vào làng cũng dễ dàng bị bắt nhờ màng lưới an ninh nhân dân. Ban ngày, dân chúng, nhất là thanh niên đều ra đồng làm việc. Chỉ để một số thanh niên chiến đấu ngồi canh gác tại mấy cổng làng nhằm kiểm soát người ra vào.  Nếu có gì khác lạ, chỉ cần giựt một hồi chuông, bắn ba phát súng là thanh niên tự động về làng, mang vũ khí ra công sự chiến đấu. Thực tế cho thấy đánh đồn hay đánh ấp (công đồn), địch phải tập trung lực lượng ít nhất là gấp ba lần mới dám tấn công. Vả lại, nếu không có nội công hoặc ở vào thế bí, phải xử dụng lực lượng quá mạnh để tiêu diệt đối phương thời việc đánh ấp đều gặp thất bại. Nếu có đánh cũng chỉ “gây rối cho qua” rồi bỏ đi.
Nhớ lại thời gian các Làng Tề chống Việt Minh ở ngoài miền Bắc, dân chúng một phần ở địa thế an toàn, một phần có niềm tin sắt đá (chẳng hạn những làng Công Giáo) thì Việt Minh rất khó tấn công. Đôi khi chúng tấn công rồi rút ngay, không dám chiếm ngụ lâu dài, vì sợ viện binh và nhất là sức phản công của dân quân tự vệ rất mạnh và bền bỉ.
Ở miền Trung hay Miền Bắc, dân chúng sống quy tụ gần gũi nhau thành làng. Chung quanh làng thường có lũy tre xanh bao bọc. Khi lập làng Tề hay lập Ấp Chiến Lược, họ chỉ cần đào hào đắp lũy và nếu cần thêm hàng rào là xong. Trái lại, trong miền Nam thì tại nông thôn, dân chúng thuờng làm nhà ở rải rác ven bờ lộ hay bờ kinh nên việc gìn giữ an ninh gặp trở ngại. Lợi dụng tình trạng đó, bọn Cộng sản năm vùng dễ dàng len lỏi sống bám với dân. Bởi thế, những làng nào mà dân chúng ở quy tụ như làng miền Bắc thì việc lập Ấp Chiến Lược dễ dàng. Những làng mà dân chúng ở rải rác thì buộc lòng, chính quyền phải vận động dân chúng di chuyển nhà ở vào trong ấp với mục đích là gìn giữ an ninh cho chính họ đồng thời loại trừ những tên Cộng sản nằm vùng. Việc vận động dân rời nhà vào trong hàng rào ấp ít nhiều cũng gây bất mãn vì làm thay đổi nếp sống thường ngày của họ. Nhưng điều đó cũng không phải là vấn nạn lớn không giải quyết được.
Việc gom dân lập ấp chỉ là bước đầu trong việc tát nước bắt cá. Bước thứ hai là đoàn ngũ hóa và vũ trang nhân dân. Việc này không mới lạ gì trong lịch sử vì từ xa xưa ngay bên Tàu đã có chủ trương “Ngũ Gia Liên Bảo” tức là 5 gia đình ở gần nhau bảo vệ cho nhau. Bây giờ, trong mỗi ấp cũng chia thành khu, thành xóm, thành liên gia để bảo vệ nhau. Với dân trong ấp thì được phân ra theo lứa tuổi: Thanh Niên, Thanh Nữ, Lão Ông Lão Bà, Thanh Niên Bảo Vệ Huơng Thôn, Thanh Niên Cộng Hòa, Thanh Niên Chiến Đấu. Việc tham gia các đoàn thể chỉ có mục đích làm tăng sự liên đới, bảo vệ và nhất là để dễ nhận diện kẻ thù Cộng sản. Vì thường trong một ấp, dân chúng quen nhau, biết nhau rất rõ ràng. Nếu có người khác lạ là họ nhận ra ngay. Như vậy, Ấp Chiến Lược giúp cho Chính Phủ và Quân Đội Quốc Gia rảnh tay một phần lớn vì Du Kích Việt Cộng bị tách rời khỏi nhân dân, và chúng phải co cụm vào các mật khu, mất đường tiếp tế từ nhân dân như cá nằm trên thớt. Du kích không bám được vào Dân thì kể như hết đất đứng. Lúc đó Quân Đội Quốc Gia chỉ việc dùng lực lượng mạnh bao vây và tiêu diệt chúng trong các mật khu. Tất nhiên giai đoạn phòng ngự với Du kích chiến không thành công thì chúng không thể phát triển đơn vị du kích thành bộ đội chủ lực để tiến sang Vận Động Chiến được.
Cũng nên nói thêm về Ấp Chiến Đấu. Đó là những Ấp Chiến Lược ở vào địa thế quan trọng, được võ trang như một đồn lính chiến đâu. Cụ thể nhất là Biệt Khu Hải Yến ở Cà Mau dưới sự lãnh đạo của Linh Mục Nguyển Lạc Hóa đã tạo được thành tích chống Cộng vẻ vang. Có một vài làng ở Miền Bắc di cư vào Nam, cũng được võ trang để tự bảo vệ và tránh sự trả thù vì thành tích chống Cộng như mấy làng ở vùng Xuân Lộc, Long Khánh. Có lần vào sau dịp Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng đã bén mảng đến tấn công trả thù vì du kích của chúng đi ngang qua ấp chẳng may bị dính bào bẫy heo, mìn nổ banh xác. Chúng tức giận nên ban đêm vác loa đòi xác, nhưng dân làng không trả nên chúng đưa đại đơn vị đến bao vây. Nhờ sự yểm trợ của quân đôị địa phương, nhất là pháo binh và phi cơ chiến đấu ném bom. Kết quả trận đánh, Việt Cộng thua to bỏ chạy, để lại hơn 100 xác chết đồng bọn. 
Điểm 2: Chủ Nghĩa Nhân Vị 
Trong khi thực thi Quốc Sách Ấp Chiến Lược, chính phủ VNCH muốn đưa chủ nghĩa Nhân vị vào cuộc sống nhân dân, làm thế nào để nhân dân hiểu biết và nhận ra rằng qua Ấp Chiến Lược, cuộc sống của họ chẳng những được bảo đảm về mặt an ninh mà còn được cải tiến về các mặt chính trị, xã hội, văn hóa. Nói tắt là con người của họ được phát triển toàn diện. Tất nhiên cái cây mình ươm trồng cũng cần thời gian để nó nẩy mầm, lớn lên mới đơm hoa kết trái. Việc đưa Chủ Nghĩa Nhân Vị vào đời sống nhân dân khởi đầu bằng việc huấn luyện cán bộ. Cán bộ thời đó gọi là Cán bộ Công Dân Vụ tức cán bộ lo việc đời sống cho người công dân. Tư cách người Công dân nên hiểu là con người thường hiểu biết nhiệm vụ của mình đối với đất nước mà cụ thể là đời sống trong Cộng Đồng. Tư tưởng Nhân vị đã được ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đặt thành phương trình như sau:
Tam Túc + Tam Giác = Tam Nhân = Nhân Vị
Nói về Tam Nhân thì Con người hay Nhân Vị có ba chiều kích:
- Chiếu kích cá nhân hay trong cảnh vực nội tâm thì bao hàm Lẽ phải, Tình Thương và Tự do.
- Chiều kích đối ngoại với tha nhân tức với Cộng Đồng. Nhân vị chỉ được coi là đúng nghĩa khi đi với Cộng Đồng. tham dự vào đời sống Cộng Đồng để cùng tiến. Nhân vị Cộng Đồng và Đồng Tiến Xã Hội là như vậy.
- Chiều kích hướng thượng tức là hướng về Chân, Thiện. Mỹ hay Tuyệt đối hay Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao tùy theo Tôn giáo của mình.
Để hoàn thành hay phát triển con người toàn diện thời phải biết cảnh giác. Cảnh giác ba khía cạnh của đời sống. Đó là cảnh giác sức khỏe, Cảnh giác đạo đức và Cảnh giác về lý trí. Đó là ba yếu tối giáo dục: Trí, Đức và Thể Dục. Có được giáo dục hay rèn luyện cà ba khía cạnh đó thì con người hay Nhân vị mới nẩy nở hoàn toàn.
Trước tình hình mới, khi nhờ vả thiên hạ thì họ hay bắt bí mình, nên vạn bất đắc dĩ lắm mới phải nhờ. Cho nên trước khi nhờ người thì mình phải nhờ chính mình trước tức là biết Tự túc, mà phải Tam Túc tức là Tự túc ba khía cạnh: Tự túc tư tưởng, Tự túc tổ chức và Tự túc kỹ thuật. Ông Ngô Đình Nhu nói: “Người ta giúp mình thì mình phải lụy vào người ta. Người nào bỏ tiền người ấy chỉ huy”. Câu này ám chỉ việc nhờ vào ngoại viện rất nguy hiểm. Người ta bắt mình phải làm theo điều kiện mà họ đưa ra nhằm phục vụ quyền lợi của họ. Mình làm trái ngược sẽ gặp khó khăn trở ngại. Cho nên, chủ trương “Tam Túc, Tam Giác” không chỉ bao hàm trong lý thuyết NhânVị mà phải được khai triển áp dụng bằng hành động cụ thể trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Vậy nếu ta hiểu rằng Quốc Sách Ấp Chiến Lược là sách lược chống Cộng, chống chiến tranh không trận tuyến do Cộng sản gây ra bằng việc gom dân lập ấp (tát nước bắt cá) thì trong hoàn cảnh cụ thể chậm tiến của đất nước, cán bộ, chiến sĩ  phải biết sáng tạo. Tam Túc và Tam Giác chính là phương cách chống du kích chiến Cộng sản bằng lối đánh du kích của mình. Du kích của mình phải thực hiện phương châm “Tam Túc và Tam Giác”, tránh nhờ vả tối đa vào ngoại bang. Tất cả phải do óc sáng tạo của mình trong hoàn cảnh cụ thể để bảo vệ an ninh cho đồng bào đồng thời loại trừ phiến Cộng bằng phương tiện do mình sáng tạo. Cũng xin nói thêm, sở dĩ nêu ra phương châm “Tam Túc” trong Quốc Sách Ấp Chiến Lược là vì vào thời đó, chính quyền Mỹ có ý định đưa quân vào Việt Nam mà không cần ký kết thỏa ước gì cả, họ muốn mình chiến đấu theo cách của họ. Họ muốn điều khiển toàn bộ cuộc chiến theo ý họ. Họ sẽ giữ vai trò chính, còn mình trở thành phụ hay nói khác hơn trở thành công cụ tay sai, như thế là mất chủ quyền. Nếu để Mỹ tự tiện đưa quân vào Việt Nam mà không theo một thỏa ước hay hiệp định song phương thì Việt Nam sẽ mất chính nghĩa nên TT Ngô Đình Diệm đã kịch liệt chống lại. Chính phủ VNCH chỉ muốn Mỹ trao vũ khí cho Việt Nam để Việt Nam đánh lại cuộc xâm lăng của Cộng sản mà thôi. Nguyên nhân bất đồng đưa đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 là như thế. Họ đã lợi dụng đủ mọi biến động để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để thay bằng một chính quyền tay sai, nói sao làm vậy. Biến cố Phật Giáo là cơ hội cho họ thực hiện chủ trương đó. Không có biến cố này thì họ sẽ tạo ra biến cố khác, thế thôi. 
Điểm 3: Phục hưng Truyền thống Xã Thôn: thực ra đó là Truyền thống Việt Nam
Ngày xưa khi Việt Nam chưa có thành thị thì với đời sống nông nghiệp dân chúng chỉ quy tụ nơi làng xã được bao bọc bởi lũy tre xanh. Mỗi làng là một Cộng Đồng có luật lệ riêng, nên mới có câu: “Phép Vua thua Lệ làng”. Lệ làng biến thành Luật của làng mà mọi người phải tuân theo. Thang giá trị thời đó cũng có những nét hay riêng của nó. Thay vì “Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh” như trước để các ông Tiên chỉ ăn trên ngồi trốc thì nay: “Chiến sĩ đứng hàng đầu vì chiến sĩ đã dùng sức lao động và chính bản thân mình đấu tranh bảo vệ tổ quốc, làng xã; sau đến gia đình chiến sĩ, những vị dân cử hiến thân vì Cộng đồng, và nhất là giới cần lao tức là chiến sĩ lao động dùng sức làm việc cần mẫn của mình để xây dựng và phát triển Nhân vị và Cộng đồng. Thật ra, tuy chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa về thang giá trị với đẳng cấp trong xã hội như: Sĩ, Nông, Công, Thương; nhưng người Việt lại có những cái nhìn khác, dân chủ hơn qua câu nói: “Nhất sĩ nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Trong gia đình thì người Trung Hoa coi trọng con trai hơn con gái (nam tôn, nữ ti) với câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Việt Nam trái lại: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn” nghĩa là vợ chồng bình đẳng tức ngang hàng với nhau.
Nhưng xã hội tiến bộ thì việc cải cách phải đặt ra. Thời Pháp thuộc đã có nhiều cuộc Cải Lương Hương Chính, nghĩa là thay đổi, cái tiến tổ chức hành chánh huơng thôn. Nhân khi Quốc Sách Ấp Chiến Lược ra đời thì cũng là lúc nên có những cải cách cho hợp thời với đà tiến bộ của văn minh nhân loại bằng việc Dân chủ hóa hạ tầng cơ sở theo chủ trương Dân Chủ Pháp Trị, thống nhất luật lệ từ Trung Ương đến địa phương Xã, Ấp để mọi người có cơ hội góp phần xây dựng đất nước. Thời đó, khi phong trào xây dựng Ấp Chiến Lược được phát động rầm rộ thì tại Trung Ương, chính phủ đã cho mở Trung Tâm Huấn Luyện cán bộ như Trung Tâm Nhân Trí Dũng ở Suối Lồ Ồ thuộc quận Dĩ An, Biên Hòa hoặc Trung Tâm Thị Nghè, Sài Gòn. Nơi đây, các viên chức trong chính quyền cũng như các Giáo sư Đại Học được mời đến tham dự các Khóa Hội Thảo về Chủ Nghĩa Nhân Vị và Quốc Sách Ấp Chiến Lược để giới trí thức có cái nhìn rõ rệt về hiện tình Quê Hương, về cuộc đấu tranh chống Cộng của dân chúng Miền Nam cùng những chương trình xây dựng Cộng Đồng của chính phủ mà họ sẽ ra tay đóng góp.
Từ xưa, mỗi Làng hay Xã đều có bản Hương Ước ghi lại những luật lệ sinh hoạt của Làng. Ngày nay, khi xây dựng các Ấp Chiến Lược, chính quyền Trung Ương (Ủy ban Liên Bộ về Ấp Chiến Lược) đã soạn thảo một bản Hương Ước mẫu gửi đến các địa phương. Tại mỗi Ấp Chiến Lược, dân chúng họp nhau lại, thảo luận, trao đổi, đưa ra những ý kiến và biểu quyết về Bản Hương Ước của ấp mình. Tất nhiên, trong Bản Hương Ước của mỗi ấp, sẽ có những điểm chung như các ấp khác và có những nét cá biệt địa phương của ấp mình về phong tục, tập quán chẳng hạn... Bản Hương Ước mới này được thực hiện đúng theo tinh thần Dân Chủ Pháp Trị là như vậy.  

Nói tóm lại Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một cuộc Cách Mạng vừa chống Cộng sản lại vừa xây dựng Cộng Đồng. Trong thời gian 2 năm (1961-1963) từ ngày chính thức được Quốc Hội biểu quyết đưa lên hàng Quốc Sách thì chương trình lập Ấp đã có những bước tiến đáng kể: hơn 8 ngàn ấp đã được thực hiện suốt từ mũi Cà Mau đến tận sông Bến Hải. An ninh lãnh thổ đã được phục hồi. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Người ta hy vọng rằng trong vòng 2 năm nữa, cứ cái đà đó thì việt Cộng sẽ không còn đất đứng ở Miền Nam.
Nhận thấy đó là một nguy cơ nên Việt Cộng, cùng tay sai cũng như quan thày Nga Hoa của chúng đã không ngừng dùng tuyên truyền để xuyên tạc phá hoại. Thực tế cho thấy cán binh Việt Cộng bị bắt cầm tù đã thú nhận Ấp Chiến Lược và Chủ Nghĩa Nhân Vị là nguy cơ cho chúng. Chỉ tiếc rằng vì bất đồng chính kiến, nhất là muốn giữ vai trò chủ động nên Mỹ đã mua chuộc bọn tướng lãnh phản bội thực hiện cuộc đảo chánh 1-11-1963, hạ sát anh em TT Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, đưa Việt Nam vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo, khởi sự làm mồi cho Cộng sản nuốt trọn Miền Nam. Thật vậy, chỉ nội trong hai ngày 1 và 2-11-1963, Việt Cộng đã lợi dụng thời cơ cho phá hàng trăm Ấp Chiến Lược. Tệ hại hơn nữa, chính Dương Văn Minh, một tên tướng ngu, hèn, tham đã ra lệnh cho phá hủy Ấp Chiến Lược khiến cho an ninh lãnh thổ lâm nguy. Thấy vậy, Mỹ và bọn tay sai lại phải hô hào duy trì Ấp Chiến Lược. Nhưng lúc đó, thượng tầng thì bất lực lại thiếu uy tín đạo đức, hạ tầng mất niềm tin và buông xuôi nên việc hô hào duy trì đã không có kết quả. Nhưng cũng kể từ đây, Mỹ tha hồ đưa quân vào Việt Nam, không cần một tờ giấy, tự tung tự tác, khiến chính tình Miền Nam càng ngày càng sa vào vũng lầy không lối thoát. Mỹ vội vã đưa nửa triệu quân cùng với hơn 100 ngàn quân Đồng Minh (Thái Lan, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan) vào cứu nguy Miền Nam, hy sinh trên 58 ngàn binh sĩ cho cuộc chiến đẫm máu và cuối cùng phải tháo chạy cách bẽ bàng! Đó chính là bài học về chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng mà Mỹ cùng đồng minh chống Cộng phải học về bản chất và chiến lược cùng phương pháp đối phó với loại chiến tranh không trận tuyến mà Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một trong những công trình chống Cộng có hiệu quả nhất trên thế giới.
Thật ra sau khi ổn định được tình hình với nhóm tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ, Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn với phương tiện dồi dào từ viện trợ Mỹ qua các dự án tự túc đã được phát động và quảng bá rầm rộ, nhưng vì lãnh đạo bất lực, thiếu uy tín, thiếu đạo đức, hơn nữa nạn tham nhũng hoành hành trầm trọng, và nhất là hệ thống an ninh bị bỏ ngỏ nên kết quả của Chương Trình Bình Định Nông Thôn chẳng đi tới đâu và Miền Nam đã thành miếng mồi ngon cho Cộng sản. Thật ra, cũng từ 1965, khi nhóm tướng trẻ lên cầm quyền, đã có những cơ hội ngàn năm một thuở để cứu vãn tình hình như sau cái gọi là Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968, trong đó Việt Cộng đã phải nướng mất trên 5 sư đoàn trước sức phản công oanh liệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng vì chính quyền Thiệu-Kỳ-Khiêm yếu kém quá, không biết lợi dụng cơ hội đó để xây dựng và củng cố an ninh lãnh thổ. Vả lại vẫn chứng nào tật ấy, nhóm tướng lãnh tay sai chỉ biết lo tham nhũng, vơ vét, ôm chân và ỉ vào sức mạnh của Mỹ nên khi Mỹ bỏ thì Miền Nam cũng không còn chỗ dựa, tất phải đổ. Nói như vậy để thấy rằng sự sụp đổ của miền Nam rơi vào tay Cộng Sản đã bắt nguồn từ âm mưu lật đổ chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa khi mà chủ quyền quốc gia dân tộc không còn nữa, khi mình không còn đứng bằng hai chân của mình mà giới lãnh đạo sau ngày 1-11-1963 chỉ biết dựa vào anh hàng xóm gian manh.
Kết luận: 
Khi ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nói: “Dầu tôi sống hay là tôi chết, anh em nhớ đến tôi, thì nhớ tiếp tục sáu điều đó. Tôi tưởng những điều vừa kể là những điểm phù hợp (với hiện trạng Việt Nam) - những giải pháp quân dân chính- để giải quyết vấn đề chậm tiến.” vào thời điểm đó vẫn còn phù hợp” nhưng nay thời gian đã đi xa gần nửa thế kỷ rồi. Việt Nam đã bị Cộng sản thống trị toàn diện 36 năm. Quốc Sách Ấp Chiến Lược đã trở thành một kỷ niệm, không còn thích dụng. Dẫu sao nó cũng là một kinh nghiệm đáng ghi, đáng nhớ trong lịch sử, một bài học tốt cho tương lại tại một nơi nào đó trên mặt địa cầu nếu như lịch sử tái diễn. Ngày nay thì chủ nghĩa Cộng Sản cũng đã sụp đổ rồi. Tuy 5 nước: Lào, Việt Nam, Cu Ba, Trung Hoa và Bắc Hàn vẫn còn đeo đẳng chủ nghĩa ấy như một chiêu bài để bảo vệ quyền lực và quyền lợi cho phe nhóm. Thực tế, chủ nghĩa Cộng sản đã bị nhân dân trên thế giới quăng vào sọt rác của lịch sử. Mấy nước còn lại cũng biết thế. Chúng đã phải thay chiều, như bọn Cộng sản Việt Nam đã phải bám gót tư bản để mong kiếm ăn và sống còn được ngày nào hay ngày ấy.  Nhưng luồng gió Dân Chủ đã thổi mạnh, làm sụp đổ chủ nghĩa Cộng sản độc tài, như một xu thế của thời đại không có gì cưỡng lại được cho thấy chủ nghĩa nhằm bảo vệ quyền tự do và phẩm giá con người là Nhân Vị đã có cơ hội vùng dậy.  Đó là điều đáng mừng đồng thời chứng minh rằng tất cả tư trào từ hai thế kỷ nay đều nhắm vào Nhân quyền, vào Con Người, vào Nhân Vị, vào Tự do Dân chủ tất sẽ thành công.  

Ngày 07 tháng 07 năm 2011
   
Phạm Quang Trình
Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng qua lời trối
trăng của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (02)

Phạm Quang Trình

Qua bài “Những lời trối trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu” tháng 07 năm 2011, người viết đã không đề cập nhiều đến Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Nay nhân dịp Giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu lần thứ 50 (1963-2013), người viết xin được bổ túc ít nhiều những thiếu sót đó.

Trước hết, xin ghi lại nguyên văn Lời Trối Trăng của ông Cố vấn như sau: 



Anh Em Nhớ Đến Tôi….

Mấy ngày trước đây – sau khi bọn quá khích phản loạn oanh tạc Dinh Độc Lập, - có một số anh em ngoại quốc cũng như trong nước đến thăm và chúc mầng cho tôi. Tôi có trả lời rằng: “Cái việc sống, việc chết của chúng tôi là ở trong tay Đấng Chí Tôn. Người để tôi sống hay là tôi chết, thì tôi cũng xin anh em nhớ sáu điều mà tôi đã đóng góp vào chế độ này.

Trong sáu điều đó:

Điều thứ nhất là: Lý Thuyết Nhân Vị

         thứ hai là: Hiến Pháp (đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp

                          bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội).

         thứ ba là: Chánh sách Phát triển cộng đồng.

         thứ bốn là: Thanh Niên, Thanh Nữ Cộng Hòa

         thứ năm là: lối Biệt Kích, Biệt Cách

         thứ sáu là: Ấp Chiến Lược

Dầu tôi sống hay là tôi chết, anh em nhớ đến tôi, thì nhớ tiếp tục sáu điều đó. Tôi tưởng những điều vừa kể là những điểm phù hợp (với hiện trạng Việt Nam) - những giải pháp quân dân chính- để giải quyết vấn đề chậm tiến.”

                                        Lời ông Ngô Đình Nhu

(trích bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 trong Tập San Chính Nghĩa số 1 ngày 03 tháng 01 năm 1983 do ông Đỗ La Lam chủ trương)



Qua lời trối trăng nói trên, ông Ngô Đình Nhu không nhắc đến Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng do ông sáng lập và là Tổng Bí Thư, mà chỉ nói đến Lý Thuyết Nhân Vị, phải chăng ông đã bỏ quên Đảng Cần Lao? Theo thiển ý không hẳn như vậy. Tại sao? Trước khi có những suy luận về Lời Trối Trăng của ông Cố Vấn, người viết xin lược thuật lại một số sự kiện xẩy ra sau ngày 1-11-1963.



Sự thất bại nặng nề của nhóm tướng lãnh trong cuộc đảo chánh 1-11-1963



Năm 1963 có thể nói là thời điểm cao của Đệ Nhất Cộng Hòa. Lý thuyết Nhân vị đã được đưa vào Hiến Pháp 26-10-1956 rồi và đang được thực hiện qua quốc sách Ấp Chiến Lược với chủ trương Nhân Vị - Cộng Đồng - Đồng Tiến. Tất cả các chương trình của Chính phủ đều được thực thi trên cơ sở ấy. Các bài diễn văn hoặc Thông Điệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ít nhiều đều đề cập đến chủ thuyết Nhân Vị - một chủ thuyết đấu tranh nhằm bảo vệ nhân phẩm và quyền tự do của con người. Nhưng biến cố 1-11-1963 đã xẩy ra khi bọn tướng lãnh đâm thuê chém mướn cho CIA dùng Quân Đội lật đổ chế độ Cộng Hòa và giết hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu thì việc thực thi lý thuyết Nhân vị trên hình thức đã bị đình chỉ. Từ đây, để che giấu bộ mặt lem luốc bỉ ổi làm tay sai cho CIA, bọn đâm thuê chém mướn và lũ côn đồ đội lốt Tôn giáo đã cố tình vẽ lại hình ảnh Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng như một thứ công cụ ác ôn của chế độ và quên đi biết bao công trình mà Đảng viên Cần Lao đã đóng góp xây dựng cho nền Cộng Hòa Việt Nam. Cũng từ đây, bọn đâm thuê chém mướn cho CIA và lũ con đồ đội lốt Tôn giáo ra sức truy lùng các Đảng viên Cân Lao và những nhân vật liên hệ mật thiết đến chế độ cũ để bắt giữ, tống tiền, đồng thời phá hủy công trình chống Cộng do Quốc Sách Ấp Chiến Lược đem lại đang trên đà tiến bộ. Nhưng cũng thật ô nhục cho chúng, khi cái gọi là cuộc “Cách Mạng 1-11-1963” chưa được đầy 3 tháng thì tình hình Việt Nam trờ nên tồi tệ chưa từng thấy nên CIA đã phải xóa bài làm lại qua cái gọi là cuộc Chỉnh Lý của Nguyễn Khánh ngày 30-01-1964 đuổi cả bọn tay sai về vườn chăn gà cho vợ.

Thật vậy, khi nắm được chính quyền ngày 2-11-1963 rồi, tập đoàn đâm thuê chém mướn với các tên Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Trần Thiện Khiêm, Mai Hữu Xuân (trong đó có Đôn, Đính, Khiêm đều là thứ Cần Lao gộc) không biết làm gì cả. Hội Đồng Nhân Sĩ với trên sáu chục nhân vật, trong đó bao gồm cả mấy ông trong nhóm Caravelle trước đây ồn ào thì nay có cơ hội vẫn chỉ họp bàn cũng chẳng đưa ra được một giải pháp nào. Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ bị dư luận quần chúng gọi đích danh là “Chính phủ rùa” vì chậm chạp và bất lực! Nói tóm lại, thành phần mới này chỉ có tài phá hoại mà không có khả năng xây dựng.  Những sự kiện sau đây đã cho thấy tài phá hoại ác ôn của họ:

- Giết hại một cách dã man Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu khi hai vị đã công khai ra trình diện. Nếu 2 nhân vật là ngưởi có tội thì cũng phải đưa ra tòa án xét xử đàng hoàng, chớ sao lại phải hạ sát một cánh lén lút dã man. Đã vậy, bọn tay sai còn gian dối tuyên bố rằng hai ông đã tự sát khiến báo New York Time của Mỹ đã đặt ra ngay câu hỏi: “Bị trói vặt cánh khuỷu mà tự sát được sao?”

- Truy lùng các nhân vật và những Đảng Viên Cần Lao liên hệ đến chế độ để bắt giữ và tống tiền. Điều này thì quá rõ ràng. Hậu hết các nhân vật cũ đều bị bắt và bị tống tiền. Điển hình nhất là trường hợp ông Huỳnh Văn Lang, nguyên Giám Đốc Viện Hối Đoái, bị nghi ngờ là giữ tiền cho Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, may mà bà vợ ông lo chạy chọt mấy ông tướng nên sau cũng được thả về.

- Nhận tiền để thả tù Việt Cộng gồm những thành phần tình báo nguy hiểm mà Đoàn Công Tác Đặc Biệt Mìền Trung đã bắt giữ, khai thác từ 1954 đến 1963, trong đó có những tên gián điệp nguy hiểm như Trần Quốc Hương tức Mười Hương và Đại tá Lê Câu. Nổi tiếng tham nhũng để thả tù Việt Cộng là 2 tên tướng Mai Hữu Xuân và Đỗ Mậu. Sau này còn có Hà Thúc Ký thuộc Đảng Đại Việt, Bộ Trưởng Nội Vụ thời chính phủ Nguyễn Khánh (vì áp lực của nhóm đội lốt Tôn giáo hay tham nhũng (?) cũng đã ký giấy thả rất nhiều tù Việt Cộng loại nguy hiểm mà không xem xét gì cả.

- Dương Văn Minh tuyên bố công khai hủy bỏ Quốc Sách Áp Chiến Lược. Nội trong ngày 2-11-1963 có tới 800 Ấp Chiến Lược bị phá huỷ. Sau lời tuyên bố của Dương Văn Minh thì con số Ấp Chiến Lược bị phá hủy đã tăng lên trên 3000 trong tổng số 8000 ấp. Sự phá hủy với con số lớn lao đó đã làm cho hệ thống an ninh nông thôn trở nên nguy ngập và là kẽ hở cho Việt Cộng xâm nhập. Thật chưa có cái hại nào như cái hại này! Chính vì thấy nguy cơ xâm nhập phá hoại của Việt Cộng nên TT Nguyễn Ngọc Thơ và Cố Vấn Mỹ đã vội và tuyên bố giữ lại Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Thực tế, cho dù có tuyên bố giữ lại Quốc Sách Ấp Chiến Lược, nhưng với bộ mặt lãnh đạo mới sau ngày 1-11-1963 hoàn toàn bất lực, chỉ lo vơ vét và ăn chơi thì làm sao có thể vãn hồi được tình hình an ninh như trước. Lúc đó, phải nói thật rằng hàng ngũ Cán bộ Quốc gia không ai còn đủ niềm tin và can đảm dấn thân chống Cộng tích cực như trước vì sợ bị chụp cho cái mũ “Cần Lao ác ôn”. Suốt hai năm từ 1963 đến 1965, đảo chính và chỉnh lý xẩy ra liên miên như cơm bữa. Các nhân vật lãnh đạo và bọn tướng lãnh đâm thuê chém mướn rớt như sung rụng. Cán bộ hạ tầng không biết nghe ai mà hành động. Kết quả chỉ làm lợi Việt Cộng và tập đoàn phản chiến ngoại bang. Bởi thế mà tình hình an ninh không bao giờ vãn hồi lại được như trước, ngay cả khi Nội Các Chiến Tranh của Nguyễn Cao Kỳ với Bộ Xây Dựng Nông Thôn được Mỹ yểm trợ tối đa qua cơ quan USAID. Trong lịch sử Quân Đội Việt Nam VNCH, thật chưa có một ông tướng nào tham, hèn, ngu như Dương Văn Minh!  Bởi thế mới có câu đối về ông tướng này như sau:

         Đất nước yên vui, cam phận chó săn làm đảo chánh (1-11-1963)

         Non sông nghiêng ngửa, hoá thân ngựa chiến lại đầu hàng (30-04-1975)

Những tên tướng khác sau Dương Văn Minh như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính… số phận cũng không khá gì sau cuộc Chỉnh Lý 1/1964 của Nguyễn Khánh. Tất cả đều bị cho về vườn. Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính sau này ứng cử vô Thượng Viện cũng chỉ được một nhiệm kỳ rồi sau đó bị loại. Trần Văn Đôn chạy theo nhóm Phật Giáo Ấn Quang của Thích Trí Quang, được giới thiệu ra Quảng Ngãi ứng cử Dân Biểu Pháp nhiệm 2 (1971-1975). Đắc cử vào Hạ Nghị Viên rồi, Trần Văn Đôn lại trở mặt chạy theo phe Dân biểu thân chính được bố thí cho chức Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng, quay lại đá cho Thích Trí Quang một vố đau điếng. Thật đúng là một tên điếm đàng không hơn không kém do thực dân Pháp nhào nặn.

Khi Nguyễn Khánh được CIA đưa lên thì ông tướng hề này cũng không biết phải làm việc gì hơn ngoài việc cũng lại theo đuôi bọn đâm thuê chém mướn lo củng cố địa vị và vơ vét tiền bạc. Nguyễn Khánh đã không ngần ngại ra lệnh cho cái gọi là Tòa Án Cách Mạng lên án tử hình ông Ngô Đình Cẩn mà không cho chống án nhằm thỏa mãn mối thâm thù của tên thầy Chùa đầy tham vọng Thích Trí Quang và Cabot Lodge đối với gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa sau khi cho người đến làm tiền ông Ngô Đình Cẩn bị từ chối. Được thể, lũ côn đồ đội lốt Tôn giáo đả làm loạn khắp nơi nhất là tại miền Trung, biến miền Nam thành nơi bỏ ngỏ làm mồi ngon cho Việt Cộng.



Nhóm dân sự ra sao?



Trước hết phải kể đến nhóm Caravelle gồm 18 nhân vật đã gửi Tuyên Ngôn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 26-04-1960. Nhóm có tên là Nhóm Tự Do Tiến Bộ nhưng vì hội họp ở khách sạn sang trọng Caravelle Sài Gòn nên được dư luận đặt cho cái tên là Nhóm Caravelle. Bản Tuyên Ngôn của nhóm dài ba trang đề cập đến tình hình chung về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế xã hội của Miền Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đọc kỹ nội dung, ai cũng có thể nhận ra tuyên ngôn được viết rất là phiến diện, hàm hồ, không có dẫn chứng cụ thể, rõ ràng. Chính ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã mời cả 18 nhân vật vào Dinh Gia Long họp bàn để lấy ý kiến. Ông Cố vấn yêu cầu nhóm Caravelle viết cụ thể chương trình và đề nghị cải tổ những gì, nhưng các ông về rồi chẳng làm gì cả. Kinh nghiệm cho biết các ông chỉ muốn kiếm ghế. Thực tế, sau ngày 1-11-1963, các ông Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát, Trần Văn Văn, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Lưu Viên, vân vân đã có cơ hội tham chính mà chẳng làm nên trò trống gì. Ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng, ông Phan Huy Quát và ông Trần Văn Hương đều làm Thủ Tướng, Trần Văn Đỗ làm Tổng Trưởng Ngoại Giao, Nguyễn Lưu Viên và Trần Văn Tuyên làm Phó Thủ Tướng, vân vân. Ông nào cũng chỉ ngồi được vài ba tháng là phải từ chức vì bất lực, ngoại trừ BS. Nguyễn Lưu Viên được dư luận chính giới cho cái nick là “Viên tròn”, thời nào cũng uốn mình theo để kiếm ghế suốt từ Chính phủ này đến Chính phủ khác.  

Động lực nào đã thúc đẩy nhómCaravelle đưa Tuyên Ngôn? Thưa chính là do sự bất đồng về đường lối chống Cộng giữa TT Ngô Đình Diệm và Mỹ nên Mỹ đã móc nối, xúi giục nhóm Caravelle viết bản kiến nghị gọi là để xin cải tổ nhưng thực chất là chống đối, đòi chia quyền, chia ghế theo cái nhìn của Mỹ. Theo tài liệu dẫn chứng trong bài viết của Lê Bình (trang 137, 138, 139…) trong Đặc San 2012 của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại với chủ đề “Khí phách nhà lãnh đạo quốc gia” thì hai điều rõ ràng nhất về sụ liên lạc giữa Tòa Đại Sứ Mỹ với nhóm Caravelle là:

(01) Trước khi ông Trần Văn Văn công bố Bản Tuyên Ngôn của nhóm Caravelle ngày 26.4.1960, ông Văn đã tiếp xúc với Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn ngày 16.03.1960.

(02) Nội dung của Bản Tuyên Ngôn mà ông Trần Văn Văn công bố hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Tòa Đại Sứ Mỹ lúc đó, là lên án chế độ Diệm độc tài, đòi mở rộng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và mở rộng thành phần nội các.

