Trong những năm gần đây nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến mà thế giới biết đến Việt Nam có một hệ thống pháp luật rất phức tạp, nhưng khi áp dụng thì nó không ăn khớp với luật, nên người dân đã mỉa mai các tòa án là đã áp dụng luật rừng! Kính mời quí thính giả nghe quan điểm của LLCQ về nhu cầu cần một thệ thống tư pháp độc lập tại Việt Nam qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Nhìn vào sinh hoạt xã hội người ta có thể đánh giá được quốc gia ấy có một nền tư pháp thế nào. Dĩ nhiên các cuộc khảo sát càng tinh vi, các phương pháp nghiên cứu càng mang tính khoa học cao thì sự đánh giá càng chính xác. Không cần phải tìm đâu xa xôi, du khách đến đảo quốc Singapore, hay Tokyo Nhật Bản chắc chắn thấy khác một trời một vực như khi đến Hà Nội, Sài Gòn hay Thượng Hải, Bắc Kinh. Không phải khác biệt về khí hậu, thực phẩm, văn hóa hay sự giàu nghèo, mà khác biệt về ý thức trách nhiệm của người dân và cách hành xử của nhân viên công chức nhà nước.
Những quốc gia áp dụng mô hình tam quyền phân lập, thì hiến pháp là nền móng để xây dựng nhà nước pháp quyền. Quốc Hội lập ra các luật lệ theo nhu cầu của quần chúng. Hành pháp áp dụng hiến pháp và luật lệ để điều hành sinh hoạt quốc gia. Tư pháp giải quyết xà phân xử các vi phạm luật pháp. Ba ngành độc lập với nhau, nên luật pháp được áp dụng nghiêm minh trong sáng và công bằng đối với mọi người.
Ở Việt Nam người ta nói nhiều đến nhà nước pháp quyền, đến hệ thống pháp luật, nhưng khi đi sâu vào guồng máy nhà nước, thì quả thật đây là một xứ sở có một cơ chế luật pháp hết sức kồng kềnh, nặng nề, đan kết chằng chịt, tròng chéo nhau rất phức tạp; gọi là rừng luật cũng không sai.
Tuy có hiến pháp, nhưng hiến pháp đứng sau cương lĩnh của đảng. Có quốc hội, nhưng đại biểu quốc hội do đảng chọn lựa. Có hệ thống chính quyền, nhưng không phân chia ra ba ngành biệt lập, mà tất cả quyền lực do Bộ Chính Trị quyết đoán. Từ ba điểm căn bản này, chúng ta không lạ gì hệ thống pháp luật của Việt Nam không chủ trương phục vụ quyền lợi của dân chúng, mà là để bảo vệ quyền lợi của đảng mà thôi.
Để thi hành mục tiêu này, chúng ta thấy tuy có nhiều bộ luật từ luật hiến pháp, luật hành chánh, luật tài chánh, luật dân sự, luật ngân hàng, luật đầu tư, luật hôn nhân và gia đình, luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, luật môi trường...vân vân và vân vân.
Nhưng áp dụng và thi hành những bộ luật này mới là vấn đề kì dị. Thứ nhất vì là hệ thống tập quyền, nhưng mạnh ai người ấy ra luật riêng, gọi là những văn bản dưới luật, nhưng lại có sức năng bằng hoặc hơn luật nữa. Thí dụ quốc hội hay thường vụ quốc hội đưa ra một nghị quyết hay pháp lệnh, thì nghị quyết hay pháp lệnh ấy cũng là một mức luật mới. Chủ tịch nước hay thủ tướng ra lệnh, quyết định, nghị định, pháp lệnh, thì những thứ này cũng là một hệ luật mới. Đến Hội Đồng Thẩm Phán, Chánh An, Viện Kiểm Sát Nhân Dân ban hành thông tư, nghị quyết, lại cũng là một luật nữa. Xuống đến hàng bộ trưởng, Tổng Thanh Tra, hay liên bộ ra thông tư hay quyết định, những thứ này cũng xem là luật. Chưa nói đến Các Hội Đồng Nhân Dân, và các Ủy Ban Nhân Dân tha hồ đẻ ra những thứ luật họ thấy cần để đạt được những mục đích mà đảng muốn. Và cuối cùng thì rừng luật ấy bao trùm lên đầu người dân cả nước.
Từ cái rừng luật chồng chéo ấy đến những vụ án được diễn ra ở các cái gọi là Tòa Án Nhân Dân trên khắp nước là những tuồng kịch cười ra nước mắt, và kết quả là những bản án bỏ túi do quyết định của đảng chứ không dựa trên căn bản luật pháp và những tình tiết để xét xử. Chưa nói đến trình độ của các thẩm phán được đào tạo ra sao; còn vị trí của luật sư thì hầu như không đáng kế. Nhất là trong các vụ án liên quan đến chính trị, thì vai trò của luật sư hoàn toàn lu mờ.
Nhìn qua thực trạng ngành tư pháp như thế ta không lạ gì khi thấy đầy dẫy những vụ chạy án, những vụ hối lộ tham nhũng ngay trong cơ quan thi hành luật pháp quốc gia. Bên cạnh đó lại được hỗ trợ bởi một lực lượng công an sẵn sàng ngụy tạo, dàn dựng những chứng cớ giả để buộc tội người nào đảng không ưa, nếu không thành công thì tra tấn dùng cực hình để ép cung. Do đó công an ở VN hôm nay đang gieo rắc kinh hoàng và là kẻ thù của nhân dân.
Nói tóm lại từ ngày cướp được chính quyền, đảng CSVN đã dùng hệ thống pháp luật như một thứ đặc quyền để đàn áp ngưởi dân, cụ thể là những vụ cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xử những người bất đồng chính kiến; và hôm nay bỏ tù những người chống Tàu xâm lược, những người dân oan bị cướp mất tài sản ruộng vườn, những người yêu nước nhưng không yêu xã hội chủ nghĩa, đều bị cái luật rừng trong rừng luật của VN nhận chìm trong ngục tù tăm tối.
Người VN muốn chứng tỏ cho thế giới thấy nước mình là một quốc gia văn mình tiến bộ, xã hội VN ổn định, luật pháp nghiêm minh thì phải thay đổi từ nền tảng, là phải thay đổi thể chế chính trị thì mới có thể xây dựng được một hệ thống pháp lý mang tính nhân bản cho dân và vì dân.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLDTCNTQ