Sunday 16 November 2014

Việt Nam, Con Người và Tư Tưởng : Nếu Lý Thuyết Thất Bại, Hãy Trở Về Với Học Thuyết - Phan Văn Song

Từ bao nhiêu năm nay, cùng với các bạn bè cùng gốc tỵ nạn Cộng sản ở Hải ngoại với nhau, chúng tôi thường tự vấn tại sao vận nước Việt Nam ta cứ mãi lôi thôi thế nầy? Ngày 9 tháng 11 va qua, Thế giới, Âu Châu, nước Đức và đặc biệt thành phố Bá linh kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ.

Sau thế chiến nước Đức thua trận, nước Đức chia đôi, Năm 1950, Bức tường Ô nhục. Năm 1954, Việt Nam chia đôi, con sông Bến Hải đầy uất hận.

9/11/1989, Bức tường Ô nhục sụp đổ, nước Đức thống nhứt quang vinh. 2014 nước Đức đệ nhứt quốc gia Âu Châu, đầu tàu kinh tế Âu chậu.

30/04/1975, con sông Bến  Hải xóa lằn ranh, Việt Nam Cộng hòa bức tử, 3 triệu người tỵ nạn, gần triệu người bỏ xác dưới biển cả, trong rừng sâu…bao gia đình tan tác. 2014 Việt Nam tiếp tục đội sổ nước phát triển, đệ nhứt  ăn xin, cầu cạnh người tiếp viện giúp đở… 2014 Việt Nam đệ nhứt xuất cảng lao động, đỉ điềm, kỹ nghệ công nghiệp dân thì thi công, dán giày, ráp áo, …quan thì thụt kết, tham nhũng, rút ruột công trình.

Với một chui dài đấu tranh chống độc tài, chống thực dân, chống Phát xít, chống Cộng sản, chúng ta đầy những lý thuyết chống, từ lý thuyết Cộng sản chống Tây, chống Mỹ, chống Tư bản, chống người Lạ, tàu Lạ, …đến lý thuyết Chống Cộng chống Tàu…chống ngoại lai, chống thằng láng giềng, chống thằng chống … nhưng  không có một chủ thuyết xây dựng.

Người Việt Nam chúng ta thường thích tham khảo, học gương người, thích lý luận, thích bàn luận trao đổi với nhau… nhưng cùng một ý . Vì thế  đến ngày hôm nay, sau bao năm tháng lưu lạc nơi quê người người Việt hải ngoại chúng ta cũng chưa đồng thuận để cùng tạo một lý thuyết, để cùng có  một ý nhiệm xây dựng lại một Việt Nam tương lai, cùng chung một viễn tượng Việt Nam,  có một thay đổi khả dĩ, cho một ngày mai, hậu Chế độ Cộng sản.

Và cá nhân chúng tôi cùng các bạn bè chúng tôi, vương vấn ngày đêm ôm ấp, lay hoay với những suy nghĩ ấy.

Trong một buổi họp Hội Sư Tử Lions Club International, tôi gặp lại anh Sư Tử bạn, Giáo sư  Jacques Garello, cựu Giáo sư Kinh tế Đại học Aix-Marseille - Pháp. Anh em hàn huyên, và bàn chuyện thời sự, đến cuộc khủng hoảng ngày hôm nay của Âu Châu và Pháp. Khủng hoảng kinh tế chánh trị xã hôi đã đành, nhưng khủng hoảng cả quan niệm chánh trị, cách thức làm chánh trị và ngay cả lý thuyết chánh trị và trầm trọng hơn cả không có một suy nghĩ  Triết lý Chánh trị. Tuần qua, nhận được một gói quà của Jacques. Mở ra cuốn sách cũ của tác giả Daniel Villey (1910-1968), viết năm 1967. Cuốn sách mỏng tựa : Đi tìm một học thuyết kinh tế- À la recherche d’une doctrine économique Editions Génin-Paris 1967, với đề tặng của Jacques, «đọc đi để nhớ lời Thầy và để trả lời những thắc mắc của tụi mình.( Lis le, à la mémoire des paroles de notre Maître et pour répondre à nos questions ..)

Tác giả Daniel Villey, Thầy của chúng tôi những năm 1963/1964,  năm chúng tôi học năm thứ ba Viện Khoa học Chánh trị Toulouse, môn Triết học Luật khoa. Thầy Daniel Villey là Giáo sư những Trường Luật Paris, Caen và Poitiers về môn Triết học  Luật Khoa - Philosophie du droit.