Những đòi hỏi này trong hoàn cảnh chiến tranh chống Cộng Sản vào thời đó khó mà chấp nhận được. Vì sao?

Duncanson, một nhà bình luận người Anh cũng đã phải viết: “ Nếu bản kiến nghị này được đưa ra trong điều kiện chính trị ổn định của một Miền Nam không bị CS Hà Nội đe dọa tiêu diệt, thì đó là một yêu sách đáng cứu xét nghiêm chỉnh. Điều đáng tiếc nhất là khi Cộng quân đã tấn công đến cấp trung đoàn và các vụ sát hại các viên chức chính phủ hầu như xẩy ra hằng ngày, thì đó là một yêu sách nếu không muốn bảo là ngớ ngẩn, thì ít ra cũng bắt nguồn từ sự thiếu khôn ngoan”. (Bài viết trích lại của TS. Phạm Văn Lưu, Hiến Pháp 26.10.1956 và Thực Tại Chính Trị Miền Nam trong Đặc San 2006 của Hội Ái Hữu NVQG Hải Ngoại).

 Xin nói rõ hơn về các nhân vật nổi cộm này:

- Trước hết là ông Phan Khắc Sửu được đề cử làm Quốc Trưởng VNCH 26-10-1964 do Thượng Hội Đồng Quốc Gia bầu ra. Ở cương vị lãnh đạo, đây là cơ hội ngàn năm một thuở, ông Phan Khắc Sửu nếu có thực tài đã làm nên đại sự. Thực tế, ông hoàn toàn bất lực vì đã không ổn định được tình hình, nhất là sau khi có chuyện bất đồng với Thủ Tướng Phan Huy Quát về việc ông Quát đòi ông Sửu cất chức ông Nguyễn Hòa Hiệp, Bộ Trưởng Nội Vụ, nhưng ông Sửu không chịu, kết quả là 2 ông đều phải từ chức. Nhân thể xin nhắc lại, chính TT Ngô Đình Diệm từng mời Ô. Phan Khác Sữu làm Bộ Trưởng Canh Nông trong Nội các hồi mới về chấp chính 1954, nhưng sau đó vì sợ phe nhóm Bình Xuyên đe dọa nên ông Sửu xin rút lui.

Ông Trần Văn Hương cũng được mời làm Thủ Tướng sau cuộc Chỉnh Lý của ĐT Nguyễn Khánh 30-01-1964 khi Khánh dẹp bỏ Nội Các của TT Nguyễn Ngọc Thơ 25-02-1964. Mới đầu, ai cũng nghĩ ông là “Ông già gân” vậy mà đám côn đồ đội lốt tôn giáo biểu tình ồn ào, ông không đủ khả năng đối phó nên buộc phải từ chức. Sau này, ông cam phận làm Ứng cử viên Phó Tổng Thống cho Liên Danh Nguyễn Văn Thiệu thì coi như sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc. Kỹ sư Võ Long Triều, nguyên Bộ Trưởng Thanh Niên trong nội các Nguyễn Cao Kỳ đã có nhận xét khá chính xác về ông Trần Văn Hương qua Hồi Ký Võ Long Triều năm 2010. Nhớ lại hồi năm 1954, Ông Trần Văn Hương được TT Ngô Đình Diệm đề cử làm Đô Trưởng Sài Gòn. Ông biểu diễn màn đi làm việc bằng xe đạp. Lúc đó nhiều người lầm tưởng ông là nhà Cách mạng thứ thiệt, nào ngờ khi nhóm Bình Xuyên nổi loạn chống Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã hăm dọa ám sát ông, thế là ông cũng theo gương Phan Khắc Sửu co vòi lại và xin từ chức!

Ông BS. Phan Huy Quát được đề cử làm Thủ Tướng kế nhiệm ông Trần Văn Hương sau khi Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) được thành lập. Thượng HĐQG đã bầu ông Phan Khắc Sửu làm Qưốc Trưởng. Ông Phan Khắc Sửu chỉ định BS. Phan Huy Quát làm Thủ Tướng và thành lập Nội Các. Nội các của BS. Phan Huy được thành lập vào tháng 2 năm 1965 gồm nhiều nhân vật thuộc nhóm Caravelle, nhưng chỉ được vài tháng ông Quát phải từ chức vì bất đồng với ông Phan Khắc Sửu như đã nói trên. Ông Phan Huy Quát từng tham chính thời Bảo Đại, nhưng khả năng kém cỏi, thiếu uy tín, ăn nói rù rờ, không dứt khoát. Cứ coi cái trò tuyên truyền mỵ dân rẻ tiền của ông thì đủ rõ. Khi làm Thủ Tướng, hằng ngày ông cho mời một vài người giả cả đến gặp ở Phủ Thủ Tướng. Ông hỏi thăm vài ba câu về đời sống của họ. Họ than nghèo, và xin ông giúp đỡ. Ông liền móc bóp cho 3 ngàn thế rồi cho Đài Phát Thanh loan truyền ầm ĩ, nghe thật là vô duyên, ấu trĩ!

Ông Trần Văn Tuyên là người được tiếng là khôn ngoan đứng đắn, từng làm Phó Thủ Tướng trong Chính phủ Phan Huy Quát. Ông Phan Huy Quát làm Thủ Tướng chưa đầy 3 tháng thì Nội Các sụp đổ nên ông Trần Văn Tuyên cũng đổ theo. Năm 1971, ông Trần Văn Tuyên ra ứng cử và đắc cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện, làm Trưởng Khối Dân Tộc Xã Hội mệnh danh là Khối Đối Lập, nhưng thực chất nhóm này chứa chấp cả những tên Dân Biểu thân Cộng như Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Ngô Công Đức mà ông không hay biết (!?). Có lần TT Nguyễn Văn Thiệu thử mời LS. Trần Văn Tuyên vô Dinh Độc Lập “thăm dò” đề cử làm Thủ Tướng thay ĐT.Trần Thiện Khiêm. Ông Trần Văn Tuyên nói ông Thiệu để ông toàn quyền giải quyết vấn đề, vì ông nghĩ có khả năng nói Võ Nguyên Giáp là bạn học cũ phải nghe. Ông Thiệu nghi ngờ khả năng và uy tín của ông Trần Văn Tuyên nên đã không chấp nhận. Sau 30/04-1975, ông Trần Văn Tuyên bị Việt Cộng bắt đi cải tạo và chết thảm trong tù ở ngoài Miền Bắc, không thấy Võ Nguyên Giáp nói năng gì đến “ông bạn học” xưa! Hồ Ngọc Nhuận trong hồi ký “ĐỜI”, chương VI “Tù Cũ, Tù Mới”, trang 6 có nói đến LS Trần Văn Tuyên: “Hôm gặp nhau khi đi trình diện với Quân Quản ở trụ sở Hạ Viện, anh Tuyên còn lạc quan nói với tôi: “Chế độ mới không có luật sư, nhưng tôi hy vọng sẽ được làm bào chữa viên nhân dân” ... Pháp đình chế độ mới có “ bào chữa viên nhân dân ” thiệt, nhưng không có anh, cũng không có hàng ngũ luật sư, cũng không có “ nhân dân ”. Chỉ có cán bộ không hà.”

Bởi đó, có người đưa ra nhận xét: “Không ai khôn ngoan mà lại ngây thơ như ông Trần Văn Tuyên!”

BS. Nguyễn Tiến Hỷ, thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, được TT Nguyễn Văn Thiệu mời làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Nội Vận năm 1971. Người viết có lần đến thăm ông ở Văn Phòng để trình bày về việc xây dựng và củng cố hàng ngũ Cán Bộ Quốc Gia. Ông tiếp chuyện cởi mở, vui vẻ, nhưng khi đề cập đến công tác nội vận thì ông quay ra đả kích dữ dội Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khiến người viết hết sức ngạc nhiên! Chỉ mấy tháng sau, ông Nguyễn Tiến Hỷ từ chức.

- Sau cùng phải nói đến nhân vật được tiếng to mồm và ồn ào nhất là BS. Phan Quang Đán. Ông Phan Quang Đán đã từng là Bộ Trưởng Thanh Niên (?) thời Bảo Đại. Qua thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Phan Quang Đán không được trọng dụng nên chủ trương viết báo và lập Đảng đối lập. Vì dính đến vụ phản loạn của phe nhóm Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Chánh Thi trong biến cố 11-11-1960, lên Đài Phát Thanh đả kích chính phủ, Phan Quang Đán bị bắt nhốt ngoài Côn đảo. Sau 1-11-1963, BS. Phan Quang Đán ứng cử và đắc cử Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến tháng 9-1966. Vì thuộc phe nhóm chống lại phía quân đội, Phan Quang Đán trở thành ứng cử viên Phó Tổng Thống trong Liên Danh Phan Khắc Sửu- Phan Quang Đán đối đầu với Liên danh Nguyễn Văn Thiệu- Nguyễn Cao Kỳ nhưng thất bại. Đến đây thì tưởng như cuộc đời chính trị của ông đã kết thúc, nhưng ông Đán đã cạy cục nhờ người nói với TT Nguyễn Văn Thiệu xin một chức vụ trong chính phủ, cũng bị từ chối. Sau cùng nhờ Mỹ áp lực, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban cho chức Quốc Vụ Khanh đặc trách  Khẩn Hoang Lập Ấp. Ở cương vị này, suốt hai năm trời làm ăn chẳng nên cơm cháo gì nên đã bị Quốc Hội cắt hết ngân sách chỉ còn vỏn vẹn 4 triệu cho Văn Phòng. Lại một lần nữa, Phan Quang Đán lại lạy lục Mỹ và TT Nguyễn Văn Thiệu cho kiêm nhiệm Tổng Trưởng Xã Hội thay BS. Trần Ngươn Phiêu đã ngồi quá lâu. Vài trò sau cùng này của Phan Quang Đán kéo dài được 4 tháng thì Miền Nam rơi vào Tay Cộng Sản.

Nhận xét về nhân vật Phan Quang Đán này, nhiều người cho rằng đó là một trong những Bộ Trưởng dở nhất trong các Bộ Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa. Thèm khát địa vị, nhưng thiếu khả năng và uy tín nên cờ đến tay không biết phất. Thật ra chẳng riêng gì ông Phan Quang Đán, mà hầu hết những nhân vật mệnh danh là chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm đều thuộc loại hám danh mà dở làm việc. Họ muốn làm đại quan mà không có khả năng làm đại sự. Họ chỉ muốn chia ghế để có địa vị và quyền lợi. Nhưng với TT Ngô Đình Diệm thì khác. Ông không chấp nhận chuyện chia ghế. Ông nào có khả năng thì chính phủ mời cộng tác. Điển hình như các nhân vật thuộc nhóm Caravelle, nhiều người đã được TT Ngô Đình Diệm mời tham chính ngay từ hồi năm 1954 như Phan Khắc Sủu, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Hương nhưng họ có làm nên cơm cháo gì đâu. Làm thì dở, thấy nguy thì bỏ chạy. Cho nên sau biến cố 1-11-1963, khi có cơ hội tham chánh, và kết quả cho thấy, tư cách và khả năng của họ chỉ là con số không to tướng.





Trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam



Có một nhân vật đã gây nhiều thắc mắc là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, trưởng nhóm Tự Lực Văn Đoàn, người từng đảm nhiệm vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên hiệp Hồ Chí Minh 1946, nhưng chỉ được ba tháng vì bất đồng chính kiến thì xin từ chức. Thời Quốc Gia Việt Nam (Quốc Trưởng Bảo Đại) và thời Đệ Nhất Cộng Hòa (TT Ngô Đình Diệm), ông Nguyễn Tường Tam hoạt động văn hóa, cho xuất bản các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay. Cũng dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và của Nhất Linh đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục đưa vào chương trình Trung Học. Tưởng chưa có một vinh dự nào lớn lao đối với một nhà văn như Nhất Linh khi còn sinh thời và Tự Lực Văn Đoàn đã được chính quyền xử sự như thế. Điều đó chứng tỏ nền Đệ Nhất Cộng Hòa và riêng cá nhân TT Ngô Đình Diệm rất nể trọng Tự Lực Văn Đoàn và cá nhân nhà văn Nhất Linh. Thật sự thì không ai có thể phủ nhận công trình văn học của Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nhất Linh. Cho nên, việc chính phủ Ngô Đình Diệm đưa các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn vào chương trình Trung Học là đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Nhưng không hiểu tại sao Nhất Linh lại bị tố cáo có dính líu vào cuộc Binh Biến ngày 11-11-1960 của bè nhóm Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Chánh Thi để đưa ông đến chỗ uống thuốc độc tự tử ngày 7-7-1963 qua cái gọi là bản di chúc chính trị nguyên văn như sau:

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để cảnh cáo những người chà đạp  mọi thứ tự do.” Nhất Linh Nguyễn Tường Tam  7-7-63

Vì dính vào vụ 11-11 nên ông bị Toà Án Quân Sự Đặc Biệt gửi trát tòa gọi ra lấy khẩu cung. Qua khẩu cung thì ông chối không hoạt động chính trị và cũng không dình líu gì đến vụ phản loạn nói trên. Qua tài liệu -Trong Bóng Tối Lịch Sử- xuất bản năm 2008- của Cựu Luật sư Lê Nguyên Phu nguyên Đại Tá Ủy Viên Chính Phủ trong Toà Án Quân Sự Đặc Biệt từ trang 188-191, nhân vật Nhất Linh được ghi lại nguyên văn như sau:

“Nhóm Hoàng Cơ Thụy là nhóm dân sự duy nhất biết trước vụ Binh Biến. Còn những người khác như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thaàh Phương, Nguyễn Tường Tam cùng đám thuộc hạ em út gồm Trương Bảo Sơn, Nguywễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v… đều là những người lúc nghe tiếng sung nổ mới chạy đến hiện trường, hoan hô đả đảo cho rậm đám. Đây là những người không được mời ăn cỗ, nhưng nghe có đình đám chạy đến để ăn có. Nhóm Caravelle không dự vào vụ Binh Biến này, không có mặt tại chỗ, và không hề bị truy tố ra Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt trong vụ này, thế mà sau, tên cầm cờ chạy hiệu Trần Tương viết sách khoa trương láo khoét đã lôi họ vào nội vụ để có chút thơm lây.

Trong số những thực khách không mời mà đến ăn có, tôi chỉ nhắc đến hai trường hợp của Phan Quang Đán và Nguyễn Tường Tam.

Trước tiên là trường hợp Phan Quang Đán, Nguyễn Chánh Thi cảm thấy lẻ loi trong nhóm Vương Văn Đông, nên khi thấy Phan Quang Đán xuất hiện trước Dinh Độc Lập, vội vàng kéo Phan Quang Đán về phe y, cho làm phát ngôn của Thi để cân bằng thế lực với nhóm Vương Văn Đông có Hoàng Cơ Thụy trợ thủ. Phan Quang Đán lên Đài Phát Thanh chửi rủa nhục mạ chính quyền một cách thô lỗ, nhưng lúc bị bắt ra tòa thì mềm nhũn như con chi chi, thái độ ươn hèn khiếp nhược.

Còn trường hợp của Nguyễn Tường Tam lại khác hẳn. Nguyễn Tường Tam có tư cách hơn. Sở dĩ tôi nhắc đến Nguyễn Tường Tam là muốn nói rõ cho hậu thế biết cái chết của ông và nguyên nhân đã đưa ông đến cái chết ấy.

Nguyễn Tường Tam sau khi bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh sát, Nha An Ninh Quân Đội và thẩm vấn sau cùng tại Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt, đã được Đại Tá Lê Văn Khoa ủy viên chính phủ phóng thích ngay, không bị giam giữ một ngày nào. Trong biên bản do chính Đại Tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì về nội vụ, không có tổ chức căng biểu ngữ, rải truyền đơn chống chính phủ trước Dinh Độc Lập. Nhưng sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông (Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v…) tự động làm ra ông ngăn không nổi. Ông thỉnh cầu Đại Tá Lê Văn Khoa đừng đem đối chất với nhóm thuộc hạ. Sự thỉnh cầu này đưọc ghi rõ ở cuối biên bản thẩm vấn. Đại Tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu, nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị Đại Tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do dó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và oán hận, cho rằng chính ông đã đổ hết tội lên đầu của họ. Từ trong khám Chí Hòa, Trương Bảo Sơn viết thư ra cho bà vợ  mới chắp nối là bà Nguyễn Thị Vinh chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh tụ v.v… Lá thư được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình Tòa Đặc Biệt và đưọc lưu giữ lại trong hồ sơ. Lúc bấy giờ hồ sơ đã được Đại tá Lê Văn Khoa kết thúc và đã có án lệnh ra tòa từ lâu, trước khi tôi đến thay thế Đại Tá Lê Văn Khoa. Tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển đi chỉ vì thiện ý. Tôi không muốn vì lá thư nầy mà gia đình các bị can bên ngoài phải trách cứ lẫn nhau, gây thêm sự xáo trộn trong cuộc sống. Nguyễn Tường Tam vẫn được sống tự do tại gia dình.

Vụ án đã có án lệnh đưa ra tòa, nên tôi quyết định không để kéo dài thêm nữa và cho đăng đường xét xử vào phiên tòa ngày 5-7-1963. Theo thủ tục pháp lý, một can phạm bị truy tố về một tội đại hình, nếu được tự do tạm như trường hợp của Nguyễn Tường Tam, phải bị câu lưu lại 3 ngày trước phiên tòa xử. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, tôi không cho thi hành thủ tục này. Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không ra trát đòi) đến gặp tôi tại Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt. Nguyễn Tường Tam đến không sai hẹn, và được tôi tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi đã đối diện trò chuyện suốt ba giờ đồng hồ, nghĩa là trọn suốt buổi sáng, tại phòng khách riêng của tôi, không có người thứ ba tham dự, và đề tài đàm thoại, khởi đầu bằng chuyện văn chương, thế tình. Tôi đề cập trước tiên, từ những tác phẩm nổi danh của ông trong Tự Lực Văn Đoàn đến tờ Phong Hóa, Ngày Nay do ông chủ trương trước năm 1945 tại Hà Nội và đồng thời cho ông biết tôi rất hâm mộ tài hoa và sự nghiệp văn chương của ông. Mục đích của tôi là để ông yên tâm. Sau cùng tôi mới nói qua về lý do mời ông đén văn phòng tôi. Tôi cho ông biết vụ Binh Biến 11-11-1960 sắp được đăng đường xét xử và yêu cầu ông ngày đó nhớ đi hầu tòa. Đối với ông, tôi không cho tống dạt trát đòi hầu tòa, cũng như không câu lưu thân thể (theo tiếng Pháp là prise de corps) trước ngày xử án. Tôi hứa sẽ tận tình giúp đỡ ông để sau phiên xử ông vẫn được thong thả và tự do trở về nhà. Thật là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý. Trước sự cởi mở của tôi, ông trầm  ngâm giây lát, tỏ ý cảm kích, và sau cùng hỏi tôi: “Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi.”

Tôi hiểu rõ ý muốn của ông, và lần này tôi cũng trầm ngâm như ông trước khi trả lời: “Điều ông yêu cầu thực sự ngoài quyền hạn của tôi, bởi vì hồ sơ đã được đăng đường, trước tòa chỉ có ông chánh thẩm là người duy nhất điều khiển phiên xử và có quyền quyết định tối hậu mọi thủ tục pháp lý. Tôi vì ông sẽ không xin đối chất, nhưng nếu luật sư biện hộ cho thuộc hạ của ông yêu cầu đối chất, tôi sợ ông chánh thẩm khó lòng từ chối. Vì vậy mà tôi không thể hứa chắc về điểm này. Tôi phải tôn trọng ông chánh thẩm trước tòa”.

Câu nói của tôi là một câu nói thành thật chí tình.

 Nhưng nghe xong Nguyễn Tường Tam trở nên ray rứt, băn khoăn vô hạn. Ông cuí đầu suy nghĩ. Và trong câu chuyện tiếp theo, ông luôn luôn trở lại vấn đề đối chất và nhiều lần nhắc nhở tôi cố gắng giúp đỡ ông. Đó là lý do vì sao câu chuyện đàm thoại giữa chúng tôi đã kéo dài ba giờ đồng hồ, suốt một buổi sáng. Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất nầy mà ông phải tự tử sau đó. Lúc được tin ông đã qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mơí nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước Tòa, vì đó là một điều sỉ nhục, mất thể diện trọng đại. Trước Tòa, nếu ông tiếp tục giữ lập trường không liên quan vào nội vụ, trong khi bọn đàn em của ông lại nhất quyết cho ông là người cầm đầu, thì cái danh vị lãnh tụ của ông sẽ tiêu tan, và nhân phẩm của ông cũng bị tổn hại rất nhiều. Cho nên chỉ còn một lối thoát duy hất là để tránh sự đối chất là tự tử. Lối thoát này đã giúp ông bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử.

Chết là hết! Chết là vạn sự hư không! Nếu cái chết của Nguyễn Tường Tam đến đây chấm dứt, thì có thể nói đó là  một cái chết rất đẹp đẽ, đáng tôn vinh như một điểm son rực rỡ trong cuộc đời chính trị của ông!

Nhưng tiếc thay, điểm son rực rỡ ấy đã bị ông xóa nhòa, bôi đên bằng một mảnh giấy nhỏ được ông để lại khi lâm chung. Trên mảnh giấy ấy ông cho biết ông tự tử vì không muốn bị xét xử trước tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm và xin để lịch sử xét ông về sau. Những dòng chữ này không biết có đánh lạc hướng được lý do tự tử của ông hay không, nhưng chắc chắn đã hạ thấp phẩm giá của ông rất nhiều. Cho đến giờ phút lâm chung ông vẫn còn chưa đạt, vì chưa bỏ được tham vọng lợi danh của mình, chưa giác ngộ  được hành vi tốt hay xấu của mình đối với anh em đồng chí, mà vẫn còn huynh hoang tiếp tục dối trá người đời.  Ông nói không muốn để tòa án chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông, nhưng thực sự khi ông ra khai cung tại Phòng Dự Thẩm Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt thì ông đã bị tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử rồi, vì trong cơ chế pháp lý, Dự thẩm được xem như là một cấp xử án riêng biệt (une jurisdiction à part), có quyền định tội danh của can phạm, cải tội danh, ra án lệnh miễn tố hay truy tố ra tòa khi tội danh đã được xác định.

Vụ tự tử của Nguyễn Tường Tam về sau có nhiều người khai thác, dựa vào đó để làm nấc thang danh vọng, kể cả những người từng oán hận ông như Trương Bảo Sơn. Sau vụ đảo chánh 1-11-1963, họ được trả tự do, vội vàng tổ chức lễ truy điệu Nguyễn Tường Tam rất trong thể tại Vườn Tao Đàn, để rồi sau đó mỗi người được chính quyền quân phiệt tưởng thưởng một số tiền lớn có thể mua nhà cửa, phố xá, mở tiệm buôn, tiệm thuốc tây v.v… Có người còn được gia nhập chính quyền, học ăn học nói ở Thượng Hạ Nghị Viện. Tôi muốn hỏi những đàn em của Nguyễn Tường Tam họ có bao giờ nghĩ rằng Nguyễn Tường Tam chết cũng vì những lời bài xích xa gần của họ.”

Qua những dòng trên đây cho thấy Nhất Linh thật sự có tham dự vào âm mưu đảo chánh 11-11-1963 nhằm lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính con út ông là Nguyễn Tường Thiết trong hồi ký Nhất Linh Cha Tôi do Văn Mới xuất bản năm 2006 trang 29-30 đã xác nhận điều đó: “Thế rồi ông quyết định giã từ tất cả. Đà Lạt, Fim Nôm, dòng Đa Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua, để về luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kỳ mà ông Lê Hữu Mục đã viết trong đoạn kết cuốn sách của ông là “một Nhất Linh nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt”. Đối với tôi, thật bụng tôi chỉ mong ông được nằm trùm chăn lâu hơn vì đây chính là thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông mà tôi được biết. Nhất Linh “xuống núi” lăn vào cuộc đời làm báo, tham gia đảo chính, thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa, đưa đến cái tự vẫn của ông mấy năm sau, mở đầu một thời kỳ cuối cùng của đời ông với nhiều não nề, nhiều chán chường hơn”.

Đã tham gia đảo chính nhưng tại sao Nhất Linh lại phủ nhận tất cả hành động của mình trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt? Đọc đoạn viết của LS Lê Nguyên Phu trên đây cũng như đọc mục “Niềm Vui Chết Yểu” từ trang 31-51 trong Nhất Linh Cha Tôi của Nguyễn Tường Thiết cho thấy tâm trạng lo âu sợ sệt của Nguyễn Tường Tam. Tại sao lại sợ và tại sao phải chọn cái chết? Mỗi người có thể suy luận theo nhận định riêng của mình.

Ông Nguyễn Văn Lục trong cuốn “Một Thời Để Nhớ” do Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản năm 2011 nơi các trang 187-188 cho rằng Nhất Linh chọn cái chết vì bịnh tâm thần. Xin trích một đoạn sách của ông Nguyễn Văn Lục: “Trong số những nhân vật bị bắt, có nhân vật quan trọng như một thứ biểu tượng thống lãnh và uy tín hàng đầu. Đó là ông Nhất Linh. Trước đây không lâu, tôi có viết một bài nhan đề “Trường hợp Nhất Linh, một cái chết định trước”. Trong đó tôi cho rằng Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, bị ám ảnh thường trực ý muốn tự tử. Và cơ hội đã đến trong dịp bị gọi ra tòa về vụ đảo chánh hụt 11-11-1960. Có rất nhiều ý kiến phản bác. Nay cơ hội cho tôi có dịp khẳng định lại một lần nữa để nhận ra suy diễn của tôi không phải là vô bằng cớ mà có căn cơ đứng đắn, có cơ sở lý luận và có chứng liệu thực tìễn.” Ông Nguyễn Văn Lục còn nêu ra những nhận xét của những người thân thiết với nhà văn Nhất Linh như Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, Thế Uyên đều xác nhận Nhất Linh mắc bệnh tâm thần hay suy nhược thần kinh. Bài viết và tác phẩm của ông Nguyễn Văn Lục đã làm dư luận xôn xao trong đó, Nguyễn Tường Thiết là con út của Nhất Linh đã viết ba bài phản bác kịch liệt trên các Diễn Đàn Internet để bênh vực cho cha.

Nguyễn Tường Tam viết rằng đời ông để Lịch sử xét xử. Cái chết của ông đã ngót nửa thế kỷ. Chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa cũng đã bị lật đổ ngót nửa thế kỷ. Bao nhiêu tài liệu đã được giải mật, phơi bầy, chẳng còn gì dấu kín. Những lời của LS Lê Nguyên Phu và của Nguyễn Tường Thiết viết ra về Nhất Linh đã sáng tỏ về con người của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: “Nhất Linh xuống núi, lăn vào chính trị, tham gia đảo chính hụt, thất bại, sợ sệt, trốn tránh, bị điều tra và ở thế cùng, chọn cái chết”, chứng tỏ Nhất Linh không phải là người có bản lĩnh chính trị, không có viến kiến chính trị. Nhất Linh thành công về văn học và thất bại ê chề về chính trị.

Người viết tự hỏi: nếu quả thực nhà văn Nhất Linh không dính gì vụ Binh Biến 11-11-1960 thì tại sao lại phải trốn tránh, và tại sao lại nài nỉ xin Ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phu tránh cho chuyện đối chất với thuộc hạ đàn em? Còn nếu Nhất Linh đã có gan tham gia Binh Biến thì tại sao không có gan đứng trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt mạnh dạn phản bác mọi cáo buộc, công khai lên án sự chà đạp tự do của chính quyền Ngô Đình Diệm? Nếu Nhất Linh có can đảm làm như thế thì liệu chính quyền Ngô Đình Diệm có dám kết án nặng nề hay phải nhượng bộ ông? Nếu Nhất Linh có viễn kiến chính trị, nhìn thấy sự thay đổi sẽ xẩy ra trong tương lai gần trong tinh hình xáo trộn tháng 7/1963, thì có lẽ Nhất Linh đã không tự tử. Biết đâu rằng sự gan dạ và mạnh dạn ra Tòa Án sẽ là một bản Cáo Trạng lớn lao hơn với chế độ và là một thành tích lẫy lừng của Nhất Linh để sau khi biến cố 1-11-1963 xẩy ra sẽ đưa Nhất Linh lên hàng lãnh đạo quốc gia, vượt xa những Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm? Thật tiếc cho ông đã bỏ lỡ mất cơ hội ngàn năm một thuở.

Theo thiển ý, muốn đấu tranh kết quả, ít nhất phải giữ mạng sống của mình đã. Bị bắt ra Tòa đâu có phải là điều sỉ nhục. Trong lịch sử đấu tranh, có hàng ngàn, hằng vạn, hàng triệu người bị đưa ra Tòa có sao đâu. Chỉ có gian dối hay có điều gì khuất tất sợ sự thật mới trốn tránh. Nhất Linh đã không làm thế? Nhất Linh muốn đời ông để lịch sử xét xử thì nay sự thật lịch sử đã được phơi bầy rồi đó kể cả sự thật về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Lịch sử cho thấy mọi biến cố chính trị liên hệ đến Việt Nam Cộng Hoà đều có bàn tay của ngoại bang. Bàn tay ấy giống như một con bạch tuộc với trăm ngàn cái vòi đã len lỏi, thọc sâu vào mọi cơ cấu từ thượng tầng đến hạ tầng quốc gia để đạo diễn mọi biến cố rất tinh vi mà người đưong thời ít ai biết được. Cái chết của Nhất Linh không chắc đã đem lại ích lợi gì cho đất nước, nhưng rõ ràng là giúp thêm cho chiến dịch tuyên truyền lưu manh của ngoại bang đang muốn khai thác nhằm lật đổ chế độ Cộng Hòa Việt Nam với TT Ngô Đình Diệm, một người mà thù phải sợ, bạn phải nề.



Trường hợp Giáo sư Vũ Văn Mẫu: kẻ khôn làm đầy tớ thằng ngu hai lần!



Khi Mỹ âm mưu lật đổ TT Ngô Đình Diệm  và nền Đệ Nhất Cộng Hòa bằng việc mua chuộc một số tướng lãnh đóng vai trò chủ chốt thì mặt khác, Mỹ cũng liên hệ và mua chuộc những nhân vật dân sự bằng những hứa hẹn quyền lợi và chức tước. Những nhận vật đó gồm: Ông bà Đại sứ Trần Văn Chương ở Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ Trưởng Phủ Tống Thống Nguyễn Đình Thuần, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống Võ Văn Hải và đặc biệt là Bộ Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu. Người viết muốn nhấn mạnh đến nhân vật Vũ Văn Mẫu ở đây.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu có bằng Thạc sĩ Tư Pháp, được chính phủ Ngô Đình Diệm cho làm Khoa Trưởng Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, sau cất nhắc lên làm Bộ Trưởng Ngoại Giao từ 1955 đến 1963. Trên cương vị Bộ Trưởng Ngoại Giao, nhờ nội bộ ổn định và nhất là bằng vào uy tín của chính quyền  Đệ Nhất Cộng Hòa và cá nhân TT Ngô Đình Diệm, Giáo sư Vũ Văn Mẫu nghiễm nhiên trở thành một trong những khuôn mặt sáng giá của chế độ. Trong thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Giáo sư Vũ Văn Mẫu vẫn được tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Luật Khoa các lớp ban Cử Nhân và ban Cao Học. Đặc biệt, các sách giáo khoa (Cours) do Giáo sư biên soạn như Dân Luật Khái Luận, Dân Luật Lược Khảo, vân vân đã được các sinh viên đón mua cách nồng nhiệt, và đó cũng là món huê lợi không phải là nhỏ. Chức vụ, quyền hành và lợi lộc tưởng chưa mấy nhân vật nào được ưu đãi hơn. Theo Giáo sư Vũ Quốc Thúc, TT Ngô Đình Diệm tỏ ra rất nể trọng GS Vũ Văn Mẫu và GS Vũ Quốc Thúc. Cả hai ông đều được TT Ngô Đình Diệm trân trọng kêu bằng “Ngài”. Vậy mà sau khi được Mỹ móc nối và hứa hẹn, GS. Vũ Văn Mẫu đã trở mặt, quay đúng 180 độ ngay sau biến cố Phật Giáo cũng do CIA Mỹ đạo diễn, cạo đầu, xin từ chức và xin đi hành hương Ấn Độ. Việc làm của GS Vũ Văn Mẫu dĩ nhiên như đổ thêm dầu vào lửa sau vụ “bị thiêu sống” của TT Thích Quảng Đức làm cho tình hình bang giao Việt - Mỹ đang căng thẳng, trở nên gay cấn hơn, tạo thêm lý do để Mỹ xúi giục bọn tướng lãnh phản bội chuẩn bị ra tay. Tưởng rằng sau đảo chánh 1-11 thành công, GS. Vũ Văn Mẫu sẽ nắm vai trò quan trọng như chức vụ Thủ Tướng, nào ngờ được bố thí cho chức Đại Sứ tại Anh Quốc. Nhưng chưa đấy 4 tháng thì cuộc Chỉnh Lý của Nguyễn Khánh xầy ra khiến Giáo sư mất luôn chức Đại sứ để trở về Trương Luật dạy học kiếm ăn.

Sau một thời gian thậm thụt đi theo phe Phật Giáo Ấn Quang không ăn cái giải vì đám  sư này quyết liệt tẩy chay mọi hoạt động của Chính quyền VNCH thì sự nghiệp chính trị của GS Vũ Văn Mẫu kể như kết thúc. Nhưng đột nhiên, đám sư sãi Phật Giáo Ấn Quang nghĩ lại nếu cứ tiếp tục tẩy chay chính quyền thì tự cô lập mình và phe Phật Giáo Việt Nam Quốc Tự của TT Thích Tâm Châu được chính quyền công nhận sẽ thắng thế. Phật Giáo Ân Quang liền tung ra Liên Danh Hoa Sen ứng cử vào Thượng Nghị Viên 1973 do GS. Vũ Văn Mẫu đứng Thụ Uỷ cùng một số nhân vật như Bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Tôn Thất Niệm, Tôn Ắi Liêng, Trần Quang Thuận, vân vân đồng thời ủng hộ Dương Văn Minh ra tranh cử Tổng Thống. Nhưng khi thắng cử vào Thượng Nghị Viện rồi, Liên danh Hoa Sen cũng vẫn chỉ là thiểu số không nắm được một chức vị nào cả. Đã vậy, Nghị sĩ Nguyễn Duy Tài trong Liên danh Hoa Sen lại trở cờ chạy theo phe thân chính quyền, được chức Chủ Tịch Ủy ban Ngoại Giao Thượng Viện.  Suối gần 2 năm trời ở Thượng Viện, Liên danh Hoa sen và NS Vũ Văn Mẫu chẳng làm nên trò trống gì. Qua năm 1975, tình hình mỗi ngày thêm biến đổi, ông được phe Ấn Quang cử làm Chủ Tịch Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc mà Văn phòng đặt tại Khối Dân Tộc Xã Hội Hạ Nghị Viện. Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu theo chỉ đạo của Ấn Quang đang nhắm đóng vai trò đại diện “Thành thành phần thứ ba” trong Chính Phủ ba thành phần. Nhưng vì thiển cận không nhìn xa trông rộng, không thấy được nước cờ Hoa Kỳ và đối phương đang đi nên cuối cùng trở thành công cụ hốt rác cho Mỹ. Ngày 28-04-1975, vừa mới nhậm chức, thì cùng với Dương Văn Minh, ông nhân danh là Thủ Tướng Chính Phủ tuyên bố: “Yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ” không phải để có “Chính Phủ Hòa Hợp Hòa Giải” mà là đầu hàng cách nhục nhã Cộng Sản ngày 30-04-1975.

Nhiều nhân vật cho biết, vào những giờ phút cuối, khi Dương Văn Minh bị áp lực của Việt Cộng sắp sửa tuyên bố đầu hàng, “Thủ Tướng một ngày” Vũ Văn Mẫu đã tỏ ra hoảng sợ cũng muốn tìm đường chạy trốn nhưng quá muộn, đành phải cúi đầu theo Dương Văn Minh vào Dinh Độc Lập đón tiếp bọn ăn cướp!  Bị kẹt lại Việt Nam, Vũ Văn Mẫu cũng như Dương Văn Minh, nhờ “công lao hãn mã đầu hàng vô điều kiện” nên Cộng Sản tha cho khỏi phải đi “học tập cải tạo” trong các trại tù như bao Quân Dân Cán Chính VNCH khác, mà chỉ bị học tập tại chỗ.  Mấy năm sau, khi tìmh hình ổn định, Việt Cộng cho ông qua Pháp định cư.

