Wednesday 24 December 2014

CON MA VÚ DÀI - Hoàng Hải Thủy

Phước Tám Ngón, Tử Tù vượt ngục Nhà Tù Chí Hoà. Ảnh bên phải là dẫy cửa phòng giam và lối đi một khu trong Nhà Tù Chí Hoà. Bài và ảnh trên báo An Ninh Thế Giới Bắc Cộng. Tử Tù tên là Phước Tám Ngón,- mất hai ngón tay - nhưng trong ảnh hai bàn tay Y còn nguyên 10  ngón tay.
Phước Tám Ngón, Tử Tù vượt ngục Nhà Tù Chí Hoà. Ảnh bên phải là dẫy cửa phòng giam và lối đi một khu trong Nhà Tù Chí Hoà. Bài và ảnh trên báo An Ninh Thế Giới Bắc Cộng. Tử Tù tên là Phước Tám Ngón,- mất hai ngón tay – nhưng trong ảnh hai bàn tay Y còn nguyên 10 ngón tay.
Lúc 12 giờ trưa một ngày Tháng Sáu năm 1985 tôi ôm giỏ quần áo, mùng chiếu, theo anh em tù vào Nhà Tù Chí Hòa. Bọn tù chúng tôi sang đây từ Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân của Sở Công An Thành Hồ.
Vào sân Nhà Tù Chí Hoà tôi trông lên: chung quanh tôi chỉ có những hàng chấn song và những hàng chấn song sắt đen sì.
Những người anh em cùng vào Nhà Tù Chí Hòa với tôi hôm ấy là: Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, cô Lý Thụy Ý, cô Nguyễn Thị Nhạn. Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt cùng bọn với chúng tôi đã từ Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu sang Nhà Tù Chí Hòa trong chuyến xe chở tù đi tháng trước.
Phút đầu tiên ấy tôi nghĩ:
“Ðây là Nhà Tù Chí Hoà. Mình đang đứng trong Nhà Tù Chí Hoà. Ngày nào mình ra khỏi đây, mình sẽ kiêu hãnh vì mình từng sống trong Nhà Tù Chí Hoà.”
Tháp Canh giữa sân Nhà Tù Chí Hòa. Đứng ở đây Cai Tù có thể nhìn vào tất cả các phòng giam chung quanh. Lời tù đồn: Tháp Canh hình cây kiếm, có yểm xác – chôn sống - mấy trinh nữ khi xây. Kiếm và u hồn trinh nữ làm cho không người tù nào có thể vượt ngục.  Khu tường trắng là Khu Tử Hình. Có người tự nhận là cựu tù nhân Chí Hòa viết hồi ký ở Kỳ Hoa, kể thời anh ở tù Chí Hòa, anh nghe một người tử tù hát suốt đêm; tất cả người tù trong các khu đều nghe tiếng người tử tù hát. Chuyện đó vô lý. Người kể nhận bậy là đã sống trong Nhà Tù Chí Hòa. Phòng tử tù kín như bưng, không tiếng động nào trong phòng giam tử tù thoát được ra ngoài. Tử tù trong phòng giam không nghe được tiếng người, tiếng động bên ngoài. Ðứng trên tháp bát quái giữa sân nhà tù, Cai Tù nhìn vào được tất cả những phòng tù. Trước năm 1975 tháp canh này có đèn pha. Ảnh Nhà Tù Chí Hòa đi trong bài viết này là ảnh ghi vào những năm 1980, khi Nhà Tù đã bị bọn Cai Tù VC xây tường ngăn ra từng khu một.
Tháp Canh giữa sân Nhà Tù Chí Hòa. Đứng ở đây Cai Tù có thể nhìn vào tất cả các phòng giam chung quanh. Lời tù đồn: Tháp Canh hình cây kiếm, có yểm xác – chôn sống – mấy trinh nữ khi xây. Kiếm và u hồn trinh nữ làm cho không người tù nào có thể vượt ngục.