Sau thế chiến 2, Thầy Villey rất bi quan khi thấy môn kinh tế học tách rời ngành triết lý xã hội, để đi vào một hướng « tự cho rằng » tích cực và trung lập. Ngoài ra kinh tế học còn đi chệch hướng qua cái nhìn  kế toán và toán học. Thầy tiên liệu một sự thất bại của một  Đại học hoàn toàn dựa vào kỹ thuật, và từ nay trở về sau sanh viên sẽ đi vào một con đường hoàn toàn thiếu hẳn một nền tảng  «văn hóa nhân bản». Thầy bắt đầu vận động để thành lập và giảng dạy môn «Triết học kinh tế». Thầy Villey chia các  kinh tế gia thành hai nhóm: nhóm 1 các « kiến trúc sư » và nhóm 2 các « thầy thuốc ». Nhóm đầu thích lý luận tổng quát một cách trừu tượng-in abstracto và  thích cải tổ các cơ chế và các hình thức kinh tế, nhóm 2, mà Thầy ủng hộ, không đụng vào sửa đổi cơ chế kinh tế nhưng thích ứng xử để tùy cơ ứng biến, để cơ chế kinh tế  hôi nhập, dung hòa với thời cuộc.  

Đi tìm một học thuyết kinh tế : Với luận đề nầy, tác giả tiên liệu những thắc mắc, những câu hỏi của tuổi trẻ Pháp trước thời cuộc. Lúc ấy, vào năm 1967,  tác giả tiên liệu được cuộc bùng nổ của Cách mạng Sinh viên tháng 5, 1968. Sinh viên xuống đường biểu tình và đòi quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng…Và tác giả cũng đặt vấn đề là phải đi tìm một học thuyết.

Nước Pháp năm 1967 đang đầy thành công với những lý thuyết chánh trị và kinh tế của chủ nghĩa và quan niệm của Tướng De Gaulle, người anh hùng đã giải phóng nước Pháp khỏi ách NaZi. Nhưng Gaullisme - Chủ nghĩa De Gaulle cũng đang nhốt tuổi trẻ Pháp trong một khuôn khổ khô cằn cứng rắn, với một quan niệm  của một xã hội trước thế chiến 2, với những giá trị xã hội lỗi thời, bịt mắt mọi tầm nhìn, bịt mồm mọi lời nói, bịt tai mọi khúc nhạc tân thời  …Nước Pháp lúc ấy, đang trên đường xây dựng, giàu có, con cái học hành giỏi, bắt đầu có những kỹ thuật mới, … nhưng dân Pháp vẫn còn bị giáo dục huấn luyện như những con người máy, nói hành động như những con két, và kết quả xã hội Pháp đang sống trong trạng thái Adolisme -trạng thái vô học thuyết, hay phi học thuyết, thờ ơ, sống qua ngày, nhút nhát, chỉ muốn hưởng thụ, trùm chăn..

Vì vậy, với cuốn sách nầy, Thầy Villey, tác giả kêu gọi: hãy bỏ đi những lý thuyết cứng ngắc, lỗi thời, thủ cựu, Hãy mở cửa cho học thuyết, mở cửa cho tưởng tượng, mở cửa cho sáng tạo. Cuốn sách ra đời, chưa đầy năm sau, sinh viên xuống đường, biểu tình đòi tự do cởi mở…Từ đây lịch sử nước Pháp có hai giai đoạn rõ rệt: có một nước Pháp  trước tháng 5 1968, và có một nước Pháp sau tháng năm 1968, hoàn toàn khác nhau.

Từ đấy :

L’imagination est au pouvoir - Tưởng tượng và Sáng tạo nắm quyền.  

1/  Adoxalisme – thái độ chối bỏ học thuyết :

Xin phép quý độc giả cho để nguyên từ ngoại quốc nầy. Anh và Pháp đều dùng từ nầy cả, nghĩa chánh là phủ nhận hay không biết học thuyết là cái gì, tạm dịch phi học thuyết ? hay vô học thuyết ? chúng tôi đề nghị chối bỏ học thuyết – vô tình hay cố ý.  