Năm 1988, ông viết Hồi Ký “Sáu Tháng Pháp Nạn của Minh Không Vũ Văn Mẫu” để kể tội chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ đã đối xử rất tử tế với ông: cử làm Bộ Trưởng Ngoại Giao suốt từ 1955 dến 1963, một Bộ Trưởng ở lâu nhất trong chức vụ.

Đọc bài giới thiệu Hồi Ký “Sáu Tháng Pháp Nạn” của GS. Vũ Văn Mẫu do Giao Điểm xuất bản năm 2003 trên Internet, người ta thấy ông chê bôi, chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm và các nhân vật trong gia đỉnh Tổng Thống Diệm một cách gay gắt không tiếc lời. Chưa hết, ông tấn công Dụ Số 10 do Bảo Đại đưa ra nhưng lại đổ tội cho TT Ngô Đình Diệm là thủ phạm vì nó mà gây nên Pháp nạn!

Người viết tự hỏi: Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, một nhân vật chính trị lớn, một nhà ngoại giao có tầm vóc, một Luật gia nổi tiếng, một Kẻ Sĩ thời đại tại sao lại có hành động như vậy?  Đáng lý ra với tư cách là một Luật gia nổi tiếng, một nhân vật lớn của chế độ (Bộ Trưởng Ngoại giao), một tín đồ Phật Giáo thuận thành với “Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi”, một kẻ sĩ thời đại “Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ  bất năng khuất”, đã được chế độ ưu đãi trân trọng, thì nếu có những gì sai trái xẩy ra, phải có bổn phận lên tiếng can ngăn, cảnh giác, trình bày điều hơn lẽ thiệt để sửa đổi và để cứu nguy chết độ, chớ sao lại bỏ ngang chơi trò “cạo đầu”, đổ thêm dầu vào lửa, đâm sau lưng Lãnh Tụ? Là một nhân vật được Tổng Thống rất nể trọng, tại sao ông không có can đảm đặt thẳng vấn đề với Tổng Thống khi họp Hội Đồng Nội Các hay lúc gặp gỡ riêng liên hệ đến lãnh vực ngoại giao? Vậy mà ông ngậm tăm, không làm gì cả ! Có phải vì ông cũng là thứ người hèn nhát, chỉ biết gọi dạ bảo vâng? Nếu quả tình GS Vũ Văn Mẫu xứng đáng với những danh xưng đó, thì những ai chịu suy nghĩ cũng khó mà tìm được lời giải đáp. Vì cho đến giờ phút này, vẫn chưa có ai chứng mình được rằng Dụ Số 10 đã gây thiệt hại những gì cho Phật Giáo, ngoại trừ luận điệu xuyên tạc chế độ Ngô Đình Diệm là “gia đình trị” và “kỳ thị tôn giáo”. Nói cho cùng, Dụ số 10 chỉ là cái cớ để mấy nhà sư tranh đấu lợi dụng nhằm gây bất mãn cho mục tiêu lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Còn trên thực tế, vì nhu cầu tổ chức của chính phủ Quốc Gia Việt Nam, vua Bảo Đại ban hành Dụ số 10 để cơ quan hành chánh căn cứ vào đó mà làm việc với các tổ chức đoàn thể. Trên nguyên tắc, Phật Giáo là một tổ chức thì cũng phải ghi tên, đăng ký như các đoàn thể tổ chức khác. Nhưng cũng trên thực tế là Chính quyền của TT Ngô Đình Diệm không hề áp dụng Dụ số 10 với Phật Giáo. Chẳng những thế, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa còn tỏ ra trân trọng giúp đỡ tận tình Phật Giáo xây Chùa, cho sư tăng xuất ngoại du học, vân vân và có thể nói đó là thời Phật Giáo phát triển mạnh nhất.

Xin hỏi lại mấy ông sư tranh đấu: Ai cho tiền xây Chùa Xá Lợi? Ai cho đất để xây Chùa Vĩnh Nghiêm? Ai cho các vị sư nổi tiếng như Thích Quang Liên, Thích Thiên Ân, Thích Nhất Hạnh, vân vân du học ngoại quốc? Có phải là chính Phủ Ngô Đình Diệm hay ai khác?  Hỏi tức là trả lời. Vậy mà chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ vì Chủ quyền Quốc gia, chống đối lại việc Mỹ muốn đưa quân vào Việt Nam đã bị hàm oan và trở thành nạn nhân?

Luận điệu nói rằng chính phủ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo cũng sai. Tầm cỡ như TT Ngô Đình Diệm hay ông Cô vấn Ngô Đình Nhu đâu có ngu xuẩn hay dại dột làm những điều tệ hại như thế. Còn đối với Giáo Hội Công Giáo thì vì chưa được Tòa Thánh Vatican coi là trưởng thành, nên vẫn còn nằm dưới sự quản trị của Hội Thừa Sai Paris tức là MEP (Mission Étrangère de Paris) chớ chẳng phải ưu đãi gì. Vậy mà mấy ông đã “vọng ngữ” tức là nói láo rằng Chính phủ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, thật không thể tưởng tượng được mồm ép của mấy ông “sư hổ mang”! Các ông đả kích Chính quyền Ngô Đình Diệm về Dụ số 10 để rồi lại gửi văn thư 13-01-1964 xin phép Bộ Nội Vụ của Chính quyền quân phiệt ban hành Nghị định cho phép thành lập Giáo Hội, công nhận Hiến Chương  của mấy ông thì có khác gì “nhổ ra rồi lại nuốt vô”! Bởi thế, càng hô hào thống nhất lại càng chia rẽ! Thống nhất rồi mới tự chia ra hai phe: Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang! Vì có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên ngày nay mới có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh). Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Đó cũng là luật nhân quả của nhà Phật!  Pháp nạn ở đâu mà ra? Pháp nạn nằm trong lòng mấy ông đó! Nhưng Dụ Số 10 thì vẫn còn giá trị pháp lý và nó vẫn chưa hề bị hủy bỏ, ít ra là cho đến ngày 30-04-1975.

Trở lại trường hợp GS Vũ Văn Mẫu, quả thật làm Kẻ Sĩ không phải dễ. Có học vị cao, có chức tước lớn cũng chưa bảo đảm hành động tốt và có đạo lý làm người. Khi đã tối mắt vì quyền lợi và chức tước thì Đạo Lý cũng sẽ bị giục vô thùng rác, dù đó là thùng rác của lịch sử. Tất cả những hành động của GS Vũ Văn Mẩu kể từ khi cạo đầu đã lột trần bản chất con người ông. Càng về sau thì sự thật con người của ông càng lộ ra những cái mà người có lương tri, đạo lý phải lắc đầu: một tên hoạt đầu chính trị!

Nhân danh là một trí thức, một nhà ngoại giao lớn, một chính trị gia có hạng, một luật gia nổi tiếng, vậy mà ông Vũ Văn Mẫu đã nghe lời dụ dỗ của ngoại bang, cạo đầu chống đối chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, một chế độ hợp hiến, hợp pháp, hợp đạo lý để làm tay sai cho Dương Văn Minh, một tên tướng tham, hèn, ngu dâng nốt Miền Nam cho Cộng Sản.

Người ta nói: “Làm đầy tớ cho thằng khôn hơn làm thầy thằng ngu.” GS Vũ Văn Mẫu, thay vì làm thầy thằng khôn, lại dại dột đi làm đầy tớ cho thằng ngu, không phải một lần (1963) mà tới hai lần (1975) cho tên tướng tham, hèn, ngu Dương Văn Minh nên thân bại danh liệt là cái chắc.

Thời thế biến chuyển. Lòng người thay đổi. Chỉ vị lợi lộc và thiếu suy nghĩ, những kẻ võ biền như bọn tướng lãnh đâm thuê chém muớn xuất hiện. Những trí thức nửa mùa hoạt đầu như Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Xuân Oánh, và sau cùng như Vũ Văn Mẫu nổi lên a dua cũng không thiếu. Người ta nói: “Khôn ba năm dại một giờ”. Bọn chính khách hoạt đầu điếm đàng này thì “khôn ba năm, dại một đời”. Cái dại chẳng những làm hại chính bản thân nó mà làm hại cả một dân tộc!

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1-11-1963 thì Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tình trạng xáo trộn và khủng hoảng lãnh đạo chưa từng thấy. Cha con bọn đảo chánh từ thầy đến tớ toàn là một lũ ngu xuẩn, lo vơ vét, ăn chơi đàng điếm, không biết làm việc. Hệ thống an ninh bị bỏ ngỏ. Quốc sách Ấp Chiến Lược bị phá vỡ. Việt Công gia tăng xâm nhập phá hoại. Tình hình Miền Nam từ nông thôn đến thành thị trở nên nguy ngập. Mỹ phải cấp tốc đổ nửa triệu quân vào cứu vãn. Và như đã nói trên suốt hai năm trời sau đào chính (1963-1965), Miền Nam đã trở thành vũng lầy đầy những xáo trộn và bất ổn. Bây giờ thì Mỹ và bọn đâm thuê chém mướn mới biết nhân vật lãnh đạo quan trọng như thế nào? Cũng từng ấy nhân sự, cũng từng ấy cơ sở mà tại sao tình hình trước và sau ngày 1-11-1963 thay đổi một cách khác thường như vậy? Bây giờ thì người ta cũng mới biết tài năng, đức độ của TT. Ngô Đình Diệm và những cộng sự viên đắc lực trong việc điều hành guồng máy quốc gia qua hai tổ chức Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia là quan trọng.



Cầu cứu Đảng viên Cần Lao



Sau khi Nguyễn Khánh làm cuộc Chỉnh Lý 30-01-1964 rồi lên làm Thủ Tướng thì Liên Hiệp Nghị Sĩ Quốc Tế nhóm họp Đại Hội hằng năm gửi thư mời Đại diện Việt Nam Cộng Hòa tham dự vì Quốc Hội thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa đã là hội viên thường trực của tổ chức này. Nguyễn Khánh đã cử một nhân vât mới nào đó (người viết không nhớ tên) qua Ba Lan phó hội nhưng bị từ chối. Nguyễn Khánh phải cho người vào khám Chí Hòa mời Cựu Dân Biểu Cần Lao Nguyện Phương Thiệp ra hướng dẩn phái đoàn VNCH qua phó hội vì DB Nguyễn Phương Thiệp đã từng là Trưởng Phái Đoàn Quốc Hội VNCH (trong phái đoàn thời đó có bà Ngô Đình Nhu nhũ danh Trần Lệ Xuân) đã được bầu làm Chủ Tọa hai khóa họp thường niên. Tưởng cũng nên biết Liên Hiệp Nghị Sĩ Quốc Tế là tổ chức quy tụ các Đại Biểu Quốc Hội thuộc các Quốc gia trên toàn thế giới (cả Tự do lẫn Cộng sản), trong đó Việt Nam Cộng Hòa được thậu nhân mà Cộng Sản Bắc Việt bị từ chối, lý do vì Quốc Hội Việt Cộng suốt từ 1946 đến 1960 không hề được bầu lại. 

Đó là mặt đối ngoại.

Về đối nội, thì sau khi Nguyễn Khánh bị Hội Đồng Quân Lực cho xuất ngoại làm “Đại Sứ Lưu Động” ở Hoa Kỳ (25-02-1965), thì các Đảng Viên Cần Lao và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia cũng được thả dần. Lý do rất đơn giản là các chính phủ mới cần người biết làm việc và lấy hậu thuẫn trong cuộc bầu cử Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Quốc Hội VNCH năm 1967 sau khi Hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hòa đã được ban hành. Lúc đó TT Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (vai trò như Quốc Trưởng hay Tổng Thống) và Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng). Tuy Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu ở cương vị lãnh đạo cao hơn, nhưng quyền hành lại nằm trong tay Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Vì cả hai đều muốn ra làm Tổng Thống nên tranh chấp nhau kịch liệt. Ông Thiệu nắm được đa số thành viên trong Hội Đồng Quân Lực. Còn ông Kỳ nắm guồng máy Chính Phủ. Để nắm chắc phần thắng, cả hai đều đi tìm hậu thuẫn từ các đoàn thể quần chúng. (Vì ngoài việc vận động Hội Đồng Quân Lực, còn phải vận động các đoàn thể quần chúng.) Đảng Cần Lao tuy đã bị giải tán nhưng rất nhiều Đảng viên Cần Lao vẫn còn làm việc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong các cơ quan chính phủ, trong Quân đội hay ngoài dân sự. Cả hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều cho người vận động các Đảng viên Cần Lao vì hai ông đều biết rằng số Đảng viên này có khả năng và uy tín.

Ông Thiệu nhắm những cựu Đảng viên Cần Lao còn trong Quân Đội.

Ông Thiệu đã chỉ thị cho Đại Tá Cục Trưởng Quân Cụ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó và vị Đại Tá này đã nhờ một Đại Uý đang làm việc với một Sĩ quan cựu Đảng Viên Cần Lao trong một đơn vị thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để mời vị Sĩ quan Đảng viên Cần Lao này dùng cơm gia đình tại tư thất, nhân thể chuyển lời của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu muốn vị này vận động các Đảng viên CLNVCMĐ ủng hộ ông trong kỳ bầu cử Tổng Thống. Theo tiết lộ của vị Sĩ quan Đảng Viên Cần Lao này thì trong một buổi lễ do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tổ chức, ông Thiệu đã đích thân đến bắt tay và nói nhỏ (vì ông Thiệu có quen biết và từng nhờ vả khi trước). Nhưng vị này đã khéo léo trả lời:“Thưa Trung Tướng, chúng tôi như những người con gái đã lấy chồng và chồng lại vừa mới chết mồ mả chưa xanh cỏ. Nếu chúng tôi ra tay công khai ủng hộ Trung Tướng thì e rằng dư luận phê phán và như vậy cũng không mang lại lợi ích gì cho Trung Tướng. Riêng cá nhân tôi, tôi hết lòng ủng hộ Trung Tướng”.

Phần ông Nguyễn Cao Kỳ, đang trên cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là Thủ Tướng, lại nhắm những nhân vật dân sự củng một số cựu Đảng viên trong Quân đội bị cho giải ngũ. Những cựu Đảng viên này nói với ông Kỳ rằng Đảng Cần Lao từ ngày 1-11-1963 đã bị chính phủ giải tán, đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nay ông muốn chúng tôi giúp thì ông phải trả tự do cho những Đảng viên đang còn bị chính quyền cầm tù và phải cấp giấy phép cho tại lập Đảng với danh xưng mới. Kết quả ông Kỳ đồng ý cấp giấy phép và Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng tái hoạt động với tên mới là Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng.



Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng: hậu thân của Cần Lao



Việt Nam Nhân Xã Cách Mãng Đảng có trụ sở tại 86 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Ba nhân vật lãnh đạo gồm các ông:

- Giáo sư Trương Công Cừu, nguyên Bộ Trưởng Đặc Trách Văn Hóa Xã Hội (thời Đệ I CH) kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao sau khi GS Vũ Văn Mẫu xin từ chức.

- Dược Sư Ngô Khắc Tỉnh, Cựu Dân Biểu thời Đệ I VNCH, sau làm Bộ Trưởng Thông Tin và Bộ Trưởng Giáo Dục thời chính phủ Trần Thiện Khiêm (1970-1975)

- Luật sư Lê Trong Quát, Cựu Dân Biểu Đệ I VNCH.

VNNXCMĐ đã tổ chức được gần 40 Tỉnh, Thị Bộ trên toàn quốc, nhờ móc nối và sinh hoạt lại được với các thành viên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và Đảng viên Cần Lao.

Tại Quốc Hội:

 Ở Hạ Nghị Viện VNCH pháp nhiệm I (1967-1971) đã quy tụ được 14 Dân Biểu.

 Năm 1971, ông Ngô Trọng Hiếu ra ứng cử Dân biều Hạ Nghị Viện pháp nhiệm 2 (1971-1975) đơn vị Biên Hòa (Hố Nai) đã đắc cử với số phiếu thật lớn vì nhờ uy tín khi làm Bộ Trưởng Công Dân Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa với TT Ngô Đình Diệm.

Tại Thượng Nghị Viện thỉ Liên danh Mặt Trời của Cựu TT. Huỳnh Văn Cao và Liên danh Bạch Tượng của ông Trần Văn Lắm đều có người là cựu Đảng viên Cần Lao Nhân Vị, nhưng người viết không nhớ rõ Nghị sĩ nào đã tham gia VNNXCMĐ.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, nguyên Tỉnh Trưởng Gia Định, là Tổng Thư Ký VNNXCMĐ (trước Nguyễn Kim Khánh, cựu Tỉnh Trưởng Phan Rang thời Đệ Nhất Cộng Hòa), ứng cử và đắc cử vô Viện Giám Sát. Sau 1975, Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích bị Việt Cộng bắt vô trại tù Vườn Đào (Tiền Giang, Mỹ Tho), và bị bắn chết sau một cuộc tranh luận tay đôi và công khai với Việt Cộng.

Tại sao lại chọn tên là Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng?

Sự hình thành VNNXCMĐ không hẳn là do sự việc hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cậy nhờ anh em Đảng viên Cần Lao, mà còn một nguyên nhân khác, có tầm vóc chiến lược hơn. Số là sau biến cố 1-11-1963, một vài nhân vật thời Đệ Nhất Cộng Hòa nhận thấy khoảng trống chính trị lớn lao ở Miền Nam và sự thiếu sót một chủ thuyết chống Cộng, cho nên đã họp bàn và đi đến quyết định tái phục hoạt Đảng Cần Lao tại nhà ông Trần Quang Ngọc. Nhưng thay vì dùng danh xưng Cần Lao Nhân Vị Các Mạng Đảng như trước, họ đã quyết định đổi thành Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng. Với danh xưng mới này thì có hai chữ Nhân Xã được thay thế cho hai chữ Nhân Vị. Nhân Xã là Nhân Bản Xã Hội, nhưng thực chất hay nội dung cũng là Nhân Vị mà thôi.

Mới đầu, VNNXCMĐ có gây được sự chú ý của dư luận. Nhưng sau một thời gian, nhất là sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội đồng thời mời hai nhân vật Ngô Khắc Tỉnh và Lê Trọng Quát đảm trách Bộ Thông Tin thì sinh hoạt của VNNXCMĐ bắt đầu đi xuống mà nguyên nhân chính là thiếu lãnh đạo. Cũng mới đầu, bộ ba “Trương Công Cừu, Ngô Khắc Tỉnh và Lê Trọng Quát” làm việc có vẻ khắng khít, thì nay bỗng nhiên chia tay vì đòn ly gián của ông Thiệu. Thật ra, chẳng riêng gì Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng mà 5 Đảng kia trong Mặt Trận (Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng, Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Việt Nam Dân Xã Đảng và Liên Minh Dân Tộc Cách Mạng Xã Hội) cũng vậy, nghĩa là đều ở trong tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Các lãnh tụ Đảng như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Gia Hiến, Phan Bá Cầm, Hà Thúc Ký, Nguyễn Văn Hướng đều là những nhân vật có tiếng tăm, nhưng khả năng lãnh đạo và tổ chức lại yếu kém. Những chính Đảng này đã không đề ra được một chương trình hành động cụ thề đáp ứng tình hình. Mặt khác, tổ chức lỏng lẻo, kết nạp đảng viên bừa bãi, vụ số đông, sinh hoạt rời rạc nên không gây được ảnh hưởng gì. Thực lực lúc đó là Quân Đội, được mệnh danh là Đảng Kaki. Dư luận xem ra cũng không chú ý đến các chính Đảng và cũng không đặt niềm tin hay kỳ vọng gì vào các Đảng chính trị. Phần lớn các lãnh tụ Đảng chỉ mong có chức, có quyền, có ghế chớ không chủ trương làm cách mạng. Ngay từ đâu, Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng đã mắc vào tệ nạn phe phái, đầu óc địa phương. Nhân Xã là hậu thân của Cần Lao nhưng lại do nhóm Miền Trung lãnh đạo với bộ ba Trương Công Cừu, Ngô Khắc Tỉnh và Lê Trọng Quát, nên dư luận nội bộ mệnh danh là nhóm Phủ Cam. Nhóm này kỳ thị Đảng Viên Cần Lao khác như các ông Trần Chánh Thành, Cao Xuân Vỹ chẳng hạn và không mời họ tham gia. Bởi đó, sự phân hóa hay chia rẽ là chuyện đương nhiên phải xẩy ra.



Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng



Vì không được mời tham gia vào Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng nên hai ông Trần Chánh Thành, nguyện Bộ Trưởng Thông Tin thời Đệ Nhất Cộng Hòa và ông Cao Xuân Vỹ, nguyên Tổng Giám Đốc Thanh Niên đã cùng một số đồng chí đứng ra thành lập Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng (CĐCHĐC), trụ sở đặt tại Lầu 2 Thương Xá Tax, Đại Lộ Lê Lợi Sài Gòn, gần trụ sở Hạ Nghị Viện. Dư luận cho rằng CĐCHĐC được một nhóm có phương tiện tài chánh yểm trợ như bà Dược sĩ Nguyễn Thị Hai, chủ Hãng Thuôc Tây Trang Hai, nhưng nói chung hoạt động của CĐCHĐC cũng không có gì đặc biệt. Ông Trần Chánh Thành ở trong Liên Danh Bạch Tượng do ông Trần Văn Lắm đứng thụ ủy đắc cử Nghị sĩ Thượng Viện, sau được TT Nguyễn Văn Thiệu mời ra làm Bộ Trưởng Ngoại Giao trong nội các Trần Thiện Khiêm. Riêng ông Cao Xuân Vỹ năm 1971 ra ứng cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện đơn vị Bình Tuy nhưng thất bại. Bà Nguyễn Thị Hai đắc cử Dân biểu Pháp nhiệm 2 và được bầu làm Đệ Nhị Phó Chủ Tịch Hạ Nghị Viên trong liên danh Nguyễn Bá Cẩn.



Báo Nhân Xã và Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Ô. Hoàng Xuân Việt



Ông Hoàng Xuân Việt là một học giả, một nhà văn chuyên về biên khảo với trên 60 tác phẩm thuộc loại sách Học Làm Người. Ông là Đảng viên Cần Lao giầu kiến thức và nhiệt huyết, làm việc trong Sở Nghiên Cứu với BS. Trần Kim Tuyến. Chủ trương lập Đảng của ông có lẽ sớm hơn so với các lãnh tụ Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng và Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng. Khoảng tháng 8 năm 1965, nghĩa là chưa đầy 2 năm sau cuộc đảo chánh 1-11-63, ông Hoàng Xuân Việt đã cho ra tờ Tuần Báo Nhân Xã địa chỉ 33 đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn làm cơ quan tuyên truyền đồng thời đứng ra lập Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Người viết có lần đến thăm ông Hoàng Xuân Việt và ông Nguyễn Văn Triều (Chủ tịch Hội Đua Ngựa (?) ở địa chỉ 33 đường Hai bà Trưng, Sài Gòn  thì được ông Hoàng Xuân Việt cho biết đã chính thức thành lập Đảng. Người viết hỏi tên Đảng là gì? Ông Hoàng Xuân Việt trả lời bằng tiếng Pháp: “Democrate chrétien” tức là Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Người viết hỏi lại cái tên đó (Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) liệu có thích hợp với tình hình Việt Nam hay không? Ông Hoàng Xuân Việt bảo rằng bên Đức cũng có Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thì có sao đâu?

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của nhóm ông Hoàng Xuân Việt và Nguyễn Văn Triều không có tiếng tăm gì vì ít sinh hoạt, nhưng tờ tuần báo Nhân Xã là cơ quan ngôn luận của Đảng đã it nhiều nói lên tinh thần của Cần Lao Nhân Vị và chủ thuyết Nhân Vị. Cái tên Nhân Xã rõ ràng bao gồm cụm từ Nhân Bản Xã Hội.  Chính ông Hoàng Xuân Việt đã giải thích rõ cho người viết khi đến thăm ông ở địa chỉ 33 Hai Bà Trưng, Sài Gòn



Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội của TT Nguyễn Văn Thiệu



Sau khi đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 1 (1967-1971) của Đệ Nhị Cộng Hoà, ông Nguyễn Văn Thiệu bắt đầu củng cố quyền lực để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Phía Quân Đội coi như ông đã nắm vững và loại được phe phái của Nguyễn Cao Kỳ. Vì áp lực của Quân Đội và nhất là của Mỹ, ông Nguyễn Cao Kỳ đã phải chấp nhận làm Ứng cử viên Phó Tổng Thống cho ông Thiệu trong Liên danh với một số hứa hẹn nào đó của ông Nguyễn Văn Thiệu như chấp nhận Thủ Tướng phải là người của ông Kỳ đưa ra. Tạm thời, ông Thiệu đã nhượng bộ ít điều, cho LS. Nguyễn Văn Lộc là người của ông Kỳ đưa ra làm Thủ Tướng. Sau đó, ông Thiệu tìm cách loại dần anh hưởng của nhóm ông Kỳ. Thực tế, ông Thiệu cao cơ hơn, đã vin vào Hiến Pháp thẳng tay loại dần ảnh hưởng của ông Kỳ ra khỏi Chính Quyền.

Ngoài ra, nhằm thực hiện quy chế lưỡng đảng để lấy lòng Mỹ và tạo sự đoàn kết thống nhất, TT Nguyễn Văn Thiệu đã đứng ra thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội do ông lãnh đạo như là phe nắm chính quyền. Mặt khác, ông Thiệu lại kêu gọi các Đảng phái khác nếu không muốn hợp tác với Chính Phủ có thể đứng ra lập Liên Minh đối lập.

Kết quả phía chính quyền với Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội do TT Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn quy tụ 6 Đảng sau đây:

  1. Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh)
  2. Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng (Trương Công Cừu)
  3. Việt Nam Dân Xã Đảng (Phan Bá Cầm)
  4. Đại Việt Cách Mạng (Hà Thúc Ký)
  5. Lực Lượng Đại Đoàn Kết (Nguyễn Gia Hiến)
  6. Liên Minh Dân Tộc Cách Mạng Xã Hội (Nguyễn Văn Hướng)



Phía đối lập cũng rục rịch vận động lập Liên minh. Người viết có đến trụ sở Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng thăm quý ông Trần Chánh Thành và Cao Xuân Vỹ, tình cờ gặp Giáo sư Vũ Quốc Thông đại diện cho Lực Lượng Dân Chủ Phật Giáo và một vài vị thuộc đảng phái khác nhưng không nhớ tên. Quý vị đã họp bàn về việc hình thành Liên minh Đối lập nhưng chưa đi đến kết quả nào.

Khi cho ra đời Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội, TT Nguyễn Văn Thiệu đã gây được sự chú ý của dư luận. Hoa Kỳ hoan nghênh nhiệt liệt. Còn Cộng Sản Bắc Việt thì liền tung ra chiến dịch đả kích thậm tệ trên các Đài phát thanh của chúng mấy tuần liền. Điều đó chứng tỏ CSBV rất sợ một thế Liên Minh chống Cộng chặt chẽ của Khối Người Việt Quốc Gia ở Miền Nam. Mặt Trận này sẽ là mũi xung khích đánh văng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam một công cụ bù nhìn của Hà Nội. Vì dầu sao các Đảng phái chính trị ở Miền Nam vẫn là những tổ chức có quá trình đấu tranh quyêt liệt mà đồng bào Nam Bắc đều biết đến. Tiếc rằng, ông Nguyễn Văn Thiệu không biết khai thác chiêu bài lớn lao này. Vì TT Nguyễn Văn Thiệu lập Mặt Trận chỉ nhằm hậu thuẫn cho cá nhân ông mà không nghĩ đến sự đoàn kết quốc gia trong một mặt trận chống Cộng của toàn dân. Thực chất, các tổ chức chính trị này khi tham gia Mặt Trận lại chỉ mong kiếm ghế. Nhưng ông Thiệu chỉ mời một số nhân vât thân tín tham gia Nội Các như Dược sư Ngô Khắc Tỉnh là người bà con của ông làm Bộ Trưởng Thông Tin, và Luật Sư Lê Trọng Quát làm Thứ Trưởng Thông Tin. Ngoài ra những vị khác chỉ được mời đến họp để lấy ý kiến mà ông Thiệu không đề ra chương trình hành động chung cho Mặt Trận. Kết quả chỉ sau mấy tháng thì Mặt Trận tan rã, ai về nhà nấy. Ông Ngô Khắc Tỉnh lúc đó lại được ông Thiệu thuyên chuyển qua làm Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục nên LS Lê Trọng Quát mất chức Thứ Trưởng Thông Tin phải về vườn.

Như đã nói trên, Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng, sau khi ông Ngô Khắc Tỉnh tham chính từ Tổng Trưởng Thông Tin qua Tổng Trưởng Giáo Dục thời ông không còn ngó ngàng gì đến Đảng nữa. Ông Trương Công Cừu chán nản không làm việc. Tờ Thời Báo do ông Ngô Trọng Hiếu đứng Chủ bút và ông Kièu Văn Lân làm Quản nhiệm cũng tự đình bản. LS Lê Trọng Quát liền đứng ra thành lập Lực Lượng Nhân Dân Kiến Quốc do ông làm Chủ Tịch. Đảng Nhân Xã sau đó đưa ông Trương Vĩnh Lễ ra làm Chủ Tịch một thời gian cũng không làm nên cơm cháo gì. Năm 1971, Ông Trương Vĩnh Lễ lập liên danh ứng cử vào Thượng Viện nhưng thất bại. Ông liền bỏ cuộc. Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng lại biến thể thành Đảng Tự Do do LS Nguyễn Văn Huyền làm Chủ Tịch cho đến khi Miền Nam rơi vào tay Cộng sản ngày 30/04/1975 là chấm dứt.



Đảng Công Nông với nhân vật Trần Quốc Bửu



Ông Trần Quốc Bửu là một trong những người sát cánh với ông Ngô Đình Nhu trong việc thành lập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Thật ra, mới đầu ông Ngô Đình Nhu và các Sáng lập viên lấy tên Đảng là Đảng Công Nông, sau vì tránh ngộ nhận với Đảng Lao Động của Việt Cộng nên quý ông đã đổi thành Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Riêng ông Trần Quốc Bửu chỉ sinh hoạt tích cực trong giai đoạn đầu khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về chấp chính. Sau khi tình hình Miền Nam ổn địnhông Ngô Đình Nhu đã đích tổ chức Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam (TLĐLCVN) và trao cho ông Trần Quốc Bửu vai trò lãnh đạo công nhân toàn quốc. TLĐLCVN là một tổ chức nghiệp đoàn có bề thế và uy tín lớn lao nhờ có Tổng Liên Đoàn Công Kỹ Nghệ Hoa Kỳ yểm trợ. Cá nhân ông Trần Quốc Bửu còn được bầu vào chức vụ Phó Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Thế Giới có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ. Sau ngày 1-11-1963, nhóm tướng lãnh đảo chính cho người bắt bỏ tù ông Trần Quốc Bửu, nhưng Mỹ đã can thiệp buộc phải thả ông ra ngay. Từ đó, ông Trần Quốc Bửu tiếp tục lãnh đạo TLĐLCVN như trước. Vì thấy các đoàn thể chính trị sinh hoạt chẳng ra gì nên ông đứng ra tổ chức Đảng Công Nông (tên cũ của CLNVCMĐ) cũng do ông làm Chủ Tịch và Dân Biểu Nguyễn Bá Cẩn làm Tổng Thư Ký. Như vậy, có thể nói Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng hệ phái Trần Quốc Bửu đã công khai xuất hiện theo chiều hướng mới nhằm đáp ứng tình hình đấu tranh chính trị tại Miền Nam trong viễn tượng các bên tham chiến sẽ ký kết với nhau một Hiệp Định đang họp bàn tại Paris, Pháp Quốc. Vì có sẵn nhân sự, cán bộ và cơ sở trong TLĐLCVN nên việc thành lập Đảng Cộng Nông không là điều khó khăn đối với ông Trần Quốc Bửu. Ông chỉ cần sắp xếp nhân sự, bầu Ban Chấp Hành các cấp, và trương bảng hiệu là xong.



Nhận định về hậu thân của Cần Lao Nhân vị Cách Mạng Đảng



Trong phần I về Lời trối trăng của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (7-07- 2011), người viết đã ghi lại một số sự kiện liên quan đến Đảng Cần Lao và có nhận định: “Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc thành lập nền Cộng Hòa Việt Nam cũng như công cuộc diệt trừ Cộng sản, từ lý thuyết đến hành động. Tất nhiên CLNVCMĐ cũng có khuyết điểm như bất cứ tổ chức chính trị nào khác. Điều đáng tiếc là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Tổng Bí Thư Đảng vì quá đa đoan trong quốc sự có lẽ đã không còn thì giờ quan tâm nhiều đến Đảng. Cho nên, thực tế cho thấy tổ chức và sinh hoạt của Đảng chỉ khá mấy năm đầu, còn về sau thì quá rời rạc, nhất là sau khi ông Ngô Đình Nhu ra lệnh giải tán Liên Kỳ Bộ Nam-Băc thì kể như không còn hoạt động. Việc kết nạp Đảng viên thiếu thận trọng. Những nhân vật được coi là trụ cột của Đảng cũng thiếu Đảng tính, thiếu phẩm chất. Một số phần tử vào Đảng chỉ để kiếm chức vụ mà không lo làm cách mạng, cho nên khi tình thế thay đổi, trước những miếng mồi ngon do ngoại bang đem ra nhử đã vội vàng quay lưng phản Đảng, phản Lãnh tụ. Kết quả, như đã thấy, sau 1-11-1963, những kẻ phản bội đó đã không làm nên trò trống gì mà những Đảng viên trung thành thì không đủ tầm vóc và Đảng tính để tiếp tục con đường của Lãnh tụ đề ra”. Đúng như vậy, những tổ chức hậu thân của Đảng Cần Lao như Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng, Chánh Đảng Cộng Hòa Đại Chúng, Lực Lượng Nhân Dân Kiến Quốc, Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, Đảng Cộng Nông với các nhân vật như Trương Công Cừu, Ngô Khắc Tỉnh, Lê Trọng Quát, Trần Chánh Thành, Cao Xuân Vỹ, Hoàng Xuân Việt, Trần Quốc Bửu, Trương Vĩnh Lễ, vân vân… không đủ tầm vóc, thiếu khả năng tổ chức, không có uy tín như một lãnh tụ cách mạng với sức hấp dẫn quần chúng nên không làm nên được việc gì đáng kể, ngoài việc coi đó như là nấc thang để kiếm quyền, kiếm chức. Tất cả đã thất bại về mặt tổ chức Đảng. Sau khi Ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Đảng Cần Lao như rắn mất đầu. Thân rắn còn lại dù có cố gắng hay ngo ngoe cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Riêng ông Trần Quốc Bửu thành công ít nhiều về mặt Nghiệp Đoàn, nhưng về mặt Đảng vụ cũng yếu kém. Ngay việc Tổng Liên Đoàn Lao Công do ông làm Chủ Tịch dã để cho tình báo Việt Cộng xâm nhập vào tận cấp Trung Ương do Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung khám phá ra đã cho thấy hệ thống an ninh nội bộ của TLĐLCVN quá lỏng léo và yếu kém chứng tỏ ông Trần Quốc Bửu đã quá chủ quan, khinh địch!

Người viết có dịp tiếp xúc với một số nhân vật được gọi là cốt cán của CLNVCMĐ, nhưng không thu thập được tài liệu đặc biệt nào của Đảng. Tài liệu quan trong như các văn kiện của Đảng cũng không có. Ngoài một vài lớp huấn luyện Cán bộ Đảng viên lúc ban đầu ở Hà Nội và Đà Lạt, chưa thấy có văn kiện hay sinh hoạt nào khác như Đại Hội Đảng và Quyết Nghị của Đảng… Tất cả hoàn toàn bí mật hay “không có sinh hoạt Đảng vụ”? Câu trả lời “không sinh hoạt” có lý hơn. Còn những bài viết hay tài liệu được tung ra sau ngày 1.11.1963 nhằm chống đối Đệ Nhất Cộng Hòa và CLNVCMĐ hoàn toàn là bịa đặt, nguỵ tạo như cuốn Đảng Cần Lao của Chu Bằng Lĩnh (một tên ghiền thuốc phiện như lời Cụ Hà Thượng Nhân khi còn sinh thời cho biết). Các tài liệu đánh phá đều do bọn ký giả bất lương viết theo đơn đặt hàng hay chỉ thị của kẻ thù và tập đoàn tay sai phá hoại. Mục đích của chúng tung ra chiêu bài “Cần Lao Ác Ôn” chính là để trả thù và che giấu âm mưu làm tay sai cho ngoại bang. Qua các diễn biến của tình hình Miền Nam từ 1963 đến nhiều năm sau này, cá nhân người viết có cảm tưởng Đảng Cần Lao chỉ là con ngáo ộp mà nhiều người dùng để hù dọa và cũng để gây bất mãn vì nhiều Cựu Đảng Viên Cần Lao vẫn được Đệ Nhị Cộng Hòa trọng dụng. Thật ra, sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, Miền Nam rơi vào khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng. Đúng như nhận xét của Thống chế Tưởng Giới Thạch nhận xét: “Mỹ đã làm một việc hết sức sai lầm là đã hạ sát TT Ngô Đình Diệm. Việt Nam phải hằng 100 năm sau mới có một nhân vật như vậy”.(Bài viết của TS. Pham Văn Lưu: Quan điểm của ông Ngô Đình Nhu về hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng). Điều đó cho thấy, Mỹ đã dở, mà bọn tướng tá tay sai lại còn tệ hại hơn.



Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu



Trong các chính khách lúc bấy giờ ở Miền Nam, có lẽ ông Thiệu chẳng gờm ai ngoài ông Trần Quốc Bửu, người có uy tín, có khả năng tổ chức và lãnh đạo, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Nhưng ông Trần Quốc Bửu là người khôn ngoan, biết tính toán. Ông không vội gì ra tay cạnh tranh với ông Thiệu. Ngược lại ông Thiệu, sau khi lập MTQGDCXH chẳng đi tới đâu, lại quyết định lập Đảng Dân Chủ nhằm tạo hậu thuẫn cho cá nhân ông. Ban Lãnh đạo Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu gồm có:

-          Nguyễn Văn Thiệu , Tổng Thống VNCH, Chủ Tịch Đảng

-          Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính Phủ

-          Trần Trung Dung, Nghị Sĩ  ở Thượng Nghị Viện

-          Trần Minh Tùng, Tổng Trưởng Y Tế, Tổng Thư Ký

-          Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Nghị Viên

-          Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện

-          Đinh Xuân Minh, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Hạ Nghị Viện

-          Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt Liên lạc Các Đoàn Thể

Khi lập Đảng Dân Chủ, ông Thiệu giao hết việc vận động và tổ chức cho Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân. Nguyễn Văn Ngân nguyên là tay chân thuộc hạ của Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Cao Thăng. Khi ông Nguyễn Cao Thăng bị bịnh ung thư phải ra ngoại quốc chữa bịnh thì Nguyễn Văn Ngân được ông Thiệu cho làm nhiệm vụ liên lạc Quốc Hội như ông Thăng đã làm. Sau khi ông Nguyễn Cao Thăng qua đời thì ông Thiệu cử Nguyễn Văn Ngân làm Phụ Tá Đặc Biệt thay ông Nguyễn Cao Thăng. Nhờ vào vị thế này và vì nắm “hầu bao” chi tiền cho các Dân Biểu, Nghị Sĩ thân chính quyền, ông Nguyễn Văn Ngân đã tìm cách lùa các viên chức cán bộ xã ấp, công chức và các sĩ quan đảm nhiệm các chức vụ hành chánh như Tỉnh trưởng, Quận Trưởng vào Đảng Dân Chủ. Phe nhóm ông Ngân tổ chức chia ra hệ thống Đỏ và hế thống Xanh. Đỏ là Quân nhân như Tỉnh Trường, Quận Trường. Xanh là dân sự Viên chức Xã ấp. Có thể nói đây là một Đảng chính trị ô hợp nhất từ xưa đến nay. Ngay bộ phận lãnh đạo nói trên đã cho thấy một sự gượng ép, đồng sàng dị mộng, mà không có sự đồng tâm nhất trí. Dân Biểu Nguyễn Bá Cẩn lúc đó đang là Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, và là Tổng Thư Ký Đảng Công Nông của ông Trần Quốc Bửu, đã được ông Thiệu kéo sang Đảng Dân Chủ cùng với một số Dân Biểu thân chính khác, thế là Đảng Công Nông của ông Trần Quốc Bửu bị “hỏng giò”. Nhưng sự việc đó cũng chẳng ăn thua gì lắm đối với khả năng và uy tín của ông Trần Quốc Bửu, khi một số đồng chí vì quyền lợi mà bỏ Đảng Công Nông ra đi theo Đảng Dân Chủ của ông Thiệu.



Cựu Đảng Viên Cần Lao lại được trọng dụng



Sau khi đảo chánh thành công và nắm được chính quyền, nhưng các chính phủ từ Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, không sao ổn định được tình hình vì thiểu khả năng và uy tín nếu không muốn nói là bất lực. Nội các nào cũng chỉ kéo dài được vài ba tháng là đổ. Phải đợi cho tới Quân Đội trở lại cầm quyền và khi Mỹ không còn ủng hộ phe nhóm Thích Trí Quang nữa thì tình hình mới tạm yên.

Trước đây, nhiều thanh phần chống đối TT Ngô Đình Diệm vì cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm chủ trương đàn áp đảng phái đối lập. Nhưng sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thì họ mới nhận ra rằng nạn phe đảng từ các giáo phái và các đảng chính trị chỉ làm cho tình hình thêm tệ hại. Những nhân vật có tiếng thuộc các đảng Đại Việt hay Việt Nam Quốc Dân Đảng có cơ hội tham chính nhưng đã tỏ ra hoàn toàn bất lực. Lãnh tụ đã dở mà đảng viên lại thiếu phẩm chất. Đến khi có cơ hội tham chính thì chẳng biết xoay sở ra sao. Nói thì hay mà hành động lại kém cỏi. Cứ nhìn lại các nhân vật như Phan Huy Quát, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Tiến Hỷ, vân vân là những lãnh tụ Đảng thì đủ rõ. Lãnh tụ làm việc đã dở, thử hỏi các đảng viên của họ sẽ ra sao? Bởi đó, khi chính phủ Nguyễn Cao Kỳ ra đời, thì đã phải mời một số cựu đảng viên Cần Lao của chế độ Ngô Đình Diệm ra làm việc. Phải nói là các Đảng viên Cần Lao và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia là những người có khả năng và kinh nghiệm. Nhiều người trong số đó đã ra ứng cử các chức vụ đại diện như Dân Biểu, Nghị Sĩ, Nghị Viên và đã được dân chúng tín nhiệm bầu.

Cả hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều dùng người của Cần Lao. Có điều mỗi ông có lối dùng khác nhau. Ông Kỳ tính bộc trực, không thâm hiểm như ông Thiệu. Trong khi ông Nguyễn Cao Kỳ cho Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng ra đời và dùng nhiều cựu Đảng viên Cần Lao thì ông Nguyễn Văn Thiệu lại rất dè dặt và tình kỹ. Vì ông Thiệu chỉ lo bảo vệ chiếc ghế Tổng Thống nên ông chỉ dùng giới hạn và ăn chắc như trường hợp DS. Nguyễn Cao Thăng, Cựu Dân Biểu Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa, được ông Thiệu mời làm Phụ Tá Đặc Biệt để “nắm” Quốc Hội. Ngoài ra, nhân vật nào có tiếng và có khả năng là ông Thiệu cho an ninh bám sát, theo dõi ngày đêm. Cụ thể nhất là trường hợp BS Trần Kim Tuyến, nguyên Giám Độc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội Phủ Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhà bác sĩ Tuyến ở đường Công Lý luôn luôn bị an ninh lảng vảng bên ngoài theo dõi. Ông Tuyến đi đâu là an ninh cặp kè theo sau. Về đến nhà, an ninh lại ngôi canh chừng ngoài cổng!

Câu hỏi cần đặt ra là tại sao Nguyễn Văn Thiệu lại cho người bám sát, theo dõi BS. Trần Kim Tuyến? Thưa vì BS Tuyển là Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị trông coi về tình báo (nôm na gọi là mật vụ), quen biết và liên hệ với nhiều nhân vật trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Có thế nói Sở Nghiên Cứu là hệ thống thần kinh của chế độ. Sở Nghiên Cứu không phải là sáng kiến của TT Ngô Đình Diệm mà là của Mỹ. Chính Mỹ đề nghị TT Ngô Đình Diệm lập cơ quan mât vụ tức Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội tương tự như CIA của Mỹ và chính CIA huấn luyện Bác Sĩ Trần Kim Tuyến trở thanh trùm mật vụ và từng tài trợ ít nhiều cho Sở này. Chuyện tình báo hay mật vụ là chuyện bình thường của bất cứ Quốc Gia nào, dân chủ hay độc tài, kế cả Mỹ. Ở Hoa Kỳ, ngoài Cơ quan Điều tra Liên Bang tức FBI, còn có CIA tức Trung Ương Tình Báo và Sợ Mật Vụ. Bởi vì muốn giữ gìn an ninh và đề phòng sự xâm nhập của đối phương hay kẻ thù thì phải có cơ quan Tình báo hay Mật Vụ, dù danh xưng có khác nhau, nhưng thực chất và nội dung cũng tương tự như nhau. Cái đáng buồn là khi Mỹ muốn lật đổ chế độ Cộng Hòa Việt Nam với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì họ tung ra nhiều đòn phép rất là độc hại không phải chỉ vào thời điểm đó mà di hại cho đến ngày nay. Xin nhắc lại ba đòn phép chính:

- Trước hết là gây ly gián giữa những nhân vật cao cấp và thân tín của TT Ngô Đình Diệm với Tổng Thống bằng những xúi giục, hứa hẹn chức quyền. Họ hứa với PTT Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ Trưởng Nguyển Đình Thuần là TT Diệm ra đi thì Nguyễn Ngọc Thơ sẽ lên làm Tổng Thống, và Nguyễn Đình Thuần sẽ lên làm Thủ Tướng sau khi sửa Hiến Pháp. Họ còn liên hệ bí mật với nhiều nhân vật khác như GS. Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Ngoại Giao, ông Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng để xúi giục và hứa hẹn. Kết quả cho thấy nhiều nhân vật đã biết rõ âm mưu của Mỹ, được Mỹ hứa hẹn để bất động, không tiết lộ hay báo cáo cho với TT Ngô Đình Diệm. Họ hứa hẹn và tách rời Ông bà Đại sứ Trần Văn Chương (là bố mẹ vợ của Cố Vấn Nhu) với chính phủ Ngô Đình Diệm.

- Họ gặp riêng một số nhân vật và phe nhóm có khả năng, xúi giục lập nhóm đảo chánh mà thực chất là để “cầm chân” và ly gián với TT Ngô Đình Diệm. BS Trần Kim Tuyến, ông Huỳnh Văn Lang và Đại tá Phạm Ngọc Thảo là những nhân vật chủ trương làm đảo chánh, loại trừ ông Ngô Đình Nhu mà giữ lại TT Ngô Đình Diệm yên vị, và những nhân vật này sẽ giữ vai trò chủ chốt của chế độ như Thủ Tướng, Bộ Trưởng, vân vân… Nhưng CIA liên hệ với BS Trần Kim Tuyến rồi lại tiết lộ cái “âm mưu” của BS Tuyến cho ông Ngô Đình Nhu biết. Thế là TT Ngô Đình Diệm liền cất chức Giám Đốc Sở nghiên Cứu của BS Tuyến và cử ông làm Tổng Lãnh Sự tại Le Caire, thủ đô Ai-Cập. Chuyện xẩy ra là CIA không tin cậy vào những nhân vật này, họ chỉ muốn cầm chân và dùng nhóm Quân Đội dễ sai bảo hơn. Chính vì thế, Trần Thiện Khiêm là người thân với ông Huỳnh Văn Lang và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo nhưng đã liên lạc chặt chẽ với CIA và nhất là Lou Coenin để thực hiện cuộc đảo chánh 1-11-1963. Đẩy được BS Trần Kim Tuyến ra khỏi Sàigòn là kể như họ đã nắm chắc phần thắng lợi 50 phần 100, vì hệ thống mật vụ đã bị bỏ ngỏ, không hoạt động gì được dưới quyền tân Giám Đốc Pham Thư Đường.

- Họ xúi giục và hỗ trợ nhóm Phật Giáo cực đoan ở Miền Trung và Thích Trí Quang để gây rối loạn cùng với cuộc “thiêu sống” của TT Thích Quảng Đức. Có thể nói dây là đòn phép, một thủ đoạn độc hại nhất, chẳng những góp phần làm xấu bộ mặt của chế độ Cộng Hòa Việt Nam mà còn gây ra hậu quả chia rẽ nghi kỵ nhau giữa các Tôn giáo từ 1963 cho đến ngày nay.

Dù Đệ Nhất Cộng Hòa đã bị lật đổ, nhưng người của chế độ vẫn còn. Khi làm Tổng Thống, ông Nguyễn Văn Thiệu có dùng một số nhân vật cũ, nhưng ông chỉ nhắm những ai có lợi cho cá nhân ông thì mới dùng. Vì ông Thiệu không có tư cách, tài năng, đức độ và yêu nước như TT Ngô Đình Diệm nên ông không dám dùng người tài mà chỉ dùng tay sai và gia nô để sai bảo. Ông lại càng sợ Mỹ sẽ đối xử với ông như TT Ngô Đình Diệm nên ông chỉ cần được lòng Mỹ, và nghi kỵ bất cứ người nào có tài, trong đó có BS. Trần Kim Tuyến.

Ngưởi thứ hai là ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung. Gọi là Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung nhưng hoạt động tỏa rộng khắp Miền Nam để truy tầm các ổ gián điệp Cộng sản. Dưới sự chi huy của ông Dương Văn Hiếu, Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã phá vỡ bao mạng lưới tình báo của Cộng Sản Bắc Việt cài vô trong Nam, truy lùng và bắt giữ được nhiều tên trùm gián điệp cỡ gộc như Trần Quốc Hương, Đại Tá Lê Câu, vân vân. Tiếc rằng sau đảo chánh, Mai Hữu Xuân, Đỗ Mậu và Hà Thúc Ký đã lần lượt thả chúng ra như thả cọp về rừng nên chúng có cơ hội gây dựng lại các cơ sở đã bi Đoàn Công Tác Đặc Biệt phá vỡ. Thật là mối nguy không sao lường được! Sau một thời gian bị cầm tù được thả ra, ông Dương Văn Hiếu lại được chính quyền của TT Nguyễn Văn Thiệu mời làm việc trở lại tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Ông Dương Văn Hiếu than phiền chưa khi nào làm việc mà chán ngán như thời gian này. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mời làm việc nhưng chẳng giao việc gì cả. Họ chỉ có ý cầm chân ông Hiếu thôi! Thật đáng buồn cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Thật đáng buồn cho thân phận quê hương bị trao vào tay những kẻ vô tài bất xứng nên đã rơi vào tay Cộng Sản.  



Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm



Sau khi chính quyền của TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì coi như Mỹ toàn quyền quyết định số phận của Việt Nam Cộng Hòa trước sự bất lực và yếu kém của bọn tướng lãnh phản phúc và các chính phủ sau ngày 1-11-1963. Mỹ tưởng rằng hạ bệ được Tổng Thống Ngô Đình Diệm rồi thì với phương tiện viện trợ dồi dào của Mỹ, tình hình miền Nam sẽ sáng sủa hơn. Nào ngờ Miền Nam lâm vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo, không sao giải quyết được vì không có một nhân vật nào đủ tầm vóc như TT Ngô Đình Diệm để có thể ổn định tình hình. Bây giờ, người ta mới thấy rằng cuộc đảo chánh 1-11-1963 là một trò chính trị tệ hại nhất mà Hoa Kỳ đã thực hiện và mắc kẹt vào vũng lầy ở Việt Nam. Cũng từ ngày đó, người ta mới thấy tài năng, đức độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trổi vượt và không có ai để thay thế được. Người ta lấy làm tiếc ông Diệm cùng những công trình mà Đệ Nhất Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của ông đã thực hiện cho Miền Nam trong 9 năm cầm quyền. Nhớ để thương tiếc một nhân vật lãnh đạo vì độc lập và chủ quyền quốc gia đã phải hy sinh một cách tức tưởi dưới bàn tay thô bạo của bọn người phản phúc và đồng minh. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu không còn nữa. Ngày 1-11 đã trở thành ngày tang tóc, mở đầu cho những thất bại triền miên đưa miền vào ách thống trị của Cộng sản.

Ngay sau khi TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, thời đã có nhiều nơi ầm thầm làm lễ cầu nguyện cho anh linh Tổng Thống và bào huynh. Rồi từ đó, hằng năm, cứ đến ngày 2-11-1963, rất nhiều nơi đã làm Lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mới đầu thì ít ỏi vị sợ mang tiếng Cần Lao sẽ bị trả thù. Nhưng dân dần, khi bọn người phản phúc bị đá văng ra khỏi chính trường thì việc Cần Lao tái hoạt động và việc tổ chức Lễ Tưởng Niệm TT Ngô Đình Diệm đã ở mức quy mô, hầu như toàn quốc. Bây giờ người ta mới thấy âm mưu lật đổ chính quyền của TT Ngô Đình Diệm là do CIA chủ động. Ngày 1-11-1963, Lou Coenin đã ngồi ngay trong phòng làm việc của Đại Tướng Lê Văn Tỵ (lúc đo đang đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ), gác hai chân lên bàn để chỉ đạo cuộc đảo chánh. Nhóm tướng lãnh thực hiện đảo chánh (Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Thiện Khiêm, Mai Hữu Xuân, vân vân) chỉ là bọn tay sai đâm thuê chém mướn bằng một cái giá rẻ mạt 42 ngàn Dollars do Lou Coenin trực tiếp trao cho Trần Văn Đôn để chia nhau sau đảo chánh. Đó là giá máu được trao cho những tên Giu-đa tân thời!

Sự thật càng được phơi bầy thì bọn đâm thuê chém mướn lại càng cảm thấy nhục nhã!  Không một tên nào dám nhận ra lệnh giết hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Chính vì thế uy tín của TT Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa lại càng tăng, được tôn vinh và đề cao.

Trong hai năm sau Đảo chính, tình hình chính trị miền Nam thêm rối ren chưa từng thấy. Cuộc Chỉnh lý của Nguyễn Khánh càng không giải quyết được gì hơn, ngoài việc loại trừ nhau giữa bọn phản phúc. Tình hình cứ xáo trộn mãi cho đến khi nhóm tướng trẻ (Thiệu, Kỳ, Có) loại được Nguyễn Khánh cũng như nhóm dân sự ra đi để Quân Đội trở lại nắm chính quyền. Lúc đó (vào khoảng tháng 6-1965) bộ ba Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Hữu Có nắm toàn quyền với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (đóng vai Quốc Trưởng). Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương (tức Thủ Tướng) và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có làm Phó Chủ Tịch UBHPTƯ (Phó Thủ Tướng) kiệm Bộ Trưởng Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Tuy là Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng, kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng Văn phòng làm việc của Tướng Có lại đặt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Vì sợ tình hình còn biến loạn nên Nguyễn Hữu Có đã chỉ thị cho đàn em phải dời hai phần mộ của TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu ra Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi, đặt gần ngay mộ của Cố Đại Tướng Lê Văn Tỵ (qua đời năm 1964).

Thật vậy, suốt hai năm (1963-1965), vì tình hình miền Nam xáo trộn liên miên nên nhiều ông Tướng tin rằng vì TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát và thi thể hai ông lại đem chôn ở trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu nên bị hai ông phá. Từ ngày Nội Các Chiến Tranh và Tướng Có cho lệnh dời thi hài hai vị ra Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi thì tình hình Miền Nam bắt đầu tạm ổn định.

Lễ giỗ cho TT Diệm lần đầu tiên được tổ chức công khai ngay tại Sài Gòn năm 1966 là do Cố Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, cựu Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ  và Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Chánh Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung của ông Ngô Đình Cần, lúc đó cũng làm việc với ông tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Khi được biết Bộ Tổng Tham Mưu đã cho đưa thi hài Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vì họ tin rằng để  TT Diệm và CV Nhu trong khuôn viên Bộ TTM nên bị phá, các Tướng cứ lật nhau hoài. Cuối năm ấy hai ông đã thông báo địa điểm phần mộ Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cho một số hội đoàn của ít nhất 7, 8 xứ đạo lân cận Sài gòn, đồng thời xin lễ cầu hồn cho hai Vị tại nhà thờ Xóm Chiếu. Ngày 2/11 năm 1966 đã có một đoàn hàng chục xe Lam chở bà con đem bông, nhang, nến, đến thắp, đặt bông, đọc kinh cầu nguyện cho hai Vị tại Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi. Trong khi đó, tại nhà thờ Xóm chiếu do Linh mục Phạm Hoàng Thanh nhận thực hiện. Cha Thanh đã đặt một bàn mồ lớn giữa nhà thờ với đèn nến, bông hoa rất trang trọng. Trên 2 lối vào nhà thờ, cha căng 2 biểu ngữ lớn, nền tím chữ vàng "Lễ Cầu Hồn cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm". Có 2, 3 thông tín viện ngoại quốc đến chụp hình, quay phim.

Những năm kế tiếp, việc tổ chức Lễ Giỗ TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu được tổ chức liên tục hằng năm tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế số 38 đường Kỳ Đồng, sau đó là Nhà Thờ Đức Bà tức Vương Cung Thánh Đường tại Công Trường Hòa Bình, Sài Gòn ngay trước Bộ Nội Vụ và Tổng Nha Bưu Điện.

Năm 1971, Lễ Tưởng Niệm và Cầu Nguyện cho Cố TT Ngô Đình Diệm tại Vương Cung Thánh Đường tức Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn có thể được coi như là ngày long trọng và lớn lao nhất. Hàng ngàn đại diện Dân, Quân, Cán, Chính và đồng bào đã tề tựu đông đủ vào sáng ngày 2-11-1971. Ban tổ chức đã phân công cho chúng tôi, Cựu Trung Tá Trần Thanh Chiêu và người viết phụ trách vận động đồng bào vùng Thủ Đức, Hố Nai, Biên Hòa. Phái đoàn Thủ Đức, Hố Nai, Biên Hòa được hướng dẫn đến Công Trường Hòa Bình, nhưng thay vì đến thẳng mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà, đã đáp xuống đầu đường Duy Tân rồi sắp hàng thật dài diễn hành chung quanh nhà thờ mà đi đầu là ban kèn Tây Cecilia thuộc Giáo xứ Chân Phúc Khang Thủ Đức với bức chân dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm được rước đi trước. Khi đoàn diễn hành tiến bước thì ban kèn đồng đã liên tục cử hành bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống vang lên khắp đường phố. Dân chúng đứng chung quanh đã túa ra xem và sáp nhập vô đoàn diễn hành, hô to khẩu hiệu “Ngô Tổng Thống Muôn Nam!”. Các phóng viên ngoại quốc chạy đôn đáo chụp hình, quay phim làm bản tin gửi đi khắp nơi khiến dư luận phấn khởi và súc động.

Sau Thánh Lễ cầu nguyện, thay vì dùng xe di chuyển như các năm trước, Ban Tổ Chức đã quyết định tất cả sẽ cùng diễn hành (đi bộ) từ đại lộ Thống Nhất đến Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để viếng mộ TT Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Thời gian di chuyển tuy có kéo dài thêm vì số người tham dự quá đông diễn hành trên quãng đưởng khá dài từ Nhà Thờ Đức Bà đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nhưng tất cả đều diễn ra rất trật tự và tốt đẹp.



Anh em nhớ đến tôi thì làm…



Sau khi Chính Quyền của TT Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sau khi chứng kiến những thất bại và bất lực của các Chính Phủ sau ngày 1-11-1963, người ta mới thấy việc làm của Mỹ và bọn đâm thuê chém mướn là sai lầm không sao sửa chữa được. Thật đúng như lời nhận định của Cụ Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân, nguyên Trung Tá Giám Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH:

 “Tôi nghĩ sự thật vẫn là sự thật. Các ông tướng lấy tiền của Mỹ có thể giết được thể xác anh em họ Ngô, nhưng họ không thể giết được thanh danh, tinh thần và uy tín của họ Ngô. Khi các ông tướng xuống tay thì chính cũng là lúc họ tự sát. Họ chết khi còn đang sống.

Muốn nói gì thì nói, miền Nam từ 1948 đén 1975, chỉ duy nhất có chế độ Ngô Đình Diệm là xứng đáng. Chỉ dưới chế độ ông, quốc gia mới có kỷ cương, có thể thống.

Không thể đem so sánh chế độ ấy với bất cứ chế độ nào từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Thiệu. Giết anh em họ Ngô, các ông tướng đã vô tình giết cái chính nghĩa quốc gia mà họ vẫn hô hào phục vụ,

Dù sao người chết đã chết rồi. Chỉ còn một điều đáng ân hận anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn một chính sách, một kế hoạch cần phải thực hiện.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng các ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn mới lo củng cố được chính quyền. Họ chưa có thì giờ thực hiện được những điều mà tác giả Nguyễn Văn Minh đề cập đến trong cuốn sách này.”

(Trích Lời Đề Tựa cuốn sách “Dòng Họ Ngô Đình, Giấc Mơ Chưa Đạt” của cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Chánh Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung, nguyên Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH).



Tưởng niệm TT Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu thật sự không phải chỉ để tiếc nuối chế độ Cộng Hòa đã đem lại an bình, hạnh phúc cho người dân trong suốt chin năm trời mà phải đi vào hành động cụ thể. Chín năm xây dựng không phải là dễ dàng, bởi vì từ khi về VN chấp chánh, chính phủ Ngô Đình Diệm đã trải qua muôn vàn khó khăn, từ việc ổn định tình hình, dẹp tan các Giáo phái, thống nhất lực lượng Quốc gia, định cư gần một triệu đồng bao di cư từ Bắc vào Nam, vân vân. Sau đó đến việc xây dựng và đặt nền móng căn bản cho chế độ Cộng Hòa, bầu cử Quốc Hội, cải tổ Hành Chánh, tổ chức Quân Đội ở tầm mức quy mô, xây dựng và phát triển các ngành, cùng các lãnh vực kinh tế, tài chánh, xã hội, văn hóa, giáo dục… Rồi khi Cộng Sản Bắc Việt cùng với quan thầy Cộng sản Quốc Tế gia tăng xâm nhập phá hoại thì chính phủ Ngô Đình Diệm đã đề ra Quốc Sách Ấp Chiến Lược để đối phó với giặc Cộng. Nhìn lại chặng đường ngắn ngủi 9 năm với bao công việc như thế, phải nói là một kỳ công có một không hai ở Đông Nam Á. Các chính phủ sau ngày 1-11-1963 chỉ là những kẻ thừa kế các di sản đó. Cái khó là đặt nền móng xây dựng chế độ Cộng Hòa và TT Ngô Đình Diệm đã hoàn tất một cách tuyệt hảo. Nếu như các chính phủ sau 1-11-1963 biết bảo trì và phát triển những thành quả của nền Đệ Nhất Cộng Hòa thì lợi ích biết bao. Tiếc rằng bọn đâm thuê chém mướn cho CIA chỉ lo ăn chơi, phá hoại nên Miền Nam trở thành miếng mồi ngon cho Cộng sản thôn tính và nuốt trọn trong ngày bi thảm 30 tháng 04 năm 1975.



Trở lại Lời Trối Trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, thì hai điều đầu tiên là (1) “Lý thuyết Nhân Vị và (2) đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội” thời dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã làm rồi và trên đà triển khai lý thuyết này qua Quốc sách Ấp Chiến Lược. Sau ngày 1-11-1963, trên hình thức lý thuyết Nhân vị bị bãi bỏ và Đảng Cần Lao bị ngưng hoạt đông. Nhưng trên thực tế thì nó vẫn được duy trì dưới một hình thức khác nếu mọi người hiểu cho rằng chủ thuyết Nhân Vị nhằm đấu tranh bảo vệ quyền tự do và phẩm giá của con người. Nói rộng ra thì lý thuyết nhân vị hoàn toàn hướng vể con người, là nhân bản, là nhân quyền. Nội dung Tuyên ngôn Nhân Quyền của Cách Mạng Pháp (1789), Tuyên Ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776) và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc 1948 cũng đã bao hàm chủ thuyết Nhân vị. Hãy đọc và so sánh hai bản Hiến Pháp 1956 và Hiến Pháp 1967 có khác nhau nhiều đâu. Từ bố cục đến nội dung hầu như Hiến Pháp 1967 đã rập khuôn và sửa đổi lại một số điều khoản. Phần nói về quyền lợi và bổn phận công dân thì hầu như là không thay đối. Đây chính là nội dung chủ thuyết Nhân Vị đó thôi. Nghĩ lại cũng tức cười. Mấy ông to mồm chống đối “chế độ độc tài” Ngô Đình Diệm, vậy mà khi đắc cử làm Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến 1966 thì đã sao chép lại Hiến Pháp 1956 rồi đem sửa đổi một số điều, có khác chi nhổ ra rồi lại nuốt vô! Nếu chịu khó đọc các bản Hiến Pháp của Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Liên Sô, Trung Cộng, Việt Cộng và Hiến pháp VNCH 1956 rồi đem so sánh và tự hỏi: Hiến Pháp VNCH 1967 giống bản Hiến Pháp nào nhất? Chắc chắn là giống Hiến Pháp 1956 thời TT Ngô Đình Diệm hơn bất cứ bản Hiến Pháp nào khác trên thế giới.

Xin trích ngay Lời Mở Đầu của hai bản Hiến Pháp 1956 và Hiến Pháp 1967 để quý độc giả so sánht:

Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc bảo đảm tương lai huy hoàng của Tổ Quốc (Lời Mở Đầu Hiến Pháp 1967)

Tin tưởng  tương lai huy hoàng bt dit ca Quc gia và Dân tc Vit Nam mà lch s tranh đu oaihùng ca t tiên và ý chí qut cường ca toàn dân đm bo; (Li M Đu Hiến Pháp 1956) 

Rõ ràng là các nhà lập hiến 1967 đã sao chép và sửa lại Lời Mở Đầu của Hiến Pháp 1956.

Nhớ lại, Quốc Hội Lập Hiến 1966-1967 gồm toàn những người mới, một số là những nhân vật từng chống đối TT Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa, chê Hiến Pháp 1956 là không dân chủ. Cũng Quốc Hội này, có nhiều cái đầu to như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Trần Văn Văn, vân vân, vậy mà chẳng làm nên trò trống gỉ cả.

Còn luận điệu cho rằng Hiến Pháp 1956 là hiến pháp độc tài thì xin hãy bình tĩnh mà suy xét.

Khi về chấp chánh năm 1954, TT Ngô Đình Diệm đã phải đương đầu với tình hình muôn vàn khó khăn ở Miền Nam. Nạn sứ quân mà điển hình là mỗi Giáo phái hung cứ một vùng đang khi nhu cầu cấn thống nhất lực lượng để đối phó với Cộng sản, thử hỏi TT Ngô Đình Diệm làm gì để thống nhất lưc lượng quốc gia?  Tất nhiên phải dẹp tan nạn Giáo phái. Với tình hình ấy, nhiều nhân vật cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm khó lòng tồn tại được 6 tháng. Vậy mà nhờ sự cương quyết và khôn khéo, chính phủ Ngô Đình Diệm đã vượt qua mọi thử thách để thống nhất lực lượng quốc gia và xây dựng Nền Cộng Hòa ở Miền Nam được 9 năm trời. Lúc khó khăn, chính phủ Ngô Đình Diệm kêu gọi các nhân vật, các chính đảng hợp tác thì thấy nguy cơ, chính đảng và các nhân vật toan bỏ chạy theo Thực dân Pháp. Rồi sau mấy năm đầu tạm ổn định nhờ Phong Trào Tố Cộng quét sạch các ổ “Việt Cộng năm vùng”, tình hình bỗng trở nên khó khăn khi tập đoàn CS Hà Nội và quan thầy Nga Hoa âm mưu thôn tình Miền Nam, thời các chính khách sa lông lại giở trò tranh đấu đòi chia ghế. Vậy làm sao có thể nhượng bộ những đòi hỏi phi lý ấy?

Sau 1-11-1963, tình hình trở nên hỗn loạn là do đâu? Phải chăng hệ thống an ninh đã bị phá vỡ tạo cơ hội cho Việt Cộng xâm nhập phá hoại? Phải chăng bọn đội lốt Tôn giáo đã lợi dụng sự tự do quá trớn để tiếp tục gây xáo trộn?

Thí dụ dưới đây sẽ cho thấy Hiến Pháp VNCH 1967 và TT Nguyễn Văn Thiệu đã thao túng Quốc Hội như thế nào?

Hiến Pháp VNCH 1967 quy định Quốc Hội gồm có hai viện: Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Các Dân Biểu trong Quốc Hội Lập Hiến đưọc bầu ngày 11-9-1966 (trong đó có các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Phan Quang Đán…) nghĩ rằng Quốc Hội lưỡng viện sẽ dân chủ hơn Quốc Hội Nhất Viện! Nhưng các ông đã tính sai và lầm to nếu biết rằng Hiến Pháp 1967 đã dành cho Hạ Nghị Viện nhiều quyền hơn Thượng Nghị Viện. Hãy coi lại điều 43 khoản 5, 6, và 7  Hiến Pháp 1967 về thủ tục làm luật ở Quốc Hội thì đủ rõ. Hành Pháp chỉ cần nắm được Hạ Viện là có thể chi phối Quốc Hội dể dàng. Thực tế, TT. Nguyễn Văn Thiệu qua Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng đã “nắm” được Hạ Nghị Viện. Sau đó, khi ông Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 (1971-1975), ông đã sai đàn em sửa Nội Quy áp dụng thể thức bầu Liên danh Văn Phòng Quốc Hội (cả Thượng Viện và Hạ Viện) trong chủ trương “lấy thịt đè người” thay vì áp dụng thể thức đơn danh như thời Quốc Hội pháp nhiệm 1 (1967-1971). Chính vì chủ trương độc tài của phe nhóm ông Thiệu mà Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền đã từ chức để phản đối và ra khỏi Quốc Hội.



Chế độ Cộng sản là nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu và bán nước



Sau khi tấn chiếm miền Nam, ngụy quyền CS Hà Nội đã biến Việt Nam thành một trong những nước đói nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Nhân quyền bị tước bỏ, tài sản nhân dân bị cướp đoạt, Tôn giáo bị đàn áp. Hơn nửa triệu quân, cán, chính VNCH bị sung vào các trại học tập cải tạo. Nói tóm lại, cả nước là một nhà tù vĩ đại. Cho nên hàng triệu người đã bỏ nước ra đi tìm tự do bất kể những hiểm nguy đến tính mạng, trong đó nửa triệu người đã biến thành mồi cho tôm cá ở dưới lòng biển. Tệ hơn nữa, tập đoàn CS Hà Nội còn dâng đất, dâng biển cho Trung Cộng nhằm trả món nợ xâm lăng VNCH. Trong tài liệu Chính Đề Việt Nam, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu từng viết:

“Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.

Sở dĩ ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các  nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thị họ vẫn còn chịu sư chi phối của chính sách xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa.” (CĐVN tr. 302)

Lời tiên đoán của ông Ngô Đình Nhu từ nửa thế kỷ trước, nay đã ứng nghiệm. Đất nước hiện đang rơi vao vòng nô lệ ngoại bang và tập đoàn CSVN khó lòng thoát khỏi bàn tay không chế và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Chính Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN là thủ phạm đã rước chủ nghĩa Mác Lê đầy ác ôn đó vào để con cháu chúng ta ngày nay đang phải lãnh nhận một hậu quả vô cùng khốc hại. Bởi tập đoàn Cộng Sản ác ôn đã không còn nhân tính nên dân chúng khắp hai miền cũng không còn được sống trong bầu khí tự do với phẩm giá của một kiếp người. Đảng Cộng sản tự hào là đấy tớ phục vụ nhân dân đã biến thành ông chủ với quyền năng vô hạn. Nhân dân bị chúng lừa bịp xưng tụng là ông chủ đã bị biến thành những tên đầy tớ phục vụ cho các ông chủ tư bản Đỏ! Thật đúng như Engels và Lênin đã khẳng định: “Nhà nước là công cụ của giai cấp này để đàn áp giai cấp khác. Nhà nước được lập nên không phải vì tự do. Nói cách khác, có nhà nước thì không có tự do. Mà có tự do thì không có nhà nước.” Cứ xem từ Đông Âu, Liên Sô, qua Cuba đến Việt Nam, dưới chế độ Cộng sản, có nơi nào dân chúng được tự do? Có nơi nào dân chúng được làm chủ? Bởi vì nơi nào Cộng sản ngự trị thì cuộc sống con người sẽ không còn là người đích thực nữa. Từ thế kỷ thứ 19, dưới chế độ phong kiến và thực dân, Tú Xương đã chứng kiến được xã hội loài người không còn được sống như con người, nên đã thốt lên lời thơ thật vô cùng thấm thía:



Bắt chước như ai, chúc mấy lời.

Chúc cho khắp hết cả tên đời:

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người.