Khu tường trắng là Khu Tử Hình. Có người tự nhận là cựu tù nhân Chí Hòa viết hồi ký ở Kỳ Hoa, kể thời anh ở tù Chí Hòa, anh nghe một người tử tù hát suốt đêm; tất cả người tù trong các khu đều nghe tiếng người tử tù hát. Chuyện đó vô lý. Người kể nhận bậy là đã sống trong Nhà Tù Chí Hòa. Phòng tử tù kín như bưng, không tiếng động nào trong phòng giam tử tù thoát được ra ngoài. Tử tù trong phòng giam không nghe được tiếng người, tiếng động bên ngoài.
Ðứng trên tháp bát quái giữa sân nhà tù, Cai Tù nhìn vào được tất cả những phòng tù. Trước năm 1975 tháp canh này có đèn pha. Ảnh Nhà Tù Chí Hòa đi trong bài viết này là ảnh ghi vào những năm 1980, khi Nhà Tù đã bị bọn Cai Tù VC xây tường ngăn ra từng khu một.
Tôi nghĩ:
“Người Sài Gòn bị tù nếu không vào Nhà Tù Chí Hoà thì chưa biết  Tù Ðày thật sự là gì.”
Những năm trước 1975 tôi có hai, ba lần đến Nhà Tù này thăm mấy người bạn tôi bị tù ở đây. Có anh bạn tôi là ký giả can tội tống tiền – ký giả nhà báo thời Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa bị bắt tội đe dọa viết bài đăng báo để làm tiền – tống tiền, chantage – ra tòa lần đầu bị xử phạt tù ngồi 2 năm. Dường như các ông chánh án thời VNCH không ưa gì bọn ký giả nhà báo. Ông chánh án nào cũng tuyên phạt anh ký giả tống tiền án tù 2 năm. Có anh bạn tôi bị bắt bên bàn thờ Cô Ba Phù Dzung, có anh nhận bậy là nhân viên Hội Từ Thiện đi quyên tiền giúp các em mồ côi, nhưng tiền quyên được anh bỏ túi. Có anh làm thư ký hãng Pháp có nhiệm vụ mang tiền ra Nhà Băng ôm tiền đi luôn. Những lần đến thăm ấy tôi là khách của Nhà Tù, tôi chỉ đến khu thăm tù của Nhà Tù Chí Hòa. Khu này ở chỗ nào trong nhà tù này tôi không nhớ. Nay tôi là người tù trong Nhà Tù Chí Hòa.
Tôi đã sống 4 năm trong Nhà Tù Chí Hòa. Những đêm nằm phơi rốn trên sàn xi-măng,  nhiều lần tôi tự hưá:
“Ngày nào mình ra khỏi đây mình sẽ viết về Nhà Tù này.”
Vào Nhà Tù Chí Hoà năm 1985, tôi ra khỏi đó đầu năm 1990. Tôi sống một năm – 1989 – ở Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, Xuân Lộc, Ðồng Nai. Giã từ tù ngục, tôi trở về mái nhà xưa, cư xá cũ năm 1990, rồi tôi và vợ tôi sang Kỳ Hoa, ngày tháng sa đà, tôi quên chuyện viết về Nhà Tù Chí Hoà.
Năm 1977 tôi bị bọn Công An Thành Hồ bắt lần thứ nhất, tôi nằm cùng xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu với anh Nguyễn Kim Báu trong khoảng hai tháng. Anh Báu là giáo sư. Anh bị bắt vì tội “âm mưu lật đổ Bàn Thờ Bác Hồ.” Anh kể tôi nghe một số ông bạn anh lập một lực lượng đòi dân chủ, dân quyền. Các ông bạn anh mời anh tham gia tổ chức, anh từ chối, nhưng khi các ông bạn anh bị bắt, bọn Công An ThànhHồ bắt luôn cả anh. Anh kể ồ Hchuyện những năm 1948, 1949 anh đi kháng chiến chống Pháp. Anh bị Quân Ðội Pháp bắt. Trại tù binh trong có anh do quân đội Pháp quản lý, cho cơm và thức ăn vào những gà-men nhôm, gamelle của Lính Pháp, mỗi người tù một gà-men – ăn xong gà-men được thu lại. Về sau Quốc Gia ta có trại tù binh ở Ðức Hoà – Ðức Huệ, anh Báu về tù trong trại này cho đến ngày anh được thả.
Thời Tù ăn cơm gà-men trong trại tù binh do quân Pháp quản đốc, nhiều anh em tù nói với anh Báu:
“Ngày nào chúng mình ra tù, mỗi năm mình tổ chức một ngày anh em gặp nhau, ăn cơm gà-men để nhớ những ngày này.”
Mấy năm sau ra tù, trở về Sài Gòn, gặp lại vài anh em tù xưa, anh Báu nhắc chuyện làm cuộc gặp nhau ăn cơm gà-men, những ông bạn tù cũ của anh lắc đầu quầy quậy:
“Thôi chứ ông. Nhớ lại những ngày tù khốn nạn ấy làm chi!”
Tôi nhớ chuyện Cơm Gà-men anh Báu kể những khi tôi tự trách tôi đã không chịu viết về Nhà Tù Chí Hoà.
Tôi nghĩ:  Những người đã ra khỏi Nhà Tù Chí Hoà không muốn, không cần đọc những bài viết về Nhà Tù Chí Hoà, những người chưa từng phải sống trong Nhà Tù Chí Hòa không hào hứng đọc về nó. Nếu tôi viết Hồi Ký Nhà Tù Chí Hoà nhiều người cựu tù Chí Hoà đọc nó có thể chê:
“Cha này viết dở ẹt. Chí Hoà có cả ngàn chuyện ly kỳ, hắn viết toàn những chuyện nhạt nhách.”
Không chỉ thế, rất có thể có nhiều vị Cưụ Tù Chí Hoà thấy tôi viết sai về Nhà Tù Chí Hoà.
Tuy không viết về Nhà Tù Chí Hòa xong hình ảnh Nhà Tù Chí Hoà vẫn nằm trong ký ức của tôi, việc tôi không viết về Nhà Tù Chí Hoà vẫn canh cánh trong lòng tôi. Tôi thương Nhà Tù Chí Hoà. Nhà Tù Chí Hòa đã bảo vệ tôi, đã nâng đỡ tôi cho tôi sống. Qua 4 năm – 1500 ngày, 1500 đêm – tôi không một lần đau bệnh nặng, tôi không bị anh em tù cõng xuống cái gọi là trạm y tế của Nhà Tù lần nào, tôi sống đời tù đầy không có án, không biết ngày trở về căn nhà nhỏ trong cư xá, về trong vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng tôi không tuyệt vọng, Tôi vẫn thấy Nhà Tù Chí Hoà là của tôi. Như tôi đã không giữ được Sài Gòn, tôi đã để Nhà Tù Chí Hoà rơi vào tay bọn Bắc Cộng.  Nhưng như Sài Gòn, Nhà Tù Chí Hoà vẫn là của tôi.
Từ ngày sang Kỳ Hoa Ðất Trích tôi vẫn theo dõi, tìm đọc những tài liệu về Nhà Tù Chí Hoà trên các báo, trên  Internet. Tôi tìm được trong Trang Web cuả tờ “An Ninh Thế Giới,” một tờ báo của Công An Bắc Cộng, bài viết về một vụ “Tù Tử Hình vượt ngục Chí Hoà.”
Mời quí vị đọc:
Ảnh Nhà Tù Chí Hòa ghi từ trên trực thăng. Khu tường trắng là Khu Giam Tù Tử Hình.
Ảnh Nhà Tù Chí Hòa ghi từ trên trực thăng. Khu tường trắng là Khu Giam Tù Tử Hình.
An Ninh Thế GiớiCuộc đào tẩu lịch sử trong Trại Giam Chí Hòa
Vụ vượt ngục do Tử tù Phước “Tám Ngón” thực hiện được coi là cuộc đào tẩu duy nhất trong lịch sử Trại Giam Chí Hòa thời hiện đại
Trại Giam Chí Hòa – tên thường gọi là Khám Chí Hòa – được Pháp xây năm 1943 theo thiết kế một hình bát giác, tượng trưng cho 8 Quẻ trong Kinh Dịch, với 3 tầng lầu.
Mỗi cạnh của Bát Quái Trận Ðồ Chí Hoà là một khu, mặt sau nhà tù xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt, mỗi khu có 12 phòng giam. Ở giữa sân Bát Quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20mét trên đó có bể chứa nước và có chòi canh. Ðứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng nhìn vào tất cả các phòng giam.