Sau đây xin dịch những lời  nhận xét của thầy Villey : « Càng ngày càng nhiều người không còn để ý đến những vấn đề  cốt yếu, không còn ai có cái nhìn toàn diện, và không còn ai biết đến bực thang của những giá trị. Người ta có cảm tưởng là những việc ấy vượt ngoài tầm suy nghĩ  của họ, họ cho rằng đó là việc giành cho các chuyên gia, tốt hơn là  không nên để ý đến. Và dần dần từ không để ý, họ thụ động sống không còn suy nghĩ, tò mò hay đặt câu hỏi nữa ». Ôi sao nhận xét ấy, ngày nay vẫn còn rất thời sự như vậy !

Từ cái nhận xét của sự chối bỏ học thuyết đó, Thầy Villey đã tổng hợp những đức tánh sau đây: « Suy nghĩ có học thuyết là trước tiên phải  là một cố gắng kết hợp, hòa hợp tất cả những không gian trí tuệ. Ráp nối những lựa chọn trí thức với những lựa chọn tinh thần khác như đạo đức, chánh trị, mỹ thuật, tôn giáo vân vân …kết hợp lại để hòa hợp tạo thành một khối suy nghĩ chung, thông thoáng - la pensée doctrinale, c’est d’abord un effort de raccordement, d’harmonisation des divers compartiments de l’esprit. Articuler ensemble nos diverses options intellectuelles, les relier aussi bien à mes options morales, politiques, esthétiques, religieuses etc .. organiser ma pensée en un tout cohérent ».

Vậy thì học thuyết là một vận dụng trí tuệ hoàn toàn cá nhơn-personnelle. Và cũng vì lý do đó học thuyết không thể nhầm lẫn với tư tưởng khoa học-la pensée scientifique được, vì tư tưởng khoa học là một tư tưởng vô ngã-impersonnelle, vì kết quả của khoa học là một kết quả được tất cả mọi người chấp nhận !. « Khoa học là quan niệm, là cái nhìn  độc nhứt. Trái lại, Học thuyết là đa dạng, là đa nguyên- La science est une. Il est des  doctrines d’être plurielles». Và, cũng vì lẽ ấy, học thuyết dễ đem đến  sự sùng kính và sự nhiệt thành vì «ai đã lở tạo một học thuyết, họ sẽ sống vì nó, họ sẽ chết vì nó, nghĩa là học thuyết là đời sống họ, học thuyết là hiện hữu của họ- pour quiconque en professe une, sa doctrine est raison de vivre, voire de mourir, c’est-à-dire d’accomplir et signer sa vie ».

2/ Nhưng tại sao ngày nay, thiên hạ đã bỏ quên đi học thuyết?:

Thầy Villey nói đến thuyết định mệnh-le déterminisme (học thuyết để làm gì ?) Thầy nói đến thuyết nghi ngờ, hay hoài nghi-le scepticisme (học thuyết dùng để che lấp sự thật?), Thầy cũng nói đến cái tật cố hữu tránh né của con người, cái tánh an thân, tránh né, sống yên thân, … an thân đến  nhút nhát - la pusillanimité (chiến tranh, đánh nhau, nhưng để làm gì?, tại sao ta phải tình nguyện đi đánh nhau ?). Những nhận xét ngày nay vẫn còn thời sự trên khắp mọi quốc gia và đặc biệt ở Việt Nam ta. (dân ta đã khổ vì bao năm chiến tranh, nay ta nên tránh chiến tranh)  

Để tìm hiểu, chúng tôi xin phép được nói đến lịch sử, xin được đề cập đến lịch sử nhân loại từ thế kỷ 20 nầy.

Thế kỷ 20, là thế kỷ của các lý thuyết - idéologies, và các lý thuyết đã đưa thế giới đến nạn độc tài-totalitarisme . sau đây xin trình bày một  nhận xét: lý thuyết-idéologie là cái đảo ngược  của học thuyết - doctrine. Lý thuyết là một cái học thuyết dỏm,  vì lý thuyết chỉ  là những  trả lời cho những thách đố của một đời sống và  xã hội tổ chức chung quanh một tư tưởng chính. Trả lời ấy được đề nghị trong một gói hàng chung. Lý thuyết Cộng sản chẳng hạn, người Cộng sản giao cho chung ta một chìa khóa hiểu biết để mở cửa các vấn đề như đấu tranh giai cấp, con đẻ của của quy trình tư bản chủ nghĩa do tư sản tạo thành. Trofim Denissovitch Lyssenko (1898-1976) của Nga dám dùng chủ thuyết mát-xít để giài đáp ngành Thiên Văn Vật lý học –Astrophysique. Lý thuyết nhồi sọ con người, lý thuyết điều kiện hóa con người, và từ đó con người không còn tự chủ để đi tìm một học thuyết cá nhơn. Và dĩ nhiên, ngày nay, và đây chúng tôi xin khẳng định rằng tất cả những lý thuyết từ  Các Mác, Lê Nin, hay Hít Le hôm qua cũng như Mao Hồ tiếp tục ngày nay, đã tạo ra những Chế độ Chánh trị, Kinh tế, Xã hội và ngay cả những Con Người vô Đạo đức, vô Lương tri, vô Nhơn Cách, Vô Nhơn Phẩm. (Trong từ ngữ Việt Nam ngày nay từ Phẩm Chất  không được dùng đến, thay thế bằng từ Chất Lượng là một điển hình của cái hiện tượng của sự «bỏ cái tri thức trừu tượng duy tâm  để đi đến các cụ thể duy vật. »). Và nếu chúng ta lợi dụng những sai trái, những sơ hở của lý thuyết để đả phá và đi đến chủ nghĩa thực nghiệm-l’empirisme bừa bãi, chúng cũng không giải đáp được các vấn đề. Những việc tốt, là những việc thành công, đúng!

