Đối với ông Obama, việc phá vỡ sự đông giá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ làm tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với các nước trong vùng. Từ bấy lâu nay, Hoa Kỳ bị mất uy tín vì những chính phủ tả khuynh như Cuba và Venezuela, luôn luôn đả kích Mỹ, cho rằng Hoa Kỳ ăn hiếp các nước trong khu vực
Bị Mỹ cô lập kinh tế, Cuba bây giờ vẫn rất lạc hậu. Photo courtesy: www.telegraph.co.uk
Cali Today News - Lúc sắp sửa đọc bài diễn văn ngày 17 tháng 12 tuyên bố Hoa Kỳ và Cuba sẽ tái lập quan hệ ngoại giao sau hơn 50 năm gián đoạn, Tổng thống Obama kể ra vài chi tiết về cá nhân ông: “Tôi sinh năm 1961, tức là sau khi ông Fidel Castro nắm quyền cai trị ở Cuba được hơn hai năm, và chỉ vài tháng sau vụ đổ bộ Vịnh Con Heo”. Sự kiện này cho thấy nhiều người Mỹ, và Cuba đã bị trói buộc trong bối cảnh lịch sử khép kín từ khi họ được sinh ra đời. Con người thì thay đổi hàng hàng lớp lớp, nhưng chính sách thì vẫn không thay đổi. Do đó, đã đến lúc phải phá vỡ vòng cương tỏa của lịch sử.
Tuy nhiên, mặc dù ông Obama và ông Raul Castro, người đối tác bên phía Cuba, chấm dứt giai đoạn lịch sử hơi trễ, không rõ tương lai quan hệ giữa hai nước sẽ như thế nào? Vấn để cấm vận thương mại vẫn còn áp dụng, chỉ nới lỏng đi một chút nhờ quyết định của ông Obama, và trong lúc giới kinh doanh Mỹ đang nôn nóng muốn tiến vào hòn đảo thiên đàng để làm ăn, thì chính quyền Cuba vẫn nắm chặt đường lối quản lý kinh tế theo kiểu của họ. Chế độ Cộng Sản của anh em nhà Castro còn nắm quyền bính. Đây là điểm mà nhiều người Mỹ gốc Cuba oán trách quyết định của ông Obama, họ gọi đó là hành vi phản bội. Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, môt người Mỹ gốc Cuba viết trên website của báo TIME như sau: “Hành động đó có thể tăng thêm sức mạnh cho anh em nhà Castro, và củng cố quyền lực cho một chế độ đàn áp người dân, trừ phi Quốc Hội Mỹ nhúng tay ngăn chặn hành động của ông Obama.”.
Nhưng quá trình thương thảo không phải là dễ, đôi bên đã phải mất gần một năm thương thuyết mật, cùng với sự trợ giúp của Giáo Hoàng Francis. Cuộc thương thuyết chỉ bắt đầu có kết quả khi Cuba chịu thả ông Alan Gross, một nhà thầu Mỹ 65 tuổi, bị toà án Cuba kết tội làm gián điệp hồi năm 2011. Nhờ thay đổi lập trường, nên bế tắc mới được khai thông, và đưa đến kết quả tốt. Mỹ và Cuba đồng ý trao đổi gián điệp trong một vụ thương lượng riêng.
Việc phóng thích tù nhân giúp ông Obama có cơ hội nới lỏng những hạn chế về mậu dịch, du lịch, và ngoại giao. Ngoại trưởng John Kerry sẽ bắt đầu công việc thiết lập Toà Đại Sứ Mỹ ở Havana. Ông cũng sẽ duyệt xét lại việc Cuba nằm trong danh sách các quốc gia yểm trợ hoạt động khủng bố có từ hồi năm 1982, thậm chí Bắc Hàn đã được bỏ tên ra khỏi danh sách xấu này. Từ nay, người Mỹ được phép gửi nhiều tiền đô la cho đảo quốc Cuba. Hàng năm người di dân gốc Cuba sống ở Mỹ gửi về tiếp tế cho thân nhân khoảng $2 tỉ đô la. Người di dân gốc Cuba sẽ dễ dàng quanh trở về thăm quê hương cũ, chỉ cách Mỹ 90 dặm, khoảng 145 km. Bà Julia Sweig, Giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Người Mỹ gốc Latin thuộc Ủy Hội Bang Giao Quốc Tế nói: “Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu ảnh hưởng di sản trí thức, văn hoá khi có bang giao.”.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng phấn khởi khi nghe tin tái lập bang giao giữa hai nước. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà Marco Rubio tiểu bang Florida, một người có triển vọng ra ứng cử tổng thống trong năm 2016, chỉ trích việc tái lập bang giao, ông nói: “Toàn bộ sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao dựa vào một ảo tưởng. Toà Bạch Ốc đã nhượng bộ đủ thứ, và chỉ thu hoạch được rất ít lợi lạc.”. Ông Carlos Guterrez, một doanh nhân Mỹ gốc Cuba, trước đây từng làm Thứ trưởng Thương Mại trong chính quyền Tổng thống Bush con nói với báo TIME ông Obama đạt được một cái “deal” tệ nhất từ trước đến nay, trong khi Raul Castro dành được mọi lợi thế chính trị như ý muốn.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba bị băng giá phần lớn vì tâm tư của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba. Trong nhiều thập niên, cộng đồng này căm hận chế độ Cộng Sản Cuba, và họ chống đối tất cả những mưu toan nhằm giúp hai nước xích lại gần nhau. Các vị dân cử Mỹ ở tiểu bang “lưng chừng” (swing state) như Florida rất sợ không dám làm mất lòng cử tri trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba. Do đó, vấn đề cấm vận đối với Cuba tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nay.
