Sunday 5 October 2014

Tuổi trẻ thờ ơ, vô cảm là trách nhiệm của nhà giáo

Nhóm Nhà Giáo Nhận Trách Nhiệm (Danlambao) - Nhân cuộc xuống đường của giới trẻ ở Hongkong đòi quyền tự do dân chủ, rất nhiều bài báo trong nước so sánh giới trẻ HK với giới trẻ VN, và hàm ngụ sự chê bai chỉ trích: quá nhiều người trẻ VN hèn kém, ù lì, vô trách nhiệm với Tổ Quốc, với việc chung, chỉ ham ăn chơi, hưởng thụ, thậm chí dồn sức trẻ vào bạo lực, trác táng, còn về nhận định và hiểu biết của họ thì quá thô thiển. Trước tấm gương của nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi Joshua Wong, thì hình ảnh người trẻ VN thật thua sút. 

Nhưng cũng có bài nhận định công bằng hơn, cho là sở dĩ giới trẻ VN không có được phẩm chất tốt như ở HK, vì họ bị người lớn, cha mẹ cản trở, bị xã hội kìm kẹp, đầu độc… Nhưng theo chỗ chúng tôi nghĩ, lý do chính là bởi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa lệch lạc, què quặt, thiếu phẩm chất mà họ bị thọ lãnh là lý do chính.

Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa dạy gì cho giới trẻ?

Nói đi nói lại sẽ sinh nhàm chán, nhưng những người có công tâm đều nhìn nhận rằng nền giáo dục hiện nay là một nền giáo dục phản giáo dục. Nó đặt căn bản trên sự giả trá lừa gạt, nó phá hoại lương tâm con người từ khi còn thơ bé, và đưa vào đó tính ích kỷ, lười biếng, vô trách nhiệm, vô cảm, thiếu nhân nghĩa, thiếu tình người.

Vì mục đích của CS là thống trị và bóc lột, nên nó đã đưa ra một nền giáo dục gian manh, không trung thực, biến không thành có, có thành không. Và để ru ngủ, hủy hoại con người, nó đã nuôi trồng tính ích kỷ, nhất là không nhận trách nhiệm về những việc mình làm sai trái, và ngó lơ trước sự đau khổ của người chung quanh. Chỉ với loại người như thế, thì CS mới tồn tại được. 

Ta hãy nhìn vào các cấp lãnh đạo CS thì rõ, làm sai làm bậy, gây hậu quả cho dân nước, nhưng không kẻ nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm, đến nỗi người dân đã có câu: toàn xã hội CS đều cùng mang một họ, một tên: họ ĐỔ, tên THỪA! 

Hãy nhìn xem tình trạng “đổ thừa” ở VN như thế nào: Hồ thủy điện vỡ thì đổ thừa tại… xe tải tông vào. Đường cao tốc tiền tỉ vừa khai thông xe ban sáng, chiều thì đường nứt toác và lổn nhổn đá, thiếu cả nhựa đường, là do… đất lún. Cầu bê tông trật cốt sắt là do… ghe tàu va phải. Chưa kể là cầu bê tông cốt tre. Thậm chí Quốc Hội sai là do… dân!

Đổ thừa là do gian tham, làm bậy, bớt xén tiền bạc, vật tư. Đổ thừa cũng là do thiếu nhân cách và đạo đức, vô trách nhiệm, ích kỷ.

Trong xã hội, sự gian dối đã vươn lên tới... đỉnh cao: ngành y ăn bớt thuốc của bệnh nhân, chôm chỉa thuốc của bệnh viện, buôn thuốc lậu, bán giá cắt cổ. Sản xuất hàng hóa thì gian giả, không một dự án nhà nước nào không bớt xén, không một cán bộ nào không tham nhũng, hối lộ… 

Còn nhà trường, nơi đào tạo con người thì sao? Học cũng gian, giả, cái có nói không, cái không nói có, thậm chí lịch sử còn bị xuyên tạc, bóp méo, đến độ học sinh phán ớn không muốn học. Hãy nhìn học sinh trường trung học Nguyễn Thượng Hiền ở quận Tân Bình, Sài Gòn đồng loạt xé nát các bài học môn sử, chính trị rồi thả bay đầy sân, khi báo chí phỏng vấn thì các em trả lời: bài học không thật nên không muốn học. 