Với kiến trúc Nhà Tù Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì khó mà vượt ngục. Lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày hôm nay chỉ ghi  có hai trường hợp vượt trại thành công. Lần thứ nhất vào năm 1945, cuộc vượt trại của một số người tù và lần thứ hai, sau đó 50 năm vụ vượt trại của một tử tội hình sự khét tiếng là Phước “Tám Ngón”.
Phước “Tám Ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành, giang hồ thường gọi biệt danh trên bởi một bàn tay y bị cụt mất 2 ngón. Sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo ở Dĩ An, Thuận An, tỉnh Sông Bé, nay là Bình Dương, khi chưa thành niên, Phước đã bỏ nhà đi bụi, sống bằng cờ bạc, trộm, cướp.
Năm 1988, 17 tuổi, lần đầu tiên Phước phải vào nhà giam với bản án tù 36 tháng về tội trộm. Sau đó, Phước bị Công An Vũng Tàu đưa đi cưỡng bức lao động.
Không chịu cải tạo, Phước trốn trại, mua súng lập băng cướp. Ðây cũng là thời kỳ mà tên tuổi của Phước “Tám Ngón” nổi lên trong giới giang hồ như một ông Trùm giết người máu lạnh.
Ðầu năm 1991, tại khu vực Thủy điện Trị An, Ðồng Nai, băng cướp  Phước “Tám Ngón” hoành hành. Chúng dùng súng uy hiếp  cướp xe máy của một người đi đường. Khi bị nạn nhân chống cự, chúng bắn người đó trọng thương. Tiếp đó, chỉ trong vòng nửa tháng, bọn chúng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một nạn nhân tại Thủ Ðức.
Ngày 24/6/1994, Phước “Tám Ngón” bị toà án tuyên án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản công dân và sau đó gây ra vụ vượt ngục như trong phim xi-nê đêm 26/3/1995 tại Trại Giam Chí Hòa.
Ðây là vụ vượt ngục duy nhất trong lịch sử Trại Giam Chí Hòa thời hiện đại mà sau này khi điều tra về diễn biến của nó qua lời khai của Phước “Tám Ngón”, qua những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học, nhiều người vẫn cứ ngỡ như chuyện chỉ có thể xẩy ra  trong phim xi-nê.
Sau khi đã bẻ gãy đôi chiếc cùm chân, Phước nghĩ ra kế để tránh sự phát hiện của quản giáo. Lúc này chiếc hộp quẹt gas mà hắn xin được từ lâu mới phát huy tác dụng. Phước lấy vải khéo léo quấn xung quanh vết cưa rồi bên ngoài lớp vải ngụy trang đó, Phước lại dùng hộp quẹt gas tỉ mẩn đốt nhựa chảy phủ kín lên trên.
Trong một lần đi vệ sinh, Phước phát hiện vách tường nhà vệ sinh bị mục. Âm mưu khoét tường để đào thoát nẩy ra từ đó.
5 ngày sau khi cưa xong cùm, đêm 26/3/1995 là thời điểm Phước chọn để trốn khỏi xà-lim. Phần vì trời tối thuận lợi, phần vì đây là quãng thời gian các phạm nhân đều đã ngủ, trại vắng.
Khoảng 21 giờ, Phước tháo cùm chui vào nhà vệ sinh. Tại đây, hắn dùng chiếc dùi sắt tự chế tạo được từ một khoen sắt tròn trong nhà vệ sinh, để khoét vách tường, chỗ mà Phước nhìn thấy bị mục từ trước thành một lỗ hổng vừa đủ lọt người qua.
Số xi măng và cát vụn khoét từ tường ra, Phước trút vào lỗ cầu vệ sinh rồi đổ nước cho trôi đi. Còn số gạch thì Phước bê vào trong chỗ ngủ, sắp xếp thành một hình trông giống như hình người đang nằm. Sau đó, hắn lấy mền phủ kín lên trên hình nộm đó để ngụy trang, đề phòng trường hợp quản giáo bất ngờ đi kiểm tra đêm, nhìn thấy thế vẫn tưởng là phạm nhân đang nằm ngủ.