Nhưng Văn hóa miền Nam vẫn sống mạnh



Sau ngày 30-04-1975, Miền Nam đã bị nhuộm đỏ. Chế độ Cộng Hòa trên thực tế không còn nữa và Việt Nam hoàn toàn đặt dưới sự thống trị của Cộng sản. Nhưng cũng trên thực tế, tuy thắng trên mặt trận quân sự và chính trị nhưng CSBV đã thua trên mặt trận Văn Hóa. Cái gọi là văn hóa đồi trụy của Miền Nam mà Cộng sản Bắc Việt rêu rao đòi tiêu diệt tận gốc rễ lại là vũ khí sắc bén gậm nhấm và âm thầm đồng hóa cái văn hóa xã hội chủ nghĩa phi nhân của Miền Bắc. Nếp sống văn hóa Miền Nam tràn ra Miền Bắc cũng như văn hóa nông nghiệp đồng hóa văn hóa du mục. Bao công trình văn hóa giáo dục của Miền Nam chẳng những không bị tiêu diệt mà còn sống mạnh. Sài Gòn vẫn hơn Hà Nội và Hà Nội mong bắt chước để đuổi kịp Sài Gòn. Giới thanh niên nam nữ và cả những ông bà đại cán của Hà Nội cũng mong bắt kịp lối sống văn hóa văn minh của Miền Nam. Sách báo Hà Nội xưa dùng những ngôn từ ăn nói du côn mất dạy đã phải tự thay đổi để theo nếp sống văn hóa đạo đức có lễ giáo của Miền Nam. Chỉ lấy một thí dụ đơn sơ là mẫu áo dài bà Ngô Đình Như thì đủ rõ. Trước đây, đã bao người chửi rủa bà Ngô Đình Nhu thế nọ thế kia, nhưng cái áo dài bà Ngô Đình Nhu lại là kiểu mẫu áo đẹp, cấp tiến, rất được trân trọng. Phải nói khắp nơi, phụ nữ hai miền Nam Bắc và cả ở hải ngoại đều ưa thích mẫu áo dài đó. Quả đúng về phương diện mỹ thuật, chiếc áo dài bà Ngô Đình Nhu là thời trang đẹp và hấp dẫn, không ai có thể phủ nhận. Đã vậy, nhờ nó mà các nhà vẽ kiểu thời trang đã cải tiến thêm giúp cho phụ nữ Việt Nam đẹp thêm khi bận chiếc áo dài này. Rồi đến nhạc vàng của Miền Nam bỗng dưng sống lại và được dân chúng khắp hai miền đua nhau hát thay cho thứ nhạc sản xuất khô khan của Miền Bắc!

Câu hỏi được đặt ra là cái gì đã làm cho Văn hóa Miền Nam (VNCH) sống mạnh và lướt thắng văn hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc? Thưa chính là những công trình văn hóa, giáo dục, xã hội ở miền Nam được xây dựng trên tình người, trên nền tảng tự do, dân chủ và nhân quyền đáp ứng được lòng dân mà biểu tượng bằng lá Cờ Vàng ba sọc đỏ. Tất cả những yếu tố đó đều nằm sẵn trong hai chữ Nhân Bản, Nhân Vị mà ra. Người ta không cần phải nói ra nhưng những công trình xây dựng và sinh hoạt đã thấm nhiễm vào đời sống người dân Miền Nam. Dân chủ ở Miền Nam đã di trước Miền Bắc ít nhất hai thập niên. Cho nên sau ngày 30-04-1975 mà nhất là sau năm 1991, khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Số thì người ta không lạ gì sức đồng hóa cùa Văn hóa Miền Nam còn gia tăng gấp bội. Dân chủ, nhân quyền, và quyền tự do của con người đã được người dân công khai bảy tỏ trên báo chí và các diễn đàn Internet khiến Cộng Sản Hà Nội chóng mặt, phải dùng bạo lực để đàn áp. Rõ ràng chủ trương Tự do, Dân chủ và Nhân quyền luôn đáp ứng yêu cầu của thời đại, là xu thế của thời đại không có gì cưỡng lại được, không phải chỉ ở Âu châu hay Mỹ Châu mà khắp cả thế giới. Chính vì thế mà sau 70 năm trời bị đặt dưới sự thống trị của chế độ Cộng sản phi nhân, người dân từ Ba Lan, Đông Đức qua đến Liên Sô đã đồng loạt đứng lên đánh đổ chế độ độc tài ác ôn nhằm xây dựng chế độ tự do, dân chủ, tôn trọng quyền tự do và phẩm giá của con người. Chủ nghĩa Cộng sản là thứ chủ nghĩa phi nhân độc hại, phải bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người. Còn bị nó thống trị thì xã hội loài người còn đói khổ, chết chóc. Còn bị nó thống trị thì người dân còn là nô lệ, bị bóc lột. Xin hãy coi lại những lời nhận định chân thành của các nhân vật đầy uy tín trên thề giới:

  1. TT Nga Dmitry Medvedev tuyên bố tại Washington: Stalin was a killer (Stalin là tên sát nhân, ngày 15.04.2010).
  2. Russia President Vladimir Putin, TT Nga: “He who believes the communists has no brain. He who follows the communists has no heart”. Ai tin cộng sản là không có cái dầu. Ai theo lời của Cộng sản là không có trái tim.
  3. Russia President Boris Yeltsin (Tổng Thống Nga): You can build a throne with bayonets, but you can’t sit on it for long. Communists are incurable, they must be eradicated. Anh có thể xây ngaì vaàg bằng lưỡi lê, nhưng anh không thể ngồi lâu trên đó. Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải chúng nó đi.
  4. Soviet Secretary Mikhail Gorbachev (Tổng Bí Thư Sô Viết): I have devoted half of my life foe communism. Today, I am sad to say that The Communist Party only spread propaganda and deceives. Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng sản. Hôm nay, tôi đau buồn mà thú nhận rằng: Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.
  5. German Chancellor Angela Merkel (Thủ Tướng CHLB Đức/gốc Đông Đức): “The Communists make the people deceitful. Cộng sản dã làm cho người dân trở thành gian dối.
  6. Secretary General Milovan Djilas (Tổng Bí Thư Đảng CS Nam Tư): “At 20, if you are not a communist, you are heartless. At 40, if you don’t abandon communism, you are brainless. 20 tuổi không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không bỏ cộng sản là không có cái đầu.
  7. Russian writer Alexandre Soljenitsyn (Nhà văn Nga): “When a communist lies to you, stand up and tell him that he is lying. If you don’t  dare to say that he lies, walk away. If you don’t dare walk away, do not recite the lie that you heard to anybody. Khi thằng cộng sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu không can đảm nói nó nói láo, ta phải bỏ đi. Nếu không can đảm bỏ đi, ta sẽ không nói lại những lời nó nói láo với người khác.
  8. 8.      Dalai Lama: “The communists are wild weeds that sprawl on devastation of war. The communists are venomous insects that breed on the garbage. Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh. Cộng sản là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời.
  9. 9.      USA President Abraham Lincoln (Tổng Thống Mỹ). You can fool some of the people all the time, and and all of people some of the time, but you cannot fool all of the people all the time. Anh có thể lừa dối một số người trong mọi lúc, và lừa dối mọi người mọi người trong vài lúc, nhưng anh không thể mãi mãi lừa dối tất cả mọi người.
  10. 10.   USA General Sheridan (Tướng Mỹ): “The only good communist is a dead communist”. Thằng cộng sản tuyệt với nhất là thằng cộng sản chết.
  11. USA President Ronald Reagan (Tổng Thống Mỹ): “How do you tell a communist? – Well, it’s someone who reads Marx and Lenin. Anh how do you tell an anti-Communist? – It’s someone who understands Marx and Lenin. Làm sao biết ai là Cộng sản?  Đó là người đọc về Marx và Lenin. Làm sao biết ai chống Cộng? Đó là ngươì hiểu về Marx và Lenin.Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau.”
  12. 12.  TT Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhì kỹ những gì Cộng sản làm.” Don’t listen to the communist, but take a good look at what they have done.
  13. 13.  Nhà văn Nguyễn Tuân, nổi tiếng cao ngạo trong văn đàn miền Bắc. Sau mấy chục năm nín thở qua sông, vào đến miền Nam, gặp lại bạn bè, đã phát ra một câu để đời “Tao còn sống đến ngày nay, là nhờ biết sợ.” Nhà văn Vũ Thư Hiên cũng đã thuật lại câu nói của Nguyễn Tuân: “Muốn yên thân thì phải biết chia động từ sợ. Tôi sợ, anh sợ, chúng ta sợ...”
  14. 14.  Tướng độc nhãn Moshe Dayan, Do Thái: “Cộng sản là con ký sinh trùng, đem ra ánh sáng mặt trời sẽ chết.”
  15. 15.  Tác giả Hoa Địa Ngục: “Nếu nhân loại mọi người đều biết: Cộng sản là gì tự nó sẽ tan đi.”

Cho nên, có ý kiến trên Diễn Đàn Internet nói rằng: “Muốn thoát chế độ cộng sản thì đừng sợ những gì Cộng sản làm, mà hãy làm những gì Cộng sản sợ.”



Về các Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm



Tháng 4/1975, Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Các đoàn thể quốc gia lớp chạy ra hải ngoại cùng với đồng bạo tị nạn Cộng sản, lớp còn lại ở trong nước bị bắt đi tù đày, lớp “nằm im” chờ thời cơ. Những hậu thân của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng cùng chung số phận. Những Đảng viên Cần Lao Nhân Vị chạy thoát ra được hải ngoại bỗng nhớ lại những gì mà ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã nói trước kia đồng thởi nhờ biết thêm những tin tức liên quan đến tình hình VN, nhất là sau khi nhiều tài liệu đã được giải mật nên họ muốn làm một cái gì đó cho quê hương. Các Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm được hình thành là như thế. Nhưng trước khi viết về các Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm, người viết xin lược thuật lại tình hình đó như sau:

Biến cố 30 tháng 04 năm 1975 xẩy ra trước sự ngỡ ngàng của Dân Tộc Việt Nam cũng như của nhiều nước trên thế giới: Việt Nam đã bị đặt hoàn toàn dưới ách thống trị của Cộng Sản. Có thể nói đó là cao điểm của phong trào Cộng sản trên thế giới, nhưng cũng là khởi điểm sự  thoái trào của chủ nghĩa Mác Lê. Trước 30-04-1975, người ta luôn đinh ninh rằng trên mặt trận chống Cộng, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa bởi vì ai cũng cho rằng Việt Nam là tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Người ta đã luôn luôn đưa ra lập luận rằng nếu để mất Miền Nam thì Cộng sản sẽ tràn xuống khắp vùng Đông Nam Á.  Quả thật lúc ấy, phe Cộng sản chiến thắng đã huênh hoang tuyên bố rằng chúng sẽ “giải phóng” Thái Lan và tương lai sẽ “giải phóng” luôn cả Đế Quốc Mỹ sau khi đã chiếm trọn Đông Dương. Cộng Sản Hà Nội còn vênh vang tự đắc lên mặt đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh theo Hiệp Định Paris 1973 nếu muốn lập quan hệ ngoại giao với chúng. Lúc ấy Mỹ trả lời rằng Việt Cộng xâm lăng Miền Nam là đã vi phạm Hiệp Định Paris và số vũ khí chiếm được của Miền Nam cũng tới 5 tỹ Mỹ kim rồi đó.

Thật ra thì bàn cờ quốc tế đã thay đổi từ thời Tổng Thống Richard Nixon (1968 - 1974) khi Cố vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger bí mật thăm Bắc Kinh qua ngả Pakistan năm 1971 để rồi năm sau Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon chính thức thăm Hoa Lục, gặp gỡ Mao Trạch Đông và công bố Thông Cáo Chung tại Thượng Hải 1972. Từ biến cố đó và sau này qua diễn biến của tình hình và các tài liệu được giải mật, người ta mới thấy Nixon đã chơi đòn chính trị rất độc là chặt đôi Khối Cộng Sản ra làm hai mảnh mà biểu tượng là Nga Sô và Trung Cộng. Trung Cộng được Mỹ chấp thuận cho vô Liên Hiệp Quốc thay thế vai trò Trung Hoa Quốc Gia của TT Tưởng Giới Thạch. Trung Cộng được gia nhập Liên Hiệp Quốc đồng thời là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, đứng ngang hàng với Mỹ và Nga Sô. Trước đó, khi chưa được Mỹ chấp thuận thì Trung Cộng luôn phải đóng vai trò đàn em Nga Sô trong khối Xã Hội Chũ Nghĩa, một sự kiện mà Trung Cộng luôn cảm thấy khó chịu. Sự thật thì chuyện xích mích giữa Nga Sô và Trung Cộng đã ngấm ngầm từ lâu nhưng Trung Cộng vẫn bị lép vế vì ở vai trò đàn em. Nay nhờ Mỹ được đứng ngang hàng với cả Nga và Mỹ tất nhiên Trung Cộng rất hãnh diện. Điều đó dễ hiểu vì dù dưới danh nghĩa nào, dù tự do hay Cộng sản thì hầu như chủ nghĩa Dân Tộc đã luôn luôn là chủ đạo của bất cứ quốc gia nào. Trung Cộng bề mặt theo Mác Lê, nhưng thực chất chủ nghĩa Dân Tộc Đại Hán và Bá Quyền vẫn tồn tại chỉ chờ cơ là vùng dậy. Cộng Sản hay Phong Trào Giải Phóng chỉ là chiêu bài nhằm ru ngủ các dân tộc chậm tiến của cả hai Đế Quốc Đỏ Tầu Nga nhằm thống trị thế giới. Đúng là một thứ bánh vẽ của bọn Đế quốc Thực Dân mới mà biểu tượng là Nga Sô và Trung Cộng.

Từ bước đầu này, Mỹ đã khởi sự lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng bằng việc nói chuyện công khai, đặt Đại diện thường trực, dần  dần mở cửa cho Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc. Song song những hành động như thế, Mỹ chấp thuận cho Trung Cộng ngang nhiên chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH vào tháng 01 năm 1974 bất kể lời kêu cứu của VNCH. Mục đích lâu dài của Mỹ là dùng Trung Cộng ngăn chặn Liên Sô tràn vào Vùng Đông Nam Á sau khi Mỹ rút khỏi Miền Nam. Việc Mỹ đi đêm với Trung Cộng không phải là mới bắt đầu từ năm 1971, nhưng đã có ngay từ năm 1949 khi Mao Trạch Đông đánh đuổi phe Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đi Loan. Từ lúc đó, dù vẫn công nhận Trung Hoa Quốc Gia trên cương vị là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng Mỹ vẫn có những cuộc tiếp xúc mật hằng năm với Trung Cộng tại thủ đô Varsovie của Ba Lan (Đông Âu). Nay thì sự thể đã rõ: Mỹ đã làm một ván bài mới và tình hình Đông Nam Á bắt đầu thay đổi. Số phận Việt Nam Cộng Hòa coi như đã được quyết định và chỉ chờ thời gian đến 1975 là hoàn tất. 

Sau khi Mỹ để Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản rồi thì Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á tức SEATO không cần thiết nữa, liền bị giải tán vào năm 1977 và sau đó là Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á hình thành gọi tắt là ASEAN. Thật ra Hiệp Hội AEAN này đã được manh nha từ năm 1967, nhưng kể từ 1977 thì Hiệp Hội ASEAN đã đóng vai trò quan trọng hầu như thay hẳn Liên minh SEATO. Như vậy, rõ ràng là thuyết Domino với chủ trương bao vây (Domino: bao vây, cô lập và tấn công tiêu diệt) của Mỹ đã được thay thế bằng chủ trương hòa hoãn (Détente: hòa hoãn, hợp tác và phát triển). Trong khi các nước khác hiểu ván bài chính trị của Mỹ và bàn cơ thế giới sẽ thay đổi thì hai phe ở Việt Nam vẫn ngủ mê. Thật vậy, sau khi chiếm được miền Nam như một món quà từ trời rớt xuống, tập đoàn Cộng Sản Hà Nội đã say men chiến thắng với thái độ vênh vang tự đắc hồ hởi tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, biến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khiến cả nước lâm cơn đói rã họng phải lạy Mỹ cứu Đảng. Còn Việt Nam Cộng Hoà với TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn một mực tin tưởng Mỹ sẽ không bao giờ bỏ rơi Miền Nam là tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do trong khi Mỹ đi đêm với Trung Cộng nhằm thực hiện ván bài mới, sẵn sàng nhường Miền Nam cho Cộng sản. Thế nên nhìn lại tình hình VN, người ta có thể nói một câu mà không sợ lầm rằng “Kẻ thắng người thua đều thất bại!”  

Người viết dài dòng nhăc lại một số sự kiện nêu trên để thấy rằng thân phận của các nước nhược tiểu như VN thật là bi đát. Những nước chậm tiến này (trong đó điển hình là Việt Nam) chỉ là quân cờ cho các siêu cường (Super Powers) chơi, điều khiển, chỉ huy. Khi cần thì họ dùng. Khi không cần thi họ bỏ không một chút thương tiếc. Nói như thế nghe thê thảm quá, nhưng đó là sự thật mà những người làm chính trị hay lãnh đạo quốc gia phải biết. Vì trong chính trị, chẳng có gì là nhân nghĩa, tín trung, liêm sỉ mà chỉ có quyền lợi quốc gia dân tộc. Hày nghe Lord Palmerstom, the stateman who proclaimed of Britain in the 19th century, “We have no eternal allies, and we have no perpetual ennemies. Our interests are eternal and perpetual”. (Chúng tôi không có đồng minh vĩnh viễn. Chúng tôi cũng không có kẻ thủ vĩnh viễn. Chỉ có quyền lợi của chúng tôi là vĩnh viễn.” Câu nói của Lord Palmerston đã là khuôn vàng thưóc ngọc cho các chính trị gia và các nước nhất là những siêu cường ở phương Tây. Chỉ tội cho các nước chậm tiến, các lãnh tụ vì quá thiển cận, không nhìn xa trông rộng nên đã trở thành quân cờ thí cho Đế quốc. Ở VN chỉ có một Ngô Đình Nhu của Đệ Nhất Cộng Hòa nhìn ra vấn đề thì lại bị giết hại. Còn tập đoàn Hồ Chí Minh ở Miền Bắc và những chính phủ sau 1-11-1963 ở Miền Nam cứ nhắm mắt tin tưởng vào đàn anh Nga, Tàu, Mỹ nên khi mở mắt ra thì đất nước đói nghèo lạc hậu và đang là miếng mồi ngon cho chủ nghĩa Bá quyền Dân tộc Đại Hán. Nhưng dù thế nào thì người Việt nhất định không thể buông xuôi cho số phận quyết định mà phải đấu tranh. Đó là lý do mà các đoàn thể chính trị bắt đầu hình thành, trong đó có Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm.

Các nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm không phải là hậu thân của Đảng Cần Lao, dù trong đó có nhiều người từng là Đảng viên Cần lao. Trước biến chuyển của tình hình Việt Nam và thế giới, người Việt hải ngoại ý thức rằng, ở xứ tự do, có thể và phải làm những gì mà người dân trong nước không thể làm được. Đó là tiếp tục đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Các Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm tất nhiên cũng nhắm những mục tiêu ấy, nhưng dựa trên tinh thần đấu tranh mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm là tiêu biểu. Vì chính nhờ tinh thần ấy mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đem lại cho Miền Nam một bộ mặt mới, dân chúng được sống trong thanh bình hạnh phúc, khác hẳn không khí tù đày ở Miền Bắc với tập đoàn Cộng sản Hồ Chí Minh.

Có nhiều nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm ở hải ngoại từ Hoa Kỳ, Canada, qua Âu Châu đến Úc Châu. Tại mổi Châu, trong đó có nhiều nước, nhiều thành phố, dân chúng đã tự động ngồi lại với nhau thành lập Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm với mục đích tiên khởi là tỏ lòng biết ơn với vị lãnh tụ sáng lập nền Cộng Hóa Việt Nam bằng việc tổ chức Nghi Lễ Tưởng Niệm trong ngày Giỗ và cầu nguyện cho người cùng các chiến sĩ. Ngoài ra, Nhóm còn phổ biến các tin tức và các tài liệu liên quan đến tình hình Việt Nam đồng thời kêu gọi và khuyến khích giời trẻ dấn thân. Thường các nhóm ngồi lại với nhau trong tình thân hữu và bình đẳng, không ai là lãnh tụ của ai. Có lẽ nổi bật nhất là Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm ở New Orleans do ông Đỗ La Lam khởi xướng. Ông Đỗ La Lam là đảng viên Cần Lao kỳ cựu nhất, từng dự khóa Huấn Luyện đầu tiên của Đảng do ông Ngô Đình Nhu tổ chức tại Đà Lạt năm 1951. Sau khi TT Ngô Đình Diệm về chấp chính 7-7-1954, ông Đỗ La Lam được ông Ngô Đình Nhu chỉ định làm Chủ Nhiệm Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, là cơ quan ngôn luận của Phong Trào Các Mạng Quốc Gia và Đảng Cần Lao. Sau cuộc đảo cháng 1-11-1963, ông bị chính quyền quân nhân bắt giam một thời gian. Sau khi được thả ra, ông làm việc cho Viện Dại Học Minh Đức ở Sài Gòn.  May mắn chạy thoát qua Hoa Kỳ tháng 4/1975 có mang theo được một số tại liệu quý giá của Đệ Nhất Cộng Hòa, ông làm Tổng Thư Ký Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu ở New Orleans, Louisiana và nhờ cơ hội thuận tiện, ông đã cho phát hành Tập San Chính Nghĩa được ba số, ghi lại một số văn kiện quan trọng của nền Đệ Nhất Cộng Hòa và Đảng Cần Lao. Tiếc rằng tuổi gia sức yếu, ông không làm được gì hơn ngoại việc phổ biến tin tức tài liệu và khuyến khích giới trẻ dấn thân. Ông qua đời tại New Orleans, Tiểu Bang Louisiana năm 2010. Tài liệu quan trọng mà người viết đã suy diễn và trình bày chính là Lời Trối Trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu được in trong Tập san Chính Nghĩa số 1 năm 1983. Khi còn ở Louisiana, người viết cũng đã có dịp gặp gỡ ông Đỗ La Lam và trao đổi với ông về một số vấn đề của Đệ Nhất Cộng Hòa và Đảng Cần Lao.

Nhóm thứ hai cũng nổi bật do các ông Cao Xuân Vỹ, nguyễn Tổng Giàm Đốc Thanh Niên, GS Lê Tinh Thông, Cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, nguyên Sĩ Quan Tùy Viên của TT Ngô Đình Diệm và Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Chánh Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn. Nhóm đã có công vận động các Hội Đoàn hằng năm tổ chức Lễ Tưởng Niệm TT Ngô Đình Diệm tại tượng đài Việt - Mỹ ở Quận Cam (Orange County) với sự tham dự đông đảo của các Hội đoàn Quân, Dân, Cán, Chính và đồng bào. Ngoài ra tại nhiều Nhà Thờ và Nhà Chùa cũng tổ chức Lễ Gìỗ cầu nguyện cho Linh hồn TT Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu cùng các chiến hữu đã hy sinh mạng sống vì Tổ Quốc.

Việc làm của Các Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm, đặc biệt là 3 số Tập San Chính Nghĩa do ông Đỗ La Lam soạn thảo và ấn hành đã gây được tiếng vang lớn tại Hải Ngoại. Từ đó, nhiều nơi, những người hiểu biết về Nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã tự động đứng lên lập Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm để sinh hoạt. Đặc biệt, hằng năm, hầu như các nơi trên thế giới có Cộng Đồng người Việt, người ta cũng tự động đứng ra thành lập Ban Tổ Chức Lễ Giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng các Chiến hữu đã hy sinh vì Tổ Quốc đã trở thành một thông lệ và được dư luận tán thưởng nhiệt liệt. Nhờ những sinh hoạt trang trọng và ý nghĩa như vậy mà người ta càng hiểu sâu sắc thêm về hoàn cảnh đau thương của Dân tiộc Việt Nam cùng những công trình mà TT Ngô Đình Diệm và nền Đệ hất Cộng Hòa đã đem lại cho Dân Tộc suốt 9 năm cầm quyền. Thật vậy, sau ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng sản cũng như trước đó, ngay sau khi TT Ngô Đình Diệm bị sát hại, người ta đã nhận ra rằng hành động của Mỹ và bọn tướng lãnh tay sai là một sai lầm vô cùng tệ hại. Cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 do Mỹ chủ trương chẳng có gì là cách mạng mà đó chỉ là cuộc đảo chánh vụng về và thô bạo làm mất uy tín của Mỹ, một siêu cường quốc lãnh đạo Thế giới Tự do, nhưng đã hành xử như một thứ Đế Quốc Thực Dân. Và đó cũng là khởi điểm cho những sai lầm và thất bại không sao tránh khỏi và sửa chữa được dẫn đến cảnh sụp đổ của Miền Nam vào tay Cộng Sản ngày 30-04-1975!  



Cần Lao Nhân Vị còn thích hợp hay không?



Đất nước và Dân tộc bị đặt dưới chế độ độc tàì đảng trị gần bốn chục năm và đang phải đối diện với họa xâm lăng và diệt chủng vì âm mưu bành trướng của chủ nghĩa bá quyền. Thật ra thì từ ngàn xưa, nhân dân đã luôn luôn phải đương đầu họa xâm lược của giặc phương Bắc. Nhưng nhờ tinh thần kiên cường và khôn ngoan của tổ tiên, nên bao lần bị độ hộ, nhân dân ta vẫn có thể vùng lên đánh đuổi kẻ thù để giành lại độc lập. Thời đó là thời của phong kiến, đế quốc thực dân, âm mưu xâm lược chỉ đơn độc từ bên ngoài, việc đánh đuổi chúng đã là vô cùng khó khăn. Nay thì sự thể có khác và nguy hiểm hơn bởi chính chủ thuyết và Đảng Cộng Sản VN đã là thứ giặc ngoại xâm trá hình biến đất nước thành chư hầu cho Đế Quốc Đỏ!  Cho nên việc đối phó thật vô cùng cam go nếu như không vận dụng được sức mạnh vô địch của toàn dân.

Từ thế kỷ trước, Cụ Phan Bội Châu từng cảnh giác đồng bào về ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, và giặc ngoại xâm. Ba thứ giặc đó có liên hệ mất thiết với nhau. Vì ngu dốt không biết làm ăn nên sinh ra đói nghèo lạc hậu. Đói nghèo lạc hậu thì yếu đuối, không đủ sức chống cự nên biến thành miếng mồi ngon cho giặc ngoại xâm thống trị, bóc lột. Thực dân xâm lược bóc lột nên ta lại sinh ra đói nghèo lạc hậu. Đói nghèo lạc hậu và không được mở mang phát triển nên lại yếu đuối không đú sức vùng dậy đánh đuổi ngoại xâm. Cái vòng luẩn quân đó cứ liên tục quay làm cho nước mình chậm tiến. Nếu như không có thế chiến thừ hai xẩy ra thì liệu các nước chậm tiến có sớm thoát khỏi ách nô lệ của thực dân đế quốc không? Rất là khó. Bởi ngay khi thế chiến thứ hai kết thúc, Thực dân Pháp vẫn muốn trở lại thống trị Đông Dương và đất nước ta, không chịu trao trả độc lập sớm nên Việt Nam đã trở thành miếng mồi ngon cho Đế quốc Cộng sản.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chính phủ Ngô Đình Diệm ngay khi chấp chánh đã cảnh giác dân chúng về ba thứ giặc: Thực dân, Phong kiến và Cộng sản với khẩu hiệu “Bài Phong, Đả Thực, Diệt Cộng”. Ba thức giặc bày cũng liên hệ mật thiết với nhau. Phong kiến muốn nhờ Thực dân cứu nguy để quay trở lại. Thực dân sẽ lợi dụng cơ hội trở lại để tiếp tục khai thác bóc lột. Cứ thế, Thực dân và Phong kiến trở thành đối tượng cho giặc Cộng tuyên truyền đánh đuổi để nắm chính quyền. Thực tế là hoạt động của Cộng sản nằm vùng với sư tiếp tay hỗ trợ tử Đế Quốc Đỏ đã gia tăng, cho nên qua Quốc sách Ấp Chiến Lược, chính phủ VNCH lại phải cảnh giác về ba thức giặc mới:  Giặc chia rẽ, Giặc chậm tiến và Giặc Cộng sản. Ba thứ giặc này cũng liên hệ chặt chẽ với nhau như những mắt xích, cái nọ là nguyên nhân phát sinh ra cái kia, cứ thế liên tục, đưa dân tộc vào vực thẳm nô lệ!

Cộng sản luôn hô hào giải phóng người lao động (giải phóng công nông) với khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân Dân làm chủ”. Thực tế, khi Cộng sản nắm chính quyền thì quyền làm chủ của nhân dân đã bị dồn vào bàn tay sắt của Đảng. Nhà nước chỉ là công cụ đàn áp bóc lột và Nhân dân trở thành đầy tớ, nô lệ. Bởi đó, chủ thuyết Cần Lao Nhân Vị là chủ thuyết đấu tranh giành lại quyền làm chủ cho người dân tức là Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Cần Lao Nhân Vị là đem sức lao động làm việc cần mẫn để phục vụ con người. Nói như thế có nghĩa là bất cứ ai đem sức lao động ra để làm việc phục vụ con người với sự chăm chỉ cần mẫn là Cần Lao Nhân Vị đấy. Tuy dù cho họ chưa hiểu hay không hiểu rõ tường tận cụm từ “Cần Lao Nhân Vị” nhưng nếu lòng họ nghĩ và muốn dùng sức lao động đẻ làm việc hầu thăng tiến đời sống con người và chính họ thì cũng là mang trong mình tinh thần Cần Lao Nhân Vị rồi đó. Từ ngữ này đã được cụ Phan Bội Châu xử dụng chớ không phải mới mẻ gì. Vậy thì khi tinh thần Cần Lao Nhân Vị còn đáp ứng nhu cầu đấu tranh của con người thì chúng ta nên hành động theo tinh thần ấy.

Trong lời trối trăng, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu không nói đến Đảng Cần Lao mà chỉ nói đến Lý Thuyết Nhân Vị và đưa lý thuyết Nhân Vị vào Hiến Pháp. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa không còn, Hiến Pháp VNCH cũng bị ngưng thi hành thì công cuộc đấu tranh giành lại chính quyền đề đưa Lý Thuyết Nhân Vị vào Hiến Pháp thay thế chủ thuyết Cộng sản lỗi thời là điều khẩn thiết phải làm. Muốn được như thế thì Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng phải tái tục hoạt động, cần phải được phục hoạt dưới một hình thức nào đó đáp ứng được nhu cầu của tình hình để giải thể chế độ Cộng sản và thực hiện cuộc Cách Mạng Nhân Vị lần thứ hai cho cả nước Việt Nam. Một nhân vật lãnh đạo từng nói: “Thời đại mới, nhu cầu mơí, phương pháp mới”. Tất nhiên phải có nhân sự mới. Cho nên các chiến sĩ Cần Lao Nhân Vị ở trong nước cũng như ở hải ngoại, các nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm ở khắp nơi trên thế giới cùng với các tổ chức chính trị đứng đắn của Khối Người Việt Quốc Gia hãy vững tâm bắt tay mà mạnh dạn đứng lên.

Nhờ tinh thần Nhân Vị, miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa đã thực sự đem lại hạnh phúc tự do cho nhân dân. Cuộc sống của dân chúng Miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa hơn hẳn cuộc sống của dân chúng Miền Bắc. Phong trào dân chủ ở Miền Nam đi trước Miền Bắc cả một thế hệ. Miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa cũng không để mất một tấc đất cho ngoại bang xâm lược cho đến khi bị đồng minh phản bội. Dưới chế độ Cộng Hòa Nhân Vị, nhân dân ấm no, thù sợ bạn nể. Không phải như hôm nay, một Việt Nam thống nhất nhưng đã trờ thành tôi đòi, nô lệ cho ngoại bang. Cả một tập đoàn cung cúc lệ thuộc vào đàn anh Trung Cộng đầy tham vọng và hiểm độc, luôn tìm cách kiềm chế, thôn tính để nuốt trọn quê hương thân yêu cùng Biển Đông, gây xáo trộn cho cả vùng Đông Nam Á. Cho nên muốn thoát ra khỏi nguy cơ này thì phải dẹp chế độ Việt gian Cộng sản. Mà muốn dẹp chế độ Việt gian Cộng Sản phải làm Cách Mạng. Muốn làm Cách Mạng phải có tổ chức Cách Mạng. Nhưng làm thế nào để có tổ chức cách mạng? Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ cho một phương thức: “Không dám nói là anh hùng tạo thời thế. Nhưng những việc làm hữu cơ và quyết tâm đều có thể tạo nên cơ quan.”

Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi chuẩn bị về chấp chánh, từ Paris ngày 5-6-1954, đã gửi điện văn về Việt Nam cho các chiến hữu với lời nhăn nhủ “Hãy dũng cảm và quyết tâm”.

Trước khi cuộc đảo chánh 1-11-1963 xẩy ra, trong một buỗi gặp gỡ với các nhân vật tại Dinh Gia Long, như linh cảm thấy số phận cá nhân mình sẽ như thế nào đó trong tương lai rất gần, TT Ngô Đình Diệm đã nói trong lúc đầy súc cảm: "Tôi tiến, tiến theo tôi; Tôi lùi hãy giết tôi; Tôi chết hãy nối chí tôi". Nay thì TT Ngô Đình Diệm đã bị bọn tay sai CIA sát hại khiến đất nước lâm vào cơn nguy biến tệ hại hơn 50 năm trước. Trong thì dân chúng bị bọn Việt gian Công sản đàn áp bóc lột; ngoài thì bị Bá quyền Trung Cộng lấn dần. Cái chết của TT Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa càng nói lên Con Đường Chính Nghĩa mà nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam đem lại là chính đáng, nó cần phải được phục hoạt và phát huy để đem lại Tự do, Dân Chủ và Nhân quyền cho Việt Nam. Mong rằng các chiên sĩ Cần Lao Nhân Vị và hậu duệ cùng tất cả những ai ôm ấp lý tưởng đấu tranh bảo vệ quyền Tự do và phẩm giá con người sẽ ý thức, ghi nhớ và hành động theo lời trối trăng của ông Cố vấn và lời nhắn nhủ của vị Lãnh tụ anh minh. Đó là cách biểu lộ lòng thương mến và biết ơn tích cực nhất đối với người đã hy sinh mạng sống để bảo tồn nền độc lập và tự chủ của Nhân Dân Việt Nam



Nhân giỗ lần thứ 50 Tổng Thống Ngô Đình Diệm

tưởng niệm 50 Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ.

                  (02/11/1963 – 02/11/2013)

Phạm Quang Trình


Chính Đề Việt Nam hay lời trối trăng sau cùng của Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu (03)

Phạm Quang Trình   

Tính đến nay, năm 2013, thì cuộc đảo chánh lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa với TT Ngô Đình Diệm (1963) đã được 50 năm, đúng một nửa thế kỷ. Bao nhiều tài liệu đã được giải mật. Nhiều tài liệu có giá trị cũng đã được viết ra bởi các nhân chứng có tầm vóc và uy tín. Nhưng đồng thời, xen vào đó, lại cũng có những tài liệu do đối phương và bọn tay sai tung ra nhằm xuyên tạc sự thật lịch sử trong ý đồ biện minh cho những hành động sai trái của chúng. Nhân vật Ngô Đình Nhu là một trong những đề tài được nhiều người đề cập đến.

Một số nhân vật thân cận ông Ngô Đình Nhu nói với người viết rằng: “Ông Nhu chết đi đã mang theo nhiều bí mật lịch sử bởi vì ông là người thâm trầm ít nói, cũng không hay thổ lộ tâm sự với bất cứ ai, kể cả vợ ông là bà Trần Lệ Xuân.” Bí mật lịch sử mà nhân vật này nói đây là những gì? Chuyện bang giao Mỹ-Việt trong giai đoạn căng thẳng 1960-1963 khi Mỹ muốn đưa quân vào Miền Nam trong khi TT Ngô Đình Diệm chỉ yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ vũ khí? Chuyện tình báo VNCH bắt hụt Lê Duẩn? Cuộc nói chuyện với đại diện CSBV tại rừng Tánh Linh, Bình Tuy? Toàn những chuyện khó kiểm chứng! Thực tế, là người làm công việc tham mưu ở thượng tầng Quốc Gia như ông Cố vấn Ngô Đình Nhu quả tình đã khiến đối phương phải kiêng nể. Cho nên khi hay tin TT Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát thì tập đoàn Cộng sản Hà Nội đã thở phào, đến nỗi Hồ Chí Minh phải thốt lên với tên nhà báo Cộng Sản Wilfrid Burchett: “Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế!” (GS. Tôn Thất Thiện, bài viết “Vài chuyện mắt thấy tai nghe: phe CS nghĩ sao về TT Ngô Đình Diệm”, tập san Hội Ái Hữu NVQG Hải Ngoại 2006, trang 97-102).