Nhân vật lịch sử mà còn biến từ không ra có như Lê Văn Tám, một nhân vật hư cấu, chỉ có trong…truyện. Vậy mà còn dám dạy học sinh về “anh hùng yêu nước Lê Văn Tám”, rồi đặt tên trường học, tên công viên…

Đặc biệt là thày cô dám giảng dạy những điều không thật đó một cách trơn tru như thật! Đánh trận thì kê số “quân địch bị tiêu diệt” cao vút, còn “quân ta” chết như rạ thì bớt xuống, hoặc không nói tới.

Trường học đã vậy, còn trường đời là cả một sự gian dối vĩ đại và khủng khiếp. Chỗ nào trên đường phố, trường học, chợ búa, công sở cũng đầy những biểu ngữ “học và làm việc theo gương bác Hồ vĩ đại”. Mà với tình trạng internet hiện nay thì ai còn lạ gì “phẩm hạnh” của Hồ Chí Minh?

Trường không đào tạo đức dục, hay miệng nói mà vô tâm, khiến học trò về nhà không biết chào hỏi người trên, không ngay thẳng, hay đánh lộn, làm biếng học. Còn bài học sống động là thày cô thì… vô cùng khó nói. Thày cô cũng gian dối, làm láo báo cáo hay, tâng công, lấy điểm, chà đạp lên đồng nghiệp mà đi. Nhiều thày cô thiếu phẩm chất đạo đức một cách trầm trọng, mà vẫn cả gan dám đứng trên bục giảng để dạy học trò. 

“Thày nào trò nấy”, vì thày cô là khuôn đúc, là kẻ gieo trồng người. 

Thực trạng và hậu quả của nền giáo dục phản giáo dục

Các nhà giáo khi chọn nghề giáo dục giới trẻ, hẳn các vị phải mang trong người một lý tưởng cao cả: đó là xây đắp, vun trồng cho thế hệ mai sau những rường cột vững chắc, những người chủ xứng đáng. Chính vì thế mà nghề giáo mới là nghề cao quý đáng trân trọng. Nếu không vì mục đích đó, mà lại vào ngành Giáo, thì có câu này dành cho các vị: 

Chỗ “thày” ở chốn chợ trời,
Nhưng sao “thày” lạc vào nơi chốn này?
“Trồng người” không phải nghề thày, 
Bán buôn nơi khác, xin thày, thày ơi!

Không có mục đích xây dựng con người, mà vào học đường với mục đích kiếm sống, hay kinh doanh làm giàu, kiếm danh lợi, thì thật là vô đạo đức và vô cùng nguy hiểm cho xã hội, cho đất nước, không chỉ một thời gian, một thế hệ, mà nhiều thế hệ sau nữa phải hứng chịu, do cái “độc chất” mà kẻ đó gieo vãi, rồi nó lan truyền ra! Phải đau lòng mà nói rằng ngành giáo ngày nay lại gồm phần nhiều những “nhà kinh doanh giáo dục” hơn là “nhà giáo dục”! Cả những kẻ vô đạo, kẻ nham hiểm muốn khuynh đảo xã hội bằng cách đầu độc giới trẻ của học đường! Người dân chúng tôi biết rõ, một số kẻ từng là những học sinh vừa kém trí dục lẫn phẩm hạnh, nhân cách, thậm chí là du côn, mà nay đang làm tại Sở, Bộ Giáo Dục với quyền nọ chưc kia, khiến bạn học cũ biết được phải…phát sợ! Thử hỏi với những bản chất ấy, khả năng ấy, thì ngành này sẽ ra sao? Nhưng đó là thời của họ, vì họ thuộc loại “con ông cháu cha” của CS!

Chúng ta nên hiểu rõ trách nhiệm nặng nề của nhà giáo: đó là trách nhiệm với non sông tổ quốc, đã từng được quy định từ ngàn xưa: “LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC”, hoặc “QUỐC GIA HƯNG VONG, THẤT PHU HỮU TRÁCH”! “Thất phu” đó chính là chúng ta, những nhà giáo, trước khi là những thành phần xã hội khác!

Muốn tìm nguyên nhân của sự xuống cấp nhân cách, đạo đức của giới trẻ, muốn biết vì sao họ là những con người ích kỷ, hèn nhát, vô cảm, vô trách nhiệm với gia đình, với xã hội, với đồng bào, đồng loại, họ ra những hình thù méo mó về nhân cách và lương tâm, thì hãy kiểm tra lại các cái “khuôn đúc” nên họ! 