Khoét tường xong, Phước khom người luồn qua lỗ hổng để chui ra phía cầu thang lầu bên ngoài buồng giam số 15 rồi leo xuống cầu thang, bỗng y giật thót mình khi nghe  tiếng bước chân tuần tra đêm của cán bộ quản giáo. Hoảng hốt, Phước bèn vội vã leo ngược trở lên rồi cứ thế đi trên nóc nhà để sang khu AH.
Tại đây, Phước dùng quần áo và khăn nối lại thành một sợi dây rồi cột một đầu vào kèo nhà còn đầu kia thả để theo dây mà đu xuống. Nhưng, đang đu thì dây đứt nên Phước bị té sấp xuống mặt đất, bất tỉnh. Chừng hơn một tiếng sau thì Phước mới tỉnh lại, biết mình vẫn còn đang ở trong khu giam, Phước cố nén đau vùng dậy lết đến cây cột điện ở gần đó.
Giữa sự sống và cái chết, giữa hoảng sợ và đau đớn, như một thứ bản năng, con người bỗng trở nên có sức mạnh ghê gớm. Thế nên, mặc dù cả chân lẫn cột sống đều bị chấn thương nhưng Phước vẫn trèo lên được cột điện khá cao để rồi từ đó leo qua hàng rào tụt xuống đất. Ðây là địa phận khu tập thể của gia đình cán bộ quản giáo nằm kề trại.
Lúc này đã tờ mờ sáng. Phước lết vào trong sân, thấy có một bộ đồ cảnh sát đang phơi, một chiếc xe đạp và một đôi dép. Chỉ trong chớp mắt, hắn bèn nghĩ ra cách ngụy trang. Phước vớ lấy bộ đồ cảnh sát mặc vào người, xỏ dép, dắt xe đạp rồi cố bình tĩnh, nén đau đường hoàng dắt xe ra cổng chính của trại Chí Hòa.
Qua phòng trực cổng trại, Phước vào xin cảnh sát trực cổng được ra ngoài uống cà phê. Thấy người mặc quân phục đàng hoàng lại dắt xe đạp đi ra từ khu gia đình cán bộ, nên cảnh sát trực trại ngỡ đó là anh em cán bộ, chiến sĩ trong trại. Vì vậy, anh đã mở cổng cho Phước dắt xe ra ngoài.
Vậy là sáng sớm 27/3/1995, Phước “tám ngón” – tử tù nguy hiểm đã đào thoát được ra khỏi trại Chí Hòa.
Ngưng trích bài “Tử Tù vượt ngục Chí Hoà.”
Cổng Nhà Tù lớn nhất Đông Dương có bộ mặt như cổng một cư xá.
Cổng Nhà Tù lớn nhất Đông Dương có bộ mặt như cổng một cư xá.
Trên đây là phần đầu bài “Tử Tù vượt ngục Chí Hoà” của tờ báo An Ninh Thế Giới, báo Việt Cộng.
Người viết bài trên đây là người không biết chút gì về Nhà Tù Chí Hoà. Bài viết đầy những sự kiện ngớ ngẩn, vô lý chứng tỏ người viết là người ngu. Không chỉ Ngu thường mà là chí Ngu. Người ta không cần cứ phải là người tù từng sống trong Nhà Tù Chí Hoà mới có thể kể không sai về Nhà Tù Chí Hoà. Anh công an nào là chủ bút tờ An Ninh Thế Giới còn ngu hơn anh viết bài. Là chủ biên, ít nhất anh phải có khả năng cảm thấy, nghi ngờ bài viết có những sự kiện vô lý, sai, bịa, ngu. Tôi cho anh chủ biên này là anh chủ bút, chủ biên ngu nhất thế giới.
Tử tù trong Nhà Tù Chí Hoà nằm trong Khu Tử Tù cách biệt với 7 khu khác trong Nhà Tù. Tử tù trong khám Tử Hình bị còng chân suốt ngày đêm vào một cây sắt dài, thường thì họ ở trần, mặc quần cụt. Không thể có chuyện tử tù nằm phòng tử hình mà có hộp quẹt gas – hắn xin hộp quẹt này của ai?? Hắn lấy rũa ở đâu mà có thể rũa làm bể đôi cái cùm thép??? – “Cùm chân tù Nhà Tù Chí Hoà ” mà tử tù dúng cái bánh xe răng cưa của bật lửa – hộp quẹt máy – rũa mòn, cùm gẫy làm đôi, tù rút chân ra được? Cái cùm ấy phải là cái cùm làm bằng giấy. ” Em nhỏ lên ba nó cũng nghe không nổi.