Trong bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu (Tập San Chính Nghĩa số 1 ngày 03 tháng 01 năm 1983 do ông Đỗ La Lam chủ trương) chỉ đề cập đến những vấn đề nội bộ như Lý Thuyết Nhân Vị, Quốc Sách Ấp Chiến Lược, Phong Trào Thanh Niên Cộng Hòa, vân vân như người viết đã trình bày trong hai phần trước. Những vấn đề đó có lẽ không còn thích hợp cho hiện tình Việt Nam sau 50 năm ngày đảo chánh (1963-2013).  Hiện tình đất nước Việt Nam ra sao? Đó là một nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng Sản Việt Nam thống trị. Một chế độ độc tài, toàn trị và đảng trị, nhưng lại là bầy tôi trung thành của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Một chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, nhưng sau biến cố Đông Âu và Đế quốc Đỏ Liên Sô sụp đổ (1989-1991, tập đoàn Cộng Sản Việt Nam theo gót đàn anh Trung Cộng, đã vội vã xoay qua chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, một thứ đầu Ngô mình Sở nhằm duy trì đặc quyền, đặc lợi.
Trong khi những người còn tha thiết với tiền đồ dân tộc nhất là những chiến sĩ Cần Lao Nhân Vị đang muốn tìm lại những gì của nền Đệ Nhất Cộng Hòa để có thể khai triển và áp dụng được cho Việt Nam trong tình hình mới thì rất may cuốn Chính Đề Việt Nam của tác giả Tùng Phong tức ông Cố vấn Ngô Đình Nhu xuất hiện. Đọc qua cuốn sách này cùng những bài viết liên quan của các chiến hữu, người viết thật sự coi đó những những “Lời Trối Trăng Khẩn Thiết Nhất” hơn là một tài liệu chính trị bình thường mà chưa hề thấy bất cứ một nhân vật nào của Việt Nam từ hai trăm năm nay lại có một cái nhìn sâu sắc về tỉnh hình đất nước như vậy. Nhìn lại Lịch sử, nếu như Nguyễn Trường Tộ và 22 Bản Điều Trần dưới triều vua Tự Đức đã là một sáng kiến táo bạo, một cái nhìn độc đáo về công cuộc Canh Tân xứ sở thời với Chính Đề Việt Nam của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu lại càng làm cho ta ngạc nhiên hơn nữa. Một trăm năm sau, giữa thế kỷ 20, ông Ngô Đình Nhu nhờ có thêm nhiều dữ kiện để nghiên cứu, phân tích một cách bao quát về tình hình thế giới, cách riêng về Việt Nam thông qua những dẫn chứng Lịch sử. Nhờ đó, ông đã rút ra được những kết luận rất khoa học về những gì mà Việt Nam cần phải làm để thoát khỏi họa xâm lược hầu tự tồn. Cho nên, người viết xin mạn phép tiếp tục trình bày phần 3: Chính Đề Việt Nam như Lời Trối Trăng sau cùng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.



Khác với bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 được in trong Tập San Chính Nghĩa chỉ vỏn vẹn cô đọng có 16 hàng, Chính Đề Việt Nam là một tập tài liệu dày trên 500 trang cũng được hoàn tất vào năm 1962, nhưng chưa hề được phổ biến. Hai năm sau, 1964, nhà xuất bản Đồng Nai tại Sài Gòn mới ấn hành bản tiếng Việt dịch từ nguyên bản Pháp ngữ dưới bút hiệu là Tùng Phong, nghĩa là sau cuộc đảo chánh 1-11-1963 lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa do TT Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ngay thời gian đó, cũng rất ít người biết đến tài liệu quý hóa này có lẽ chỉ được phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu, giữa những cán bộ trung thành với chế độ khi chứng kiến hậu quả thê thảm của cuộc đảo chánh 1.11.1963. Đó là những xáo trộn triền miên làm mất chủ quyền quốc gia mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã dày công xây dựng. Ngay sau ngày 30-04-1975, một số đông đồng bào tị nạn tại hải ngoại thuộc các nhóm Tinh Thân Ngô Đình Diệm cũng chưa được biết đến tài liệu quan trọng này, mà phải đợi mãi cho đến năm 1988, khi Nhà xuất bản Hùng Vương ở Los Angeles, Nam Cali tái bản thì những người quan tâm đến vận mạng Dân Tộc và nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới có cơ hội được đọc. Đến năm 2009, tác phẩm được tái bản, và được nhiều cây bút có tầm vóc đọc và giới thiệu qua Tập San của Hộ Ái Hữu NVQG Hải Ngoại ở Nam Cali thì Chính Đề Việt Nam đã trở thành đề tài quan trọng trên các trang mạng tiếng Việt toàn cầu.
Qua Chính Đề Việt Nam, độc giả tinh ý sẽ thấy ngay đó là Lời Trối Trăng vô cùng quan trọng của nhân vật Tùng Phong tức ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, không chỉ cho các chiến hữu mà cho toàn thể con dân nước Việt, nhất là những người luôn quan tâm đến vận mạng Dân Tộc trong tình hình mới. Bởi đó, người viết xin tóm lược những điểm chính của tác phẩm cùng những suy tư liên hệ.

Chính Đề Việt Nam trong lần tái bản 1988 do nxb Hùng Vương ấn hành dày 516 trang, có lẽ là sao chụp (copy) lại bản in đầu tiên năm 1964. Bản in năm 2009 với khổ chữ nhỏ hơn chỉ có 360 trang. (Người viết trích thuật theo bản in năm 1988). Ấn bản 1988, ngoài Lời Nhà Xuất Bản, còn kèm theo thư riêng của ông Phan Xứng đề ngày 16-12-1988 gửi cho các chiến hữu. Trong Lời Nhà Xuất Bản đã ghi rõ: “Nhà xuất bản Hùng Vương hân hạnh giới thiệu quý độc giả cuốn Chính Đề Việt Nam được tái bản lần đầu tiên tại hải ngoại. Tập tài liệu nghiên cứu này do một nhóm chiến sĩ trong bộ phận nghiên cứu chính trị của Đệ Nhất Cộng Hòa soạn thảo để kính tặng chíến sĩ vô danh của Cộng Đồng Quốc Gia Việt Nam. Cuốn sách này đã được xuất bản vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhưng chỉ lưu hành giới hạn trong tầng lớp cán bộ lãnh đạo.”
Đoạn khác viết:
Sách mở đầu bằng lời vắn tắt của một đại văn hào Nhật Bổn, Đức Phù Tô Phong, nói rằng: “Một dân tộc hùng cường là một dân tộc giàu chiến sĩ vô danh”. Phải chăng tác giả muốn ngụ  ý rằng dân tộc Việt Nam cũng là một dân tộc hùng cường vì dân tộc Việt Nam cũng nhiều Chiến Sĩ Vô Danh? Thật đúng vậy, xét trong Lịch sử nước nhà , dầu nước ta đất hẹp dân nghèo, sống sát cạnh những nước khổng lồ, đất rộng dân đông, phía Bắc là Trung Hoa, phía Nam là Ấn Độ, biết bao phen bị xâm lăng mà với chí quật cường của các chiến sĩ vô danh trước khi trở thành anh hùng dân tộc, đã đánh đuổi được kẻ xâm lăng để cứu nước và dựng nước. Những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ v.v… chỉ là những ngọn sóng mà chúng ta trông thấy được. Dưới các ngọn sóng ấy còn âm ỉ một sức mạnh vô song, tuy âm thầm lặng lẽ mà bền bỉ kiên trì để thúc đẩy cho các ngọn sóng lên cao. Chính đó là sức mạnh của các chiễn sĩ vô danh, đó chính là gia tài của dân tộc.
Và sau cùng kết luận: Chúng tôi kỳ vọng khi tái bản cuốn sách nghiên cứ rất công phu này vào sự thành công của các chiến sĩ vô danh của Cộng Đồng Quốc Gia, mà quốc gia gồm tất cả các tầng lớp nhân dân từ cực hữu đến cực tả. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các chiễn sĩ vô danh của Đệ Nhất Cộng Hòa, đừng vì mặc cảm tuổi tác hay hoàn cảnh khắc nghiệt mà bỏ lỡ cơ hội để thực hiện các chương trình lớn lao đã phải bỏ dở dang với cái chết tức tưởi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Nhà Xuất Bản Hùng Vương đặt nhiều kỳ vọng vào các Chiến Sĩ Vô Danh của Cộng Đồng Dân Tộc, cả các bậc tiền bối lẫn các bạn hậu sinh.
Xét như thế thì rõ ràng khi cho xuất bản và tái bản Chính Đề Việt Nam, các Chiến sĩ Vô danh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã mặc nhiên coi đó như là Lời Trối Trăng của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu mà những chiến sĩ vô danh hôm nay và kẻ hậu sinh ngày mai phải ra sức thực hiện cho bằng được ý nguyện gìn giữ độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Tiên để lại.  Để hiểu rõ hơn, người viết xin đi ngay vào nội dung như sau:
Tài liệu gồm 4 phần chính và phần mở đầu có tựa đề là “Bối Cảnh Của Vấn Đề” và phần Kết luận: “Trụ mà không trụ.”
Bốn phần chính gồm có: (01) Nhận định về thế giới; (02) Vị trí của Việt Nam trong khung cảnh vừa trình bày; (03) Điều kiện nội bộ; (04) Một lập trường thích hợp với các nhận xét trên.
Trong bốn phần chính này, tác giả đã phân tích tỉ mỉ và đưa ra những nhận định chính xác các sự kiện lịch sử hầu rút ra bài học cần phải áp dụng cho hoàn cảnh của Việt Nam. Vì tài liệu quá dài không thể ghi lại hết trong một bài viết, nên chúng tôi chỉ xin đề cập đến những điểm quan trọng của tài liệu để độc giả nắm vững nội dung và chủ ý của tác giả.

Chính Đề Việt Nam là gì?

Từ ngữ “chính đề” thường được hiểu là đoạn đầu trong tam đoạn luận: chính đề (thèse), phản đề (antithèse) và hợp đề (synthèse). Nhưng chữ Chính Đề tên của tài liệu này phải được hiểu là vấn đề chính trị, một vấn đề chủ chốt có liên hệ và ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của quốc gia như quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, vân vân. Nội dung tài liệu như đã nói trên đề cập đến bối cảnh lịch sử và tình hình của Việt Nam ít nhất từ thập niên 30 của thế kỷ 19 cho đến thập niên 60 và kế tiếp của thế kỷ 20 (khoảng từ 1830 - 2000) gần 200 năm). 
Thường khi người ta nêu ra một vấn để tức là có nhu cầu cần được giải quyết. Tình hình chính trị Việt Nam từ đầu thế kỷ 18 đến nay quả là một vấn đề lớn, rắc rồi, cẩn phải được giải quyết và tác giả Tùng Phong đặt tên cho tài liệu với 4 chữ Chính Đề Việt Nam (La Question politique du Vietnam) mà ông và nhóm nghiên cứu biên soạn là có ý như vậy.

Tình hình Việt Nam ra sao?

Trong phần II: Vị trí của Việt Nam trong khung cảnh thế giới, tác giả đã nêu ra những đặc điểm sau:
1.- Việt Nam là một nước nhỏ và kém mở mang.
2.- Theo truyền thống văn hóa, Việt Nam thuộc vào xã hội Đông Á.
3.-Việt Nam thuộc vào khối các nước Á châu, vừa thoát khỏi ách Thực dân, Đế quốc.
4.- Việt Nam đang cần phải Tây phương hóa như tất cả các nước không thuộc khối Tây phương để: một là tồn tại, bảo vệ độc lập; hai là để phát triển đời sống kinh tế hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.
Bốn điểm trên đây minh định vị trí của nước chúng ta trong thế giới ngày nay vừa trong lãnh vực địa dư vừa trong lãnh vực tiến hóa chung của nhân loại. Vì vậy cho nên, cùng với những điều kiện nội bộ riêng của Việt Nam mà chúng ta sẽ thấy sau này, các điểm này sẽ chi phối mọi đường lối chính trị của chúng ta trong ít lắm là vài thế kỷ. (CĐVN tr. 67)
Trong chương mở đầu “Bối Cảnh của Vấn đề”, tác giả đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.
Trong suốt phần lịch sử của nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.
Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân tộc Việt Nam.
Để duy trì ách thống trị của mình, các cường quốc xâm lăng thường áp dụng, đối với các dân tộc bị trị nhiều biện pháp, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng chung qui vẫn thuộc hai loại chánh.
Ngăn ngừa không để cho các quyền lợi kinh tế thuộc vào tay người bản xứ.
Kiềm hãm không để cho dân trí phát triển.
Các loại biện pháp thứ nhứt nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các phương tiện vật chất của người bị trị.
Các loại biện pháp thứ hai nhằm mục đích tiêu diệt những người có khả năng xử dụng các phương tiện vật chất trên, nghĩa là các nhà lãnh đạo xứng danh.
Đối với các dân tộc bị trị hai loại biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên, nếu không có phương tiện của mình thì còn có thể tìm phương tiện nơi khác, chớ nếu không có người lãnh đạo, thì dù có phương tiện cũng không xử dụng được.
Vì vậy cho nên, đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất, thì phương pháp hữu hiệu nhứt và điều kiện thiết yếu nhứt để chống lại ngoại xâm là nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.
Trong thực tế, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo có nghĩa là tạo hoàn cảnh thuận lợi để cho cái tinh hoa của tập thể hun đúc nên thiểu số lãnh đạo xứng danh.” (tr.13 - 50).
Nói tóm lại: Việt Nam vẫn là nước đói nghèo và lạc hậu, không phải tử những năm bị Thực dân đô hộ mà còn kéo dài cho đến ngày nay. Thời điểm hoàn tất tài liệu Chính Đề Việt Nam là năm 1962 cho đến nay 2013, đúng nửa thế kỷ, theo đà tiến bộ của thế giới, Việt Nam vẫn là nước đói nghèo và lạc hậu, luôn đứng vào hàng chót từ 170 đến 200 tổng số quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, vào thời điểm 1960, nhiều quốc gia tại vùng Đông Nam Á chỉ bằng hay còn thua kém Việt Nam, vậy mà nay, nhờ họ biết Duy tân, và cải tiến theo chủ trương Tây phương hoá hay hiện đại hóa đã trở thành những Con Rồng Kinh Tế Á Châu như Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan), Singapore (lập quốc 1967), Đại Hàn (South Korea), Hồng Kông.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Việt Nam với bốn ngàn năm Văn hiến lại vẫn là nước đói nghèo, chậm tiến, lạc hậu? 
Tác giả Chính Đề Việt Nam đã cho câu trả lời từ 50 năm trước:
- Việt Nam đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội.
- Chủ nghĩa Cộng Sản và sự thiển cận của nhà cầm quyền Hà Nội. 
Với câu trả lời thứ nhất, tác giả đã trình bày khá tỉ mỉ trong phần 2, xin trích dẫn:
“Trong thời kỳ cường thịnh nhứt của Đế quốc chủ nghĩa, các Quốc gia không thuộc xã hội Tây phương đều bị thống trị trức tiếp hay gián tiếp, bởi hai loại Đế quốc:
1.- Đế quốc kiểu người Anh.
2.- Đế quốc kiểu người Pháp, Hoà Lan và Bỉ.
Chủ trương của người Anh rất rõ rệt. Họ chia các lãnh thổ làm hai loại: loại chiếm đóng di dân và loại chiếm đóng khai thác. Đối với loại chiếm đóng di dân thì họ dồn thiểu số người bản xứ vào một nơi  và dần dần sự tranh sống tự nhiên sẽ đào thải. Kẻ chinh phục chiếm lấy đất đai và lập thành những quốc gia mới như ở Bắc Mỹ và Úc Châu. Nam Mỹ tuy không thuộc người Anh nhưng lại thuộc vào một chủ trương tương tự. 
Đối với loại chiếm đóng khai thác thì chánh sách của Anh lại hoàn toàn trái ngược. Họ rút kinh nghiệm sự chiến bại của họ ở Bắc Mỹ, - lúc người Mỹ hiện nay đánh đuổi người Anh và dành độc lập,- và cho rằng nếu họ không loại được người bản xứ thì sớm muộn gì  họ cũng phải có ngày trả lại độc lập cho dân bản xứ. Quan niệm trên dẫn dắt đến một chánh sách dài hạn. Vì đoán truớc có ngày họ phải ra đi nên, để lưu lại được cảm tình với dân bản xứ, họ đã thật tình đào tạo một lớp người có đủ khả năng để sau nầy thay thế họ. Đây là một đặc điểm căn bản của chủ nghĩa Đế quốc Anh đã được chứng minh là rất khôn ngoan và hiệu quả.
Đế quốc kiểu người Pháp, Hòa Lan và Bỉ ngược lại không rõ rệt giữa hai thái độ trên. Nếu nhiều điều kiện hợp lại không cho phép họ chủ trương chiếm đóng di dân, thì đồng thời họ cũng không nghĩ đến ngày phải trả độc lập lại cho dân bản xứ. Các sự kiện xẩy ra sau thế giới đại chiến thứ hai trong các thuộc địa Anh và trong các thuộc địa Pháp, Hòa Lan và Bỉ, đều bắt nguồn từ sự khác nhau của hai chánh sách nói trên. Bởi vì không nghĩ đến ngày phải rời khỏi thuộc địa nên người Pháp, Bỉ và Hòa Lan không có đào tạo lớp người thay thế họ. Vì vậy cho nên, khác với các cựu thuộc địa Anh, các cựu thuộc địa Pháp, Hòa Lan và Bỉ, sau khi độc lập rồi, đều trải qua nhiều  xáo trộn mãnh liệt, chỉ vì thiếu người có khả năng để thay thế các người ngoại quốc, mà điều khiển guồng máy Quốc Gia. Trên đây là một nhược điểm vô cùng quan trọng mà Việt Nam chúng ta phải mang chịu.”  
Hậu quả là “Nếu sự chúng ta thiếu người lãnh đạo ở trong lĩnh vực chánh trị là do một nguyên nhân không thể tránh được, phát sinh từ sự mâu thuẫn tự nhiên phải có giữa những người muốn chinh phục một Dân Tộc và những người chống lại sự chinh phục đó, thì, trái lạ, sự thiếu người lãnh đạo ở mọi ngành chuyên môn và mọi cấp bực trong guồng máy Quốc Gia lại là hậu quả của mọi chánh sách Đế quốc riêng biệt của người Pháp, Hòa Lan và Bỉ.” (tr. 79-81)
“Thi hành đúng theo chủ nghĩa Đế quốc của họ chủ trương, người Pháp không bao giờ muốn và cũng không bao giờ thực hiện việc đào tạo những người bản xứ có đủ khả năng để làm những công việc mà người Pháp đang làm và để, trong tương lai, thay thế họ.”(tr. 82)
Thiểu số người trước kia đã được người Pháp dùng làm cộng sự viên trong nhiều năm, ngày nay với các kinh nghiệm đã thâu thập được, không thể thay thế người Pháp trong những nhiêm vụ cùng những người này hay sao?
Không thể được, vì:(1) Những kiến thức và kinh nghiệm của họ đều rời rạc và vặt vãnh. Họ không có có tổng hợp… họ không nhìn thấy rừng mà chỉ nhìn thấy từng gốc cây… (2) Người Pháp đã chủ tâm đào luyện, cho những ngườì họ dùng, những kiến thức và khả năng tương xứng với công dụng mà họ đòi hỏi…. những người này lần lần đã tự tạo một tâm lý vô trách  nhiệm. (3) Người Pháp dùng lối quan trường mới nhằm phat sinh ra tệ nạn tham nhũng. Và người Pháp không có lý do gì mà tẩy trừ tình trạng đó, vì chủ trương của họ là để cho nhũng người họ dùng không được lòng dân chúng. Và làm lợi cho dân chúng không phải là mối lo âu của chế độ thực dân.

Trước sự đe dọa xâm chiếm và khai thác của Thực dân Đế Quốc, các nước nhược tiểu tại Đông Á phản ứng ra sao?

Phản ứng của Nhật: Trước hết Dân Tộc Nhật có được cái vận may là trong thời kỳ mà vận mạng của Quốc Gia Nhật, như của các Quốc Gia khác trong xã hội Đông Á, như chỉ mảnh treo chuông, việc mất còn chỉ trong ly tấc, được có một lớp người Lãnh đạo cực kỳ sáng suốt. Họ nhận thấy ngay con đường sáng của Dân Tộc. Những người này trong giai đoạn quyết liệt đã cởi bỏ được cho Quốc Gia tính tự phụ cổ truyền, và có đủ can đảm nhìn các biến cố với con mắt thiết thực. Như vậy nên, trái với các Quốc Gia đồng thuyền khác, khư khư quấn cả mình và đầu một cách mù quáng trong lớp áo kiêu căng. Quốc Gia Nhật ý thức được ba điều tối quan trọng:
1.- Lực lượng xâm lăng hơn hẳn lực lượng kháng chiến Quốc Gia về kỹ thuật tổ chức và kỹ thuật võ trang.
2.- Muốn chống lại nổi lực lượng xâm lăng và lâm thời thắng họ, chỉ có cách duy nhất là chế ngự được kỹ thuật tinh xảo của địch thủ.
3.- Mâu thuẫn nội bộ giữa các cường quốc trong mặt trận xâm lăng của Tây phương là cơ hội duy nhất để bảo vệ nền độc lập và phát triển Dân tộc.
Óc sáng suốt phi thường của những nhà lãnh đạo Nhật Bổn lúc ấy đã cấp thời nhìn ra, ngay khi Dân Tộc gặp phải nguy cơ trên lần đầu tiên, những biện pháp ứng phó duy nhứt có hiệu quả mà như chúng ta đã thấy ở trên, các nhà lãnh đạo Nga đã tìm ra và áp dụng sau nhiều thế kỷ chiến đấu với các cường quốc Tây Âu.
Học kỹ thuật của địch thủ để thăng địch thủ, chế ngự kỹ thuật của địch thủ để thắng địch thủ.
Các sự kiện trên đây là nguồn gốc của cuộc cách mạng duy tân của Nhật  thời Minh Trị. Những kỹ thuật của Tây phương trong mọi lĩnh vực được  phân tách học hỏi và áp dụng triệt để. Nhu cầu cấp thời đã đặt ưu tiên cho lĩnh vực quân sự và chính trị. Lề lối lãnh đạo cổ truyền theo chế độ quân chủ chuyên chế của xã hội Đông Á đã nhường chỗ cho lý thuyết chánh trị của Tây phương. Quân đội tập hợp và võ trang theo thời xưa đã biến thành một quân lực hùng hậu tổ chức võ trang theo Tây phương.
Sau đó các phương pháp sản xuất kinh tế được duy tân. Chuyên viên Tây phương tấp nập, vì quyền lợi cá nhân quyến rũ và nhất là vì mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc chinh phục.
Nhờ sáng suốt, các nhà lãnh đạo Nhật Bổn đã nắm ngay được cơ hội, Một trăm năm sau, một cơ hội tương tự mới trở lại lần thứ nhì cho các Dân Tộc bị chinh phục, như Dân Tộc Việt Nam. Và nhờ nắm được cơ hội ngay lần đó nên họ đã thành công trong công việc đưa Dân Tộc Nhật lên hàng tiến bộ như chúng ta thấy ngày nay.
Nuớc Nhật đã thành công trong công cuộc Tây phương hóa để chống lại người Tây phương. (tr. 91- 93) .

Phản ứng của Trung Hoa và Thái Lan:
Trung Hoa và Thái Lan cũng bị sự tấn công của Tây phương như Nhật Bổn. Nhưng các nhà lãnh đạo lại lựa thái độ thứ hai, như đã nói trên kia, nghĩa là bảo vệ trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Chỉ nhờ mâu thuẫn chính trị giữa cac cường quốc nên hai Quốc Gia trên sau khi chiến bại, không bị chinh phục, và biến làm thuộc địa như Việt Nam. Tuy nhiên, chủ quyền đã sứt mẻ, họ không còn hoàn toàn chủ động con thuyền, không chủ động được công cuộc phát triển. Chính vì ý thức dùng kỹ thuật Tây phương để chống Tây phương và lâm thời thắng Tây phương chưa chín mùi trong não người lãnh đạo nên, cơ hội phát triển đã bỏ lỡ. Các mâu thuẫn chính trị giữa các cường quốc Tây phương một khi đã ngăn cản được sự chinh phục thật sự lãnh thổ của họ, không được lợi dụng để phát triễn Dân Tộc như Nhật.
Vì vậy mà Dân Tộc Trung Hoa và Dân Tộc Thái Lan vẫn nằm trong tình trạnh chậm tiến, cho đến ngày cơ hội thứ hai đưa đến, như ta đã thấy trên kia. Ngày nay Trung Hoa đã nắm được cơ hội thứ hai và đang mạnh bạo phát triển, Tây phương hóa theo kiểu Cộng Sản. Nhưng cho đến ngày giờ này chưa có triệu chứng gì chỉ cho chúng ta thấy rằng Thái Lan đã nắm được cơ hội. (tr. 96-97)

Phản ứng của Việt Nam
Đối với Việt Nam, sự kiện chót này lại cũng không có nữa. Vì vậy mà tình trạng của Việt Nam trong thời kỳ qua và ngay bây giờ còn trầm trọng hơn tình trạng của Trung Hoa và của Thái Lan nhiều.
Sau cuộc chiến bại, nước Việt Nam bị chiếm làm thuộc địa. Chủ quyền bị mất hẳn, việc lèo lái con thuyền của chúng ta không còn ở trong tay chúng ta nữa. Và sự kiện ấy đã xẩy ra, vì, trong một giai đoạn quyết liệt của lịch sử Dân Tộc, chúng ta đã gặp phải một lớp người lãnh đạo thiếu sáng suốt và thiếu thiết thực, kiêu căng và không thức thời, không chịu phóng tầm mắt mà nhìn vào vấn đề thiết thực của Dân Tộc, tự giam hãm trí óc trong những quan niệm chật hẹp về quyền bính và triều đại.
Những khuyết điểm đó đã dẫn đến sự lỡ cơ hội phát triển cho Dân Tộc lần thứ nhất. Hơn thế nữa, việc lỡ cơ hội đối với chúng ta khốc hại bội phần hơn là đối với Trung Hoa và Thái Lan. Trong một trăm năm lệ thuộc, xã hội của chúng ta tan rã và công cuộc lãnh đạo Quốc Gia đã bị đứt đoạn. Dầu nhà Nguyễn có công khai thác đất đai rộng lớn gấp mấy lần phần đất mà Nguyễn Triều lúc nào cũng lấy làm tự hào đã góp phần vào di sản Quốc Gia, thì họ cũng không bù đắp được lỗi lầm về lãnh đạo trong một giai đoạn quyết liệt của Dân Tộc như chúng ta đã thấy trên đây.
Xã hội Nhật Bổn khi gặp hoàn cảnh đó, đã may mắn được đặt dưới sự lãnh đạo của một lớp người vừa cực kỳ sáng suốt, vừa đủ chủ quyền và thừa phương tiện để nắm vững con thuyền Quốc Gia.
Trai lại, Dân Tộc chúng ta, trong cơn bão tố lại không người lèo lái. Lớp người lãnh đạo trước đã biến mất trong cơn chiến bại. Các lớp người kế tiếp kẻ bị kẻ chinh phục tiêu diệt. Trong khi đó, theo chân người chiến thắng, văn minh mới ồ ạt đưa đến gây ra một cuộc duy tân hỗn độn, không lề lối, không mục đích. Những giá trị cổ truyền cùng với sư chiến bại của Dân Tộc bị phá sản và khinh miệt. Trong khi đó, những giá trị tiêu chuẩn mới chưa có, xã hội không giá trị như con thuyền trôi giạt, không phương hướng và không sinh lực.
Tình trạng này là nguyên nhân duy nhất cho tất cả các quái tượng đã hiện ra trong suốt thời gian gần một tram năm, mà chúng ta, khi nhìn thấy, phải vừa đau đớn, vừa tủi nhục. Xã hội chia làm hai khối: một bên cố gắng bảo vệ lấy giá trị cổ truyền đã chết thành thây ma, một bên duy tân nhưng không biết duy tân để làm gì, và cũng không biết duy tân theo hướng nào, chỉ bắt chước cử chỉ như khi và lời nói như sáo. Hai bên tân, cựu khinh miệt nhau, thật là một hiện tượng rõ rệt của một xã hội đang tan rã. (tr. 100)
Tình trạng càng trở nên bi thảm khi chính phủ “mới”, với sự ủng hộ của kẻ xâm lăng đã thắng thế phái“cũ”. Các giá trị tuy đã chết như như cây khô vì không người vun tưới, nhưng đó là những tiêu chuẩn giá trị thật, có thời đã tạo được những thế hệ người gồm nhiều đức tính cao cả. Với sự sụp đổ của những giá trị đó, tiết tháo và tính khí của người xưa cũng mất luôn. Lớp người mới, lại không biết duy tân để làm gì ngoài sự hưởng thụ vật chất, không có sáng tạo, không có những biểu lộ chứng minh cho sinh lực của một xã hội. Có lẽ không bao giờ Dân Tộc chúng ta đã xuống đến thấp như vậy và chưa bao giờ chúng ta đến gần hố diệt vong như vậy. Ngược lại, chính vì đã vượt qua được những bước tuyệt vọng như vậy, mà chúng ta lại càng tin tưởng vào sinh khí của Dân Tộc.
Hậu quả tai hại nhất mà thời kỳ Tây thuộc đã để lại cho chúng ta là sự tan rã của xã hội Việt Nam. Cũng như chủ nghĩa đế quốc kiểu Pháp đã để lại cho chúng ta một hậu quả tai hại không kém: lớp người tai mắt trong xã hội thời Pháp không thể nào dùng vào các nhiệm vụ lãnh đạo được. (tr. 101)
So sánh, như trên đây, trường hợp của Nhật và Trung Hoa với trường hợp của chúng ta, chúng ta mới ý thức sung mãn tính cách vô cùng trầm trọng của tình trạng nguy ngập mà chúng ta đang lâm vào. Tất cả ba Dân Tộc đều ở trong xã hội Đông Á, cùng một văn minh, cùng một giá trị truyền  thống, đã cùng, trong một lúc, phải một nguy cơ chung.

Nhưng Dân Tộc Nhật đã phản ứng kịp thời, chiến thắng, bảo toàn độc lập, giữ nguyên chủ quyền, nắm được ngay cơ hội thứ nhất để phát triển Dân Tộc. Sự lãnh đạo Quốc Gia không bị gián đoạn, công cuộc duy tân  được hướng dẫn và các giá trị tiêu chuẩn truyền thống không bị phá sản. Nhờ vậy nên xã hội Nhật vẫn tiến liên tục, chế ngự được các chấn động do những giá trị ngoại lai gây nên sau khi xâm nhập vào trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Xã hội Nhật chỉ có bị bắt buộc phải bỏ trạng thái điều hóa cũ để tìm một trạng thái điều hòa mới.

Dân Tộc Trung Hoa không phản ứng kịp thời, chiến bại, độc lập được bảo tổn không phải nhờ ở nỗ lực chủ động mà nhờ ở ngoại cảnh…. Ngày nay Trung Hoa đã nắm được cơ hội thứ hai và đang dốc hết nỗ lực của Dân Tộc để thực hiện công cuộc phát triển và duy tân mà Nhật đã làm xong….

Dân Tộc Việt Nam không phản ứng kịp thời, chiến bại, độc lập bị mất, nước nhà biến thành  thuộc địa, chủ quyền hoàn toàn mất, chẳng những không nắm được cơ hội thứ nhất để phát triển Dân Tộc, lại hoàn toàn bất lực đối với một công cuộc duy tân bắt buộc, không hướng dẫn và hỗn độn. Các giá trị truyền thống bị phá sản. Hoàn toàn bất lực trước các cuộc chấn động do những giá trị ngoại lai gây nên sau khi xâm nhập vào trạng thái điều hòa của nền văn minh cũ. Vì không gặp trở lực nên các cuộc chấn động mặc tình hoành hành phá hoại xã hội đến tan rã. Sự hoàn toàn mất chủ quyền lại gây sự gián đoạn trong việc lãnh đạo Quốc Gia. Ngày nay chưa có gì bảo đảm là chúng ta đã nắm được cơ hội thứ hai để thực hiện công cuộc phát triển Dân Tộc. Giả sử chúng ta có nắm được thì công cuộc phát triển  và duy tân sẽ thực hiện từ một xã hội đã tan rã và với sự lãnh đạo Quốc Gia đã bị gián đoạn. (tr. 103)
Với những đoạn được trích dẫn nêu trên từ Chính Để Việt Nam, xin nhắc lại hai cơ hội đó:
 (1) Cơ hội thứ nhất là khi đế quốc thực dân xâm lược các nước Đông Á, trong đó thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam từ đầu thế kỷ 19.
(2) Cơ hội thứ hai là Cuộc Chiến Tranh Lạnh kế tiếp sau sau thế Chiến thứ 2 (1939-1945) giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản. Thay vì lợi dụng và khai thác những mâu thuẫn và tranh chấp quốc tế giữa hai Khối để phát triển và duy tân hầu nắm bắt được cơ hội này, thì Việt Nam lại lâm vào cuộc chiến Quốc-Cộng mà thủ phạm là Cộng Sản Hà Nội.

Chủ nghĩa Cộng Sản và tham vọng của Đế Quốc Đỏ Nga Hoa

Chũ nghĩa Cộng Sản xuất hiện từ Tây Âu nhưng đã bị Tây Âu đào thải sớm vì họ đã sớm biết duy tân, phát triển nên chủ nghĩa Cộng Sản không có cơ bén rễ.  Ngược lại nó đã được nước Nga (Lenin, Stalin) ở phía Đông và Trung Hoa (Mao Trạch Đông) ở Á Châu lợi dụng, coi như một khí cụ, một phương tiện tranh đấu nhằm quy tụ các nước chậm tiến Á Phi và Châu Mỹ La tinh làm thành đồng minh của họ đối địch lại với Tây Phương. Ông Nhu đã nhìn thấy rõ thâm ý và chủ đích của họ:
Nhưng chúng ta cũng còn nhớ rằng Nga Sô sở dĩ liên kết với các thuộc địa của Tây phương là bởi vì Nga Sô cần có đồng minh trong công cuộc chiến đấu trường kỳ và vĩ đại với Tây phương, mà mục đích trước hết và trên hết, là phát triển dân tộc Nga. Tính cách thiêng liêng giữa các đồng chí của lý tưởng cách mạng xã hội thế giới chỉ là một tín hiệu tập hợp qui tụ kẻ thù của Tây phương vào một mặt trận phục vụ một chiến lược tranh đấu của dân tộc Nga. Ngày nay, mục đích phát triển của Nga đã đạt. Sự thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của Nga Sô bằng những giá trị tiêu chuẩn, di sản của văn minh nhân loại, như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên, là một bằng cớ hùng biện nhất, soi sáng lập trường của Nga. Trung Cộng tố cáo Nga phản bội chủ nghĩa Các-Mác Lê-Nin vì những sự kiện trên. Trung Cộng lại muốn thay thế Nga, nhân danh chủ nghĩa Các-Mác Lê Nin hô hào qui tụ các nước kém mở mang, để phục vụ công cuộc phát triển cho dân tộc Trung Hoa. Ngày nào mục đích phát triển đã đạt, thì cuộc đồng minh mới này do Trung Cộng đề xướng cũng không còn hiệu lực đối với Trung Cộng, cũng như cuộc đồng minh trước đây do Nga đề xướng, ngày nay, không còn hiệu lực đối với Nga. Và mục đích cuối cùng của cuộc tranh đấu vẫn là mục đích dân tộc.
 Nhiều nhà lãnh đạo Á Đông mà quốc gia cũng đã bị Đế quốc thống trị, đã đủ sáng suốt để nhìn thấu thâm ý chiến lược của Nga Sô. Gandhi và Nehru, từ chối sự đồng minh với Cộng Sản vì lý do trên. (tr. 285) 
Nói khác đi, cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều lấy chủ nghĩa Dân Tộc làm chính nhằm phuc vu cho quyền lợi của họ. Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là cái vỏ để tuyên truyền thực hiện mục đích của Dân tộc Đại Nga, Dân Tộc Đại Hán mà thôi.
Hãy cứ xem cách hành xử của Nga Sô và Trung Công, hai đàn anh lớn của khối Cộng Sản. Hô hào đoàn kết giải phóng các Dân tộc nhược tiêu, nhưng một khi các nước này nhẹ dạ nghe theo lời dụ dỗ của họ rồi thì họ biến các nước này thành những chư hầu, không hơn không kém. Thực chất Cộng Sản cũng chỉ là thứ Đế Quốc thực dân mới. Hãy nhìn lại các nước ở Đông Âu thì rõ. Lợi dụng Thế chiến thứ 2 (1939-1945), Stalin đã đem quân tấn chiếm Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Bảo Gia Lợi, Lỗ Ma ni, An Ba ni… và đã biến các nước  này thành chư hầu của Nga. Nuớc nào có âm mưu giành lại độc lập là bị Nga Sô đem xe tăng đến dẹp tan ngay lập tức. Trường hợp Hung Gia Lợi (ngày 4-11-1956, Nga Sô đã đưa 150 ngàn quân, 2500 xe Tanks sang dẹp cuộc nổi dậy tại thủ đô Budapest, khiến trên 20 ngàn người bị giết) và Tiệp Khắc (The Prague Spring of 1968) là điển hình nhất. Chỉ riêng có Nam Tư là có cơ may tách rời khỏi ảnh hưởng của Nga Sô do sự cương quyết của Tổng Thống Titô được dư luận quốc tế ủng hộ. Ở Á Châu thì không cần nhìn đâu xa, hãy coi liên hệ giữa Trung Cộng với Cộng Sản Bắc Việt và Bắc Hàn thì đủ rõ. Đó là liên hệ giữa Thiên Triều thời phong kiến và Chư hầu. Thiên triều phán gì là Chư hầu tuân theo răm rắp. Đàn anh Trung Cộng coi Việt Cộng và Hàn Cộng như những công cụ xâm lăng các nước Đông Nam Á. Hai cuộc chiến tại Cao Ly và Việt Nam đã nói lên vai trò chỉ đạo của Trung Cộng. Nay thì trong tình hình mới, Trung Cộng lại biến Việt Cộng và Hàn Cộng thành những con chó gác cửa, giúp xong rồi là muốn nuốt trửng luôn!  Đúng như vậy, sau cuộc chiến mà đàn anh Trung Cộng đã giúp công, giúp của, giúp người cho Cộng Sản Bắc Việt tấn chiếm Miền Nam thì nay đến lượt CSVN phải trả đàn anh Trung Cộng bằng một món nợ khổng lồ là tự nguyện dâng đất dâng biển cho quan thầy. Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, 90 phần 100 Vịnh Bắc Việt và một giải đất dài chạy dọc theo biên giới Việt-Hoa, trong đó có thác Bản Giốc đã biến thành lãnh thổ của Trung Cộng!  Nhân dân cả nước lên tiếng phản đối, chống lại thái độ và hành động ngang ngược xâm lăng của Trung Cộng thì Việt Cộng lại dùng Công an đàn áp.