Chúng tôi là những người sống ở miền Nam, nên chỉ xin nói về tình trạng ở miền Nam: sau năm 1975, hầu hết tập thể nhà giáo như đang đi trên đường mà bị lọt xuống hố! Một số cam chịu làm thân nô lệ để tồn tại, mặc dù nó có ra sao! Còn một số thì bỏ nghề vì mất lý tưởng, vì ý thức rằng không thể giữ tròn khí tiết, nhưng cũng không thể làm sai với lương tâm, vi phạm đạo làm thày! Sau đó, MỘT NỀN GD MỚI RA ĐỜI: NỀN GD XHCN, VỚI MỘT ĐỘI NGŨ GỒM NHỮNG PHẨM CHẤT MỚI, được dần dần hình thành:

1. TÍNH ƯƠN HÈN THỂ HIỆN TRONG CON NGƯỜI NHÀ GIÁO!

Khi miền Nam vừa bị mất về tay CS, tất cả đều hoang mang, sợ hãi, kể cả nhà giáo, là những người không bị coi là có “nợ máu” với ai. Từ quá sợ CS với bản chất KHỦNG BỐ, nên nhà giáo dần trở nên HÈN NHÁT, bảo sao nghe vậy, không dám phản kháng, chỉ một thiểu số rất rất nhỏ, là dám nêu những sai trái quá đáng của CS, ngay trong những buổi họp giáo viên, giáo sư! Còn nhớ trong hội trường của trường Minh Đức ở Cầu Muối SG lúc đó, có hàng trăm GS cùng “học tập”, khi cán bộ giảng huấn nói: “Ở ngoài Bắc bây giờ nông thôn toàn nhà ngói đỏ, nông dân ra đồng làm ruộng toàn mặc quần áo trắng”. Hay một cán bộ khác nói: “Ở miền Nam sống theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, nên nhà nào cũng giữ truyền hình, tủ lạnh, máy lạnh trong nhà cho riêng mình, còn ở ngoài Bắc XHCN, TV, tủ lạnh, máy lạnh để đầy đường cho mọi người cùng hưởng chung”. Hay một cán bộ khác lại tuyên truyền: “Miền Nam mọi người chỉ biết dùng sữa bò, ngoài Bắc thì có đủ thứ sữa: bò, dê, chó mèo…, ai thích dùng gì thì dùng không thiếu”! Tất cả hội trường im lặng! Mãi khi kết thúc, cán bộ hỏi ai có ý kiến gì, thì một người trong chúng tôi thấy không thể chịu nổi cái NHỤC, đã đứng lên. Nhóm cán bộ tuyên giáo hớn hở chờ nghe một lời tâng bốc ca ngợi như mọi khi, nhưng không, đây là câu phát biểu của đồng nghiệp chúng tôi: 

- Cán bộ nói ở Bắc miền quê toàn nhà ngói, còn mẹ tôi từ Bắc vào nói quê tôi toàn nhà lợp rạ, thậm chí còn cả vách đất, nhiều làng bên cạnh cũng vậy. Còn đi làm ruộng chân lấm tay bùn mà mặc đồ trắng hết, chắc đó là đám TANG! TV, tủ lạnh, máy lạnh đem ra đường, chắc đó là những món đồ hư bỏ đi!

Cán bộ thì tái mặt, nhưng không dám tranh luận, lấy lý do hết giờ, và ném cho người có ý kiến những tia mắt nảy lửa, sắc như dao cứa cổ! Tập thể GS thì chỉ dám…sướng trong lòng, rồi lục tục kéo nhau về, không ai dám đến gần đồng nghiệp vừa phát biểu vì sợ họa lây!

Trong trường của chúng tôi, mọi thày cô đều răm rắp tuân thủ những mệnh lệnh, kể cả những “chỉ tiêu” lao động thật phi lý như chăn heo, thả cá trong sân trường… mà ban giám hiệu (BGH) đề ra, các thày cô cũng ráng “đạt” cho được! Nhưng tệ hại nhất là có những hiện tượng “đội, đạp” rất vô tư cách, những “hăng say” giả tạo, dù sau lưng BGH thì than như bọng! Thày cô nào cũng ráng làm vui lòng BGH, cho điểm cao những học trò tham gia “đoàn, đội”, mặc dù có những em đi sinh hoạt hết giờ, chẳng học hành bài vở gì, nhưng theo đề nghị của BGH, hay theo sự đút lót của phụ huynh, cũng ráng cho được điểm trung bình để không phải ở lại lớp, mặc dù trong đầu học sinh đó không có chút gì kiến thức! “Giáo án” để nộp cho BGH ráng làm thật hay, còn giảng dạy lại chẳng ra gì hay dạy không hết! Bài dạy thì nhiều khi sai sự thật, lận chân-giả, nhất là những môn văn hoặc sử, mà thày cô cũng ra sức giảng, như không còn dùng đến lương tri, lương tâm. Tóm lại họ thành những con vẹt, mất phẩm cách!