Tử tù không được giữ bao nylon đựng thực phẩm người nhà gửi vào – nếu có, nếu được phép nhận quà gia đình – tử tù không thể làm  cái cùm sắt cùm chân gẫy làm hai. Tường Nhà Tù Chí Hoà dầy đến 50 phân, bê-tông cốt sắt trộn với sỏi, đá cục, buá tạ đập cả tiếng không hề hấn, xe tăng húc  cả giờ đồng hồ cũng chưa làm những bức tường nhà tù Chí Hoà suy suyển, chuyện tường Nhà Tù Chí Hoà Khu Tử Hình bị “mục” là chuyện kể em nhỏ lên ba nghe cũng không lọt tai.
Tử tù vượt ngục Chí Hòa không thể khơi khơi lên mái nhà tù, đi phây phây trên đó. Cứ cho là tử tù thoát được lên mái nhà cao – một tầng trệt, ba tầng lầu – anh tù lấy quần áo, khăn khố ở đâu ra mà buộc lại làm dây để theo dây tụt xuống đất, mái nhà tù không có cây kèo nào để anh tù có thể buộc dây.
Bọn lính canh trong nhà tù không phải là cán bộ quản giáo, chúng là bọn bảo vệ, bọn cai tù. Bọn Cai Tù là bọn chỉ có phận sự giữ người tù, không cho tù vượt ngục, gây loạn. Bọn Cai Tù không có phận sự “cải huấn” người tù. Chúng không “đấu tranh tư tưởng” với người tù. Người tù phạm luật bị chúng tống vào sà-lim, nằm trần với quần sà lỏn, bị cùm chân, cùm tay. Bọn Cai Tù không ép người tù viết bản nhận tội, làm đơn xin giảm án.
Không có ống nước máy vào các phòng tù Chí Hoà. Viết rõ: có ống dẫn nước máy vào từng phòng tù, nhưng đó là chuyện Nước Robinet Nhà Tù Chí Hòa những năm 1960. Sau năm 1975 nước máy không lên được các phòng tù trên lầu. Tù tử hình không thể có nước để dội cho gạch, xi-măng từ chỗ đục ở tường trôi xuống ống cầu tiêu. Không có ống cầu tiêu nhà tù nào đủ lớn để làm trôi những cục xi-măng đục ở tường. Nhắc lại: tường những phòng giam Nhà Tù Chí Hòa dầy nửa thước tây, bê-tông trộn sỏi, người ta, dù có dao, dùi, búa, không sao đục được tường Phòng Giam Chí Hòa.
Tôi không viết thêm về những chuyện vô lý, chuyện ngu xuẩn trong bài viết quí vị vưà đọc, tôi thấy người viết nó ngu đần quá đỗi, không chỉ người viết bài ngu, cả bọn biên tập báo An Ninh Thế Giới Công An Bắc Cộng là bọn ngu đần.
Vụ vượt ngục Chí Hoà của Tử Tù Phước “Tám Ngón” chắc có xẩy ra thật, nhưng tình tiết chắc chắn không như kể trong bài viết.
Bài viết kể vụ tù Chí Hoà vượt ngục thứ nhất xẩy ra năm 1945. Bậy và ngu hết nước nói. Nhà Tù Chí Hoà khởi công xây cất năm 1943, bị ngừng mấy năm vì cuộc chiến tranh thế giới. Mãi đến năm 1948 Nhà Tù mới làm xong, năm 1953 chính phủ Quốc Gia – Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm – phá Khám Lớn Sài Gòn ở đường Gia Long. Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đến cầm buá đập nhát búa đầu tiên phá Nhà Tù. Từ năm đó, năm 1953, người tù Sài Gòn bị đưa vào Nhà Tù Chí Hoà.