Tham vọng của Trung Cộng qua gọng kìm Hán Tộc!

Năm 1958, lần đầu tiên Trung Cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Cộng Sản Hà Nội qua văn thư của của Phạm Văn Đồng (15-09-1958) đã công khai thừa nhận, khiến người ta đã phải đặt ra nhiều câu hỏi. Tuy vậy, Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó còn nằm trong vòng kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa thời TT Ngô Đình Diệm theo Hiệp Định Genève 1954 nên cũng không có sự e ngại nào. Vả lại, cuộc chiến chống Cộng của Việt Nam Cộng Hoà đang được Hoa Kỳ yểm trợ tích cực với Hạm Đội số 7 ở ngoài khơi Thái Bình Dương cùng Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) nên Trung Cộng mới chỉ đánh võ miệng chớ không dám hung hăng như sau này. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ 1963 và Hoa Kỳ đã ngầm để cho Trung Cộng xâm chiến Hoàng Sa 1974 mà không có phản ứng gì. Vẫn chưa hết, năm 1988, khi Việt Nam đã hoàn toàn bị đặt dưới ách thống trị của Cộng Sản Hà Nội, thì Trung Cộng lại đưa quân tiến chiếm cả Trường Sa. Ngày 6 tháng 5 năm 2009, Trung Cộng ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò chạy suốt từ đảo Hải Nam xuống tận Brunei và Malaysia, tuyên bố biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc. Cùng ngày đó, Trung Cộng trình tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trên Biển Đông lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc khiến Malaysia, Cộng Sản Việt Nam, và sau đó Indonesia phản đối, bác bỏ. Nhưng dù có phản đối, Trung Cộng cứ ngang ngược lấn chiếm, bằng cách cho tàu bè ra đánh cá, cho đấu thầu khai thác dầu lửa. Bất cứ tàu bè đánh cá nào của ngư dân Việt Nam hay của nước khác đi vào khu vực Biển Đông là bị tầu của Trung Cộng đuổi bắt. Trung Cộng còn ngang nhiên lập khu Hành Chánh Tam Sa bất kể sự phản đối của VN và các nước trong vùng. Những hành động xâm lược ngang ngược của Trung Cộng tại Biển Đông từ hơn chục năm nay đã cho thấy tham vọng bá quyền của Tàu Cộng từ ngàn xưa cho đến nay vẫn không bao giờ thay đổi. Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu trong Chính Đề Việt Nam đã lược thuật lại tham vọng của Tàu đồng thời nói lên mối đe dọa thường xuyên đó đối với Việt Nam như sau:

Trong lịch sử bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, các biến cố xảy ra đều do hai tâm lý đối chọi nhau. Từ năm 972, sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu hồi phần đất mà Trung Hoa xem như là của họ. Bên kia, Việt Nam lúc nào cũng nỗ lực mang xương máu ra để bảo vệ nền độc lập của mình. Tất cả các sự kiện, xảy ra giữa hai quốc gia, đều do sự khác nhau của hai quan niệm trên. 
Ngay năm 981, nghĩa là vừa ba năm sau khi đã nhìn nhận độc lập của Việt Nam, Tống triều thừa lúc nội chính Việt Nam có biến, vì Đinh Tiên Hoàng vừa mất, và sự kế vị không giải quyết được, gởi sang Việt Nam hai đạo quân, do đường thủy  và đường bộ, để đặt lại nền thống trị của Trung Hoa. 
Ý cố định của Trung Hoa là đặt lại nền thống trị và không lúc nào Trung Hoa thỏa mãn với sự thần phục và triều cống của chúng ta. Ngay những lúc mà quân đội chúng ta hùng cường nhất, và chiến thắng quân đội Trung Hoa, thì các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng khôn ngoan, tìm cách thỏa thuận với Trung Hoa và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng, điều mà Trung Hoa muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống. Trung Hoa, suốt gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất. 
Trong 900 năm, từ năm 939 đến năm 1840, khi Tây phương tấn công vào xã hội Đông Á làm cho những mâu thuẫn, nội bộ của xã hội này, tạm ngưng hoạt động, Trung Hoa đã bảy lần toan chiếm lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần nhà Thanh. Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách này do một điều kiện địa dư và kinh tế ấn định: lưu vực sông Hồng Hà là đướng thoát ra biển thiên nhiên của các tỉnh Tây Nam của Trung Hoa, và ngược lại cũng là con đường xâm nhập cho các đạo quân chinh phục vào nội địa Trung Hoa. Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần. Cũng chỉ vì lý do này mà, năm 1883, Lý Hồng Chương, thừa lúc Tự Đức cầu viện để chống Pháp, đã, thay vì gởi quân sang giúp một nước cùng một văn hóa để chống ngoại xâm, và thay vì cứu viện một thuộc quốc mà Trung Hoa đáng lý ra có nhiệm vụ bảo vệ, lại thương thuyết một kế hoạch chia cắt Việt Nam với Pháp, Trung Hoa dành cho mình các phần đất gồm các vùng bao bọc lưu vực sông Hồng Hà để lấy đường ra biển. Và ngay Chính phủ Tưởng Giới Thạch năm 1945, dành phần giải giới quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở lên phía Bắc, cũng vì lý do trên. 
Xem thế đủ biết rằng, đối với dân tộc chúng ta họa xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên. Do đó, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh,Thanh là một đe dọa truyền kiếp. (tr. 236)
Nhìn vào con đường thực hiện chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh hiện nay, người ta thấy Việt Nam đã nằm lọt vào trong cái “Gọng kìm Hán Tộc”. Gọng kìm đó có hai càng:
(01) Một càng là đường lưỡi bỏ ngoài Biển Đông để ngăn chặn không cho Việt Nam tự do thông ra hành lang cửa biển của mình.
(02) Một càng đi từ phía trong và chia ra nhiều ngách. Ngách thì đâm vào cao nguyên để khai thác Bô Xít. Ngách thì đâm qua biên giới Việt - Hoa bằng cái chiêu bài kinh tế: một vòng đai hai hành lang, tuồn đồ lậu vào VN, được ưu tiên trúng thầu thực hiện các dự án xây dựng điện lực, kỹ nghệ mà nhân công toàn là Tầu, được phép thuê mướn đất dài hạn (50 năm) để trồng cây kỹ nghệ, được phép cưới vợ Việt và ăn ở đi lại tự do như người Việt. Tóm lại cái càng thứ hai này vô hình, đa dạng và nhiều ngóc ngách, rất nguy hiểm.
Cái gọng kìm Hán Tộc đó đã bao quanh lãnh thổ Việt Nam và kiềm chế Việt Nam đi vào quỹ đạo nô lệ Tầu một cách nhẹ nhàng từ từ, nhưng khó cưỡng lại được. Đó là thủ đoạn xâm lược kiểu mới đầy nham hiểm không cần súng đạn ồn ào nhưng gậm nhấm từ từ để biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc.

Cộng Sản Việt Nam: thủ phạm rước giặc vào nhà

Qua những đoạn trích dẫn trên, ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã cho thấy: Việt Nam luôn luôn phải đối đầu với giặc ngoại xâm, nhất là giặc phương Bắc.
Xem thế đủ biết rằng, đối với dân tộc chúng ta, họa xâm lăng là một mối đe dọa thường xuyên. Do đó, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp. (tr. 236).
Cái nguy không phải là giặc từ ngoài xông vào mà từ trong lại ra tay đón rước do sự thiển cận, ngu muội và mù quáng của tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh.
Trước hết, Hồ Chí Minh cùng đồng đảng, trong cái gọi là huyền thoại tìm đường cứu nước, thay vì học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu các phương thức đấu tranh hầu tìm một phương thức tốt nhất và thích hợp nhất cho Dân Tộc, lại nhắm mắt lao mình vào âm mưu của Cộng Sản Quốc Tế. Khuyết điểm này do ngu muội mà ra. Hãy coi lại tất cả những người tiên phong của CSVN từ Hồ Chí Minh đến các tên trong bộ phận lãnh đạo, tức là Bộ Chính Trị thì có tên nào là có trình độ trí thức tối thiểu đâu. Toàn là một lũ vô học, ngoại trừ Võ Nguyên Giáp tuy có học đến bậc Đại Học, nhưng tri thức còn rất giới hạn, vì không được đi đến đâu để có cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt và khách quan. Giặc dốt đã nằm sẵn trong lòng tập đoàn CSVN, cho nên họ không nhìn ra được những sự thật khách quan: (01) Chủ nghĩa Mác là một sai lầm tệ hại, phi nhân và phi dân tộc; (02) Ý đồ của Cộng Sản Quốc Tế (Nga Sô và Trung Cộng) trong việc sử dụng chủ nghĩa Mác như một công cụ để thực hiện phát triển và bành trướng chủ nghĩa Dân tộc bá quyền. Kết quả, Cộng Sản Việt Nam trở thành chư hầu cho Đế Quốc Đỏ. Và vì đối đấu với Tây Phương mà cụ thể là thực dân Pháp nên Cộng Sản và thực dân đã đưa đẩy Việt Nam đến sự phân chia lãnh thổ. Ông Nhu đã nhận định như sau:

“Chúng ta chưa có một tài liệu hay một triệu chứng nào chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc hiện nay đã nhận thức các điều kiện trên. Ngược lại, các thư lại chính trị của miền Bắc còn đang ca tụng như là những chân lý những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ. Như thế thì có lẽ dân tộc chúng ta còn phải bất hạnh mục kích các nhà lãnh đạo miền Bắc của chúng ta tôn thờ như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Sô và Trung Cộng chỉ dùng làm một phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải khi mục đích phát triển đã đạt.
 Như thế thì, giả sử mà người Pháp có thật sự thi hành một chính sách trả thuộc địa, như người Anh, đối với Việt Nam, thì các nhà lãnh đạo miền Bắc cũng chưa chắc đã đưa chúng ta ra được ngoài vòng chi phối trực tiếp của hai khối để khai thác mâu thuẫn mà phát triển dân tộc. 
Trong hoàn cảnh mà cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối nặng nề hành động chính trị của các quốc gia nhỏ, lập trường Cộng Sản, lệ thuộc Trung Cộng, của các nhà lãnh đạo miền Bắc, đương nhiên gây phản ứng của Tây phương và sự phân chia lãnh thổ cũng không tránh được. 
Như vậy, tư cách Cộng Sản của các nhà lãnh đạo miền Bắc là một điều kiện thuận lợi giúp cho người Pháp thi hành những toan tính chính trị của họ ở Việt Nam. Và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng là một nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam, trong khung cảnh chính trị của thế giới, sau Đại chiến thứ hai, do sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối.
Tóm lại nguyên nhân sâu xa của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam ngày nay là chính sách thuộc địa của Pháp và lập trường Cộng Sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng của các nhà lãnh đạo miền Bắc.(tr. 288)
Trong thực tế, sự phân chia đã nảy mầm khi hai quốc gia Tây phương Anh và Mỹ, để dọn đường cho một giải pháp chấm dứt sự bế tắc của Pháp ở Việt Nam, nhìn nhận và bắt đầu viện trợ cho quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, viện trợ quân sự và kinh tế đều qua tay chính phủ Pháp. Và một phần lớn, đã được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp trong công cuộc tái thiết nước Pháp đã bị chiến tranh tàn phá. Thời gian qua, xét kỹ thì thời kỳ này lại là thời kỳ mà những thủ đoạn chính trị của Pháp ở xứ này mang đến nhiều kết quả nhất. 
Bên khối Cộng Sản, Nga và Trung Cộng cũng nhìn nhận Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam và cũng bắt đầu viện trợ. 
Từ đây, chiến cuộc Việt Nam, biến thành một chiến trường quân sự và địa phương của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Những mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương mà, đúng lý ra, phải được dùng để phát triển dân tộc, lại trở thành những khí giới gieo rắc sự chết cho toàn dân. Những yếu tố của một cơ hội phát triển đã biến thành những khí cụ của một tai họa. 
Đồng thời, điều này vô cùng quan trọng cho chúng ta, sự chi phối của Trung Hoa, và sau lưng sự chi phối, sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa, mà chúng ta đã biết là vô cùng nặng nề, một cách liên tục, cho chúng ta trong hơn tám trăm năm, tạm thời đình chỉ trong gần một thế kỷ Pháp thuộc, đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới các hình thức viện trợ và cố vấn quân sự cho quân đội của Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam. 
Chúng ta thừa hiểu rằng sự phát triển của Tàu, là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh hiện nay của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, cũng như sự phát triển của Nga là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh trước đây của các nhà lãnh đạo Nga. (tr. 289)

Vì tin vào chủ nghĩa Mác một cách mù quáng và tự nguyện biến thành chư hầu và công cụ xâm lược cho Nga Sô và Trung Cộng ở Đông Nam Á nên Cộng Sản Việt Nam đã đi từ những sai lầm này đến những sai lầm khác. Lỗi lầm nghiêm trọng hơn nữa là quyết định dùng võ lực để thôn tính miền Nam, dẫn tới việc trực tiếp đụng độ quân sự với Hoa Kỳ, khiến miền Bắc đã khánh tận và kệt quệ. Suốt cuộc chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) mà Cộng Sản Hà Nội là thủ phạm, biết bao sinh mạng, tài sản và cơ hội của đất nước phải hy sinh. Hàng chục triệu người đã ngã gục cho các mục tiêu hết sức là ngu xuẩn của Hà Nội: chiến tranh, cải cách ruộng đất, tù tội, đấu tố, vượt biên, vân vân. Tất cả bị thúc đẩy do sự đạo diễn của quan thầy Trung Cộng và Nga Sô. Nhưng đó lại là cơ hội tốt tạo điều kiện thuận lợi cho ý đồ xâm lăng Việt Nam của Trung Cộng khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, mặc cho Trung Cộng tự do tung hoành ở Đông Nam Á. Ngày nay, sau 38 năm tấn chiếm Miền Nam, Hà Nội đã biến VN thành một nhà tù vĩ đại, tiếp tục đói nghèo lạc hậu, vẫn tiếp tục làm tay sai và nô lệ cho quan thầy Trung Cộng. Thật vậy, từ trong nước cho đến hải ngoại, người dân khắp nơi đã nhìn thấy ách nô lệ Trung Cộng đang đè nặng trên thân phận đất nước mà 50 năm trước ông Ngô Đình Nhu đã tiên báo:

Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta. 
Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc. 
Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian. 
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô. 
Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách trống trị một lần nữa. (tr.302) 

Hậu quả khi Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản

Những tiên đoán về tương lai Việt Nam của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã trở thành sự thật khi Mỹ âm mưu mua chuộc bọn tướng lãnh đâm thuê chém mướn thực hiện cuộc Đảo chánh 1-11-1963, giết hại TT Ngô Đình Diệm và CV Ngô Đình Nhu. Hậu quả tức khắc là Miền Nam rơi vào vũng lầy đầy xáo trộn không sao thoát ra được. Vì nhóm lãnh đạo mới chỉ là những tên tay sai vai u thịt bắp, mải lo ăn chơi, vơ vét tiền của nên Đảo chính, Chỉnh lý xẩy ra như cơm bữa suốt hai năm trời (1963-1965) khiến Mỹ phải vội vàng đổ vào nửa triệu quân cũng không sao cứu vãn được tình hình. Mười hai năm sau (1975) thì Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành miếng mồi ngon cho Cộng Sản khi Mỹ rút quân, chấm dứt sự hiện diện ở Miền Nam. Ngày 30-04-1975, chế độ Cộng Hòa đã cáo chung, cả nước bị đặt dưới ách thống trị của tập đoàn Cộng Sản Hà Nội.
Ngày 30-04-1975 được Cộng Sản Hà Nội huênh hoang là ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, nhưng thật sự đã thống nhất chưa? Tuy Nam Bắc thống nhất dưới sự cai trị của một Chánh quyền, nhưng nhìn vào cuộc sống nhân dân hai Miền thì rõ ràng là chưa thống nhất. Nó chỉ thống nhất trên giấy tờ, trên đất đai còn thực chất, chưa lúc nào nhân tâm ly tán như lúc này, cũng chưa lúc nào đạo lý Dân Tộc lại suy đồi tệ hại như lúc này! Rõ ràng nếp sống Văn Hóa hai Miền con cách biệt. Một Nhà Nước luôn miệng đề cao Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc vậy mà người dân cứ vẫn đói khổ, qụy lụy đàn anh Trung Cộng, phải đi ăn mày ăn xin. Hàng trăm ngàn thiếu nữ từ quê lên tỉnh sẵn sàng bỏ nước ra đi làm vợ hờ tập thể cho ngoại nhân thì đất nước này còn gì là “Văn hiến chi bang”!
Trước nguy cơ xâm lược “gậm nhấm” hiện nay của Trung Cộng đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ trên biển, trên đất liền dưới đủ mọi hình thức trong cái gọi là  “Gọng Kìm Hán Tộc”, thì người dân quan tâm đến vận mệnh đất nước sao khỏi yên lòng?  Nếu các tầng lớp nhân dân suốt từ Nam chí Bắc, và nhất là giới thanh niên trẻ trung nhiệt tình yêu quê hương phải lên tiếng thì đó phải là dấu chỉ đáng mừng, nhưng tại sao nhà cầm quyền Cộng sản lại dùng bạo lực đàn áp dã man và quy chụp cho tội “Lợi dùng quyền tự do dân chủ” ghi nơi điều 258 Bộ Luật Hình Sự? Việc sử dụng bạo lực đàn áp, kết tội, bỏ tù người dân yêu nước của CSVN thật không có gì giải thích cho đúng hơn là hành động làm tay sai cho kẻ thù phương Bắc. Rõ ràng là lời tiên báo và cảnh cáo của ông CV Ngô Đình Nhu “Sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc…” đã ứng nghiệm, thành sự thật!  (tr. 302)
Nhìn vào cách hành sử của Cộng Sản Việt Nam đối với Trung Cộng hiện nay chúng ta thấy nó rập khuôn y hệt như chính sách ngoại giao thiển cận của Nhà Nguyễn đối với thực dân Pháp hồi đầu thế kỷ thứ 19. Đó là chính sách ngoại giao mà ông Cố vấn Ngô Đình Nhu gọi là nặng “tâm lý thuộc quốc” trong lịch sử Dân Tộc bắt nguồn từ sự sùng bái văn hóa Khổng Mạnh đã tạo ra biết bao di hại. Ông viết như sau:
Họa xâm lăng đe dọa dân tộc chúng ta đến nỗi, trong suốt một ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc. 
Hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ tìm cách đả phá không khí lệ thuộc đó. Nhưng mặc dầu những chiến công lừng lẫy và tài ngoại giao rất khéo, hai nhà lãnh đạo trứ danh của dân tộc vẫn phải khuất phục trước thực tế.
Tâm lý thuộc quốc đè nặng, chẳng những trên sự bang giao, giữa chúng ta và Trung Hoa, lại còn lan tràn sang lĩnh vực bang giao giữa chúng ta và các nước láng giềng. Nếu, đối với Trung Hoa, chúng ta là thuộc quốc, thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc. Tâm lý đó làm cho sự bang giao, giữa chúng ta và các nước láng giềng, lúc nào cũng gay go. Đã đành rằng công cuộc Nam tiến của chúng ta, là một công trình mà dân tộc đã thực hiện được. Nhưng chúng ta còn thiếu tài liệu để cho các sử gia có thể xét đoán xem, nếu chính sách ngoại giao của chúng ta khoáng đạt hơn, tựa trên những nguyên tắc phong phú hơn thì, có lẽ sự bành trướng của chúng ta sẽ không một chiều như vậy. Ví dụ, một câu hỏi mà chúng ta không thể tránh được: chúng ta là một dân tộc ở sát bờ biển, nhưng sao nghệ thuật vượt biển của chúng ta không phát triển? Nếu chính sách ngoại giao của chúng ta phong phú hơn, và không bó hẹp vào một đường lối duy nhất, có lẽ sự bành trướng của dân tộc chúng ta, đã sớm phát ra nhiều ngõ, và sinh lực của chúng ta không phải chỉ dồn vào mỗi một công cuộc Nam tiến. Nước chúng ta ở vào giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Với một chính sách ngoại giao khoáng đạt hơn, sự liên lạc quốc tế của chúng ta có lẽ đã rộng rãi hơn, và do đó, vị trí của chúng ta sẽ, đương nhiên, được củng cố bằng những biện pháp dồi dào và hữu hiệu hơn. 
Nhưng thực tế là vậy đó. Họa xâm lăng của Trung Hoa đè nặng vào đời sống của dân tộc chúng ta, đến nỗi, tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều bị ám ảnh bởi sự đe dọa đó. Và, để đối phó lại, họ chỉ có hai con đường, một là thần phục Trung Hoa, hai là mở rộng bờ cõi về phía Nam. 
Sở dĩ, khi bị Tây phương tấn công, mà các nhà lãnh đạo Triều Nguyễn của chúng ta lúc bấy giờ, không có đủ khả năng quan niệm một cuộc ngoại giao rộng rãi, để khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương, là vì các nhà lãnh đạo của chúng ta không lúc nào vùng vẫy, đả phá nỗi không khí tâm lý thuộc quốc đã đời đời đè nặng lên lịch sử ngoại giao của chúng ta. Hành động ngoại giao duy nhất lúc bấy giờ là gởi sứ bộ sang cầu cứu với Trung Hoa. Chúng ta đã biết Trung Hoa đã hưởng ứng như thế nào lời kêu gọi của nhà Nguyễn. Nhưng Trung Hoa cũng đang bị đe dọa như chúng ta, nếu không có lẽ Trung Hoa đã lại thừa cơ hội mà đặt lại nền thống trị ở Việt Nam.
Các sứ bộ của chúng ta gởi sang Pháp lại cũng với mục đích điều đình, thần phục với Pháp như chúng ta quen điều đình, thần phục với Trung Hoa, chớ không phải với mục đích đương nhiên phải có của một hành động ngoại giao, là khai thác các mâu thuẫn để mưu lợi cho mình. 
Vì thế cho nên, nếu chúng ta có cho rằng, công cuộc Nam tiến thành công là một kết quả của chính sách ngoại giao một chiều như trên đã trình bày, thì cân nhắc kết quả đó với những sự thất bại mà cũng chính sách ngoại giao đó đã mang đến cho chúng ta trong một ngàn năm lịch sử, thì có lẽ những sự thất bại nặng hơn nhiều.
Sự bành trướng của chúng ta đã thâu hẹp lại và chỉ theo có một chiều, bỏ hẳn cửa biển bao la đáng lý ra phải là cái cửa sống cho chúng ta.
Nền ngoại giao của chúng ta ấu trĩ nên, lúc hữu sự, không đủ khả năng để bảo vệ chúng ta. Trong khi đó, đối với một quốc gia nhỏ lúc nào cũng bị họa xâm lăng đe dọa, thì ngoại giao là một trong các lợi khí sắc bén và hữu hiệu để bảo vệ độc lập và lãnh thổ. 
Trong chín trăm năm, từ ngày lập quốc, chúng ta đã bị ngoại xâm tám lần, bảy lần do Trung Hoa và một lần do Tây phương. Chúng ta đẩy lui được sáu lần, chỉ có lần thứ sáu nhà Minh đặt lại nền thống trị, trong hai mươi năm, và lần thứ tám đế quốc Pháp xâm chiếm toàn lãnh thổ và thống trị chúng ta trong hơn tám mươi năm. 
Vì vậy cho nên, chống ngoại xâm là một yếu tố quan trọng trong chính trị của Việt Nam. Chính trị cổ truyền, của các triều đại Việt Nam không được quan niệm rộng rãi nên, nếu có phân nửa kết quả đối với sự xâm lăng của Trung Hoa thì lại hướng chúng ta vào một chính sách chật hẹp về ngoại giao. Do đó tất cả sinh lực phát triển của dân tộc, thay vì mở cho chúng ta được nhiều đường sống, lại được dốc hết vào một cuộc chiến đấu tiêu hao chỉ để tranh giành đất dung thân. Một mặt khác, chính sách ngoại giao chật hẹp đã đưa chúng ta vào một thế cô lập cho nên lúc hữu sự, các nhà lãnh đạo của chúng ta không đương đầu nổi với sóng gió, và lưu lại nhiều hậu quả tai hại cho nhiều thế hệ. (tr. 240)
Hiện nay, Trung Cộng cậy vì sức mạnh là nước lớn, dân đông, sau bao nỗ lực hiện đại hóa thành một cường quốc trên thế giới đã đã để lộ tham vọng bành trướng về phía Nam. Chúng vẽ đường lưỡi bò coi biển Đông là “ao nhà” của chúng để thực hiện mộng bá quyền, bắt nạt các nước yếu như Việt Nam và các nước thuộc khối ASEAN. Còn đối với Nhật Bản và Trung Hoa Quốc Gia tức Đài Loan thì chúng không dám dỡn mặt. Chúng ngang ngược xâm chiếm và cho tàu thăm dò khai thác dầu lửa tại cả những quần đảo thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam. Chúng còn nói thẳng với Mỹ: “Biển Thái Bình Dương là của Hoa Kỳ và Trung Quốc, chia nhau mỗi bên một nữa”. Chúng tung hàng ngàn, hàng vạn tàu đánh cá và tàu hải giám ra Biển Đông khai thác hải sản và xua đuổi, hoặc bắt giữ những tàu của ngư dân Việt Nam.
Trong khi các nước ASEAN chủ trương những tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng những hội nghị đa phương thì Trung Cộng cực lực bác bỏ và chỉ chấp nhận giải quyết theo lối nói chuyện song phương. Điều đó chứng tỏ rằng, nếu thực hiện bằng hội nghị đa phương thì Trung Quốc sẽ ở thế yếu khó lòng đối lại được những lập luận đúng đắn, khách quan mà đa số các quốc gia thuộc khối ASEAN sẽ đưa trước hành động ngang ngược vô lý của Trung Cộng. Ngược lại, thực hiện lối nói chuyện song phương thì Trung Cộng ỷ thế mạnh dễ dàng bắt nạt các nước yếu trong vùng. Từ đó, Trung Cộng cho những nhân vật lãnh đạo cao cấp của chúng như Chủ Tịch Nhà Nước, Thủ Tướng Quốc Vụ Viện (Chính Phủ), Bộ Trưởng Ngoại Giao lần lượt qua các nước ASEAN để dụ khị, mua chuộc, áp lực và gây ly gián. Kết quả là những nước không có tranh chấp về lãnh hải với Trung Cộng như Campuchea, Thái Lan dẽ dàng bị chúng mua chuộc. Trường hợp Campuchea là điển hình nhất. Vì áp lực và sự rủ rê mua chuộc của Bắc Kinh mà Hun Sen đã không đưa vấn đề tranh cãi biển Đông vào chương trình Hội Nghị của ASEAN họp tại Nam Vang! Những nước còn lại cùa ASEAN tuy biết chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung Cộng là mối đe dọa nhưng vẫn chưa có những nỗ lực liên kết tích cực để đôí phó. Trong khi Phi Luật Tân dám đưa Trung Cộng ra Tòa Án Quốc Tế để yêu cầu giải quyết vì Trung Công toan chiếm quần Đảo đá ngầm Scaborough  của Phi thì Cộng Sản Hà Nội ngậm tăm.  Dù là tàu hải giám, tàu chiến hay tàu đánh cá của Trung Cộng ngang nhiên chạy vào lãnh hải Việt Nam, xua đuổi hay bắt giữ tàu của ngư dân Việt Nam thì Hà Nội chỉ phản ứng lấy lệ và hèn yếu đên độ khiếp nhược không dám gọi đích danh tàu Trung Cộng mà gọi là “Tàu lạ”!  Tệ hại hơn nữa, khi dân chúng trong nước nhất là giới thanh niên lên tiếng, biểu tình, phản đối hành động xâm lăng ngang ngược của Trung Cộng thì CSVN lại cho Công An đến đàn áp dã man. Thật CSVN đúng là hèn với giặc, ác với dân!  Bởi đó cho nên, càng ngày Trung Cộng càng được thể lấn lướt coi Việt Nam như là chư hầu. Mà đàn em Việt Cộng thì vì khiếp nhược và vì món nợ “đánh dùm” của Trung Cộng trong cuộc chiến thôn tính miền Nam nên quan thầy nói gì thì đàn em cũng răm tắp nghe theo. Thử hỏi một chế độ đánh mất hậu thuẫn của toàn dân thì làm sao có đủ sức mạnh và ý chí chống lại giặc ngoại xâm?
Cứ nhìn lại năm qua thì đủ rõ, Trương Tấn Sang qua thăm Trung Cộng, gặp Tập Cận Bình. Sau mấy tháng Lý Khắc Cường, Thủ Tướng Trung Cộng lại sang thăm Việt Nam gặp Nguyễn Tấn Dũng. Qua hai Bản Thông Cáo Chung cho thấy hầu như đó là những bản văn Trung Cộng đã soạn sẵn, hai bên chỉ việc đặt bút ký với nội dung hoàn toàn có lợi cho Trung Cộng. Nào là “thăm song phương, hợp tác song phương, hai hành lang, một vòng đai, chuyện tranh chấp tạm gác qua một bên, hãy cùng nhau khai thác, vân vân”. Hai Bản Thông Cáo Chung với hình thức và nội dung y chang, chẳng khác gì nhau, nhưng đã nói lên “tâm lý thuộc quốc”, cam chịu làm kiếp nộ lệ cho Tàu của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam. Chúng vốn đã khiếp nhược lại chơi trò đánh đu. Mỗi lần một tên sang Mỹ vận động ăn xin thì sau đó không lâu, lại phải cử một tên khác sang Tầu để báo cáo. Đối ngoại là như thế thì làm sao khá được! Còn đối nội thì sao?

Bản chất phong kiến của Cộng Sản Việt Nam hay mặt đối nội

Nhà Nguyễn thất bại vì không có chính sách ngoại giao thích ứng với tình hình, như đã nói trên vì còn vướng mắc vào cái “tâm lý thuộc quốc”, không sao thoát ra được. Cộng Sản Việt Nam cũng vậy. Từ khi rước tà thuyết Mác Lê vào nhà và tự biến thành chư hầu cho Đế Quốc Đỏ Nga Hoa, tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh đã hiện nguyên hình một thứ Việt gian tay sai bán nước, mù quáng, mê muội không nhìn ra được sự thực khách quan của thế giới. Đối với họ, nhất nhất cái gì của Tây Phương và “Đế Quốc Mỹ” cũng xấu; nhất nhất cái gì của Liên Sô và Trung Quốc vĩ đại cũng tốt. Thật là lạ lùng khi Khrushchev hạ bệ Stalin (tháng 2-1956) tố cáo là tên độc tài khát máu, với tật sùng bái cá nhân hay khi Mao Trạch Đông thực hiện cái gọi là cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” 1966 giết hại hàng chục triệu dân để rồi chỉ 6 năm sau Mao lại bắt tay với “Đế Quốc Mỹ” qua Thông Cáo Chung Thượng Hại 1972 vậy mà CSVN vẫn không hiểu được tình hình thế giới đã biến đổi, cũng không hiểu được dã tâm của Nga Sô và Trung Cộng! Thực chất thì Quốc Tế Cộng Sản cũng chỉ là thứ “Đế Quốc Thực Dân Mới” (được ngụy trang dưới lớp vỏ Khối Các Nước Xã Hội Chủ Nghĩa) luôn coi các đảng Cộng Sản đàn em như các chư hầu nhất nhất phải phục tùng quyền lãnh đạo họ. Còn CSVN lại hiện nguyên hình là “tập đoàn Phong kiến tân thời”. Gọi là Phong kiến vì chỉ có một dòng, độc tài, độc Đảng (dòng Vua hay dòng Cộng sản), cha truyền con nối, kiến lập, phong hầu. Có khác là triều đại phong kiến ngày xưa chỉ có một ông Vua khoác hoàng bào (áo vàng), còn phong kiến ngày nay thì chúng làm “Vua tập thể”. Mười bốn ông trong Bộ Chính Trị là 14 ông Vua Đỏ, khoác áo Đỏ (hồng y) tượng trưng cho 14 tên Tư bản Đỏ! 
Tấn chiếm miền Nam để thống nhất đất nước, tưởng rằng sẽ đưa Dân Tộc đến tự do, ấm no, hạnh phúc. Nào ngờ, chỉ sau mấy năm, Cộng Sản Bắc Việt đã đưa cả nước đến bờ vực thẳm của đói nghèo lạc hậu. Khi chứng kiến Bức Tường Bá Linh bị giựt đổ cùng với các nước Khối Cộng Sản Đông Âu và Nga Sô, tập đoàn Cộng Sản Hà Nội vẫn chưa mở mắt lại càng quyết tâm bám vào đàn anh Trung Cộng để sống còn dù chúng biết rằng theo Tàu là mất nước. Nhưng đối với chúng thì theo Tầu để mất nước còn hơn là theo Mỹ, theo Tây phương để mất Đảng. Điều đó chứng tỏ rằng tập đoàn Cộng Sản Hà Nội luôn đặt nặng quyền lợi cá nhân phe Đảng của chúng lên trên quyền lợi của Tổ Quốc. Đối với chúng, nếu có phải mất một giải đất dài chạy dọc theo biên giới, mất cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mất 9/10 Vịnh Bắc Việt, chấp nhận cho Trung Cộng thuê đất với thời hạn lâu dài (50 năm) nhiều nơi để trồng trọt, hay đem hàng vạn người Tàu vào khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên coi như Khu Tự Trị nắm được cái xương sống của Việt Nam thì cũng không sao miễn là chúng duy trì được Đảng, bảo vệ được cái ghế ngồi cho tập đoàn Mafia Đỏ. Như vậy, ngoài cái gọng kìm Hán Tộc, chúng ta còn có thể hình dung ra một thứ gọng kìm khác, đó “gọng kìm Đỏ” cũng có hai càng:
(01) Một càng là tà thuyết Mác Lê: CSVN đã tự giam hãm vào trong chủ thuyết Mác Lê để duy trì đặc quyền đặc lợi, dù chúng biết rằng đó là thứ chủ thuyết phi nhân và phi dân tộc.
(02) Một càng là quan thầy Trung Cộng là chỗ dựa và che thân.
Tuy tập đoàn Trung Cộng vẫn duy trì Đảng Cộng Sản với chủ thuyết Mác Lê, dù trước nguy cơ sụp đổ vì đói nghèo, chúng đã phải thay đổi “Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình là “Mèo trắng mèo đen cũng không sao, miễn là bắt được chuột”. Nói khác đi, đó là thứ Chủ Nghĩa Tư Bản Đỏ. Đàn em CSVN cũng bắt chước rập khuôn theo quan thày Trung Cộng, cũng độc tài, độc Đảng, cũng “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” như đàn anh. Và tất cả các lãnh vực khác, quan thày Trung Cộng khởi xướng làm gì thì đàn em CSVN lại từ từ rập khuôn bắt chước y như vậy. Chuyện không có gì khó hiểu, bởi vì trước phong trào Dân Chủ như một xu thế của thời đại đã thổi bay khối Cộng Sản Đông Âu và Nga Sô, cũng như vụ Thiên An Môn ở Trung Hoa, khiến cả hai tập đoàn Cộng Sản đều lo xanh mặt, mất ăn mất ngủ. Trung Cộng cần đàn em Việt Cộng và Bắc Hàn làm hai con chó giữ cổng, đồng thời thực hiện mộng bá quyền ở Á Châu. Còn hai đàn em Bắc Hàn và Việt Cộng phải cúc cung lệ thuộc quan thày Trung Cộng để lấy chỗ dựa. Rời Trung Cộng ra là chết trong khi lệ thuộc Trung Cộng cũng chính là nuôi dưỡng và rước giặc ngoại xâm vào nhà! Cứ cái đà này thì như lời biện giải của ông Ngô Đình Nhu từ nửa thế kỷ trước là chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã nhận thức được nguy cơ xâm lược của Trung Cộng và cái nguy hại của chủ thuyết Mác Lê mà thoát ra khỏi, thì nay, 50 năm sau, càng cho thấy thái độ thiển cận, mù quáng và ngoan cố của họ khó lòng đưa VN ra khỏi hiểm họa xâm lược của Trung Cộng.