Trước những sự gian manh giả trá hay sai trái, thày cô làm lơ không lên tiếng! Có những thày cô hàng ngày xách cặp chui vào cái trường mang tên LÊ VĂN TÁM, một “anh hùng” bịa đặt chỉ có trong tưởng tượng, nhưng có thầy cô nào thắc mắc hay lấy làm xấu hổ? 

Với sự phát triển của internet, ngày nay cô thày là những người đi tiên phong trong việc sử dụng máy vi tính, nếu có học trò nào thắc mắc: “Thưa thày, bác Hồ có phải là người vĩ đại, hay là tên dâm đãng, ác ôn?”, liệu có thày cô nào dám trả lời bằng sự thật, hay là vòng vo rồi lẩn tránh, hoặc tệ hại hơn, còn phạt nặng, đề nghị đuổi học? Nhà giáo có dám chỉ ra những kẻ bán nước, hại dân? Cũng không thấy nhà giáo lên tiếng, hay hiện diện trong các cuộc biểu tình chống xâm lăng TC, hay ủng hộ dân oan, nhưng thấy nhà giáo sẵn sàng cấm thi, tống cổ HS, SV ra khỏi trường khi HS, SV tham gia bảo vệ Tổ Quốc, như trường hợp của Phương Uyên, Nguyên Kha! Đó chính là sự ươn hèn và vô liêm sỉ của chúng ta, những “người thày” của thiên hạ!

2. ĐỒNG TIỀN GIAN DỐI, BẤT CHÍNH LƯU HÀNH TRONG HỌC ĐƯỜNG, TRONG NHÀ GIÁO!

Điều này thì không ai không biết, từ BGH đến thày cô giáo, không một ai là không nhận quà cáp, tiền biếu xén, cả tiền mua chuộc của học trò hay phụ huynh! Thày cô dùng ĐIỂM CHO, LỜI PHÊ của mình để làm áp lực, làm tiền! Lương tâm nhà giáo ngủ yên khi thấy phụ huynh è cổ, tối mặt lo đóng đủ thứ tiền cho con em, vô cảm khi thấy học trò phải bỏ học vì không có tiền đóng! Thậm chí học sinh chết vì đói, tự tử vì không lo được tiền trường, có thày cô nào lên tiếng, động lòng? Nhưng thày cô nào cũng vênh vang, phấn khởi khi nhận được nhiều quà, nhiều bao thư của phụ huynh. Ngày “nhà giáo” là ngày hội hè sung sướng của thày, nhưng là ngày đau đầu khổ não của phụ huynh, ngày uất hận và tủi hờn của nhiều học sinh nghèo không có bao thư hay quá biếu, thày cô vẫn mặc kệ, sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi!”. Các vị xúm nhau bày ra đủ thứ “phí” để đè lên đầu phụ huynh, các vị nghĩ ra đủ thứ lớp, thứ sản phẩm để ép buộc học sinh phải theo, phải mua, để thu lợi cho mình bằng cách bóc lột của học trò, của người dân, đâu có khác gì các tham quan ô lại?

3. NHÀ GIÁO CHƯA ĐỦ PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC!

Kinh doanh giáo dục kiếm lợi nhuận, tham tiền bạc, địa vị nên thành gian dối, nói láo, lơ là trước những hoàn cảnh đáng thương của môn sinh, nhưng đáng ghê sợ nhất là sự dâm loạn của những thày giáo, hiệu trưởng mua dâm học trò như hiệu trưởng Sầm Đức Sương, quan hệ không lành mạnh với đồng nghiệp, với người ngoài, đó là những quả bom nổ vào đầu óc non trẻ của học trò, tàn phá tâm hồn trong trắng của chúng, mà nhiều nhà giáo đã từng làm! Điều này thật phản giáo dục, thật KHÁC XƯA, khiến xã hội xuống cấp, đổ vỡ! Những “hiện tượng thời đại” này tuyệt nhiên không thấy có trong xã hội cũ ở miền Nam, hay trước khi có nền GD XHCN ở miền Bắc do CS mang vào! Xã hội cũ chưa từng có cảnh cô giáo đánh học trò nhỏ bị trọng thương đưa đi cấp cứu, không thể có cảnh cô giáo nhốt học trò rồi để quên đến chết! Cũng không có cảnh thày trò đi ăn chơi xả láng để đổi tình lấy điểm!