Nhưng không ai giải nghĩa tại sao thành công là tốt. Cứu cánh và phương tiện, hai vế, hai vai trò để giải quyết một vấn đề, dùng tất cả những phương tiện để đi đến cứu cánh, nhưng trái lại, những việc thành công không biện minh được những phương tiện. Đảng Cộng sản Việt Nam được cho rằng đã thành công lớn, vì đã cướp được chánh quyền và hiện nay ngự trị cầm quyền nước Việt Nam gần 70 năm nay có biện minh được tất cả những phương tiện đã và đang sử dụng không? Hỏi là trả lời vậy. Và trung lập-thế trung lập ? nghĩa là đứng giữa ? , thuyết trung lập-le neutralisme ?  một thái độ không lựa chọn ( thật vậy không ? ) giữa một xã hội tự do và một xã hội kềm chế, kiểm soát là hậu quả của suy nghĩ trên (việc tốt là việc thành công, cứu cánh biện minh cho phương tiện ). Ngày nay, vẫn còn những lý thuyết đi tìm một « cơ chế thứ ba », đi tìm một « con đường thứ ba »  hay đi tìm một kiểu mẫu quốc gia « không tham gia không đồng mình – non alignés ». Nghĩ rằng không chơi với ai, hay chơi với tất cả mọi người là thượng sách. Bế môn hay mở cửa.

Đời sống kinh tế càng ngày càng biến chuyển nhanh, những thành công (tạm thời)  là của những chánh sách dựa trên những chương trình cải tổ kinh tế ngắn hạn, những phát triển càng ngày càng nhanh của những kỹ thuật cáng ngày càng tiên tiến, đưa con người chánh trị chỉ biết tạo những chương trình, những chánh sách ngắn hạn, nên thiên hạ  - chánh trị gia hay chuyên gia khoa học hay trí thức - ngày nay cảm thấy không cần có những viễn tượng. Và đau thương thay, lịch trình các  cuộc bầu cử để thay đổi những người lãnh đạo của một đất nước biến thành lịch trình của đời sống chánh trị kinh tế và xã hội của quốc gia ấy. Người dân chỉ biết chăm chú theo dõi những thực hiện, những kết quả của những lời hứa, mà không nghĩ thật sự đến những lựa chọn một chánh sách, một chương trình đúng đắn. Chánh trị đã thay thế học thuyết. Những lý thuyết về « public choice » không thể giúp đỡ một người lãnh đạo áp dụng một học thuyết ( nếu người lãnh đạo có một học thuyết). Lý do rất đơn giản, để thắng một cuộc bầu cử, người ứng cử phải đi tim lá phiếu của  các phe đối lập mình, vì vậy không nên làm sợ hãi những người cảm tình viên của đối lập, chỉ vì mình có một học thuyết. Ứng cử viên phải mang một mặt nạ ôn hòa, và kềm chế hẳn những tư tưởng của học thuyết mình (nếu mình có). Người làm chánh trị nên có một bộ mặt trung dung, ôn hòa, gần với «ba phải». Nếu không tìm được toàn bộ đồng thuận, cũng ráng tìm một «số ít bất hòa». Trong ngành chánh trị, học thuyết là một món hàng nội bộ, chỉ bán trong gia đình, cho các đảng viên và cũng vừa phải thôi, không thái qua. Một chương trinh chánh trị tốt phải giống như là một món ăn thập cẩm, một tả pín lù, mọi người đều thích, mọi giới đều thương.