Hiện tình Việt Nam?

Qua các phần trình bày ở trên cùng với những dẫn chứng trích thuật từ Chính Đề Việt Nam, chúng ta thấy hai điều:
1.- Ông Ngô Đình Nhu trao tài liệu cho ông Cao Xuân Vỹ vào năm 1962 và được phổ biến giới hạn năm 1964. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tình hình an ninh của Miền Nam còn khả quan. Sau khi cuộc Đảo chánh 1-11-1963 xẩy ra, tình hình an ninh trở nên tệ hại vì thiếu lãnh đạo và Quốc sách Ấp Chiến Lược đã bị Dương Văn Minh tuyên bố phá bỏ, nhưng cũng không một ai biết được Miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản vào ngày 30-04-1975. Bởi đó, những điều tiên đoán cùng những biện pháp đối phó của Khối Người Việt Quốc Gia do ông Ngô Đình Nhu đề ra vẫn còn có chút lạc quan.
2.- Nhưng 12 năm sau cuộc Đảo Chánh xẩy ra (1963-1975), miền Nam đã thực sự rơi vào tay Cộng Sản thì sự tiên đoán cùng mối lo âu của ông Ngô Đình Nhu đã thành sự thật. Đó là “ Sở dĩ ngày nay, sự thống trị  của Trung Quốc đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Việt Nam bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.” (tr. 302).
Khi viết Chính Đề Việt Nam từ nửa thế kỷ trước, ông Nhu cũng chưa biết được biến cố 30-04-1975 sẽ xẩy ra hơn chục năm sau đó với các hậu quả khôn lường. Vì vậy, là hậu duệ, là những chiến sĩ vô danh, khi chứng kiến những sự kiện mới xẩy ra từ 38 năm nay (1975-2013) chúng ta có bổn phận phải bổ túc, và khai triển nó cho phù hợp với tình hình mới. Những sự kiện mới là:
1.- Sự hình thành Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại với trên 3 triệu người bằng dân số một quốc gia nhỏ trên thế giới. Đó là Khối Người Việt Quốc Gia không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và tập đoàn Cộng Sản Việt Nam, đã bỏ đất nước ra đi tìm tự do bất chấp bao nguy hiểm đến tính mạng, trong đó có khoảng nửa triệu người thiếu may mắn đã là nạn nhân của hải tặc hoặc trở thành mồi cho tôm cá ở Biển Đông.

2.- Cuộc đấu tranh chống Cộng Sản chưa chấm dứt. Vì sau “biến cố 30- 4-1975”, nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam cũng như ở khắp nơi tren thế giới đã nhận diện được bộ mặt thật của Cộng sản, đó là tập đoàn Việt gian, tay sai bán nước. Họ tiếp tục chiến đấu dưới nhiều hình thức chống lại chế độ Cộng Sản.

3.- Khối các nước Cộng Sản từ Đông Âu qua đến Nga Sô và các nuớc Cộng Sản khác tại Á Phi và Châu Mỹ La tinh (1991) thi nhau sụp đổ vì Phong Trào Dân Chủ Dân Quyền trên thế giới như một xu thế thời đại thổi bay các chế độ độc tài , không có gì cưỡng lại được. Chỉ còn lại 5 nước là Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào và Cuba là cố bám lấy giáo điều Mác Xít để duy trì đặc quyền đặc lợi, nhưng cũng đã phải biến thể thành thứ “chủ nghĩa tư bản Đỏ”, nghĩa là “thực hiện nền Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội Chủ Nghĩa” để sống còn!

4. Nhờ Phong Trào Dân Chủ trên thế giới vùng lên, nhân dân các nước bị đặt dưới ách thống trị của Cộng sản, trong đó có Việt Nam đã gỡ bỏ được nỗi sợ hãi. Họ dám đứng lên đòi Dân chủ, Nhân quyền, Tự do bất chấp sự đàn áp của Công An. Ngược lại, các chế độ Cộng Sản còn lại cũng không dám thẳng tay đàn áp mạnh bạo như thời như trước vì dư luận quốc tế và nhất là nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin toàn cầu.

5.- Nhiều Đảng viên thức thời, đã công khai chỉ trích nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cách mạnh mẽ. Nhiều Đảng viên đã trả lại thẻ Đảng, đòi dân chủ đa nguyên, đòi tự do ngôn luận, hô hào lập Đảng đối lập.

6.- Điều đáng ghi nhận là giới trẻ trong nước vì ý thức được bổn phận và trách nhiệm đối với Tổ Quốc đã nổi lên mạnh mẽ tố cáo và lên án Chủ nghĩa bá quyền và âm mưu xâm lược của Trung Cộng đối với Việt Nam, cực lực chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã nghe lệnh Bắc Kinh đàn áp dân chúng.  

7. Ngày 30-04-1975 là cao điểm của Phong Trào Cộng Sản, nhưng cũng là khởi điểm cho sự suy thoái của chúng. Cộng Sản Việt Nam và những nước còn lại như Trung Cộng, Cu Ba, Bắc Hàn đã phải thay đổi để sống còn. Trước 4-1975, chúng hô hào “chống Mỹ cứu Nước” thì nay chúng “lạy Mỹ cứu Đảng”. Sự thay đổi nửa vời “cải tổ kinh tế mà không cải tổ chính trị” tức là thực hiện nền kinh tế thị trường, nhưng không chấp nhận dân chủ đa nguyên hay dân chủ hóa đất nước đã đưa chúng đến những bế tắc. Trong thế kẹt, chúng đã đổi giọng tung hô, ve vãn Việt kiều là “khúc ruột ngàn dặm” thay vì như trước kia gọi họ là “bọn theo chân Đế Quốc để kiếm ăn”.
8.- Trong khi dựa vào quan thày Bắc Kinh, thì chúng đã mất hoàn toàn hậu thuẫn của nhân dân cả nước. Ngay chính khối 3 triệu Đảng viên của chúng đã biến chất hoàn toàn, mất niềm tin vào Đảng, mất bản chất cách mạng từ khi Cộng Sản thôn tính được miền Nam. Tất cả các quan chức Cộng Sản từ lớn tới bé chỉ lo vơ vét, hưởng thụ, tìm đường cho con cái ra nước ngoài. Cho nên nhân dân gọi chúng là bọn Cộng Hưởng thay vì Đảng Cộng Sản.
9.- Nhìn chung thì toàn dân cả nước đã ý thức cao độ nguy cơ xâm lược của Trung Cộng. Hầu như họ hoàn toàn tán đồng chủ trương dân chủ đa nguyên, ngoại trừ tập đoàn CSVN khư khư giữ lấy cái gọi là “Dân chủ tập trung” để dành đặc quyền, đặc lợi. Nhân dân cả nước đều muốn có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Họ thật sự muốn quyền tư hữu cá nhân thay vì quyền tư hữu của toàn dân do Đảng lãnh đạo, một thứ mánh khỏe của nhà nước Cộng Sản để dành độc quyền cho phe đảng. Họ muốn thực hiện đầy đủ quyền Tự do Tín ngưỡng, không có sự ngăn cản hay can thiệp của Nhà nước Cộng Sản vào nội bộ các Giáo Hội.
10.- Điểm cuối củng là vị sự ngu dốt, thiển cận, tham nhũng, bóc lột lo vơ vét của tập đoàn Cộng Sản mà đất nước bây giờ đang đi xuống trong mọi lãnh vực: Đạo lý, phong hóa suy đồi. Môi sinh, Dinh dưỡng, Y tế xuống cấp cách thảm hại. Phố xá, nhà cửa xây bừa bãi, hệ thống thoát nước ứ đọng tại các thành phố sau mỗi cơn mưa. Giao thông tắc nghẽn. Trộm cướp tràn đầy. An ninh kém cỏi. Công An chỉ lo đàn áp và ăn hút. Dân số gia tăng cách đáng sợ. (Ngày 1-11-2013, dân số đã lên đến 90 triệu người; năm 1954: 22 triệu; 1975: 43 triệu). Nói chung, Cộng Sản Việt Nam rất yếu kém về quản trị mà chỉ giỏi đàn áp. Chúng hô hào đổi mới, hô hào hiện đại hóa, tất cả chỉ là cái vỏ để chúng tìm cách vơ vét và bóc lột nhân dân qua các dự án. Bao nhiêu tập đoàn kỹ nghệ (như Vinashin) đã phá sản, nợ chồng chất, bị chất vấn nhưng chúng đã phớt lờ, tỉnh bơ vì đó là “tập đoàn quốc doanh” nếu có lời thì chúng ăn mà lỗ thời nhân dân phải gánh chịu!

Trước nguy cơ xâm lược và chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng, Khối Người Việt Quốc Gia phải làm gì để cứu nước?

Năm 1962, khi Chính Đề Việt Nam ra đời và khi miền Nam chưa bị CSBV thôn tính, ông Ngô Đình Nhu chủ trương: “Vị vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa (Trung Cộng). (tr. 302)
Nay thì sự thể đã khác. Miền Nam đã bị CSBV thôn tính. Cả nước đã bị đặt dưới ách thống trị của tập đoàn Cộng Sản Việt gian, tay sai của Bắc kinh. Nhưng lại có may mắn là sự hình thành Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại với dân số hơn 3 triệu người trên khắp thế giới mà chủ yếu là Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Âu Châu (Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, vân vân) và Úc châu. Khối dân số 3 triệu này có một tiềm năng to lớn về tài sản vật chất cũng như tinh thần tức là chất xám, lại được sống trong những quốc gia tự do, dân chủ, được học hỏi nên rất am tường và đã thấm nhuần đời sống văn minh, tiến bộ. Tất nhiên Khối Người Việt Quốc Gia chống Cộng quyết liệt này là sự hỗ trợ cần thiết cho Đại Khối Dân Tộc ở Quốc Nội, trong một Mặt trận “Ba Mũi Giáp Công”, đó là Quốc Nội, Quốc Ngoại và Quốc Tế liên kết chặt chẽ với nhau để giải thế chế độ Cộng Sản.
Vậy nếu như ông Ngô Đình Nhu đã nói khi trước “còn miền Nam thì phải giữ miền Nam để cứu miền Bắc”; nhưng nay miền Nam đã mất thì còn Hải Ngoại phải giữ Hải Ngoại để cứu Việt Nam khỏi ách thống trị của Cộng Sản và nguy cơ xâm lược của Trung Cộng.
Vậy thế nào là giữ Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại?  Đó là bảo vệ độc lập và tự do của khối Người Việt Quốc tại Gia Hải Ngoại bằng những phương cách sau đây:
1. - Ngăn chận không cho CS xâm nhập phá hoại Cộng Đồng NVHN. Vì Khối NVQG Hải Ngoại có một tiềm năng to lớn nên CSVN ra sức tuyên truyền, dùng đủ mọi mánh khỏe tranh thủ để lấy hậu thuẫn và bòn rút của cải. Chúng dành ngân khoản cả hằng trăm triệu và ra sức dụ dỗ, tuyên truyền xâm nhập, cố len lỏi đưa người của chúng ra nắm vai trò lãnh đạo các Hội đoàn, Đoàn thể. Những phần tử nhẹ dạ ham lợi sẽ dễ dàng bị chúng rủ rê, dụ dỗ, mua chuộc làm tay sai cho chúng. 
2. - Cô lập và vô hiệu hóa bọn Việt gian, tay sai Cộng Sản nằm vùng trong mọi lãnh vực, đặc biệt là Truyền thông, Báo chí, các cơ sở Thương mại, và các Hội đoàn của Người Việt Quốc Gia.
3. - Cô lập và vô hiệu hóa những “Hội Việt Kiều Yêu Nước” do Cộng Sản và tay sai nằm vùng của chúng dựng nên.
4. - Yểm trợ tối đa cho các Ưng cử viên Người Việt Quốc Gia vào các chức vụ Dân cử của nước mình đang định cư.
5. - Cực lực tố cáo với Chính quyền địa phương mình cư ngụ, dồng thời tố cáo trước dư luận Quốc Tế những đàn áp và vi phạm Nhân quyền và các quyền Tự do tại Việt Nam.
6. - Thực thi dân chủ trong mọi tổ chức Cộng đồng để tạo sự đoàn kết và rèn luyện lãnh đạo cho giới trẻ. Sống ở nước văn minh, người Việt Quốc Gia mình nên học hỏi lề lối thực thi Dân Chủ của họ. Bản chất của Dân chủ là đoàn kết để có sức mạnh, chớ không phải là ai muốn làm gì thì làm. Như ở Mỹ trong mỗi lần bầu cử, họ tranh đấu kịch liệt, kể cả tố cáo nhau bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn. Nhưng khi bầu cử đã đã xong thì người thua cuộc luôn tuyên bố ủng hộ người thắng cử chớ không chống đối phá hoại. Bởi đó, kinh nghiệm cho biết trong khi thực thi dân chủ, xã hội sẽ dễ dàng tạo ra được lớp người lãnh đạo có khả năng.
7. - Cộng Đồng NVQG mỗi nơi theo sáng kiến địa phương tích mà cực tham gia vào Phong Trào Tố Cộng và Bài Cộng tại địa phương mình cũng như liên kết với các Cộng Đồng người Việt tại địa phương khác trong những công tác tương tự cần liên kết để tạo thành tiếng nói chung và mạnh mẽ.
8. - Yểm trợ tối đa cho Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội, nhất là các tầng lớp Thanh Niên nam nữ, Sinh Viên, Học Sinh, Tri thức, các nhân vật Lãnh đạo Tinh thần các Tôn giáo trong tiến trình giải thể chế độ Cộng Sản và Dân chủ hoá đất nước.
9. - Cảnh giác đồng bào Quốc Nội về âm mưu xâm lược “gậm nhấm” của tập đoàn Cộng sản Bắc Kinh.
10. - Cực lực tố cáo trước dư luận quốc tế mọi tham vọng và chủ nghĩa bá quyền của tập đoàn Cộng Sản Bắc Kinh trong âm mưu xâm lược Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.
11. - Sử dụng tối đa và tích cực mọi phương tiện Truyền Thông để “chuyển lửa về quê hương” nhằm đả thông, giáo dục, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia Phong Trào Giải Thể chế độ Cộng Sản Dân Chủ Hóa đất nước.
12. - Thực hiện “Chiến Dịch Chiêu Hồi” các Đảng viên CSVN trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc bằng mọi cách nhất là bằng phương tiện truyền thông như Điện Thoại, Diễn Đàn Internet, vân vân để họ cùng góp sức vào việc giải thể chế độ Cộng sản và Dân chủ hóa đất nước.
13. - Vận động Quốc Tế, nhất là tại những Quốc Gia mình đang cư ngụ để tìm hậu thuẫn trong công cuộc đấu tranh giành lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam.
14. - Vận động Quốc Tế nhất là các nước trong khối ASEAN và các Siêu cường về một giải pháp hợp lý hợp tình cho những tranh chấp tại Biển Đông trên căn bản đa phương. Bước đầu làm thế nào để Việt Nam và Philippines hợp tác tích cực với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ tạo thành một gọng kìm, cắt ngang lưỡi bò của Trung Cộng. Sau đó vận động tích cực những quốc gia phía Nam như Brunei, Indonesia, Singapore trong hối ASEAN hợp tác chặt chẽ để cùng ngăn chặn tham vọng bành trướng và chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng.
15. - Việc giải thể chế độ CSVN và Dân chú hóa Đất Nươc để có đủ sức mạnh chống giặc Ngoại Xâm sẽ phải đi qua ít là 3 giai đoạn: (01)Xây dựng và củng cố Khối Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. (02) Giải thể chế độ Cộng Sản và Dân Chú Hóa Đất Nước. (03) Hiện đại hóa Đất Nước. (trong CĐVN, Ông Ngô Đình Nhu gọi là Tây phương hóa)  
17. - Các tổ chức và đoàn thể chính trị của Khối NVQG trong và ngoài nước hãy tích cực hoàn thành sứ mạng của mình qua các chương trình cụ thể và thích hợp để Giải thể chế độ Cộng Sản và Dân chủ hóa Đất Nước thay vì chờ đợi những Đảng Đối Lập từ trong nước do các Cựu Đảng viên Cộng Sản đề ra, trong đó coi chừng có thứ “Đảng Đối Lập Cuội” do chính CSVN tạo ra để đánh lừa dư luận và quần chúng.  Cũng nên biết rằng CSVN là loại lưu manh và thủ đoạn có hạng, là bọn lừa bịp dối trá có hạng. Từ lâu nay chúng đã dựng nên nhiều tổ chức chính trị mang tên những tổ chức của NVQG ngay tại Quốc Nội để lừa những kẻ ngây thơ, dễ tin vào cái bẫy để chúng “bắt trọn ổ”. Chúng sẵn sàng đưa ra những nhân vật, những chiêu bài “ăn khách” làm con mồi cho mưu toan của chúng. Không riêng gì ở Quốc Nội, mà ngay tại Hải Ngoại, chúng (CSVN) cố tìm cách len lỏi, xâm nhập vào các Hội đoàn, Đoàn thể, và các Chính Đảng của NVQG để lèo lái theo chiều hướng làm lợi cho chúng.
18. - Đoàn kết Cộng Đồng: Phải xây dựng sự đoàn kết Cộng Đồng. Đoàn kết để có sức mạnh. Hợp quần gây sức mạnh. Một người không đủ sức làm thì muôn người sẽ đủ sức hành động. Trong Quốc sách Ấp Chiến Lược, ông Ngô Đình Nhu đã nêu ra 3 thứ giặc luôn liên kết với nhau để phá hoại Quốc gia, đó là: Giặc chậm tiến, Giặc chia rẽ và Giặc Cộng Sản. Ngày nay ở Hải Ngoại, Khối NVQG cũng đang phải đương đầu với ba thứ giặc này dưới những hình thức khác. Giặc chia rẽ là thứ giặc đầu tiên đang hoàng hành, làm nát bấy Cộng Đồng. Giặc này phát sinh do hai thứ giặc Chậm tiến và Cộng Sản mà ra. Vì chậm tiến nên dù sống ở xứ văn minh nhưng đầu óc nhiều người trong chúng ta vẫn thủ cựu, vẫn suy tư theo lề lối cũ, vẫn kèn cựa tranh chấp nhau. Cộng Sản lợi dụng vào những thứ đó tìm cách xâm nhập phá hoại. Chúng biết rằng Khối Người Việt Hải Ngoại có một tiềm năng lớn lao, sẽ có tiếng nói rất mạnh trên trường Quốc Tế, nên nếu như chúng không lợi dụng được thì chúng phải tìm cách phá bằng cách gây chia rẽ, tranh chấp với nhau. Cho nên ta phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác về ba thứ giặc này.
Để có sự đoàn kết thì trước hết phải tiêu diệt Giặc chia rẽ, trước hết bằng những biện pháp tiêu cực: chấm dứt đả kích lẫn nhau trên các phương tiện truyền thông để tạo hòa khí đồng thời kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác về mọi âm mưu chia rẽ của Cộng Sản. Sau là những biện pháp tích cực: xây dựng Cộng Đồng, Đoàn Thể, và Hội Đoàn bằng những việc làm cụ thể thích hợp, khuyến khích những người thiện chí và giới trẻ dấn thân. Nên lưu ý điểm này: cơ thể không ăn, không thở, con người sẽ chết. Đoàn thể không sinh hoạt cũng tự động chết. Sinh hoạt bên bối thì chết thê thảm hơn.  Cho nên phải biết nuôi dưỡng Hội đoàn, Đoàn thể bằng những sinh hoạt khoa học để hoàn thành mục tiêu đề ra.
19. Đẩy mạnh công tác dạy Việt Ngữ và Lịch sử Việt Nam để hun đúc tinh thần Dân Tộc cho giới trẻ hải ngoại. 
20. Muốn làm Cách Mạng phải có tổ chức Cách Mạng. Tổ chức Cách Mạng quy tụ những Cán bộ Cách Mạng có phẩm chất cao nghĩa là có Lập trường Cách Mạng vững chắc được xây dựng trên nền tảng Dân Tộc, có Đạo đức Cách Mạng, có trình độ nhận thức chính trị, có trình độ Văn hóa và nắm vững Kỹ thuật Công tác. 
 Khi Cộng Đồng Hải Ngoại đủ mạnh thì có thể giúp Mặt Trận Quốc Nội hoàn tất công cuộc Giải thế chế độ Cộng Sản và Dân chủ hóa Đất Nước một cách hữu hiệu.

Làm sao chống ngoại xâm?

Nhìn lại dòng lịch sử Dân Tộc trên bốn ngàn năm, nưóc Việt Nam luôn luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm, nhất là giặc phương Bắc. Dù là triều đại nào: Hán, Tống, Minh, Nguyên, Thanh, tham vọng cố hữu của Tầu là xâm chiếm và đồng hóa nước ta. Việt Nam đã bao nhiêu lần bị Tàu đưa quân sang chiếm, rồi nhờ tinh thần bất khuất mà Tổ Tiên ta đã chiến đấu giành lại Độc Lập cho nước nhà. Giai đoạn bị đô hộ lâu dài nhất hơn một ngàn năm từ 111 trước Tây Lịch đến 939 sau Thiên Chúa Giáng Sinh, tưởng chừng như Việt Nam đã bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới. Vậy mà thời cơ đến, anh hùng Ngô Quyền đã đánh đuổi quân Nam Hán giành lại độc lập cho Dân Tộc. Phải nói đó là một phép lạ, một đại kỳ công, nhờ vào dũng khí của Tiền nhân, cũng như tinh thần bất khuất của Dân Tộc Việt Nam.
Trên thế giới này, có lẽ chỉ có hai Dân tộc bị giặc ngoại xâm đô hộ lâu dài nhất là dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam, vậy mà cả hai đã vùng lên giành lại được nền Độc Lập và Tự Chủ.
Việt Nam bị đô hộ hơn một ngàn năm như đã nói trên. Còn Do Thái bị phân tán rải rác khắp hoàn cầu ròng rã gần 20 thế kỷ (70 năm trước Tây Lịch đến 1948 sau Thiên Chúa Giáng Sinh). Vậy mà nhờ nỗ lực của nòi giống, họ đã biết duy trì bản sắc Văn hóa cá biệt, nên gặp kỳ Đại Chiến thứ 2, khi Đức Quốc Xã thi hành chính sách tiêu diệt Do Thái thì nhờ các nước Đồng Minh đã đưa dân Do Thái trờ về vùng Palestine và từ đó có cơ hội thành lập nhà nước Israel. Nói như thế có nghĩa là “Tinh thần Dân Tộc” là yếu tố quyết định cho sự thành hay bại, tồn tại hay bị diệt vong. Cho nên, mất đất, bị chiếm làm nô lệ chưa hẳn đã tiêu diệt được Dân tộc một  khi Dân tộc còn giữ được bản sắc, còn duy trì được tinh thần bất khuất, còn biết rèn luyện lãnh đạo, còn biết nuôi chí phục thù thì việc phục quốc vẫn còn cơ may. Nhìn lại dòng Lịch sử Dân Tộc nhất là bao phen bị Tầu đô hộ mà Tổ Tiên ta vẫn anh dũng vùng lên đánh đuổi quân xám lược phương Bắc giành lại Độc Lập Tự Chủ cho Đất Nước chứng tỏ rằng dòng máu anh hùng bất khuất của Tiền Nhân vẫn còn luân lưu trong huyết quản mỗi người Việt Nam chúng ta dù ở phương trời nào, thời gian nào. Thật không phải vì chủ quan mà dựa vào chứng liệu Lịch Sử Dân Tộc, nên Cụ Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: “Tuy cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có.”
Việt Nam là một nước nhỏ lại ở sát cạnh một anh khổng lổ, đất rộng dân đông là Trung Hoa đầy tham vọng. Về địa lý, Việt Nam lại là bao lơn trông ra Thái Bình Dương, cho nên luôn luôn là đối tượng mà giặc ngoại xâm dù là phương Bắc hay phương Tây nhòm ngó. Bởi đó, công việc chống ngoại xâm là mối lo hàng đầu và triền miên của Dân Tộc. Hiện nay, Trung Cộng đã trở thành một cường quốc hùng mạnh trên thế giới với sự gia tăng dân số khủng khiếp nên mộng bành trướng lãnh thổ lại càng gia tăng, không phải chỉ nhắm xuống vùng Đông Nam Á mà còn muốn nhòm ngó sang tận cả Phi Châu và Nam Mỹ. Những hành động bành trướng của Trung Cộng hiện nay đã là mối đe dọa cho thế giới, như ông Ngô Đình Nhu đã viết:  
“Không phải tình cờ mà ông Paul Reynaud, cựu Thủ Tướng Pháp trong cuộc viếng thăm nước Nga đã long trọng tuyên bố với Thủ Tướng Khrushhev. “ Nếu các ông tiếp tục viện trợ cho nước Tàu, trong vài mươi năm nữa, một tỷ dân Trung Hoa sẽ đè bẹp các ông và Âu Châu”. (tr. 222). 
Thật ra thì Trung Hoa cũng có nhiều phen yếu đuối, bị Nhật Bản và Tây phương lấn áp, đè bẹp. Nay dù có hùng mạnh, nhưng dân số quá đông, đất đai hạn hẹp, lại duy trì chế độ độc tài độc đảng, nội bộ cũng có những bất đồng xáo trộn. Mỗi lần thay đổi lãnh đạo là một lần đổ máu công khai hay âm thầm, nên đó cũng là nhược điểm. Vả lại thời đại thông tin điện tử hôm nay, thời đại được mệnh danh là Toàn Cầu Hóa, nên chưa chắc gì Trung Hoa có thể lấn áp thế giới, muốn làm gì thì làm. Tuy là tiến bộ hơn 50 năm trước nhưng về khoa học, kỹ thuật, Trung Cộng vẫn còn thua Tây phương, nhất là Hoa Kỳ hàng vài chục năm.  Ngay Trung Hoa Quốc Gia tức Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Hoa, vậy mà trên 60 năm nay (1949-2013), Trung Cộng đâu dám dùng võ lực để thống nhất. Thực tế, Hoa Kỳ bắt buộc phải bảo vệ Đài Loan, nếu không Trung Cộng sẽ làm mưa làm gió ở Biển Đông và Đông Á, Nhưng chính Đài Loan và Nhật Bản cũng lại là mối đe dọa cho Trung Cộng.
Trở lại công cuộc chống ngoại xâm của Dân Tộc, ông Ngô Đình Nhu nhận xét:  
Cái họa ngoại xâm đối với chúng ta hiển nhiên và liên tục như vậy. Vì sao những biện pháp cổ truyền, của các nhà lãnh đạo của chúng ta trước đây, thành công phân nửa, trong công cuộc chống ngoại xâm Trung Hoa, nhưng thất bại trong công cuộc chống ngoại xâm Tây phương? 
Trước hết, các biện pháp cổ truyền đã đặt vấn đề ngoại xâm của Trung Hoa là một vấn đề chỉ liên quan đến hai nước: Trung Hoa và Việt Nam. So sánh hai khối Trung Hoa và Việt Nam, thì như thế là đương nhiên, chúng ta đã thất bại rồi. Những sự thần phục và triều cống chỉ là những biện pháp hoãn binh. Và vấn đề chống ngoại xâm chưa bao giờ được các triều đại Việt Nam đặt thành một chính sách đương nhiên và nguyên tắc, đối với một nước nhỏ, như nước chúng ta. Vì thế cho nên, những biện pháp cần được áp dụng, như biện pháp ngoại giao, đã không hề được sử dụng khi Tây phương xâm chiếm nước ta. 
Lý do thứ hai, là công cuộc chống ngoại xâm chỉ được chuẩn bị trên lãnh vực quân sự. Nhưng, nếu chúng ta không thể phủ nhận tính cách cần thiết và thành quả của các biện pháp quân sự trong các chiến trận chống các triều đại Trung Hoa: nhà Tống, nhà Nguyên cũng như nhà Minh, nhà Thanh, chúng ta phải nhìn nhận rằng nỗ lực quân sự của chúng ta rất là giới hạn. Và ngày nay, độc lập rồi, thì nỗ lực quân sự của chúng ta chắc chắn cũng rất là giới hạn. 
Như vậy, đối với một nước nhỏ, trong một công cuộc chống ngoại xâm, biện pháp quân sự không thể làm sao đủ được. Trên kia, chúng ta có đề cập đến những biện pháp ngoại giao, đặt trên căn bản khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc để bảo vệ độc lập cho chúng ta. 
Tuy nhiên biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức Quốc Gia và Dân Tộc. Đồng thời, áp dụng một chính sách cai trị khoáng đạt, mở rộng khuôn khổ lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt. 
Nếu ý thức quốc gia và dân tộc được ăn sâu vào tâm não của toàn dân, và độc lập và tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường quốc xâm lăng, dầu có đánh tan được tất cả các đạo quân của chúng ta và có thắng chúng ta trong các cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí quật cường của cả một dân tộc. 
Nhưng ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng. Vì vậy cho nên, đồng thời với những biện pháp quần chúng nói trên, cần phải áp dụng những biện pháp giáo dục, làm cho mỗi người dân đều quen biết với vấn đề lãnh đạo, và, điều này còn chính yếu hơn nữa, làm cho số người thấu triệt vấn đề lãnh đạo quốc gia càng đông bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Bởi vì, có như thế, những người lãnh đạo mới không bao giờ bị tiêu diệt hết được. Tiêu diệt người lãnh đạo là mục đích đầu tiên và chính yếu của các cường quốc xâm lăng. 
Nhân đề cập đến vấn đề chống xâm lăng trên đây, lý luận đã dẫn dắt chúng ta đến một vấn đề vô cùng quan trọng. 
Trước tiên chúng ta nhận thức rằng đối với một nước nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên. 
Để chống xâm lăng, chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả các biện pháp quân sự và ngoại giao, về phương diện hữu hiệu và chủ động, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, và mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo, để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt. 
Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một động cơ hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ. 
Bản chất của môt chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn băn của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền. 
Hơn nữa, giả sử mà chính thể chuyên chế hay độc tài chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người, thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm. Bởi vì, dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét người lãnh đạo họ, và hướng về, bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét, như là hướng về một người giải phóng, mặc dầu đó là một kẻ xâm lăng. Lịch sử xưa nay của các quốc gia trên thế giới đều xác nhận điều này: Chỉ có những dân tộc sống tự do mới chống được ngoại xâm. 
Riêng về dân tộc chúng ta, chắc chắn rằng sự kháng cự của chúng ta đối với sự xâm lăng của Tây phương sẽ mãnh liệt hơn bội phần nếu trước đó, nhà Nguyễn, thay vì lên án tất cả những người bàn về quốc sự, đã nuôi dưỡng được tinh thần tự do và độc lập của mỗi người và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc trong nhân dân. 
Ngược lại, mấy lần dân tộc thắng được ngoại xâm, từ nhà Trần đánh đuổi Mông Cổ, đến nhà Lê đánh quân Minh và Quang Trung chiến thắng Mãn Thanh, đều nhờ ở chỗ các nhà lãnh đạo đã khêu gợi được ý chí tự do và độc lập của toàn dân. 
Và vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta đã nêu ra trên kia là vấn đề chính thể của nước Việt Nam. Vì những lý do trình bày trên đây, chính thể thích nghi cho dân tộc chúng ta, không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của dân tộc. 
Nếu bây giờ chúng ta chưa có ý thức rõ rệt chính thể ấy phải như thế nào, thì ngay bây giờ chúng ta có thể quan niệm được rằng chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chế hay độc tài được. Đó là một thái độ rất rõ rệt. (tr.245)

Thay Lời Kết:

Với những nhận định như trên của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, nhìn vào tình hình Việt Nam từ trên nửa thế kỷ nay khi CSVN vì ngu muội đã rước tà thuyết Mác-Lê vào nhà và tự nguyện làm tay sai cho Đế Quốc Đỏ mà nay là quan thầy Bắc Kinh quả là một sai lầm tệ  hại. Bắc Kinh với chủ nghĩa bá quyền và bành trướng đã dương Gọng Kìm Hán Tộc ra kềm kẹp Việt Nam thì làm sao tập đoàn CS Hà Nội đủ sức mà chống chọi. Ngược lại, chúng đã cam tâm làm tay sai, làm chư hầu cho quan thầy thì sớm muộn gì cũng dâng nốt lãnh thổ cho Trung Cộng như chúng đã từng lén lút làm trong thời gian nửa thế kỷ qua. Mạnh được yếu thua là quy luật đấu tranh. Muốn thắng, muốn tồn tại thì phải mạnh. CSVN đã không đủ mạnh, lại tự nguyện làm tay sai, rước giặc vào nhà thì thua là cái chắc.
Từ ngày thôn tính được miền Nam đến nay, tập đoàn CSVN chỉ lo vơ vét cho đầy túi, không màng gì đến nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân. Chúng có hô hào đổi mới nhưng chỉ nhằm để cứu Đảng trong cơn nguy khốn vì những thất bại ê chề về Kinh Tế. Sau một thời gian cởi trói, chúng liền trở lại bài bản cũ là xiết chặt cái hầu bao và trí tuệ của đồng bào. Nói khác, chúng không dám đổi mới toàn diện để dân giàu nước mạnh. Ngược lại, chúng bám chặt vào Trung Cộng, coi quan thầy của chúng là khuôn mẫu. Quan thày làm gì thì chúng rập khuôn bắt chước làm theo để bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Yêu nước chỉ là cải vỏ bề ngoài. Thực tâm, chúng chỉ lo bảo vệ phe Đảng, coi quyền lợi của Đảng, của phe nhóm trên quyền lợi của Tổ Quốc. Yêu ghế trước, yêu nước sau là châm ngôn cùa chúng. Tinh thần bất khuất của Dân Tộc là bửu bối cuối cùng để cứu nước và giữ nước được thể hiện qua lớp Thanh niên Sinh viên trẻ trung thì tập đoàn CSVN lại nghe  lệnh của quan thầy dùng bạo lực và Công An đàn áp.
Nói tóm lại, về quân sự Cộng Sản Việt Nam đã không đủ mạnh. Ý chí lại hèn kém, chúng không biết và cũng không dám khai thác những mâu thuẫn giữa các cường quốc và các thế lực liên minh khu vực như ASEAN hay khối Liên Hiệp Âu Châu. Tất cả những điều đó chứng minh chúng đang cố tình làm suy yếu sức mạnh của Dân Tộc để trở thành miếng mồi ngon cho âm mưu “xâm lược gậm nhấm” của giặc phương Bắc.
Cho nên, còn đường duy nhất để cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi hoạ diệt vong vì giặc ngoại xâm, đó là: xây dựng và củng cố Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại để cùng với Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội giải thể chế độ Cộng sản và Dân chủ hóa đất nước.
Cứu nước thoát khỏi ách thống trị của Cộng Sản rồi, tất nhiên Việt Nam phải ra sức Tây Phương hóa tức là Hiện đại hóa đất nước để có đủ sức mạnh (khoa học, kỹ thuật, tổ chức, quân sự, kinh tế, vân vân) chống ngoại xâm và tồn tại trên bản đồ thế giới.

San Jose 2-11-2013

Nhân Giỗ lần thứ 50 ngày Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM
    và Cố vấn NGÔ ĐÌNH NHU bị thảm sát 2-11-1963

Phạm Quang Trình