Hằng năm, cứ đến tháng Chín âm lịch, khắp miền Trung oằn mình chịu thiên tai, mưa bão, lũ lụt tàn phá thì đây cũng là lúc các lâm tặc hoành hành mạnh nhất, có thể nói mùa mưa lũ là mùa làm ăn bội thu của lâm tặc. Dựa vào dòng chảy thác lũ, dựa vào lúc tai mắt nhân dân không chú ý và đây cũng là thời cơ vận chuyển gỗ rừng thuận lợi nhất, ít tốn kém nhiên liệu nhất, các lâm tặc tha hồ kết gỗ rừng thành từng bè, từng mảng, thả theo dòng chảy xuôi về đồng bằng. Rừng oằn mình sau mỗi trận lụt.
Khai thác và ém gỗ chờ thời cơ
Một chủ trại cưa gỗ rừng ở Quảng Ngãi yêu cầu giấu tến, chia sẻ:
“Thì cũng lai rai chứ mùa mưa thì ít xẻ, ở trên kia về thì không an toàn đâu, gỗ có giấy tờ thì nó an toàn, còn không có giấy tờ thì không an toàn đâu, mình sẽ bị mất. Toàn dân đi lậu hết, có chung chi hết, không phải dễ đâu, qua biết bao nhiêu trạm. Tóm lại là nếu có gỗ về thì cứ gọi cho anh, anh sẽ xử lý.”
Toàn dân đi lậu hết, có chung chi hết, không phải dễ đâu, qua biết bao nhiêu trạm. Tóm lại là nếu có gỗ về thì cứ gọi cho anh, anh sẽ xử lý.
-Một chủ trại cưa
Theo ông này, thường mùa mưa là mùa thất nghiệp của nhiều ngành nghề ở miền Trung, nhưng riêng công việc xẻ gỗ trong cơ xưởng của ông thì hoạt động hết công suất, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lượng gỗ đổ về nhiều vô kể, đương nhiên là gỗ khai thác trộm của các lâm tặc. Lúc này, ông chỉ có một yêu cầu duy nhất để thương lượng với các tay lâm tặc là họ phải mang từng phần gỗ vào cơ xưởng, xẻ xong thì họ phải đưa đi khỏi khu vực cơ xưởng ngay tức khắc và nếu gặp gỗ cũ nhóm I như Lim, Chò, Sến, Kiền Kiền, Gõ... Thì họ phải chịu thêm chi phí lưỡi cưa cho ông bởi nhóm gỗ này rất cứng nếu đốn hạ quá lâu mới cưa xẻ.
Lý giải việc tại sao các lâm tặc khai thác gỗ ồ ạt trong mùa mưa lũ mà lại có gỗ nhóm I đã khai thác lâu ngày, khiến ông phải tính chi phí lươi cưa, ông này nói rằng thực ra, lượng gỗ mà các lâm tặc khai thác trong mùa lũ là rất nhiều nhưng không phải là chiếm toàn bộ số gỗ được kết bè thả về xuôi. Mà trước đó, kể từ tháng Giêng âm lịch, các lâm tặc đã bắt đầu khai thác gỗ, họ dựng ngay xưởng cưa trong rừng, dùng động cơ dầu diesel để xẻ thành khối đưa về xuôi. Những cây gỗ nào quá lớn hoặc có vân vặn vẹo, không thể cưa được bằng máy cưa động cơ dầu, họ tập kết sang một vị trí thuận lợi đợi đến mùa mưa lụt lại đưa về đồng bằng.
Thường thì mỗi bè gỗ có một người ngồi trên đó, nếu gặp cơ quan chức năng tuần tra thì chỉ cần nhảy xuống nước, vịn bè gỗ mà bơi theo dòng nước qua khỏi đoạn có kiểm tra. Cách làm như thế không phải là để tránh cơ quan chức năng mà là để thể hiện thiện chí, cho thấy lâm tặc vẫn luôn xem kiểm lâm là đàn anh, biết vuốt mặt nễ mũi một chút. Chỉ cần chừng đó thôi, gọi là lấy lòng anh em với nhau cho khỏi bị hỏi vặn chứ trên thực tế thì đã có chung chi với nhau cả rồi, thậm chí ăn chia tỉ lệ mà trong đó, kiểm lâm luôn chiếm phần lớn, một số chỉ huy kiểm lâm đồng thời là ông trùm của các lâm tặc, đưa gỗ về xuôi tuy mang danh là gỗ lâm tặc nhưng thực chất là gỗ của kiểm lâm chứ chẳng phải ai khác.