4. SỰ THIẾU TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ GIÁO:

Học sinh dốt, học sinh hư hỏng, học sinh bị nhồi nặn trong gian trá, học sinh không thành người mà thành ngợm, thành gian manh, hút nghiện, dâm ô, bạo lực, chẳng thày cô giáo nào bận tâm, không nhận một trách nhiệm gì, luôn thấy mình là cao quý, hoàn hảo, mặc cho xã hội nhiễu nhương với những “sản phẩm” mà mình sản xuất ra! Thật chưa thấy thời nào mà nhà giáo vô trách nhiệm đến như thế! Dĩ nhiên sự sa đọa, hư hỏng của giới trẻ còn có trách nhiệm của gia đình, của xã hội, nhưng TRÁCH NHIỆM CHÍNH KHÔNG AI KHÁC NGOÀI NHÀ GIÁO, với sự lệch lạc, giả trá, ích kỷ, được “phát đi” đi từ bản thân nhiều nhà giáo! Không làm được cũng phải có tiếng nói! Với trách nhiệm của người thày, người khai sinh ra đứa trẻ một lần thứ hai, thì cũng phải lên tiếng kêu gọi, phải có kế hoạch chấn hưng đạo đức, chấn chỉnh học đường, chứ còn đợi ai phải vào quét dọn “căn nhà” của các vị?

Trước cảnh nước nhà bị suy vong, đe dọa mất nước, nhà giáo ở đâu, làm gì? Câu “Lương sư hưng quốc”, hay “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, các nhà giáo đã quên, hay phủ nhận? 

Cái thiếu sót không thể bỏ qua của nhà giáo, là KHÔNG GIÁO DỤC, KHÔNG LÀM GƯƠNG CHO HỌC TRÒ VỀ LÒNG YÊU NƯỚC THƯƠNG NÒI, VỀ CÁCH SỐNG LÀM NGƯỜI, nên ngày nay giới trẻ mới thờ ơ với đất nước, với đồng bào, và lệch lạc trong suy nghĩ, trong hiểu biết, trong cư xử! TÍNH HÈN NHÁT, VÔ CẢM, VÔ TRÁCH NHIỆM học trò cũng được thừa hưởng từ các thày cô! Sự gian dối, tham lam, ích kỷ, cũng có phần được “truyền cảm hứng” từ thày cô giáo, là những “thần tượng” của học sinh, sinh viên! Một đêm không ngủ được, tôi tình cờ xem vở tuồng “Chu Văn An, thày giáo của mọi thày giáo”, mà cảm thấy vô cùng xấu hổ về giáo giới hiện nay! Ông là quan đại phẩm của triều đình, nhưng đã từ quan, trao ấn để về mở trường dạy học. Học trò của ông nhiều người rất tài giỏi, là vua, là hoàng hậu, là đại quan trong triều lúc đó. Vậy mà khi vua sai đạo làm vua, a dua theo bọn gian thần, ông đã cảm thấy tủi hổ và đứng ra nhận trách nhiệm trước dân chúng: “Tôi là người có lỗi, vì đã tạo nên đám học trò bất xứng này”! Và ông đích thân vào gặp vua, dùng roi đánh vua 3 roi ngay tại triều đình, rồi quỳ tạ tội và sẵn sàng nhận án phạt vì “phạm tội khi quân”. Nhưng sự trung trực và đạo đức sáng ngời của ông, đã khiến vua dù tự ái, dù quyền uy, vẫn không dám xúc phạm thày mình, đúng là “LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC”! Còn ngày nay, hẳn các quan chức cũng phải có thày cô dạy dỗ thời nhỏ. Thày cô giáo XHCN đã đào tạo nên bao học trò quyền cao chức trọng mà vô đạo, những chủ tịch, giám đốc, bộ trưởng, thứ trưởng…, sao không thấy một ai lên tiếng can ngăn, mà chỉ thấy vui vẻ nhận quà, vinh vang vì trò…làm lớn, mặc dù trò và thày cùng nhuốc nhơ! Thày cô nay cũng trọng phú khinh bần, cũng tích cực “tìm nơi có chức mà gửi thân”, tìm nơi có tiền để hưởng lợi!