3/  Nhưng học thuyết vẫn là một cần thiết :  

Học thuyết là một sự cần thiết. Vì con người cần học thuyết. Con người có tự do vì con người có trách nhiệm. Đoàn thể và tập thể là những cưởng bức của con người. («Tôi rất sợ những tổ kiến con người - La termitière humaine m’épouvante » như Saint-Exupéry đã nói). Cái gì lật đổ những chánh thề độc tài trong thế kỷ 20 ? không phải là cuộc sống nghèo nàn thiếu thốn hay nạn cải tạo tù đày, mà là do con người mất tự do, mất quyền làm chủ cuộc sống cá nhân của con người,  do số phận con người chỉ là  một con số không, vô danh sống trong một tập thể bị đàn áp, bị trị, bị chi phối  một cách độc đoán.

Khi mất tất cả những định hướng, khi không còn những giấc mơ, khi không còn một mẫu sống tương lai, tuổi trẻ một đất nước sẽ bị khủng hoảng, họ chạy theo những cái nhất thời, và những cái đam mê nht thời có th biến thành những cái nô lệ dài hạn. Những kẻ lớn tuổi thường bám vào dĩ vãng, mơ thời vàng son một thuở huy hoàng đã mất. Nhưng dĩ vãng dừng bước ở khoảng 20 năm trước, và từ đấy thời vàng son chấm dứt, và họ quên thực tại, họ sống trong luyến, tiếc, và họ quên cả suy nghĩ, quên cả tưởng tượng, quên cả mơ tưởng và quên cả cái sống hằng ngày.

Kết luận :  Vì vậy hãy đi tìm lại Học Thuyết :  

Chúng ta phải khẳng định rằng, học thuyết là vận dụng trí tuệ cá nhân. Học thuyết là cá nhân. Những con đường suy luận, những tư tưởng phải cá nhân. Nhưng ai dạy ta suy nghĩ ? ai dạy ta lý luận ? Trường học, trung học ? đại học ? Việc đầu tiên, chúng ta phải vứt bỏ cái quan điểm rằng nền giáo dục  không chỉ giành riêng cho sự hiểu biết, khoa học hay kỹ thuật ; mà nền giáo dục cũng dạy chúng ta biết sống, hiểu biết thế nào là cuộc sống, hiểu biết thế nào là sống chung, thế nào là một cuộc sống chung (vì sống chung là xã hôi, là làng xóm là đất nước, là chánh trị là kinh tế. Nói tóm lại, là cái hàng ngày).

Hệ thống Giáo dục đương thời (ở tất cả mọi quốc gia) có giải đáp câu hỏi trên không ? Chương trình giáo dục thời xưa, ở bậc thi Tú Tài, có phần triết học và Nhân  văn- Philosophie et les Humanités. Tuổi trẻ ngày nay có cần trở về với chương trình học ấy không ? Có cần lập lại những phần bàn, phần luận, trao đổi một ý kiến, bàn luận một suy nghĩ một điểm triết học… Tranh luận, trao đổi…cãi nhau để tìm ra ánh sáng- de la disicussion jaillit la lumière. Mỗi người chúng ta đều có quan niệm, có quan điểm riêng mình, bảo vệ, tranh tụng, bàn cãi. Truyền thống Anh Quốc với những « câu lạc bộ - clubs ». Truyền thống Pháp với « Thế kỷ Ánh sáng – Siècle de Lumière »…. Trường Sciences Po – Khoa học Chánh trị có dạy môn đếbat-tranh luận. Một đầu đề, bất cử, chánh trị, kinh tế, thời sự xe cán chó cũng đều đem tranh cãi. Bốc thăm, anh xuôi, tui ngược, nhưng năm phút sau, ngược lại anh ngược tui xuôi và không có quyền dùng đến những lý luận đã được đề cập trước do anh hay cả do tôi. Có khi có 5 phút soạn, có khi ứng khẩu.
Việt Nam muốn có một ngày mai, muốn có một tương lai, đổi mới, xán lạn, với những con người mới phải  sáng tạo, phải thành lập, phải xây dựng những câu lạc bộ, những hội triết học, những đoàn thể xã hội… nói tóm lại phải tạo một xã hội dân sự phong phú, với những đoàn thể nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến mọi ưu tư, mọi lo lắng, mọi vấn đề xã hội. Xã hội từ nghĩa rộng như chánh trị, chánh sách, kinh tế từ gia đình đến quốc gia, đến nghĩa hẹp của xã hội  là những vấn đề liên quan đến các thiểu số, nghèo, trẻ mồ côi, đàn bà goá, hay những tệ đoan như nghiện rượu hay ma túy, hay cờ bạc…