Nhưng thành phần dân số của tiểu bang Sunshine (Nắng Ấm) Florida đang thay đổi. Dân di cư từ Puerto Rico và nhiều nước Mỹ châu Latin khác đến Florida cư ngụ, và họ không hoàn toàn đồng ý với người Mỹ gốc Cuba, những người mang mối hận thù sâu xa với chế độ cộng sản của Fidel Castro. Ngoài ra, trong lúc thế hệ cũ người Mỹ gốc Cuba đòi hỏi phải cấm vận, nhưng con cháu họ, thế hệ trẻ hơn, lại thích nới rộng hoạt động du lịch và thương mại đối với Cuba. Cuộc thăm dò dư luận do trường đại học Florida thực hiện năm 2014 trong cộng đồng người Cuba ở vùng Miami cho thấy rằng 68% chủ trương nên tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong thành phần trẻ, tỉ lệ đồng ý tái lập ngoại giao lên đến 88%. Bà Julia Diaz, một người Cuba sang Florida định cư thời 1970, khi đó bà mới 10 tuổi, nói rằng: “Bây giờ sắp bước sang năm 2015 rồi. Chúng ta nên có đường lối mới.”.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ bị cô lập về ngoại giao và kinh tế do Hoa Kỳ áp đặt không đem lại sự thay đổi về chính trị của nước Cuba. Ông già Fidel Castro năm nay được 88 tuổi, sống sót qua 10 đời tổng thống Mỹ, và nhiều lãnh tụ Liên Xô đỡ đầu cho ông, nay đã chuyển quyền cai trị sang cho người em trai là Raul hồi năm 2011. Có lẽ việc cấm vận sẽ tiếp tục làm cho Cuba ở tình trạng nghèo khó, nhưng nó lại củng cố vị thế lãnh tụ của anh em nhà Castro trong vùng Mỹ Châu Latin. Đã từ lâu nước Cuba không còn làm cái trò xuất cảng cách mạng vô sản sang nước khác. Thế giới sợ Cộng Sản như cùi hủi, chẳng ai thèm tin nữa. Tổng thống nước Venezuela, ông Hugo Chavez, người lúc nào cũng toe miệng lớn tiếng chống Mỹ, lấy làm vinh hạnh khi được làm đồng minh với Havana. Ông ta chi viện cho Cuba hàng tỉ đô la tiền viện trợ bằng dầu hoả và tài vật. Song đó chỉ là một khoản chi phí nhẹ hìu đối với ông, để giúp ông ta chọc giận được Hoa Thịnh Đốn.
Tiếc thay, đến năm 2013, Hugo Chavez lại qua đời, và ngày nay nền kinh tế lệ thuộc vào dầu hỏa của Venezuela đang trên đà suy sụp. Giáo sư Ted Henken, chuyên gia về vấn đề Cuba, dạy ở trường Baruch College tại New York, nhận xét rằng: “Vì thấy Cuba sắp sửa mất chỗ dựa vào Venezuela, nên Raul Castro hối hả mong muốn thương thuyết với Hoa Kỳ, dành cho Hoa Kỳ thêm ưu thế.”.
Đối với ông Obama, việc phá vỡ sự đông giá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ làm tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với các nước trong vùng. Từ bấy lâu nay, Hoa Kỳ bị mất uy tín vì những chính phủ tả khuynh như Cuba và Venezuela, luôn luôn đả kích Mỹ, cho rằng Hoa Kỳ ăn hiếp các nước trong khu vực. Ông Christopher Sabatini, cố vấn cao cấp trong Hội Đồng Liên Minh Châu Mỹ nhận xét: “Từ nay Hoa Kỳ sẽ dễ dàng nói chuyện với các nước Mỷ Latin, khuyên họ nên tránh xa Venezuela.”.