Năm 1987 có một vụ vượt ngục xẩy ra trong Nhà Tù Chí Hoà. Tầng dưới đất ở một số khu  phòng giam có hàng chấn song ra ngay sân. Anh em tù – toàn là hình sự – trong một phòng giam này lén cưa chấn song. Ðêm ấy mưa tầm tã. Khoảng quá nưả đêm nhiều người tù thức giấc vì nghe tiếng súng nổ rồi tiếng la:
“Ðứng lại.”
Tiếp đó là những tiếng:
“Nằm xuống! Nằm xuống!”
Rồi những tiếng chó suả. Bọn Cai Tù Chí Hoà có bầy chó berger. Một tháng đôi kỳ, nửa đêm, bọn bảo vệ Nhà Tù đi tuần qua các hành lang, dắt cặp chó theo dằn mặt người tù.
Anh em tù – tất cả một phòng ở tầng dưới đất – lén cưa rồi bẻ cong song sắt, chui ra sân, cậy nắp ống cống trong sân, chui xuống ống cống để bò ra khỏi nhà tù. Chưa ra khỏi nhà tù – có thể vì ngộp thở, có thể vì tưởng đã chui ra khỏi nhà tù – anh em đẩy nắp ống cống để trèo lên nên bị bọn lính canh trông thấy. Nơi anh em lên là khu vẫn còn nằm trong vòng tường Nhà Tù.
Tù nhân Chí Hoà đêm ấy nhiều người nghe tiếng súng, tiếng la – trong số có tôi, người viết những dòng chữ này, đêm ấy tôi là người Tù nằm ở Phòng 10 Khu ED – nhưng không ai được biết gì nhiều về số phận những anh em tù vượt ngục bị bắt lại. Không ai biết bọn Cai Tù giam số anh em vượt ngục bị bắt lại ấy ở đâu trong Nhà Tù Chí Hoà. Chỉ nghe nói đêm ấy có hai, ba anh em, theo ống cống, thoát được ra ngoài.
Những năm 1970 Nhà Tù Chí Hoà có vụ tay cướp Ðiền Khắc Kim vượt ngục thành công. Nghe nói Ðiền Khắc Kim nằm trong xe chở rác từ trong Nhà Tù ra được ngoài thành phố. Và cũng nghe nói sau đó Ðiền Khắc Kim bị bắt lại.
Khoảng năm 1970 nhật báo Hoà Bình – Chủ nhiệm Linh mục Trần Du – đăng phóng sự “Con Ma Vú Dài” kể chuyện một nữ tù nhân chết trong Nhà Tù Chí Hoà, người tù nữ hoá thành ma, đêm hiện về nằm tò tí với những anh tù có duyên nợ với nàng. Nữ ma có cặp vú – chắc là vú sệ, vú nhẽo, vú chẩy – nên những anh tù được nàng chiếu cố gọi nàng là “Con Ma Vú Dài.” Phóng sự tiểu thuyết “Con Ma Vú Dài” trên nhật báo Hoà Bình năm xưa ấy có nhiều người đọc.
Tôi kể chuyện phóng sự “Con Ma Vú Dzài” để nói lên tình trạng gần đây, ở Mỹ, có một số ông ký giả xuất thân từ Cơ quan Việt Tấn Xã – Việt Nam Thông Tấn Xã, cơ sở thông tin chính thức của chính phủ – viết hồi ký kể đại khái:
“Làng báo Sài Gòn bê bối, bọn ký giả Sài Gòn là bọn vô học, lưu manh, chuyên viết láo, nhiều tên can tội đâm thuê, chém mướn. Chỉ đến khi có những ông ký giả Việt Tấn Xã có học, có đức, có hạnh, có nghề, bước vào làng báo, cái làng báo khốn nạn ấy mới khá được.”
Phóng sự “Khỉ Cà Mâu: Khỉ lấy Người, có con…” đăng trên nhật báo Sàigonmới những năm 1960 được coi là một bằng chứng không thể cãi được của tình trạng hạ cấp của báo chí Sài Gòn. Phóng sự “Con Ma Vú Dài” đăng trên nhật báo Hoà Bình năm 1970 cho thấy tình trạng báo chí Sài Gòn những năm 1970, thời gian đã có những ông ký giả Việt Tấn Xã tài tuấn đưa một luồng gió mới vào làng báo, cái gọi là báo chí Sài Gòn Tiến bộ “Con Ma Vú Dài” không có một xu teng cao cấp hơn cái gọi là báo chí Sài Gòn hạ cấp “Khỉ Cà Mâu..”