Không có việc gì mà người dân, người công dân bị cấm không được quyền nghĩ đến.  Học thuyết là như vậy ! học thuyết là ở mỗi cá nhân ! Mỗi cá nhân người dân đều có quyền nghĩ đến vận mệnh, tương lai của đất nước mình nơi mình trú ngụ, sanh sống, sanh hoạt.. ! Và mỗi mỗi cá nhân được quyền đóng góp. Tùy theo chủ đề, các tập thể đoàn thể  được thành hình bởi những quan điểm gần nhau để tổ chúc thành những toán, những nhóm suy nghĩ để đồng-đóng góp,  đồng - quản trị, với Nhà nước dù Nhà nước ấy có lý thuyết, có chương trình hay không.

Học thuyết của mỗi cá nhân, của mỗi công dân đóng góp sẽ « trách nhiệm hóa » công dân, và « trách nhiệm hóa lãnh đạo »  dể đồng-trách nhiệm, tạo tương lai cho một quốc gia.

Trong thế giới đầy khủng hoảng, đầy biến cố của ngày hôm nay, bất cứ người lãnh đạo nào, nhóm lãnh đạo nào, đảng lãnh đạo nào, mà vẫn tiếp tục khư khư giữ quan điểm độc tài để trị dân thì nhóm lãnh đạo ấy, nhóm cầm quyền ấy là một nhóm ngoan cố chỉ đưa đất nước, dân tộc ấy vào bế tắc thôi !

Đây là một lời kêu gọi mong được hưởng ứng bởi người dân Việt Nam.  Hãy vùng lên, hãy thức  dậy, tỉnh ngủ, bỏ tránh né, bỏ nhút nhát, mỗi người đem suy nghĩ, tạo học thuyết để lấy lại quyền làm chủ đất nước Việt Nam ! 

Mong lắm !

Ghi Chú :
Thầy Daniel Villey và Trường Đại học Poitiers :

Trường Đại học Poitiers là Trường Đại học  thứ 11 của Vương Quốc Pháp được thành lập năm 1432. Lý do: năm 1416, Paris bị quân Hoàng gia Anh và quân đồng minh Quận công Bourguignons chiếm đóng (Chiến Tranh 100 năm). Vua Pháp, Charles VII phải dời đô về Poitiers, Quốc hội Hoàng gia  cũng phải theo về Poitiers. Poitiers biến thành thủ đô Vương quốc Pháp.

Khai mạc ngày 1 tháng 2, năm 1432 thoạt đầu với bốn chuyên khoa : Luật khoa, Thần Học, Y khoa, và Nghệ thuật, Đại học Poitiers nổi tiếng ngay khắp Âu châu với hơn 4000 sinh viên đầu thế kỷ thứ XVI, và được nhà văn Agrippa d’Aubigné gọi là : « Người mẹ của những học sinh – La mère des écoliers ». Đấy cũng là lần đầu tiên tên một thành phố được gắn liền với một Đại học. Các sinh viên trang phục mầu sắc tùy môn học : đỏ cho Luật, đỏ tím cho Y, xanh lam cho Nghệ thuật, đen cho Thần học,...

Ngày hộm nay Poitiers có khoảng 30,000 sanh viên đủ ngành nghề và các chuyên khoa.  Poitiers là thành phố của Cộng hòa Pháp  có  số sinh viên cao nhứt đối với dân số. Đại học Poitiers có 7 chuyên  khoa. Riêng về Luật khoa ra đời ngay từ đầu và chánh thức tách hẳn thành Trường Luật năm 1808. Những danh nhân xuất thân từ Poitiers : François Rabelais, Guez de Balzac, Joachim Du Bellay, René Descartes... Thầy Daniel Villey tốt nghiệp và hành nghề ở Trường Luật Poitiers, và chúng tôi người viết cũng được hân hạnh tốt nghiệp Cao học  Chuyên Khoa Luật Y Khoa và Xã hội, và phục vụ 10 năm  ở Luật khoa Poitiers cho đến lúc về hưu năm 2003.
Hồi Nhơn Sơn, 9 tháng 11 2014.

 Kỷ niệm 25 năm Bức Tường Bá linh sụp đổ ;
Phan Văn Song