Monday, 22 December 2014

Cuối năm tiễn biệt Mẹ

Trần Trung Đạo - Trong những ngày vô cùng khó khăn ở Sài Gòn cuối năm 1972, khi không còn nơi nào khác để trọ, tôi tìm đến một người bạn để nhờ cậu ấy giúp nghĩ ra một cách. Bạn tôi giới thiệu tôi dạy kèm ở nhà người bà cô của cậu. Người đàn bà có tâm hồn bao dung như dòng sông Hằng sau thời gian ngắn đã trở thành mẹ nuôi của tôi. Từ đó tôi không còn khó khăn về vật chất và cả tinh thần nữa. Mẹ người làng Kim Bồng, Quảng Nam nhưng trong các tác phẩm của mình tôi thường gọi mẹ là Mẹ Hòa Hưng để phân biệt với Mẹ Duy Xuyên đã qua đời khi tôi còn rất nhỏ. Cách đây không lâu tôi và bạn tôi gặp lại nhau trong không gian facebook mênh mông nhưng cũng vô cùng gần gũi này.

Mẹ vất vả nuôi bảy đứa con trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ tôi bán bánh bèo ở đầu đường để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ tôi tình nguyện đi kinh tế mới ở Sông Bé để các em tôi còn được phép ở lại Sài Gòn học hết bậc phổ thông. Mẹ tôi đi mót lúa, mót khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những ngày đói khổ. Rồi tôi ra đi. Nhớ lại đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi đón xe xích-lô từ cửa sông về chào mẹ. Trời mưa lớn. Nhưng khi gặp mẹ, với tâm trí ngàn ngập những lo âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng “con đi nghe”. Và như thế tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như chạy trốn để rồi hai ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được hải quân Mỹ cứu vớt trên biển Đông, đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn về phía Nam, tôi biết quê hương và mẹ đã ngoài tầm tay vói của mình. Đời tôi từ nay sẽ như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết ngày về. (*)

Hơn hai mươi năm trước tôi viết một bài thơ về mẹ. Bài thơ ra đời trong một đêm mưa, sau lần điện thoại đầu tiên với mẹ từ Việt Nam. Giọng của mẹ như vọng lại từ một thế giới khác xa xôi. Bài thơ đơn giản và dễ hiểu, nói lên tâm trạng của một người con xa mẹ. Năm tôi viết bài thơ, 1992, mẹ tôi đã 68 tuổi và đang sống trong căn nhà tôn ở Hòa Hưng Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy đỏ đó là nơi tôi đã sống 8 năm. Tôi đặt tên bài thơ là Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười. Nguyên văn bài thơ:

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Giọt nước mưa trong đêm từ giã Sài Gòn có thể đã tròn một cuộc tuần hoàn và chiếc lá dưới cội đa chùa Viên Giác có thể đã hồi sinh thành một chồi xanh, nhưng tôi vẫn còn đi. 

Mỗi lần nói chuyện với mẹ. Câu nói mẹ lập đi lập lại là “Ai cũng về mà sao con chưa về?” Mỗi khi mẹ hỏi tôi thường tìm cách bắt sang chuyện khác hay nói dối như có lần kể lại trong bài thơ Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ. Nguyên văn bài thơ:

Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê

Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có xuân sang
Ðời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn

Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần

Căn nhà cũ chắc năm nay mục nát
Tiền gởi về không đủ mẹ nuôi thân
Con gái lớn theo chồng đi nơi khác
Con trai đầu biền biệt chốn xa xăm

Cây mai nhỏ ba đã trồng năm trước
Mấy xuân rồi có nở nụ nào không
Hay đã chết theo ba từ dạo ấy
Ðể mùa xuân hoa trắng nở trong lòng

Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc hơn nhiều, má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất ở trần gian

Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai

Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn.

Trong hầu hết những bài thơ viết về các bà mẹ Việt Nam, tôi đều có gởi gắm vào đó ít nhiều tấm lòng cao cả của mẹ, một người mẹ Việt Nam hy sinh không điều kiện. Chúng tôi lo lắng cho mẹ với bổn phận làm con nhưng chưa bao giờ trong 33 năm mẹ cầu mong ở chúng tôi một điều gì ngoài câu hỏi “Bao giờ con về?”.

Tình mẹ đẹp như sông Thu Bồn chảy qua ngôi làng nhỏ mà mẹ sinh ra và bao dung như Sông Hằng ở Vanarasi, nơi tôi ngồi im lặng để nhớ về những ngày sống bên mẹ. Dù sao, tôi đã gởi con gái lớn về thăm mẹ hai lần để con tôi biết ơn dòng sông từ bi bác ái đã một thời chảy qua đời tôi và sẽ chảy qua ý thức của các con tôi dù chúng sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ.

Mấy tuần nay mẹ bịnh. Mẹ vẫn nhận ra giọng nói của tôi gọi về nhưng mỗi ngày một yếu hơn. Tối hôm qua, mẹ ra đi khỏi cuộc đời này. Mẹ ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng. Mẹ tên thật Phan Thị Diên, Pháp danh Diệu Hồng, sinh năm 1924 và qua đời ngày 21 tháng 12 năm 2014 tại Hòa Hưng, Sài Gòn, hưởng thượng thọ 91 tuổi. 


Tôi không còn cơ hội để gặp lại mẹ trong cuộc đời đầy trắc trở của tôi nhưng sợi nhân duyên không phải vì thế mà đứt đoạn. Thân tứ đại sẽ trở về tứ đại nhưng tình thương của mẹ sẽ mãi sáng như vầng trăng tròn trên sông Thu Bồn vời vợi. Và tôi tin, trong cuộc tuần hoàn biến diệt không cùng, tôi sẽ gặp lại mẹ lần nữa như đã một lần hạnh ngộ trên quê hương Việt Nam. Tiễn biệt và thương nhớ mẹ.


(*) Trích từ tâm bút Mẹ và Quê Hương