Nghe nói trong Khu Kiên Giam Nhà Tù Chí Hòa có Ma. Kiên giam Nhà Tù Chí Hòa là những phòng nhỏ, thường giam một người, nhiều nhất là giam hai người. Bọn Công An cho người tù mới bị bắt vào phòng kiên giam để người tù này không thể gặp những người tù khác. Tôi không biết trước năm 1975, khu kiên giam này được gọi bằng cái tên gì.
Tôi nghĩ tôi không cần phải tưởng tượng, trong những phòng giam Nhà Tù Chí Hòa có biết bao nhiêu người chết oan, oan hồn họ luẩn quẩn trong đó. Nhà Tù Chí Hòa hắc ám, ghê rợn, đầy, nặng những oan khiên, những uất hận, mà không có ma thì còn nơi nào có ma? Tôi nằm phơi rốn 4 năm trong Nhà Tù lớn nhất Ðông Dương ấy – tôi nhát, yếu bóng viá, tôi sợ ma nhất Bắc Kỳ, nhì Ðông Dương – nhưng tôi không thấy, tôi cũng không gặp người tù nào chính mắt  thấy Ma Quỉ trong Nhà Tù Chí Hoà.
Nhưng có nhiều đêm có tiếng Rú tập thể phát lên trong Khu BC của Nhà Tù. Tiếng Rú vang động làm nguời tù khắp các khu choàng tỉnh. Tiếng Rú hú lên trong vài giây rồi thôi. Trong hơn 1500 đêm tôi sống trong những Phòng 10, Phòng 9 Khu ED, Phòng 20 Khu FG, có bốn, năm đêm tôi nghe tiếng Rú ấy. Nghe nói anh em Tù Hình Sự – trộm cướp, giết người – bị giam trong Khu BC, nửa đêm có người đang ngủ choàng dậy trông thấy bộ mặt quỉ sứ hiện lên trong phòng, anh tù này Rú lên, anh em Tù toàn phòng Rú theo. Chỉ có Tù Khu BC bị Phá, bị Sợ đến Rú lên vì nửa đêm thấy Quỷ hiện. Phòng tù ở những khu AH, ED, FG đều bình yên.
Kỳ Hoa Đất Trích. Thu Vàng 2014, hai mươi bốn năm sau buổi sáng xe tù đưa tôi rời Nhà Tù Chí Hoà để đến Trại Tù Khổ Sai Z 30 A, sống bình yên trên xứ Mỹ, tôi nhớ lại những ngày đêm tôi sống trong Nhà Tù Chí Hòa. Tôi vào Nhà Tù Chí Hoà cùng chuyến xe tù đi từ Trung Tâm Thẩm Vấn Số 4 Phan Đăng Lưu, cùng với anh em tôi. Tám văn nghệ sĩ. Hai người chết: anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong Nhà Tù Chí Hoà, anh Dương Hùng Cường chết trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, anh Doãn Quốc Sĩ, anh Khuất Duy Trác, anh Trần Ngọc Tự sang Kỳ Hoa, cô Lý Thụy Ý, cô Nguyễn Thị Nhạn, sống ở Sài Gòn.
Khoảng năm 2000, Ngày Cá Tháng Tư đến, tôi làm bản tin:
“Tổ Hợp Modern Inn International mua Nhà Tù Chí Hoà để chuyển thành khu an dưỡng cho những người Âu Mỹ cả đời không được vào tù một lần, nay muốn biết phòng giam nhà tù ra làm sao, đến ngụ như du khách. Tổ Hợp mua khoảng đất vòng quanh nhà tù trong 500 thước. Nhà của dân trong vùng đó được mua lại, trả bằng đô-la tính trên mỗi thước.”
Tin Cá Tháng Tư ấy của tôi được đăng trên một số báo Việt ở K2 Hoa, nhưng không thấy có tiếng vang.