Ở THỦ ĐÔ HAVANA, chuông nhà thờ đổ dồn khi nghe ông Raul Castro chính thức công bố có sự thay đổi trong chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Cuba. Sự thay đổi này sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn lao ở Cuba hơn là ở Mỹ. Ông Raul Castro đã thận trọng đi từng bước, dẫn đến nền kinh tế thị trường, tự do khoáng đạt hơn. Từ nay người dân Cuba bắt đầu được phép mua và bán bất động sản, gần nửa triệu dân Cuba đang làm chủ đơn vị kinh doanh cá thể. Chính sách mới của ông Obama sẽ cho phép một nguồn tư bản rất lớn đổ vào Cuba. Báo cáo thống kê của chính phủ cho biết nền kinh tế Cuba chỉ tăng trưởng ở mức 1.3% trong năm nay, mặc dù đã bắt đầu có đổi mới, có cải tổ kinh tế.
Ông Raul dự trù sẽ rời khỏi quyền bính vào năm 2018, chế độ cai trị ở Cuba sẽ cởi mở rộng rãi hơn. Theo bà Julia Sweig: “Công cuộc cải cách sẽ diễn ra mau hơn, và tốt đẹp hơn nếu quan hệ chính trị, và ngoại giao giữa hai nước được bình thường hoá.”.
Nhưng người Mỹ chớ vội nghĩ đến chuyện sang Cuba mua căn condo để nghỉ hưu cho sướng. Sự thay đổi ở Cuba sẽ không xảy ra một sớm một chiều. Ông Gutierrez cảnh cáo: “Kinh doanh chỉ thành công nếu người Cuba muốn cởi mở. Họ phải biểu lộ ý muốn thay đổi bằng hành động cụ thể.”. Mới đây, ông Raul Castro lên tiếng cảnh cáo ông Obama: “Ông Obama xứng đáng được dân chúng Cuba kính trọng và ghi công. Nhưng việc cấm vận kinh tế đem đến nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Cuba, cần phải chấm dứt.”.
Ông Obama không thể đơn phương bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế. Vấn đề cấm vận đã được san định thành luật của Hoa Kỳ. Tuy ông Obama có thể linh động sửa đổi việc áp dụng lệnh cấm vận, nhưng chỉ có Quốc Hội mới có quyền hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận. Bất cứ một nhân vật nào được đề cử làm Đại Sứ Mỹ ở Havana đều phải được Thượng Viện Hoa Kỳ chấp thuận, tức là phải có sự đồng ý của TNS Marco Rubio, nhân vật quan trọng trong Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện. Ông Rubio nói thẳng rằng ông sẽ làm đủ mọi cách để ngăn cản việc bãi bỏ lệnh cấm vận. Ông tuyên bố như vậy ngay sau khi Tổng Thống Obama đọc bài diễn văn tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Chúng ta cũng nên để ý đến sự kiện là TNS Rand Paul bất đồng ý kiến với ông Rubio. Ông Paul tán đồng ý kiến về việc bình thường quan hệ ngoại giao với Cuba. TNS Rand Paul một đối thủ đáng kể của ông Rubio trong cuộc tranh giành để được đảng Cộng Hoà đề cử ra tranh cử tổng thống năm 2016.
Cuba vẫn còn là một nước độc tài, đảng trị, và chế độ Castro nổi tiếng về việc đàn áp nhân quyền từ nhiều chục năm nay. Họ sẽ còn phải trả lời với dân Mỹ và Quốc Hội Hoa Kỳ về vấn đề này. Nhưng anh em nhà Castro mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Như ông Obama từng nói trong suốt hơn 50 năm qua, quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Cuba luôn luôn ở tình trạng anh em chung một nhà (châu Mỹ), song lúc nào cũng là thù nghịch với nhau. Muốn sửa chữa cái quá khứ thù nghịch đó, sẽ mất thì giờ, và khó khăn giống như phải trùng tu chiếc xe Chevrolet cổ lỗ hủ của thời 1950’s đang chạy trên đường phố Havana.
Ngày 17 tháng 12, Hoa Kỳ và Cuba đã làm một quyết định lịch sử. Cuối cùng, cả hai nước đều muốn nhìn về tương lai.
Quyết định lịch sử tái lập quan hệ ngoại giao có nghĩa như thế nào?
• Nhiều người được phép du lịch sang Cuba: Trong đó có những nhóm đi sang Cuba để làm việc từ thiện, nhân đạo, thể thao hay tìm nguồn xuất cảng.
• Người Mỹ ở Cuba có thể dùng thẻ tín dụng, và thẻ rút tiền ngân hàng.
• Cấm vận mậu dịch sẽ được nới lỏng: Dân Mỹ đi du lịch có quyền mang về Mỹ khoảng $400 đồng hàng hoá, trong đó $100 triệu để mua xì gà và rượu Cuba.
• Mức chuyển tiền kiều hối từ Mỹ sang Cuba sẽ được tăng lên nhiều hơn
Bài tường trình của Bryan Walsh trên báo TIME ngày 5/1/2015
Nguyễn Minh Tâm dịch