Trách nhiệm chính: Hệ thống giáo dục hiện tại và những nhà giáo thiếu phẩm chất!

Nhận trách nhiệm, đó là chút liêm sỉ cuối cùng của nhà giáo!

Giáo dục có 3 phương cách: VĂN GIÁO, THÂN GIÁO VÀ PHÁP GIÁO. 

Pháp giáo là áp dụng kỷ luật, dùng biện pháp trừng phạt để răn đe, sửa phạt học trò, phương pháp này giờ đây đã được loại bỏ. Hai phương pháp còn lại, thứ nhất là “văn giaó” (dùng lời nói để dạy bảo), thì thày cô giáo ngày nay đã theo đúng đường lối chính sách của nhà nước, là NÓI MỘT ĐƯỜNG, LÀM MỘT NẺO, lời nói không đi đôi với việc làm, nên học trò cũng lập lại vậy! Thứ nhì là “thân giáo” (lấy bản thân, cách sống của thày, của cha mẹ, của người lớn để dạy bảo trẻ), thì đúng là thời nay làm rất “xuất sắc”: GIAN, GIẢ, KHÔNG TRUNG THỰC, ÍCH KỶ, VÔ ĐẠO ĐỨC, BẤT TÍN, BẤT TRUNG, VÔ NH N, BẠC NGHĨA, BẠO HÀNH, VÔ TRÁCH NHIỆM! Cả trường học và trường đời đều thi nhau dạy cho học trò, cho giới trẻ những gương sống đó, hỏi sao họ không trở thành những con người mang hình ảnh của “khuôn đúc”?! Xã hội đã không làm đúng, gia đình đã không làm đủ, còn trông cậy vào “HỌC ĐƯỜNG LÀ LÒ ĐÚC NH N TÀI”, thì thày cô với 4 “phẩm chất nổi trội” trên, cho nên GIỚI TRẺ NGÀY NAY KÉM CỎI PHẨM HẠNH, ÍCH KỶ, VÔ CẢM VỚI TỔ QUỐC, ĐỒNG BÀO, LÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH CỦA CÁC NHÀ GIÁO, là hoàn toàn chính xác! Bao giờ THAY KHUÔN, SẼ THAY ĐỔI SẢN PHẨM ĐƯỢC ĐÚC RA TỪ KHUÔN ĐÓ!

Dù đã từ biệt ngành GD từ lâu, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ray rứt trước hiện trạng GD hôm nay! Chúng ta có lỗi với Tổ Quốc, với dân tộc, với vong linh của tiền nhân, với thế hệ trẻ, chúng ta hãy tự làm một cuộc cách mạng bản thân, hãy can đảm vùng dậy, hãy lãnh đạo hay chung vai sát cánh với những người trẻ yêu nước, để thay đổi xã hội, phục hưng nền đạo đức, văn hóa của dân tộc VN, đừng để ô nhơ danh dự của nhà giáo!

Mong những tiếng nói này sẽ cảnh thức các nhà giáo VN, nếu muốn xã hội VN lành mạnh, có được những người trẻ đầy trách nhiệm với tương lai, với gia đình, và với tiền đồ Tổ Quốc, như giới trẻ tại Hongkong bây giờ! NHÀ GIÁO VN HÃY UỐN LẠI MÌNH, ĐỂ LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM , CHẤN HƯNG ĐƯỢC XÃ HỘI, và giữ được phẩm chất buộc phải có của người đứng trên bục giảng, như ngày xưa! Người ta có thể dễ châm chước cho những người làm các ngành nghề khác, nhưng không thể bỏ qua cho những người được mệnh danh là THÀY DẠY!

LỜI CUỐI CỦA CHÚNG TÔI: thành thật xin lỗi những nhà giáo chân chính còn sót lại, phải “sống chung với lũ!”, và tuyệt đối nghiêng mình kính phục những gương người thày như nhà giáo Nguyễn Đăng Khoa (chúng tôi xin lỗi, nếu nhớ lầm) ở Hà Nội, công khai tranh đấu cho một nền GD chân chính, thày giáo Đinh Đăng Định vừa mới bỏ mình vì tù đày, do tranh đấu cho sự trường tồn của Tổ Quốc, hay nhà giáo Nguyễn Minh Hoàng, vừa ra khỏi tù, chỉ vì muốn gieo rắc cho học trò những điều chính trực, và còn nhiều nhà giáo liêm chính ẩn danh khác mà chúng tôi không biết được, một lần nữa xin thứ lỗi!