Và cũng chính vì thế mà hàng loạt các xưởng cưa lưu động luôn có mặt trong rừng, kiểm lâm sẽ thông báo cho một số lâm tặc biết chung chi, ăn chia trước khi đi càn quét chừng ba ngày. Mỗi đợt càn quét của kiểm lâm không phải là để triệt tiêu lâm tặc mà là dằng mặt những lâm tặc bướng bỉnh, cứng đầu, không biết ăn chia. Chính vì thế, lần truy quét nào, kiểm lâm cũng có thành tích. Nhưng đó chỉ là thành tích sắp đặt với nhau để tiêu diệt những con ngựa non háu đá, còn những con ngựa già biết điều thì vẫn ung dung ngồi chơi xơi nước để chờ khi yên tĩnh thì tiếp tục khai thác rừng. Nói chính xác là nạn khai thác rừng ồ ạt, tàn phá rừng có hơn 70% sự tham gia của kiểm lâm, tỉ lệ tham gia của lâm tặc chỉ chiếm 30% còn lại.
Để chứng minh mình nói không sai, ông chủ xưởng cưa này đưa ra một dẫn chứng, mức lương hiện tại của một kiểm lâm lâu năm không thể nào vượt quá hai mươi triệu đồng mỗi tháng, và với mức lương này, họ phải làm đến ba kiếp mới mua nổi một chiếc xe hơi hạng sang hoặc xây một khu biệt thự. Nhưng đa phần kiểm lâm đều có biệt thự, xe hơi hạng sang và có nhiều đất ở các khu vực đắt đỏ. Đặc biệt, các biệt thự của họ dùng toàn gỗ nhóm I để ốp tường, ốp trần, lót nền, cầu thang. Thử hỏi, họ lấy đâu ra tiền trong lúc quanh năm suốt tháng rúc rừng, không kinh doanh gì bên ngoài, vợ con họ cũng chỉ đi chơi, đánh bạc?!
Rừng "chảy máu", đời sống đồng bằng "mưng mủ"
Một nông dân từng tham gia khai thác gỗ thuê cho các đầu gấu lâm tặc, cũng yêu cầu giấu tên, chia sẻ:
Nó bán cho mình xong rồi, mình vận chuyển đi thì nó điện cho kiểm lâm, mình mà không chung đủ là bị bắt luôn. Giá có hết rồi, có lệ rồi!
-Một người giấu tên
“Nó vô là chung đủ, nó bán rồi, lấy tiền của mình rồi, tự mình phải lo qua trạm. Qua trạm mình phải chung đủ hoặc là bị bắt luôn. Nó bán cho mình xong rồi, mình vận chuyển đi thì nó điện cho kiểm lâm, mình mà không chung đủ là bị bắt luôn. Giá có hết rồi, có lệ rồi!”
Theo người nông dân này, khoảng thời gian khiến ông ân hận và ray rứt nhất trong cuộc đời chính là giai đoạn đi khai thác gỗ rừng. Bởi ông có sức khỏe hơn người và biết tính toán hướng ngã của cây cũng như nắm biết đặc tính của từng loại cây nên các đầu gấu lâm tặc giao cho ông cầm cưa. Chỉ riêng bản thân ông, mỗi ngày có thể hạ từ ba đến năm cây Kiền Kiền hoặc Chò. Đây là nhóm danh mộc của rừng miền Trung, thậm chí, có ngày ông hạ đến hai cây Huỳnh Đàn. Và theo ông cho biết là lượng gỗ Huỳnh Đàn bán cho Trung Quốc bị khai thác từ các cánh rừng miền Trung nhiều gấp hàng trăm lần những con số công bố trên báo chí.
Và đương nhiên với gỗ Huỳnh Đàn, kiểm lâm hưởng 80%, dân khai thác hưởng 20%, đây là qui tắc bất di bất dịch, trừ những lâm tặc liều lĩnh chơi xong một vố rồi bỏ nghề mới dám ăn hết tiền bán gỗ Huỳnh Đàn. Nhưng trường hợp này rất hiếm vì đầu ra của gỗ Huỳnh Đàn nằm trong tay kiểm lâm, các lâm tặc khó bề qua mặt được. Còn các loại gỗ khác thì miễn bàn, mỗi ngày, rừng miền Trung có thể mất đi hàng ngàn cây gỗ, đây là con số rất đỗi bình thường.
Người nông dân này cũng nói thêm rằng nguyên nhân của sạt lở núi và thay đổi thời tiết theo chiều hướng ngày càng xấu đi là do khai thác rừng vô tội vạ, lớp đệm giữ cân bằng cho nguồn nước bốc hơi và điều tiết dòng lũ đã mất hẳn. Với đà khai thác này, một ngày nào đó, nước trên các đồi trọc sẽ cuốn phăng các đập thủy điện và nhấn chìm đồng bằng.
Lại một mùa mưa lũ nữa đang âm ỉ hoành hành, và các lâm tặc cũng bắt đầu mùa bội thu của họ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Trung ương chuột lớn cắn nhau
Địa phương chuột nhí đằng sau hoành hành
Ngủ "say" trong chốn thiên đàng (*)
Nóc, kèo chuột đục, tường hang chuột đào
(*) Xã Hội Chủ Nghĩa
Cái thời mạt đảng triều Hồ
Thế gian điên đảo cõi bờ rung rinh